Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011
KALACHAKRA VÀ LỄ QUÁN ĐẢNH
Ngày 13/7/2011. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã khai kinh nhập đàn để tiến hành trao truyền lễ Quán đảnh.
Mấy hôm nay, Ngài liên tục nói chuyện tại Pháp hội, nơi công cộng, nơi Đại học, tiếp các chính khách và hành lễ tịnh hóa Thổ địa, Tăng thân, môi trường và hướng tâm cầu nguyện hòa bình mà lễ cầu nguyện liên kết chặt chẽ với Kalachakra. Trong ngày thứ ba 12/7, cũng đã có nghi lễ cầu nguyện của các quốc gia Phật giáo có mặt. Phần lớn các sư Nam ông thống nhất nghi lễ. Bắc tông như Tàu, Triều tiên, Nhật cũng thuần nhất, riêng Việt Nam không chuẩn bị và chọn ban kinh sư chuyên môn, nên buổi tán tụng cầu nguyện vừa dài, vừa thiếu nhất quán vì người tụng âm Hán, kẻ đọc kinh nghĩa. Người nước ngoài họ không biết tiếng Việt, nên nghĩ đó là ban hợp xướng của Phật Giáo Việt Nam. Với sự nhạy bén của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài hiểu đó là tinh thần chưa thống nhất .
7 ngày đầu chuẩn bị hoàn chỉnh mọi nghi cách, có cả vũ điệu nhập đàn cung thỉnh chư Hộ Thần, ngày thứ 13, trước khi đưa thính chúng vào Quán Đảnh, Ngài thuyết về quá trình thập địa Bồ Tát, sau đó, đi dần vào nghi lễ Quán Đảnh. Với lượng người tham dự 20 ngàn ngồi khắp ba tầng lầu và tầng trệch, thế mà cỏ kusa, nước tẩy tịnh cung cấp đều cho mọi thành phần tham dự. Nghi thức tuy phức tạp, Người Âu châu, Âu Mỹ tỏ ra sùng kính tuyệt đối. Mỗi người nhận được 2 cây cỏ kusa, cây ngắn để dưới gối, cây dài để dọc dưới nệm, xác định điềm mộng lành dữ sau khi thọ pháp. Hai vị đại diện Nam nữ lên thả nhánh cây vào mâm để tùy hướng ngã mà biết một trong 4 cửa Mandala thuộc hành nào. Mật thừa là một tông kết hợp tánh tướng viên dung; hàm dưỡng cả lý sự giữa nhân thân, vũ trụ, và sinh lực. Nhưng, dù thế nào, Mật thừa đòi hỏi hành giả phải tuyệt đối phát triển lòng từ và đức bi đến mọi loài trong mọi kiếp cho đến khi hành giả thành tựu. vì thế mà một thầy Geshe ở tu viện Tashi Kyil bên Tây Tạng bị Trung Cộng cầm tù và xử tử , trước lúc hành hình, thầy còn đọc lời cầu nguyện cho kẻ ác: nguyện đạo sư hộ niệm/ cho con gánh tất cả
Ác nghiệp cùng khổ nạn/ của tất cả chúng sanh
Nguyện hạnh phúc công đức/ tặng hết cho chúng sanh
Được hạnh phúc an lạc.
Ngoài giới luật phải tinh chuyên, mật pháp phải hành trì mà tâm Bồ đề phải tỏa khắp, đó là yếu chỉ của mật thừa Tây Tạng. Để có khái niệm tổng quát về Kalachakra và lễ Quán đảnh, chúng ta thử tìm hiểu sau dây:
Khó mà định nghĩa đúng và đầy đủ ý nghĩa với từ Kalachakra, nhưng trong quá trình truyền hoặc thọ nhận Quán Đảnh, Thiền sinh phải trải qua nhiều công đoạn nghiêm túc. Kalachakra là một hệ thống Thiền quán cao nhất của pháp Mật thừa Kim Cang.
Trên lý thuyết, vì vô minh, chúng sanh trôi mãi trong giòng sinh tử. Mặc dù vậy, Phật tính hay gọi là ánh sáng tâm linh vẫn không bị mất. Nhờ thế mà các bậc minh sư từ căn bản đó, đã lập ra nhiều công đoạn để giúp hành giả trở về với căn nguyên ban đầu – nghĩa là thành Phật; Giòng luân lưu miên viễn đó thuật ngữ gọi là Tantra. Tantra hoạt động qua ba giai đoạn: Căn Bản – Con đường –Kết quả
Như trẻ sơ sinh khi chào đời, người nhập vào dòng pháp cũng thế, phải làm lễ Khai Tâm. Mục đích Khai Tâm là kích thích khả năng hoạt dụng của Phật tánh. Cũng giống như Pháp Quán Âm của Saint Mat, vị minh sư đầy đủ tiêu chuẩn đạo lực, phẩm hạnh để hóa giải nghiệp chướng cho giới tử khi thọ pháp. Lễ Khai tâm thực sự thành công là khi thầy truyền pháp và người nhận Pháp phải cùng cộng tác một cách thành tâm. Đòi hỏi hành giả phải có kiến thức vững về pháp môn đang theo, và giữ giới đã thọ một cách nghiêm túc.
Kalachakra nói nôm na là Thời luân, nghĩa là ngoại cảnh, nội thân và thời gian quyện lấy lẫn nhau, gọi là Tam luân..Thời gian chi phối theo chu kỳ của vật chất nên có năm tháng ngày giờ, nội thân của sinh vật có sinh lão bệnh tử, kinh nguyệt; sinh vật chịu tác động qua lại của ngoại cảnh và thời gian.Khi chúng sanh cứ mãi luân lưu trong sanh tử, chồng chất nghiệp lực từ quá khứ với hiện tại, tạo lực đẩy cho kiếp kế tục, cứ thế mà trôi lăn chìm đắm, không tự chủ, mà trong diễn dịch của Kalachakra gọi là gió nghiệp.
Theo truyền thống Mật thừa, Kalachakra đã có từ thời Andhra Pradesh, Nam Ấn., vua của nước Shambhala được truyền và lưu giữ. Vào thế kỷ thứ 10, hai vị tổ người Ấn được truyền , qua Tây Tạng, xuống giòng Sakya, Kagyu,và Gelug, chỉ có Gelug là nổi trội hơn hết. Cũng như các vị tiền nhiệm, đức Đạt Lai Lạt Ma 14 thường xuyên truyền lễ khai tâm mỗi khi có nhu cầu, và người ta tin rằng Ngài đương nhiệm là hậu thân của vua Shambhala thưở ấy.Một giới tử thọ pháp, cần từ bỏ nếp sống thế tục, phát Bồ đề tâm và thâm nhập lý Chân không. Lễ khai tâm là giới Bồ Tát, giúp hành giả duy trì Bồ đề tâm. Sau khi thọ Tam quy và Bồ tát giới, giới tử bắt đầu được hướng dẫn nhập định để cảm nhận minh là vô số hóa thân Phật, Bồ tát nhập vào hệ thống Mạn Đà La của pháp thân Kalachakra. Kinh qua tịnh hóa nghiệp lực liên tục, đánh thức năng lực tiềm ẩn. Mandala hữu hình biểu trưng cho một cung điện hùng vĩ, gồm 722 vị, có hai vị chánh ngự tại trung điểm. Vị thầy truyền pháp hóa thành tất cà Bồ tát nầy.
Ngoài giới tướng đã thọ, đệ tử được thầy Kalachakra dùng tâm lực để cung thỉnh chư Phật vào khẩu, như qua tử cung mẹ, cảnh giới tâm thức cũng vậy, lúc ấy giới tử luôn tưởng nhớ đến chư Phật một cách miên mật để nhập tịnh quang tâm, trở thành đứa con tinh thần của thầy Kalachakra, sự gắn kết giữa thầy trò như con và mẹ từ đó.. Sau khi thọ và nhập giới tánh, giới tử được thầy hướng dẫn chuyển các đại, đưa đến tịnh hóa Thân-Khẩu-Ý để lập chí quyết thành Phật. Những nghi thức tiếp theo thật rườm rà nhưng mang nhiều ý nghĩa.
Đồ hình Mandala có 4 loại hình Mandala: Mandala bằng cát, bằng gấm vẻ, bằng năng lực thiền định của Đạo sư, và bằng thân người. Mandala hình tròn là biểu tượng vũ trụ; Mandala là cửa ngõ vào thọ pháp kalachakra, cũng là nghi cách cầu nguyện hòa bình thế giới. Giới tử nhập vào Mandala là nhập vào pháp giới chư Phật Kalachakra, đây là cung điện siêu hình, giới tử không thể vào bằng thân vật lý. Như bệnh nhân vào phòng giải phẩu phải khử trùng, giữ thân thể sạch sẽ, cũng vậy, giới tử giữ tâm thanh tịnh để đi vào Mandala. Tưởng tượng được tái sanh làm đứa con tinh thần của vị thầy Kalachakra giống như ngài. Căn bản là giới tử giữ tâm chân không.
Trong mật pháp Kalachakra, tâm “Đại lạc bất động” được xem là tâm Phật, nhờ thu nhiếp mọi thành phần vật lý để chuyển thành thân vô sắc, thân nầy hoàn toàn bất nhị với tâm Phật.. Mật kinh của Kalachakra giải thích rõ ràng nên gọi là mật kinh hiển nghĩa. Các mật kinh khác trình bày ẩn nghĩa nên gọi là mật kinh ẩn nghĩa. Truyền pháp có hai ý nghĩa, một là Mật pháp quán đảnh ban cho quyền năng hành trì. Hai là mật pháp gia trì là truyền năng lực gia trì của đấng Bổn tôn pháp chủ vào thân ngữ ý của hành giả. Truyền pháp có hai dạng: thường và phi thường. Loại thường dùng Mandala bằng gấm thêu, loại phi thường là Mandala bằng cát màu. Pháp Quán đảnh có khả năng tịnh nghiệp chướng của giới tử tương ứng với từng địa Bồ tát. Các giai đoạn tu chứng trong Kalachakra không khác với hiển tông về hai bồ tư lương: phương tiện và trí tuệ, mật pháp cũng vậy, ngoài việc tích lũy hai bồ tư lương còn chú trọng đến khí mạch, khí, tinh khí bồ đề…đả thông các điểm trọng yếu của thân Kim Cang để vận động các luồng khí và tâm vi tế., thu nhiếp thân vật lý chuyển thành thân vô sắc. Quá trình chuyển hiện nầy đòi hỏi dẹp bỏ trí chướng, phiền não chướng. Phần nầy giống với hiển tông, nhưng mật tông có phương pháp thực hiện khác bằng cách tịnh hóa bốn giọt tinh chất nằm ở 4 vị trí trong thân thể. Giọt thứ nhất nằm ở luân xa trán, liên quan thời gian thức giấc; giọt thứ hai ở luân xa cổ, liên quan đến thời gian nằm mơ.Giọt thứ ba ở luân xa tim,liên quan đến thời gian chìm sâu vào giấc ngủ; Giọt thứ tư liên quan đến luân xa ở đan điền, liên quan đến niềm hỷ lạc lúc giao tình. Công dụng mỗi giọt tinh của mỗi luân xa khi đạt được quán chiếu thanh tịnh, hành giả sẽ thành tựu được thân Kim Cang khi luân xa một tịnh hóa. Thành tựu ngữ kim Cang khi thanh tịnh được giọt tinh chất nơi luân xa cổ. Hành giả thành tựu được ý Kim cang khi thanh tịnh được giọt tinh chất nơi luân xa tim. Và thành phần thứ tư trong Kalachakra là trí giác bản lai đại lạc bất động tối thượng khi thanh tịnh được giọt tinh chất nơi luân xa bụng. Giọt tinh chất nầy thành tựu Trí giác bản lai kim cang. Thành tựu 4 giai đoạn là thành tựu được pháp tu Kalachakra. Mạndala Kalachakra có 4 cửa Đông Nam Tây Bắc tượng trưng cho 4 vị trí của cơ tạng. Khi nhập pháp quán đảnh nầy, hành giả được gieo chủng tử thành tựu trí giác bản lai của Phật trong tương lai.
Mandala Kalachakra có ba vòng tròn tượng trưng cho thân-khẩu-ý. Sở dĩ Đức Đạt Lai Lạt Ma thường truyền quán đảnh và được mọi người ưa chuộng,vì ngài được xem như hiện thân của đức Quán Thế Âm, do đó có nhiều ý nghĩa. Vả lại Ngài chấp trì truyền thừa mật pháp, giòng truyền thừa nầy không gián đoạn từ các đời Đạt Lai Lạt Ma.
Lễ quán đảnh thường giới hạn cho một số đệ tử đã tuyển chọn, nhưng đại lễ Kalachakra mọi người đều được tham dự lễ quán đảnh nầy. Tóm lại, hành giả thọ pháp quản đảnh Kalachakra phải bước qua nghi thức quy y Tam Bảo , thọ Bồ tát giới và những giới riêng của Mật tông, phải nhận lễ quán đảnh từ một bậc chân sư, sau đó bước vào nghi lễ uy phong và phức tạp vô cùng.
Không phải ai cũng có duyên với mật pháp Kim Cang Thừa, nhưng khi tương hợp với pháp môn nầy, hành giả càng ngày càng tiến sâu vào thiền hành một cách miên mật để tương lai chắc chắn tiến đến quả vị giác ngộ. Mật thừa là một trong các pháp tu của Phật giáo Phát triển, nên được phổ quát hơn, giòng phái nầy đã thâm nhập vào xã hộu Âu châu và âu Mỹ hiện nay.
MINH MẪN
12/7/2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét