Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011
PHẬT TỬ VIỆT KIỀU VỚI SỰ ƯỚC VỌNG.
Mùa hè nước Mỹ nóng không thua ở Việt Nam; vùng Hoa Thịnh Đốn đã như thế thì các bang gần sa mạc sẽ như lò bánh mì thôi. Nhưng ít ai phải chịu cái nóng như thế, vì trong nhà , máy lạnh 24/24, bước ra ngoài là lên xe cũng có máy điều hòa. Cộng đồng kiều bào không nóng bởi khí hậu nhưng nóng bởi nghiệp vận đất nước và vận mệnh Phật giáo.
Tin tức hàng giờ về tình hình biển Đông, về cuộc sống của ngư dân bị đe dọa, về tính ngạo mạn của Trung Quốc, về tính nhu mỳ tinh tế của lãnh đạo Việt Nam, về xáo trộn vô đạo đức của xã hội…Cộng đồng Việt Kiều tuy sống trên xứ hòa bình, nhưng luôn nóng lòng hướng về quê mẹ. Bên cạnh đó, sinh hoạt tín ngưỡng trên đất khách cũng làm bức xúc không nhỏ cho số phận của một tôn giáo truyền thống VIỆT NAM đang lan tỏa trên đất cờ Hoa.
Truyền thống tín ngưỡng ăn sâu vào máu huyết của người con Việt.Từ thưở khai hoang miền Nam, quần chúng đi đến đâu, tự động lập chùa đến đó. Tuy miền Nam Việt Nam trên 300 năm tuổi, đã có trên 15 ngàn ngôi chùa. Miền cao nguyên đất đỏ thưở nhà Ngô di dân lập ấp, đa phần người miền Trung tay lấm chân bùn, cũng tạo dựng những ngôi Tam Bảo thô sơ để thờ phượng mặc dù chưa có tu sĩ; họ tự chăm sóc và cùng nhau tu tập. Như thế cũng không lấy làm lạ khi những người dân, lập cư trên đất âu Mỹ, họ góp công tích của để xây dựng cơ sở thờ tự. Có những nơi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo luật pháp Hoa Kỳ, họ tạm thời mua nhà dân để làm nơi thờ phượng.Có những chùa như Từ Liên, Atlanta, tuy diện tích 5 mẫu, xây dựng chưa có đủ khoảnh đất đậu nhiều xe hơi khi có lễ lộc, cũng chưa được sinh hoạt công cộng. Điều nổi bật số di dân người Việt theo đạo Phật, không những giới bình dân, mà ngay cả giới trí thức được đào tạo từ nền giáo dục của Mỹ như Bác sĩ, kỷ sư, chuyên gia…và một số sĩ quan thời Việt Nam Cọng Hòa, không xuất gia thì cũng là những tín đồ tại gia ngoan đạo. Những thành phần nầy tuổi ngoài 60, một khi họ hướng về Phật, họ gạt bỏ mọi tị hiềm chính trị, mọi bon chen thế gian để sống cuộc đời mẫu mực của một Phật tử tại gia. Có những em sinh viên, thanh niên du học, họ cũng tìm đến chùa cách xa hàng trăm km vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần. Họ tự tìm học giáo lý qua website, băng dĩa và sách vở. Những thời khóa tu tập và các buổi giảng do các tu sĩ được thỉnh mời từ các bang xa xôi, họ tham gia nhiệt tình. Trên đất nước rộng mênh mông, người ở gần chùa cũng phải 15km, thường thì rất xa. Có những Phật tử bên Canada hoặc Úc, cũng bay qua tham dự các khóa tu do các danh Tăng hướng dẫn. Thường thì họ tham dự để nhìn đời sống thanh tịnh của Tăng sĩ, học hỏi thân giáo hơn là kiến thức Phật học. Tâm lý chung của các Kiều bào – xa quê hương, sau những ngày giờ chật vật với công việc, trống vắng lúc con cái không sống chung với cha mẹ khi đã tự lập, họ quá mệt mỏi với mọi sự quá khích, và những mất mát đau thương trong quá khứ như giấc mộng kinh hoàng, họ học thuộc bài học ngàn đời về sự vô thường của kiếp sống, họ quay về chùa như quay lại với niềm tin tiên tổ mong có điểm tựa và an ủi tâm linh, vì thế Tam Bảo là mỏ neo níu kéo họ giữa cuộc sống thực dụng của xã hội mà họ cảm nhận thiếu tình liên đới ruột thịt.
Số tu sĩ hiện diện chưa đáp ứng đủ với sự mong mỏi của quần chúng, và số lượng Tăng sĩ trên xứ người cũng thiếu nhất quán trên tinh thần Lục Hòa của đạo Phật. Nhiều khuynh hướng khác nhau do tác động thời cuộc, dẫn đến nhiều tổ chức Giáo hội khác nhau ra đời, vì thế Tăng đoàn Phật giáo hải ngoại trở thành những mảnh vỡ phản ảnh những bộ mặt dị dạng của Phật giáo Việt Nam. Trong khi các giáo đường Kito vắng bóng màu cờ chế độ cũ theo lịnh Vatican thì một số chùa Việt Nam vẫn còn bị áp lực một biểu tượng quá khứ đó đè nặng trong sinh hoạt cộng đồng. Quần chúng quá ngán ngẩm, chính vì thế họ trân quý sự tu tập và thuần túy tín ngưỡng tâm linh như một gia bảo của đời mình.
Một số tu sĩ trẻ bị cuốn hút bởi vật chất, một số ít danh Tăng hấp dẫn khá đông quần chúng bởi nhiều thủ thuật khác nhau do khéo che đậy được những vi tế trong Danh-lợi-tình. Có những vị hướng dẫn giáo lý chưa đủ nghĩa để tương thích với căn cơ thính chúng, cũng có vị đem cả lý số dịch học, địa sinh học của Trung Quốc vào dạy song hành với việc tu tập. Dĩ nhiên đó chỉ kích thich tính tò mò của đại chúng chứ không thể tương thích với giáo lý giải thoát của đạo Phật, Phong thủy, bói toán là thế gian pháp làm sao giúp quần chúng cần tu học xuất thế gian pháp? Chẳng những thế còn có thể làm chướng ngại việc tu tập. Những khóa tu học nơi giảng đường phải mướn từ các trường học hoặc các điểm công cộng, vì các chùa không đủ chỗ, và vị giảng sư như thế không phải cư dân địa phương mà họ đến từ các bang xa xôi khác, họ có đạo tràng, có máy móc quay phim, bán băng dĩa đi theo phục vụ như một dịch vụ doanh nghiệp. Có giảng sư xuất thân từ tông phái Đài Loan hoặc được tu học bởi các chân sư Tàu, khi giảng cho người Việt, mặc dù họ là người Việt, họ vẫn buộc thính chúng tụng đọc tiếng Tàu như họ, trong khi trên màn hình có cả âm Tàu, tiếng Anh và tiếng Việt. Một số hãnh diện thích thú khi tụng đọc tiếng nước ngoài, một số vị cao tuổi họ chỉ quen với kinh chữ Việt. có người không thích như thế. Trong thời khóa tu có cả hướng dẫn thao tác thể dục lấy từ trang mạng. Có người nói đùa – đến để nghe pháp tu học chứ đâu phải để tập thể dục, các khóa huấn luyện thể dục ngoài đời còn chuyên nghiệp và đầy đủ hơn thế, cần gì phải đến đây. Nếu học phong thủy địa lý thì tìm thầy chuyên môn mà học, chuyên nghiệp hơn kiểu qua loa không đâu vào đâu như vậy. Dạy tu học Phật mà xen tạp đủ loại pháp thế gian như cơm chiên thập cẩm như thế chiếm hết thời gian, làm giảm mục đích chính việc tu tập. Tìm những vị giảng chuyên sâu vào giáo lý quả là rất hiếm. Những vị chân tu thật học quá ít trong khi quần chúng tín đồ khát khao giáo pháp. Kinh tế thị trường và tiếp thị len sâu vào Phật giáo qua ngõ hoằng pháp. Chính vì thế, cộng đồng kiều bào mong có một tổ chức thống nhất Phật giáo để việc tu học không bị pha tạp. Việc nầy không bao giờ có, kể cả thời cực thịnh của Phật giáo, vẫn chưa có một sinh hoạt và tu học thống nhất. Phật tử trong nước ngao ngán tu sĩ thế nào thì ở hải ngoại, phần lớn tu sĩ cũng tạo sự thất vọng trước khát vọng của họ như thế ấy. Một ước vọng duy nhất của quần chúng hải ngoại là cần một tu sĩ chân chính, không bị vật dục cám dỗ, có thể không cần một Tăng sĩ có kiến thức uyên bác, không nhất thiết phải một kinh sư giỏi nghi lễ, cũng không hẳn phải là một tu sĩ giảng hay có sức ru ngủ; hình ảnh một bậc chân tu không nặng tiền của, không sống xa hoa, không tiền hô hậu ủng, không tư hữu quả là không tưởng đối với họ. Nói thế không có nghĩa là không có những bậc chân tu, vì họ chưa đủ duyên gặp thôi. Một số quần chúng thích âm thinh sắc tướng, chư Tăng đủ để đáp ứng, thích giảng sư hoa hòe hoa sói nói đùa mua vui mà không đi sâu vào giáo lý, cũng không thiếu. Muốn một giảng sư uyên bác kiến thức lại càng không khó. Những hình thái như thế, tín đồ hiểu đạo và chuyên hành trì công phu, họ không cần thiết. Nhu cầu của họ cần một Tăng tướng nơi thân giáo chứ không chỉ ở khẩu giáo. Rất may trên đất khách chưa xuất hiện dạng thầy cúng với giá cả không thương lượng. Trong xã hội Việt Nam, kinh tế thị trường có thể du di- thuận mua vừa bán, cò kè bớt một thêm hai, nhưng ma chay theo Ngọ thì không có vấn đề kèo nèo thêm bớt.
Quần chúng cũng xót xa khi thấy các sư Việt Nam sống xa hoa chung quanh quần chúng còn nghèo đói. Người không làm ra của cải mà hưởng thụ trên những của cải sang trọng. Trong khi đó, trách nhiệm hoằng truyền cho tín đồ đói pháp nơi vùng xa, vùng sâu lại không hề quan tâm, chuyện đó nhường cho ngoại giáo thực hiện. Chùa đua nhau phát triển như loại hình kinh doanh thời đại, đó không phải là tín hiệu một Phật giáo hưng thịnh, bởi lẽ tư chất của tu sĩ đang thiếu một nội lực cần thiết. Nếu một tu sĩ không có nội lực mà chỉ phát triển ngoại hình , tu sĩ sẽ là một trong những giai cấp thượng tầng của xã hội mà lịch sử tôn giáo thế giới đã từng kinh qua, như Bà La Môn từng là giai cấp giáo sĩ liên kết chặt chẽ với giới cầm quyền.
Quần chúng tín đồ tuy than vãn mà vẫn cứ nhắm mắt cung phụng những vị mà họ có cảm tình. Than trách giai cấp tu sĩ mà lỗi phần lớn chính phát sanh từ tín đồ mù quáng. Những thập niên 1930 khi cư sĩ đứng ra nổ lực chấn hưng Phật giáo để rồi sản sanh hàng loạt Tăng tài cung ứng cho giáo hội sau khi đất nước chia hai. Chính những Tăng tài đó đã đưa Phật giáo thoát khỏi ách nạn thời đại 1963. Sau 1975, các bậc cao đức lần lượt về với quá khứ, để lại một khoảng trống quá lớn cho Phật giáo Việt Nam, Khi các trường Phật học được phục hồi, học viện Phật giáo đã cung ứng cho Giáo hội một số rất ít những Tăng Tài giữa hàng ngàn Tăng ni sinh tốt nghiệp và hàng trăm tu sĩ xuất dương du học với một mớ bằng cấp cao ngất. Có lẽ lúc nầy cư sĩ phải tiếp tục gánh lấy trách nhiệm cùng với chư Tăng chấn hưng đạo Phật. Tín đồ không chỉ là người hộ pháp cung ứng vật chất cho Tam bảo, tín đồ vẫn là thành viên của Tăng già trong tứ chúng của đạo Phật, vì thế, Phật giáo hưng suy, tín đồ có một phần trách nhiệm. Việc cung ứng vật chất quyết định việc nên hư của các tu sĩ trẻ. Một tu sĩ vào đời được quần chúng cung phụng sùng bái như Thánh sống, họ sống trên của cải không do mồ hôi công sức họ làm ra thì tuổi non trẻ đó chưa biết trân quý tấm lòng của quần chúng và tương lai của một Phật giáo, vì họ chưa ý thức được trách nhiệm vô hình của một sứ giả Như Lai. Những tín đồ tại gia, trong nước cũng như ngoài nước, bản thân không dám tiêu xài, vợ chồng con cái cũng dè xẻn từng đồng để cúng dường chư Tăng; có người ở khu nhà ổ chuột, lao động chân tay, thế mà việc tiêu xài của một số Tăng sĩ, từ vật dụng nhỏ như cell phone, thuốc lá đến bất động sản, đều là những loại cao cấp trong xã hội. Một hành khất không dám ngữa tay xin tiền một tu sĩ ngồi trên xe đời mới lúc ngừng lại ngã tư. Vậy Tăng sĩ ngày nay là thành phần nào trong xã hội? Hình ảnh một thanh niên ăn chơi sa đọa, hưởng thụ phung phí trong một gia đình rách nát, nói lên tinh thần vô trách nhiệm với gia phong, , do gia đình dung dưỡng quá mức, một Tăng sĩ cũng thế, tín đồ cũng quá mức cung phụng mà không cần biết tu sĩ đó xử dụng đồng tiền vào việc gì cho Tam bảo.
Tệ nạn phần lớn ở đất Mỹ, tu sĩ nặng tâm vì tiền, vì thế bằng mọi cách phải có tiền, muốn thế, phải lập chùa, một khi có chùa là có bao nhiêu nhu cầu và áp lực khác về sinh hoạt xã hội và nghĩa vụ thuế má. Cái vòng lẩn quấn cuốn hút biến tu sĩ thành nhữung nhà sáng tạo kinh doanh không vốn. Thế là thủ thuật hoằng pháp, gây quỹ dưới mọi hìuh thức, khai thác tâm lý quần chúng một cách tinh vi mà ít ai biết. Giới trí thức Phật giáo luôn quan tâm đến nghiệp vận tôn giáo mình trên quê hương cũng như nơi đất khách. Họ vẫn ngồi lại mỗi khi có dịp, nỗi ưu tư được nêu ra nhưng chưa bao giờ có đáp án khả dĩ, vì muốn thanh lọc, canh tân trong giới Tăng sĩ, cần phải có một vị đủ uy đức; Tại Âu Mỹ, mỗi vị thượng thủ đều cát cứ một tổ chức, một giáo hội với những danh xưng khác nhau, không ai phục tùng ai. Trong nước, tuy có hệ thống Giáo hội duy nhất, những chức sắc càng cao thì uy tín càng thấp bởi thân giáo bất cập với ngôn hành. Tăng ni và quần chúng cũng thiếu niềm tin. Chính vì thế, phương cách canh tân nội tình Phật giáo của 1930 không thể áp dụng trong thời đại vật chất quyết định xã hội ngày nay. Cho dù kinh tế đại chúng của xã hội tư bản hay kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa cũng đều là cơn lốc cuốn hút mọi người con Phật chưa biết dừng lại. Tinh thần “Tri túc” của Phật giáo, các tu sĩ ngày nay chưa biết đâu là đủ thì “Tam thường bất túc” của một hành giả khó mà thực hiện.
Phát triển xã hội, phát triển tôn giáo…y cứ trên vật chất, lấy kinh tế làm thước đo thì việc chấn chỉnh Tăng thân cũng phải từ phương tiện vật chất song song với kế hoạch giáo dục. Nội tình giáo hội áp dụng giáo chế đối với tu sĩ thì hàng ngũ cư sĩ cũng phải biết điều tiết hợp lý trong việc cúng dường, bởi lẽ mọi sự cúng dường không phải đều là hợp lý khi mà người xử dụng đồng tiền không đem lại hiệu quả cho Tam bảo và giúp tu sĩ có một nhân cách xứng đáng. Xã hội Cọng sản xa xưa quản lý bao tử quần chúng để điều hành đất nước thì việc quản lý kinh tế chặt chẽ trong việc cung ứng cho tu sĩ cũng giúp cho họ biết xử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của tín đồ, một cách hợp lý. Nội quy Làng Mai áp dụng cho Tăng thân cũng như các cộng đồng tu viện chân chánh của Phật giáo trong một số quốc gia đều hạn chế việc tư hữu, điều nầy giúp cho hành giả không vướng bận vật chất, chuyên tâm vào việc tu tập hiệu quả hơn. Luật Phật cũng không cho tu sĩ chất chứa tiền của ngoài “tam y nhất bát”. Khi có tư hữu là lòng tham phát sanh, từ đó bản ngã cũng tồn tại, cho dù vi tế. Một tu sĩ thuộc hàng đại gia thì việc tiếp xúc với quần chúng cũng khó mà bình đẳng, kẻ nghèo khốn, khó mà được thầy lắng nghe. Ngay cả một tổ chức nghiêm túc như Kito giáo Vatican, một vị thụ phong Linh mục đều có lời khấn về đức “ nghèo khó” thế mà các Linh mục Triều ở các giáo xứ “khó mà nghèo”, vậy một tổ chức lỏng lẻo như Phật giáo cũng không thể đòi hỏi tu sĩ tri túc nếu bản thân vị đó không tự giác. Tuy nhiên, cũng không thiếu nhiều bậc chuyên tu ẩn thân nơi rừng sâu núi thẳm và một số ở thị thành, vẫn giữ được đời sống thanh bần.
Tín đồ là người hộ trì Phật pháp, phải cung dưỡng Tăng ni, nhưng cung dưỡng thế nào để tu sĩ không hư hỏng, biết rằng bản chất hư nên cũng do nhân thân của tu sĩ, nhưng ngoại lực cũng góp phần quan trọng. Nếu ngoại hộ không tạo duyên thì cái nhân xấu cũng khó phát triển. Cái ưu tư cho tiền đồ Phật pháp ngày nay của phần lớn giới Trí thức Phật tử không chỉ than vãn với nhau mà phải gúp cho quần chúng bình dân có ý thức về việc hộ trì Tam bảo, trong đó vật chất là nền tảng phát triển mà cũng là nền tảng để hư hoại Phật pháp. Tại sao chư Tăng không nhập chúng mà mỗi thầy phải lập một ngôi chùa riêng biệt? Tiền của bá tánh bị phân tán mỏng như thế thay vì có thể đào tạo một tu sĩ hoàn chỉnh cả mặt kiến thức lẫn đạo đức hầu củng cố nội lực cho tiền đồ Phật giáo! Quyết định chỉnh đốn Phật giáo Việt Nam ngày nay trong cũng như ngoài nước, cư sĩ có một ý thức đóng góp rất quan trọng. Đó là lối thoát cần phải có.
MINH MẪN
Virginia 30/7/2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét