Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA:

CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA NGƯỜI BỒ TÁT

Dù cho ta thuộc giống dân da trắng, da vàng hay da đen, dù cho ta thuộc thành phần xã hội nào và dù cho ta đang ở vào lứa tuổi nào, tất cả chúng ta đây là những con người, và đối với thú vật nữa, kể cả những côn trùng nhỏ bé nhất cũng vậy, tất cả đều mang nặng giác cảm về một « cái ta ». Nếu ta không đủ sức hiểu được bản chất của cái ta ấy như thế nào, thì ít ra ta cũng có thể nhận ra rằng cái ta ấy đang mong muốn điều gì : tránh khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc ; ta cảm thấy có quyền thực hiện điều ấy, và trên thực tế thì ta cũng có cái quyền ấy. Thể dạng của khổ đau hiển hiện dưới vô số những dạng thể khác nhau, chúng hết sức đa dạng, và tất cả chúng ta đều tìm cách tự che thân trước những khổ đau đó. Hàng thú vật cũng muốn làm như thế, và chúng cũng ngang hàng với ta trên bình diện này. Chỉ khác với ta ở chỗ chúng không đủ khả năng tiên đoán trước và không biết những phương pháp để lẩn tránh khổ đau. Dù cho căn bản của sự thúc đẩy ấy – tức lẩn tránh khổ đau và đạt được hạnh phúc – có giống nhau giữa tất cả chúng ta và muôn thú đi nữa, nhưng những phương tiện của con người dùng để thực hiện hạnh phúc vẫn phong phú hơn. Những thứ hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm, dù thể dạng bên ngoài có đa dạng, nhưng đều có một căn bản giống nhau.

Quan niệm về cái « tôi » của chính chúng ta trải rộng ra hơn : chúng ta muốn cho gia đình chúng ta được hạnh phúc, cho cái gia đình « của tôi », cho bạn hữu « của tôi» cho tổ quốc « của tôi ». Và như thế những cái gì mà ta gọi là hạnh phúc và khổ đau lại khoác thêm một ý nghĩa rộng lớn hơn và sâu xa hơn. Khi những đòi hỏi cấp bách nhất của con người được thoả mãn, ý niệm về hạnh phúc cũng sẽ biến đổi khác đi và những phương tiện để đạt được « hạnh phúc » cũng trở nên phức tạp hơn. Sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, nền móng giáo dục và nội dung giảng dạy, các hệ thống xã hội khác nhau, thủ công nghệ, trường học và bệnh viện, cơ xưởng, các tiến bộ y khoa, tất cả đều phát sinh từ một ước vọng duy nhất : đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Sự sinh hoạt trên toàn thế giới đều liên đới với sự đòi hỏi này. Các triết gia tìm kiếm giải đáp cho các câu hỏi mà sự sống nêu lên và còn tìm cách giải thích tại sao các câu hỏi như thế lại được đặt ra ; các câu hỏi này nhắm vào chủ đích tìm hiểu bản thể của chúng ta là gì, và cấu trúc của thế giới này ra thế nào ; với hoài bão khám phá ra nguyên nhân thật của hạnh phúc và của khổ đau để đi tìm một giải pháp.
Một vài trường phái triết học gắn liền với hệ thống xã hội và sinh hoạt chính trị. Chủ nghĩa cộng sản chẳng hạn, cho rằng có thể đạt được hạnh phúc và loại trừ khổ đau bằng một hệ thống bình đẳng giữa con người, trong đó một thành phần thiểu số ưu thế khai thác một thành phần đa số, sẽ không còn tồn tại nữa. 

Các tôn giáo thì lại cố gắng giải quyết vấn đề muôn thuở ấy bằng cách giải thích nguyên nhân của nó, căn cứ trên các quan điểm cá biệt của mỗi tôn giáo. Người ta có thể phân biệt hai nhóm người : một nhóm dựa vào học thuyết và mưu cầu tìm được một giải đáp dựa trên nguyên lý về nguyên nhân và hậu quả với tính cách phổ quát ; nhóm thứ hai phi-học-thuyết, họ tìm kiếm một một giải pháp thực tế trên mặt xã hội và vật chất. Nếu căn cứ trên bình diện đó, Đạo Pháp của Phật là một học thuyết. 
Ta có thể nhận thấy rằng khổ đau trên thân xác thường do nơi tâm thức gây ra, hoặc ít ra ta cũng nhận thấy với cùng một đớn đau trên thân xác như nhau, nhưng một tâm linh an bình và hạnh phúc cảm nhận sự đau đớn ấy ít hơn hẳn so với một tâm linh giao động và lo âu. Ta cũng nhận thấy rất nhiều người có gia tài khổng lồ, đầy đủ tất cả mọi tiện nghi vật chất mong muốn, nhưng họ lại rơi vào tình trạng suy nhược tâm thần, lo âu và bất hạnh..., trong khi đó đối với những người khác, dù cuộc sống thực tế của họ vướng mắc đầy dẫy những phiền toái, nhưng tâm linh vẫn hạnh phúc, trong lòng vẫn an bình, họ biểu lộ một phong cách trong sáng. Một người có tâm thức minh mẫn, cởi mở, thăng bằng, có thể dự trù cách xử thế của mình trước những khó khăn không thể tránh khỏi và giữ được an bình kể cả trường hợp đối đầu với những điều bất hạnh lớn lao xảy ra, trong khi ấy một tâm thức thiển cận, giao động và lo âu, không biết suy nghĩ, sẽ trở nên bối rối và thiếu nghị lực trước một việc khó chịu bất ngờ xảy đến, dù cho có nhỏ nhoi đi nữa. Tâm thức quan trọng hơn thân xác rất nhiều. Vậy, nếu tâm thức có khả năng giúp ta chịu đựng được khổ đau, cảm nhận được những đớn đau trên thân xác nhiều hay ít, hoặc quá đáng hoặc đủ sức chịu đựng, thì điều ấy chứng tỏ cho ta hiểu rằng nên quan tâm nhiều hơn vào cách suy nghĩ của ta. Vậy « Chuẩn bị » cho tâm thức thật hết sức quan trọng, và tu tập Đạo Pháp là một cách chuẩn bị tuyệt vời. Tạm thời ta khoan nói đến quy luật về nghiệp và kiếp sống tương lai về sau, và trong phần này ta chỉ quan tâm đến những hậu quả nào mà việc tu tập Đạo Pháp có thể mang đến cho ta ngay trong kiếp sống hiện tại. Chính tâm thức ta và nhất là tâm thức của những kể khác nữa sẽ gặt hái những hậu quả đó. Với một tâm thức cao cả, tinh khiết và rộng lượng ta trải rộng sư an vui ra chung quanh ta, ta sẽ cảm nhận trong cử chỉ đó một sự an bình to lớn và ta chia xẻ với kẻ khác. 
Ta hãy cứ nhìn chung quanh ta về cái thế giới mà ta gọi là « văn minh », cái thế giới đó, từ hơn hai ngàn năm, đã truy tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc và lẩn tránh khổ đau ; nhưng thế giới đó chỉ xử dụng những phương tiện sai lầm : sự lường gạt, tham nhũng, hận thù, lạm dụng quyền hành và khai thác con người. Cái thế giới đó chỉ đi tìm hạnh phúc cá nhân và vật chất, bằng cách xúi giục người này chống đối với kẻ khác, chủng tộc này với chủng tộc khác, hệ thống xã hội này với hệ thống xã hội khác ; cái thế giới đó cuối cùng đang bước vào một giai đoạn đầy sợ hãi, khổ đau, chém giết, đói kém. Tại Ấn độ, Phi châu và các nước bần hàn khác, đói kém còn ngự trị, nhất định không phải vì tài nguyên thiên nhiên thiếu kém, cũng không phải không có những phương tiện đem đến tiện nghi. Nhưng chẳng qua để thực hiện mục tiêu ích kỷ của mình, mỗi người đều tìm cách gom góp lợi lộc riêng cho họ, không màng đến kẻ khác bị ức hiếp, và từ đó đã sinh ra cái thế giới khốn cùng và thảm thương này. Cội nguồn của nền văn minh ấy đã thối nát, thế giới đang khổ đau và, nếu cứ tiếp tục trên con đường đó, thế giới lại càng phải gánh chịu khổ đau nhiều hơn nữa.
Một số người có vốn liếng tinh thần và văn hóa cao, họ nhất quyết tin rằng họ có đủ tinh thần rộng rãi, và họ nghĩ rằng Đạo Pháp chẳng có ích lợi gì cả, họa chăng chỉ cần cho những nơi nào bán khai và hẻo lánh.
Nhưng thật ra Đạo Pháp là gì ? Nhất định không phải là khoác lên người một chiếc áo đặc biệt, xây tu viện và bận rộn trong những nghi lễ phức tạp...Những điều này có thể đi đôi với việc tu tập Đạo Pháp, nhưng tuyệt nhiên không phải là Đạo Pháp. Tu tập Đạo Pháp thật sự thuộc về chiều sâu, trong một tâm thức an bình, cởi mở và rộng lượng, một tâm thức mà ta biết cách khắc phục, một tâm thức hoàn toàn được kiểm soát. 

Cả trong trường hợp ta có thể tụng niệm thuộc lòng cả Tam Tạng Kinh, nhưng nếu ta còn ích kỷ và còn làm thiệt hại đến kẻ khác, ta vẫn chưa phải là người tu tập Đạo Pháp. 

Tu tập Đạo Pháp là tu tập để trở thành chân chính, trung thành, lương thiện, khiêm tốn..., giúp đỡ và kính trọng kẻ khác, hy sinh cho kẻ khác. Tìm cách tom góp của cải hoặc chiếm giữ một địa vị xã hội cao, không đủ tạo ra sự tín nhiệm nơi kẻ khác, cũng không đưa đến an bình. Đứng trước những kẻ thế lực trong thế gian này, một số người cúi đầu thật thấp, nịnh hót tối đa, nhưng khi quay lưng thì họ lại chỉ trích và khinh thường. Những kẻ nào nuôi dưỡng sự thèm muốn, tâm thức của họ thường không yên tĩnh, họ lo âu, bồn chồn vì sợ mất những gì họ đã đạt được bằng bao nhiêu khổ nhọc. Khi ta chết, ta sẽ bắt buộc phải bỏ lại tất cả, kể cả những số tiền đầu tư vững chắc nhất trong ngân hàng, mà có thể trước đây ta đã từng khổ tâm biết bao nhiêu với chúng. Ta cũng sẽ bỏ lại cả thân thuộc, bạn bè. Nếu ta từng có một cuộc sống kém lương thiện, cuộc sống đó có thể sẽ làm cho ta hối hận nhiều, nhưng dù sao đi nữa, ta cũng không thụ hưởng được cái « quả » đem đến từ sự bất lương thiện của ta. Ta phải bỏ lại xác thân này. Cái xác thân của tôi đây, của người tên là Tenzin Gyatso, tôi cũng phải bỏ lại, và bỏ lại cả cái áo nhà sư của tôi nữa, cái áo mà tôi chưa hề bao giờ bỏ nó, dù cho chỉ một đêm ; vậy thì chúng ta sẽ bỏ lại tất cả, và nếu như tất cả những gì ta có, chỉ là vật chất và ích kỷ, những giây phút cuối cùng còn lại của ta sẽ rất hoang mang vì lo âu và buồn khổ. 

Khắc phục tâm trí, từ bỏ những gì phù phiếm, sống một cách hài hòa với kẻ khác và với chính ta, sẽ đem đến cho ta hạnh phúc, dù cho đời sống thường nhật của ta có thấp kém, ngay cả trường hợp ta rơi vào cảnh bần hàn, sẽ có người khác giúp đỡ ta, vì trước đây ta đã từng là người tốt và nhân từ : chúng ta đừng quên là những ai dù đồi bại nhất và hung dữ nhất, nhưng khi nào họ vẫn còn là một con người, thì vẫn còn một hạt giống nhỏ của yêu thương và từ bi trong lòng họ, để một ngày nào đó sẽ biến họ thành một vị Phật. 

Đến đây, chúng ta cần nghĩ đến kiếp sống của ta trong tương lai. Luật về nghiệp (karma) không phải dễ hiểu, sự tái sinh cũng vậy. Nhưng nếu ta phân tích thật sâu xa những sự kiện trong cuộc sống này, bằng một tâm trí lương thiện và khách quan, ta sẽ có thể hiểu được. Và từ đó, ta cũng sẽ nhận ra những lời giảng huấn của Phật xác nhận về sự tái sinh. Tất cả những gì xảy ra cũng đều do nơi luật nhân quả chi phối ; chúng ta bước theo con đường tốt, quả tốt sẽ đến với ta trong kiếp sau, sự cố gắng sẽ giúp ta đạt được một tâm linh cao cả và tinh khiết. Sự hiện diện của quý vị hôm nay, tại nơi này, đã chứng minh cho những lời nói của tôi, quý vị đến đây để lãnh hội những giáo huấn về Đạo Pháp, và điều đó chứng tỏ Đạo Pháp có một ý nghĩa nào đó đối với quý vị. Đạo Pháp cũng có giá trị tương đương với sự cao cả, và vì thế nếu ai gạt bỏ Đạo Pháp có nghĩa là họ không hiểu được ý nghĩa của Đạo Pháp. Đạo Pháp là phương tiện duy nhất đem lại hạnh phúc. 

Mỗi tôn giáo đều có một Đạo Pháp : trong số này có Đạo Pháp của Phật do Phật Cồ-Đàm[1] ( ) thuyết giảng. Một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong kalpa [2]( ) này, Phật Cồ-đàm là vị Phật thứ tư. Ngài đã sống trong xứ sở mà chúng ta đang sống hôm nay ( )[3] và cũng chính tại nơi này Ngài đã đạt được Giác ngộ. Sau khi Giác ngộ, Ngài liền « quay Bánh xe Đạo Pháp » lần đầu tiên tại Lộc Uyển (Sarnath), và Ngài đã tiếp tục « quay » nhiều lần nữa trước khi nhập Niết bàn. Ngài từng thuyết giảng trước công chúng gồm những người bình thường có sức hiểu biết giới hạn, cũng như trước những đồ đệ với tâm linh rộng lớn hơn. Ngài đã giảng dạy cho đại hội thông thường, cũng như các đại hội kín. Ngài đã giảng dạy cho các thế giới khác. Ngài giảng dạy cho cả các bậc Déva [4]( ). Sự giáo huấn của Ngài trải rộng ra theo nhiều cấp bậc, từ những ý nghĩa dễ hiểu cho mỗi người, cho đến những gì thật thâm sâu và rộng lớn rất khó thấu triệt. Những giáo huấn ấy gồm có Tiểu thừa (Hînayana) và Đại thừa (Mahâyâna) : Đại thừa cao hơn vì sự quyết tâm, vì cách thức tu tập cho đến mục đích của trường phái này. Sự quyết tâm ấy là đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi chúng sinh thay vì sự an vui cho riêng mình. Sự tu tập về sáu hay mười pâramitâ [5]( ) sẽ hỗ trợ cho sự quyết tâm đó mà mục đích không phải chỉ để tự Giải thoát ra khỏi Samsâra [6]( ) mà còn nhắm vào việc đạt được ba Kâya [7]( ) : Nirmânakâya, Shambhogakâya và Dharmakâya.

Đạo Pháp của Đại thừa gồm có hai đường hướng tu học là Pâramitâyâna [8]( ) và Vajrayâna [9]( ). Con đường tu học kể sau có nhiều phẩm tính trội hơn so với con đường tu học về pâramitâ (ba-la-mật-đa), nhưng nếu kết hợp được cả hai thì hết sức là hữu ích.
Chúng ta đặc biệt được ưu đãi vì Phật giáo được đưa thẳng từ Ấn độ vào Tây Tạng ; vì thế chúng ta được thừa hưởng một Đạo Pháp chính thống và đầy đủ. Theo như lời tiên tri của Phật, Đạo Pháp sẽ đi từ phương nam lên phương bắc…Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản : có vẻ như hành trình đó đã chấm dứt, tôi không hiểu là còn một phương bắc nào khác nữa hay chăng ! Suốt trong lịch sử, Phật-giáo – Đạo-Pháp đã từng có những thời kỳ phồn thịnh, và những thời kỳ gần như biến mất. Trong khoảng thời gian Đức Phật Cồ-đàm còn tại thế, Tiểu thừa rất phát triển, vì Tiểu thừa dễ hiểu, nên cũng dễ đem ra giảng dạy cho số đông người nghe. Đại thừa đòi hỏi phải có một tâm thức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, vì thế có tính cách ít đại chúng hơn, và chỉ được giảng dạy cho các đệ tử thuộc vào các cấp bậc cao. Do đó, Đại thừa đã bị chỉ trích, và sự xuất hiện rất sớm của nó, ngay trong những bước đầu của Phật giáo cũng đã bị nghi ngờ, kể cả ngày nay vài người vẫn còn hoài nghi như thế. Tuy nhiên, thật sự Đại thừa đã hiện diện ngay từ khi Phật bắt đầu giảng đạo. Sau khi Phật nhập niết bàn, Đại thừa có vẻ như bị gián đoạn suốt nhiều thế kỷ. Đại thừa lại bành trướng tở lại vào thời kỳ Long Thọ (Nâgârjuna)[10] ( ) xuất hiện.
Long Thọ là người tái lập lại Đại thừa. Sự xuất hiện của Long Thọ đã được Phật tiên đoán trong nhiều kinh và nhất là trong kinh « Manjushrî Mûla Tantra » [11]( ). Long Thọ sống sau Phật khoảng bốn trăm năm, và từ thời của Long Thọ trở về sau, Đại thừa bành trướng rộng rãi, rồi vài thế kỷ tiếp theo sau đó, Đại thừa lại suy vi trở lại. Trong suốt một khoảng thời gian lịch sử, Phật giáo gần như hoàn toàn biến mất tại Ấn Độ. Từ khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, và cho đến gần đây vẫn còn tồn tại trên xứ sở của chúng ta ; tuy nhiên, nền Phật giáo ấy cũng từng bị lu mờ dưới thời đại vua Lang-dar-ma trong suốt tám mươi năm, nhưng ngay trong thời đại này Phật giáo vẫn tồn tại trong các vùng phía tây và phía đông Tây tạng. Cả về sau này nữa, Phật giáo Tây tạng cũng trải qua những thời kỳ yếu kém, nhưng người ta có thể nói rằng từ gần một ngàn năm nay, truyền thống tinh khiết của Đạo Pháp, sự phối hợp giữa Pâramitâyâna [12]( ) và Tantrayâna [13]( ) vẫn tồn tại. Chúng ta có nhiều học phái khác nhau, đôi khi được đặt tên tùy theo thời gian lịch sử mà các học phái ấy được thành lập (chẳng hạn như học phái Nyingma-pa), đôi khi lại dựa vào địa điểm nơi xuất phát (chẳng hạn như các học phái Sakya-pa, Kagyu-pa) hoặc dựa vào người sáng lập, hay phần giáo lý. Tất cả các học phái đó đều tuân theo một truyền thống duy nhất, ấy là sự phối hợp giữa Pârâmitâ (Lục độ hay Thập độ) và Tan-tra. Có một ít khác biệt thứ yếu trong cách diễn đạt các phương pháp và vài cách ứng dụng trong việc tu tập, nhưng phần tinh túy vẫn là một. Sự tu tập, phương pháp của Đại thừa Tây Tạng, là những giáo huấn liên kết giữa Su-tra (Kinh điển) và Tan-tra (Mật tông) trong mục đích đạt được Bodhichitta [14]( ) (tâm thức của Phật [15]( ) ; ước vọng đạt được Bồ đề tâm là bản thể của Pâramitâyana (Lục độ) và mục đích tối thượng của nó là Shûnyatâ (Tánh không). Muốn tu tập Tan-tra thừa, tuyệt đối phải có quyết tâm đạt được tâm thức của Phật. Bồ-đề tâm là động cơ thúc đẩy không thể thiếu sót để thực hiện sự biến cải tâm linh. « Con đường » đó khởi sự bằng quyết tâm chối bỏ không chấp nhận thể dạng luân hồi và sau đó phát triển tình thương và lòng từ bi, giai đoạn này gọi là Bồ-đề tâm tương đối ; tiếp theo nữa là thực hiện được bản thể tối hậu của mọi vật thể, tức sự thực hiện Tánh không (Shûnyatâ), hay ít ra cũng phải hiểu được Tánh không là gì trên bình diện quy ước. Chỉ sau khi đã thực hiện được những điều trên đây ta mới có thể đề cập đến Tan-tra (Mật tông), con đường Tan-tra gồm có hai giai đoạn, bắt đầu là giai đoạn « sinh khởi », tiếp theo là giai đoạn « hoàn tất » đem đến « quả » thật sự cho ta.
Quả chỉ có thể chín sau khi trải đã qua quá trình trên đây ; nếu thiếu ba cơ sở căn bản (sự chối bỏ, Bồ-đề tâm, Tánh không), cách thiền định liên quan đến các thần linh (thực chất của con đường tu tập) và các cách thực tập về nâdî [16]( ) chẳng những không đem đến ích lợi gì, mà lại còn có thể nguy hiểm nữa, dù cho ta biết cách tu tập trên mặt kỹ thuật đi nữa.
[1] Cồ-đàm (Gautama) : là một trong nhiều tên gọi của Phật, đây là tên Thánh của Ngài. Thích-ca (Sakya) là tên họ thuộc hoàng tộc của vua cha. Khi từ bỏ cung điện đi vào vùng Hy mã lạp sơn để tu thiền, Ngài lấy tên là Sa-môn Cồ-đàm, sa-môn nghĩa nguyên thủy là người tu khổ hạnh. 
[2] Kalpa : dịch âm là kiếp hay kiếp-ba, dịch nghĩa là Đại-thời, một khái niệm trong Phật giáo chỉ một đơn vị thời gian thật dài. Mỗi kiếp chia ra làm bốn giai đoạn : sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới (vũ trụ). Trong giai đoạn một, vi sinh vật sơ khai phát hiện và sinh sôi nẩy nở trong không gian, giai đoạn hai các thiên thể (hành tinh) được sinh ra, giai đoạn ba sinh vật phát triển và có đời sống tập thể, trong giai đoạn ba và bốn các yếu tố như nước lửa và gió sẽ hủy hoại toàn bộ thế giới (vũ trụ). 
[3] Xin nhắc lại đây là những lời giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cho những người Tây tạng tị nạn trên đất Ấn độ vào năm 1974 
[4] Déva : (dịch âm là Đề-bà), có nghĩa là Thiên, Thiên nhân, người của cõi thiên. 
[5] Pârâmitâ : dịch âm là Ba-la-mật-đa, dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn (Đến được bờ bên kia). Sáu pâramitâ (còn gọi là sáu Hạnh) gồm có : a) Bố thí ; b) Trì giới (Giới luật, những điều không được làm như sát sinh, trộm cắp…) ; c) Nhẫn nhục ; d) Tinh tiến ; e) Thiền định ; f) Trí tuệ (Giác ngộ). Có khi người ta còn thêm vào bốn Hạnh nữa và gọi chung là Thập độ : g) Thiện xảo (phương cách của người Bồ-tát giúp đỡ và giải thoát chúng sinh) ; h) Nguyện ; i) Lực ; j) Trí. 
[6] Samsâra : thế giới Luân hồi 
[7] Ba Kâya : là Tam thân Phật, gồm có : a) Pháp thân (Dharmakâya): được xem như chính là Đạo Pháp; b) Báo thân (Sambhokâya) : xác thân hiển hiện do thiện nghiệp và sự giác ngộ ; c) Ứng thân (Nirmânakâya) : thân biến hóa  
[8] Ba-la-mật-đa thừa : Cách tu về Lục độ hay Thập độ, đã ghi chú trên đây 
[9] Kim cương thừa : một Trường phái xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ V và VI ở Bắc Ấn độ, bành trướng về phương Bắc như Tây tạng, Trung Quốc và Nhật. Trường phái này, tuy vẫn là Đại thừa, nhưng kèm thêm nhiều phương pháp huyền bí (Mật giáo) gọi là Tan-tra. Tu tập theo Trường phái này cần phải có một vị Thầy giỏi hướng dẫn. Trong thời gian đầu Trường phái này chỉ được truyền khẩu, nhưng sau đó, từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X, đã được hệ thống hoá một cách rộng rãi và hoàn chỉnh hơn. 
[10] Nâgârjuna : Long Thọ (còn viết là Long Thụ), sinh vào cuối thế kỷ thứ I (?), sáng lập học phái Trung Quán. Còn một đại sư nữa trùng tên Long Thọ nhưng sinh rất trễ sau này. 
[11] Có lẽ đây là bộ Kinh « Văn-thù Sư-lỵ căn bản nghi quỹ » (Arya-Manjurhî-Mûlakalpa). 
[12] Pâramitâyâna : Ba-la-mât-đa thừa (đã được ghi chú trên đây). 
[13] Tantrayâna : Thừa Tan-tra (còn gọi là Mật tông). 
[14] Bồ-đề tâm. 
[15] Phật tính. 
[16] Nâdî : là các tuyến năng lực trong cơ thể, các năng tuyến, lực tuyến, các tuyến dẫn truyền (đạo tuyến) qua đó chân khí được truyền đi khắp nơi.

Việc chuẩn bị để phát huy theo Tan-tra thừa do đó rất quan trọng : chẳng những phải hiểu rõ thế nào là chối bỏ, thế nào là Bồ-đề tâm và sự thực hiện Tánh không, mà còn phải suy tư lâu dài về những chủ đề này, làm sao cho chúng thật thấm nhuần và ăn sâu vào tâm thức ta. Sau đó, con đường tu tập tan-tra mới có thể đem đến lợi ích. Điều thực hiện tiên quyết chính yếu nhất là Bồ-đề tâm, và chính vì vậy mà hôm nay tôi sẽ trình bày về những lời giáo huấn của Đạo sư Thogs-med bzang-po.
Ông là một vị Lạt-ma lỗi lạc, tràn đầy tình thương và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, khiêm tốn và kiên nhẫn. Cạnh ông lúc nào cũng có một con chó sói làm bạn giống như một con chó nhà trung thành, ông đã biến cải bản chất của con chó sói này ; nói rõ hơn là con chó sói ấy đã ăn chay ! Và mỗi khi chủ nó giảng về Bồ-đề tâm, sự khổ đau của chúng sinh hiển hiện ra trong tâm thức nó mãnh liệt đến độ làm cho nó chảy nước mắt. Ông tu học ở Tu viện Sakya, và mãi về sau ông mới từ bỏ đời sống dân gian, rút lui vào cảnh cô quạnh để phát động Bồ-đề tâm toàn diện hơn.
Những lời giáo huấn của ông được Kuondo Lama (Tenzin Gyaltsen) truyền lại cho tôi, về phần vị này, thì viện trưởng Tu viện Dzog-Tchèn đã truyền lại cho ông.
Phần dẫn nhập của « Ba mươi bẩy cách Tu tập của người con Phật » (hay là người Bồ-tát) là những lời tôn vinh Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, dưới danh nghĩa là Lokeshvara (1). Ngài là đối tượng của sự tôn vinh, bởi vì những tiết thơ trình bày về cách tu tập của người Bồ-tát đều dựa vào lòng từ bi rộng lớn của Quán Thế Âm.
Xin nhắc lại ba « cửa ngõ » của Phật là Manjushri (2) (trí tuệ), Vajrapani (uy lực) và Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), Quán Thế Âm tượng trưng cho dạng thể gom góp tất cả lòng từ bi của chư Phật.
Những lời tán tụng này cũng hướng về Đạo sư nữa, vì Atisha (3) đã từng nói rằng, tất cả những phẩm tính dù lớn hay
 1- Lokeshvara : Thế giới chủ, Thế tự tại vương hay Tự tại vương, tức danh hiệu chỉ một vị Phật (Thế tự tại vương Phật, Tự tại vương Phật). 
 2- Manjushrî : Văn-Thù Sư-lị, vị Bồ-tát tượng trưng cho Trí Tuệ.  
3- Atisha : (982-1054), dịch âm A-đề-sa, dịch nghĩa « Người xuất chúng » hay « Người phi thường ». Ngài gốc người Ấn, sáng lập trường phái Kam đan (Kadampa) và rất có công truyền bá Phật giáo từ Ấn độ sang Tây tạng. Ngài chuyên nghiên cứu các phương thức tu tập để phát lộ Bồ-đề tâm. 

nhỏ đều nhờ nơi người Đạo sư mà có. Đặc biệt hơn nữa, những phẩm tính Đại thừa đều phát sinh từ người Đạo sư ; và chỉ từ nơi ông, ta mới có thể tìm thấy những phương pháp thích nghi cho sự phát triển của chính ta, và cũng vì thế ta « quy y » nơi người Đạo sư.
Sau đây là văn bản :
« Tôn kính Ngài Quán Thế Âm.
« Trước mặt những ai, dù đã nhìn thấy tất cả mọi hiện tượng không « đến » cũng chẳng « đi », nhưng vẫn hiến dâng tất cả nỗ lực của mình cho kẻ khác ; trước mặt những vị Đạo sư tối thượng đó, và trước mặt Ngài, là Quán Thế Âm, Người Bồ-tát che chở, tôi xin kính cẩn quỳ lạy để tỏ lòng tôn kính Ngài bằng ba cửa ngõ nơi tôi (thân xác, ngôn từ, tâm thức).
« Chư Phật Vinh quang (1), đem đến mọi phúc hạnh và tốt lành, đã đạt được sự thực hiện (2) bằng cách tu tập Đạo Pháp, sự tu tập đó cũng nhờ vào sự hiểu biết mà ta sẳn có. Tôi sẽ giải thích sau đây các cách tu tập về Bồ-đề tâm ». 
Người Đạo sư được tôn kính trên đây cùng với Quán Thế Âm không phải là những sinh linh thông thường ; họ tạo thành « Đối tượng cho sự Quy Y », đối tượng này hàm chứa tất cả mọi sự thực hiện. Việc loại bỏ không những chỉ áp dụng vào những đam mê và ảo giác, mà kể cả những vết hằn của chúng đã lắng đọng trong tâm thức, dù cho mỏng manh cách mấy đi nữa.
Ngay cả các vị Arhats (3) phi thường cũng chưa nhận thấy đồng loạt cùng một lúc hai Sự Thật : tương đối và tuyệt đối. Hoặc là họ chìm vào thiền định trong Tánh không và không nhận ra những hiện tượng một cách minh bạch ; hoặc họ nhìn thấy hiện tượng, nhưng không « thấy » Tánh không, dù 
 1- Vinh quang có nghĩa là Chiến thắng Vinh quang, tức chiến thắng Vô minh và đạt đến Giác ngộ. 
 2- Sự Giác ngộ. 
 3- Arhats : A-la-hán, theo Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa) là một Thánh nhân đã giác ngộ, trút bỏ được mọi trói buộc của Vô minh.

trước đó họ đã thực hiện được Tánh không khi thiền định. Chỉ có một sinh linh khi đã đạt đến Bản thể của Phật mới có thể nhìn cùng một lúc hai sự thật. Muốn thực hiện được điều ấy phải thành công trong việc trút bỏ tột cùng, đó là sự trút bỏ tất cả các vết hằn (1). Sinh linh này đã hiểu rằng không có đi, cũng chẳng có đến ; Tánh không tối hậu là bất động.
Quán Thế Âm có nhiều đức tính có thể giúp tất cả mọi sinh linh, tùy theo khả năng và mức độ thức tỉnh của họ, trong mục đích thực hành thiền định, kết hợp giữa sự thực hiện Tánh không và sự nhận biết tất cả các hiện tượng. Chính vì thế mà tôi xin Quy y nơi Quán Thế Âm, và tôi xin tôn kính Ngài, không những cho ngày hôm nay mà cho mãi mãi, một cách toàn diện, bằng ba cửa ngõ của chính tôi.
Cách Tu tập thứ nhất
Đạt được cơ sở con người, cơ sở đó giống như một cái bình thật quý và hiếm hoi, giúp ta có thể giải thoát tất cả kẻ khác và cho cả chính ta ra khỏi đại dương của Luân hồi, cơ sở con người đó giúp ta biết lắng nghe, suy nghĩ và thiền định, cả ngày lẫn đêm không ngưng nghỉ, đấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Phúc hạnh thật sự chỉ có thể đạt được nhờ vào đạo đức của nghiệp, tích lũy những hành vi đạo đức sẽ tạo ra trong tâm thức những « hạt giống » làm nẩy nở khả năng mang đến hạnh phúc. Phương pháp loại bỏ những sai lầm là cách làm cho phát sinh trong ta tâm thức của Phật, tức Bồ-đề tâm. 

 1- Tức là tất cả các nghiệp.

Muốn đạt được thể dạng của Phật, tức Bồ-đề tâm, phải tu tập về Đạo Pháp, tu tập để biết được « những gì » phải trút bỏ và « những gì » phải thực hiện ; thân xác quý giá của con người thật là cần thiết để thực thi điều này. Trong lúc này đây khi tôi đang giảng huấn, chung quanh chúng ta có vô số sinh vật, trên nguyên tắc, chúng phải nghe được tiếng tôi giảng, nhưng dạng thể súc vật đã cản trở, không cho phép chúng hiểu được một điều gì cả. Chúng ta may mắn hơn, có được một cơ sở cần thiết, đó là sự sống con người. Chúng ta lại có được sự sống đó trong một xứ sở mà Đạo Pháp nở hoa, chúng ta có khả năng biết đọc, biết nghe, biết suy nghĩ, và biết cả phân biệt. Vậy ta có tất cả các khả năng cần thiết để tu tập Đạo Pháp. Nếu trong số quý vị có những người đã già, không biết đọc, cũng chẳng biết viết, nhưng ít ra cũng nghe được và hiểu được một vài câu về Đạo Pháp. Một thân xác dù quá già và quá mỏi mòn, nhưng vẫn là thân xác « quý giá » của con người, vẫn quý giá hơn là thân xác tốt đẹp của một con thú còn trẻ và khoẻ mạnh. Sự sống con người là một giá trị lớn lao, tuy rằng có đến hàng nhiều triệu con người trên địa cầu này, nhưng dịp may được làm thân con người quả thật hiếm hoi. Chúng ta lại đang có nó trong lúc này, và hơn thế nữa, chúng ta đây là những người Tây Tạng, và một số người khác liên hệ ít nhiều với chúng ta hôm nay, tất cả được biết đến một thứ Đạo Pháp vẹn toàn nhất, ấy là Đại thừa tan-tra. Chúng ta đừng đánh mất dịp may đó ; chúng ta có thấy phi lý chăng nếu một người có nhiều tiền, đi vào một khu chợ đầy rẫy hàng hóa, nhưng khi trở về thì hai bàn tay trống không. Dù cho ta còn trẻ hay già nua, mỗi người trong chúng ta cần phải cố gắng để đừng phí phạm sự sống con người « quý giá » này.
Sự sống con người, hết sức là khó tìm ra nó và cũng hết sức dễ để đánh mất nó, muốn có nó phải có những hành vi đạo đức từ kiếp trước, nhưng không phải là những hành vi lẻ tẻ và hời hợt, nhưng là những hành vi thường xuyên và liên tục. Ngay lúc này đây ta phải tích lũy một số lớn những điều xứng đáng, không được chờ đến ngay mai, hay về sau này. Những điều xứng đáng ta làm được sẽ bị tiêu hủy nhanh chóng nếu có một chút lỗi lầm, kiêu ngạo, ác cảm, ích kỷ, đấy là những thứ xúc cảm mà chúng ta đều có và chúng chỉ chờ bất cứ một dịp thuận tiện nhỏ nhoi nào đó để bất thần xâm chiếm lấy ta. Vì thế, chắc gì những xứng đáng trong quá khứ, dựa vào đó ta có được sự sống hôm nay, sẽ vẫn còn nguyên vẹn mãi mãi. Chúng ta hãy đổi mới chúng, gia tăng thêm và đừng nghĩ đến cái « gia tài » mà ta tự cho rằng đã có sẵn.
Mỗi người đều có thể tu tập Đạo Pháp, vì điều này không đòi hỏi phải hy sinh tất cả và phải chui vào một cái hang để thiền định. Chúng ta có thể tu tập Đạo Pháp trong đời sống hằng ngày bằng cách vẫn giữ một số sinh hoạt không thuộc thế tục. Cần có tâm linh cao cả, nhân từ, cởi mở, không giao động, cũng không hiếu chiến, để khi hoàn cảnh bên ngoài trở nên thuận lợi, sẽ giúp ta thăng tiến nhanh chóng trên Con Đường. Hãy bắt đầu từ tối hôm nay, đừng trông chờ sau này. Hãy canh chừng những lỗi lầm nhỏ bé, dù rằng khi thoạt nhìn chúng tỏ ra vô hại ; chẳng hạn canh chừng cả những chuyện nói dối vặt vãnh : có những kẻ chuyện gì cũng nói dối, chẳng nghĩ đến và cũng chẳng nhận ra là có hại. Đó là những xu hướng do nghiệp thúc đẩy ; cần phải tháo gỡ chúng từng tí một và đừng nản chí. Không nên nói : « Đạo Pháp quá lớn lao đối với tôi, tôi là một kẻ mang đầy tội lỗi ». Tất cả chúng ta là những người mang đầy tội lỗi, thế nhưng kể từ tối hôm nay, chúng ta thử thay đổi một chút xem sao. Cả tôi đây, ngay từ lúc này, tôi cũng sẽ tự xét xem còn những gì sai lầm sót lại trong tôi. Hãy làm như thế và đừng để mọi sự cứ tiếp tục xảy ra như trước, đễ rồi ta tự đổ thừa là không làm nổi.
Tu tập Đạo Pháp, tức là loại dần những sai lầm và làm gia tăng các phẩm tính đích thực, để sau cùng đạt được những gì tối thượng ; chính lúc ấy sự khéo léo của ta trong công tác giúp đỡ tất cả các sinh linh sẽ trở nên hoàn hảo. Bồ-đề tâm phát sinh từ sự tu tập Đạo Pháp, và chỉ có thể dạng ấy mới có thể giúp ta tạo ra phúc hạnh tối thượng và đích thực ; muốn hiểu được cái quả hoàn hảo ấy như thế nào khi biết tu tập Đạo Pháp, ta cứ nhìn vào các vị Bồ-tát và Phật, ấy là những bằng chứng cho ta. Nhưng noi theo con đường đó không phải chỉ cần vỏn vẹn một mớ kiến thức thông thái về Đạo Pháp là đủ ; các phẩm tính cần thiết chỉ có thể phát huy bằng sự tu tập, và vì vậy phải biết « những gì » quan trọng cần nên đem ra thực hành.
Đạt được sự tu tập hoàn hảo sẽ đem đến cho ta khả năng giúp đỡ được mọi sinh linh tùy theo trình độ của họ. Sự hoàn hảo đó là hiện thân của Quán Thế Âm, và chính vì vậy, ta nên tuân theo văn bản này : « Tôi xin Quy y nơi Ngài, không phải cho ngày hôm nay mà thôi, nhưng cho mãi mãi về sau, và không phải chỉ Quy y bằng cửa miệng tôi, mà bằng cả ba cửa ngõ của thân tôi… Tôi xin tôn kính và quỳ lạy Ngài…».
Tất cả phúc hạnh và tất cả an bình đều xuất phát từ những nghiệp « trắng », tức là từ những nghiệp tạo dựng bằng sự tích lũy các hành động đúng đắn ; để nhắc lại thêm một lần nữa, con đường duy nhất phải theo là con đường giúp loại bỏ tất cả sai lầm trong hành vi, trong lời nói và cả trong tình cảm của ta. Tsong Khapa (1) có nói : « Dù cho thân xác tôi và sự sống của tôi có tiêu tan, và nếu như tiêu tan vì nguyên do tu tập Đạo Pháp, tôi vẫn cầu mong, dù bất cứ điều gì xảy ra, xin cho tôi vẫn cứ tiếp tục tu tập Đạo Pháp ».
Ngoài những giờ học tập (Đức Đạt-Lai Lạt Ma quay sang nói với những người thế tục), quý vị hãy cố gắng sống thật đạo đức trong những ngày quý vị còn lưu lại nơi đây, tại Bodh Gaya (Chánh Giác sơn) này. Theo tập quán, nên đi tản bộ chung quanh các tháp xá lợi ; trong lúc đi hãy tìm cách khơi động trong tâm thức ước vọng đạt được Bồ-đề tâm. Tập « Nhập Bồ-đề hành Kinh » (Bodhicharyâvatâra) có nói : « Rộng lớn như địa cầu và các thành phần vĩ đại, mênh mông 
1- Tsong Khapa : Tông khách-ba (1357-1419) là một vi Lạt-Ma Tây Tạng, sáng lập tông phái Cách-lỗ (Guelugpa). Ngài là một đại sư nổi danh đã để lại nhiều trước tác quan trọng.
như không gian bao la, tôi cầu mong, vì vô số chúng sinh, xin được hoá làm cơ sở sinh động của yêu thương ! ». Lời nguyện cầu này cất lên khi đi quanh các tháp xá lợi, sẽ rất hiệu quả. Hãy hình dung ra con người của Phật, quán tưởng đến Ngài, nghĩ đến những lời giáo huấn của Ngài, tình thương tràn đầy từ bi của Ngài và hãy tự nguyện noi theo con đường của Ngài đã đi. Sức mạnh phát hiện từ sự thúc đẩy ấy sẽ còn được gia tăng thêm nữa về sau này.
(Tiếp đó, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hướng về các người tu hành và nói :) Rút lui vào tu viện, khoác lên người chiếc áo nhà sư, chăm lo các nghi lễ thượng thặng pûjâ (1) theo đúng như tập tục Tan-tra, các điều ấy chứng tỏ như ta đang tu tập Đạo Pháp, nhưng nếu tâm thức bị xao lãng bởi những thứ vụn vặt bên ngoài của thế tục, thì nhất định không có gì gọi là tu tập Đạo Pháp cả. Lắm khi trong lúc thi hành đại lễ pujâ, tôi vẫn thấy chung quanh tôi có nhiều người đang xao lãng, rõ ràng là họ đang chìm đắm trong những lo âu thế tục, nhưng bên ngoài vẫn có vẻ như rất nghiêm trang, tôi nghĩ rằng : « Thật là thảm thương cho họ ! » rồi tôi cũng cảm thấy nản lòng. Tu tập Đạo Pháp không phải chỉ tùy thuộc vào vẻ bên ngoài, nhưng đúng hơn phải từ nơi tâm thức của ta, từ sự thúc đẩy bên trong ta. Tâm thức phải thoát khỏi những suy tư phù phiếm, phải tinh khiết và hoàn toàn cống hiến cho sự tu tập ; được như thế thì dù chỉ một giờ cũng quý báu.
Vậy thì một người già nua, ốm đau và không còn khả năng nào nữa, cũng đừng thối chí và phải cố gắng tùy theo sức mình ; tất cả những gì may mắn đang mời mọc chúng ta…,và tại sao lại gọi là may mắn ? Chỉ vì chúng ta có được cái thân xác « quý giá » này của con người.
(Ngài nói với tất cả mọi người :) Vậy thì, khi ta có được cơ hội tốt đẹp này, cái may mắn này, cái thân xác thuận lợi này, những giây phút nhàn hạ này, thời gian của những điều kiện thuận lợi ấy phải được tận dụng tối đa, bằng cách tận lực 
1- Pûjâ : là các nghi lễ, cách tụng niệm man-tra, bắt ấn, v.v. 
phát động những cố gắng đạt đến Niết bàn và Bồ-đề tâm, vì sự an vui của tất cả chúng sinh. Cố gắng của ta để hoàn thành mục đích đem lại an lành cho tất cả chúng sinh phải liên tục như một giòng sông. Phương pháp tốt nhầt là trước hết phải học hỏi để thấu triệt những gì cần phải biết, tiếp đó là thiền định về những điều giáo huấn ấy của Đại thừa, đặt suy tư vào đó, phân tích những gì đã học, đào sâu cho đến lúc hiểu thấu một cách vững chắc, sau cùng là tập trung vào những hiểu biết trong sáng và vững chắc đã quán nhận được. Ta có thể luân phiên tập luyện đồng đều giữa cách thiền định bằng phân giải, và cách thiền định yên lặng chú tâm vào một điểm. Xuyên qua cách thực thi thiền định như thế, ta sẽ đạt được một kinh nghiệm trực giác. Tóm lại, trước hết phải học cái đã, nhưng học vẫn chưa đủ ; phải suy tư và phân tích, và sau hết là thiền định bằng cách tập trung. Như thế ta mới gặt hái được kết quả. Ta không nên tách rời ba cách thực tập ấy, nhưng phải thực hành luân phiên nhau.
Nghiên cứu Đạo Pháp không giống như nghiên cứu bất cứ một ngành khoa học nào cả, như lịch sử chẳng hạn. Tu tập Đạo Pháp đòi hỏi phải đem ra ứng dụng những phương pháp liên quan đến Đạo Pháp, và như thế chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách Tu tập thứ hai
Về phía bạn hữu của ta và những người ta yêu mến, giòng nước bám níu đang chảy siết ; về phía kẻ thù của ta ngọn lửa ghét bỏ đang cháy rực ; trong chốn u tối của vô minh, ta đánh mất những ý niệm về những gì cần phải bỏ và những gì cần phải thực thi. Giống như thế, từ bỏ quê quán ta và căn nhà của ta là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Để hội đủ khả năng thực thi cách tu tập vừa kể trên đây, quả thật là cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc, phải từ bỏ quê quán và xứ sở ta. Điều đó giúp ta cắt đứt sự bám níu tự nhiên của ta vào những người thân thuộc, vào gia đình, và bạn hữu của ta. Điều ấy sẽ tránh cho ta những giao động, những phiền muộn và những bối rối thường nhật, liên quan đến đời sống vướng mắc trong môi trường thế tục gồm có mọi thứ vật dụng, điều kiện và hoàn cảnh, chúng chỉ tạo ra cho ta những ảo giác mà thôi. Sống trong gia đình, bắt buộc ta phải có bổn phận, dù tốt lành hay bất lợi, những bổn phận ấy làm cho ta mất rất nhiều thời giờ. Một vị « tulku » (1) nếu có gia đình, có đồ đệ, có nhiều người chung quanh lúc nào cũng chờ đợi sự quan tâm của mình. Như thế dù muốn yên tĩnh cũng không được, nhiều người cầu cạnh, hoàn cảnh trói buộc, trong đó kể cả những tình cảm trói buộc của người khác đối với mình. Những phản ứng khi người khác tán đương mình hay khinh miệt mình là những thứ mê hoặc phát xuất từ những người chung quanh, dù cho hành động của họ chỉ là vô tình.
Cũng vậy, cũng phải canh chừng sự u tối của vô minh không cho phép ta được « thảnh thơi » để tìm hiểu những gì phải bỏ, những gì cần chấp nhận. Có vài nhà sư, an phận với những gì thật đơn giản, trong một gian phòng nghèo nàn, như một lỗ chuột, nhưng vẫn vướng mắc với những điều phức tạp, những phiền muộn và lo âu, cũng giống như họ đang sống trong một cư xá sang trọng : họ hối hả như những con kiến, thu lượm những giẻ rách (vì họ nghĩ rằng những thứ này vẫn còn có thể dùng được), các hộp không vứt đi, đem cất giữ những thứ đó cẩn thận, chồng chất những vật vô dụng, tìm kiếm và khám phá ra những thứ vô ích ấy làm mất hết thì giờ của họ. Những việc như thế, tự nó không có hại gì cả, nhưng thực ra 
1- Tulku : dịch âm là Chu-cô, đây là tiếng Tây Tạng dùng để dịch chữ Phạn Nirmânakayâ (Ứng thân, Ứng hoá thân hay Hoá thân) là thân xác của một vị Phật hiển hiện dưới nhiều dạng thể để cảm hoá chúng sinh tùy vào căn cơ của họ.
cũng không mang đến một lợi ích nào. Họ đặt trên bàn thờ những tập kinh sách thiêng liêng mà họ lau chùi bụi bặm rất cẩn thận, nhưng không bao giờ đọc đến…, họ chỉ thích lau cho bóng những bát chén trên bàn thờ ! Tâm thức của họ bám vào những vật thể ấy và quên mất sự tu tập. Cũng giống như thế, một sự bực bội nhỏ nhoi cũng có thể tạo ra cơ hội để ghét bỏ, một ham muốn vô nghĩa có vẻ như một chuyện đương nhiên, cũng có thể tạo sư thèm khát càng lúc càng mãnh liệt hơn ; tất cả những cơ sở của bám níu phải rứt bỏ, dù nhỏ nhoi cách mấy cũng vậy. Nếu như còn quan tâm đến những vật thể bên ngoài của thế tục, nhưng đồng thời tâm thức bên trong vẫn có thể liên tục tu tập Đạo Pháp thì tốt lắm. Nhưng thật ra rất khó, và thông thường không làm được ; trái lại « từ bỏ ngôi nhà của mình chính là cách tu tập của những người Bồ-tát ». Căn nhà của ta là nơi mà sự bám níu phát hiện một cách mãnh liệt hơn cả, nhiều quyến rũ hơn cả, chẳng qua vì sự bám níu đó rất quanh co. Ba thứ nọc độc gồm có đam mê, ghét bỏ và vô minh. Trong đó vô minh đứng hàng đầu, nó có hai tên trợ tá : đam mê và ghét bỏ. Vô minh là vị hoàng đế, hắn dùng ghét bỏ để xua đuổi kẻ thù, dùng đam mê và bám níu để tăng cường uy quyền. Khi ta bất thần bắt gặp một người nào đó có vẻ khó thương đối với ta, tức thời sự ghét bỏ trổi dậy, giống như để bảo vệ cho ta (cách bộc lộ để chống lại kẻ đó), nhưng thật ra kẻ ấy đang đưa ta vào chỗ thất bại. Sự bám níu là một kẻ đồng minh có dáng dấp thật khả ái, dịu dàng và hiền lành, nhưng bản chất thật của nó sẽ làm cho ta thất vọng. Vậy phải ý thức là vô minh, ghét bỏ và bám níu là ba thứ nọc độc, và mỗi khi ta nhận ra rằng căn nhà, cái tổ ấm, nơi quê quán là một trong những nguồn năng lực thúc đẩy những thứ ấy, thì ta cũng sẽ hiểu rằng xa lìa chúng là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ ba
Khi ta lìa bỏ những người vô bổ chung quanh, ảo giác cũng giảm đi, và vì lẽ không còn bị xao lãng nữa, sự tu tập về đạo đức của ta cũng sẽ tự động thăng tiến, giúp cho tâm thức trong sáng hơn. Sự quán nhận vững chắc của ta về Đạo Pháp cũng gia tăng. Giữ mình trong sự đơn độc là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Tuy nhiên nếu rời bỏ xóm làng để đi tìm một hoàn cảnh tương tợ nơi xa xôi, hay trong một xứ sở khác, có nghĩa là đi tìm một môi trường giống như trước đây với những việc xao lãng khác, như thế nhất định không phải là mục đích của chúng ta (chúng ta cũng nhận thấy chuyện đó chớ, chúng ta đây là những người Tây Tạng, chúng ta đã đánh mất quê hương của chúng ta, và nhà cửa của chúng ta, nhưng chúng ta đâu có sống trong cô đơn và chúng ta vẫn còn bạn hữu, xum vầy với gia đình và vẫn còn những nguy cơ chung quanh có thể cám dỗ chúng ta nữa). Cách tu tập đòi hỏi phải xa lìa căn nhà của mình là có mục đích đem đến bình an cho tâm thức, và nhất định ta không thể nào tìm thấy sự bình yên đó trong một thành phố nhộn nhịp. Phải tìm thấy sự đơn độc hàm chứa những phẩm tính đã được nói đến trong Nhập Bồ-đề Hành Kinh (Bodhicharyâvatàra), ta có thể tìm thấy dễ dàng sự đơn độc này trên đất Tây Tạng : một khí hậu tinh khiết và trong lành, sự yên tĩnh, nước non tinh khiết, thiên nhiên xinh đẹp và thanh bình, thú vật dễ thương và hiền lành, chẳng hạn như đàn nai đang gặm cỏ. Nơi đó không có gì làm cho ta xao lãng, ta có thể thực tập và suy tư từ sáng đến tối và rồi suy tư sẽ trở thành thói quen. Cô đơn như thế rất cần thiết ; tất cả các vị Đạo sư ngày xưa đã đạt được những cấp bậc cao về tâm linh, chẳng qua vì họ biết từ bỏ tất cả để tu tập Đạo Pháp. Và mặc dù ngày nay, ta không có hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện một hoài bảo như thế, nhưng chúng ta cũng phải luôn luôn ghi nhớ điều ấy trong tâm; chúng ta cần được thúc đẩy bởi ước mơ : « Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ lìa bỏ tất cả, tôi sẽ đi tìm một cảnh cô đơn để vung lên lá cờ biểu hiệu của thiền định ». 
(Quay về phía các nhà sư :) Các nhà sư phải cẩn thận. Khi ta chọn đời sống trong tu viện, ta sẽ trở thành đối tượng của mọi sự sùng kính và cúng dường, ta thường xuyên phải làm lễ pûjâ, mặc dù những nghi lễ ấy rất hữu ích, nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm đối với một tâm thức dễ xao lãng hay chỉ biết vơ vét, vì ham thích lễ vật đi kèm với nghi lễ cúng dường. Nếu ta ăn quá nhiều, sống cuộc sống tĩnh tại ru rú, không tự thanh lọc cho tinh khiết, cuộc sống tu viện như thế cũng sẽ trở nên nguy hiểm.
Sự tiện nghi, thiếu trách nhiệm, ăn ngon, sẽ làm cho tâm thức năng nề, u tối và lu mờ. Những cám dỗ đó có thể tránh được bằng cách chọn lối sống đơn độc ; một chút điều độ trong ẩm thực giúp cho tâm thức thêm sáng suốt, sự yên lặng giúp thêm cho sự tu tập. Thật nguy hiểm khi trở thành đối tượng cho sự sùng kính, và cũng thật nguy hiểm khi mong chờ những lễ vật hay của cải cúng dường, bị thúc đẩy bởi bản năng chỉ biết quan tâm và kính cẩn hơn đối những ai có lễ vật hiến dâng, và thờ ơ với những người khác khi họ không có gì cả (những người này có thể có tấm lòng tôn kính đích thực hơn, nhưng chỉ vì họ có ít phương tiện hơn). Khi ta làm lễ thụ phong để trở thành người tu hành, bổn phận của ta là hãy nhìn vào cái gương của Phật, của các vị A-la-hán, các vị Đạo sư, phải chiến thắng những ảo giác, và biết hy sinh tất cả mọi vật trong thế giới này, tất cả lạc thú của luân hồi. Chỉ khi nào làm được như thế, ta mới trở thành một người tu hành thật sự (và không phải khoác lên người chiếc áo cà sa là biến thành người tu hành).
Những vật dụng của thế tục là những sứ giả của Mârâ (1), và cũng như một vị Geshé (2) của học phái Kadampa (3) 
1- Mârâ : là Ma hay Ma vương. 
2- Geshé : danh hiệu tiến sĩ, một tước danh của một nhà sư Tây Tạng. Giáo trình học tiến sĩ kéo dài 31 năm, phải thi cử liên tục và không rớt mới được danh hiệu này. Nếu môn học nào thi rớt phải học lại. 
3- Kadampa : Kam-đan phái, một học phái phật giáo Tây Tạng.

đã từng nói : một nhà sư phải tự do và thiếu thốn tất cả, như một con chim sẻ. Người tu hành phải đơn giản trong cuộc sống thường nhật. Chỉ nên gói ghém vừa đủ cho cuộc sống và việc dinh dưỡng, không nên phù phiếm. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt lắm, khi ta lọt vào thế giới không Đạo Pháp, khi ấy mới có thể cho phép ta tỏ ra khác hơn với thường nhật. Người tu hành phải giáo huấn kẻ khác, và đời sống của ta cũng phải đi đôi với những lời giáo huấn đó. Nếu ta cũng cưu mang những ảo giác và bám níu giống như những người nghe ta giảng, lời nói của ta chẳng những sẽ không có ích lợi gì, mà còn nguy hại nữa. Nếu trong tu viện ta sống tinh khiết và không vướng mắc vào những bám níu, tăng đoàn sẽ trở thành một « hội trường xứng đáng » và như thế mới có thể quảng bá Đạo Pháp được. Sự tồn vong của Đạo Pháp tùy thuộc vào phẩm tính của tăng đoàn hành Đạo. Tuân theo học thuyết của chúng ta, quý vị phải giữ vững Con đường Trung Đạo, không khi nào được rơi vào cực đoan.
Kẻ tu hành và người thế tục phải giúp đỡ lẫn nhau ; ngày nay người tu hành không chỉ giảng dạy về tôn giáo mà thôi, mà cần phải giảng dạy về những hiểu biết thiết thực khác nữa, và người thế tục phải giúp đỡ họ, đó là việc hoàn toàn tự nhiên.
Nếu trong lúc này ta chưa thể sống trong « cô đơn » thì phải sống cho đúng đắn, phải giữ được bình tâm và trong sáng, dù cho môi trường chung quanh có khó khăn đi nữa. 
Cách tu tập thứ tư
Một ngày nào đó bạn hữu từ lâu và thân thiết phải chia tay nhau, của cải và giàu sang khổ công thu góp cũng phải bỏ lại phía sau. Tâm linh, chủ nhân của thân xác, tức cái bàn thờ này đây, cũng sẽ ra đi. Vì vậy, từ bỏ tất cả bám níu vào sự sống này là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Khi ta đi tìm sự vắng vẻ, và ta tìm thấy nó. Ta ra đi, từ bỏ căn nhà của ta, nhưng vẫn chưa đủ : ta phải gạt bỏ mọi bám níu vào khoảng thời gian còn lại của ta, ta phải nhìn thấy sự hiện hữu của ta là vô thường, sớm hay muộn nó sẽ chấm dứt. Ta sẽ phải chia lìa tất cả vì cái chết. Để chuẩn bị cho sự ra đi của ta, ngoài sự tu tập Đạo Pháp, không có thứ gì có thể giúp ta được. Nếu ta đạt được một tâm linh cao cả, điều này sẽ giúp đỡ cho ta. Bạn hữu thân cận nhất không giúp ta được ; dù cho tất cả các sinh linh trên địa cầu này đều là bạn hữu của ta, cũng không thể giúp ta được. Dù cho ta giàu có như « Vaishravana » (1), khi chết ta cũng chẳng còn gì.
Thân xác này đối với ta quý giá biết bao nhiêu, lúc nào cũng là người bạn đồng hành của ta, nhưng ta cũng sẽ bỏ nó lại và ta cũng chẳng biết chuyện ấy sẽ xảy ra lúc nào. Sự sống của con người không hàm chứa một sự chắc chắn nào cả ; những người còn trẻ thường phát biểu một cách ngây thơ : « Tôi còn trẻ và khoẻ mạnh, vậy tôi còn có thể sống và tôi sẽ tiếp tục sống ». Nhưng đó không phải là một lý do, cũng không phải là một bằng chứng. Trong số quý vị hôm nay, không phân biệt tuổi tác, không có một người nào có thể quả quyết chắc chắn 100% : « Tôi vẫn còn sống tối hôm nay ». Tóm lại : tất cả chúng ta đều chết, chúng ta không thể biết vào lúc nào, và ngoài sự tu tập Đạo Pháp ra, không có gì có thể giúp chúng ta được. Vậy nếu ta có thể cởi bỏ được những trói buộc vào sự sống này, đấy mới là những gì đúng đắn và hữu ích. Nếu ta phải chết vào tối hôm nay, ta cần phải chuẩn bị cho sự ra đi đó, và nếu như ta vẫn còn tiếp tục sống, như thế lại càng tốt hơn ; vì dù sao việc chuẩn bị của ta cũng không mất mát đi đâu cả.
 1- Vaishravana : Đa-văn-thiên, còn gọi là Tì-sa-môn Thiên, là một vị trời trong bốn vị Thiên vương hộ thế. Đa-văn-thiên là vị trời hộ pháp và bố thí phúc. 
Sự sống này, chính nó cũng không đến nỗi quá quan trọng, nhưng ta lại thường xuyên lo lắng cho nó một cách quá đáng. Những rối rắm ở Tây Tạng đưa chúng ta đến đây, chúng ta đã bỏ lại tất cả, và có nhiều người, ngày hôm trước khi ra đi, họ cũng chưa biết là phải ra đi. Và mặc dù thế, chúng ta vẫn còn đây, trên quả đất này của nhân loại và mỗi người trong chúng ta vẫn còn đủ khả năng để sống còn nơi đây ; vậy những lo âu của chúng ta là quá đáng.
Những gì quan trọng hơn, chính là giây phút ta phải rời bỏ thế giới này, trong giây phút ấy ta sẽ ra đi một mình để bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ VII đã cầu nguyện như thế này : « Phía bên kia thế giới này, là một khoảng cách vô biên chia cách mọi vật và mọi người mà chúng tôi từng quen thuộc. Trong kiếp sống con người này, dù cho có gì xảy ra, chúng tôi vẫn còn có thể cầu cứu được ; trong kiếp sống bardo (1), chúng tôi sẽ hoàn toàn cô đơn. Chúng tôi phải hiểu như thế và phải chuẩn bị cho kiếp sống đó ».
Phật có nói : « Ta chỉ cho các con con đường Giải thoát, nhưng tùy nơi các con, các con có tự mình bước vào con đương đó hay không ».
Nhiều người đến gặp tôi và nói với tôi rằng : « Xin hãy cầu nguyện cho tôi đừng rơi vào những cõi khốn cùng ». Nhất định tôi cầu nguyện và sẽ còn cầu nguyện với tất cả tấm lòng của tôi ; mặc dù tôi không nhắm vào từng cá nhân mỗi người, nhưng tôi thiết tha cầu nguyện cho tất cả. Tôi xin cầu mong giúp đỡ được tất cả, giúp đỡ tất cả quý vị, dù chỉ được một chút cũng tốt. Nhưng theo Đạo Pháp, mỗi người trong chúng ta phải tự nhận lãnh trách nhiệm về phần mình, tôi không thể kéo một người nào đó ra khỏi cảnh khốn khổ, để đẩy họ vào Niết bàn. Vượt thoát ra khỏi thế giới Luân hồi, bước vào cõi Niết bàn hay Phật tính, là tùy thuộc vào những cố gắng của chính ta. 
 1- Bardo : tiếng Tây tạng, dịch là Trung hữu, có nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kiếp sống.
Quý vị không thể ỷ lại vào người khác, kể cả vị Đạo sư, hay cả chư Phật và chư Bồ-tát cũng vậy. Tất cả đều mong muốn đem tặng những điều thoả nguyện cho chúng sinh, nhưng khó lắm, vì thế sự hợp tác của của quý vị nhất định là cần thiết, không thể không có được. Khi nhận biết được vô thường là gì, khi nhìn thấy tương lai nghiệt ngã sẽ trở thành hiện thực, ấy là cách giúp quý vị chuẩn bị và hiểu rằng dấn thân vào những sự việc và hành vi thế tục chỉ làm phung phí đời mình mà thôi. Sinh lực đó, ý chí đó, phối hợp với ước vọng kiên quyết và vững chắc tu tập Đạo Pháp, không đánh mất thời giờ, sẽ giúp cho sự bám níu vào thế giới này suy giảm đi, và tắt lịm hoàn toàn, và như thế quý vị sẽ không còn gì lo âu trước thời gian trôi qua.
« …Không người thân thuợc, không bạn hữu, kể cả tình yêu trần tục lớn nhất, khi chết, ta không còn giữ được gì cả, kể cả cái tên gọi của ta cũng không ».
Thân xác này là một quán trọ, ta không thể ở lại đó mãi ; giờ đây ta đang làm chủ nó bằng tri thức của ta, nhưng chủ-nhân-tri-thức ấy, người lữ hành muôn thuở, sẽ ra đi một ngày nào đó và sẽ quên cái lữ quán đã từng đón tiếp mình, sẽ bỏ nó lại phía sau.
Bạn hữu, thân xác, cả tên họ, không còn gì tồn tại để ta bám níu. Vậy, gỡ bỏ tất cả bám níu là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ năm
Nếu ta có những người bạn đồng hành xấu, ba thứ nọc độc sẽ gia tăng thêm, sự suy tư và thiền định của ta sẽ suy thoái ; tình thương và lòng từ bi sẽ bị hủy diệt. Từ bỏ đoàn đồng hành nguy hiểm đó là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Nếu ta theo một vị Đạo sư giả mạo, những phẩm tính phát triển từ trước sẽ hao hụt đi, đồng thời ảo giác lại càng gia tăng. Qua các dấu hiệu đó ta có thể nhận ra một vị Đạo sư giả mạo, hoặc là một người bạn tinh thần giả mạo ; vô minh của ta sẽ trở nên « dầy đặc » thêm. Ba cách « tu tập » của ta (shîla, samâdhi, prajnâ) (1) sẽ yếu kém đi.
Nhất là khi đã noi theo con đường Đại thừa, ta phải cẩn thận đối với bạn hữu hay người đồng tu thiếu tình thương, thiếu lòng từ bi, hoặc họ đã đánh mất những thứ đó, nhớ đừng để họ ảnh hưởng đến ta, vì chưng tinh anh của Đại thừa chính là tình thương và lòng từ bi. Lánh xa những người bạn xấu chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Để có thể đạt được Phật tính, không có gì quan trọng hơn là theo một vị Đạo sư ; có một vị Đạo sư nổi danh là Potawa rất quan tâm đến điều này. Chúng ta cần được giáo huấn và giúp đỡ. Nếu ta đã bước « trên con Đường » rồi thì thật là điều tốt ; nhưng lại còn quan trọng hơn nữa nếu ta vừa vươn lên khỏi những cảnh giới khốn cùng. Bước theo một người, mà nhờ họ ta thấy được những lỗi lầm của ta, và bên cạnh họ các phẩm tính của ta sẽ gia tăng thêm như « vầng trăng lưỡi liềm » ; xem trọng người bảo trợ ấy quý giá hơn mạng sống của chính ta, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát. Bởi vì muốn khai triển tâm trí còn u tối của ta, ta phải noi theo một phương pháp tu tập và phải biết tu tập như thế nào. Người hướng đạo phải là một Đạo sư hoàn hảo, vạch ra con đường và giảng dạy phương pháp. Người này phải có nhiều kinh nghiệm để ta có thể hoàn toàn tin tưởng nơi họ. Một người bịnh mong muốn tìm được người thầy thuốc giỏi nhất, và thực hành theo cách trị liệu mà người thầy thuốc đưa ra. Bịnh tật do ba thứ nọc độc gây ra còn nguy hiểm hơn nhiều so với bịnh tật trên cơ thể.
Người Đạo sư phải có những phẩm tính nào đó để ta có 
1- Shîla : Giới hạnh, giới luật ; Samadhi : Định, tức thiền định chú tâm vào một đối tượng duy nhất ; Prajnâ : Trí tuệ hay Bát-nhã.
thể đặt lòng tin nơi họ. Sakya-Pandita (1) có nói rằng : « Kể cả việc mua một con ngựa ta cũng phải dọ hỏi, phải hết sức thận trọng…Huống chi đối với sự an-vui vĩnh cữu của ta, ta còn phải thận trọng nhiều hơn thế nữa ».
Trước khi chọn một vị Đạo sư, và trước khi quyết định người này có thể trở thành vị Đạo sư của ta hay không, ta phải biết rõ những phẩm tính sẵn có nơi người này, xét theo Vinaya (Tạng Luật), Sû-tra (Kinh điển) và sức tu tập Tan-tra của họ, và ta chỉ nên chọn người nào mang hầu hết những phẩm tính đó.
Khi ta đã tìm thấy vị Đạo sư « đích thật », ta phải tuân theo người đó và xem như ngang hàng với Phật, có thể xếp lên hàng cao hơn nếu căn cứ vào sự chăm sóc của họ đối với ta. Chính với cái nhìn tinh khiết ấy, ta sẽ phát huy tấm lòng sùng đạo lớn lao và mãnh liệt trong tận cùng thâm tâm ta : dốc lòng tin tưởng hơn nơi Đạo Pháp khi thấy được phẩm tính của vị Đạo sư, ta sẽ kính trọng người Đạo sư hơn khi nhìn thấy lòng nhân từ của ông, khi thấy được cả hai ta lại càng yêu quý ông hơn nữa.
Ta phải biểu lộ sự quý mến đó bằng cách tu tập đúng như lời chỉ dẫn của ông. Ta có thể đem đến niềm vui cho người Đạo sư bằng ba cách : dâng lễ vật, chăm sóc người Đạo sư và sự tu tập chuyên cần của ta. Nhưng nếu đúng là một vị Đạo sư chân chính, thì sự tu tập của ta phải đem đến cho ông nhiều niềm vui sướng hơn, so với những gì thuộc về lễ vật ; một vị Đạo sư đích thật phải như thế. 
Marpa (2) có hai người đệ tử, một người rất giàu có và người này đã hiến dâng tất cả gia sản của ông cho người Đạo 
1- Sakya-Pandita : nhà Học giả có tên là Thich-ca  
2- Marpa : Mã-nhĩ-ba (1012-1097) là một Đạo sư nổi tiếng người Tây Tạng, đi tu học tại Ấn Độ và mang về truyền bá ở Tây Tạng giáo pháp Đại-thủ-ấn (Mahâmudrâ).

sự, người thứ hai tên là Milerepa (1), hoàn toàn chẳng có gì cả.
Mã-nhĩ-ba (Marpa) không tỏ ra một mảy may phân biệt nào giữa hai người đồ đệ và nói rằng :
« Người đồ đệ Mật-lặc-nhật-ba (Milerepa) của ta chẳng có gì, và người đồ đệ kia lại cho ta tất cả, cho ta đến con dê què cuối cùng trong bầy, nhưng tôi chẳng có một sự phân biệt nào trên phương diện giáo huấn tôi đã giảng dạy cho họ ».
Sha-ra-wa nói rằng các đồ đệ phải « hiến dâng » vì lòng tôn kính đối với vị Đạo sư, nhưng vị Đạo sư không được phép cảm thấy dính líu đến lễ vật, nếu không ta không thể xem người này như một vị Đạo sư đại thừa. Tuân theo Đạo sư một cách đúng đắn là cách tu tập của những người Bồ-tát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét