Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

* KÝ SỰ: NỞ HOA MIỀN TÂY BẮC (KỲ 9)

   
Sau hơn một tháng về lại Sài Gòn để khánh thành cầu, nhà tình thương, trường học... tại Cà Mau, Việt Ly lại bay ra Hà Nội để cùng chị Chung, cô Hằng, Thông tài xế và Tuấn (tiền trạm) lên Hà Giang lần nữa.

Trước khi tiếp chuyến viễn du miền cao, mà nghe đâu vất vả hơn chuyến trước, Việt Ly và chị Chung lại đi thăm, tặng quà cho bà con ở trại phong Xuân Mai, Hà Tây. Qua ngày sau Việt Ly và chị Chung ghé đến xóm chạy thận thăm và tặng quà cho mấy gia đình ở gần bịnh viện Bạch Mai Hà Nội.

Chuyến đi Hà Giang lần này chỉ có 3 chị em và Thông tài xế, (được xem như là thành viên trong đoàn,) với Tuấn. Đến Cóc Pài lúc 12:00, ăn cơm trưa nhà Linh. Rồi lại lên đường vào bản Pô Hà 2 xã Trung Thịnh, khánh thành trường học và cho quà các cháu miền thượng du.
                                                  ****
" Trung Thịnh là một xã thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Xã có vị trí:

•        Bắc giáp xã Bản Díu.
•        Đông giáp xã Nàng Đôn.
•        Nam giáp xã Thu Tà.
•        Tây giáp xã Thu Tà, xã Ngán Chiến.

Xã Trung Thịnh có diện tích 13,19 km², dân số năm 1999 là 1.732 người, mật độ dân số đạt 131 người/km².

Xã Trung Thịnh được chia thành các thôn bản: Nấm Ta, Cóc Đông, Pô Hà Thượng, Pô Hà Hạ, Đạm Rặc."

Những bài trước đây cũng đã điểm qua đặc tính của Cốc Pài, là một thị trấn nằm ở vị trí Đông Bắc bộ thuộc tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần; được thành lập vào ngày 31/3/2009. (xem ký sự kỳ 5 về Cóc Pài).

Trước khi vào Hà Giang, đoàn xuyên qua ranh giới Bắc Hà, phát quà dọc đường cho các cháu chăn trâu.Huyện Bắc Hà nằm ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500 m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa.Địa hình Bắc Hà nhiều núi đá vôi, độ dốc trung bình từ 24 đến 28°. Huyện Bắc Hà thuộc Lào Cai, phía Đông giáp huyện Xín Mần-Hà Giang; Bắc Hà rộng 686,78 km², có 68 nghìn người của 14 sắc tộc, trong đó dân tộc H'Mông chiếm khoảng trên 47% dân số trong toàn huyện. Các dân tộc khác còn lại là Kinh, Dao tuyển (Mán đen), Tày, Nùng, Phù Lá, Hoa,...

Xín Mần là một huyện biên giới phía Bắc của Việt Nam, thuộc tỉnh Hà Giang.

Huyện được thành ngày 1 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở tách 17 xã: Cốc Pài, Bản Máy, Nàn Xỉn, Xín Mần, Bản Díu, Chí Cà, Thèn Phàng, Pà Vầy Sủ, Ngán Chiên, Cốc Rế, Tả Nhìu, Thu Tà, Nàn Ma, Bản Ngò, Chế Là, Nậm Dẩn, Tân Nam thuộc huyện Hoàng Su Phì.

Một thời gian thuộc quá khứ, hơn nửa thế kỷ, Hà Giang là nơi chịu đau thương do thổ phỉ Dương Văn Khoắn cướp phá 39 vụ, giết 10 người, thổ phỉ Nguyễn Pó Thiên ở Hoàng Su Phì giết 7 người”, “thổ phỉ tên Dì Pín Sần dùng để giết 7 người ở Xín Mần” và rồi Câu liêm của tên trùm phỉ Tráng Séo Khún ở xã Cốc Pài, huyện Xín Mần. Hắn dùng dao này giết 50 người dân vì không đi theo chúng”.

Thế đấy, đồng bào nơi non cao núi thẳm quanh năm chật vật khốn khó, lao động cật lực để kiếm cái ăn, thế mà còn phải đối mặt với bao tai ương khủng khiếp, rồi thập niên 1979-1988, nơi đây còn chịu đạn bom tàn sát bởi giặc phương Bắc. Ngoài nhân tai còn phải nói đến thiên tai khi mà lũ tràn từ đỉnh cao xuống, cuống phăng tài sản, sinh mạng bao cư dân miền núi. Rất may, đoàn từ thiện vừa về thì Hà Giang bị chuồi đất, giờ đây Lào Cai, Yên Bái, và một số vùng như Mù Căng Chải trở thành hoang tàn, không nhà trú mưa, không nơi tránh rét, không còn tài sản tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày. Phải chăng biên địa luôn là nghiệp vận của cư dân nơi đó!
                                                   ****
 Lần này, mưa nguồn dâng cao, đoàn phải qua bè để vượt 20km đường trơn trượt. Sau đây là lời tường thuật của Việt Ly trong chuyến tái xuất Hà Giang, tại Pó Hà 2, để thấy tinh thần hy sinh của những nụ hoa luôn nở vùng Tây Bắc:
"Do thủ tục hành chánh chậm,, Việt Ly và chị Chung lại tiếp tục có mặt tại Hà Giang trong mùa mưa lũ. Xã Trung Thịnh được gia đình sư cô Thích Nữ Hỷ Lạc (Canada) và gia đình Hùng Sơn (CA) tài trợ qua Hội Food Aid Compassion.Xe khởi hành lúc 5:30 sáng, từ Hà Nội đi theo đường cao tốc Hà Nội Lào Cai lên Bắc Hà và đi thẳng qua Huyện Xín Mẩn thuộc Tỉnh Hà Giang. Thời tiết buổi sáng trời rất đẹp, cả đoàn khấp khởi mừng với hy vọng trời sẽ không mưa.

Gần đến thị trấn Cốc Pài khoảng 4 c/s có một đoạn bị sạt lở cách mấy hôm, tình trạng vẫn còn đang sửa chữa nên chiếc xe 7 chỗ của đoàn phải dừng gần đó gửi tạm nơi người quen và chuyển sang đi xe máy.

Cả nhóm xuống xe đem theo ít hành lý cá nhân và quà cáp. Linh (nhà thầu xây dựng các điểm trường địa bàn Xín Mẩn) dẫn theo vài người ra chở đoàn vào nhà Linh trong thị trấn nghỉ tạm và ăn trưa. Đang ăn thì trời bỗng đổ mưa rất lớn, mọi người nhìn nhau lo lắng vì trên đường đi sẽ phải dùng bè băng qua con suối mà khi nước lên thì chảy rất xiết, không biết có đi qua nổi không?

Đoạn đường từ ngoài vào đến suối là 20km, cơn mưa làm con đường trở nên nhầy nhụa và trơn trượt hơn khiến các tay lái cũng phải e dè giữ tốc độ chậm lại để tránh rủi ro, và cũng mất gần 1 tiếng mới đến con suối. Từ đây qua bên kia bờ đi bằng mảng (người địa phương không gọi là bè mà gọi mảng) được ghép bằng các thân tre khá rộng vừa đủ để chở 2 xe máy và 2 người. Có 4 người đàn ông ngâm mình dưới nước đẩy mảng qua suối. Trời đang mưa nước dâng cao và chảy xiết, đến chỗ nào sâu thì họ tìm cách đẩy qua một bên hoặc vừa bơi vừa đẩy, khoảng 5 hay 7 phút là họ đã đưa mảng qua bờ, và chỉ 3 chuyến họ đưa hết mọi người cùng xe cộ sang bên kia. Mỗi người qua suối cùng xe máy họ lấy $20,000. Đoàn đi 3 xe 6 người chị Chung trả cho họ luôn $200.000.

Lên bờ, mọi người lại phải leo lên con dốc cao khoảng 10m với độ nghiêng là 30 độ. Dốc vừa cao vừa trơn trượt, dắt díu lôi nhau vất vả lắm người và xe mới lên khỏi cái đám bùn đất lầy lội đó để lên đến đường đi, nhưng những tưởng chỉ thế thôi, ai ngờ đoạn đường vào Pô Hà còn 5 km mà cũng vẫn khốn khổ, đường dốc quanh co nhỏ hẹp, nhiều đoạn chỉ vừa đủ cho xe hai bánh, chênh vênh bên vách bên vực, không tiến lên cũng chẳng có đường lùi. Cứ đi một quãng thì lại xuống xe đi bộ để tránh những chỗ đất đá lồi lõm hoặc lầy lội đầy võng suối. Ai cũng nóng lòng vì sợ không kịp làm lễ khánh thành và còn tính đến đoạn đường trở ra nên cứ cắm cúi vượt hết sức mình.

Một điều lạ! Trời mưa dầm dề suốt từ trưa nhưng khi đoàn vừa ngừng xe trước điểm trường thì mưa tạnh hẳn, trời mây quang đãng chiếu sáng hẳn lên! Tấm lều bạt che mưa trước sân ngay lập tức được gỡ xuống cho sáng sủa. Các món đồ chơi sân vườn cũng nhanh chóng được khiêng ra lắp ráp thành hình, quà cáp sắp gọn đầy một góc, không khí màu sắc tươi vui nhộn nhịp tưng bừng hẳn ra làm cho mọi người trong đoàn quên hết cuộc hành trình vừa trải qua với bao gian nan mỏi mệt.

Trong buổi lễ khánh thành Pô Hà 2, chính quyền địa phương các cấp của Huyện, Xã cùng các thầy cô giáo đến tham dự đông đủ và bày tỏ niềm vui chung cùng bà con nơi đây. Ngoài ra còn có phó phòng giáo dục Huyện hiện diện lên gửi lời cảm ơn chân tình đến gia đình sư cô Thích Nữ Hỷ Lạc, gia đình anh Hùng Sơn đã tặng cho ngôi trường mầm non rất đẹp, và rất thuận tiện cho trẻ em trong thôn bản đi học hàng ngày. Sau đó Việt Ly cũng thay mặt cho phía nhà tài trợ và các chị em trong đoàn cám ơn bà con cùng chính quyền địa phương đã góp công sức vận chuyển vật liệu để xây dựng, đồng thời đã tổ chức buổi lễ khánh thành rất long trọng. Mặc dù thời tiết mưa gió suốt nhiều ngày qua, đường đi lại xa xôi vất vả, nhưng các cô giáo cũng chu đáo tổ chức văn nghê cho các cháu ca hát để bày tỏ niềm vui đón nhận trường lớp mới. Thật là cảm động!

Giữa núi đồi bao la, ngôi trường mầm non mới mẻ nổi bật với các đồ chơi sân vườn mang lại nhiều khởi sắc cho cả bản làng. Trẻ con mải mê với những đồ chơi sân vườn, ban đầu mắt còn tròn xoe lạ lẫm nhưng ít phút sau chúng đã tỏ ra nhanh nhẹn tham gia chơi hết mình. Nhiều phụ huynh bày tỏ vui mừng vì từ nay đi làm nương rẫy không còn phải đem con theo trông chừng, và cũng đỡ khổ thân cho những đứa trẻ luôn chịu đựng nắng mưa theo công việc đồng áng của cha mẹ.

Trong khi chờ đợi ban Tổ chức nhà trường sắp xếp chương trình, cô Chung cô Hằng lấy bong bóng ra thổi cho các cháu, đám trẻ vây quanh háo hức, có lẽ chúng chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ đươc cầm trên tay quả bóng màu sắc như thế. Trông chúng mân mê với niềm vui sướng, mọi người cũng hạnh phúc theo.
Sau khi làm lễ cắt băng khánh thành các cháu được thêm nhiều món quà khác. Mỗi cháu một túi to, không riêng trẻ mầm non được quà, mà số còn lại được chia luôn cho các cháu học sinh lớp một lớp hai đang đứng vây quanh vòng ngoài. Thế là tất cả đám trẻ con trong thôn đều có quà. Vui cả làng!

Buổi khánh thành kết thúc lúc 5:00 chiều. Đoàn chuẩn bị về nhưng chính quyền địa phương mời đoàn ghé vào xã ăn cơm, họ đã chuẩn bị trước khiến đoàn từ chối mãi không được, đành lên xe chạy ra xã cách đó cũng gần 10km.
Bữa cơm vừa xong thì trời cũng vừa sụp tối, quãng đường trở ra thị trấn còn 23km nữa, nhưng sẽ có đoạn rất khó đi, mọi người ai cũng lo lắng vì chưa bao giờ đi trong đêm tối giữa núi rừng. Ăn xong, bụng đã no nhưng lo thì nhiều! Lại thấy hối hận vì sự cả nể mà chuyến trở ra phải đối đầu với muôn vàn nguy hiểm trong đêm tối.

Ra khỏi uỷ ban xã vài cây số trời tối hẳn và đường đi bắt đầu lồi lõm cao thấp. Cơn mưa lũ mấy ngày trước đã cuốn phăng hết lớp đất trên mặt đường, giờ chỉ còn đất đá lổm ngổm như lòng con suối cạn. Các lái xe gồng hết mình ghì tay lái như đánh vật với con ngựa sắt bất kham để không bị đổ dồn về phía trước, tránh từng hố sâu do đất sụt lở hai bên đường. Mùi thắng xe càng lúc khét hơn tưởng như đứt thắng đến nơi!

Giờ thì bóng đêm bao trùm tất cả, có lúc không biết chỗ nào hố, chỗ nào đá, chỗ nào trơn, chỉ còn trông vào ánh đèn xe rọi chiếu phía trước rồi nương theo đó mà đi. Càng sốt ruột lo lắng càng thấy con đường xa vời vợi....
Đêm xuống núi rừng trở lạnh đột ngột thế mà ai cũng toát mồ hôi. Cuối cùng xe VL cũng ra đến điểm an toàn, mọi người đến trước đứng chờ đều reo hò vui mừng vì đến đoạn này xem như thoát nạn, Qua bên kia cầu còn khoảng 1/2km đường xấu nữa rồi đi tiếp 10 km nữa là về thị trấn.

9 giờ tối đoàn về đến khách sạn thị trấn Cốc Pài, người nào quần áo cũng sình lầy, tóc tai bê bết mồ hôi, tuy vật vã nhưng ai cũng vui, không có một lời than thở nào! Tinh thần thiện nguyện dấn thân của mọi người trong đoàn như có một điểm tựa vững chắc cho VL và thấy mọi khó khăn nguy hiểm vừa trải qua không có gì sợ hãi nữa!
Một chuyến đi bão tố đầy kỷ niệm này sẽ nhớ mãi và chắc không bao giờ quên được!"
                                            *****
 
 CÓ NHỮNG CON NGƯỜI:                   
Trong cuộc sống luôn có những con người hy sinh cho đồng loại, đồng bào, đồng đạo... Họ gặp nhau tại điểm chung: - đó là lý tưởng "phụng sự". Cho dù từ chân trời góc bể, cách nhau nửa vòng trái đất; tuy ngày và đêm là hai không gian cách biệt, nhưng không gian và thời gian không thể chia cắt nhịp đập con tim, cùng một nhịp đập, cùng một hướng nhìn, họ đã gặp nhau...

Việt Ly và phu quân Minh Duy, họ có nhiều điểm chung trên vòng tròn cuộc sống, điểm sâu đậm cho cuộc tiếp giáp tình người là tình yêu. Một tình yêu không chỉ cho con tim nhỏ bé đời thường, tình yêu đó đã thổi lớn con tim hướng về đạo đức tâm linh và đạo đức xã hội. Họ đều là con út của gia đình; Họ từng trải qua thời trai trẻ nhiều mộng ước, nhiều tương lai trong tâm hồn luôn bay bỏng. Chả hiểu từ lúc nào, cây tình yêu được ươm mầm và phát triển trên mảnh đất đạo đức tâm linh, để rồi, cả hai cùng chấp nhận một sự thật ràng buộc đời thường cần thoát vượt để phụng sự tha nhân, phụng sự lý tưởng. Họ không muốn con cái ràng buộc khi trái tim họ nguyện hướng về việc làm cao cả hơn.

Trong chuyến về công tác từ thiện, thăm viếng bệnh nhân trrong một bệnh viện, Việt Ly gặp một cô gái tuổi còn nỏn nà, đầu và mặt bịt kín bởi tấm băng trắng rớm máu, nạn nhân trùng tên "Ly", gọi là Ngọc Ly . Nạn nhân của một cuộc lừa đảo đối với những cô gái nhẹ dạ, bán sang Trung Quốc, Ngọc Ly đã lãnh trọn ca axit của chàng trai xuẩn động khi kế hoạch bất thành, không riêng Ngọc Ly mà còn những cô gái khác cùng chịu chung cảnh ngộ. Việt Ly dang tay cứu giúp khi hai mẹ con nạn nhân còn tạm trú trong phòng trọ u ám. Một đêm lạnh Đông về, từ cuối hẽm, tiếng khóc trẻ thơ làm cho Ngọc Ly lay động, yêu cầu mẹ đưa đến chỗ có tiếng khóc trẻ thơ, được biết người mẹ vừa sanh em bé tìm cách bỏ rơi, mặc dù trong thời gian thai kỳ, người mẹ bất đắc dĩ kia đã nhiều lần trục thai bằng thuốc cực mạnh mà vẫn không thể. Ngọc Ly khẩn cầu mẹ cứu giúp cháu bé. Nhà cửa bán sạch để lo cho Ly, trong thời gian còn đang chữa trị, làm sao cưu mang thêm em bé. Ngọc Ly mạnh dạn gọi điện xin chị Việt Ly giúp đỡ. Từ đó, một đứa con nuôi hình thành, Việt Ly phải gửi người chăm sóc cho đến lớn. Tuy không muốn có con để hai vợ chồng thong dong trên mọi nẽo đường từ thiện, nhưng rồi, người tính vẫn không qua trời tính.
Kể từ đó, hàng năm, cu Bờm theo mẹ đi suốt những đoạn đường vượt Bắc xuôi Nam để phụng sự cho những mảnh đời bất hạnh, giúp cư dân địa phương có chiếc cầu đi lại, có giếng nước sạch ăn uống, có mái trường gửi gắm con em. Không những có một con nuôi, vợ chồng Việt Ly, ngoài nạn nhân của bạo hành độc ác đó, thêm người chị của nạn nhân cũng đang sống ở quê với gia đình, thế là có thêm hai cô em gái nuôi kể từ đó. Mỗi năm về Việt Nam làm từ thiện, đều đến mái nhà chung để nghỉ dưỡng và hỗ trợ cho cuộc sống mà Việt Ly thành lập nhà giữ trẻ cho hai chị em quán xuyến trông nom.
Minh Duy và Việt Ly vẫn có thời gian tham gia các khóa Thiền của các trường phái, để tạo cho mình một nền tảng tâm linh vững chắc. Việt Ly bộc trực, nóng tánh, thì Minh Duy lại trầm tĩnh, ôn tồn. Tuy là một bác sĩ quân y, nhưng tâm hồn và tánh cách của Minh Duy vẫn thoáng nét tươi trẻ hồn nhiên đến lạ, đó là kết quả của hoa trái công phu nội tâm thâm nhiễm đạo lý. Nhờ thế mà hai vợ chồng luôn bắt tay nhau góp phần xây đắp từ thiện suốt ba miền của đất nước, luôn lắng nghe những nhu cầu thực tế của đồng bào tại quê nhà.
Cô Chung, chả biết nên gọi bằng chị hay bằng cô hoặc bằng bà... Tuy gần 70 nhưng cô Chung vẫn tỏ ra nhanh nhạy sốt sắng nhiệt tình. Từ phong cách đến ăn nói và làm việc, phải chăng tác phong đó là sản phẩm được un đúc từ quân ngũ? Thích hát mặc dù hát khàn khàn, thích nói đùa, khi kiểm tra hàng và khảo giá nhanh tay đến độ chủ hàng chưa kịp hoàn hồn cô đã nhảy lên xe biến mất; lúc ấy nên gọi bằng chị đúng hơn, nhưng vóc dáng đường bệ trước một ông xã gầy mỏng, nếu hai người đứng chung thì bà Chung tỏ ra đường bệ như một nữ tướng ra lệnh ông nhà xốc vác việc nội trợ; lúc ấy gọi là bà cũng không sai. Bác trai tên Dũng sao mà nhũn nhặn đến thế, con người luôn là vậy hay chỉ nhũn nhặn khi gặp mặt bác gái??? Cho dù thế nào mà gia đình hạnh phúc vẫn là hơn, chị, cô hay bà lúc bấy giờ không còn quan trọng mà quan trọng cái tâm đã lộ ra cái tướng và hành động vì mọi người, đấy là mẫu người xã hội đang cần.
Từ hôm cô Chung đi với đoàn, xong lại vào Sài gòn với con cháu, thay vì cùng Việt Ly đi Cà Mau, không được khỏe, về lại Hà Nội, phải nằm bệnh viện do sốt, thế nhưng, khi Việt Ly ra lại Bắc thì cô Chung cũng tháp tùng lên Hà Giang trong mùa mưa lũ. Ngoài đoàn từ thiện của Việt Ly, cô Chung còn tham gia nhiều nhóm khác một cách nhiệt tình, kể từ khi nghỉ bán ở chợ.
Cô Hằng tuy mang bệnh nan y nhưng cũng luôn có mặt trong những chuyến từ thiện trước đây và hiện nay. Tuấn là thanh niên tràn đầy nhiệt huyết cho các chương trình vì cộng đồng do nước ngoài tài trợ, từng giúp nhóm Từ Tâm - Hiểu và Thương đi tiền trạm lập các trường điểm nơi vùng xa xôi hẻo lánh. Thông thì lại là anh chàng thương cũng thừa mà ghét cũng thiếu. Thương là nhiệt tình trong công việc từ thiện, luôn vui vẻ trên từng đoạn đường khó khăn, nhưng ghét là một tài xế khó ăn nhất. Suốt cả ngày cầm lái chỉ cần mỗi cốc cà phê, người mỏng như khô cá lẹp thế mà mỗi lần mở miệng cứ bảo: -"chỉ cần rượu ngon gái đẹp" thôi. Qua tuần lễ lên Hà Giang về Điện Biên, rượu ngon có đấy mà thấy dám nhắm đâu. Gái bu quanh bàn ăn mà có dám cầm tay hay ăn miếng nào no bụng đâu; thì ra bác tài chỉ có cái mồm thôi, thế không ghét là gì. Thế mà bà Chung vẫn thích Thông, chọn Thông trong những năm làm từ thiện để cầm mạng sống của đoàn quả là tinh ý.
                                             *****
Cuộc sống có nhiều khuynh hướng khác nhau, những ai cùng khuynh hướng thường gặp nhau ở một điểm chung. Những khuynh hướng hiện nay trong xã hội, khuynh hướng chung tay vì cộng đồng là một khuynh hướng đầy lý tưởng. Khuynh hướng từ thiện xã hội cũng có nhiều mặt, làm trong khả năng ở một khu vực nào đó, vòng tay kết nối rộng lớn thì tỏa ra những nơi thiếu mọi điều kiện tiện nghi trong cuộc sống. Chính nhờ những tấm lòng, những bàn tay và con tim như thế mà một phần nào đó đã hâm nóng tình người trước bao bất hạnh. Những tấm lòng vị tha đó, thay vì hưởng thụ và du lịch cho bản thân, họ biết đem san lấp cho những mảnh đời, những vùng miền còn cần nhiều sự quan tâm hơn nữa.
Cầu chúc cho những tâm hồn vị tha luôn vượt mọi khó khăn để đến với nhau như những ánh nến thắp sáng chung trong ngõ ngách đen tối của cuộc đời.
  


MINH MẪN
05/8/2017
- Hết -










































Vùng tệp đính kèm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét