Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014


NGƯỜI PHẬT TỬ ƯU TÚ THẾ KỶ XX:
TÂM MINH - LÊ ĐÌNH THÁM

(1897 - 1969)


- MỘT ĐỜI ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
- CÓ CÔNG TRONG VIỆC ĐÀO TẠO TĂNG TÀI, CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
- SÁNG LẬP GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Như lời tự thuật của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, chính vì qua 1 lần gặp gỡ Bác Sĩ Lê Đình Thám, mà Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã phát khởi "hoài bão" để rồi Hòa Thượng đã tạo dựng 12 nấc thang Giáo Lý được gọi là Phật Học Phổ Thông để thiết lập một hệ thống giáo lý căn bản, vững vàng trong việc đào tạo những Tăng Ni Việt Nam có khả năng hoàng dương Chánh Pháp và giáo hóa chúng sinh sâu rộng.

UserPostedImage
Bác sĩ Tâm Minh tại Văn phòng Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới Việt Nam năm 1956 tại Hà Nội

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, tại miền Trung, vào những năm của thập kỷ 1930, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám là người đã cống hiến nhiều công lao xuất sắc, đưa Phật giáo miền Trung phát triển vững chắc và sâu rộng.

Tượng Bác Sĩ Tâm Minh tại chùa Từ Đàm Huế

Để ghi nhớ những công lao của một cư sĩ ưu tú của Phật giáo, chư vị Tôn Đức Giáo phẩm Thừa Thiên-Huế đã tạc một bức tượng bán thân cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám trong khuôn viên Tổ đình Từ Đàm, Huế. Có thể nói đây là vị Cư sĩ duy nhất từ trước đến nay có vinh hạnh lớn được chư vị Tôn Đức quý mến và dựng tượng tưởng niệm.

Cư sĩ Tâm Minh (Bác Sĩ Lê Đình Thám) không chỉ đã cống hiến nhiều công lao chấn hưng Phật giáo nước nhà, mà còn là người tiên phong sáng lập các tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu niên Phật giáo, nhờ vậy Gia đình Phật tử có nhân duyên ra đời và phát triển như ngày hôm nay.

TUỔI THIẾU NIÊN
Thời kỳ đi học, từ cấp I đến Đại học, bác sĩ luôn đứng đầu lớp và chiếm giải Khôi nguyên trong tất cả các kỳ thi.
Trên tạp chí Quốc Học – Huế, kể lại câu chuyện: Lê Đình Thám đã giải một bài toán mà thầy dạy là ông Le Bris, người Pháp, không giải được, khiến ông này vô cùng thán phục và đã nhấc bổng trò Thám lên cao mà nói to: “Đây là thầy của tôi”.

ĐƯỜNG ĐỜI
hực dân Pháp biết bác sĩ Thám xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước cho nên chúng rất chiếu cố đến bác sĩ, đã thuyên chuyển bác sĩ đi nhiều tỉnh như những cuộc lưu đày.

- Mùa Đông năm 1946, bác sĩ về quê ở Quảng Nam tham gia kháng chiến chống Pháp.

- Năm 1947, bác sĩ Thám giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ tại Liên khu V.

- Mùa hè năm 1949, bác sĩ được mời ra Bắc và được đề bạt giữ chức Chủ tịch Phong trào Vận động Hòa bình Thế giới của Việt Nam.

TINH THẦN PHỤC VỤ XÃ HỘI
Bác sĩ Lê Đình Thám được bạn bè và những người đồng liêu đánh giá là người làm việc rất tận tụy, quên mình. Đối với các bệnh nhân, ông đối xử ân cần, bình đẳng, không phân biệt địa vị xã hội, người giàu, kẻ nghèo…

CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT
Đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng khắc trên vách chùa:
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.

PHỤNG SỰ CHÁNH PHÁP
Được Hòa thượng Giác Tiên khai ngộ về ý nghĩa và nguyên nhân phát sinh bài kệ trên. Hoát nhiên tâm đạo bừng sáng, bác sĩ đã thành kính xin quy y với Hòa thượng Giác Tiên, được ban cho pháp danh là Tâm Minh. Từ khởi điểm này, cuộc đời của bác sĩ Thám gắn bó với Phật giáo và hết mình phụng sự Chánh pháp.
Bác sĩ Lê Đình Thám còn thọ giáo với Hòa thượng Phước Huệ, một bậc Cao Tăng đức độ và uyên thâm ở chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định.
Năm 1932 đã quy tụ một số đồng lữ, những người tha thiết với đạo thành lập Hội An Nam Phật Học (thời Pháp đô hộ, miền Trung từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận gọi là An Nam).

MỞ CÁC TRƯỜNG PHẬT HỌC
- Năm 1933, mở trường An Nam Phật Học tại chùa Vạn Phước
- Năm 1935, mở trường Sơn Môn Phật Học
Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (tập III), trang 89 có ghi: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của Ông được các bậc Tôn túc công nhận là thâm uyên, cho nên Ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân ...”. Mặc dù có một kiến thức cao rộng, nhưng cung cách của bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám rất khiêm nhã và trân trọng, mỗi lần có giờ giảng, bác sĩ luôn mặc áo tràng và đảnh lễ Chư Tăng trước khi lên bục giảng.
Tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc gồm có các Học Tăng tiêu biểu như Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Hoa, Trí Tịnh, Nhật Liên....

NHÀ SÁNG LẬP CÁC TỔ CHỨC GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ
Mùa Thu năm 1940, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục.
(Trích Võ Đình Cường - Đặc san 50 kỷ niệm 50 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam)

CƯ SĨ TÂM MINH - LÊ ĐÌNH THÁM (1897 - 1969)
- Một đời đạo pháp và dân tộc


Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức.
Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916, và sau đó đậu Y khoa Bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.

Năm 1928, ông lại được thuyên chuyển về Huế, đảm trách Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur, ông phát minh ra Sérum Normet. Chính năm này, ông mới lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 7 cây số ở sau đàn Nam Giao, để thỉnh tôn ý về bài kệ của Tổ Huệ Năng với Hòa thượng trụ trì là Ngài Giác Tiên. Sau khi hiểu thấu đáo bài kệ, ông đã thực sự chuyển hướng đời mình: Phát nguyện quy y Tam bảo, ăn trường trai từ đó và nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng hóa giúp đời. Với chí nguyện như trên, ông được thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.

Năm 1929, ông thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Hòa thượng chỉ đạo ông nghiên cứu các bài giảng của Ngài Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Ông đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết... và đã được các Ngài chấp thuận.

Năm 1930, ông trở ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, ông vừa học Phật vừa làm ngành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy.

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do các vị Hòa thượng và ông đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức:

- Thuyết pháp hằng nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang.
- Mở trường đào tạo Tăng tài cho Giáo hội sau này.
- Mở thêm các chi hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp khắp các tỉnh.
- Thành lập Thanh niên Đức dục (Phật học).
- Xuất bản tờ báo Phật giáo (Nguyệt san Viên Âm).
- Thiết lập các tòng lâm để chư Tăng tu học, và đào tạo Tăng tài.

Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).

Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chánh pháp, đoàn kết Tăng Ni và Phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ. Chùa Từ Quang, nơi làm giảng đường bước đầu để tuyên dương chánh pháp cũng đã thấy bóng dáng của ông trong chiếc áo dài màu đen và chiếc khăn đóng tươm tất, thành kính đảnh lễ chư Tăng trước khi bước lên Pháp tòa để giảng kinh cho họ.
Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho Nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:

1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm
2. Luận Nhơn Minh
3. Đại Thừa Khởi Tín Luận
4. Bát Thúc Qui Củ tụng.
5. Phật Học thường thức.
6. Bát Nhã Tâm Kinh.
7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca.
8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).

Đời người là vô thường, ông đã ngộ lý ấy và đã bình thản ra đi ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 âl, năm Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu, tại bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội. Thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam Bảo.

Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ XX, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám quả là bậc tiền bối hữu công thật sáng chói, ông đã vượt qua ranh giới hình thức để tựu thành đạo nghiệp cao quí cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng dù xuất gia hay tại gia. (Thư Viện Hoa Sen)

2 nhận xét:

  1. Không ngờ trong Phật giáo lại có 1 vị tài giỏi xuất chúng như thế. Thật là đáng ngưỡng mộ!

    Trả lờiXóa
  2. Thật là quá xuất chúng! Ông có hạnh Bồ Tát!

    Trả lờiXóa