Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

CHUYỂN HÓA SÂN HẬN:


BẤT MÃN VÀ SÂN HẬN

- Thích Nhật Từ
THỰC PHẨM CỦA SÂN HẬN
Nếu cuộc sống chỉ có nhu cầu vật chất thì thật vô vị và tẻ nhạt. Đôi lúc, con người cần phải có nhu cầu vui chơi giải trí như xem phim, nghe nhạc, đi du lịch, chơi thể thao, giao lưu bạn bè… Như thế cũng chưa đủ vì con người vẫn cảm thấy trống vắng, bế tắc về tâm linh. Thực phẩm của sân hận được tiêu thụ qua sự “ăn uống” từ các phương tiện giải trí nghe, nhìn chứa quá nhiều sản phẩm thể hiện bạo động, giết chóc, đánh đập, nguyền rủa, hận thù, ăn thua đủ, ứng xử giang hồ, không tương nhượng, ăn miếng trả miếng... Các độc tố của lòng sân hận đầy dẫy trong phim ảnh, nhất là phim bạo lực, chiến tranh, trừng phạt, trả thù, giết chóc.
Người xem phim thường có tâm lý tạo liên minh, tức là thường đứng về một phe nào đó để ủng hộ, bàn cãi. Phe đối lập bị thất bại, chết chóc thì hoan hô vui mừng. Làm vậy là đang gieo cộng nghiệp ảnh hưởng xấu đến cuộc đời sau này.
Thời đại ngày nay, nếu không khéo chọn lọc sẽ vô tình gieo nghiệp “tuỳ hỷ” đồng tình giết người mỗi ngày mà không biết. Giết người theo kiểu a dua, đồng tình là cách giết người gián tiếp. Chẳng hạn, khi nghe tin lính Iraq bị lính Mỹ bắn chết, nếu là người thân với Mỹ thì hoan nghênh và cho cái chết của lính Iraq đáng đời vì Sadam Hussein là người rất độc ác. Do vậy, việc xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt của ông là cần thiết. Việc làm đó giải phóng cho người dân vô tội. Người quan niệm vậy là đang gieo cộng nghiệp giết người đối với dân Iraq. Do đó, cơn sân hận của lính Iraq bị chết có thể tương tác với mạng sống của người này ở kiếp sau. Gặp một người lần đầu mà họ có ác cảm với mình trong khi mình có gương mặt trông dễ coi, sống đàng hoàng, có tư cách là vì người đó đã từng bị mình gieo hạt giống cộng nghiệp sát sinh thông qua xem phim ảnh.
Ngày nay, những trò chơi điện tử như bắn súng, đặt mìn, giết người, thám tử tư… các đồ chơi vũ khí, giết người khiến trẻ em thích thú. Các bậc phụ huynh phải lưu tâm đến các trò chơi này vì nó chứa đầy hạt giống giết chóc, nuôi lớn lòng sân hận. Các phương tiện giải trí này đang gieo rắc vào tâm hồn trẻ em những hạt giống rất nguy hiểm cho xã hội. Hạt giống bạo lực thâm nhập vào đời sống con trẻ, đến lúc chúng không đồng tình với ai thì có thể giết người, gây thương tổn… Phụ huynh hạn chế cho con, em xem những bộ phim chiến tranh. Ngay cả người lớn khi xem phim thì đừng đứng về phía này hay phía kia mà phải tâm niệm, trong chiến tra- nh, dù chính nghĩa hay phi nghĩa thì hai bên đều là nạn nhân, những người đáng thương. Bởi vì, các chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng, chủ nghĩa. Dĩ nhiên, có chủ nghĩa đúng, chủ nghĩa sai nhưng hễ đấu tranh cho chủ nghĩa thì sự đấu tranh đó đặt trên nền tảng của sân hận.
Khi xem các phim về chiến tranh, có bên thắng bên thua. Bên mình ủng hộ mà chiến thắng thì hò hét reo vui, cổ vũ, thậm chí quát mắng, đập bàn, đập ghế. Ngược lại, thì bị sân si, nóng giận, bực tức. Lúc đó, chủng tử của sân hận sẽ lớn dần lên mà không hề kiểm soát được. Nếu chưa đủ kỹ năng để chuyển hóa lòng sân hận thì khi xem phim nên đứng trên tư thế trung lập, làm trọng tài, tư thế khách quan để có sự thương cảm đối với cả hai bên.
Nhìn chung, người thích xem phim bạo động thường gây gổ, đánh nhau vì hạt giống bạo động tác động xấu nhiều hơn là tốt. Hạt giống này có thể trở thành những quả mìn nổ chậm. Khi chất xúc tác và điều kiện thuận lợi hội đủ thì chúng gây bất hạnh cho bản thân và biến người khác trở thành nạn nhân.
Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ hãy niệm danh hiệu Phật, thần chú vãng sanh để cầu nguyện cho người chết dù thuộc phe phái nào trong cuộc chiến đều được nhẹ nhàng nơi cực lạc!
Hoặc khi ra đường, thấy án mạng hay tai nạn giao thông mà nạn nhân tử vong thì cũng nên trải lòng từ bi, trợ niệm cho người bất hạnh được siêu sanh. Có như vậy, hạt giống của lòng sân hận mới bị đẩy ra ngoài, không có cơ hội phát khởi.
Nếu biết cách, ngoài việc ngưng tiếp xúc các chương trình mang tính bạo động, người thưởng thức cần tiếp cận với các loại hình giải trí tâm linh, góp phần tạo dựng và duy trì cuộc sống hạnh phúc con người. Thực phẩm tâm linh làm tâm thái con người cân bằng hơn, sống không bị rơi vào trạng thái giận dữ vô cớ.
Khi người tiêu thụ thực phẩm chỉ sử dụng các loại thịt bò điên có nguồn gốc từ nước Anh thì các độc tố của bệnh tật, giận dữ, độc tố của sự biến dạng tâm trong từng tế bào sẽ ảnh hưởng trực hoặc gián tiếp đến sức khoẻ và tính tình. Khi tiêu thụ những thực phẩm này vào cơ thể, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và chi phối. Đó là chưa nói đến những chứng bệnh ở động vật có khả năng làm thay đổi gen, ảnh hưởng trực tiếp lên bộ não của người tiêu thụ. Nếu ăn thịt động vật bị giết chết thật đau đớn là đã nạp vào cơ thể loại thực phẩm có chứa độc tố của sân hận.
Câu thành ngữ “Ăn cơm Tàu, cưới vợ Nhật, ở nhà Tây” hẳn không phải không có lý do. Ăn cơm Tàu rất ngon với nhiều món chế biến cầu kỳ nhưng đôi lúc bất nhẫn. Trong bộ phim Kỳ quan Trung Quốc, giới thiệu về văn hóa ẩm thực Trung Hoa có trình bày món ăn đặc sản của người Hoa như sau. Người đầu bếp bắt con gà, nhổ sạch lông đùi, rửa sạch chân nó rồi đặt lên vĩ nướng có phủ lồng xung quanh với độ nóng lên đến 300 độ C. Con gà bị phỏng và đau đớn nên giãy giụa trên vĩ nướng, không thoát đi đâu được, nhảy dựng vài cái rồi chết! Lúc đó, toàn bộ máu trên thân thể con gà dồn xuống đùi, làm đùi gà nở bung thành huyết nửa chín nửa
sống. Khi con gà chết đau đớn thì lòng sân hận của nó cũng tăng trưởng theo. Có thể cảm nhận được lòng sân hận, đau đớn đó qua tiếng kêu thảm thiết, sự giãy giụa, đập cánh. Rất tiếc, người chế biến thực phẩm và thực khách không hiểu được ngôn ngữ loài vật. Nếu hiểu thì họ sẽ phát sợ trước những câu nói đầy căm phẫn như “tôi căm thù ông, tôi muốn trả thù ông, tôi muốn giết ông…” của con vật bị giết. Hiểu được ngôn ngữ thù hằn của vật bị giết, có lẽ thực khách sẽ không dám ăn thịt nữa.
Một món ăn cầu kỳ khác là sau khi thực khách chọn con cá chép, người đầu bếp dùng dao bén lát vào thân nó từng lát và bỏ vào chảo dầu đang sôi cho thịt vừa chín bên ngoài, mà con cá phải không kịp chết, vẫn còn thoi thóp. Đó là người đầu bếp giỏi. Ngoài ra, còn nhiều món ăn khác như lấy dao cắt ngang phần trên đầu của con khỉ đang sống, rồi dùng muỗng ăn bộ óc của khỉ để mong trị được bệnh phong cùi, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ thận hay tim.
Các món ăn vừa nêu của người hết sức tàn nhẫn đối với loài vật. Không đáng để gọi là “văn hoá ẩm thực” huống hồ là “kỳ quan ẩm thực”. Văn hoá ẩm thực hiểu đúng nghĩa là không làm thương tổn mạng sống loài vật. Theo học thuyết Duyên khởi của Phật giáo, khi ăn những thực phẩm động vật là đã nuốt vào cơ thể những độc tố được tiết ra từ cơn sân hận của con vật trước lúc chết.
Ngoài những ảnh hưởng của môi trường, các công nghệ phóng thải chất độc, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm làm những chứng bệnh dị dạng ngày càng phát sinh còn có vấn đề ẩm thực của con người. Giết hại động, thực vật tạo ra mất cân bằng môi trường sinh thái, gây nỗi hận thù trong tâm thức của động vật khiến thức ăn chứa đầy độc tố sân hận là điều không thể phủ định.
Ở phương Tây vào ngày lễ Tạ ơn, gà Tây bị giết hàng loạt. Loài gà này được nuôi theo phương pháp công nghiệp trong chuồng trại. Con người sống trong tình trạng bị nhốt trong nhà cũng bị ức chế tâm lý, cau có, bực bội, khó chịu nên có người bị bại liệt, thần kinh, điên khùng. Loài gà công nghiệp được nuôi trong chuồng trại cũng thế, sống trong môi trường tù túng, dễ bị cuồng quẩn. Ăn thịt loài vật bị biến dạng lòng sân si như vậy, tâm lý con người cũng bị ảnh hưởng. Do đó, khi ăn thịt các loài động vật thì tâm lý của thực khách sẽ bị ảnh hưởng và có thể trở nên hung dữ.
Ngày nay, công nghệ ăn chay của Đài Loan phát triển, đã chế biến ra thực phẩm chay giống như thức ăn mặn. Khi ăn những món chay giả mặn nếu không giữ được chánh niệm thì miệng ăn chay mà tâm ăn mặn. Do đó, giá trị của lòng từ bi khó có thể được phát triển trong tình huống này. Như thế, việc ăn chay mất hết ý nghĩa của lòng từ bi.
Khi chưa tiếp xúc với văn hoá ẩm thực chay ở các chùa Bắc tông, nhiều người từng ăn món thịt gà, thịt vịt, cá… chay giả mặn. Dù thực phẩm là chay nhưng vẫn tạo chất xúc tác cho hạt giống sát sinh còn tiềm ẩn trong tàng thức liên tưởng đến thịt, cá thật nên sự sát sinh tâm tưởng vẫn diễn ra. Do đó, không nên ăn chay như vậy vì đó chính là đang gieo trồng hạt giống xấu vào tâm, tàn phá lòng từ bi của Phật tử.
BẤT MÃN VÀ SÂN HẬN
Đề tài này gợi lên hai vấn đề: Thái độ tâm lý bất mãn và cách xử lý sân hận. Bất mãn và sân hận tương tác lẫn nhau. Có trường hợp vì bất mãn nên có thái độ sân hận với người xung quanh, sân hận tạo ra bất mãn. Sân hận và bất mãn nuôi lớn nhau. Mỗi khi tâm lý bất mãn xuất hiện, lòng sân hận có cơ hội phát triển và ngược lại. Quan hệ hai chiều giữa sân hận và bất mãn làm cho con người luôn sống trong trạng thái
bị thiêu đốt. Tình huống đó, nhiều người chọn giải pháp thiếu sáng suốt là trút cơn giận dữ lên người thân hay bạn hữu.
Đức Phật dạy, muốn vượt khỏi sự bất mãn và sân hận, trước hết phải nhận diện được bản chất của sân hận và bất mãn do đâu mà có. Từ đó, mới có hướng giải quyết sáng suốt và hiệu quả. Đây chính là nhu cầu rất cần thiết cho mọi người, dù bất cứ tầng lớp nào trong xã hội cũng đều có bất mãn và sân hận ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, nắm vững được bản chất tác hại của bất mãn và sân hận thì có thể giúp vượt lên các hệ luỵ và không biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Một khảo cứu của Mỹ nói về phản ứng từ trường trong loài thực vật. Các nhà khoa học chọn hai cây cùng chủng loại và cho từng đợt người đi ngang qua. Họ lần lượt đo sóng từ phát ra từ hai cây này rồi giải mã sóng từ trường sau tương tác. Kết quả cho thấy, cây cũng biểu hiện sự hoan hỷ hoặc không thân thiện.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho hai người thanh niên, một người cầm dao, một người cầm búa chặt vào hai cây. Một người chặt vào một chỗ cho cây đổ, người kia chặt bằm túi bụi làm cây bị thương tổn, chảy mủ đủ kiểu rồi mới cho ngã xuống. Tín hiệu của máy đo dòng điện từ trường phát ra từ hai cây hoàn toàn khác nhau. Cây bị chặt liền một chỗ biểu đạt các sóng từ trường như thể hiện sự không hài lòng đối với người đã chặt và nó mất đi sự sống. Cây bị bằm chặt nhiều hơn thì mức độ phản ứng gấp ba lần cây kia.
Khi cả hai cây bị chặt ngã, người ta cho đoàn người và hai thủ phạm đã chặt cây đi ngang qua. Những người không chặt cây thì sóng điện từ phát ra bình thường. Lạ lùng thay, người tàn phá cây đi ngang qua thì sóng từ trường phát ra mãnh liệt, y hệt thời điểm cây bị chặt ngã.
Kết luận rút ra từ nghiên cứu trên là bản chất của các loài động vật, thực vật đều hướng đến sự sống và sợ hãi cái chết. Vì vậy, mọi loài luôn muốn được bình an, được thọ mạng, thậm chí muốn trường sinh bất tử.
Khi lòng sân hận bị kích hoạt bằng sự bất mãn thì sẽ biểu đạt cường độ ứng với tình huống tạo ra nó. Phản ứng bất mãn dẫn đến sân hận có thể chảy đổ và xuất hiện bất cứ lúc nào khi nghịch cảnh có mặt, hoặc khi các cản lực ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới tính mạng.
Phản ứng bất mãn dẫn đến sân hận ở con người rất mãnh liệt. Đối với người nóng tính hoặc khó chịu, sự bất mãn có thể bộc phát bất cứ lúc nào và người thân thương của họ có thể trở thành nạn nhân. Khi có các xúc tác của lòng bất mãn trước các biến cố cuộc đời như thua lỗ trong việc làm ăn, thất nghiệp, mất của bị lừa gạt, chán nản trước nhân tình thế thái... thì tâm lý bất mãn phát sinh và kéo theo sân hận như bóng không rời hình.
Có thể nhận dạng và phân định diễn biến của thái độ bất mãn bằng cách, đặt nó theo ba chiều kích. Thứ nhất, nhận dạng bản chất thực tại của tâm lý bất mãn là gì? Thứ hai, phải tìm nguyên nhân tại sao bất mãn, nguyên nhân gần hay xa... đã khiến bị cau có, bực dọc. Cuối cùng là con đường để tháo gỡ, vượt lên trạng thái tâm lý bất mãn, không dẫn đến sự sân hận gây ra khổ đau giữa mình và người khác.
Học thuyết Tứ diệu đế của đạo Phật được đặt ra trên hai quy trình nhân quả, như một thực tại để đối đầu và không cho phép trốn chạy. Đức Phật dạy, cuộc đời này chứa tất cả 8 phạm trù của khổ đau:
Trước nhất là sanh, khi lọt lòng mẹ, khổ đau được biểu hiện qua tiếng khóc, do sự thay đổi không khí, môi trường,
nhiệt độ trong và ngoài cơ thể của người mẹ.
Thứ hai là già, con người phát triển trải qua nhiều giai đoạn, các chất vật lý, sinh lý như xương, răng, tóc… trong cơ thể bị lão hóa. Khả năng nhận định, đánh giá của con người cũng bị chậm đi.
Thứ ba, bấy giờ bệnh tật bắt đầu xuất hiện và đó là thực tại khổ đau. Không ai thích cái khổ của bệnh hoạn nhưng phải đối đầu với nó.
Thứ tư, bệnh dẫn đến hệ quả là chết. Trong cuộc đời, con người có thể yểu thọ, trung thọ, thượng thọ, đại thượng thọ hay đại đại thượng thọ... nhưng cuối cùng đều phải chết. Chết là chấm dứt hoạt động của các bộ phận quan trọng của cơ thể, chẳng hạn như tim, não, lục phủ ngũ tạng. Tất cả những trạng thái đó đều mang đến đau khổ.
Thứ năm là ái biệt ly khổ: tình thâm huyết thống khi chết phải chia ly, dù thương yêu nhau cách mấy thì chết cũng phải chia lìa.
Thứ sáu, đức Phật dạy, có những trạng thái khác đau khổ hơn và không thể nhìn thấy rõ ràng mặt mũi. Đó là thái độ mong cầu nhưng không thực hiện được (cầu bất đắc), những mong muốn trong cuộc đời đều diễn ra ngược lại hoặc muốn 10 chỉ được 2,3,5. Cho nên, cảm thấy bất mãn và dẫn đến khổ đau.
Thứ bảy, trạng thái tâm lý nguy hiểm hơn là tình huống phải sống chung với những người không hợp (oán tắng hội), hoặc phải đối đầu với những sự kiện, vấn đề nào đó ngược lại với sở thích, lý tưởng của mình. Từ đó dẫn đến cau có bực dọc.
Thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ: tức là thân chúng ta gồm có 5 phạm trù: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc gồm tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Chỉ cần tứ đại này không được bình thường, cơ thể nóng hay lạnh cũng đủ làm cho con người đau khổ tột cùng. Chưa kể đến thọ là những cảm thọ, thọ nhận cho cơ thể;
tưởng là tư tưởng suy nghĩ lung tung; hành là những động tác di chuyển của cơ thể; thức là sự nhận biết. Nếu 5 ấm này mà không hòa hợp thì nỗi khổ niềm đau sẽ rất nhiều.
Hai trạng thái tâm lý: cầu bất đắc và oán tắng hội tạo ra bất mãn rất nguy hiểm. Phật dạy, phải nhận dạng được bản chất của nó và không dừng lại tại đấy, bởi vì đó mới chỉ là bước đầu, quy trình của sự trị liệu.
Bước hai, đức Phật dạy, phải tìm ra nguyên nhân thông qua công thức của Tứ diệu đế là lòng tham ái, sân hận, si mê, không vị tha, không từ-bi-hỷ-xả… Trong những tình huống cụ thể, có những bất hạnh bắt nguồn từ bất mãn dẫn đến sân hận và phải tìm nguyên nhân bất mãn là gì? Khi nào vạch mặt chỉ tên được nguyên nhân thì có thể giải quyết vấn đề khổ đau được khoảng 60%, bằng không, sẽ chết trước khi phát hiện ra nguyên nhân. Chỉ tên “bất mãn” đang hiện hữu thì có thể khống chế được phản ứng của sân hận. Nghiên cứu về bản chất và tác hại của bất mãn sẽ giúp chuyển hoá sân hận từ suy nghĩ đến lời nói, việc làm và cách giao tế ứng xử trong đời sống.
Đức Phật dạy, con người có thể bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi từ nhiều kiếp là do không tìm được nguyên nhân khổ đau.
Khác với các tôn giáo, đạo Phật vạch mặt chỉ tên các thực trạng khổ đau không phải để bi quan, yếm thế, mà để đối diện với nó, khắc phục nguyên nhân tạo ra nó và có giải pháp thoát ly.
Chính vì vậy, đức Phật kết luận rằng: “Trong suốt 49 năm hoằng pháp Như Lai chỉ nói hai vấn đề chính, còn bao nhiêu kinh điển chỉ phục vụ cho hai vấn đề đó thôi. Thứ nhất là vạch mặt chỉ tên khổ đau, thứ hai chỉ con đường giải quyết khổ đau”. Con đường giải quyết khổ đau
được đức Phật dạy rất nhiều trong kinh điển, sau này, chư Tổ phát huy thành những pháp môn như Tịnh Độ, Thiền, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Tam Luận tông… để giải quyết vấn đề khổ đau của nhân loại.
Có rất nhiều loại hình bất mãn: cuộc đời, chính trị, giáo dục, văn hóa, kinh tế... Nói chung, trong cuộc đời có bao nhiêu vấn đề thì bất mãn cũng xuất hiện bấy nhiêu. Đôi lúc, diễn ra ở mức độ nguy hiểm hơn so với sự kiện dẫn đến bất mãn đó.
Trước nhất, bất mãn về thời cuộc. Đây là vấn đề nóng, có thể đụng chạm đến nỗi khổ đau của con người trong quá khứ, những cái mà con người từng có trước nhưng hiện tại không còn. Tất cả những trạng thái bất mãn về thời cuộc làm cho con người có thể bị điên, mất phương hướng, không còn lối thoát. Có nhiều cách thức biểu hiện khác nhau, nói theo nhà Phật, nó đều là gốc rễ, là liên minh của sân hận, khổ đau.
Triều đại Trung Hoa có một ông vua rất hà khắc với dân chúng, đến độ ai cũng than oán, thất vọng. Người dân kháng cự bằng nhiều cách khác nhau, người biểu tình, kẻ chống đối, người Công giáo cầu nguyện cho chế độ này bị sụp đổ. Tất cả nạn nhân đều mong muốn được hòa bình, hạnh phúc. Nhưng có bà lão rất lạ, chỗ nào cầu nguyện cho chế độ sụp đổ thì bà có mặt và cầu nguyện cho vua cai trị được lâu dài khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Người ta bảo bà là người ủng hộ chế độ, là cánh tay nối dài của chế độ. Trước khi kết án bà, tất cả những người cầu nguyện hỏi:
Bà hãy giải thích lý do tại sao lại cầu nguyện cho ông vua này cai trị lâu dài?
Bà trả lời đơn giản:
Liệu những người kế nghiệp có tốt hơn ông vua này không, hay còn tệ hơn nữa? Hiện tại, vẫn còn không khí để
thở, cơm ăn, quần áo mặc, chưa đến nỗi mất đi sự sống nên tôi tiếp tục cầu nguyện cho ông cai trị, còn hơn để một ông vua hà khắc hơn thì cuộc đời càng thêm khổ.
Câu chuyện cho thấy hai thái độ bất mãn khác nhau, người cầu nguyện cho chế độ sụp đổ là thái độ bất mãn cùng cực. Nó đứng trên lập trường chính trị, ý thức hệ. Quan niệm cuộc sống, những người phát xuất từ tấm lòng thương yêu đối với đồng loại đang khổ đau, nên họ muốn chế độ hà khắc không còn cơ hội gây đau khổ cho người khác.
Thái độ bất mãn của bà cụ cũng vậy, bà rất bất mãn đồng thời mất hết tất cả niềm tin về cuộc đời, không còn hy vọng có thể huy hoàng, hạnh phúc hơn.
Khi tìm hiểu, được biết bà đã từng mất chồng trên chiến trường, mất con, bà trở thành độc thân và chính quyền không hề quan tâm. Nghĩa là, không có sự đền ơn đáp nghĩa đối với chiến sĩ bỏ mạng ở sa trường cho tự do hạnh phúc, độc lập của dân tộc. Vậy mà bà vẫn không than oán và hy vọng trong chiều kích đó còn có cái gì để bà sống, hơn chế độ khác có thể sẽ xấu hơn. Phản ứng bất mãn trường hợp này là kết quả của cái nhìn trong hoàn cảnh khó khăn đến độ người ta mất hết niềm tin về sự thay đổi, chuyển hóa. Nên tốt nhất là chấp nhận duy trì tình trạng đó, miễn còn sống được, có thể hạnh phúc được từ những cái rơi rớt của khổ đau.
Hai trường hợp đều là trạng thái bất mãn, dẫn đến sân hận giống nhau. Một sân hận tại sao phải để cho chế độ đó được tồn tại, một sân hận tại sao phải tạo cơ hội cho một chế độ khác xấu hơn chế độ này được tồn tại. Cả hai chế độ đều là những cách thức dẫn đến khuynh hướng không được an vui trong tâm thức. Về phương diện chính trị, con người dấn thân vào quân sự, chính trị khó có thể chấp nhận quan điểm giải quyết vấn đề như vậy, bởi họ nỗ lực phấn đấu
vươn lên tìm chất liệu cuộc sống an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Họ không chấp nhận ngồi im, giống bà già chỉ lo cầu nguyện cho một chế độ xấu hơn không có mặt ở tương lai, và chấp nhận chế độ đang hà khắc tiếp tục tồn tại.
Cái nhìn của nhà Phật là mọi sự vật hiện tượng, chủ nghĩa, học thuyết trong cuộc đời đều được vận hành theo quy luật vô thường, nghĩa là không có sự tồn tại lâu dài.
Triều đại vàng son nhất của nhà Trần và Lý là nhờ Phật giáo cũng chỉ tồn tại 400 năm trong lịch sử Việt Nam. Triều đại nhà Tần tồn tại khoảng thời gian nhất định, triều đại nhà Tống được xem là có lịch sử cai trị lâu nhất ở Trung Hoa cũng chỉ tồn tại 61 đời. Cho nên, mọi thứ trong cuộc đời này đều phải thay đổi.
Là người con Phật, phải tin vào quy luật vận hành của cuộc đời, quy luật biến thiên không bao giờ tồn tại vĩnh viễn. Nó bất biến ở tư thế nó đang có. Do vậy, khổ đau được chuyển hóa, bất hạnh được tháo gỡ và có thể sống trong hạnh phúc. Cho nên, đừng đánh mất niềm tin về cơ hội. Hạnh phúc sẽ đến nếu biết tận dụng. Cách thức biến niềm hy vọng trở thành hiện thực của người Phật tử hoàn toàn khác với người thế tục, vì chiều kích giải quyết vấn đề nhà Phật không giống các tôn giáo khác.
Nhà Phật dạy, con người phải biết buông xả, học hạnh kiên nhẫn, giữ thái độ không sợ hãi, trau dồi đức tính tốt để xây dựng hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, vẫn có nhiều cách thức giải quyết vấn đề, miễn nó mang lại an lạc cho đời sống nội tại, tăng trưởng chiều kích tâm linh và phát huy sự tiến triển của con người là một giải pháp tốt. Với điều kiện, hướng đi, con đường lựa chọn đó không ảnh hưởng, không làm người khác đau khổ, không được thiết lập trên vùng sinh tử của con người.
Bằng không, sự bất mãn và sân hận này sẽ tạo ra bất mãn và sân hận ở mức độ lớn hơn, nhiều hơn và nguy hại hơn.
ÁM ẢNH VỀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ
Cách đây mấy chục năm, khi phong trào phân biệt chủng tộc diễn ra trên đất nước Hoa Kỳ, khiến nhiều người bị chết. Sự phân biệt ý thức hệ đã làm cho Hợp chủng Hoa Kỳ bị tai tiếng khắp thế giới.
Người da đen bị phân biệt đối xử, da trắng được ăn trên ngồi trước nhưng luật pháp chống lại chuyện này. Luật pháp bảo vệ quyền bình đẳng của con người, do đó, trong đời sống vẫn có sự xung đột, khủng bố lẫn nhau.
Có lần, một giáo sư trẻ nghiên cứu về vấn đề phân biệt chủng tộc, ngồi cạnh người da đen trên một chuyến xe buýt. Anh ta thích ngồi kế cửa sổ để nhìn cảnh trí qua các dãy phố… Bỗng dưng, trước mặt anh có một người khách vừa đứng lên đi xuống, anh giáo sư đứng dậy lên ghế đó ngồi, anh da đen ngồi kế bên rất bực tức:
“Tại sao anh khinh khi tôi? Tại sao anh phân biệt đối xử với tôi?” Anh ta vung tay đánh thật mạnh làm anh giáo sư trẻ bị
chảy máu mũi.
Đó là câu chuyện có thật được nêu trên báo chí, nói về bản chất của những cuộc bạo loạn giữa màu da, sắc tộc trên đất nước Hoa Kỳ. Câu chuyện nói lên được giải pháp rất hay ở chỗ, anh giáo sư không sân hận. Là người nghiên cứu về sự phân biệt chủng tộc, mâu thuẫn nội tại giữa dân da trắng và da đen ở châu Phi nên anh ta cảm thông được nội kết của những người da đen đối với những người da trắng. Mặc cảm tự ti về phân biệt đối xử có thể làm con người hiểu lầm và dẫn đến sự nổi loạn bất cứ lúc nào. Với hiểu biết vậy, anh giáo sư không phản ứng đối lập và nếu có phản ứng kháng
cự, chưa chắc anh giáo sư đánh thắng anh da đen. Bởi vì, về phương diện cấu trúc vật lý của cơ thể sinh học, người da đen phải mạnh hơn người da trắng, da đỏ, da vàng. Khi người Mỹ mới đến Việt Nam, họ dễ bị bệnh, qua Ấn Độ họ cũng vậy, qua Somali họ lại càng dễ bị bệnh hơn nữa vì kháng thể yếu, đi tới đâu cũng dễ bị nhiễm vi trùng.
Anh giáo sư không kháng cự không phải vì nghĩ đến việc thắng thua, mà anh nhìn thấy được trong hành động phản kháng của anh da đen bắt nguồn từ khổ đau. Có thể bắt nguồn trong hoàn cảnh người da đen này đã từng có người vợ bị phân biệt đối xử, người con bị phân biệt đối xử mất việc làm, thất nghiệp, và bản thân anh da đen đó cũng bị phân biệt đối xử như vậy. Cho nên, anh ta có sự hiểu lầm, việc đứng lên của người da trắng trong trường hợp này là khinh khi, không muốn ngồi chung với người da đen. Nhưng thật ra, anh da trắng này chỉ với lý do đơn giản là ngồi ở bên cửa sổ, mà vị trí ghế trên đó vừa có người đứng dậy.
Đó là một vài góc cạnh liên hệ đến bất mãn và sân hận, liên hệ đến ý thức hệ chính trị, quân sự giữa nước này với nước khác, chủ nghĩa này với chủ nghĩa kia.
Cảm giác bị phân biệt đối xử có thể tạo thành sự bất mãn lớn. Đến nơi bị mọi người nhìn chằm chằm, với ý phê bình, chỉ trích, bỗng dưng cảm thấy bẽn lẽn, sợ hãi. Ví dụ, khi người Việt Nam đến nơi nào đó đã từng có người Việt ăn cắp và để lại ấn tượng không tốt cho người dân địa phương. Rồi nghe kể lại câu chuyện thì bỗng dưng cảm thấy áy náy, vì cách kể đó là phân biệt đối xử. Lẽ ra không nên kể, bởi cách ngoại giao tối thiểu, “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, đâu phải người Việt Nam nào cũng vậy. Rất nhiều người Việt Nam nhân từ, đạo đức, bỏ cả công việc để làm công tác từ thiện xã hội
không phân biệt đối tượng, tôn giáo, màu da chủng tộc. Tại sao không nhớ tới những người cao đẹp đó mà chỉ nhớ đến người phạm tội, và tội phạm thì lúc nào cũng có. Tình trạng tội phạm từ những người homeless diễn ra ở Mỹ cũng không thua kém gì những nước nghèo trên thế giới.
Một Phật tử tại đây kể về tình trạng của những người homeless ở Mỹ rất nhiều, bất hạnh có, lười biếng có, thích thay đổi môi trường sống để cảm nghiệm cuộc đời như thế nào cũng có... nhiều nguyên nhân. Nhiều người homeless trở thành tội phạm nên nhà tù của Mỹ nhiều không thua kém số nhà tù ở các nước chậm phát triển. Tội phạm trong những nhà tù của Mỹ nguy hiểm hơn tội phạm ở những nước nghèo, vì họ có súng, có đủ phương tiện gây án. Do đó, tội lỗi tạo ra chồng chất, đó cũng là một loại hình bất mãn.
Ngoài ra, có những loại bất mãn bắt nguồn từ điều kiện ngoại tại, từ hoàn cảnh môi trường mà con người sinh sống. Ví dụ, một người đến công sở làm việc nhưng bỗng bị kẹt xe
3 giờ, tới sở liền bị quở trách. Bất mãn bị kẹt xe làm người ta khó chịu, ngồi đứng không yên, bực tức chửi thề... Trong những trường hợp như vậy, nhà Phật dạy phải tập hít thở. Dù bực dọc, cũng không tiến thêm được bước nào, nên tốt hơn hết, tập phương pháp thiền lái xe như Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy, hoặc có thể quán niệm hít thở theo 16 pháp quán niệm đức Phật đã dạy.
Muốn khắc phục, mỗi ngày phải thức dậy sớm hơn 1 hoặc 2 giờ để đến công sở, như vậy có thể giải quyết được công việc và không bị ách tắc bởi kẹt xe. Mỗi nghịch cảnh đều có giải pháp nếu biết cách nhìn, cái nhìn của người Phật tử chúng ta có thể giải quyết vấn đề rất êm đẹp.
Trong những tình huống như vậy, nhà Phật dạy, hãy nhìn lại, hãy đặt tấm gương nhân quả trước mặt xem rằng mình và
tấm gương thích hợp hay không? Xem phản ứng đó có mang lại hạnh phúc hay chỉ mang lại khổ đau cho mình và những người khác? Nếu câu trả lời là mang lại khổ đau nghĩa là đi sai đường lạc lối, ngược lại, nếu phản ứng mang lại hạnh phúc thì biết đó là điều cần phát huy.
Trong bất kỳ khổ đau nào, nhà Phật cũng dạy cách suy nghĩ đến giải pháp thích ứng, miễn là chịu khó suy nghĩ. Nếu không kiên nhẫn thì vĩnh viễn không có được hạnh phúc!
Đừng trút đổ cơn giận một cách vô ích. Nếu muốn phóng thích nó thì phải chuyển hóa một cách an toàn. Giống như trong nhà có rác, phải bỏ vào sọt để xưởng rác xử lý, không thể quẳng vào trong túi của người thân hay nồi cơm, chén nước gây ra nguy hiểm. Phải khôn ngoan phóng thích vào nơi rất an toàn, bằng không, cả mình và người thân đều chịu bất hạnh.
Chúng tôi đã chia sẻ một vài góc cạnh nói lên tính cách liên hệ mật thiết giữa bất mãn và sân hận. Con người cần phải nhận thức, đối đầu với nó để khắc phục vượt qua. Làm được vậy, có thể biến năng lực của bất mãn và sân hận thành chất liệu xây dựng. Trên cơ sở đó, mới thiết lập tình thương và xây dựng nền hoà bình thế giới. Có như vậy, không lo gì đến hoàn cảnh bức bách hay điều kiện khó khăn không như ý. Tất cả đều có thể trở thành hoa sen của sự sống, nguồn hạnh phúc cuộc đời và đó là những gì đức Phật dạy. Các vị Bồ tát cũng đã làm thành công, thánh tăng, cư sĩ, Phật tử lỗi lạc cũng đã làm thành công. Phải tin, nếu có những hoàn cảnh bất mãn như vậy mà tìm thì cũng sẽ có cách chuyển hóa. Từ đó, có được hạnh phúc, nếu phóng thích bực dọc không đúng chỗ sẽ dẫn đến sự hủy diệt!
BẤT MÃN VỀ THỜI CUỘC
Khuất Nguyên, vị quan Tam quân Đại phu trong lịch sử Trung Hoa, là người bất khuất, liêm chính, một lòng
dấn thân phục vụ đại nghĩa. Vậy mà ông có rất nhiều kẻ thù, bởi vì những người thấp kém, yếu hèn luôn chơi trò sàm tấu để tạo mâu thuẫn, ngăn cách giữa ông và triều chính nên ông đã mất đi niềm tin của vua. Vua sợ để Khuất Nguyên tồn tại thì sẽ thành người nổi loạn, lật đổ triều chính và thay thế vị trí lãnh đạo của mình nên đã cắt chức ông. Khuất Nguyên buồn rầu đi thất tha, thất thểu ngoài đường, bất mãn vì nhiệt huyết của mình không có cơ hội gieo trồng, cống hiến. Ông gặp nhiều hoàn cảnh cũng như mình và thường cùng bàn về chuyện khổ đau trong quá khứ để tìm ra kế sách khắc phục. Nhưng đó chỉ là ước mơ, lý tưởng thuần túy và kết quả rất xa vời.
Một hôm, Khuất Nguyên gặp ông lão chăn bò nghèo khó nhưng có trình độ kiến thức về cuộc đời rất thâm sâu. Kiến thức này không liên hệ đến kiến thức học đường, mà bắt nguồn từ nhận thức bằng kinh nghiệm trong cuộc sống. Dù ông lão chăn bò không có vốn kiến thức học đường nhưng là người có nhiều điều để người ta có thể học được. Nhìn Khuất Nguyên thất tha thất thểu, ông lão hỏi:
Có phải là quan Tam quân Đại phu đó không? Khuất Nguyên nói: Vâng, tôi đây!
Tại sao ông lại tiều tụy đến thế?
Khuất Nguyên trả lời: Đời đục cả, một mình tôi trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh. Trong hoàn cảnh đục và say như vậy, tôi không còn mảnh đất để sống. Nếu sống, tôi sẽ say và đục theo người khác. Cho nên tốt nhất, tôi trở thành con voi độc hành trong rừng sâu, đại bàng tung cánh, phượng hoàng không bao giờ đồng hành với những gì hèn hạ thấp kém, hối lộ, móc ngoặc, đút lót… Tôi có thể chấp nhận cái nghèo, bất hạnh nhưng không thể chấp nhận giàu sang phú quý bằng những cách phi đạo đức, vô lương tâm.
Ông lão thở dài và nói một câu như lời an ủi, triết lý, chủ nghĩa hành động mà nhà Phật gọi là tùy duyên:
“Nếu đời đục cả thì tại sao ông không nương vào cái đục đó để tồn tại và tồn tại bằng lương tri. Nếu đời say cả, tại sao ông không dấn thân vào đám quần say đó để trở thành một con người tỉnh thức”.
Cuối cùng, khuynh hướng hai bên khác nhau, Khuất Nguyên vẫn đi theo con đường của mình còn ông lão vẫn đi theo con đường của ông lão. Trước khi chia tay, ông lão phát biểu một câu rất hay: “Sông Tương nước đục chảy ra thì ta lội xuống để mà rửa chân. Sông Tương nước chảy trong veo thì ta lội xuống rửa cái lèo mũ ta”.
Phải tùy duyên bất biến trong những hoàn cảnh bất như ý thì mới có thể sống trong cuộc đời này. Cuộc đời được ví như dòng sông với chức năng là chuyện giao tế ứng xử, đối tác làm ăn... Dĩ nhiên, phải có những trở ngại nhưng nếu biết tận dụng hoàn cảnh thì cũng như nước đục và trong mà ta sử dụng, không hề bỏ phí bất cứ trường hợp nào. Tận dụng được hoàn cảnh mình đang sống, nhất là trong chế độ chủ nghĩa phương Tây hiện đại, tất cả mọi thứ đều được recycle. Có thể tái tạo bằng cách đưa vào máy lọc dưới điều kiện của nhiệt, máy móc, hóa chất… để trở thành nước trong và uống được. Thậm chí, nước biển cũng có thể trở thành nước ngọt thông qua sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.
Công cụ hiện đại gợi lên phương pháp ứng xử trong mọi tình huống. Đừng bao giờ đánh mất bản chất, nếu mất thì sẽ chạy theo duyên thay vì tùy duyên. Tức là, nương theo duyên để giữ được bản chất, như thế mới đạt đến đỉnh cao của sự đóng góp và phục vụ. Dù nước đục hay trong, chức năng của nước vẫn là nước. Đó là triết lý ứng thế của đạo Phật. Không biết ông lão chăn bò nọ có hiểu được
tinh thần của nhà Phật hay không nhưng cách ông khuyên
Khuất Nguyên rất gần với đạo Phật.
Trong cuộc đời, có rất nhiều hình thái bất mãn được thể hiện theo hai khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất, bất mãn dẫn đến nổi loạn không liên minh hợp tác và bất mãn này sẽ kéo theo sự sân hận, đổ vỡ giữa người với người. Khuynh hướng thứ hai là đứng trên tinh thần của nhà Phật. Từ bất mãn tạo thành năng lực xây dựng, đóng góp vì thấy cuộc đời hiện tại không như ý nên cần phải dấn thân nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn để làm được nhiều kỳ công cho xã hội. Bằng không, sẽ bị rơi vào trạng thái ứng xử giống như bao nhiêu phàm tình khác không thuộc về chất liệu của Phật giáo.
Ngày nay, người Trung Hoa tưởng niệm vị quan trung thần, can trường, nghĩa khí Khuất Nguyên bằng ngày tết Đoan Ngọ, tức là tết mùng 5 tháng 5 âm lịch. Khuất Nguyên qua đời do bệnh bất mãn dẫn đến tự tử tại sông Tiền Đường. Ông nghĩ, thà chết trong trạng thái trong sạch, không say hơn là sống mà say và bia vị ngàn đời sẽ ghi lại để người ta tưởng nhớ.
Phản ứng chọn cái chết trong trạng thái bất mãn là thái độ không khôn ngoan. Sự trong sạch đáng tán thán, nghĩa khí không bị say đáng ca ngợi. Nhưng giải quyết để duy trì cái không say, không bị đục đó bằng con đường tự tử là cách không còn lối thoát, hướng giải quyết vấn đề có thể để lại những vết hằn của sân hận dẫn đến khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác. Nhà Phật dạy, đừng chịu thua khổ đau, đừng buông tay trước nghịch cảnh. Phải bình tĩnh sáng suốt vươn lên, để xử lý vấn đề trong mọi hoàn cảnh, đừng bao giờ chọn một giải pháp không lối thoát. Những giải pháp tự tử dù với lý do nào đi nữa đều là kết quả của bất mãn, tất cả có thể trở thành động lực rất lớn để tiến thủ trong cuộc đời.
ĐÈ NÉN SỰ BỰC TỨC
Trường hợp của Trưng Trắc và Trưng Nhị cũng liên hệ đến vấn đề chính trị. Hai chị em cầm cờ khởi nghĩa kháng chiến chống giặc Nam Hán, cách đây mấy ngàn năm. Trưng Trắc là người rất điềm tĩnh, Trưng Nhị được mô tả là người rất cương quyết, khẳng khái giống Trương Phi. Do vì nóng tính nên ít nhiều cũng háo thắng, muốn thể hiện mình có thể làm được tất cả.
Khi Thái thú Tô Định đến thử tài xem người Việt Nam có đủ cường khí, bất khuất để làm cuộc khởi nghĩa hay không. Ông ta ra lệnh thách đố bắn cung. Lúc đó, Trưng Trắc nhắn giọng, “Hễ bắn thì phải trúng”, giúp em gái là Trưng Nhị hiểu được dụng ý là đừng bao giờ thi thố tài năng thật sự để kẻ thù không ngờ rằng mình có tiềm lực lớn. Rõ ràng, đó là phản ứng hoàn toàn bất mãn nhưng bất mãn này được tích tụ thành một năng lực, thành một bệ phóng và thành lực đẩy rất lớn để rèn binh dưỡng khí. Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa diễn ra thành công. Thái thú Tô Định bị chết dưới gươm của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trường hợp bất mãn này đã nuôi lớn lòng yêu nước, tạo ra chất liệu tình thương và vượt tới đỉnh cao của sự đóng góp. Dĩ nhiên, theo tinh thần nhà Phật, khi dấn thân làm công việc quân sự, chiến sự thì phải chấp nhận giá trị nhân quả, phải đối đầu trong hiện tại và tương lai.
Tại sao có những vị tướng cầm gươm, cầm súng giết giặc mà tuổi thọ của họ đến 80, 90 nhưng một số người lại yểu thọ, chỉ được 20, 30 tuổi dầu họ cùng gieo chung nghiệp là cầm súng giết người? Con người phải chấp nhận sự thật, tất cả những chiến sĩ đều được nuôi dưỡng hai thái độ ở trên chiến trường, hoặc giết người khác chết hoặc bị người khác giết chết. Cho nên khi đối đầu với kẻ thù, con người có khuynh hướng muốn giết đối phương càng sớm càng tốt, giết
thế nào để người ta không phản kháng, không chống cự và không có dịp trả thù trong tương lai.
Đức Phật dạy, sự khác biệt tuổi thọ trong trường hợp này ở thái độ giết người. Nếu một chiến sĩ cầm súng giết giặc bằng thái độ hận thù vì cha, người thân bị kẻ thù giết nên phải trả đũa, máu trả bằng máu. Bấy giờ, không còn là hành động yêu nước mặc dù dưới bình phong của chủ nghĩa yêu nước, nhưng trở thành hành động sân hận. Do đó, nghiệp lực rất lớn, phải chịu nhân quả sát nghiệp, vì vậy, những người này bị yểu thọ. Trong khi đó, những người yêu nước thật sự sẽ có được chất liệu của tình thương khi nhìn kẻ thù bằng con mắt trí tuệ, không thấy giặc là kẻ thù, không thấy người khác ý thức hệ là kẻ thù, mà thấy hành động vô minh, thái độ si mê, sự thôn tính nước khác là kẻ thù. Như vậy, kẻ thù không phải là người khác ý thức hệ mà chính là những hành động bất thiện.
Đức Phật dạy, nhìn kẻ thù trong hành động sát phải kéo theo tình thương, để người kia không có cơ hội gieo nghiệp xấu, bắn người kia là để những người còn lại không bị nạn khổ đau do hành động vô minh gây ra. Như vậy, cùng mang nghiệp sát nhưng cộng theo đó là tình thương, tinh thần từ bi, thái độ dũng mãnh bất khuất không sợ hãi. Lúc bấy giờ, vẫn phải chấp nhận nghiệp sát nhưng là hạt giống đóng góp, phục vụ. Hai cách này song tồn. Nhờ đó, hành động sát nghiệp trong trường hợp này không phải là hệ quả của bất mãn và sân hận, mà là những giá trị đóng góp cao hơn và sẽ thọ mạng lâu dài, chỉ đơn thuần cầm súng bằng lòng sân hận, trả thù.
Nghiên cứu về trạng thái bất mãn liên hệ đến hoàn cảnh con người đang sống giúp ta vượt qua sân hận. Ai cũng biết, Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài đời Trần. Đóng góp của ông không chỉ nằm ở cuộc khởi nghĩa chống giặc Nguyên Mông, mà còn ở tinh thần yêu nước rất hùng mạnh, thể hiện sâu sắc trong bài
Hịch Tướng Sĩ bằng tất cả tâm huyết và lòng trung thành với quốc gia. Ông rất bất mãn với triều chính, những vị quan chỉ lo ăn chơi, đá gà, hưởng thụ… không nghĩ đến nạn của dân tộc. Đọc từng câu, từng lời, từng chữ, từng ý của Hịch Tướng Sĩ sẽ thấy gan ruột Trần Quốc Tuấn phơi bày trong đó. Như vậy cũng là bất mãn về thời cuộc, xã hội, chính trị nhưng nó tạo ra thành quả xây dựng thay vì thành quả đổ nát. Có thể làm con người bực tức dẫn đến phá phách, nhưng bất mãn dưới góc độ của người có tuệ giác thì dẫn đến giá trị đóng góp rất nhiều. Những giá trị đóng góp đó chính là cách thức biểu hiện tâm huyết, dấn thân phục vụ cuộc sống. Trước những hoàn cảnh như vậy, người tại gia có điều kiện thử nghiệm cuộc đời bằng bất mãn của chính mình. Phải soi xét xem bất mãn đó dẫn đến sân hận đối đầu hay thái độ tìm kiếm những chất liệu xây dựng, tìm đến tương lai sáng đẹp hơn, tốt đẹp hơn cho mình và đồng loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét