Thời Phật còn tại thế, nơi tu tập của cộng đồng tu sĩ,
được gọi là Tinh xá; chung quanh Tinh xá, mỗi vị có một am thất riêng cho từng
cá nhân được gọi là tinh thất. Nơi thất của đức Phật được gọi là Hương thất.
Tuy tên gọi khác nhau, đều được kiến tạo bằng tranh, tre và đất, ít khi làm
bằng gỗ.
Khi Phật giáo truyền qua các nước như Trung Hoa, Nhật
Bản, Việt Nam, Hàn quốc, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Campuchea, Lào... nơi
thờ tự và tu tập được gọi là chùa. Những đại già lam chuyên tu thiền gọi là
Thiền viện. Riêng hệ phái Khất sĩ, vẫn giữ hình thức tu tập và hành trì khất
thực, lối kiến trúc chỗ thờ Phật hình bát giác, các am thất chung quanh dùng để
chư Tăng an trú, ngôi Tam bảo đó vẫn được gọi tên hồi thời Phật còn tại thế là
Tịnh xá.
Quy cách xây dựng cho mỗi am thất theo luật Tỳ Kheo
trong “13 giới Tăng tàn”: Thứ 6, giới
làm nhà quá mức (20).- Nếu Tỷ-kheo tự tìm cách làm nhà chứ không có thí
chủ, tự làm cho mình, thì phải làm đúng mức. Mức ở đây là dài bằng 12 gang tay
của Phật, rộng bằng 7 gang tay của Ngài. Lại phải thỉnh chư Tỷ-kheo chỉ định
nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo chỉ định nơi chỗ không
tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng ngại mà tự
tìm cách làm nhà chứ không có thí chủ, tự làm cho mình, không thỉnh chư Tỷ-kheo
chỉ định nơi chỗ, lại làm quá mức, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 7, giới không thỉnh chỉ
định (21).- Nếu Tỷ-kheo
muốn làm nhà lớn mà có thí chủ, làm cho mình, thì phải thỉnh chư Tỷ-kheo đến
chỉ định nơi chỗ. Chư Tỷ-kheo nên chỉ định nơi
chỗ không tai nạn và không chướng ngại. Nếu Tỷ-kheo nơi chỗ tai nạn và chướng
ngại mà làm nhà lớn, có thí chủ, làm cho mình, nhưng không thỉnh chư Tỷ-kheo
đến chỉ định nơi chỗ, thì phạm tăng-già bà-thi-sa.
Thứ 20, giới lợp nhà quá mức.- Nếu Tỷ-kheo làm phòng hay nhà lớn, có
cửa cánh, cửa sổ, và những đồ trang trí khác, thì chỉ bảo lợp tranh chừng hai
hay ba lớp. Lợp quá thì phạm ba-dật-đề.(90 giới đọa)
Trong giới bản tân tu của Làng Mai ghi: * Giới Tăng thân giải
cứu (Tăng-già-bà-thi-sa) 36 giới
23- Vị nữ khất sĩ nào ly khai tăng thân, đứng ra lập
am cốc hoặc chùa một mình mà không có phép của tăng thân, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.
Giới Buông bỏ và
Phát lộ (Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề)
28- Vị nữ khất sĩ nào nằm giường nệm sang trọng, vị ấy
phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.
29- Vị nữ khất sĩ nào trang trí phòng ốc của mình sang
trọng và đầy dẫy tiện nghi như nhà thế tục, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát
lộ.
Với trào lưu sinh hoạt ngày nay, theo Phật dạy:- một
số giới điều tiểu tiết không quan trọng, có thể lượt bỏ, vì thế, việc kiến tạo
đạo tràng, tu viện, tinh xá, chùa... tùy theo quốc độ, thổ nhưỡng, tập quán
từng nơi mà thích ứng. Ngày nay không thể kiến trúc mây tre lá như xưa khi mà
vật liệu nặng đang thông dụng, dễ tìm và rẽ hơn vật liệu thiên nhiên. Dân đông,
đất hẹp, không thể mỗi vị một am cốc riêng như thuở xưa, do vậy, Tăng phòng,
Tăng xá cho tập thể Tăng chúng cũng được kết cấu từng dãy bao quanh nơi thờ
Phật.
Tuy cơ sở vật chất phát triển theo đà tiến hóa của xã
hội, các bậc chân tu vẫn giữ được “tam thường bất túc” “thiểu dục tri túc”.
Phòng ốc đơn giản, chiếc đơn vừa đủ nằm, không nệm, không lạm dụng tiện nghi.
Các phương tiện cần thiết được sử dụng như một nhu cầu cần phải có chứ không
xem như để hưởng thụ. Không thiếu các danh Tăng trong các ngôi chùa nguy nga
vẫn duy trì một đời sống đạm bạc. Các Tăng phòng trong những ngôi chùa lớn vẫn
bảo đảm những tiện nghi cần thiết cho sinh hoạt chư Tăng nhưng không quá xa hoa
phí phạm. Tuy nhiên, một số ít cá nhân tạo lập Tam Bảo riêng, đã cho phép mình
thừa hưởng một cuộc sống xa hoa không cần thiết. Cũng từ đó, nhất là tu sĩ trẻ,
đã vượt xa giới luật để lại tai tiếng đáng tiếc cho Phật giáo.
Ngoài tịnh thất riêng cho từng vị, còn có biệt thất,
gọi là biệt thất, thực ra cũng chẳng khác am cốc, cũng một cái đơn bằng tre
hoặc bằng gỗ, một cái bàn để vật dụng, ngoài ra không có thứ nào giá trị của
đời thường. Biệt thất dành riêng cho vị chuyên thiền định, những vị nhập thất
dài hạn, không giao tiếp, không ra ngoài. Trai ngọ được vị hộ pháp đưa vào qua ô cửa nhỏ lớn hơn một bàn tay.
Thời gian nhập thất tùy nguyện. Các vùng núi non như Tây Tạng, có vị nhập thất
trọn đời đến khi chứng đắc mới rời khỏi biệt thất, nếu chưa chứng đắc họ sẽ bỏ
xác tại chỗ. Ngày nay, tại Thành phố hoặc một số địa phương, vấn đề nhập thất
rất ít; Tịnh độ niệm Phật cũng nhập thất, thường một vài tuần, trường hợp nầy
gọi là tĩnh tu chứ ít chuyên sâu đại định.
Một số chùa lớn, có phòng dành riêng cho các bậc
trưởng thượng vãng lai, không được gọi là thất. Ngoại trừ một số chùa nơi vùng
ngoại ô, thôn dã, đất chùa rộng, có một vài tịnh thất riêng biệt dành cho những
ai phát tâm nhập thất độc cư. Cũng có một số cá nhân không lập chùa, chỉ tạo am
cốc mà cũng gọi là tịnh thất.
Việc xây dựng am cốc, tịnh thất ngày nay không còn tùy
thuộc vào luật định của giới bổn, hầu hết làm theo sáng kiến cá nhân, không
mang dáng dấp của sự tu tập, thậm chí chạy theo kiến trúc thời đại, mẫu mã hình
dạng là một biệt thự chứ không còn là biệt thất hay tịnh thất. Rất may, tình
trạng nầy hiện nay rất ít. Trên Lâm Đồng, duy nhất sát cạnh chùa Lộc Uyển, một
biệt thự xuất hiện, đáng ra ngôi Tam Bảo là chính, biệt thự là phụ, đã không
đúng quy cách tịnh thất của người tu, lại xén bớt một góc mái đao của chùa để
cho biệt thự xuất hiện hoàn chỉnh hơn; chứng tỏ vì quyền lợi cá nhân quan trọng
hơn bảo vệ Tam Bảo, đây không phải phong cách của người tu.
Biệt thự trên, phạm phải luật xây dựng của thế gian,
đương nhiên sẽ được luật pháp xử lý, theo luật đạo, ni Khánh Hạnh vi phạm toàn
bộ những điều trích dẫn trên đây, trong đó, không thông qua trụ trì (Tăng
thân), không thỉnh chư Tỳ kheo, lại làm quá mức, phạm tội Tăng già bà thi sa,
một trong 13 giới Tăng tàn. Cũng theo Trong giới bản tân tu của Làng Mai ghi: * Giới Tăng thân
giải cứu (Tăng-già-bà-thi-sa) 36 giới
23- Vị nữ khất sĩ nào ly khai tăng thân, đứng ra lập
am cốc hoặc chùa một mình mà không có phép của tăng thân, vị ấy phạm giới Tăng thân giải cứu.
Dĩ nhiên với bề thế của một biệt thư, nội thất làm sao
khỏi trang trí xa hoa:
28- Vị nữ khất sĩ nào nằm giường nệm sang trọng, vị ấy
phạm giới Buông bỏ và Phát lộ.
29- Vị nữ khất sĩ nào trang trí phòng ốc của mình sang
trọng và đầy dẫy tiện nghi như nhà thế tục, vị ấy phạm giới Buông bỏ và Phát
lộ.
Như vậy, giữa luật đời và đạo, ni Khánh Hạnh đã vi
phạm trầm trọng, còn trầm trọng hơn về tâm tham, khi chùa chưa hoàn chỉnh mà đã
hoàn chỉnh một biệt thự sang trọng giữa lòng khu xóm lao động, thể hiện bản ngã
của một ni trẻ. Giáo hội và phân ban Ni giới sẽ nghĩ gì đối với một nữ tu vượt
trội như thế? Phải chăng, Phật giáo Việt Nam ngày nay quá tự do để có những
tu sĩ trẻ vượt ngoài giới luật, vượt khỏi tầm kiểm soát của một tập thể?
Tịnh thất – Biệt thất và Biệt thự có một khoảng cách
bao xa???
MINH MẪN
31/3/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét