Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

HÓA GIẢI NỘI KẾT

KHÔNG CÓ KẺ THÙ:
HÓA GIẢI NỘI KẾT

Thích Nhật Từ

Chương 4:  HÓA GIẢI NỘI KẾT
Phần lớn, các mối quan hệ trong cuộc sống đều có ít nhiều nội kết, khiến chúng ta không được vui, không như ý và bị não phiền. Vốn các nội kết rất bình thường, nhưng nếu phản ứng thiếu khôn ngoan làm vấn đề trở nên phức tạp.
Bộ phim cao bồi Mỹ có tựa đề, “The good, the bad and the ugly” tạm dịch, “Người tốt, người xấu và người tồi,” nói đến ba nhân vật với ba cá tính. Người tốt (the good) là người luôn luôn làm việc thiện, ngay cả trong tình huống bị lợi dụng và cuối cùng anh ta trở thành người thành công. Trong khi đó, người xấu (the bad) là người mang lại sự bất công cho cộng đồng và xã hội từ lời ăn tiếng nói. Y sẵn sàng lợi dụng những người tốt. Hình ảnh của người tồi (the ugly) thì tồi thật, phức tạp, thiên biến vạn hóa, khó lường trước được. Có khi y đóng vai người tốt, lúc đóng vai người xấu. Thậm chí, để đạt mục đích, y có thể sử dụng những phương tiện tồi tệ. Ba hình ảnh người tốt, người xấu và người tồi được xem là đại diện cho phần lớn con người trong xã hội.
Theo nhà Phật, ba hình ảnh đó là ba tính cách khác nhau trong một con người. Một người có những lúc rất tốt, lại có những khi rất xấu và tồi. Tu theo đạo Phật, có thể khống chế, ngăn được những nhân tố biến thành người xấu, người tồi. Hóa giải được rốt ráo sẽ trở thành người hoàn thiện hay hơn thế, như kinh gọi là bậc thánh.
Sự đối lập giữa người tốt và người xấu diễn ra theo quy luật vận hành và phát triển của cuộc đời. Nếu không có người xấu thì người tốt cũng không nổi bật. Nhưng sự xuất hiện của người tốt không phải để nổi bật mà để tạo nên sự thăng bằng trước điều không tốt. Những người thuộc chủ nghĩa cơ hội có thể thừa nước đục thả câu. Vì lợi ích bản thân, họ có thể dấn thân làm rất nhiệt tình.
Ba thành phần này đại diện cho ba nhân cách, có thể trở thành nội kết trong một con người bất kì. Nội kết đó diễn ra như trận chiến. Do vậy, trước nhất, cần phải tự chiến đấu với bản thân bằng mọi cách để trở thành người tốt chứ không phải kẻ xấu, càng không phải là tên tồi.
NHẬN DIỆN NỘI KẾT
Nhận diện được bản chất của nội kết là nhu cầu và con đường giúp hoàn thiện tốt bản thân. Con đường này mang lại trạng thái an vui, hạnh phúc, an lạc.
Có thể định nghĩa, nội kết trước nhất là cái gút của đời sống tâm lý và nhận thức. Gút này sẽ sai xử con người trong mọi ứng xử. Tuy nó vô hình nhưng khi bản ngã bị va chạm thì trở thành móc câu, làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên lận đận, bất trắc, khổ đau và bất như ý. Nội kết là sự đóng băng và bế tắc về tâm lý, ứng xử trong các mối quan hệ con người. Nội kết được xem như ổ khóa đóng bít những cửa ngõ dẫn đến bình minh, bầu không gian đầy hoa thơm cỏ lạ.
Khi các cánh cửa bị đóng bít, người ta chỉ nghe biết những điều vừa nêu qua âm thanh gián tiếp vì đang bị giam trong nội kết. Hoặc chỉ có thể thấy được những hình ảnh, hiện tượng bên ngoài theo cách tưởng tượng hay sự trải nghiệm bằng cách hình dung những gì thuộc về quá khứ chứ không thấy bằng mắt thật. 
Con người có khuynh hướng sống với những cái đã qua. Sự hồi ức về nỗi đau và thất bại kết thành nội kết, làm cho mối quan hệ của con người ngày càng trở nên bi đát, không có lối thoát. Do đó, nội kết là kẻ thù của con người và giết chết hạnh phúc.
Theo quan niệm nhà Phật, con người không hẳn là kẻ thù của nhau dù trên phương diện chính trị và quân sự có thể có sự đối kháng. Chỉ có nội kết mới chính là kẻ thù của con người. Nội kết dẫn đến khủng hoảng, bất hạnh, khổ đau, làm rạn nứt mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội, cộng đồng. Tất cả những loại kẻ thù này đều có chung một nguồn gốc là cái tôi quá lớn, cái tôi không muốn tương nhượng với ai. Khi sống với ý thức hữu ngã, người ta tự thấy mình quan trọng, là trung tâm điểm, trục xoay của các mối quan hệ và là nền tảng đánh giá mọi giá trị tốt xấu, phải trái, nhục vinh...
Bản ngã tạo ra những lăng kính và góc cạnh cá nhân. Từ góc cạnh, lăng kính quan sát hình ảnh nào đó, hẳn sự quan sát đó ít nhiều đã bị biến dạng, bóp méo theo cái nhìn chủ quan và không phản ánh đúng nguyên dạng nữa. Khi quan sát và đánh giá, đừng nhìn qua lăng kính thành kiến, trên nền tảng những va chạm của hữu ngã. Vì những cái đó sẽ tạo thành sợi dây, mắt xích làm cho mối quan hệ ngày càng xấu và nội kết có cơ hội bám rễ.
Mối quan hệ có nội kết như những cây gai, càng va chạm vào thì càng bị đau nhức. Nói cách khác, nội kết chính là vết thương lòng dưới dạng tiềm ẩn. Nó nằm đó giống như tên du kích, sẵn sàng khống chế các mối quan hệ, làm cho đạo đức và lương tâm bị yếu đi. Không tháo gỡ cái gút mâu thuẫn này thì tình người trở thành bệnh tật, thậm chí là ung thư và có thể dẫn đến cái chết!
Sẽ là sai lầm khi cho rằng cách tốt nhất để chấm dứt nội kết là cắt đi mối quan hệ đang có vấn đề. Sự chấm dứt rõ ràng không phải là giải pháp hay, vì có thể kéo theo những rắc rối khác, chứ không phải dấu chấm hết. Cho nên, người hiểu được nhân quả, nghiệp báo không bao giờ nghĩ có dấu chấm trong đời. Do vậy, gút dính mắc ở chỗ nào thì nỗ lực chân chính để tháo gỡ chỗ đó.
Đừng tưởng chặt hai đầu cái gút thì sẽ đến hồi kết thúc. Bởi vì, khi chặt hai đầu, cái gút vẫn là cái gút. Cái gút của khổ đau giống như kẽm gai hay mảnh chai. Cái đau của mảnh chai, kẽm gai đâm vào lòng bàn chân gây cảm giác đau đớn khó chịu. Trước một tình huống, phản ứng của con người hoàn toàn khác nhau. Có người không chịu đi mà chờ người khác đến dắt đưa vào bệnh viện để băng bó. Có người dùng các phương tiện cầu cứu người khác đến giúp, nhiều người yên lặng, không hề nói bất cứ lời nào. Tuy nhiên, một số người không chấp nhận các giải pháp này. Họ nỗ lực tự rút gai ra và đứng dậy đi, dù máu rướm nhưng họ vẫn đi. Sau nỗ lực với những bước đi có phương pháp, họ sẽ có cơ hội quý báu là đến được nơi có phương tiện chữa lành vết thương!
Sự phản ứng khác biệt ở từng người trước nội kết cho thấy, giá trị an vui hay khổ đau gắn liền ít nhiều đến những khác biệt đó. Có những chiến sĩ khi lâm trận bị thương chân, tay họ yêu cầu đồng đội chặt đứt đi để sự đau đớn không hoành hành nữa. Khi đã chặt đứt cánh tay hay bàn chân thì sự đau đớn không kết thúc mà vẫn tiếp tục. Nhưng nếu mạnh dạn chặt đứt vết thương lòng bằng cách tháo gỡ các gút ra thì sẽ có được sự an toàn lâu dài, giống như một bệnh nhân khỏi hẳn bệnh khi điều trị có phương pháp, có người hỗ trợ, chăm sóc đúng cách.
Nội kết cá nhân xảy ra giữa hai người hay hai đối tượng. Nó thể hiện bằng cách bùng nổ hay tiềm ẩn là tùy theo cá tính của từng người. Sự bùng nổ có thể là những lời quát tháo, đập bàn ghế, la hét, mặt tái mét, môi run run nói không nên lời. Có người phản ứng hoàn toàn bằng im lặng, xem như việc không hề xảy ra. Có người phản ứng thành mối hận nên một lúc nào đó, nội kết ấy sẽ thành quả bom nổ tung.
Các mối quan hệ như bạn tình, vợ chồng hay giữa cha mẹ và con cái, anh, chị, em, nếu diễn ra như một nội kết thì quả là bất hạnh!
Có những quan hệ bị lận đận do xung đột về ý thức hệ hay cá tính. Khi xung đột, người ta có thể dùng ngôn từ, ngòi bút, lời nói, ngay cả điệu bộ cơ thể làm vũ khí để tấn công và triệt hạ đối phương. Hậu quả của sự tấn công đó làm hai đối tượng trở thành nạn nhân. Theo đó, sự buồn phiền và nội kết lại có dịp bùng nổ và lan truyền như chất độc. Chất độc này lan tới đâu sẽ làm héo tàn sức sống đến đó! Cho nên, đừng xem thường các nội kết cá nhân, dù sự khởi thuỷ của nó chỉ nhỏ nhặt, không đáng kể.
Có loại nội kết được xem như chiến tranh lạnh. Biểu hiện của loại nội kết này là hai người không hề nói với nhau lời nào, gặp nhau cũng không thèm nhìn mặt.
Nếu vô tình chạm mặt thì họ nhìn nhau bằng cái liếc mắt không thiện cảm, có thể hàm chứa lưỡi lam, mảnh chai hoặc cả lựu đạn cây! Khi bị nội kết cá nhân chi phối, dù ở một mình vẫn cảm thấy đầu óc xây xẩm.
Chiến tranh lạnh do nội kết gây ra, người thâm hiểm vẫn bình tĩnh chào thân mật như nhà ngoại giao được đào tạo từ trường lớp hẳn hoi, làm không ai ngờ được. Sự ngọt ngào đó chính là con dao cắt đứt tâm hồn của họ ra thành từng mảnh vụn.
Trường hợp này có thể được gọi là chiến tranh lạnh như một ván bài lật ngửa. Hai bên đều chiến đấu bằng những ngôn ngữ rất vui tươi, những ánh mắt, nụ cười rất đẹp, nhưng trong đó lại toàn vũ khí khiến người ta dễ sơ ý hơn so với các cuộc chiến bùng nổ bên ngoài dưới dạng thức hoặc hành động khác.
Nội kết có thể diễn ra bắt nguồn từ nền văn hóa giữa hai quốc gia, hai cộng đồng hay hai liên minh được đặt trên nền tảng ý thức hệ tôn giáo hoặc chính trị. Nội kết loại này có sức tàn phá lớn hơn, vì tác hại có vùng ảnh hưởng trên bình diện rộng sâu và lâu dài. Nội kết văn hoá gây ảnh hưởng đến đời sống hạnh phúc, là mối đe doạ của đời sống thái bình và thịnh vượng. Nội kết văn hoá còn có thể bắt nguồn từ sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ, hay sự khác biệt giữa truyền thống và cách tân, Đông và Tây, nội quan và hướng ngoại hoặc tình cảm và cách ứng xử trong mỗi cộng đồng về những quán tính, cách thức khác nhau, giống như hai thanh gươm khi chạm vào nhau sẽ xẹt lửa.
Khi dựa trên nền văn hoá và cách suy nghĩ của cộng đồng A để nhận diện, đánh giá cách hành xử của cộng đồng B sẽ gặp nhiều rắc rối. Lấy một nền văn hoá làm hệ quy chiếu giá trị để thẩm định các nền văn hoá khác có thể tạo ra tình trạng xung đột văn hoá. Xem thường giá trị nền văn hoá khác, nhưng đề cao bản ngã văn hoá của mình thì nội kết văn hoá sẽ xuất hiện.
Như vậy, trục xoay ý thức hệ của bản ngã văn hóa dẫn đến va chạm, xung đột, nội kết khó tháo gỡ. Từng vùng, miền có những phong tục tập quán và “lệ làng” riêng. Mỗi khi nhắc đến một vùng, miền nào đó, phải liên tưởng ngay đến các đặc tính mà nó có. Nhìn bằng định kiến về một cộng đồng, quốc gia hay một ý thức hệ tôn giáo, nội kết sẽ xuất hiện phức tạp hơn.
Tiếp xúc, hoà nhập với một nền văn hoá mới, đòi hỏi người đến phải hiểu biết và thích nghi. Hiểu biết để đừng đánh mất gốc rễ, thích nghi để có thể hoà vào nền văn hoá khác.
Chẳng hạn, sự biểu lộ đồng tình hay phản đối giữa nền văn hoá giao tế của Ấn Độ và Việt Nam là khác nhau. Khi đồng ý, người Ấn Độ lắc đầu lia lịa. Ngược lại, người Việt Nam lại hiểu đó là sự bất đồng hay phản đối.
Do vậy, nếu không hiểu được thì khi tâm đắc, tán đồng vấn đề gì đó với người Ấn Độ bằng cách gật đầu theo phong tục của nước Việt, vô tình làm họ cảm thấy khó chịu vì nghĩ bị phản đối. Sự quy chiếu, tính ưu tiên văn hoá về một dân tộc hay một nước nào đó thường tạo ra nội kết quốc gia hay nội kết văn hoá.
Truyền thống người Ấn Độ thường dùng bàn tay bốc thức ăn, họ cho như vậy miệng sẽ tiết ra dịch vị đầy đủ hơn khi ăn bằng muỗng, đũa. Cho nên họ mặc định với nhau rằng, bàn tay trái là bàn tay vệ sinh, còn bàn tay phải là bàn tay dùng trong giao tế, ăn uống, làm việc...
Nội kết giữa các nền văn hóa không nhất thiết bắt nguồn từ sự cố ý va chạm mà có thể là sự xung đột tình cờ. Khi con người có thói quen hành xử theo nền văn hóa truyền thống, thường cho đó là chân ly. Những nền văn hoá khác không có phong tục tập quán giá trị với mình thì không. Do vậy, khi tiếp xúc nội kết xuất hiện ngay, nếu không phải là người phóng khoáng thì sự khác biệt đó khó được chấp nhận.
Phản ứng đẩy ngược các nền văn hóa khác ra bên ngoài là phản ứng rất tự nhiên trong thái độ sống. Bảo thủ nhiều chừng nào thì nội kết văn hoá tỷ lệ thuận chừng đó. Không khéo ứng xử thì những nội kết văn hoá có thể dẫn đến hận thù và chiến tranh là chuyện không tránh khỏi.
NGUYÊN NHÂN NỘI KẾT
Phương pháp tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý, nhận thức, ứng xử giữa con người trước nhất là truy nguyên gốc rễ của vấn đề. Khi chẩn đoán được gốc bệnh thì việc chữa trị đã đạt được 50%. Có thể tốn nhiều thời giờ để xác định gốc bệnh của nội kết. Nỗ lực tìm gốc rễ nội kết để tháo gỡ là con đường khai thông mọi ách tắc trong cuộc sống. Nội kết bám rễ trên nền tảng của bản ngã và những cái thuộc về ngã sở hữu. Nó liên hệ đến những người thân thương, ngay cả tài sản.
Thái độ nội kết bắt nguồn từ nhu cầu phục vụ lợi hay núp bóng dưới bình phong bản ngã. Dấu ấn của bản ngã làm người nội kết tâm niệm, ứng xử, nhận định, đánh giá thế này thế kia nhằm bảo vệ quyền lợi bản thân.
Để đánh bóng giá trị bản ngã, nhiều người bị hoang tưởng hoặc cố tình thổi phồng giá trị của mình hoặc tự cho quyền lợi, danh vọng, địa vị của mình đang bị đe doạ, hay người khác đang và sẽ có hành động không tốt với mình. Từ đó, thái độ không vui biểu lộ công khai hay ngấm ngầm sẽ làm héo tàn tình cảm của họ với đối phương.
Thứ hai suy nghĩ rằng, người hay liên minh nào đó đã làm tổn hại đến lợi ích của những người được mình thương yêu. Khi thương ai, đều muốn những người mình thương được bảo vệ. Chính ý tưởng muốn bảo vệ và chăm lo cho người mình thương mang tính vị kỷ đã tạo ra những nội kết.
Thứ ba là trạng thái tâm lý phức tạp, phản ứng không đồng thuận với những người giúp đỡ mà họ không thích. Do vậy, khi nhìn thấy người khác tạo điều kiện nâng đỡ những người đó, lập tức cảm thấy khó chịu, bực tức hoặc nổi cáu. Nguyên do có thể do không muốn người ta hơn bản thân về nhiều mặt như thành công, đẹp hơn, nhiều người cảm mến. Do hiềm khích và ganh tỵ, nội kết ngày càng gia tăng.
Năm 1999, cuộc chiến giữa Pakistan và Ấn Độ diễn ra rất quyết liệt. Mỗi ngày hai bên phải bỏ khoảng một triệu Mỹ kim để phục vụ chiến tranh. Nơi cuộc chiến diễn ra là khu biên giới băng giá, quanh năm-30oC và không có tiềm năng về mặt kinh tế. Cuộc chiến đã xảy ra dưới mục đích chủ nghĩa dân tộc. Biết bao chiến sĩ đã nằm xuống vì tinh thần yêu nước. Tình cảm giữa hai nước láng giềng vốn là anh em nay trở thành kẻ thù chỉ vì khác ý thức hệ tôn giáo, tạo thành những nội kết gay gắt.
Khi được hỏi về nội kết của cuộc chiến giữa hai bên thì có người nói, không sao đâu, chúng tôi là anh em, mọi việc cũng sẽ qua thôi. Người khác lại nói, biết làm sao bây giờ, tốt nhất cam phận, chấp nhận theo sự an bài của Thượng đế. Làm sao thoát khỏi định mệnh từ khi có mặt trên cuộc đời.
Khuynh hướng thứ ba cho rằng, chúng tôi cần phải hy sinh để bảo vệ biên cương bờ cõi, để những người còn sống được bình an vô sự.
Khuynh hướng thứ tư cho rằng, đã nỗ lực hoà giải và làm mọi cách rồi mà không ra gì, bây giờ đến đâu hay đến đó. Và còn nhiều lối trả lời khác nữa. Như vậy, thông qua bốn khuynh hướng trả lời khác nhau, có thể phác hoạ các phương pháp giải quyết những gút mắc như sau
Phủ định nội kết là không thừa nhận mình và người đang có rắc rối, trong quan hệ tình cảm hoặc cái gì đó chưa giải quyết được. Có người cố ém nhẹm như dùng mền phủ trùm con dao. Độ bén của dao có thể cắt đứt cái mền làm đôi, người có thái độ phủ định vẫn cố phủ trùm và cho rằng chẳng có gì cả. Nhưng trên thực tế vấn nạn vẫn đang có mặt, thậm chí, gây ảnh hưởng đến đời sống, hạnh phúc của mình và những người xung quanh.
Phủ định nội kết là phản ứng trốn chạy khổ đau, bất hạnh, bất như ý trong cuộc đời. Người phản ứng chạy trốn nội kết chỉ chứng minh bản thân chưa có bản lĩnh. Bề ngoài ém nhẹm để không mất mặt, nhưng bên trong tồn tại như một nỗi đau. Người có vấn đề trong hôn nhân nhưng không muốn cho ai biết và lại muốn chứng minh cho người ngoài thấy đang hạnh phúc. Câu nói “Thấy vậy nhưng không phải vậy” rất có ý nghĩa trong tình huống này.
Vào đầu năm 2000, chúng tôi giúp phái đoàn Phật giáo Úc đến cứu trợ động đất tại bang Gujarat, miền Nam Ấn Độ. Trong đoàn cứu trợ có cặp vợ chồng nhìn từ bề ngoài rất hạnh phúc vì đi đâu họ cũng cặp tay nhau. Cử chỉ thân mật và âu yếm của đôi vợ chồng ấy rất hiếm thấy ở Ấn Độ. Đối với người Ấn Độ, biểu lộ tình cảm nam nữ là chuyện ở khuê phòng chứ không phải tự do ngoài phố. Nhà báo Manpreet, đi theo giúp đoàn là người bị lận đận trong tình cảm. Người anh thương thì gia đình không chịu, còn người cha mẹ anh chịu thì anh không thích.
Anh đã sống độc thân rày đây mai đó. Khi thấy cặp vợ chồng đó, Manpreet thầm ước ao có được một mối tình như vậy. Anh nhờ tôi hỏi thăm bí quyết giúp vợ chồng họ có hạnh phúc.
Tôi đã hỏi người chồng thay cho Manpreet. Ông chồng thở dài chán nản. Ông kể, vợ rất khó chịu dù ông ra sức chiều chuộng nhưng bà vẫn đòi ly dị thường xuyên. Trước khi đi Ấn Độ, bà đã đòi ly dị lần thứ mười lăm, nhưng nhìn từ bên ngoài không ai biết được. Nỗ lực giấu nhẹm nội kết giữa hai người chỉ là giải pháp tạm thời để giảm bớt cơn đau, không cho người ngoài biết hoàn cảnh riêng. Hành động ém nhẹm vô tình làm cho nội kết gia tăng, vì người bị nội kết cảm thấy ngán ngẩm khi đối đầu tìm cách giải quyết.
Trong hôn nhân, nếu không tháo gỡ được nội kết giữa hai người thì trước sau gì cũng phải đối đầu với ly dị. Khi hôn nhân kết thúc, hai bên không muốn nhìn mặt nhau nữa. Nếu phải gặp thì cả hai có thể nhét bông vào tai và đeo kính đen để không nghe, không thấy mặt đối phương. Họ có thể đều nhắm mắt như để phủ định sự hiện diện của đối phương. Nhưng càng nhắm mắt thì hình ảnh đối phương càng nổi cộm do phản ứng phụ cưỡng lực rất lớn.
Có người lý giải, mọi nghịch duyên và trở ngại trong đời đều được sắp xếp và an bài như định mệnh. Nhiều người Ấn Độ, Pakistan tự an ủi, cuộc chiến giành biên giới Kasmir như định mệnh. Đó là cách lý giải tiêu cực, chấp nhận nội kết như thực trạng bất biến.
Dĩ nhiên, nội kết là cái móc câu với hai mũi nhọn, ghim vào hai bàn tay. Người bị nội kết vẫy vùng không khéo càng đau. Nếu bàn tay này cứ vẫy vùng thì bàn tay còn lại cũng đau theo. Cho nên, chấp nhận nội kết như định mệnh sẽ làm cuộc đời ngày càng buồn thảm, khổ đau.
Khi cả hai rơi vào tình trạng vô vọng, họ không còn nỗ lực nghĩ đến giải pháp tốt hơn nhằm tháo gỡ nội kết đó.
Trong hôn nhân cũng thế, vợ chồng có hai cá tính mâu thuẫn, nhưng vẫn cố sống với nhau như định mệnh khắc nghiệt, nên đã không nỗ lực tìm cách cho cả hai hòa hợp. Phải biết tưới tẩm đóa hoa hạnh phúc bằng những giọt nước mát của hiểu biết, thương yêu, thông cảm. Các yếu tố này giúp cho hôn nhân được tồn tại bền lâu. Ém nhẹm nó không phải là giải pháp và có khả năng mang lại khổ đau cho cả hai. 
Giải pháp thoả hiệp là sự chọn lựa bất đắc dĩ, khi hai bên vẫn chưa tìm ra giải pháp tốt và hiệu quả hơn. Do vậy, cả hai tiếp tục phải chịu đựng lẫn nhau. Nếu người chồng có quan điểm bảo thủ, trong khi người vợ hiền hậu, chịu đựng thì nội kết không thể phát triển. Vì khi chồng cáu gắt thì vợ không hề phản kháng; bởi mục đích muốn những đứa con được hạnh phúc trong sự có mặt của mẹ cha. Nhiều người vợ đã chấp nhận khổ đau về phía mình. Đây tạm gọi là giải pháp thương lượng, thỏa hiệp và chỉ có giá trị 50%. Giải pháp này vô tình khoá chặt nội kết của người vợ lại, một ngày nào đó không còn chịu nổi thì phản ứng xảy ra là điều khó lường.
Khi thương nhau quá mức thường dẫn đến các chấp trước và vướng lụy về cảm xúc. Câu thành ngữ, “Thương nhau lắm cắn nhau đau” nói đến tình trạng không buông xả và không rộng lượng đối với lỗi lầm của người thân, thậm chí đôi lúc chỉ là hiểu lầm. Lý ra phải xí xóa, châm chước cho nhau mà không cần đào sâu khoảng cách xung đột. Nếu bảo hộ tình cảm bằng sự thỏa hiệp thì tình cảm không thể kéo dài. Tình cảm phải khởi phát từ trái tim và đong đo bằng lý trí. Thoả hiệp tạo ra ranh giới, nên khó kéo dài trong các mối quan hệ xã hội.
Trong mọi tình huống cần phải sáng suốt, bình tĩnh để giải quyết. Thừa nhận các bế tắc hiện hữu ở nhận thức, tâm lý hay quan hệ, nhưng chúng không phải là định mệnh và bất biến. Nhờ suy nghĩ tích cực, con người có khả năng tháo gỡ. 
PHƯƠNG PHÁP THOẢ HIỆP
Dựa vào tinh thần đức Phật dạy, chúng tôi xin trình bày các giải pháp tháo gỡ nội kết an toàn. Dùng chữ an toàn vì trong thực tế đã có nhiều người tìm cách tháo gỡ nhưng không an toàn, nên vô tình chặt đứt sợi dây đoàn kết làm đôi và tình cảm từ đó bị sứt mẻ. Nhiều người giải phẫu nội kết giống như một mụt ghẻ. Biết cách thì vết thương sẽ lành, ngược lại làm cho vết thương thêm lở loét. Có những trường hợp không cần phải giải phẫu mà chỉ cần thuốc thang thích hợp thì mụt ghẻ sẽ lành lặn.
Trước nhất, đề cập đến giải pháp thỏa hiệp. Thỏa hiệp trong các quan hệ là cần thiết vì cá tính, sở thích và cách ứng xử ở mỗi người khác nhau. Sự thoả hiệp để tạo ra biên giới bất khả xâm phạm mà hai đối tác cần tôn trọng và không nên vượt quá mức cho phép để duy trì sự hoà hợp, hợp tác.
Thông thường, sự khác biệt về cá tính tạo nên hấp lực trong thời gian đầu. Cá tính càng cá biệt chừng nào thì hấp lực càng lớn chừng đó. Sự giống nhau tạo ra hấp lực dẫn theo công thức “Đồng thanh tương ứng,” sự bén rễ “đồng thanh” càng chậm thì tuổi thọ của mối quan hệ càng cao. Ngược lại, khác nhau về bản tính thì lực hút nhanh hơn nhưng tuổi thọ mối quan hệ lại không bền. Nếu hai bên gặp nhau cứ tạo ra xung đột hay đối kháng thì sự cách biệt sẽ tạo ra hai cái rãnh của đường ray, không bao giờ gặp nhau ở một điểm.
Người Trung Hoa, giải thích những cá tính khác biệt theo luật Ngũ hành tương sinh hoặc tương khắc. Tương sinh tạo ra sự lớn mạnh, thành công, phát đạt. Một bên đóng vai trò tác động và một bên đóng vai trò tiếp nhận. Trong trường hợp tương khắc thì hai bên xung đột, công phá, làm suy giảm năng lực và giá trị của nhau. Thí dụ như lửa và nước, nước và đất, đất và cây, cây và kim loại, kim loại và lửa thuộc tương khắc. Các đối tác hoặc phối ngẫu có cá tính mặt trời và mặt trăng như vừa nêu dễ dàng xung khắc về quan điểm, hành vi, lời nói nên khó thành công.
Trong khi các đối tác tương sinh như lửa và đất, đất và kim, kim và nước, nước và cây, cây và lửa, dễ dàng thành công trong các nỗ lực tập thể. Tương sinh là hỗ trợ nhau phát sinh, tồn tại và thịnh vượng. Sai lầm của người tin vào học thuyết tương sinh và tương khắc không phải tại bản chất của thuyết này, mà ở chỗ nghĩ rằng mỗi “mệnh” sinh và khắc là một bản tính, định mệnh, không thể thay đổi được. Nghĩ thế, người có niềm tin vào xung khắc không còn nỗ lực chuyển hóa những khác biệt nên dẫn đến tình trạng bất cần. Từ đó, đổ vỡ có mặt.
Như vậy, bất cứ quan niệm thường thấy về cá tính nhưng bản tính không thay đổi đều làm cho mối quan hệ ngày càng tồi tệ hơn. Khi có sự việc xảy ra thì họ đổ thừa vì cá tính không phù hợp nên đành phải xa nhau. Trong thực tế, nếu biết nỗ lực có phương pháp thì vấn đề nghiêm trọng cũng trở nên bình thường. Các kết luận kéo theo sau thường mang tính biện hộ như “tôi và anh không thể nào sống đời với nhau” hay tồi tệ hơn, “một ngày nào đó chúng ta phải chia tay nhau”.
Khi đặt cái cày trước con trâu trong mối quan hệ tình cảm dựa trên định kiến của Ngũ hành tương sinh, tương khắc thì sự thỏa hiệp được thiết lập không bao giờ kết thúc. Nếu có kết thúc sẽ kết thúc trong khổ đau.
Để các ách nạn đó không xảy ra, trước nhất nên ngưng trận chiến giữa ta và người, khi ý thức về sự bất hòa là cơ sở của nội kết. Nên ngưng trận chiến trước vì những vấn đề đưa đến sự thảo luận có thể tạo ra gút mắc vốn có thể được đổi hướng tích cực hơn. Nhờ đổi đề tài thảo luận, cuộc chiến của sự bất hoà không tiếp tục diễn ra theo kiểu “thêm dầu vào lửa”.
Như vậy, dừng cuộc chiến nội kết là bước đầu của sự thỏa hiệp giữa hai bên. Dĩ nhiên, thỏa hiệp phải có nghệ thuật, bằng không sẽ làm cho hai bên không bao giờ hiểu nhau, mà nếu gặp nhau thì lại dùng miệng lưỡi tranh cãi, khiến tác hại của quan hệ ngày càng nghiêm trọng. Bước thứ hai là nên gần gũi, đến với nhau bằng thái độ cởi mở chân thành. Tuy nhiên, đừng lấy thành kiến để nhận định, đánh giá thái độ của người đến với mình. Như vậy, cần bỏ những thành kiến để cùng ngồi lại, gần nhau để sưởi ấm mối quan hệ lâu dài.
Có nhiều cuộc thỏa hiệp rất khó khăn, vì quyền lợi bên này đặt quá cao còn bên kia bị khống chế nên kháng cự lại. Một bên nổi, một bên chìm mạnh lấn yếu, hướng nội và hướng ngoại, áp bức và bị bất công... Do vậy, nếu thấy thỏa hiệp gặp phải khó khăn thì cần thương lượng, trả giá với nhau. Sự trả giá trong trường hợp này là cách thức tạo biên giới để đảm bảo sự tôn trọng của hai bên, không bên nào được xâm phạm.
Chẳng hạn, trong gia đình, giữa nàng dâu và cha mẹ chồng có sự bất hòa. Trong lúc nói chuyện, nàng dâu đã có những lời không phải đối với cha mẹ chồng, khi đó, nội kết sẽ xuất hiện với chính người chồng của cô ta. Một bên là tình cha mẹ, một bên tình vợ chồng, bấy giờ người chồng phải có sự lựa chọn.
Người xem chữ hiếu nặng sẽ chọn cha mẹ, người xem chữ tình nặng sẽ chọn vợ. Tuy nhiên trong trường hợp này, sự lựa chọn theo bên nào cũng dẫn đến đổ vỡ rất lớn về sau. Do vậy, nếu rơi vào trường hợp làm cha mẹ hoặc vợ chồng, đừng đẩy người chồng hoặc vợ vào chỗ thất vọng do phải lựa chọn hoặc vợ, chồng mình hoặc cha mẹ. Nên tạo cơ hội để hai bên ngồi lại thỏa hiệp với nhau. Nghĩa là, có những biên giới mà hai bên không nên đụng chạm vào. Nếu tôn kính cha mẹ ruột thế nào thì cũng phải tôn kính cha mẹ vợ hoặc chồng như thế ấy thì tình cảm mới được tốt đẹp hơn. Nếu sự thiết lập biên giới gặp khó khăn, cần phải thiết lập sự hỗ trợ như mở hộp thư để nói lên những điều mình cần nói.
Có những người, lúc đối diện không đủ can đảm để nói nhưng khi viết có thể biểu lộ rất nhiều điều cần nói. Tuy nhiên, viết cần có diễn tả để người kia dễ dàng chấp nhận và có sự cảm thông. Trường hợp đã làm tất cả những điều vừa nêu nhưng không kết quả thì nên xem đây là giải pháp ban đầu rồi tiếp tục duy trì và tìm biện pháp lâu dài để giải quyết.
Nếu nội kết bắt nguồn từ một bên nào thì bên đó tháo gỡ, từ hai bên thì hai bên phải tìm cách tháo gỡ chứ không thể chỉ một bên và bên còn lại cứ cột mãi thì nội kết đó không thể giải quyết, nó sẽ tiếp tục kéo dài.
Khi viết cần viết những lời từ ái trên nền tảng hiểu biết và cảm thông, không nên nói trách móc người đã tạo đau khổ cho mình. Có những người dù tâm không có ý xấu nhưng khi cơn giận bốc lên thì có thái độ bất cần, chuyện đến đâu cũng sẵn sàng ứng phó. Nếu hiểu được cảm xúc của đối phương là sự bốc đồng chứ không phải bản chất thì sẽ có sự cảm thông sâu sắc. Cần hâm nóng lại tình thân giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng dù tình thân hay tình yêu đó đã nguội lạnh 20, 30 năm đi nữa.
Có hai vợ chồng rất thương yêu nhau, một người vượt biên và người kia ở lại Việt Nam. Họ trao đổi nhau bằng thư với những lời thiết tha, nồng thắm. Rồi hai bên có cơ hội đoàn tụ thì bỗng dưng xuất hiện nhiều nội kết. Người vợ kể khi chồng ra đi, mình ở lại Việt Nam bị mẹ chồng hiếp đáp. Từ đó, người vợ bộc lộ sự không thể tha thứ cho mẹ chồng. Điều đó lặp đi lặp lại trong những bữa ăn thay vì sự chăm sóc, quan tâm lẫn nhau nên khiến không khí trong bữa cơm nặng nề. Khi những chuyện như thế cứ tiếp tục lặp đi lặp lại thì tình cảm vợ chồng sứt mẻ, làm cho nội kết giữa hai vợ chồng ngày càng gia tăng, thậm chí dẫn đến tan vỡ. Có những người vợ chấp chước chuyện quá khứ thay vì “phóng sinh” đi để thảnh thơi.
Cho nên, sự tiếc nuối, chấp chước trong quan hệ vô tình nuôi dưỡng những nỗi đau mà nếu hành xử đúng đắn thì không được khai sinh trong mối quan hệ. Cách làm đó vô tình nuôi dưỡng những nỗi đau không có giá trị gì cho thực tế. Nó chính là phát súng ân huệ nhưng không phải để tạo sự sống mà là cái chết, giống tội nhân bị xử tử và đang chờ được ban ân huệ sau cùng. Do vậy, thỏa hiệp là giải pháp bắt nguồn từ sự hiểu biết.
Cần nhìn rõ bản chất ứng xử của người khác và đừng thiết lập khung áp đặt họ thuộc dạng tâm lý nào, trên thực tế không phải, rồi định vị cách ứng xử cho tâm lý đó. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta phác thảo những trận chiến bằng cách dựng lên các hình nộm và dùng súng bắn vào cho chúng ngã xuống rồi cho rằng đã chiến thắng. Quả thật rất đáng tội nghiệp!
Thực tế, nếu con người có thái độ suy luận loại suy, quy nạp, tổng hợp... và không biết lắng nghe người khác giải thích, bấy giờ nội kết được siết chặt. Không nên nhân rộng nội kết ở bình diện lớn và sâu. Cần khoanh lại trong phạm vi nhất định để những quan hệ về tình thân gia đình, tình cảm vợ chồng, cuộc sống được đơm hoa kết trái!
PHƯƠNG PHÁP ĐỒNG ĐẲNG
Sự đồng đẳng là giải pháp dựa trên tinh thần bình đẳng của nhà Phật. Trong 7 nguyên tắc đức Phật đưa ra để tháo gỡ những nội kết rầy rà, bất đồng trong đời sống của người tu có giải pháp “Như cỏ trải đất”. Mặt đất có những chỗ gồ ghề nên trước khi trải cỏ phải san bằng khoảng đất đang bị gồ ghề đó, rồi mới cấy, trồng loại cỏ đặc biệt lên. Bấy giờ, mặt đất những quan hệ không còn chỗ gồ ghề. Đức Phật nói, trong cuộc sống đôi khi con người đặt quan hệ đối xử giữa người cấp trên với cấp dưới, quyền hạn của người lớn với người nhỏ, ông bà, cha mẹ với con cháu hay anh, chị với em... Ứng xử vậy, đôi khi có những oan ức rất lớn mà người cấp nhỏ không có dịp nói.
Có câu chuyện về đức Khổng Tử. Một hôm, ngài đi trên đường, thấy một cậu bé khoảng 6, 7 tuổi đang đắp cát để tạo dựng những thành trì. Khổng Tử liền xuống xe và nói cậu bé cho ông chạy xe ngựa qua những thành vừa đắp. Cậu bé nhìn Khổng Tử và nói, thưa bác, bác cần nhớ quy luật là xe tránh thành chứ thành không tránh xe. Sau đó, đức Khổng Tử đã kể lại câu chuyện cho mọi người nghe rồi ngài kết luận, “Hậu sinh khả uý”.
Nghe qua câu chuyện, khó có thể đồng cảm với cậu bé, nhưng nếu hiểu theo cách thức đối thoại thì phải biết chấp nhận sự ứng xử của cậu bé như người có nhận thức, giá trị và tư cách. Phải tôn trọng và không được quyền cưỡng bức người khác theo những gì mình muốn. Cần đặt người khác ngang hàng với mình theo cách thức bình đẳng Phật tính mà đức Phật đã dạy. Do vậy, chú tiểu có thể nói chuyện bình đẳng với Hòa thượng.
Câu chuyện khiến nhớ lại lời đức Phật dạy, có bốn thứ nhỏ mà đừng bao giờ khinh thường: đốm lửa nhỏ, thái tử nhỏ, tội lỗi nhỏ và chú tiểu nhỏ. Nếu không có chú tiểu nhỏ thì không có Hòa thượng. Trong cuộc luân hồi, con người đã được sinh đi tử lại rất nhiều lần. Các tri thức, tình cảm, phương thức hành trì được truyền từ kiếp này sang kiếp nọ. Bởi vậy, dù tuổi nhỏ nhưng chất liệu tu tập từ nhiều đời nhiều kiếp của người ta tích lại rất lớn, không nên khinh thường. Bởi thế, đối với con cháu trong gia đình hay đối với hậu sinh ngoài xã hội nên ứng xử giống như lời đức Phật đã dạy.
Nền văn hóa phương Tây, tập cho trẻ em có bản lĩnh rất dạn dĩ trong cách ứng xử, bởi chúng được xem như người trưởng thành. Có điều, nó quá cực đoan, khiến cho bản ngã trẻ em trở thành chủ nghĩa cá nhân, không giống như lời đức Phật dạy là phải phát triển trí tuệ. Như vậy, sự phát triển của nền văn hóa phương Tây và đạo Phật khác nhau. Dĩ nhiên, sẽ dẫn đến những hệ giá trị hoàn toàn khác.
Do vậy, khi tiếp xúc với người khác bằng sự đồng đẳng để đi đến thỏa hiệp trong các mối quan hệ, nhằm tháo gỡ những nội kết, cần tôn trọng đối phương như một cá thể. Có quyền tự do phát biểu, ngôn luận nhưng với tư cách của người tri thức, đạo đức thì không bao giờ lấn lướt người khác. Tuy nhiên, đôi lúc trong thực tế người ta đã lấy quyền hạn của người lớn để cưỡng ép trẻ em. Lấy quyền cha mẹ để buộc con cháu làm theo những điều mình muốn, thay vì được quyền làm những gì đứng đắn mà nó muốn.
Trong đà phát triển của xã hội, người lớn cho rằng lớp trẻ hiện nay đã Tây hóa nên không hiểu tâm tư của ông bà, cha mẹ. Ngược lại, giới trẻ lại cho rằng ông bà, chú bác, cha mẹ đã sống trong nền văn hóa cổ hủ, không thấy được cái tốt đẹp của nền văn hoá Âu Mỹ. Từ những quan điểm đối lập đó, họ cho rằng mình mới được quyền phát biểu còn người khác thì không và đặt người ta vào lựa chọn phải và làm theo những gì mình muốn. Nếu những đứa trẻ là người có lòng hiếu thảo thì chúng có thể chấp nhận để vấn đề được trôi qua, dù không hài lòng. Nhưng nếu cứ cố tình áp đặt, chúng sẽ có sự nổi loạn trong cách ứng xử ở gia đình, rồi lan ra ngoài xã hội.
Khi có quan niệm đồng đẳng thì sẽ lắng nghe người khác vô tư, khách quan. Thỉnh thoảng, có đứa trẻ phát biểu những ý kiến rất hay mà đôi lúc là người lớn nhưng chưa bằng. Cũng có những phát biểu rằng, trẻ em ngày nay thông minh hơn rất nhiều thế hệ mấy mươi năm về trước. Do vậy, trong lu- ân hồi sinh tử nếu luân hồi nhiều chừng nào thì kiến thức nhiều chừng ấy. Có những đứa trẻ mới sinh ra nhưng rất thông minh. Sự phát triển của trí tuệ không phụ thuộc vào độ tuổi. Có những khác biệt về cách thức, sự lựa chọn trong cuộc đời như một lý tưởng, ý thức hệ để sống.
Trong dịp chúng tôi vận động các chú tiểu in lịch, có em bé khoảng hai tuổi được vận động cạo tóc nói rằng, “Cạo tóc xấu lắm thầy ơi!” Chúng tôi tin cha mẹ em bé ấy không hề dạy cạo tóc là xấu giống tục ngữ Việt Nam thường nói, “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Khi chúng tôi đề nghị, em bé liền phản ứng. Bấy giờ chúng tôi nói, con thấy thầy có đẹp trai không? Cuối cùng cũng thuyết phục được em bé đó mặc chiếc áo tu sĩ màu vàng. Khi mặc, em bé lại nói chiếc áo xấu quá. Chúng tôi lại phải nói, chiếc áo con mặc đẹp hơn chiếc áo thầy đang mặc và nói em đang trở thành người nổi tiếng nhưng em bé vẫn cho rằng chiếc áo mình đang mặc không hề đẹp. Kiến thức về thời trang đối với những đứa trẻ là không thể có, vậy mà em bé đó đã phân biệt về thẩm mỹ, cái đẹp và cái xấu.
Xem phim Thiếu Lâm Tự, các nhà sư không hề xấu. Nhìn họ, dễ dàng thấy được vẻ an lạc và thanh thản, kể cả những vị sư đã già. Đây là sự khác biệt rất rõ ràng. Khi ứng xử tính đồng đẳng với người đối diện để họ phát lồ trình bày, đánh giá, phân tích, nghĩa là tạo cho người khác cơ hội sáng kiến, giúp họ tháo gỡ những nội kết giữa mình và người. Do vậy, không dựa vào sự lớn tuổi mà quan trọng là ở cách thức ứng dụng lời Phật dạy, những kinh nghiệm sống như thế nào. Cần để người khác giải bày quan niệm của họ và phải chú ý lắng nghe bằng tất cả tấm lòng với sự trân trọng!
Nếu là người xuất gia, khi muốn gặp đức Dalai Lama, chỉ cần trình đơn kèm theo một bản photocopy hộ chiếu thì vài ngày sau được gặp. Trong đạo Phật, các vị sư trẻ luôn tỏ lòng tôn kính đối với những vị tôn túc bằng cách là ngồi né một bên, nhiễu quanh một vòng hoặc là đảnh lễ... Một tu sĩ đảnh lễ đức
Dalai Lama thì ngài cũng đảnh lễ đáp lại. Khi vị Tăng sĩ trẻ ngồi né một bên để thưa chuyện thì ngài đề nghị ngồi ngang hàng. Đó là sự thật mà tôi đã từng “bị” ngài đối xử. Đó là cách ứng xử bình đẳng Phật tính, tạo cho mọi người có tư cách ngang hàng nhau để ý thức rằng, trong ta sẵn có chất liệu cao cấp nhất. Ứng xử bình đẳng dựa trên Phật tính, nhưng nếu không khéo thì dễ dàng tạo cho người khác cống cao ngã mạn.
Thật vậy, quan niệm bình đẳng là nhịp cầu để người tự ti mặc cảm trở thành người dấn thân. Ngược lại, sẽ làm họ rớt xuống vực sâu. Cho nên, khi có sự bình đẳng để nói, tham gia vào việc tháo gỡ những nội kết giữa ta và người đang vấp phải thì không được quên mình là thành viên nhỏ trong gia đình. Nếu không sẽ trở thành những đứa trẻ ngạo mạn, ỷ vào tiềm năng, sức khỏe, kiến thức, văn bằng đang có để xem thường ông bà, cha mẹ. Tưởng sự xuống nước của người khác có nghĩa mình là “ngon”. Quan niệm như vậy thì ngày càng dẫn đến nội kết sâu hơn. Cho nên, cần ý thức về sự bình đẳng của ông bà, tổ tiên, người lớn như đặc ân để phát triển tài năng. Và phải biết ơn những người đã cho cơ hội đó!
Bậc cha mẹ thường có quan niệm xuất phát từ tình thương đối với con nên đôi khi họ áp đặt người con ngồi đâu thì phải ngồi đó, “Áo mặc không qua khỏi đầu”. Ở Ấn Độ, hiện nay có nơi tất cả nam nữ lập gia đình đều do cha mẹ sắp đặt. Mỗi nhật báo hàng tuần dành khoảng bốn mươi trang quảng cáo cho hôn nhân và gia đình. Trong đó nêu tiêu chí rất rõ ràng như: “Tôi có con trai, cân nặng, chiều cao, đẹp trai, thuộc giai cấp... cần một cô gái có tiêu chuẩn tương đương, ai có nhu cầu xin gửi lý lịch trích ngang với hai tấm ảnh đính kèm”. Khi có phản hồi, các hồ sơ gởi về được đối chiếu so sánh rồi mới quyết định và tạo cơ hội gặp nhau, sau đó đi đến hôn nhân. Trừ trường hợp theo Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, còn đa số vẫn đi theo lối mòn cũ. 
Thỉnh thoảng đọc báo vẫn thấy có vụ tự tử vì những người làm cha mẹ luôn luôn áp đặt, chỉ muốn con lấy những người do mình chọn chứ không chấp nhận sự tự lựa chọn hôn nhân của con cái. Có trường hợp người con phản ứng, không chấp nhận hôn nhân đó. Do không thương lượng được với cha mẹ, họ lâm vào những việc làm sai lầm trong đời sống gia đình sau đó.
Do vậy, tạo cơ hội đồng đẳng để người khác ứng xử, hành trì thì nội kết trong gia đình sẽ được tháo gỡ. Người lớn có kinh nghiệm, kiến thức nhiều hơn thì cần tạo điều kiện và là người cố vấn, hướng dẫn đồng thời đóng vai người đồng hành để điều chỉnh những gì con em chưa được hoàn thiện. Như vậy là đang tạo cơ hội để đối tượng tự hoàn thiện bản thân. Từ đó, các mối quan hệ sẽ giảm đến mức tối đa về sự lận đận.
ĐÁNH GIÁ TÍCH CỰC
Ta nên giảm tối đa cách đánh giá chủ quan về sự tiêu cực của người khác. Hãy tập nhìn với phương diện tích cực để hỗ trợ sự nỗ lực, phấn đấu của người khác dù đang có nội kết với họ. Đôi khi tình cảm đối xử được sánh như thủy triều, lúc lên, lúc xuống. Đôi lúc giống như dòng thác chảy cuồn cuộn, khi lại giống mặt nước hồ thu. Do vậy, trong quan hệ con người cần lưu ý đặc điểm trong giao tiếp. Có người nói rất nhiều, thậm chí không để người khác nói nhưng có người không hề nói lời nào ngay cả khi cạy miệng.
Cuộc sống đôi khi có những xúc cảm quá đáng làm con người không cân bằng được tâm lý. Do đó, đối với người kém hiểu biết và không thích sự im lặng đáng sợ, mối quan hệ biến thành sấm sét trong lòng. Có thể tìm đủ mọi cách kích thích người ta nói, nhưng nếu họ không chịu đựng được thì lập tức phản ứng và thậm chí phản ứng gay gắt, nội kết từ đó cứ tiếp tục diễn ra.
Cần điều chỉnh hành động, lời nói sao cho phù hợp, tránh gây tác động mạnh đối với người khác để nội kết không bị vỡ tung. Tránh không để cảm giác và âm thanh bị biến dạng trong mối quan hệ tình người. Đây là một trong những cách thức giảm thiểu nội kết chứ chưa phải là giải pháp tốt. Nhà Phật dạy, cần tìm những tính tích cực ở đối tượng mà đôi khi cho rằng không có gì cả, không còn quan hệ ở bất cứ nơi nào hết.
Trong đời sống, đức Phật chỉ ra rằng, con người thường thể hiện những cái mình thích và không thích trên ba phương diện là lời nói, việc làm, cách ứng xử. Có những người khi tiếp xúc thì thấy khẩu hành, thân hành của họ không dễ thương, nhưng nếu chịu tìm hiểu vẫn thấy được những mặt tích cực dễ thương của họ. Do vậy, khi xuất hiện nội kết, cần lưu ý đến những chất liệu dễ thương của người đối diện, để có sự cảm thông trong lúc tiếp cận, nhằm tìm ra chất tích cực.
Đức Phật đưa ra dụ ngôn, có một người lữ hành mỏi mệt và khát nước. Khi đến được cánh đồng, anh ta rất mừng vì trong cánh đồng thường có nước. Nhưng tại đó chỉ toàn là dấu chân của trâu mà không hề có giọt nước nào. Anh thấy được dấu chân trâu to hơn, trong đó có nước nhưng rất nhiều cặn. Không có phương tiện múc nước, anh dùng tay thì cặn của lớp nước nổi lên nên không thể uống được. Anh nghĩ, nếu dùng nước đó thì sẽ nguy hiểm. Nhưng trong tình huống không còn sự lựa chọn khác, anh nằm xuống để uống là cách duy nhất để cứu cơn khát.
Đức Phật dạy, trong bất kỳ tình huống nào cũng vẫn có giải pháp, vấn đề là vận dụng tuệ giác để tìm ra đáp số thay vì cho rằng nan giải. Do vậy, đôi khi trong giao tiếp có những cách ứng xử giống như người tìm nước trên cánh đồng khô cạn, nghĩ rằng sẽ không thể tìm được giọt nước nào. Nhưng đối với đức Phật, Ngài khuyên cứ tìm thì thế nào cũng thấy được nguồn nước từ chính cánh đồng đó.
Thậm chí, nếu quyết tâm tìm sẽ khám phá ra cánh đồng đó có rất nhiều dòng nước khác để dùng. Đức Phật dạy, một người có tính xấu nhất vẫn có thể tìm được những điểm rất dễ thương. Nếu từng xem phim Con Bạch Tuộccủa Ý, hẳn sẽ thấy những con bạch tuộc rất độc ác. Thậm chí, nếu phải giết người thân để bảo vệ bọn Mafia thì vẫn phải hành động. Trong khi đối với những con chó, mèo, chúng lại có những tình cảm rất là đặc biệt.
Dù trong con người tiêu cực nhưng họ vẫn có những mặt tích cực, những hạt giống của sự thương yêu, hiểu biết và cần khai thác để những hạt giống đó được tươi sống. Nên thấy con người như những file chứa nhiều tập tin và dữ liệu. Có những dữ liệu đã hư, song vẫn có thể kích hoạt lại để sử dụng nếu cần.
Mối quan hệ của con người cũng giống như những tập tin kia. Nếu thấy được giá trị từ những điều phân tích trên thì tin tưởng rằng, không có bất cứ nội kết nào không thể tháo gỡ. Khi thấy được những chất liệu của người khác thì sẽ vô hiệu hoá những nội kết nhỏ nhất. Từ đó, có thể cùng sống với nhau bằng những hình ảnh rất đẹp! Cũng giống như hình ảnh của hoa hồng, bề ngoài rất nhiều gai, nếu bất cẩn chạm tay phải thì chảy máu, nên nhiều người không thích tiếp cận với hoa hồng. Nếu tìm cách hỗ trợ bằng cách đeo găng tay sẽ tránh bị tổn thương.
Lại có những người chuyên trồng hoa hồng nên biết bí quyết để không bị gai đâm, họ có thể thưởng thức được nét đẹp của các loài hoa. Tương tự, trong tất cả các mối nội kết, nếu biết cách cũng sẽ giải quyết được. Vấn đề ở đây là nhìn như thế nào? Vận dụng và tìm cách tiếp cận an toàn ra sao? Nếu chấp nhận giá trị của sự thách thức thì sẽ có những giá trị rất thích đáng trong cuộc đời.
Cho nên, khó khăn nhất là nhân tố giúp thành công nhất. Dân gian Việt Nam có câu: “Không vào hang cọp thì làm sao
bắt được cọp con”. Trong các mối quan hệ tình người, sau khi đã tìm ra nguyên nhân, khắc phục, hóa giải được nội kết đó thì người ta sẽ thương, gần gũi, tôn trọng nhau. Dĩ nhiên, tình cảm được phát triển và gắn kết tốt đẹp lâu dài hơn!
ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN
Khi xem vở kịch do hai người diễn xuất thì nên vừa là khán giả vừa là đối tác, đôi khi lại là diễn viên để có thể quan sát cả bên trong lẫn bên ngoài. Quan sát như vậy sẽ hiểu được tại sao lại có những lời phát biểu nặng nề giữa người này với người kia (chỉ khi đứng từ góc độ khách quan mới thấy được).
Cũng như Tô Đông Pha là nhà văn lỗi lạc của Trung Hoa từng nói, Lô Sơn là một ngọn núi mà nhìn từ góc độ khác nhau sẽ có nhiều bức tranh khác nhau về nó. Nguyên văn là:
Hoành khan thành lãnh trắc thành phong.
Viễn cận cao đê các bất đồng.
Bt thức Lô sơn chân diện mục.
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”.
Nghĩa là, Lô Sơn như một bức tranh, nếu nhìn ngang sẽ thấy như một dãy trường sơn. Nếu ngước nhìn với độ cao từ dưới lên sẽ thấy nó là ngọn núi cao chót vót. Ở bất cứ vị trí nào gần, xa, cao, thấp cũng có một cái nhìn tương ứng về ngọn núi đó. Sở dĩ không thể nhìn thấy được toàn cảnh của Lô Sơn vì đang bị vướng víu vào một góc độ nào đó. “Bất thức Lô Sơn chân diện mục”. Khi đang đứng nhìn thân của núi thì không thấy toàn cảnh của quả hay dãy núi... Trong quan hệ nội kết của con người cũng vậy, người ta chỉ biết lấy khổ đau, hạnh phúc của mình làm chuẩn. Do vậy, khi nỗi đau bản ngã xuất hiện thì không bao giờ chấp nhận, tha thứ người khác mà cứ muốn nhân rộng sự khác biệt lên. Bởi vì, đang vướng vào “sườn núi” của mối quan hệ thay vì phải đứng trên nó để thấy toàn cục.
Giải pháp này giúp ta nhìn đối tượng khách quan hơn. Dĩ nhiên, đòi hỏi phải sáng suốt, không khéo thì nhìn xấu hơn mà lại cho rằng hiểu được đối phương nhưng họ không hiểu được mình. Vậy mới có sự thông cảm và bỏ qua. Trường hợp bỏ qua mà không tìm được giải pháp là chưa tìm được gốc rễ nội kết để tháo gỡ một cách trọn vẹn.
Cho nên, nhìn sự việc khách quan để thấy được nguyên nhân của nó. Thấy được rồi thì nên ngồi lại với nhau thảo luận để tháo gỡ. Vậy mới giải quyết nội kết một cách rốt ráo. Do đó, đừng để nội kết có thời gian trưởng thành, càng để lâu chừng nào thì càng khó tháo gỡ chừng đó. Khi có dịp nói chuyện, mới thấy khập khiễng, khó chịu và tự ái, mặc cảm ngày càng lớn. Do vậy, cần quan tâm đến tính thời gian của nội kết. Nếu đã có nội kết thì dứt khoát dùng thời gian ngắn nhất để tháo gỡ có phương pháp và khôn ngoan.
Mặt khác, cần tháo gỡ nội kết một cách an toàn. Thí dụ, người ta đang gặp nhiều sự căng thẳng, thì cố gắng tìm cách tháo gỡ nội kết nhưng khó thành vì đầu óc họ đang tập trung giải quyết những vấn đề mà họ vướng mắc.
Thứ hai, có thể họ bị mất ngủ trong thời gian dài hay bị căng thẳng với những công việc khác, họ sẽ không cảm thấy thoải mái dù có thiện chí giải quyết vấn đề. Dù mình là người rộng lượng, khoan dung nhưng họ vẫn đặt dấu hỏi rằng, tại sao lại có một thái độ tốt với tôi như vậy? Thực tế, vẫn có một tính xấu trong lòng người kia. Thay vì chấp nhận để mình và họ tháo gỡ những khúc mắc thì họ lại đóng khung trong mai rùa. Mai rùa có thể làm người ta cảm thấy an ổn, nhưng nếu cứ để tứ chi và cái đầu trong mai thì con rùa sẽ không bao giờ đi xa hay đến đích mà nó muốn.
Con người cũng có những chương trình, kế hoạch, con đường và cách sống riêng. Và cần phải có đôi chân để đi, đôi tay để lao động, nhận thức để đánh giá mọi sự việc và cần phối hợp với con mắt tuệ giác.
Các phương pháp vừa nêu trên có khả năng giúp chúng ta tháo gỡ nội kết một cách an toàn. Cần tìm hiểu tình huống nào nên áp dụng phương pháp một, hai, ba hay bốn. Có những trường hợp phải kết hợp cả bốn phương pháp, mới có kết quả và mang lại giá trị an lạc lâu dài. Hiệu quả nhanh là dấu hiệu cho biết ta sử dụng đúng phương pháp. Cần chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người đang gặp phải các tình huống tương tự, để cùng dìu dắt nhau trên con đường an vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét