Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

CHUYỂN HÓA SÂN HẬN:

- Thích Nhật Từ

CHƯƠNG 3: CHUYỂN HOÁ SÂN HẬN

CÁCH THỨC CHUYỂN HOÁ
Vấn đề đức Phật đưa ra, con người cần phải có nhu cầu chuyển hóa cảm xúc, lòng sân ngay cả trong tình huống bảo vệ hay tự vệ. Nếu thiếu nhu cầu chuyển hóa cảm xúc, có thể lấy lý do tự vệ là nạn nhân và bảo hộ người khác như một nạn nhân cần được phóng thích khỏi nỗi khổ niềm đau, để có cơ hội đi quá đà trong sự kiện sân hận rối rắm nào đó.
Khi bất kỳ ai bị nói xấu, đánh đập… thì tất cả hành giả không nên ứng xử “giang hồ” theo thế tục.
Có thể áp dụng sự chuyển hóa lòng sân trên bốn tiêu chí sau: Một, tâm không biến nhiễm trong nhân tình thế thái, biến
cố khổ đau.
Hai, không được phản ứng bằng lời ác ngữ. Ba, phải sống bằng thái độ của tình thương.
Bốn, đừng bao giờ ôm ấp hay nuôi dưỡng sân hận trong lòng.
Tiêu chí một, đề cập đến sự phản giá trị hay các biến thái tâm lý khi nhiệt huyết dấn thân bảo hộ nỗi khổ oan ức nhưng cuối cùng trở thành biến chất. Chẳng hạn, khi có hai người đánh nhau trên đường phố. Thấy một người bị thương chảy máu, cảm thấy khó chịu và muốn đến can, không để hai đối tượng đánh nhau nữa. Trong cơn nóng giận, hai bên đều đánh luôn cả người can gián. Người can gián bị đau, rất bực và đánh lại người đã đánh mình. Như vậy, tình huống đảo ngược. Thay vì can gián thì người can biến mình thành đối thủ mới của cả hai người đang sân hận.
Làm thế để tâm không bị biến dạng trong phản ứng bảo vệ, thậm chí trong tình huống tự vệ bản thân? Nếu khi hành động mà thấy tâm bị biến đổi từ thái độ trung lập sang thái độ ghét hay bênh vực người nào đó thì động cơ can gián đã
bị lệch hướng. Lúc đó, thực tập hít thở thật sâu để trở về vai trò người trọng tài can thiệp hai người đang sân hận.
Khi xem những bộ phim có chiến tranh hay có sự cân phân giữa phe thiện và ác, thông thường, tâm lý của người thưởng thức đứng về phe thiện, chính nghĩa. Đôi lúc, người xem nhập thành vai người thân của diễn viên chính. Khi diễn viên đó chiến thắng, thành công, có lợi ích thì người xem nở nụ cười khen tặng, vỗ tay hay làm những cử chỉ biểu lộ sự đồng tình. Như vậy, lúc đó tâm của người xem đã bị biến thiên, trở thành liên minh, không còn đứng ở vị trí đức Phật nói ở tiêu chí thứ ba là phải ứng xử và sống với lòng từ bi. Nghĩa là không được phép đặt mình vào phe nào cả.
Các diễn tiến chiến tranh trong lịch sử có nhiều gốc rễ của nỗi khổ niềm đau từ quá khứ. Ví dụ, một chủ nghĩa nào đó đem quân thôn tính quốc gia khác bằng nhiều chính sách, bình phong đẹp như đem văn minh của đất nước họ đến nước nghèo. Nỗi khổ niềm đau của người dân sống trong đất nước bị thôn tính tạo ra hiềm khích nội tại, lòng sân theo đó chờ cơ hội kháng chiến. Với những tình huống lịch sử như vậy, người xem vẫn có khuynh hướng bênh vực những nhân vật bị xâm lược là có ý thiên vị.
Đức Phật dạy, phải ứng xử bằng lòng từ bi, hiểu được gốc rễ khổ đau của những kẻ xâm lăng là do thiếu tuệ giác, ứng xử với lòng tham vô minh nên mang lại nỗi khổ niềm đau cho nhân loại. Thay vì đứng liên minh về phía bị tổn thất, người can gián chỉ cần đứng trung lập, cất lên tiếng kêu gọi hòa bình để hai bên ngưng cuộc chiến. Có nhiệt huyết mà thiếu sự sáng suốt sẽ bị đẩy vào thế trở thành đối lập với cả hai bên sân hận. Vì tâm lý thông thường, cả hai đều muốn người can liên minh. Phật giáo ứng xử với khuynh hướng lòng từ bi, không tán đồng chiến tranh nên không châm dầu vào lửa.
Cuộc chiến tranh ý thức hệ chính trị trên nền tảng quyền
lợi kinh tế, tôn giáo của Mỹ và lực lượng Hồi giáo cực đoan là cảm xúc phức tạp của thời đại. Bản chất của nó là sự tranh giành quyền lực kinh tế trên khắp thế giới. Khi hai tòa nhà Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ bị phá sập, khắp thế giới phản ứng rất phẫn nộ, căm tức, lên án, muốn ăn tươi nuốt sống những người đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho dân Hoa Kỳ và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, chính trị thế giới.
Là Phật tử, cất tiếng nói của lòng từ bi, không thể chỉ bênh vực cho dân tộc Hoa Kỳ, mà còn phải thấy được gốc rễ nỗi khổ niềm đau của những kẻ khủng bố, gieo rắc chết chóc, tang thương, hủy diệt trên cuộc đời. Chỉ khi nào lòng từ bi được nuôi dưỡng, phủ trùm lên cả hai đối tượng thì mới có thể chuyển hoá họ trở về với lương tri, vì cuộc sống hoà bình. Bởi vì, những người Hồi giáo cực đoan tạm gọi theo dân gian Việt Nam là, “cùi không sợ lở” hay “điếc không sợ súng”. Nếu lên án họ một chiều, rất có khả năng đẩy họ vào chân tường, trở nên bất cần và quậy phá nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cất tiếng nói từ bi nhưng cũng không chấp nhận hành động khủng bố. Cần cảm thông và thấu hiểu nguyên nhân những người Hồi giáo. Có thể vì những đòi hỏi về kinh tế, chính trị hoặc nhu cầu nào đó. Để các yêu cầu đó được thể hiện, thay vì đàm phán, họ đã làm điều tội lỗi, chà đạp các nhu cầu do chính họ nêu ra. Thông cảm để gần gũi và cho họ thấy được việc làm đó là sai trái. Nếu chỉ lên án mà không hiểu và thương là đẩy họ vào thế đối lập.
Ở góc độ chính trị, chính phủ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là phải tuyên chiến với bọn khủng bố. Cuộc chiến tranh chống khủng bố được dấy lên, kêu gọi người dân mọi quốc gia cần phải có trách nhiệm đứng về liên minh chống khủng bố. Lời hiệu triệu đó chỉ là giải pháp tạm thời. Dùng dao để chặt cây, dao bén thì cây đứt nhưng nếu là loại cây đặc biệt thì dao này sẽ bị mẻ mà cây không đứt. Chống khủng bố
mà không có lòng từ bi thì không phải là giải pháp bình an.
Tiếng nói của nhà Phật là tiếng nói của lòng từ bi, đứng trung lập giữa phía bạo động và nạn nhân. Ở vị thế trung lập, có thể thấy rõ bên khổ đau nhưng không châm vào khối khổ đau đó vì hận thù sẽ được thổi phồng lên. Dầu biết họ là nạn nhân nhưng cần có giải pháp khác để giải quyết chứ không nhất thiết giải quyết hận thù bằng chiến tranh.
Khi khuynh hướng lòng từ bi được nhân rộng thì biên cương của tôn giáo, chính trị, sắc tộc, màu da sẽ bị xóa bỏ. Con người trở nên ứng xử gần gũi với nhau, yêu chuộng hòa bình, lấy giá trị hòa bình làm nền tảng. Tinh thần từ bi của Phật giáo dạy, không nói ác ngữ, không phản ứng theo ân oán giang hồ “máu đền máu, răng đền răng”. Hãy liên tưởng đến câu thơ: “Một đứa cộc cằn thêm đứa nữa, thì hai đứa cộc cũng như nhau” để thấy rõ người phản ứng hận thù bằng hận thù còn tệ hơn người tạo ra hận thù. Bởi vì, người dấy khởi sân hận là sai lầm do thiếu sáng suốt. Cho nên, nếu cũng phản ứng giang hồ với họ thì người phản ứng là người thiếu sáng suốt tệ hại hơn nữa.
Trong tất cả phản ứng bảo vệ người hiền lương bị tổn thất hay tự vệ để tránh khỏi tình trạng bị hàm oan, được quyền trình bày vấn đề một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Không nên để những động từ, danh động từ, tính từ, trạng ngữ của lòng sân hận xuất hiện. Còn im lặng trong đè nén không phải là sự khôn ngoan. Đừng tin mù quáng vào câu “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn nhát”. Câu này dạy phải im lặng tuyệt đối. Mở lời nói ra là bị đánh giá và đồng hoá với kẻ hèn, thiếu bản lĩnh, chịu đựng. Ôm ấp thái độ không biện bạch sẽ không có cơ hội trình bày sự thật với những người đã hiểu lầm.
Có những nỗi hàm oan bắt nguồn từ sự hiểu lầm mà chỉ cần trình bày đơn giản vài phút thôi thì sự hiểu lầm đó được
tan biến. Giữ im lặng vì sợ bị cho là hèn nhát là biểu hiện khác của sự nuôi dưỡng bản ngã. Ở đây, người ứng xử thấy mình quá quan trọng nên lòng tự trọng bản ngã và sĩ diện sẽ lớn theo. Nhiều người lý luận rằng, vì tôi không có lỗi nên không cần biện minh. Họ ôm giữ sự im lặng đáng sợ suốt nhiều năm, thậm chí suốt cuộc đời. Cuối cùng, tổn thất, bế tắc ngày càng gia tăng cho chính họ và người hiểu lầm.
Đức Phật dạy, trong phát ngôn đừng nói bằng ác ngữ theo các góc độ như lời tục tĩu, thô lỗ, nóng nảy, hằn học. Bản chất của ác ngữ lệ thuộc và liên hệ rất nhiều đến tâm. Tâm quyết định cách thức biểu đạt ngôn ngữ trong giao tế. Do đó, chỉ thể hiện thiện chí thì chưa đủ mà còn đòi hỏi đến cách thức biểu đạt thiện chí thông qua lời nói thì người tiếp nhận thiện chí mới có thể đánh giá đúng đắn. Nếu không, nhiệt huyết có thể bị hiểu lầm.
Khi dấn thân trong cuộc đời và bị va chạm, hiểu lầm nhiều quá mà không khéo sẽ dẫn đến tình trạng thoái thất tâm Bồ đề, dẫn đến tình huống nổi Bồ đề gai. Nhiều người rơi vào tình thế xuất phát từ lòng nhiệt huyết lại trở thành rất yếm thế, an phận thủ thường, chuyện người cứ mặc kệ, đèn nhà ai nấy tỏ… Thậm chí, lửa cháy thiêu đốt cả ngôi làng cũng mặc kệ, miễn không cháy nhà của mình là được.
Phản ứng teo hẹp cảm xúc có thể diễn ra rất thường xuyên đối với nhiều người thiếu chịu đựng và mơ tưởng thuận duyên, trong khi trên thực tế gặp nhiều nghịch duyên. Càng nhiệt huyết thiếu phương pháp nhiều chừng nào thì nỗi khổ niềm đau càng gia tăng chừng đó. Trong mọi ứng xử, nên tâm niệm không nên để sân hận khống chế, không nên ôm giữ lòng sân.
Khi gặp phải nỗi khổ niềm đau, nhiều người thân thương ôm ấp vào lòng, dỗ dành. Làm thế là ôm ấp lòng sân bằng cách tạo liên minh với mình, đồng thời đối lập lại với kẻ gây ra khổ
đau cho mình. Con người thường có khuynh hướng ôm lòng sân dính liền với nạn nhân. Lẽ ra, cần phải phóng thích để hóa giải gốc rễ khổ đau cũng như những nguyên nhân không lý giải hết được. Ôm nỗi khổ niềm đau của người khác vào lòng thiếu phương pháp sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau được lan truyền, mở rộng.
ĐỪNG NUÔI “GIẬN” QUÁ MỘT NGÀY
Tổ Trung Hoa dạy một câu rất ấn tượng, “Tăng hận bất quá nhật” như lời tâm niệm chuyển hóa lòng sân hận. Nghĩa là, người xuất gia nếu có sân giận, khó chịu, nổi nóng với bất cứ ai, trong bất kỳ tình huống nào, với sự kiện gì thì đừng bao giờ nuôi giữ quá một ngày. Tức là, vẫn thông cảm với cơn giận nhưng không để sân giận trong lòng lâu. Biết rằng, phàm phu thì nổi nóng là chuyện bình thường. Cho nên, hãy thông cảm với họ. Nhưng phải ý thức rằng nổi nóng là sai lầm, đừng nhiệt tình nuôi nó bằng thực phẩm cảm xúc hơn một ngày. Nuôi dưỡng lòng sân hận không có lợi ích gì cả.
Người khôn ngoan phải ứng xử với bốn tiêu chí nêu trên mới chuyển hóa được cảm xúc sân hận trong trường hợp trung gian bảo vệ người thiệt thòi hoặc bảo hộ chính mình.
Để hỗ trợ những chân lý tháo gỡ tận cùng gốc rễ bế tắc mà đức Phật trình bày, Ngài đưa ra các dụ ngôn chuyển hóa dưới hai góc độ. Một là, lấy giá trị của ức niệm, tức là ghi nhớ nhận thức lời Phật dạy. Hai là, lấy hệ giá trị của ý thức trong phương diện ứng dụng làm nền tảng để đối chiếu và so sánh tác hại của sân. Lúc đó, hành giả sẽ từ bỏ lòng sân một cách rất dễ dàng. Đức Phật nâng cao vai trò của ý thức và tuệ giác trong tiến trình nhận diện nỗi khổ niềm đau.
Đức Phật dạy rằng, có một số Tỳ kheo rất thuần thục trong con đường tu tập. Khi mới vào chùa, các vị này vẫn còn
thói quen đời sống tại gia như ăn vài lần một ngày, trong bữa ăn thường đi tới đi lui nhiệt tình gắp đồ ăn cho bạn, người thân, khi cơm hết thì đi đến bếp để lấy thêm…
Trong truyền thống người xuất gia, để duy trì trạng thái chánh niệm, thân và tâm cùng ở một chỗ thì phương pháp ăn “Nhất tọa thực”, tức ngồi yên trong suốt buổi ăn, không đi tới lui là lời dạy không thể xem thường. “Nhất tọa thực” là cách ăn trong suốt thời gian từ lúc cầm đũa đến khi hoàn tất bữa ăn chỉ ngồi một chỗ, không đứng dậy, di chuyển. “Nhất tọa thực” tạo ra trạng thái của sự tĩnh tại trong lúc ăn uống. Nhờ đó, oai nghi tế hạnh được hiển lộ, chánh niệm có mặt. Ăn trong tư thế này, dịch vị tiết ra nhiều hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tiến trình tiêu hóa. “Nhất toạ thực” nhằm thiết lập chánh niệm, dù ăn nhiều hay ít vẫn có thể giúp người ăn có sức khỏe tốt. Phương pháp ăn “Nhất tọa thực” còn hỗ trợ vượt khỏi bệnh tật. Bởi vì, khi ăn món ngon quá mà trong mâm lại hết món đó, chỉ còn các món khác thì sự tiếc nuối sẽ làm phát sinh nhu cầu ăn tiếp, khiến bao tử làm việc vất vả, mỏi mệt hơn do lúc phải teo hóp, khi phải giãn nở quá to. Bao tử làm việc trong trạng thái thiếu cân bằng thất thường sẽ dẫn đến bệnh tật. Đó là chưa nói đến tình huống khi nạp vào cơ thể những món có nhiều dinh dưỡng sẽ có số bệnh nào đó xuất hiện hoặc gia tăng. Nên ăn một cách quân bình, đừng ăn rau quả nhiều quá, cũng đừng ăn quá nhiều vật thực chứa nhiều gluco, chất béo. Tất cả các chất dinh dưỡng phải đồng đều, đáp ứng được nhu cầu căn bản cho cơ thể.
Ăn quá nhiều thì chẳng những không tận hưởng hết giá trị chất bổ vì phải thải ra ngoài qua các hệ bài tiết, mà còn tạo ra bệnh tật cho người ăn. Giá trị của “Nhất tọa thực” không chỉ đơn thuần là hỗ trợ sức khỏe được tráng kiện, tuổi thọ đảm bảo, mà còn tạo ra trạng thái sảng khoái về tinh thần.
Cần biết giá trị thực phẩm, nhu cầu cơ thể và cảm thấy hài lòng với những gì được ăn. Không so sánh, không cảm thấy ít thức ăn hơn người khác, so đo trong lúc ăn thì trạng thái sảng khoái sẽ không có mặt.
Trong quá trình khất thực, người có phước báu thì được cúng nhiều, người nhiều kiếp trước không gieo trồng phước báu thì không ai bỏ gì vào bát cả. Tình trạng đó từng xảy ra trong thời đức Phật. Đừng bao giờ so đo. Họ cho ít thì ăn ít và cũng không cần xin thêm, cho nhiều cũng không nhận quá mức nhu cầu, chỉ nhận đủ khẩu phần ăn mà thôi. Chính vì cách khất thực chỉ tiếp nhận đủ nhu cầu ăn thường nhật mà cái bát khất thực được đức Phật gọi là Ứng lượng khí. Khí là cơ sở đo lường nhu cầu thực phẩm đối với từng cơ thể. Cơ thể khỏe hay yếu, trẻ hay già… nhu cầu vật thực bị biến thiên.
Đức Phật đưa ra sự kiện này để chỉ ra rằng, có những Tỳ kheo thuần thục, chỉ cần ức niệm, ghi nhớ những gì Ngài dạy như là hệ giá trị. Chẳng hạn như cách ăn “Nhất tọa thực” vừa nêu. Và họ nhờ đó thực hành theo mà có kết quả. Người sáng suốt là người dễ nghe điều hay, luôn tâm niệm và tự ý thức làm mình tốt hơn mà không cần người khác khuyên nhắc nhiều.
Đức Phật đưa ra tình huống thứ hai giống như một chiếc xe ngựa nằm ở ngã tư đường bằng phẳng. Có một nhà huấn luyện ngựa rất thiện xảo, tay trái cầm dây cương, tay phải cầm chiếc roi đánh ngựa. Anh điều khiển ngựa tới và lui, rẽ trái và phải tuỳ theo mục đích nhưng không phải đánh, phạt, hét nhiều mà con ngựa vẫn đi đúng hướng, về đến đích cuối cùng.
Tương tự, một số hành giả khôn ngoan cần phải khơi dậy các phương pháp từ bỏ những yếu tố bất thiện trong con người thì giá trị lợi lạc được phát sinh. Hoặc phải ý thức được rằng, khi dấn thân vào những điều thiện, cao thượng thì sự hưng thịnh trong đời sống tâm linh và đạo đức sẽ có mặt.
Ý thức rõ về giá trị như vừa nêu sẽ giúp hành giả tự giác làm việc chứ không cần chờ có người trừng phạt hay khuyên bảo. Nhờ thấy được giá trị lợi lạc trong thực tập chuyển hoá, hành giả không vi phạm lỗi lầm. Phần lớn thường đợi bị trừng phạt, lên án, cầm tù mới ăn năn, hối hận, sợ hãi mà không vi phạm nữa. Bản chất của sự không tái phạm trong trường hợp này là do sợ hãi chứ không xuất phát từ trí tuệ. Nỗi sợ hãi lương tâm không có mặt chỗ nào thì nơi đó con người sẽ tiếp tục phạm sai lầm. Nơi nào các phương tiện quan sát, giám sát, theo dõi lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện tái phạm lần thứ hai hay nhiều lần cho người kém ý thức.
Tình huống thứ ba là trong một khu rừng cây Sa la bị các dây leo như dây tầm gửi bao phủ. Muốn bảo vệ khu rừng Sa la khỏi sự tổn thất thì phải chặt bỏ hết tất cả những cành cây cong thiếu sinh lực, những cây dây leo. Đồng thời, chăm sóc kỷ lưỡng các nhánh thẳng, có sức sống. Nhờ đó, khu rừng được trưởng thành và tươi tốt.
Phải có ý thức gieo trồng những yếu tố tích cực về cảm xúc như trạng thái an lạc, tĩnh tại, trạng thái chuyển hóa lòng sân, hỷ xả, bao dung, không ức niệm hay nhớ lại những khổ đau do người khác gây ra vô tình hoặc cố ý. Như vậy là đã làm cho cây Sa la của sự sống và hạnh phúc đang trưởng thành.
Vấn đề ở chỗ, phải nỗ lực, đừng tiếc nuối. Có những người vấp phải nỗi khổ niềm đau do người khác cố ý tạo ra liền suy nghĩ, khi nào tôi thấy người kia ân hận, xin lỗi thì tôi mới tha thứ. Làm vậy là tự ghim dây leo đó vào tâm và dòng cảm xúc, rồi giữ khư khư không buông bỏ. Bám ghì cảm xúc khổ đau là cách giết chết cơ hội được hưởng trạng thái an lạc, hạnh phúc. Những điều bất như ý diễn ra rất nhiều trong đời. Đừng bận tâm chỉ cần tâm niệm rằng, khổ đau là nhánh cây đã mục hoặc chỉ là những dây tầm gửi thì không dại gì để nó sống trên thân cây Sa
la sung túc, để hưởng an vui và hạnh phúc!
Đức Phật đưa ra các ảnh dụ trên để dạy rằng, phải ý thức về tính giá trị của những ức niệm trong dòng cảm xúc và nhận thức để từ bỏ bất cứ những gì gây tác hại xấu về cảm xúc, tư duy, hành động cho mình và người.
Ba ảnh dụ vừa nêu có tác dụng chuyển hóa cảm xúc rất lớn cho những đối tượng có nhận thức sâu sắc và biết đặt lòng từ bi trên cảm xúc. Nói cách khác, trước nhất phải từ bi với chính bản thân. Đừng đì đọt cảm xúc, đừng trù dập hạnh phúc bản thân. Phải thương tưởng thân để chăm sóc đúng nhu cầu hạnh phúc mà nó cần đến. Khi đặt sự thương tưởng lên dòng cảm xúc bị trù dập bởi nỗi khổ niềm đau của sân hận thì phải buông xả nỗi đau. Muốn buông dễ dàng, không nên nghĩ đối tượng đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình. Những người cao thượng dễ thực hiện lòng rộng lượng, tha thứ, bao dung còn những người chấp mắc thì khó làm được.
NHU THUẬN VÀ ÔN HÒA
Cứ coi thân thể và sự sống giống như cây Sa la có những nhánh tươi, nhánh khô, nhánh bị tầm gửi bám vào. Điều quan trọng, đừng để dây tầm gửi bám trên những nhánh khô mục. Vấn đề được đức Phật nêu ra là, thấy được giá trị chuyển hóa tâm sân hận để nâng thành thước đo của hạnh phúc. Đức Phật minh hoạ bằng câu chuyện rất sâu sắc.
Thuở xưa, trong thành Xá Vệ có một nữ gia chủ tên Ve- dehika nổi tiếng là người hiền thục, nhu thuận, ôn hòa. Nhờ đó, tấm lòng nhân từ của bà được lan truyền rất xa. Bà có một nữ tỳ tên là Kali rất khéo tay, siêng năng, cẩn thận, làm việc chu toàn, tận tâm, có trách nhiệm không bao giờ làm Vedehika nổi sân.
Kali là một người Phật tử nên muốn thử lòng tĩnh tại của
chủ nhân để xem bà xóa bỏ được lòng sân hay chưa. Hôm nọ, Kali giả vờ ngủ quên, thức dậy trễ hơn mọi ngày. Theo truyền thống Ấn Độ, người nữ tỳ phải thức khuya dậy sớm chờ chủ thức dậy để mang nước và khăn tới cho chủ rửa mặt, chân… phục vụ tận tình không được đòi hỏi gì. Kali giả vờ ngủ quên để bà chủ dậy trước và phải làm các công việc của nữ tỳ. Đợi hoài không thấy tỳ nữ đến hầu hạ, bà bực bội khó chịu trong lòng. Đến bên giường bà hỏi Kali: “Ngươi có biết phận sự của nhà ngươi là gì không?” Kali mở mắt ra và nói: “Có chuyện gì vậy bà chủ? Ngày hôm nay không có việc gì để làm”. Nói xong, Kali quay mặt sang hướng khác, tiếp tục ngáy khò khò. Bà chủ kêu ca: “Con có nghe bà nói gì không? Trời đã sáng rồi, hãy thức dậy làm việc”. Kali mở mắt, nói tỉnh bơ: “Không sao đâu bà, trời sinh voi sinh cỏ, hơi đâu mà lo”. Bà chủ tức quá, lấy tay nắm tóc nữ tỳ, xốc cô dậy, tát một cái, miệng lanh lảnh: “Con này, mày dám ra giọng chủ à? Tao thuê mày về để làm việc chứ không phải để nằm ngủ và dạy đời tao”. Lúc đó, Kali mới thấy được bà chủ không phải là người hiền thục, nhu mì và vẫn còn lòng sân.
Từ trước đến nay, do nữ tỳ làm việc chu toàn từ trong ra ngoài, không có lý do gì làm bà ta giận dữ, nổi cáu, khó chịu. Chỉ thử một chiêu, sẽ thấy các hoạt dụng của lòng sân đã thực sự được chuyển hoá hay chưa. Câu chuyện được đức Phật kể lại rất thâm thúy ở chỗ, quan sát một con người trong môi trường “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì thấy họ như mặt nước hồ thu phẳng lì, không gợn sóng nên có cảm giác họ đã thành công, thành tựu kết quả. Nhưng chỉ cần thử một chiêu là biết giá trị thực của họ ở chỗ nào. Thỉnh thoảng, hãy thử chính mình thay vì người khác. Thử người sẽ tạo ra sự hơn thua. Thử bản thân tạo ra sự tiến bộ nội tại và nhu cầu chiến thắng bản thân.
Đức Phật nói, khi quan sát những tình huống tương tự,
không nên vội vàng kết luận đức tính ôn hòa, nhu thuận, hiền thục của nhân vật có giá trị tuyệt đối. Bởi vì, cá tính con người có thể bị biến thiên, thay đổi theo điều kiện. Khi môi trường hoàn cảnh thuận lợi, đời sống cơm no áo ấm, đối tượng giao tế và cộng sự luôn luôn ăn ý thì lòng sân hận ít có cơ hội biểu hiện. Điều đó vẫn chưa đủ để xác định giá trị tĩnh tại, an lạc của con người.
Lòng sân hận của con người có thể tồn tại dưới hai tầng nổi và chìm. Tầng nổi có hình dạng gồ ghề, gò mối, dây leo… và dễ dàng khắc phục được. Đôi lúc, nhờ sự mặc cảm và giữ uy tín trong giao tế mà không thể ứng xử quá thô bạo. Cho nên, nhiều người ức chế lòng sân dù bực tức, giận dỗi nhưng vì phải thể hiện là người cao thượng, người lớn, người biết lẽ phải nên vẫn phải nở nụ cười ôn hòa để được những lời khen tặng. Ứng xử với mục tiêu ngoại giao chỉ chiến thắng được lòng sân hận ở bề nổi. Thực chất, lòng sân hận ở tầng chìm, sâu trong tâm thức vẫn âm ỉ, tồn tại. Trong tình huống mất kiểm soát trước sự chọc tức khác thì lòng sân sẽ xuất hiện. Lúc đó mới thấy được bản chất thật của dòng cảm xúc sân hận vẫn chưa được chuyển hóa trọn vẹn.
Điều chính yếu đức Phật muốn dạy trong bài kinh này là, chuyển hóa lòng sân hận ở chiều sâu trong tâm thức. Khi lòng sân hận vi tế được lắng dịu hoàn toàn thì không có những phản ứng nổi cáu. Phải nỗ lực chuyển hóa sân hận tận gốc rễ thì mới đạt được kết quả.
PHÓNG THÍCH CƠN GIẬN
Theo nhà Phật, không nên đè nén cơn giận vì cơn giận sẽ bị biến dạng thành nhiều hình thức rất nguy hiểm như nêu trên. Rõ ràng, cần phải phóng thích cơn giận nhưng phóng thích bằng cách nào? Việc Phóng thích nỗi khổ đau và sân hận là nhu cầu tinh thần giống nhu cầu ăn uống, hít
thở không khí, làm việc, vui chơi giải trí. Nếu phóng thích không có phương pháp như ném đồ đạc ra khỏi nhà là đang làm cho đường phố, môi trường bị ô nhiễm. Như vậy, được việc mình nhưng có hại cho người khác. Vì thế, nhà Phật dạy, con người phải hiểu được các thao tác kỹ thuật phóng thích lòng sân có phương pháp để nỗi khổ đau được nhổ tận gốc.
Khi nhận dạng bản chất của sự giận dữ, phải truy nguyên nó từ những gì được che kín (hidden). Những phiền não vi tế ẩn núp bên trong mới chính là kẻ thù thật sự, còn những biểu đạt sân hận qua lời nói, hành động bạo động, khủng bố chỉ là hệ quả của lòng sân chưa được chuyển hoá.
Để tháo gỡ gốc rễ khổ đau do sân hận mang lại, phải nhìn sâu vào bản chất của nó. Muốn nhổ tận gốc, phải nỗ lực bằng nhiều cách mới chuyển hóa được. Sân hận giống như con đỉa, nếu chặt thành ba khúc thì nó trở thành ba con, chặt thành mười khúc thì nó trở thành mười con, chặt thành trăm mảnh thì nó trở thành trăm con. Vì vậy, đừng chặt nó, đừng kháng cự bằng cưỡng lực mà hãy chuyển hóa theo cách thức nhận dạng được mặt mũi, nguyên nhân tại sao nó tạo ra khổ đau.
Phóng thích cơn giận dữ, đương sự phải áp dụng các giải pháp an toàn, để chính họ và những người trực tiếp liên hệ có thể có được đời sống an vui. Phóng thích là một nhu cầu sinh tồn của hạnh phúc. Cũng như trường hợp ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe, thực khách có thể bị dị ứng thực phẩm dẫn đến bị ói mửa, ói mửa là phóng thích độc tố trong thực phẩm. Như khi bị trúng gió, cơ thể bị đau nhức, khó chịu và cạo gió là hình thức phóng thích cơn đau. Phóng thích ra ngoài những gì không thích ứng cho cơ thể là nhu cầu của sức khoẻ. Sự phóng thích sân hận ra khỏi cảm xúc và đời sống con người còn quan trọng hơn phóng thích độc tố. Mỗi khi
độc tố sân hận nhiễm vào trong nhận thức thì máu hạnh phúc sẽ tím bầm, buồng phổi không còn ôxy hạnh phúc để thở. Các hành vi ứng xử của người bị nhiễm độc sân hận trở thành kẽm gai, lựu đạn… làm khổ đau bản thân và tha nhân. Sự phóng thích nỗi đau của sân hận lúc này là một nhu cầu.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự phóng thích cũng mang lại an lạc nếu không biết cách đúng đắn. Đừng đổ sự giận dữ lên người thân. Hãy phóng thích rác rưởi của sân si vào sọt rác rồi tiêu hủy. Những người xung quanh cần có không gian trong lành để thở, để sống hạnh phúc. Phóng thích sân hận thành công đòi hỏi đến phương pháp, nghệ thuật mà nền tảng vốn từ nhận thức sáng suốt, tác động qua tâm lý, thể hiện qua hành vi thích hợp và tốt đẹp trong mối quan hệ giữa cộng đồng, xã hội.
Tâm lý học hiện đại phương Tây có dạy phương pháp xả hơi cơn giận. Phương pháp này giống hình ảnh xả ống khói trong nhà để mang lại không khí trong lành khi bị nghẹt khói. Nếu lúc nhà bị nghẹt khói do lỗ thông ống khói bị bít thì nhu cầu cần thiết là phải mở nắp ống khói, mở toang cửa chính và cửa sổ để tống khứ khí carbonic ra ngoài. Mở cửa là hành động cứu mạng con người. Những nhà tâm lý học hiện đại cũng lý luận tương tự. Mỗi khi sân hận là thải khí độc ra môi trường. Cũng vậy, có các mối quan hệ cảm thấy rất ngột ngạt, khó thở, đến nỗi không muốn nhìn mặt, nói chuyện, sinh hoạt chung, chỉ muốn dứt khoát với nhau. Trong tình thế đó, họ dạy phương pháp xả hơi. Theo nhà Phật, phương pháp xả hơi này rất nguy hiểm!
Khi bạn ghét người nào đó, các nhà tâm lý học khuyên bạn nhờ nghệ nhân tạo ra hình nộm bằng giống người mà bạn ghét để bạn dùng vũ lực đập vào hình nộm cho tan nát. Khi cơn giận được trút vào hình nộm thì bỗng nhiên bạn có cảm giác nhẹ nhõm, tránh được cơn điên trước mắt. Một số nơi có phong tục tập quán dạy người dân sử dụng phương pháp xả hơi bằng cách
trút cơn giận lên hình nộm. Cũng có người khuyên, khi giận thì nên đập bàn, ghế, xô đẩy, đập phá, gào thét để cơn giận có chỗ phóng thích. Đây là phương pháp xả hơi cơn giận để không bị nghẹt thở do sân hận gây ra. Theo nhà Phật, cách phóng thích sân hận này lại vô tình đang tập dượt, thao diễn cho những trận giả chiến của lòng sân hận chứ không thật sự làm nguôi và chuyển hoá. Thậm chí, tạo ra các tâm lý phản tác dụng.
Ngay cả trò chơi thể thao, các môn võ nghệ thuật, vận động viên phải tập dượt đấm đá bao cát bằng nhiều thao tác mỗi ngày. Trong lúc tập dượt, họ phải nghĩ bao cát chính là đối thủ, kẻ thù phải triệt tiêu để dành chiến thắng. Cứ mỗi lần tập luyện, người tập có chủ đích trút vào đối tượng giả tất cả sự bực tức, giận dữ, khó chịu, khổ đau. Hành động trút đổ này đem lại tác hại nhiều hơn là giá trị trị liệu.
Không nên sử dụng phương pháp này vì khi đang giận nếu không có hình nộm, bao cát, đồ đạc thì ta sẽ trút cơn giận vào đâu? Thay thế đối tượng của cơn giận từ con người thành đồ vật không làm cho nỗi giận giảm đi. Ngược lại, càng làm phát triển mãnh liệt hơn, như diều gặp gió, lửa gặp dầu. Rõ ràng, phương pháp xả hơi tạo ra nhiều bế tắc, không phải là giải pháp.
Lịch sử Trung Hoa từng có vị vua ứng xử nếm mật nằm gai để phục thù là Việt vương Câu Tiễn. Nước Việt là láng giềng của nước Ngô do vua Ngô Phù Sai đứng đầu. Ngô Phù Sai là người đa mưu, mang quân xâm lăng và thôn tính nước Việt. Mỗi năm nước Việt phải nộp cống sản vật, cung phi, mỹ nữ cho nước Ngô. Việt vương Câu Tiễn nuôi hận phục thù suốt mười năm, ông tập võ, rèn binh luyện kiếm, nuôi hận theo cách “nằm gai, nếm mật”. Ông thường nằm ngủ trên giường gai để mỗi lần khi đặt lưng xuống giường, cảm giác đau đớn sẽ gợi nhớ về nỗi nhục mất nước, liền nghĩ đến vua Phù Sai với cơn giận dữ và quyết tâm phải phục thù. Khổ hận
thứ hai được Việt vương áp dụng là ông treo trước phòng túi mật đắng. Trước khi ăn cơm, ông nếm túi mật đắng để nhắc nhở phải nhớ đến sự phục thù Ngô Phù Sai. Ông còn dặn dò vợ không nấu món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị để ông mãi nhớ đến những ngày khổ nhục mất nước. Sau mười năm nuôi binh luyện võ, Việt vương đã khởi nghĩa và thắng lợi, lấy lại tất cả những gì đã mất vào tay Phù Sai.
Việt vương Câu Tiễn vì nuôi lòng sân hận mà sống cuộc đời đau khổ trong thời gian dài. Sau khi chiến thắng được Ngô Phù Sai vài năm, ông qua đời với chứng bệnh nói theo khoa học thời nay là tai biến mạch máu não, suy tim, thần kinh căng thẳng, suy nhược trong sự uất hận. Cũng may, ông thực hiện được chí nguyện phục thù rửa hận cho dân tộc, không như nhiều người không may mắn, chết trước khi làm được điều gì mình muốn vì tác hại của khổ hận.
Trong câu chuyện lịch sử trên, Việt vương Câu Tiễn có ý cố tình nuôi lòng sân hận, cảm giác khổ đau để phục thù, rửa hận mang lại độc lập cho dân tộc. Dĩ nhiên, trách nhiệm hàng đầu của vị vua là không để đất nước bị xâm lược. Nhưng là Phật tử, có nhiều cách giúp cho đất nước trở thành quốc gia độc lập mà không nhất thiết phải kinh qua con đường chiến tranh. Tốt hơn hết, thông qua con đường đàm phán và thương thuyết ngoại giao. Bất đắc dĩ dẫn đến chiến tranh thì giải quyết trên cơ sở không gây thương tổn cho cả hai dân tộc vì người dân là vô tội!
Hiện nay, một số cường quốc trên thế giới đang thử bom hạt nhân, nguyên tử dưới lòng biển hay sa mạc. Họ nghĩ điều đó không ảnh hưởng đến đời sống con người. Phải chăng đây là nguỵ biện? Vì họ biết, mỗi lần thử bom hạt nhân, địa cầu bị chấn động, biến dạng về cấu hình của mặt đất và có thể làm xê dịch kinh tuyến, vĩ tuyến một vài cm hoặc hơn. Chính
sự chấn động đó lâu ngày tạo ra địa chấn dưới lòng biển, sóng thần, động đất, các loại hình thiên tai bão lũ rất nguy hiểm cho mạng sống con người.
Dù khoa học chưa chứng minh được những tác hại to lớn từ sự thử nghiệm này. Song rõ ràng, có nhiều nguy hại ảnh hưởng đến môi trường sống con người với nhiều hình thức khác nhau. Quan sát trên truyền hình về cách thử bom nguyên tử hạt nhân, có thể thấy độ chấn động lan truyền khủng khiếp với đường kính có thể kéo dài 500km - 5.000km, tuỳ theo mức độ tàn phá. Lúc ấy, tất cả muông thú trong rừng, động vật dưới biển, loài bò sát sống dưới lòng đất hay trong hang đều bị tiêu diệt. Thậm chí, kim loại có thể chảy thành chất lỏng. Việc thử nghiệm hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt đã tạo ra những dị dạng cho địa cầu. Sự phóng thích bằng cách xả hơi cơn giận cũng tương tự, khiến cho địa cầu tâm linh bị tổn thương, hạnh phúc bị thiêu huỷ. Tưởng làm như thế có thể được thoải mái nhưng không ngờ cơn giận càng được nuôi dưỡng và phát triển.
ĐỪNG GIẬN CÁ CHÉM THỚT
Thái độ biểu đạt khác của cách thức phóng thích cơn giận dữ là “Giận cá chém thớt”, thuộc phản ứng của tâm sân. Nghĩa là, người bực tức trút bỏ nó vào đối tượng không liên can, coi đó như là cách phóng thích phản ứng bị ức chế tâm lý cần phải xả với bất kỳ ai hay cái gì. Khi người giận có thái độ sân hận với người mà họ không có quyền nói, không có cơ hội giải bày hoặc có quyền và cơ hội nhưng đối phương không lắng nghe thì cảm giác bị oan ức khó chịu vô cùng. Cho nên, cứ ôm giữ sự ấm ức trong lòng ở nhà, tại công sở và mang theo nó khi đi bất kỳ đâu. Hành động ấy là cách thức nhen nhóm lửa giận ở nhiều nơi, lửa sẽ đốt cháy rụi những nơi đó thành tro. Đây là cách thức gieo rắc sự đau khổ với những người không hề có bất kỳ liên can hay
liên hệ gì đến cơn giận của kẻ giận.
Cách đây vài tháng, trên các kênh truyền hình chiếu phim phóng sự về sự kiện nhân viên cai ngục của Mỹ hành hạ bất nhẫn với tù nhân Iraq, buộc các tù nhân Iraq cởi bỏ quần áo rồi dùng dây thòng lọng kéo cổ người này sang người kia. Và quay phim, chụp ảnh để bôi nhọ, sỉ nhục khiến cộng đồng quốc tế căm phẫn. Chính phủ Mỹ đã trừng phạt đích đáng các can sự và cách chức giám đốc nhà tù chính trị. Lính Mỹ hành động bất nhân như thế là “Giận cá chém thớt”. Nguyên nhân có thể do lính Mỹ có chiến hữu bỏ xác trên chiến trường Iraq hoặc căm ghét chế độ độc tài của Sadam Hussein. Sự sân hận làm những viên cai ngục Mỹ trả đũa lên các tù nhân Iraq vốn không liên hệ nhiều đến Hussein, hay cái chết của các chiến binh Mỹ tại Iraq. Đôi lúc, sự tàn nhẫn trong cách “Giận cá chém thớt” có sức tàn phá hơn so với đối tượng liên hệ trực tiếp đến cơn giận.
Phía Iraq cũng có những phần tử cực đoan, trả đũa khó mà chấp nhận. Có người tự nguyện trở thành những quả mìn, tự sát ở những nơi công cộng hay đại sứ quán Hoa Kỳ ở các nước. Trong những hành động khủng bố, người cực đoan cố tình tạo ra bất ổn ở nhiều nơi. Họ bắt giữ con tin, hăm dọa, hành hạ, giết chóc để buộc nước liên minh với Mỹ phải rút quân khỏi Iraq. Tất cả những hành động phản ứng trên đều thuộc loại “Giận cá chém thớt”, phóng thích sân hận bằng cách hết sức sai lầm, mức tàn phá khó lường. Sự phóng thích sân hận bằng cách này diễn ra nhẹ nhàng hơn nếu chỉ quát mắng, la rày...
Ví dụ, có anh công nhân khoảng 50 tuổi, làm việc dưới quyền một thanh niên trẻ. Một hôm, ông ta không hoàn thành công việc nên bị cằn nhằn, nặng lời, chửi bới. Ông ta bị ức chế tâm lý, cảm xúc khó chịu, bực bội vì sự chênh lệch tuổi tác. Trở về nhà, thay vì vui vẻ với vợ con cho khuây khỏa
thì ông ta lại cau có với con cái. Mở tập kiểm tra của con, thấy nhiều điểm yếu, ông bực mình quát: “Thằng này, học chẳng ra chi! Hồi bằng tuổi con, ba từng làm lớp trưởng, Tổng thống Nixson từng là bạn của ba. Còn bây giờ, con chỉ có việc học cũng không xong thì làm được việc gì…” Đứa con liền trả lời: “Ba ạ! Con biết điều đó, con rất kính phục ba! Nhưng rất tiếc, khi Nixson bằng tuổi ba thì ông ta là Tổng thống Mỹ, còn ba chỉ là công nhân thôi”.
Đôi khi, cha mẹ phóng thích cơn giận vô tội vạ như thế là tạo ra chất xúc tác cho con cái trở thành kẻ bất hiếu, không biết tôn trọng người lớn. Thậm chí, chính cha mẹ gián tiếp làm con trở thành kẻ hư đốn. Vì vậy, không nên tạo sự lây lan tâm lý sân hận từ người này sang người kia.
Muốn cắt đứt sự lây lan sân hận, phải đình chỉ ngay việc tiêu thụ thực phẩm của sân hận mà bản chất biểu hiện của nó rất đa dạng và vi tế. Trước khi phân tích phần này, cần phải hiểu được cơ chế tương tác thân và tâm con người. Nhà Phật có thuật ngữ danh và sắc. Theo tâm lý học hiện đại, thân và tâm là biểu hiện tâm sinh lý con người. Hai phương diện này luôn tác động qua lại với nhau. Có khi bực bội phát xuất từ cơ chế sinh học do mất ngủ, bị chứng bệnh gây đau nhức, khó chịu nên bị trầm cảm, uể oải, thụ động. Rõ ràng, ảnh hưởng tâm lý đã tác hưởng xấu cho sức khoẻ, thân thể. Ngược lại, ảnh hưởng xấu của sức khoẻ có thể tương tác và tạo ra tiêu cực cho tâm lý, nhận thức dẫn đến ứng xử không khôn ngoan. Hiểu rõ cơ chế tương tác giữa thân và tâm thì không nên khinh thường sức khoẻ của thân và sự vận hành của cảm xúc sân hận. Ngược lại, phải biết phương thức chăm sóc cả thân và tâm để tháo gỡ sân hận. Đừng cho tâm lý sân biểu hiện thành thái độ nóng giận, quát tháo, chửi bới, đánh đập, nguyền rủa, hù doạ, thương tổn, loại trừ, chiến tranh…
CẤP ĐỘ SÂN HẬN
Sự tức giận của con người có nhiều cấp độ khác nhau như sự nổi nóng, hờn mát, hung dữ, huỷ hoại và thù hận. Tuỳ trường hợp mà phản ứng của con người có thể rơi vào một, hai hay cả năm tình huống vừa nêu. Nếu rơi vào cả năm tình huống đó thì phải biết đã chuốc lấy sự bất hạnh. Chính vì thế, sự an lạc, tĩnh tại đời sống nội tâm không còn nữa. Nói cách khác, nuôi cơn giận còn khó hơn nuôi người bệnh, bởi cơn giận làm hao tâm, tổn trí mất hết sự an lạc!
Sự nổi nóng có thể biểu đạt qua nhiều cách thức như cau có, bực bội, khó chịu hoặc thay đổi sắc mặt, ngữ điệu, thái độ ứng xử, cử chỉ sinh hoạt hàng ngày gần như bị biến dạng. Người đang giận nếu bị chứng bệnh cao huyết áp hay tim mạch thì sẽ thấy gương mặt tái xanh. Nếu có chứng bệnh khác thì gương mặt đỏ lên do máu dồn lên não quá nhiều, làm căng thẳng thần kinh rất khó chịu. Sự biến dạng này được xem là hệ quả của thái độ nôn nóng, nông nổi và rất nguy hiểm!
Trạng thái ngấm ngầm biểu đạt một cách vi tế của sân hận là hờn mát. Sự hờn mát có thể tạo ra nỗi buồn bực, dẫn đến thái độ ganh tị hay hiềm khích. Chú tâm vào việc làm, lời nói của người khác từ tàng thức của mình mà không bộc lộ ra ngoài. Khi hờn mát, con người có thói quen quay lưng, không chú ý quan tâm, không lắng nghe, không nhìn đối diện hay gặp gỡ với người đã tạo ra sự hờn mát cho mình dù hành động, lời nói của người đó vô tình. Như vậy, thái độ hờn mát khép kín cửa ngõ quan hệ truyền thông giữa mình với những người xung quanh.
Việt Nam có câu thành ngữ, “Hơi đâu mà giận người dưng nước lã” như là phương châm ứng xử để mình mặc nhiên với mọi việc làm của người. Bản chất câu này rất nguy hiểm cho việc duy trì các quan hệ. Nếu đó là phương châm
thì chẳng lẽ cho phép mình giận người thân hay sao? “Hơi đâu mà giận người dưng” cũng có nghĩa là được quyền giận những người thân, gần gũi và có quan hệ trực tiếp hay thuộc hạ. Như vậy, thái độ giận đó được bào chữa, nuôi dưỡng bằng cách nhìn nhận sai lầm ở chỗ, nếu người thân làm việc sai trái thì được bày tỏ thái độ trừng phạt, giận dỗi, hờn mát, căm phẫn. Phương thức ứng xử như thế rõ ràng tổn thất nặng nề đối với đời sống tâm linh.
Sự hung dữ chỉ là trạng thái căng thẳng về chiều kích xấu hơn lòng sân, được biểu đạt bằng động tác khua tay múa chân, khua môi múa mép, phùng mang trợn mắt, nguyền rủa chửi bới, la hét, hù dọa cay cú. Hù dọa tưởng chừng đơn giản nhưng tác hại khôn lường. Tục ngữ có câu, “Một cái doạ bằng ba cái đánh”, nghĩa là khi đánh, đau một lần thôi. Còn khi hù dọa thì không biết bị đánh ở đâu, lúc nào. Cho nên, cảm giác sợ hãi lo lắng cứ thường trực, tồn tại làm tâm họ không được yên ổn. Vì vậy, sự hù dọa để lại khổ đau lâu dài. Khi giận, đừng hù dọa vì sẽ khiến tâm người khác chất chứa giận hờn. Sự mặc cảm, tự ti, sợ hãi trưởng thành lâu dài ở họ.
Lời nguyền rủa cũng có tác hại tương tự. Chẳng hạn, người bệnh gần chết nhưng do giận con cháu nên đuổi họ đi và nhắn lời không cho họ về để tang khi mình chết, nếu họ về thì mình chết không nhắm mắt. Theo nhà Phật, điều này tạo ra sự ức chế tâm lý khiến vong linh khó siêu thoát. Nếu được tái sinh thì bản tính vẫn ẩn chứa lòng hờn mát, giận dữ, sân hận, dễ cau có, bực bội. Hơn thế nữa, sự sân giận còn làm đối tượng bị cắn rứt lương tâm, giày vò khó chịu, buồn rầu. Buồn bực ấy có thể đưa đến những căn bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, tai biến mạch máu não, dễ dàng dẫn đến cái chết ngang trái. Do đó, đừng bày tỏ sự hung dữ do lòng sân hận vì nó không mang lại lợi ích cho mình và người thân!
Tác hại, biểu đạt lớn hơn với cường độ và tốc độ mạnh hơn của sân hận là sự huỷ hoại. Theo kinh điển, lòng sân hận có chức năng huỷ diệt đối tượng, có thể biểu đạt qua các động tác đập phá đồ đạc, dồn nén sự giận dữ vào tờ giấy rồi vò nhàu nát hay xé ra từng mảnh nhỏ, hoặc thái độ ăn miếng trả miếng, ứng xử rất giang hồ. Làm vậy, khiến lòng giận dữ ngày càng leo thang, làm cho nội kết giữa mình và người không bao giờ có dấu chấm kết thúc. Có thể kéo dài từ đời này sang đời khác. Thậm chí sau này, con cháu lớn lên và nghe kể lại những giai thoại về nội kết giữa hai gia đình, dòng tộc hay người khác thì con cháu của họ sẽ có mặc cảm, thành kiến với nhau dù không hề quen biết. Họ vẫn không thể nhìn, cười hoặc quan hệ bình thường với nhau.
Biểu hiện cuối cùng là lòng thù hận, ôm ấp sự thù hằn, giận dữ trong tâm. Nhiều người nuôi quyết tâm trả thù trong tương lai. Sự trả thù rất đa dạng. Trước hết, có thể ngấm ngầm dưới thái độ tâm lý “loại trừ”, không bao giờ chấp nhận sự tồn tại song hành giữa mình và kẻ thù, nghĩa là đặt mình với họ lên bàn cân, một mất một còn, ngày và đêm, mặt trời và mặt trăng. Đó là cách ứng xử theo quan điểm nhị nguyên đối lập lẫn nhau nên không chấp nhận người khác cùng có mặt với mình. Phật giáo gọi đó là “oán tắng hội khổ”, nghĩa là nỗi khổ của hai người không ưa nhau nhưng phải gặp nhau mỗi ngày, phải sống chung trong một ngôi nhà, làm việc chung cơ quan. Mỗi lời nói, việc làm, suy nghĩ của họ đều trái ngược như nước với lửa.
Sở dĩ, lòng thù hận nguy hiểm vì nó là nền tảng và được biểu đạt bằng sự nổi nóng, hờn mát, hung dữ, huỷ hoại và nhiều cách thức khác. Đôi lúc, có người phản ứng hết sức cực đoan bằng cách kết liễu mạng sống của đối tượng. Ví dụ trong cơn ghen, phụ nữ có tính Hoạn Thư có thể dùng axit để huỷ hoại thân thể người xen vào hạnh phúc của mình. Trong
quan hệ đối tác, có thể hạ thủ đối phương để tranh giành địa vị, quyền lợi. Vì thế, bất cứ lúc nào con người còn ôm giữ sân hận thì còn là nạn nhân của nội kết không tháo gỡ được.
Nội kết là ức chế và trói buộc tâm lý đối với người nào đó, bắt nguồn từ thái độ mặc cảm, ganh tị, tranh giành hơn thua, xung đột, va chạm thương tổn, từ tâm lý ngã mạn cống cao, từ bản ngã muốn mình trở thành trung tâm của vũ trụ, trục xoay của trái đất. Do con người không được đáp ứng hay không thể thoả mãn những tâm lý trên nên lòng sân hận trỗi dậy. Tự thân đang thiết lập bức tường vô hình nhưng không nhìn thấy được. Khi giao tiếp với đối phương thì gai góc xuất hiện, thần kinh căng thẳng, mặt trắng nhợt hay đỏ bừng, tim đập nhanh. Đó là những trạng thái tâm lý làm thay đổi mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
GỐC RỄ CỦA GIẬN DỮ
Nhà Phật dạy, muốn giải phóng sân hận trước hết phải nhận ra nguyên nhân tại sao nó có, do chủ quan hay khách quan, nội hay ngoại tại, do sự hiểu lầm hay từ sự tổng hòa của những điều vừa nêu trong từng tình huống cụ thể? Phải chịu khó lắng tâm, quan sát và tư duy khách quan thì mới thấy được mấu chốt và diễn tiến của nguyên nhân gây ra sân hận.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật nêu 10 nguyên nhân của lòng sân liên hệ đến ba đối tượng là tự bản thân, những người mình thương và những người mình ghét xuyên suốt ba mốc thời gian là quá khứ, hiện tại và vị lai.
Trước nhất là ba tâm niệm cho rằng người khác làm tổn hại, ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi nghĩ lợi lạc, hạnh phúc của mình bị thương tổn thì phát sinh và nuôi dưỡng lòng thù oán trong tâm.
Ba trường hợp kế tiếp thuộc ba tính cách tâm lý tương
tự, được truyền qua những người thân thương. Chẳng hạn, khi vợ chồng, con cái, anh em, bà con quyến thuộc, những người cùng lý tưởng của người nào đó bị làm thương tổn y sẽ bảo vệ, bênh vực. Đồng thời, sẵn sàng bày tỏ thái độ ghét bỏ, căm phẫn người tạo ra rắc rối cho người thân của y. Làm vậy là đã gieo trồng những hạt giống sân hận rất vô cớ. Vì hai đối tượng đang có nội kết với nhau, người trung gian lẽ ra phải hòa giải giúp họ không còn thù nhau nữa thì lại tạo liên minh với người thân thương để đẩy người không thân thương vào tình thế không còn lối thoát.
Trường hợp kế tiếp khá phức tạp. Khi thấy người khác chăm lo, săn sóc, quan tâm đến người mình thương thì lòng sân hận nổi dậy, ganh tị vì sợ người khác có thể chiếm đoạt tình cảm người mình thương, hoặc sẽ khiến cho tình cảm của mình và người mình thương bị mai một nên tỏ ra ghét cay ghét đắng, căm thù người kia.
Ba trường hợp còn lại là ghét cay ghét đắng những người mà bạn mình không thích quan tâm, chăm sóc, lo lắng, giúp đỡ. Tâm lý con người thường buộc người khác vào thế ứng xử liên minh với nhau. Người có tâm lý ứng xử theo dạng này thường có thói quen đặt ra những điều kiện, “nếu anh, chị là bạn của tôi thì phải cùng phe với tôi, tôi ghét người nào thì anh, chị phải ghét người đó”. Hoặc mặc nhiên ám chỉ bằng thái độ, cử chỉ, lời nói để người khác hiểu rằng, nếu quan hệ với tôi thì bạn phải chấm dứt quan hệ với bên kia. Bằng cách ấy, con người rơi vào trạng thái cực đoan, “Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng” dù trên thực tế, thân bằng quyến thuộc của họ là người có tư cách, tốt bụng và không có lỗi lầm gì đối với ta.
Khi tìm giải pháp hóa giải hận thù hay cơn sân hận, trước nhất phải nhận dạng, phải hiểu được gốc rễ sự hận thù. Thứ hai,
cần phải biết được cách biểu hiện của giận dữ, hận thù. Mỗi người có một cách biểu đạt sự giận riêng. Người thể hiện thầm kín, người công khai rõ rệt như Trương Phi, người gồm cả thầm kín và công khai. Phải biết thái độ sân của mình thuộc dạng nào để có thể tháo gỡ dễ dàng. Thứ ba, tìm đúng phương pháp để có thể quản trị được lòng giận dữ hay cơn sân hận. Thứ tư, cần phải phóng thích lòng sân hận của bản thân đối với người khác.
Rất có thể, nỗi đau đang mắc phải có gốc rễ từ quá khứ hay là cây gai vẫn đang nằm trong tim, hoặc là ống chích đã ghim vào nhận thức và có thể trở thành vũ khí đối với bất cứ người nào có mối quan hệ lận đận.
Bốn bước hóa giải sự thù hận và nỗi đau sân hận này đã đặt chủ thể trong thế phải thay đổi cách nhìn. Nghĩa là, phải nhìn như thế nào để cách lý giải, nhận định, đánh giá, phân tích sự kiện dẫn đến quyết định khôn ngoan và giải pháp an toàn, tích cực, mang tính chất chuyển hóa, thiết lập được quan hệ tình người giữa các đối tượng với nhau. Thực tập theo bốn bước này sẽ có kết quả là thân được an, tâm vui, tất cả những căng thẳng trong quan hệ, tất cả trầm cảm, ức chế tâm lý được phóng thích hoặc tháo gỡ. Đây là nỗ lực thoát ra những cái gút ở trong tâm, nhận thức, tâm lý, nhất là mở được gút trong cách ứng xử ở đời.
Sự hóa giải là một quy trình vừa tâm lý vừa nhận thức và cũng thuộc về chủ nghĩa hành động. Nếu không liên tục nỗ lực tích cực, chỉ làm phân nửa hoặc làm 30% thì nội kết ở phương diện mặt nổi được tháo gỡ nhưng thực sự bên trong vẫn còn những lận đận, khổ đau vi tế, dây kẽm gai, hàng rào, bức tường phân ranh nên khổ đau có thể gia tăng trong tương lai. Bởi vì, trạng thái ức chế cơn sân hận thường mang lại những hậu quả không thể lường trước được.
Người con Phật tìm giải pháp hóa giải lòng thù hận thì có
thể theo kinh nghiệm riêng, nhưng nên dựa vào kinh nghiệm của đức Phật được ghi trong kinh điển để giải pháp trở nên hữu hiệu nhất.
Các giải pháp đặt nền tảng trên việc quán chiếu nguyên nhân, gốc rễ của lòng sân hận mà đức Phật đã dạy trong kinh điển Pali rằng: “Từ lúc Ta thành đạo đến khi gần qua đời, Ta chỉ tuyên bố hai điều: Thứ nhất, vạch mặt chỉ tên thực tại khổ đau, thứ hai, chỉ ra con đường hóa giải thực tại khổ đau đó”.
Tất cả những pháp môn, tình thương Ngài để lại cho cuộc đời là chỉ cho con người thấy được thực tại của khổ đau và chuyển hóa thực tại khổ đau đó bằng những phương pháp cụ thể. Từ đó, đạo Phật được quan niệm như là đạo của chủ nghĩa hành động, dấn thân, xóa đi lòng vị kỷ, hẹp hòi, mở lòng vị tha, dang rộng đôi tay với tình thương bao la ôm lấy người khác để chuyển hóa khổ đau, dù khổ đau đó được thiết lập cố ý hay vô tình, bằng vô minh hay thù hận hoặc sự hiểu lầm.
Hãy nhận dạng nguyên nhân bất kỳ thiết lập sự sân hận, khổ đau. Đồng thời, không nên để những khổ đau này khống chế, hoành hành thân tâm, làm con người mất hết an vui. Đương sự phải có trách nhiệm tháo gỡ khổ đau, nội kết do lòng sân hận đã, đang và sẽ để lại trong tâm hồn những nỗi buồn, sợ hãi và khổ đau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét