Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Nhất Phi góp ý với Minh Mẫn về "Trẻ hóa Phật sự"


Nhất Phi góp ý với Minh Mẫn về "Trẻ hóa Phật sự"
Đọc mấy bài viết gần đây của anh Minh Mẫn thấy anh có vẻ quá lo lắng cho tâm trạng của các vị "tôn giáo bạn" quá!
Chức sắc tôn giáo bạn quan trọng tới mức như vậy sao? Có quá đáng, quá lời không khi cho rằng chỉ khi nào các chức sắc "tôn giáo bạn" (Thiên Chúa hay Tin Lành?)"tỏ ra nhiệt tình sốt sắng hoan hỷ" thì "may ra đại hội IX sẽ thay lời nói về “đổi mới tư duy” và chứng minh được là TH PG TP đã trẻ hóa Phật sự"(!!?). Sao anh Minh Mẫn hiểu rõ tâm trạng họ thế?
Xin lưu ý anh Minh Mẫn: khi viết về một đề tài nghiêm túc với đối tượng là chư Tôn Đức (dầu sao anh Minh Mẫn cũng là "nhà tu xuất" mà, phải không?) không nên dùng những từ ngữ dung tục trong tâm cảm sân hận hay mang tính dè bỉu mỉa mai đối với quí Ngài. Mình phước đức bao nhiêu, đã làm được những lợi ích gì cho đạo pháp và dân tộc chưa mà lớn tiếng chê bai nặng nề quí Ngài vậy?
Ngoài ra, cũng xin thân tình nhắc nhở anh Minh Mẫn: mình là người lớn, có thể là một Phật tử nữa, trong bài viết góp ý về Phật sự thì không nên chêm vào những thứ lai căng "ô kê - ô kiếc" chi, nghe không được lịch sự lắm và thậm chí hơi vô lễ.
Tôi không phải chức sắc trong giáo hội, chỉ là 1 Phật tử bình thường thôi nhưng tôi có thể thông cảm và chia sẻ sự khó khăn của quý Ngài đối với vấn đề trẻ hoá nhân sự bộ máy lãnh đạo hiện nay.
Tôi nghĩ rằng đâu hẳn hễ trẻ tuổi đời thì gọi là trẻ! Xã hội thiếu gì những “cụông  trung niên” với cách nghĩ cách làm hết sức bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, theo kiểu “ai sao tui vậy, ai làm bậy tui làm theo”! Thua xa mấy “chàng thanh niên lâu năm”, năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm.
Huống nữa kinh nghiệm, đạo hạnh mới là vấn đề cốt tuỷ của một lãnh đạo tôn giáo, chứ không phải hễ “khi người ta trẻ” (chữ của Phan Thị Vàng AnhNP) là người ta sẽ lãnh đạo tốt!
Việc chuyển giao một thế hệ, đối với tổ chức thế tục mà người ta còn  hết sức thận trọng, lên cả kế hoạch dài hạn và thực hiện từng bước rất chậm, rất lâu, đến sốt cả ruột. Có khi tuyên bố, cam kết trong cả mấy nhiệm kỳ mà vẫn chưa thực thi được.
Huống hồ, ở đây là một tổ chức tôn giáo, tức lãnh đạo về tinh thần là chính, vốn đặt nặng về kinh nghiệm, về đạo đức và đạo hạnh, đạo phong lên trên hết. Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, quí Ngài hiện nay vẫn chưa gọi là già. Giáo hội vẫn cần quý Ngài ở những vị trí trọng yếu, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, trong nhiệm kỳ này.
Anh Minh Mẫn có vẻ bực bội vì Đại hội Đại biểu Phật giáo TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VIII (2012-2017), không thực hiện đúng những gì đã cam kết, đã tuyên bố lâu nay.
Xin anh vui lòng nêu cho mọi người biết: có một Đại hội nào, ở đâu, thuộc tổ chức nào, quốc gia nào tính từ Quốc hội trở xuống mà việc thực thi đúng như cam kết được trọn vẹn 100%? Hay chỉ là 80,70% thôi? Thậm chí chỉ 60%  thôi cũng đã là giỏi lắm rồi.
Vì sao như vậy? Vì một lẽ đơn giản là bản chất toàn bộ hiện hữu mà ta đang “cho là thấy” đây, hết sức tạm bợ vô thường, hay thay đổi, biến hoại từng giây, từng sát-na. Mong cầu một điều gì đó phải diễn tiến như ý muốn chủ quan của mình (điều này trong kinh, Phật dạy là “Chớ hy vọng tương lai”) là thiếu hiểu biết, là vô minh.
Đề ra kế hoạch tốt đẹp, hoàn hảo đến mấy đi nữa cũng chỉ là kế hoạch, là ý thức chủ quan. Giữa ý tưởng chủ quan và thực tế luôn có một cự li. Thực tế chứng minh chưa bao giờ có một kế hoạch gì, ở bất cứ lĩnh vực nào việc khi thực thi nó lại đạt đến mức100%. Tính toán siêu đẳng như NASA kia kìa, ấy vậy mà Apollo 13 vẫn bị sự cố nghiêm trọng, tàu con thoi Challenger còn bị nổ tung nữa là!
Nói vậy, không phải để bào chữa cho quý Ngài, các Ngài không khiến tôi làm việc này và cũng không cần một Phật tử bình thường như tôi lên tiếng bênh vực. Thật ra, đối với việc trẻ hoá bộ máy lãnh đạo, không riêng gì Giáo Hội PGVN, mà bất cứ tổ chức nào cũng đều mong muốn.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ngoài lý do chủ quan (không muốn thay đổi, chỉ hô hào suông để lấy điểm), thực tế khách quan cho thấy làm được điều này không dễ chút nào. Có lẽ anh Minh Mẫn hoặc nhiều vị sẽ nói:Biết làm không nổi thì thôi, đừng tuyên bố, cam kết làm chi, làm suy giảm niềm tin của mọi người.
Tôi thì có suy nghĩ hơi khác một chút: Thà là có tuyên bố, có cam kết cũng được gọi là “gióng lên một tiếng chuông” cũng là một hình thức “ký hợp đồng miệng” với xã hội, còn hơn là xếp xó, bỏ ngoài tai không thèm đếm xỉa, thậm chí còn lên án việc trẻ hoá nhân sự lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ở cấp cao.
Tuyên bố còn đây, “hợp đồng” còn đó, “món nợ” này đến lúc hợp cơ duyên cũng phải giải quyết thôi!
Anh Minh Mẫn hãy bình tâm nhìn xung quanh đi, sẽ thấy những điều tôi đã thưa không phải là vô căn cứ.
Là những người Phật tử thuần thành, chúng ta quan tâm, lo lắng đến sự thịnh suy của Giáo hội là điều hiển nhiên, nhưng cũng chính vì là Phật tử cho nên chúng ta cũng cần phải nhớ về lời Phật dạy về lý nhân duyên. “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không”. Nhân chưa đủ, duyên chưa có, thời chưa hợp thì quả chắc chắn sẽ chưa thành.
Còn nếu đặt câu hỏi là: khi nào nhân duyên hội đủ, thời cơ khế hợp? Thì vấn đề đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này.
Nhất Phi - PTVN
Cư sĩ Minh Mẫn phúc đáp Nhất Phi về "Trẻ hóa nhân sự, Phật sự"
Trước nhất, tôi xin cám ơn anh Nhất Phi và các phản hồi góp ý. Thứ đến, xin có vài lời phúc đáp anh Nhất Phi và những ai quan tâm đến vấn đề trẻ hóa nhân sự, Phật sự trong các cấp GHPGVN hiện nay:
1/ Sao anh Nhất Phi biết tôi lo cho tôn giáo bạn qua vài câu trong bài như thế? So sánh, tỷ giảo, khích tướng...chỉ là phương tiện. Trong cuộc đua nếu không có đối thủ thì làm sao cố gắng vượt mức. Trong xã hội có những đoàn thể tương tự, nếu không nhìn người để tự mình tiến, cứ nằm ỳ ỷ lại thì tổ chức sẽ ra gì?
2/ Cám ơn anh Nhất Phi đã thể hiện tâm chất của một Phật tử chân chính đối với chư tôn túc mà tôi còn thua xa, bởi  tôi còn quá nhiều tâm sân hận phàm tục khi nhiệt tình đối với đạo nên lời lẽ thiếu nghiêm túc. (ở trong chăn mới biết chăn có rận!!!)
3/ Vấn đề trẻ hóa, tôi đâu buộc phải trẻ tuổi, trong bài tôi đặt vấn đề có thể trẻ trong cung cách làm việc cơ mà!
4/ Cái khó khăn không chỉ đối với quý ngài mà bất cứ tổ chức nào cũng có khó khăn, nhưng không có nghĩa vì khó khăn mà nằm ỳ một chỗ?
5/ Đạo hạnh và tuổi tác đâu phải chỉ có trực tiếp lãnh đạo mà gạt tuổi trẻ ra ngoài? cố vấn chỉ đạo để kèm và hướng dẫn lớp trẻ làm việc cũng cần lắm chứ; nếu đợi tuổi trẻ có kinh nghiệm, có đạo hạnh để lãnh trách nhiệm thì lúc ấy lớp trẻ cũng đã trở thành tuổi già!!! và đâu phải tuổi trẻ nào cũng bảo thủ, lạc hậu, an phận thủ thường, bạn chưa thấy có những Tăng ni trẻ rất xông xáo hoằng pháp tự nguyện các vùng sâu vùng xa mà bị một vài thầy chức sắc địa phương bảo thủ, cố chấp gây trở ngại thì sao?
5/ Ngôn từ của một xã luận khác với ngôn từ của một thỉnh nguyện thư hay văn bản hành chánh, sao gọi là thiếu nghiêm túc?
6/ “Chàng thanh niên lâu năm”, năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm. Anh cho biết "chàng thanh niên lâu năm nào" đã năng nổ xông xáo và hết sức táo bạo với tinh thần dám nghĩ dám làm trong GH hiện nay??? Nếu từng có những chàng như vậy thì GH qua 30 năm không thể như vậy. Ngay cả văn thư hành chánh mãi đến nay vẫn chưa thấy tiến bộ thì chàng nào xông xáo tiến bộ hơn?
7/ Tôn giáo cần đạo hạnh và tuổi tác, nhưng đây là nghiệp vụ và tổ chức hành chánh, cần phải năng động, không thể so sánh khập khiễng.
8/ Việc thực hiện cam kết khi tranh cử của thế tục, họ cũng chưa thể hoàn toàn 100%. Không ai đòi hỏi toàn hảo như thế, nhưng ít ra phải thể hiện đươc từ 10-20%. Chẳng lẽ với lý do khó khăn mà 30 năm qua vẫn không có gì thay đổi? Nếu có thay đổi tiến bộ, năng động thì  PG đã không mất tín đồ hàng ngày nơi vùng xa vùng cao!
9/ Tính tạm bợ, vô thường là cốt lỏi của PG nhìn vào sự diễn tiến của cuộc sống, nhưng không vì thế mà không dám đặt niềm tin cho kế hoạch ngắn và dài hạn cho Phật sự. Bảo là vô thường mà không chịu trách nhiệm công việc thì đóng cửa lo tu hơn là lãnh đạo một tổ chức .
10/ "...Thà có tuyên bố cam kết còn hơn... " sao nói giống thế tục hứa rồi không giữ lời? Tu sĩ là "trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng", cảm thấy cái gì làm được hãy nói, nói mà không làm thì người thế nào???
Tóm lại, chúng ta không cầu toàn, nhưng là một tôn giáo toàn triệt, sứ giả của tôn giáo ít ra phải thể hiện thiện chí, khả năng và nhiệt tâm để từng bước chứng tỏ hiệu quả của lời hứa khi nhận lãnh trách nhiệm trước tiền đồ đạo pháp.
                                                MINH MẪN
                                                   29/9/2012

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

TRẺ HÓA NHIỆM KỲ VIII TH PG

 TRẺ HÓA NHIỆM KỲ VIII TH PG

Chiều 27/9, sau hai ngày làm việc, Đại Hội cũng đã kết thúc với sự nhất trí 100% khi HT T.Thiện Nhơn đưa ý kiến thăm dò. Thật ra khi Ngài nói: danh sách tân Ban Trị Sự, ai có ý kiến thì đưa tay, nếu không thì xin thông qua. Nghĩa là chưa đầy hai giây để thăm dò ý kiến thì đã thông qua. Có lẽ ngài làm cho đúng thủ tục chứ biết là chẳng ai có ý kiến gì khi mà mọi sự đã được ơn trên an bày!!!

Theo tinh thần Đại Hội kỳ nầy, sẽ trẻ hóa cấp lãnh đạo PG TP. Nếu trẻ hóa thì phải hóa trẻ từ trên xuống dưới. HT.T.Trí Quảng trên dưới 70, chưa gọi là già (vì ĐH bầu chọn người trẻ mà HT đã được trúng cử). HT liên tiếp nhiều nhiệm kỳ đứng đầu BTS PG TP, tức HT trẻ mãi không già!. Các nhân sự trong 53 vị thường trực và không thường trực, 20 vị dự khuyết, đều là những gương mặt không xa lạ đối với quần chúng Phật tử trong TP, từng giữ nhiều chức vụ, nếu có thay đổi, chỉ là xào qua nấu lại cho khác một chút; khả năng, nhân cách từng vị, đều biết nhau quá, có lẽ vì thế mà dễ làm việc. Những vị như vậy đều gần 60 trở lên ( nghĩa là chưa đủ 100 thì chẳng gọi là già).

Vậy trẻ hóa nhân sự kỳ nầy phải chăng là “Đổi mới tư duy” trong cách làm việc của các nhân sự??? Có lẽ cần phải vậy, nếu PG TP HCM đủ can đảm, nhất là người đứng đầu BTS có sáng kiến và can đảm xóa sạch vết xe cũ để vạch một đường hướng mới thì họa may PG TP mới có áo mới để mặc, lúc bấy giờ PG TP đã mặc chiếc áo mới cho những phật sự mới, đem đến thành quả mới, thì sinh khí mới có cơ may chuyển hóa. Đã bao năm rồi PG vẫn ỳ ạch như cổ xe do bò già kéo, muốn đi nhanh cũng không được.

Thế thì trẻ hóa trong suy nghĩ, có kế hoạch mới để tinh thần và bộ mặt PG mới hơn, Thành hội PG đã có kế hoạch đổi mới tư duy chưa? Chả lẽ nhiệm kỳ mới, chiếc bình mới mà rượu vẫn cũ thì trẻ hóa khẩu hiệu mà thôi. Cứ tạm lưu nhiệm nhân sự cũ và tuổi tác gần đất xa trời, nhưng các vị can đảm, dám nói, dám làm, lấy tiêu chí làm lợi cho đạo, làm giúp Tăng Ni Phật tử, làm hết mình, làm theo lương tâm và trách nhiệm, không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ mình làm không đúng như đã hứa, may ra như thế tạm gọi là mới; Cái mới không kém cần thiết là làm mới hệ thống hành chánh, cách làm sao cho gọn nhẹ, không phiền hà Tăng ni, không khó khăn cho quần chúng là ok rồi! để có một chút hy vọng Đại Hội nhiệm kỳ IX sẽ không kéo dài lê thê đến nỗi các chức sắc nhà nước và các tôn giáo bạn cứ xem chừng đồng hồ. Những tham luận có trong văn kiện, chỉ cần  vài phút là xong, thế mà các chức sắc tôn giáo bạn phải nghểnh tai ra như vịt nghe sấm với những  số tiền làm Từ Thiện của mình, hết tỷ nầy qua tỷ nọ, những con số vô nghĩa trở thành ý nghĩa nhiều mệt mỏi, rồi lại phủ nhận, cho đó là không chính xác vì báo cáo tròng tréo…thật là hành xác một cách trớ trêu đối với họ!

Những báo cáo thành tich mang tính nội bộ, đừng bắt quan khách phải bị tra tấn  một cách “hồn nhiên” như thế! Giản lược  được trong các cuộc họp cũng là cách đổi mới thực tế. Chiếc xe gọn nhẹ thì chạy được nhanh. Công việc gọn nhẹ thì việc làm có kết quả. Nếu trẻ hóa được công việc, trẻ hóa trong thao tác thì tuổi tác không cần đặt ra.
Như vậy Phật sự cho nhiệm kỳ VIII nầy là vẫn Phật sự cũ nhưng đặt ra phương trình mới để tìm cách làm có kết quả nhất, sáng tạo nhất, sáng tạo mãi đến khi mà các chức sắc tôn giáo bạn nhận được thư mời, họ tỏ ra nhiệt tình sốt sắng hoan hỷ thì may ra đại hội IX sẽ thay lời nói về “đổi mới tư duy” và chứng minh được là TH PG TP đã trẻ hóa Phật sự. Lúc ấy, các cụ chống gậy vào hội trường, lên bàn chứng minh, vẫn thừa sức chứng minh mình còn trẻ, Phật giáo còn trẻ, Phật sự luôn trẻ.

Hãy đợi đấy, xem TH PG TP trẻ hóa nhân sự hay trẻ hóa Phật sự, trẻ hóa cách làm việc hay trẻ hóa những nhiêu khê!!!

MINH MẪN
27/9/2012
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

đoàn hành hương của chùa Kim Liên q.8











ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TP. HCM NHIỆM KỲ VIII (2012-2017)




ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TP. HCM NHIỆM KỲ VIII (2012-2017)

Sáng 26/9/2012, tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, diễn ra Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ VIII.

Trước đó mấy ngày, cờ, phướng, pano, biểu ngữ  giăng treo tứ phía nơi công cộng; từ chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng cha Cả, hướng phi trường, đường Phổ Quang, khu vực mũi tàu công viên Hoàng văn Thụ…dẫn vào nhà truyền thống chùa Phổ Quang đường Huỳnh Lan Khanh – quận Tân Bình, phía sau quân khu 7 ( bộ Tổng tham mưu cũ), rộn rịp như một lễ hội truyền thống, nhưng thật ra, chỉ là đại hội thường kỳ của Phật giáo Thành phố!

Qua hình thức phô diễn, người ta cảm nhận có một Phật giáo đang nở hoa. Thật vậy, từ Nam chí Bắc, các cơ sở thờ tự tầm vóc vĩ mô hiện diện và phát triển hết sức bề thế. Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Bạch Mã, và đang xây dựng một Trúc Lâm miền Tây Nam Bộ; chùa Bái Đính phía Bắc, chùa Đại Nam Bình Dương phía Nam, Nghệ An đang xây dựng ngôi chùa hàng trăm mẫu với kinh phí vài chục tỷ; một số tỉnh thành đang xây dựng với quy mô lớn, và vô số chùa tư có một phí tổn chưa thể quy định. Song song đó, số lượng tu sĩ cũng lạm phát đáng kể, số lượng không tương thích với chất lượng. Vì thế mà trong tham luận “ chuyên đề về Tăng sự” của PG Q.9 gọi là “hảo tâm xuất gia với lý tưởng giải thoát” rất ít mà “hoàn cảnh xuất gia” lại quá nhiều. Sự phát triển mặt nổi của Phật giáo trong nước hiện nay cho phép mọi người nghĩ rằng : được “quốc vương hộ trì”. Đúng, thời đại nào bất cứ tôn giáo nào, kể cả Khổng nho, khi được quốc vương hộ trì đều có điều kiện trăm hoa đua nở. Nhưng hộ trì cũng tùy loại hộ trì, có những hộ trì mà Phật giáo được ăn sâu vào quần chúng, có những hộ trì mà Phật giáo đứng bên ngoài xã hội. Thời Đại Lý Trần, từ vua quan đến thứ dân đều ảnh hưởng một tinh thần đạo Phật nhân bản. Phật giáo trở thành mạch sống, máu huyết của dân tộc, là chất keo sơn đoàn kết xã hội chống lại phương Bắc xâm lược, vì quốc vương không những có tâm với Phật mà còn có tu và thâm hiểu giáo lý, vì thế sự hộ trì không đi quá mức cần thiết, không mê tín, không biến Phật giáo thành một bộ phận béo phì mất cân đối trong cơ thể xã hội. Cho dù là tôn giáo, một khi được ưu đãi quá mức cần thiết, sẽ như là cây kiểng quá nhiều phân bón, phát triển mất cân đối, biến thành dị dạng. Con người bồi dưỡng quá mức cũng sẽ béo phì đưa đến bệnh hoạn, đó là quy luật tất yếu về sự mất cân bằng trong  phát triển cuộc sống.

Qua 6 nhiệm kỳ kể từ ngày thành lập GHPGVN từ 1982, mỗi năm đại hội đều nghe báo cáo tổng kết thành quả “vượt mức chỉ tiêu”, đều đưa kế hoạch cho năm năm tới; thế nhưng mỗi lần tổng kết đại hội, các đại biểu đều nghe những mặt tiêu cực của ngành Hoằng Pháp, ngành giáo dục, ngành Tăng sự, Từ Thiện xã hội…đều được các cơ sở báo động những bất cập trong nội bộ. Các tham luận đều có sáng kiến góp ý xây dựng, nhưng tất cả đâu cũng vào đó, hình như những đóng góp không được điều nghiên thực hiện, vì thế cái gọi là tổ chức Giáo Hội, vẫn là một cơ thể bất toại, sống nhờ bơm hơi tiếp sức từ những phương tiện ngoại hộ, đáng ra,  thời gian trên 30 năm với một tổ chức thống nhất và được yểm trợ bởi quốc vương hộ trì, nếu là tôn giáo bạn, có lẽ họ đã trở thành quốc đạo, có thực chất, có tầm vóc. So với 11 năm sóng gió trước 1975, GHPGVNTN, vừa xây dựng cơ sở, vừa giáo dục đào tạo Tăng ni, vừa hướng dẫn quần chúng Phật tử, vừa đấu tranh cho hòa bình, thế mà chư tôn đức đã tạo nhiều dấu ấn cho giáo sử một thời. Tăng phong đạo cách của chư Tăng trong thời nhiễu nhương thuở ấy cũng không đáng báo động như ngày nay.

Chúng ta không quy kết cho trách nhiệm quốc vương hộ trì mà hãy nhìn lại khả năng điều hành của tổ chức. Ngay cả một văn bản hành chánh mà từ văn phòng Trung ương cho đến các Tỉnh thành quận huyện cũng chưa thực hiện đúng nguyên tắc, kể cả văn cú và nội dung mâu thuẩn lượm thượm.

Trong bản tham luận của Ban Từ Thiện-Xã hội THPG do HT T. Như Niệm, Phó Ban trị Sự THPGTP.HCM kiêm Phó ban Thường trực Ban TTXH TW.GH góp ý “Cần Thay đổi Tư duy Trong Công Tác Từ Thiện Xã Hội” cũng đã có nhiều trái nghịch: Trang 3 tờ rơi :”…TTXH PG cũng không thể chủ động ngay được mà phải chờ xin phép, chờ thông bạch của GH, rồi mời họp để tổ chức…” bị vướng vào thủ tục lề mề như thế, trang 4, lại bảo: “…một nguyên nhân dễ thấy là do cơ chế của chúng ta và do thói quen làm từ thiện không đầu không đũa (đuôi?), không quy về một mối, mạnh ai nấy làm. Dẫn đến tình trạng không tôn trọng tổ chức…” muốn tôn trọng tổ chức thì phải chấp nhận sự lề mề thôi!.

Cũng trang 4: “…năm 1997, Ban TTXH PG TP.HCM có lập Tuệ Tĩnh đường tại chùa Pháp Hoa( Phú Nhuận)”,  do HT Như Niệm chủ quản đã”đào tạo 50 lương y có bằng cấp, sau khi tốt nghiệp, một số phục vụ tại Tuệ tĩnh đường, một vài người mở phòng khám riêng, một số đi làm việc khác. Tuệ Tĩnh đường sau một thời gian hoạt động đành phải “phá sản” vì người được giao quản lý lạm quyền, dẫn đến thất thoát. Và điều quan trọng, Tuệ tĩnh đường hoạt động không hiệu quả, đành phải nghỉ.”Thế nhưng, cách đó vài giòng, Ngài lại bảo: “Làm từ thiện hiện nay muốn hiệu quả thiết thực, có giá trị phải đồng thời có nhân lực đủ nghiệp vụ chuyên môn, biết hoạch định qua các dự án ngắn, trung và dài hạn một cách rõ ràng hiệu quả từng giai đoạn…” Những lương y trên có bằng cấp, có nghiệp vụ mà vẫn bị phá sản là sao?
Còn nhiều Tham luận của các quận huyện nội ngoại thành, cũng kêu ca, cũng góp ý, cũng quan tâm tiền đồ PG, cũng bấy nhiêu nhân sự với những bộ mặt cũ, với những khả năng hạn chế để trang điểm cho Đại hội PG TP, rồi, ngoài hình thức phô trương, ngoài báo cáo dông dài, ngoài chi phí tốn kém…rồi cũng đâu lại vào đó nằm chờ 5 năm nữa để tiếp tục trình diễn bài ca “không bao giờ quên”. TP đã vậy thì các tỉnh thành làm sao tránh khỏi vết xe cũ cho xong nhiệm vụ. Chính vì nội dung Phật chất thiếu sung mãn, rất ít hành giả hành trì, quần chúng  rất ít thâm hiểu giáo lý, và quốc vương hộ trì chỉ là  cách vun quén hậu thuẩn thì chắc chắn Phật giáo  trở thành kẻ lạ đối với xã hội đang chật vật với kinh tế hàng ngày, và không lâu, cái tổ chức GH sẽ trở thành một đoàn thể trong những đoàn thể của xã hội mà không còn là tôn giáo hướng dẫn tâm linh cho dân tộc. Các chức sắc GH cũng chỉ là quan chức PG song hành với quan chức thế tục.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số chùa đủ uy tín để Phật tử nương tựa, một số thầy chú trọng về giáo dục mà không nặng về phát triển cơ sở vật chất dù cơ sở đang xuống cấp, vẫn có một ít bậc chân tu…nhưng bấy nhiêu chưa đủ làm miệng vành cứng cáp để giữ chiếc thúng khỏi xiêu vẹo.

Thà rằng Đại hội có thực chất để củng cố nội tình PG trong thầm lặng hơn là biến thành một lễ hội loãng màu giữa phố thị nhiều màu sắc hiện nay. Thêm một ít màu sắc trong các ngã đường dẫn vào Đại hội càng làm cho PG lạc loài giữa cuộc sống xô bồ, xuống cấp đạo đức mà người dân đang cần tôn giáo đóng góp hơn là trình diễn.

                                                        MINH MẪN
                                                           26/9/2012

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

MÁI ẤM CHÙA PHẬT MINH – BẾN TRE



Cách thị xã Bến tre 7km, cách Mỹ Tho 20km và cách Vũng Liêm, Vĩnh Long 45km, vào sâu trong làng, chùa Phật Minh mang dáng dấp cổ kính với cây cao bóng mát phủ sân; trong đó 70 tâm hồn non trẻ đang được sưởi ấm bời lòng từ bi của sư cô Ngộ Mai.


Một buổi sáng, do Phật tử Vũng Liêm giới thiệu, về hướng Bình Đại, huyện Châu Thành, Bến Tre, Xã Giao Hòa giáp chân cầu mà trước kia là bến phà, quẹo vào làng quê của xứ dừa, cổng chùa xuất hiện như khiêm tốn ẩn mình giữa không gian tĩnh lặng. Thật tình mà nói, nhiều người có tâm hồn từ thiện rất ngán ngẫm mỗi khi nghe nói đến các nhà mở, các mái ấm, các viện mồ côi do xã hội đảm trách hay tôn giáo cai quản. Mạnh thường quân đến viếng, hầu hết đều cảm nhận rằng các cháu ăn mặc rất bẩn, sinh hoạt bừa bãi, thiếu vệ sinh, không ngăn nắp và việc ăn uống cũng chưa tương xứng với sự ủng hộ của những tấm lòng hào hiệp dành cho trẻ con trong các tụ điểm nuôi trẻ mồ côi như thế, ngược lại, các vị cai quản lại quá thừa thải trong mọi phương tiện sinh hoạt như xe cộ, điện thoại cầm tay, áo quần, trà nước…chưa nói đến một ngân khoản khá lớn dành cho việc giao tế của viện.
Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi gặp sư cô Ngộ Mai, người vừa là trụ trì một cổ tự, vừa là bà mẹ của 70 đứa trẻ không mẹ cha, đang xúm xít trong một ngôi chùa mà chỗ ăn chỗ ở chưa đủ không gian sinh hoạt hợp lý. Lần đầu gặp sư cô, không ai nghĩ người là trụ trì chứ chưa nói là bà mẹ hào hiệp của những mãnh đời bất hạnh. Cô cho biết nguyên nhân đầu tiên thành lập chùa mồ côi là khi gặp trẻ con sắc tộc vùng cao nguyên, đói ăn, bắt trùng dế và bất cứ con gì ăn được đều cho vào mồm; chúng thất học, thậm chí lang bạt vì không có mẹ cha, từ đó sư cô phát tâm nuôi các con em bị bỏ rơi. Khi nghe kể như thế, người đối diện liên tưởng ngay có lẽ sư cô là người sắc tộc, vì vóc dáng quê mùa, ăn nói cục mịch chân chất, đen đúa, thậm chí ăn mặc xuề xòa như một nông dân chân lấm tay bùn, nhưng khi biết ra, sư cô là đệ tử của cố HT T. Minh Phát, chùa Ấn Quang, được thầy đưa về đảm nhận ngôi chùa nầy trên 25 năm, nuôi trẻ trên 20 năm.
Phật tử Vũng Liêm đến thăm viếng lần đầu, không gặp do sư cô đi đám lấy tiền nuôi các cháu, mãi 18 năm sau, quần chúng các nơi mới biết nơi đây có nuôi trẻ mồ côi, tức hai năm trở lại chùa mới được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm khắp nơi. Có lẽ vì thế mà thợ đang xây dựng thêm chỗ cho các cháu cư trú sinh hoạt. Nhiều đoàn đến thăm, phát quà, các cháu đều quy tụ trên chánh điện.
Hiện nay, sư cô nuôi 70 em, lớn nhất là vào đại học được 4 cháu, hoặc các ngành nghề khác nhau. Nhỏ nhất là còn nằm nôi; hai cháu đang học lớp 12. các cấp còn lại có 50 cháu. Lớp mầm lá có 12 cháu. Sư cô được một số người tình nguyện làm bảo mẫu không lương. Các tình nguyện viên như thế được 25 vị.
Các trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện khi sanh xong, được bác sĩ gọi cho sư cô đến bảo lãnh. Hiện hai cháu được hơn một tháng tuổi. Một cháu khác được năm tháng đang nằm sốt, có lễ cần hơi ấm của mẹ, nhưng cháu thiêm thiếp trong nôi được bao phủ tình thương của sư cô và các bảo mẫu. Theo sư cô, việc lo cái ăn, cái học cho các cháu không đáng ngại bằng lúc ốm đau, những lúc như thế, sư cô vay mượn khắp nơi để đưa các con đi bệnh viện. Với tình thương và trách nhiệm như thế, nhiều cháu trưởng thành, ra ngoài lập nghiệp, vẫn không quên ân đức nhà chùa nên thường trở về thăm viếng bà mẹ nhân ái và mái ấm nhà chùa nơi thôn quê êm ả!
Tuy cái ăn cái mặc chưa được đầy đủ, tươm tất, nhưng vẫn không thiếu so với những trẻ con nơi thôn quê nghèo khó nầy. Hàng ngày sư cô giao cho các bảo mẫu trông nom cơ sở để chạy vạy kiếm tiền. Nguồn thu nhập chính của những năm trước là đi đám, bây giờ chùa làm thêm sữa đậu nành cho khách tham quan để có thêm thu nhập, và cũng được sự quan tâm từ các mạnh thường quân gần đây. Mùa Trung Thu nầy được một số huynh đệ Mỹ Tho, Vĩnh Long, Vũng Liêm ủng hộ hàng trăm chiếc bánh, trong đó, một số dân quê nghèo ăn theo mỗi khi có đoàn từ thiện đến ủng hộ.
Một chùa Cô nhi nằm giữa thôn quê nghèo,cuộc sống chung tất phải khó khăn mọi bề, nhưng sư cô, với đầu trần chân đất hòa nhập chung nếp sống cơ hàn, đã tạo được niềm tin đối với quần chúng, vì thế, họ không ngại xa xôi, đến phụ giúp sư cô để góp phần an ủi những mãnh đời bất hạnh mà tương lai là công dân của một dân tộc, biết đâu trong số các cháu, sẽ là một trong những nhân tài cho đất nước.
Rất may là chính quyền địa phương không gây khó khăn cho chùa như một vài nơi mỗi khi mở điểm nuôi trẻ mồ côi; nhờ vậy mà sư cô ngày một phát triển theo hạnh nguyện, vì sư cô vốn xuất thân từ trẻ mồ côi. Chính vì vậy người mới hiểu thế nào là giá trị của một tình thương cần sưởi ấm lòng người.
MINH MẪN
18/9/2012
Địa chỉ: Chùa Phật Minh
69, ấp 3, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre.
ĐT 0753865049
DĐ 0919638871
Tài khoản ngân hàng: Nguyễn Thị Liễu (Thích Nữ Ngộ Mai)
7108205010810 ngân hàng Nông nghiệp Agribank



Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT









ĐẠO TÂM và TINH TẤN
NHỮNG NGƯỜI CON PHẬT, KHÔNG MONG LÊN CỰC LẠC, CHỈ CẦN NGỌC XÁ LỢI!!!

sư cô Ngộ Mai trụ trì chùa Phật Minh





Sư Cô Ngộ Mai, mẹ của 70 cháu mồ côi tại Bến Tre

cô nhi chùa Phật Minh Bến Tre









Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHÀNG THANH NIÊN CỦA...




Kính gửi cư sĩ Minh Mẫn bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh.

Là người nhiều năm nghiên cứu Phật học, xin cư sĩ cho biết nhận định của KS Lê Quốc Trinh về Phật giáo như vậy là đúng hay sai? (Xin cư sĩ viết thành bài).

Rất mong nhận được bài của cư sĩ.

Kính chúc cư sĩ nhiều sức khỏe.

Trân trọng,

Thích Minh Trí

TẤT ĐẠT ĐANGUYỄN TẤT THÀNH

Đặt hai người nầy bên cạnh nhau chắc chắn tôi sẽ bị ném đá.

Người Phật Giáo, không phải là các thiền sư, cho đó là sự phạm thượng. Người cộng sản cho đây là sự xúc xiểm.

Tôi không theo Phật cũng không theo Cộng nên đối với tôi, đó là hai chàng trai, hai chàng trai rất đặc biệt. Hai người ấy thường xuyên hiện hữu trong tâm trí của rất nhiều người Việt Nam, tôi là người Việt Nam nên không thể không thường xuyên suy nghĩ về họ.

Tất Đạt Đa là một chàng trai diễm phúc, có danh hiệu ai cũng mơ tới và không có mấy người có được: Thái tử. Chàng chuẩn bị lên ngôi vua. Chàng có vợ tuyệt đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc, có người hầu kẻ hạ, sống trên nhung lụa. Thế nhưng chàng không tự giam mình trong lầu son gác tía. Chàng đi xuống với dân gian. Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại. Thế là chàng, trong một đêm trăng sáng, dứt vợ đẹp con ngoan để ra đi tìm đường cứu khổ cho nhân loại.

Ban đầu chàng có lầm lạc, đi sai đường, nhưng sau đó tỉnh ngộ, sửa sai, đi theo con đường khác và chàng đã thành công, đạt được đại giác ngộ, thấy ra con đường tự giải thoát bản thân và giải thoát cho cả nhân loại.

Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này.

Chàng trai Nguyễn Tất Thành sinh sau hơn 2000 năm, có hoàn cảnh bất hạnh hơn. Chàng là công tử con một vị quan nhỏ nhưng ông ta trong cơn say đã lỡ tay đánh chết người, bị truất chức quan đuổi về vườn. Con đường học hành để nối nghiệp cha vì thế cũng bị cắt đứt, chàng xuôi vào Nam và lên tàu, vượt biển, theo như chàng tự kể lại, là để tìm đường cứu nước ngay trong độ tuổi hai mươi.

Được sự gởi gấm của cha, khi vừa đặt chân đến trời Tây, chàng đã nhận được sự bảo bọc và dạy dỗ của một nhà cách mạng kiệt xuất thời đó là cụ Phan Chu Trinh.

Nhưng theo như lời chàng kể, con đường cứu nước ôn hòa, đấu tranh dân chủ của cụ Phan là con đường lầm lạc, chàng tự đi tìm con đường khác: Đường Kách Mệnh theo phương pháp đấu tranh bạo lực của ông trùm duy vật bạo lực Lê Nin. Đó là con đường kích động hận thù và đấu tranh bạo lực tiêu diệt nhau giữa các tầng lớp nhân dân để phát triển.

Vài mươi năm sau, chàng về nước cùng nhân dân đứng lên cướp chính quyền từ tay của chính phủ Trần Trọng Kim và của vua Bảo Đại rồi tuyên bố độc lập. Chàng trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tất Thành trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước do chàng và các đệ tử của chàng lãnh đạo vẫn không một ngày dứt cảnh tang thương, lòng người luôn luôn ly tán, tầng lớp nhân dân nầy thù địch với tầng lớp nhân dân kia. Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.

Tất yếu phải như vậy, vì con đường của chàng mang từ trời Tây về là con đường lấy sự đấu tranh hận thù giữa các giai cấp làm lẽ sống.

2.9.2012

Huỳnh Ngọc Chênh

* Phản hồi của KS Lê Quốc Trinh

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nè,

Tui là Phật tử thuần thành, nghiên cứu triết lý Nhà Phật theo lăng kính khoa học, nên tui có trách nhiệm cần nhắc nhở ông Chênh vài ngộ nhận về Đạo Phật nhe.

Ông Chênh nói rằng: …”Con đường của chàng Tất Đạt Ta là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát. Chàng trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Con đường của chàng vạch ra đã hơn 2000 năm trôi qua, hiện nay vẫn là lẽ sống của gần cả tỷ người trên hành tinh này”…

Hổng phải vậy đâu ông ơi! Là con người không ai có thể từ bỏ hay diệt tham sân si được đâu, vì đó là trạng thái tâm lý, hiện tuợng năng lượng phát triển. Thái tử Tất Đạt Ta đã vì lòng ham muốn “tìm chân lý” mà phải trải qua biết bao khổ cực, suýt chết đấy. Tham Sân Si thường được Đức Phật so sánh như ba ngọn lửa nóng. Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu. Tuy nhiên Đức Phật không hề kêu gọi “diệt” tham sân si, ngược lại Ngài hướng dẫn phương pháp tu hành để phát triển trí tuệ nhằm kiểm soát ba ngọn lửa đó. Ba nguyên tắc tu học theo thứ tự ưu tiên là GIỚI , ĐỊNH , TUỆ. Chỉ có con đường GIÁC NGỘ, phát triển trí tuệ khám phá chân lý mới giải thoát con người khỏi khổ não mà thôi.

Nói chính xác hơn thì phát triển trí tuệ đi đến giác ngộ chỉ là phương tiện, mà hướng tiến đến chính là “lòng từ bi” yêu thương chúng sinh. Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẫn quẩn của thù hận.

Thân chào ông nhé,

Quốc Trinh, Canada

……………………………………………………………………………………………………..

NHẬN ĐỊNH… bài của nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh và phản hồi của KS Lê Quốc Trinh VỀ HAI CHÀNG TRAI…

Thực tâm mà nói, ông Huỳnh Ngọc Chênh không có ý đồ làm lệch hướng giáo lý nhà Phật cũng như hạ bệ Đức Phật, nhưng do suy diễn theo kiểu tục đế mà làm lệch ý nghĩa sự giải phóng con người khỏi khổ đau trầm luân của Đức Phật.

Một tín đồ nhiệt thành sẽ không chấp nhận đem hai hình ảnh đứng cạnh nhau để xem ai cao hơn ai, nhưng khách quan và khoa học mà xét, điều nầy khả thi ở góc độ triết lý nhân bản.

Xin được lần lượt trả lời với nhà văn Huỳnh Ngọc Chênh: “Thời đó, Ấn Độ dân đông nên đời sống rất cùng cực do vậy chàng thấy nhân dân mình đói nghèo, khổ sở quá, khổ khắp mọi nơi. Từ đó chàng quy nạp lên cả nhân gian nầy là một bể khổ, ở đâu cũng khổ, trong hoàn cảnh nào cũng khổ: Sinh, bệnh, lão, tử đều khổ. Chàng chạnh lòng nghĩ rằng phải tìm ra con đường cứu khổ cho nhân dân của chàng và cho cả nhân loại.”

Thưa ông Huỳnh Ngọc Chênh, thời đó dân Ấn không đông hơn bây giờ đâu. Hiện giờ trên một tỷ người, tuy Ấn Độ là một trong những nước phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là về tin học, thế mà mức sống của dân chưa mấy thay đổi, vì đẳng cấp xã hội còn đè nặng lên giai cấp cùng đinh. Nếu nói theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, do nhìn thấy dân mình khổ mà chàng quy nạp nhân gian nầy là bể khổ… thì cái thấy của chàng Tất Đạt Đa còn quá hạn chế.

Tuy còn bé, Tất Đạt Đa đã thấy mạnh hiếp yếu, vật lớn ăn vật nhỏ, đã thấy con người không ai thoát khỏi sanh già bệnh chết từ người đến vật, từ sang đến hèn chứ không chỉ nhân dân nghèo khổ của Ấn độ. Với cái sở học toàn triệt do các đạo sư hiền triết hướng dẫn khi còn trong cung điện, đã giúp cho chàng Tất Đạt Đa có cái ý niệm tổng quát về cuộc đời rồi. Khi ra dạo bốn cửa thành thực chứng hiện trạng kiếp người, Tất Đạt Đa đã phải tìm một phương thức giải thoát cho nhân loại khỏi trói buộc trong vòng lẩn quẩn đó.

“Con đường của chàng là mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát.”

Có lẽ nhà văn chưa phải là một hành giả, chỉ là một học giả, nên không phân biệt được thế nào là từ bỏ Tham-sân-si để đổi lấy Từ-bi-hỷ xả. Thật ra Tham sân si hay từ bi hỷ xả chỉ là trạng thái tâm lý, không là vật thể để có thể lựa chọn từ bỏ hay chấp nhận như một đồ vật. Từ bỏ một chiếc áo bẩn, một đồ vật không thích hợp thì dễ, vì đó là vật ngoài thân, nhưng trạng thái tâm lý dính liền với tưởng thức thì ta nên dùng chữ chuyển hóa đúng hơn. Tốt và xấu là hai mặt trong một hợp thể, nó không phải hai khối rời nhau, để chọn cái nầy bỏ cái nọ được. Như nước đục được chuyển hóa thành nước trong cùng trong một ly nước; làm sao gạt bỏ cái đục để lấy cái trong khi chúng là một hợp thể??? Vì thế Tham sân si được chuyển hóa bằng một quá trình ý thức tu tập thì Từ bi hỷ xả tự lộ diện, đâu cần phải lấy từ đâu tới hay từ ngoài vào để trang bị cho một ý thức, một tâm trạng, mới thương yêu mọi người rồi tiến tới giải thoát? Huỳnh Ngọc Chênh đã chia chẻ quá trình chuyển hóa tâm thức của Phật giáo thành những công đoạn duy vật.

Sự so sánh nhân thân của hai thành phần trong xã hội khác nhau quá xa, xa về ý thức hệ, xa về nhân cách, xa về tổng thể… Mục đích Huỳnh Ngọc Chênh muốn tô hồng đức Phật nhưng thực ra đem cánh sen so sánh với hoa mồng gà quả là sự so sánh lệch lạc. Một đàng hóa giải nỗi thống khổ trần gian bằng tư duy thực nghiệm, một đàng chỉ thấy cái ách thống trị trước mắt mà không thấy tận nguồn của nghiệp thức thì hành động đưa đến dĩ nhiên mâu thuẫn lòng vòng trong đau khổ, lấy bạo lực giải quyết bạo lực, lấy đau khổ trấn áp khổ đau thì đâu vẫn hoàn lại đấy; Vì thế Đức Phật bảo chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù. Kết quả giá trị của hai hành động đã được ông Huỳnh Ngọc Chênh xác minh.

“Một đệ tử nổi tiếng của chàng đã nói: Có triệu người vui thì có triệu người buồn. Do vậy có triệu người tôn thờ chàng thì cũng có chừng ấy kẻ căm ghét.”

Huỳnh Ngọc Chênh đã thấy được tính mâu thuẫn mà học thuyết Mac-Lê đã nói: “Trong một hợp thể, luôn có hai mặt mâu thuẫn đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẫn nầy thì mâu thuẫn khác phát sanh…”. Thế thì giải quyết một vấn đề cho một triệu người vui tất phải có hàng triệu người buồn là lẽ tất định. Trong khi giáo thuyết nhà Phật hàng ngàn năm qua, giải quyết vô số người khổ đau có ai bị đau khổ hơn trong vấn đề giải quyết đó, hay đã hoán chuyển họ thành an lạc và giúp chung quanh an lạc, từ bi hơn?

Học thuyết phương Tây lúc bấy giờ, kể cả giáo thuyết, luôn nằm trong thế nhị nguyên, chưa vượt thoát được tính ràng buộc đối đãi, được và mất, hơn và thua. Vì thế đưa ra mặt hay sẽ kèm theo cái dở. Hoặc anh là bạn, hoặc là kẻ thù, đó là lối suy diễn phàm phu, nhà Phật vượt thoát hai phạm trù đối đãi nên không bị kẹt vào hậu quả tương tác. Giải thoát kẻ bị trị bằng tiêu diệt kẻ thống trị, lực lượng triệt tiêu thống trị sẽ trở thành kẻ thống trị kế thừa, đó là quy luật.

Đúng như KS Lê Quốc Trinh viết: “Có trí tuệ mà thiếu từ bi thì nguy hiểm vô cùng đấy ông. Có lòng từ bi nhưng không biết hỷ xả (bằng trí tuệ) thì con người cứ bị mắc kẹt mãi trong vòng lẩn quẩn của thù hận”.

Lấy Tham sân si để giải quyết Tham sân si tăng thêm thù hận khổ đau; dùng từ bi vị tha hoán chuyển tham sân si đem đến an lạc hài hòa.

Huỳnh Ngọc Chênh có ý thức tốt về giáo lý nhà Phật nhưng chưa hiểu thấu đáo nên nhầm lẫn trong cách suy diễn, cứ nghĩ muốn làm người tốt là phải lấy cái nầy bỏ cái kia mà không thấy được quá trình chuyển hóa tâm lý của một hoa sen mọc từ bùn. Nếu bỏ bùn lầy thì làm gì có sen phải không ông Huỳnh Ngọc Chênh? Nói theo KS Lê Quốc Trinh là:

“Đó là năng lực cần thiết để con người có ý chí kiên trì đạt đến mục tiêu tối hậu”.

Tóm lại, thế gian pháp và xuất thế gian pháp là hai lãnh vực khác biệt không thể so sánh khập khểnh như thế; cho dù so sánh thế nào cũng không tránh khỏi người đứng giữa hai làn đạn.

MINH MẪN

09/9/2012

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

CẦN LÀM RÕ...


Cần làm rõ những bất minh của THPGHP trong việc trục xuất ĐĐ Trụ trì chùa Cao Linh

Mãi đến nay, gần một tháng, từ khi có quyết định số 85/QĐ-BTS khai trừ ĐĐ Thích Giác Nghiên, trụ trì chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) gây xôn xao không ít trong cộng đồng Phật giáo Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, về một văn bản sai nguyên tắc hành chánh, về một việc làm thiếu nghiêm túc của Ban Trị sự PG HP trong tổ chức, về cách hành xử không đúng giới luật nhà Phật và thiếu tình người của những chức sắc, của những bậc thầy đối với hàng đồ đệ đáng tuổi con cháu của các ngài. Phải chăng dùng quyền lực để áp chế tu sĩ mà một số BTS trong nước đã và đang hành xử?

Qua trao đổi với phóng viên Bảo vệ Pháp luật, TT.Thích Thanh Giác, Phó Ban trị sự THPGHP, sư phụ của ĐĐ Thích Giác Nghiên thừa nhận: “Những mâu thuẫn giữa ông và ông Nghiên là mâu thuẫn giữa Thầy với Trò, bố với con. Tuy ông có văn bản trình Thành hội, nhưng không ngờ Thành hội lại ra Quyết định tẩn xuất ông Nghiện lại quá nóng vội, chưa đúng quy trình như vậy...”

Thế nhưng, cũng trong cuộc trao đổi trên, một đoạn khác, TT Thanh Giác lại bảo: Tôi cũng chỉ dẫn ông Nghiên về sám hối, nhận lỗi với Thành hội thì Thành hội sẽ không tẩn xuất. Nhưng, ông Nghiên chỉ có văn bản sám hối gửi tôi, nội dung rất chung chung... Vì vậy, tôi buộc phải có văn bản đề nghị khai trừ sư ông Nghiên ra khỏi Giáo hội.”

Văn bản đề nghị khai trừ thầy Giác Nghiên ra khỏi Giáo hội tức là đã có ý đồ tẩn xuất, chứ không phải là đe dọa, thì việc Thành hội ra văn bản khai trừ, sao TT Thanh Giác bảo là: “không ngờ”; khi báo chí vạch trần sự sai trái của văn bản 85/QĐ-BTS và việc làm vô trách nhiệm của TT Quảng Tùng thì TT Thanh Giác lại chữa cháy bằng cách đổ vạ là "nóng vội, chưa đúng quy trình”. Nếu một vị thầy có tinh thần giáo dục, có trách nhiệm và có lòng từ bi trước sự sai trái của đệ tử lòng non dạ trẻ thì không thể dùng quyền lực của Ban trị sự yêu cầu “khai trừ”, một từ mang tính chính trị-bạo lực của thế gian chứ không phải ngôn ngữ của người tu nhà Phật; và nếu thầy Thanh Giác biết nguyên tắc hành chánh “chưa đúng quy trình” thì thầy đã không hành xử với đệ tử như thế?

Trao đổi với PV về 6 “tội” của ĐĐ.Thích Giác Nghiên, TT.Thích Thanh Giác cho biết: "Đúng là tôi đã có đơn báo cáo thành hội về 6 “tội” của ông Nghiên. Tuy nhiên, tôi cũng không có băng ghi âm, ghi hình, hay chứng lý nào khác, chủ yếu là nghe một số người phản ánh như vậy. Các hành vi vi phạm trên của ông Nghiên chủ yếu là không nghe theo thầy nghiệp sư và báo cáo Thành hội". Một chức sắc trong BTS Thành hội, đã biết đồng nghiệp ra văn bản không đúng quy trình, mà lại làm trật quy trình khi kết tội đệ tử chỉ nghe nói lại mà không có chứng từ, hình ảnh, ghi âm như ông thú nhận với phóng viên?

Qua 6 tội vạch lá tìm sâu, không tội nào mang tính chất phạm giới hay phạm luật. Mở phòng phát hành là phạm giới? Mở khóa tu mùa hè giúp con em rèn luyện đạo đức là phạm giới? Lập Niệm Phật đường giúp Phật tử tiện việc tu tập là phạm luật? Độ người xuất gia là phạm luật? Chỉnh trang và xây dựng bổn tự là trái pháp luật? Xét cho cùng, tất cả chỉ chạm lòng tự ái của các bậc “cao xanh” vì trẻ dám chứng tỏ khả năng vượt trội đàn cha đàn chú. Có nghĩa là trong cơ chế quan liêu của BTS Hài Phòng và một số tỉnh thành phía Nam, không ai được vượt quyền nổi trội hơn các vị có thẩm quyền tại chức, thà để ngoại đạo tự tung tự tác không sao.

Ví dụ, tại một số xã vùng xa ở Bình Dương, không chùa thất nào được quy tụ quá 5 Phật tử đến lễ bái nếu Ban đại diện PG huyện ở đó không cho phép, vì họ sợ phân tán tín đồ trong một mặt bằng rộng lớn của vùng rừng cao su. Hay như Hòa thượng Thích Nhuận Thanh, Trưởng Ban trị sự PG tỉnh Bình Phước không cho phép bất cứ tu sĩ nào tự động sinh hoạt trong các vùng đa phần sắc tộc thiểu số, không một chùa thất nào được mọc lên, mặc dù mỗi lần lễ, tín đồ phải vượt gần trăm cây số để đến chùa. Trong khi đó, các vùng miền Đông cao nguyên, tín đồ Tin Lành ngày một phát triển một cách nhanh chóng.

Thêm một quan chức Phật giáo trong BTS Hài Phòng, ông Giác Hiền, Phó BTS kiêm chánh văn phòng THPG HP, mặc dù là huynh đệ đồng sư với thầy Giác Nghiên, cũng gây khó khăn vô nguyên tắc khi quyền lực đang nắm trong tay: "Hiện tại sư Nghiên mới có 2 hạ, 3 năm đi hạ từ 2007 – 2009 thì đến nay chúng tôi mới tập hợp danh sách việc đi học của ông Nghiên và các sư khác để báo cáo Thành phố cho phép, chúng tôi mới cấp Chứng điệp an cư. Nhưng với khuyết điểm của ông Nghiên như vậy, chúng tôi cũng không thể đưa vào danh sách đợt này, (nhưng theo thầy Giác Nghiên thì đã đủ 10 hạ kể cả thời gian du học ở Đài Loan). Việc cấp chứng điệp an cư đâu liên hệ gì đến việc thầy trò của họ tố khổ mà phải ngưng? Phải chăng đây là việc thừa gió bẻ măng của những tâm hồn hẹp hòi được lộng trong chiếc áo đạo đức tôn giáo???

Về vấn đề TT Quảng Tùng, Phó ban thường trực Ban trị sự THPGHP, trả lời với báo chí: “Căn cứ vào đơn đề nghị của thầy nghiệp sư Thích Thanh Giác, chúng tôi đã cho gọi ông Nghiên lên Thành hội để làm kiểm điểm, sám hối nhưng ông ấy không lên, cũng không gửi văn bản sám hối... thì chúng tôi buộc phải ra Quyết định tẩn xuất thôi. Còn về chứng lý, không cần phải kể 6 “tội” chỉ cần căn cứ vào việc độ giới người xuất gia trái phép là đã đủ “tội” để khai trừ rồi."

Chỉ đơn giản có lệnh “triệu tập” mà không đến thì ra lệnh tẩn xuất khỏi Giáo hội? Luật pháp thế gian cũng phải nhiều lần cảnh báo, ngoan cố mới xử phạt, nhưng chưa phải phạt khai trừ khỏi tổ chức chỉ vì không đến trình diện theo lệnh gọi! Phật giáo mà thiếu lòng từ bi hơn thế gian thì có xứng đáng là chức sắc đại diện cho Tăng Ni và cũng là một trụ cột của Giáo hội? Hầu hết các chức sắc Phật giáo có địa vị chức quyền, cứ nghĩ mình có quyền sanh sát trong tay, thường o ép Tăng Ni, bất kể giáo luật, nội quy, Hiến chương hay Pháp lệnh Tôn giáo, thậm chí còn lạm dụng hành chánh thế gian đòi quản chế tại gia đối với thầy Giác Nghiên? Ôi, loạn từ đời đến Đạo. Nếu TT Quảng Tùng mà là một Tổng Bí thư thì con dân cho đi mò tôm hết chăng?

Thế nào là độ người xuất gia trái phép mà TT Quảng Tùng không trưng dẫn điều khoản nào trong luật tạng hay trong nội quy Tăng sự? Vấn đề độ người xuất gia trái phép, nếu có, nó thuộc về giới luật của Đạo, thì sao xử dụng hành chánh để làm văn bản tẩn xuất? giúp người tu học mà khó đến thế sao? Ông Quảng Tùng lẫn lộn giữa quy tắc hành chánh và luật Đạo nên mới tuyên bố ngớ ngẩn: "Còn về quy trình thì, chúng tôi đã 2 lần cho họp các thành viên trong hội nghị với số lượng còn đông hơn cả Hội đồng Yết Ma, mọi người đều nhất trí, cần gì phải thủ tục thành lập Hội đồng yết ma gì nữa...”

Thế là ông ta chỉ căn cứ số đông theo kiểu bầu bán thế tục chứ không dùng luật Đạo tác pháp Yết Ma??? Ối trời, một chức sắc PG cấp Tỉnh mà trình độ hành chánh và giáo luật như thế sao bảo không loạn; Tăng Ni chỉ sợ quyền lực, làm sao họ kính nể những thạch trụ Phật Pháp như thế! Những vị nầy, Giáo hội nên cho thọ giới Sa Di và học hết bốn cuốn luật trước khi thọ Tỳ kheo trở lại, mới hy vọng không làm hoen ố Đạo và tổ chức Phật giáo. Theo cung cách làm việc cũng như ngụy biện của thầy Quảng Tùng đúng là quan liêu cửa quyền chứ không phải là một chức sắc tôn giáo. Ngay cả ông Phó Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ Hải Phòng cũng bảo văn bản của Ban trị sự THPGHP là sai nguyên tắc, và chính quyền địa phương cũng không đồng thuận việc làm tắc trách quan liêu của BTS PG HP.

Khoản 3, điều 43, chương 8, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, ban hành theo Quyết định số 054/QĐ/HĐTS ngày 10-02-2009 của Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, về việc bãi miễn trụ trì quy định: "Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có quyền ra quyết định bãi miễn và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với cơ sở Tự, Viện khi vị trụ trì cơ sở đó vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước". Vậy thầy Giác Nghiên vi phạm Hiến chương Giáo hội và pháp luật nhà nước trong điều khoản nào để bãi nhiệm trụ trì???

Chuyện Phật giáo Hải Phòng không chỉ đơn thuần chùa Cao Linh mà chắc sẽ còn nhiều tu sĩ bị o ép như thế. Không riêng BTS PGHP mà còn nhiều BTS các tỉnh thành lạm quyền bắt chẹt Tăng Ni. Giáo hội Trung ương chắc chắn không hề biết và cũng không thể xử. Nếu Mặt trận là vệ tinh của đảng thông qua tôn giáo hướng dẫn quần chúng thực hiện chính sách, nếu Ban Tôn giáo là cơ quan chuyên sâu nắm vững tôn giáo đi đúng chính sách và tôn giáo cũng không nằm ngoài quỹ đạo của ngành an ninh xã hội, thì những cơ quan chức năng như thế có bổn phận kết hợp với Trung ương Giáo hội để giúp các chức sắc Phật giáo quán triệt chính sách, pháp luật, giáo luật, pháp lệnh khi làm việc, để những chức sắc Phật giáo là người thầy chân tình, người bạn thân thiện đối với Tăng Ni, người thầy đáng kính của Phật tử, không là hung thần làm méo mó hình ảnh từ bi của nhà Phật.

Yêu cầu các cơ quan chức năng làm sáng tỏ những hành động bất minh của BTSPG HP, hầu giải oan cho những tu sĩ trẻ năng động làm lợi Đạo giúp đời như thầy Giác Nghiên hiện nay. Đồng thời làm trong sạch tổ chức BTS PGHP để chuẩn bị cho Đại Hội Phật giáo trong nhiệm kỳ mới.

Minh Mẫn (04/9/2012)