Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

NGƯỜI VÀ TA


Ngày 4/7, ngày lễ Độc lập của Hoa kỳ. lần thứ 235 năm.
Dưới quyền cai trị của vua George đệ tam. Anh bóc lột sưu thuế quá cao, 13 tiểu bang đương thời là những đại tư sản địa chủ, vì thế họ nổi dậy đòi độc lập.
(13 tiểu bang đầu tiên của Hoa kỳ: Connecticut, New Hampshire, New York, New Jersey, Massachusetts, Pennsylvania, Delaware , Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Rhode Island, Maryland).
Qua nhiều cuộc tranh đấu gay go, 1774, các đại biểu của 13 tiểu bang bấy giờ họp tại Philadelphia, được gọi là Quốc Hội Lục địa. Do tướng George Washington thống lãnh binh đội chống lại Anh quốc; 13 bang nầy trở thành 13 bang đầu tiên khi Mỹ độc lập với nước Anh. Nhưng mãi đến 1776, ngày 4/7 ký bản tuyên ngôn độc lập đến tháng 8 mới ra đời, tuy nhiên họ vẫn chọn ngày 4/7 là ngày độc lập quốc gia. ( tuyên ngôn Độc lập do Thomas Jefferson soạn thào cũng là vi Tổng Thống thứ ba của Mỹ). Việc hình thành một quốc gia rộng lớn gồm nhiều chủng tộc và trình độ khác nhau, chỉ trong vài thế kỷ, trở thành một quốc gia hùng cường, đứng đầu thế giới, là cả một vấn đề không đơn giản. Tuy Hoa Kỳ cũng từng xẩy ra nội chiến Bắc Nam, do Tổng Thống Abraham Lincoln đề xuất bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng tinh thần quân tử của tướng lãnh hai miền, Lee và Grant đã bắt tay nhau xóa bỏ hận thù để xây dựng đất nước. (Họ chưa hiểu gì về tinh thần quân tử của Khổng học như Việt Nam, thế mà cung cách xử sự giữa kẻ chiến thắng và người bại trận lại là trang sử đẹp đáng hãnh diện cho một đất nước cờ Hoa.). Từ giữa thế kỷ 19 đau thương đó, cho họ bài học lịch sử, chưa đầy một thế kỷ, họ vươn lên như một sức mạnh vũ bão giữa một tinh cầu đang nhiều biến động lúc bấy giờ. Ngày nay, dân số 295.734 tiệu, diện tích 9.629.091 km2, với một tinh thần dân chủ và chính sách đúng đắn đã đưa đất nước vào vị thế hàng đầu trên hành tinh về mọi mặt. Cho dù có những lúc gọi là khủng hoảng kinh tế, thất nghiêp gia tăng, mức thu nhập của người dân vẫn cao ngất ngưởng. Người dân bản xứ hay những người nhập cư, di trú đều hãnh diện là một công dân Mỹ. ( dĩ nhiên là cỏi ta bà thì không thể đòi hỏi mọi sự toàn thiện). Chính vì thế, ngày độc lập hàng năm, không những chính phủ tổ chức mà ngay cả các hội đoàn đều hưởng ứng rầm rộ với nhiều sắc thái của mỗi địa phương. Trong đó, một số người Việt cũng hồ hởi tham gia.
Đêm pháo hoa tại Hoa Thịnh Đốn, hàng vạn người có mặt rất sớm để dành chỗ. Bên bờ sông Potomac, cách ngọn tháp bút chì non 1km, anh chị câu lạc bộ nhiếp ảnh Việt Nam cũng chiếm cứ một vùng trên trăm người và người Mỹ các sắc tộc cũng có mặt như một ngày hội. 9giờ 15 tối pháo hoa mới bắt đầu, thế mà 5g sáng đã có người đến chiếm chỗ vừa làm cuộc picnic, vừa có nơi đậu xe và chọn khu vực ưu thế để chụp những tấm ảnh đẹp nhất.
Sáng ngày 4/7, đoàn diễu hành rầm rộ, trong đó một số người Việt cũng làm xe hoa tháp tùng. Có thể họ hưởng ứng như một công dân Mỹ vì đất nước đã cưu mang họ, có thể đó là dịp để thể hiện sự hoài vọng một thời quá khứ; một số khác họ lặng lẽ đau buồn làm thân lạc loài nơi đất khách, vui gì khi dân tộc mình chỉ là chốt thí trên bàn cờ chính trị thế giới, vì vậy họ muốn quên quá khứ. Cái gọi là đồng minh thì là đồng minh của chủ nghĩa thực dụng, đó là lẽ đương nhiên của bất cứ quốc gia nào cũng vì quyền lợi của đất nước minh. Một số trẻ em sinh trưởng và thành đạt trên đất Mỹ, họ không còn biết quê hương của ông bà cha mẹ mình là đâu, vì cuộc sống và được sự giáo dục của âu Mỹ, dĩ nhiên họ đã là người Mỹ; có những trẻ trên 18 tuổi mà nói tiếng Việt lơ lớ như người nước ngoài, vậy thì lịch sử của dân tộc họ cũng không thể am tường. Vì thế họ chưa đủ hiểu biết của một thế hệ kế thừa để xây dựng đất nước khi so sánh tính khác biệt : tinh thần mã thượng và tính hận thù giữa hai dân tộc. Một Tổng Thống tranh cử có thể nêu xấu đời tư của nhau, nhưng khi một vi đắc cử thì vị kia đánh điện thư chúc mừng và hợp tác làm việc. Kẻ giàu và người nghèo đều có nhà - xe và việc làm như nhau, chỉ khác nhau là chất lượng của tiện nghi vật chất, đúng là một xã hội chủ nghĩa không Cộng sản. Thậm chí những kẻ không nhà, chính phủ có chính sách an sinh xã hội rất tốt, họ tài trợ, đài thọ cuộc sống cho những người đó. Những ngày tuyết lạnh, họ đi khắp thành phố để mang kẻ vô gia cư về trú ấm trong nhà dành sẵn. Người thất nghiệp và về hưu, có chính sách hỗ trợ đãi ngộ. Cơ sở vật chất vô cùng hoành tráng. Trục lộ giao thông chằng chịt và mở rộng hàng ngày, vì mỗi năm có hàng triệu xe hơi cho tuổi trẻ đủ 16, thế nhưng tệ nạn ách tắc vẫn xẩy ra như cơm bữa. Nhìn chung, đất Mỹ là một thiên đường sống cho những người dân trong các xã hội đói nghèo. Nhưng, tiện nghi vật chất không đem lại hạnh phúc nếu người dân không tìm được suối nguồn tâm linh để cân bằng với đời sống vật chất quá tiện nghi.
Ta có hơn 4.000 năm văn hiến nhưng chưa có một kỳ tích về cơ sở vật chất đáng nói và chưa có một tinh thần thượng võ cao đẹp như một quốc gia non trẻ không đầy 300 năm lập quốc. Dân tộc nào cũng có lòng yêu nước, một dân tộc tạp chủng như Hoa kỳ mà người dân còn biết bảo vệ quốc gia với tinh thần thoáng đạt và độ lượng, thì Việt Nam ta, ảnh hưởng Tam giáo sâu nặng, hà cớ lòng hận thù dai dẳng để xã hội không có cơ hội đoàn kết gắn bó, chính vì thế mà đất nước luôn bị ngoại thuộc. Chúng ta thông minh can đảm nhưng không ngồi lại với nhau, vì mỗi người đều có cái ngã quá lớn. Chúng ta không chịu lắng nghe vì ai cũng bảo vệ cái biết của mình. Ai cũng ngờ vực lẫn nhau vì mình chưa tin chính mình. Tệ nạn tràn ngập vì đạo đức tôn giáo bị lạm dụng. Cuộc sống bất an vì chính mình chưa được an. Bao giờ đất nước chúng ta được an bình thịnh vượng? Vũ khí không hẳn là sức mạnh của một dân tộc. Bhutan là một đất nước nhỏ hẹp, dân số trên 600 ngàn, thế mà không bị đe dọa bởi ngoại bang. Tinh thần quần chúng đoàn kết nhờ một tôn giáo duy nhất là đạo Phật. Quá tin vào sức mạnh quân sự, khí tài thì luôn sống trong cạnh tranh, lo sợ khống chế lẫn nhau, vì thiếu tinh thần tự tin và đoàn kết quần chúng mà chất keo kết dính vẫn là tâm linh tín ngưỡng.
Phật giáo là một tôn giáo chiếm đa số trong nước, từng là chỗ dựa tinh thần cho dân tộc; trong quá khứ, Phật giáo từng thể hiện bổn phận đối với dân tộc, trách nhiệm hiện nay của Phật giáo là gì để gọi là đồng hành cùng dân tộc khi nghiệp vận đất nước như chỉ mành treo chuông? Người Phật tử trong cũng như ngoài nước đặt trọn niềm tin nơi đức Phật, họ nhiệt tình tinh tấn tu tập, nhưng người lãnh đạo tinh thần cho quần chúng là ai hiện nay???
Nhìn lại tinh thần hồ hởi của đại bộ phận công dân Hoa kỳ nhân ngày độc lập và họ hãnh diện một tuyên ngôn Độc lập- nhân quyền của Thomas Jefferson với lá cờ mà Francis Hopkinson đã đem đến một quốc gia phồn thịnh, văn minh, tự do đứng dầu thế giới hiện nay, là điều chính đáng vì các nhà lãnh đạo của họ sáng suốt, đưa đất nước thoát khỏi sự khống chế của Anh Quốc.
Người Việt tá túc trên đất người làm sao khỏi đau buồn khi mình không sinh ra từ đó, phải vui cái vui của người nhưng buồn cái buồn riêng của một thân phận tha phương. Dẫu quê hương mình có rách nát thì tiếng chuông chùa kết nối tình làng nghĩa xóm vẫn là nguồn an ủi cho tuổi già mà trên xứ sở thực dụng, họ phải đối mặt với viện dưỡng lão và nỗi cô đơn. Nhìn người rồi ngẫm lại ta vẫn còn nhiều băn khoăn trăn trở. \
Ôi, một quê hương Việt Nam luôn bị đọa đày, chinh chiến từ thời lập quốc đến nay; luôn là một gia tài rách nát và chia rẽ.
MINH MẪN
04/7/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét