CHƯƠNG 3: CHUYỂN HOÁ SÂN HẬN (TT)
CHINH PHỤC CƠN GIẬN
- Thích Nhật Từ
Trong kinh điển, đức Phật đề cập rất nhiều giải pháp ứng dụng để chuyển hóa và chiến thắng cơn giận dữ. Có thể vận dụng năm, bảy phương pháp cùng một lúc hoặc chọn phương pháp trọng tâm và phương pháp còn lại trở thành hỗ trợ, miễn sao vận dụng để có chất liệu an lạc, bình tĩnh và sáng suốt. Từ đó vượt qua sự khủng hoảng, nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời.
Đây còn gọi là phương pháp ngăn chặn. Khái niệm này vay mượn từ trong quân sự để dễ dàng hình dung và hiểu.
Đôi khi, có cuộc chiến không mang lại giá trị hạnh phúc cho cả hai dù chính nghĩa hay phi nghĩa. Nếu kéo dài cuộc chiến sẽ biến người dân thành những nạn nhân khổ đau. Do đó, người “cầm cân nẩy mực” không cho phép tự ái, vì bản ngã cá nhân làm cho hai bên chiến tuyến đối lập phải tiêu diệt lẫn nhau, khiến người thân của họ phải đau khổ vì mất mát. Phải tìm mọi cách hoãn binh để cuộc chiến không diễn ra. Nhưng hoãn binh chỉ là một trong những cách thức tạm thời.
Chúng ta cần chặn đứng hoạt động của dòng chảy cảm xúc đó, có thể dùng lực cản lớn hơn để trấn áp những gì khiến lòng bực tức, không vui. Dùng âm thanh lớn để trấn áp tiếng ồn khiến bực dọc. Thí dụ: Người làm cha, mẹ trong gia đình có thể quát tháo, ra lệnh những đứa con im lặng. Phương pháp đó làm cho trạng thái im lặng được diễn ra, đồng thời cũng gây phản ứng ức chế trong lòng đứa trẻ, dù không đủ sức chống trả những điều bị cha mẹ áp đặt, chúng không cảm thấy thoải mái trước cưỡng lực bắt buộc. Việc dùng động lực lớn đế trấn áp động lực nhỏ là phương pháp tạm thời chứ không thể lâu dài.
Cơn giận dữ đối với người không thích, không ưa, không thương… sẽ trở thành nguồn nội kết trong mối quan hệ. Do đó, sự hiềm khích được nuôi nấng, hâm nóng một cách tình cờ hay cố ý, trở thành thách đố của hạnh phúc trong đời sống con người.
Mối quan hệ giữa con người, đôi lúc có những ổ gà, ổ voi, nhiều sỏi đá, mảnh chai và thậm chí dây xích ngăn cách. Nếu không nỗ lực san lấp cho bằng phẳng thì sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Đôi lúc, sự mâu thuẫn có nguồn gốc từ sự hiểu lầm hoặc do bản ngã, ích kỷ, phản ứng tự vệ trấn áp đối phương khiến họ phải khiếp sợ không dám gây hấn nữa. Bất kỳ cuộc xung đột nào, hai bên đều tìm những lý do để được quyền tấn công khi nghĩ đối phương là kẻ thù. Có thể tấn công người khác bằng lời thị phi độc ác, thái độ hằn học hoặc bằng cách cô lập… Nếu cuộc chiến không mang lại giá trị xây dựng thì sự hoà hợp an vui sẽ không được thiết lập.
Đức Phật dạy: phải thấy được lợi ích của sự hoãn binh, có thể giúp hai bên mâu thuẫn ngừng trận đánh, nghĩa là ngừng những cơn sân hận phiền não. Bởi vì, càng đẩy cơn sân hận bằng phản ứng đánh nhau giữa hai bên, cộng đồng, liên minh hay quốc gia… thì càng làm tăng trưởng khổ đau chồng chất, tạo thành núi và kéo dài kiếp này sang kiếp khác. Chẳng hạn, cuộc chiến giữa Irael và Pal- estine đã qua nhiều thế kỷ mà bây giờ vẫn tiếp tục đánh nhau, trở thành kẻ thù khó có thể chấp nhận nhau.
Nỗi bất hòa xung đột và hiểu lầm làm con người mất ăn, mất ngủ, tốn hao nhiều sức lực lẽ ra sức khoẻ ấy được dùng làm những việc có hiệu quả hơn trong hiện tại và tương lai. Có nhiều cách để hoãn cơn giận, vì con người chưa đủ sức chấm dứt cơn giận dữ ngay lập tức nên tạm thời hoãn binh để ngăn chặn phản ứng do lòng giận dữ và không làm tổn thương người thân. Không làm cho người khác cảm thấy nghẹt thở vì cơn giận, ngột ngạt vì lời nói căng thẳng, bực tức vì hành động khiêu khích là điều hay. Từ thói quen tự vệ đã dẫn đến tình trạng thanh toán lẫn nhau, phần lớn sự khởi thuỷ của vấn đề chẳng đáng gì cả, hoặc chỉ xuất phát từ miệng lưỡi.
Đừng lấy quyền để buộc người khác phải theo mình. Đừng bắt người khác chấp nhận những cái mình muốn và cũng đừng hăm dọa, nạt nộ, nguyền rủa, chỉ trích người khác dù mình đúng. Thái độ và cách ứng xử đó không làm cho cuộc chiến của sân hận kết thúc tốt đẹp.
Nếu giận dữ bắt nguồn từ hiểu lầm thì chưa vội biện bạch trong lúc đối phương biểu hiện cơn giận, vì có thể gây sự hiểu lầm sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Trường hợp đó, có thể im lặng để phản ứng nhẹ đi. Chúng ta hít thở điều hòa với sự vận hành chuyển hóa các luồng khí để tâm được lắng dịu. Khi hít thở, hãy hít thật sâu. Động tác hít thở sâu và nhẹ nhàng, sẽ có sự an lạc và hỷ xả đang vận hành trong tim, não trạng, cử chỉ, lời nói, việc làm. Nói chung, sự an lạc đang lưu chuyển toàn thân.
Hành giả là người không cho phép mình có các ứng xử làm não hại, không cho phép mình tống khí cac-bon-nic vào mũi người khác, trong khi tranh giành luồng ôxy cho buồng phổi và quả tim của mình. Suy nghĩ mang tính tương tác nhượng bộ sẽ giúp cuộc chiến sân hận ngưng, tâm của người quán chiếu cũng được thư giãn. Nếu có cơ hội, hãy ngồi lại với nhau dùng tuệ giác, hiểu biết, cảm thông, tình thương, tha thứ của người con Phật, cùng nỗ lực tháo gỡ nội kết một cách nhẹ nhàng.
Cách thức chặn đứng cơn giận dữ như vừa nêu là giải pháp làm ức chế giận dữ không diễn ra theo cách thức mình và người trở thành nạn nhân của nhau. Giải pháp này chỉ hỗ trợ tạm thời vì chưa đủ sức chuyển hóa cơn giận, nhưng vẫn ngăn chặn được cơn giận để không biến nỗi đau nhỏ thành nỗi đau lớn, không làm cho mụn nhọt giận dữ lở loét nhiều hơn, không làm ta và người mắc bệnh ung thư của cơn giận. Do đó, nếu người có tính nóng giận quá thô mà ứng dụng phương pháp hoãn binh này là điều rất cần thiết.
Tâm chúng ta là đài truyền hình với tần số phát sóng khác nhau. Mỗi người có một “gu” để thưởng thức nghệ thuật. Thế giới truyền hình ngày nay đa dạng và phong phú, mỗi đài truyền hình có sở trường phục vụ, giáo dục đều có giá trị riêng. Nếu người yêu thích môi trường thiên nhiên, các loài động vật và hướng tâm rộng ra muôn loài, muông thú thì bật kênh Thế Giới Đó Đây(Discovery hoặc Animal Planet) để thưởng thức. Tương tự, những người thích năng động có thể xem các đài thể thao và giải trí (Star Sport hoặc Super Action). Nhờ biết chọn kênh thích hợp, người thưởng thức cảm thấy bổ ích sau những giờ lao động mệt nhọc. Chương trình nào đi ngoài quỹ đạo, sở thích và mục đích thưởng thức thì chuyển sang kênh khác, không nên để tâm trí mỏi mệt vì phải xem những chương trình không mang lại thoải mái và giá trị thưởng thức.
Trong các mối quan hệ nếu có sự hiểu nhầm làm cho mình và người bị nghẹt thở thì nên thay đổi chủ đề để hạn chế sự bất hòa và cơn giận dữ có thể xảy ra. Chẳng hạn, thảo luận vấn đề bình đẳng, hầu như phụ nữ phương Tây không chấp nhận cuộc sống lẩn quẩn trong bếp vì theo nền văn hoá của họ, giới hạn người nữ trong bếp là sự bất công.
Khi người vợ đòi hỏi chồng chấp nhận quyền để tham gia vào các hoạt động xã hội và cộng đồng, góp phần tạo dựng đời sống kinh tế cho gia đình nhiều người chồng theo truyền thống sẽ không tán đồng ủng hộ. Chồng phản đối vì nghĩ, nếu chấp nhận cho vợ đi làm, tham gia sinh hoạt cộng đồng thì hạnh phúc gia đình có thể bị đổ vỡ. Sự nương tựa vào chồng chỉ còn mấy mươi phần trăm chứ không trọn vẹn như trước, dẫn đến tình trạng tranh luận, hạnh phúc rạn nứt. Như vậy, sự đổ vỡ có thể bắt nguồn từ cuộc thảo luận về quyền bình đẳng nam nữ.
Nếu thấy cuộc đối thoại không mang lại giá trị hạnh phúc, an lạc, mà lại gây nên những sân hận thì một trong hai người nên dùng phương pháp chuyển đề tài đang thảo luận sang đề tài khác. Có thể quan tâm lẫn nhau về sức khỏe, việc làm hoặc những việc mà đối phương đang lo lắng, đang gặp khủng hoảng hoặc trở ngại trong cuộc sống.
Thay đổi đề tài làm cho bầu không khí nóng bức giữa mình và người dịu xuống. Phương pháp đổi đài giống như máy điều hòa không khí, có chức năng làm lạnh không gian nóng bức, làm ấm không gian lạnh giá. Nhờ đó, sự căng thẳng qua thái độ, lời nói, sự bất đồng ý tưởng và nội dung không làm trở ngại mối quan hệ. Có tình huống do hiểu lầm nên nhiều người gặp nhau không nhìn, làm cho bầu không khí trở nên nặng nề, ngột ngạt, khó thở. Lúc đó, mối quan hệ đang rơi vào tình trạng băng giá. Một trong hai người nên giải bày, mở gút để không khí được ấm cúng. Nhờ đó, tình người được thắp sáng, ấm áp và hạnh phúc hơn!
Đổi đài là cách thức thay đổi đề tài đang thảo luận hay thay đổi không khí căng thẳng trở nên bình thường. Muốn dễ dàng đổi đài thì người đối thoại phải ngừng sự tranh luận hơn thua, ngay cả sự biện hộ, đổ thừa, đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho người khác. Bởi vì những cách đổ thừa, đổ lỗi chỉ làm cho đề tài đang thảo luận càng nóng bức và tăng sự bực dọc. Cho nên, nhanh chóng đổi đài nếu vấn đề đang tranh luận trở nên bất bình thường thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn!
TRÁNH VỎ DƯA ... GẶP VỎ DỪA
Phương pháp tránh duyên có thể áp dụng khi bị bức xúc quá nhiều mà không đủ sức đối đầu và khắc phục những khổ đau thực tại đang diễn ra. Trong tình huống đó, cho phép lánh mặt hay tránh duyên để quan hệ đang căng thẳng được lắng dịu từ từ. Người chưa có khả năng chuyển hoá sân hận mà có mặt tại địa điểm sự cố đang diễn ra sẽ làm gia tăng sự không vui, rất có thể xúc phạm lẫn nhau do hành vi thiếu sáng suốt. Cơn giận xảy ra xung đột, kết quả có thể làm đổ vỡ hạnh phúc, tình người. Trong tình huống không thể vượt qua cơn giận nên tìm cách lánh nạn, lánh mặt người đã làm mình khó chịu, mất hạnh phúc. Nhờ lánh mặt trong ý thức sáng suốt, người kia không có cơ hội thiêu đốt chính mình và thoát khỏi cơn giận. Theo cách nhìn tương đối nào đó, tránh duyên chính là cơ hội quý có thể giúp vượt qua khổ đau trước mắt, vì sự lánh mặt làm nguôi cơn giận. Tất nhiên, có những trường hợp tránh duyên lại trở thành tiêu cực.
Thí dụ: Trong gia đình, cha và mẹ đang bất hòa, làm khổ đau cho nhau qua cách ứng xử thiếu khôn ngoan. Khi đó, con cái họ đang ở tuổi trưởng thành chúng phải chứng kiến những khổ đau do cha mẹ tạo ra hằng ngày thì chắc chắn chúng sẽ tìm cách chạy trốn khỏi nhà, hoặc sẽ buồn tủi, khóc nức nở, vào phòng đóng kín cửa, bật nhạc nghe để quên đi. Lánh nạn như vậy tạo ra phản ứng tiêu cực, để lại vết hằn, mặc cảm trong tâm của trẻ con, khiến chúng không thấy được mặt tích cực của đời sống vợ chồng. Qua hình ảnh bất hoà của cha mẹ, chúng sẽ mặc cảm và sợ không tìm thấy được hạnh phúc trong đời sống vợ chồng trên con đường mà chúng chuẩn bị bước vào. Những đứa bé chứng kiến hình ảnh cha mẹ bất hoà, khi lớn lên thường bị bệnh trầm cảm và có thái độ dè dặt khi tiếp xúc người khác.
Phụ huynh đừng để con mình phải thấy tình cảnh bất hòa, từ cơn giận dữ của cha mẹ. Nên chấm dứt ngay những cơn giận dữ để không tạo sự lây lan tâm lý tiêu cực đến con cái, người thân. Có thể chấm dứt khổ đau bằng cách im lặng, đi ra sân vườn hít thở không khí trong lành, hoặc ra bờ sông nhìn sự tĩnh lặng của sông nước.
Hãy nhìn thật sâu để có thể thấy bản chất của nước có sự phẳng lặng, yên tĩnh và đẹp đẽ. Khi soi mặt mình dưới dòng nước, có thể thấy bản chất thật của chính mình như thể đang soi mặt trong gương. Nếu con sông đang có những cơn sóng lượn lên, lượn xuống nối tiếp hết cơn sóng này đến cơn sóng khác thì người soi bóng không còn thấy được gương mặt của mình một cách đầy đặn vì gợn sóng làm hình ảnh bị biến dạng. Tương tự, cơn sóng của khổ đau đã làm cho gương mặt người bị méo, không còn tươi tắn nữa. Người bị giận dữ chinh phục thì thái độ sẽ thay đổi, nhận thức không còn sáng suốt và hành động chỉ để lại hối hận về sau. Do vậy, để gương mặt được thanh quang, phong cách rạng rỡ, đừng bao giờ nuôi dưỡng cơn giận dữ. Nhìn chung, sự tránh duyên, đổi đài hay lánh mặt trước những hoàn cảnh, con người, sự kiện, vấn đề không vui vẫn có khả năng ngăn chặn cơn giận ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, nếu dừng ở phương pháp tránh duyên hay lánh mặt, chạy trốn thì không phải là giải pháp lâu dài, vì nội kết sân hận trong tâm vẫn tồn tại. Nếu không biết cách ngăn chặn thì đến một lúc thích hợp, cơn giận dữ tiềm ẩn sẽ bộc phát với cường độ giận dữ lớn hơn, sẽ tàn phá mối quan hệ lớn hơn gấp nhiều lần.
Chính vì thế, giải pháp hoãn binh hay đổi đài chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính hỗ trợ. Bởi vì, có những người sống trong quán tính, thói quen sân si hoặc cách ứng xử đối đầu. Chẳng hạn, khi bị người khác đánh một cái thì bằng mọi giá phải đánh lại cho người đó đau hơn, hoặc bị người khác tát một cái, phải tát lại họ hai cái, bị chửi một câu thì phải mắng lại hai câu. Tức là xử sự theo cách thế để người kia không còn dám dụng đến mình. Cho nên, cách hoãn binh hay đổi đài chỉ là cách ẩn náu các phiền não, hay làm lắng dịu các phiền não chứ chưa phải chuyển hoá phiền não một cách trọn vẹn.
Trong kho tàng văn học truyện cổ dân gian Trung Hoa có câu chuyện nói về con chim khách và chim cú. Chim khách là loài chim có tiếng hót hay, được mọi người yêu thích vì họ quan niệm như biểu tượng của hạnh phúc, khiến người nghe âm thanh có thể sảng khoái tinh thần. Ngược lại, tiếng hót loài chim cú bị người đời chán ghét, vì dân gian quan niệm tiếng kêu của loài chim này báo trước điềm bất hạnh, trong làng hay trong nhà sẽ có người thân qua đời. Cho nên, mỗi khi nghe tiếng kêu của cú, người ta thường dùng ná, cung tên hay súng để bắn hoặc tìm mọi cách giết nó, hay tối thiểu cũng xua đuổi đi nơi khác. Khi chim cú bị đẩy vào tình thế không còn lối thoát thì chúng phải tìm cách lánh khỏi ngôi làng có văn hoá mê tín, áp đặt cho nó một cái danh xấu. Do đó, mạng sống của chim cú lệ thuộc vào quan niệm mê tín của con người.
Một hôm, chim cú tìm đến nhà chim khách, nói: “Tình cảm giữa hai chúng ta không có gì thay đổi, nhưng tôi phải chia tay chị, vì không còn cách nào ở lại đây được nữa”. Nghe xong, chim khách liền hỏi rõ nguyên nhân. Chim cú trả lời: “Bởi vì người ta ghét tôi, không thích tôi, thù hận tôi. Thậm chí, có người muốn giết tôi khi nghe tôi cất tiếng hót, khi thấy tôi có mặt trong làng. Do đó, bầu trời tuy lớn, mảnh đất tuy rộng nhưng tôi lại không có nơi để an thân. Tôi không thể ở lại nơi này được nữa!” Chim khách nói: “Mấu chốt vấn đề không nằm ở chỗ chị sống nơi này hay nơi khác. Thay vì di cư, chị nên thay đổi tiếng hót để con người không còn cho chị là con vật báo hiệu cái chết hoặc đem lại nỗi buồn, bất hạnh cho họ là được”.
Quả đúng vậy, nếu không biết thay đổi tình thế, mà cứ chạy đến chỗ này hay chỗ kia thì sẽ giống tình trạng như người Việt Nam thường nói, “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Đôi khi, “vỏ dừa” mà người tỵ nạn gặp phải sau khi thất bại trong sự đối đầu còn nguy hại hơn “vỏ dưa”. Do vậy, sự chạy trốn hay tỵ nạn chỉ là giải pháp tạm thời.
Nên nhận thức bản chất của giận dữ và tìm cách chặn đứng cơn giận dữ như chặn đứng dòng thác chảy, lũ lụt, hạn hán, lửa cháy… Những hình ảnh này giúp hình dung đến sự hủy diệt, cảnh mất mát, khổ đau, không mang lại giá trị hạnh phúc cho đời sống con người. Khi nhận ra được lợi và hại của việc chuyển hoá lòng sân hận tạm thời và dứt điểm thì nên chuyển hóa, không nên chạy trốn và cần có bản lĩnh giải quyết dứt điểm. Sớm hay muộn gì cũng phải đối diện với nó. Bằng không, nó cũng biến dạng theo cách thức khác còn nguy hiểm hơn.
HÀNH ĐỘNG TƯƠNG NHƯỢNG
Giải pháp khác có thể hóa giải sân hận là thái độ tương nhượng. Giải pháp này yêu cầu người nỗ lực hoá giải sân hận phải có thái độ nhường nhịn để tạo không gian bớt căng thẳng, dễ thở cho cả hai, tìm không gian mới để cả hai cùng thiết lập lại mối quan hệ không khổ đau. Cần tạo ra hiệp ước, dĩ nhiên là hiệp ước xã hội giữa hai người, hai đoàn thể, hai cộng đồng hay hai quốc gia. Hiệp ước đó phải đặt trên trục xoay giá trị và lợi ích song phương, hai bên đều được lợi lạc. Khi đã thiết lập được hiệp ước giá trị với ranh giới của sự tương nhượng thì không nên hủy bỏ hiệp ước đó vì bất cứ lý do nào.
Có rất nhiều cách tương nhượng. Ví dụ về cá tính của con người, khi mới gặp đối phương có cá tính mạnh thì sự khác nhau về tính tình trở thành áp lực, nếu làm ăn lâu dài sẽ là phản lực. Mâu thuẫn giằng xé trong xúc cảm, đôi lúc không chấp nhận nhau. Người Việt Nam có câu, nói về tiêu chí của mối quan hệ trên góc độ của sự tương nhượng rất hay: “tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Ở đây, voi hiểu như đại từ chỉ chung cho tất cả đối tác khó khăn, gây rối, dễ giận dỗi, phiền hà, thích ức hiếp, lấn lướt đối tác…
Tránh người như vậy là một sự tương nhượng để có giá trị hòa bình hay ít nhất không bị đổ vỡ. Do đó, không nên nghĩ thái độ ứng xử đó là sự hổ thẹn. Làm thế nào để người ứng xử thấy được điều đó? Và quan niệm giống vậy? Có lúc đối phương rất bực dọc, sân hận khi thấy ta biểu đạt, lý luận, chứng minh, sống, làm việc và giải quyết vấn đề hoàn toàn khác họ. Lúc đó, phiền não có thể xuất hiện một chiều. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của sự tương nhượng, người ứng xử không cho phép bất mãn, nổi nóng vì điều đó dễ biến hai người thành chiều đối lập và phiền não gia tăng.
Khi nội kết trong đối tác xuất hiện, cố gắng nỗ lực tháo gỡ để giới hạn trong phạm vi một chiều, rồi dần dần thuyết phục họ tháo gỡ sự bế tắc. Không giữ nội kết trong tâm sẽ giúp đối phương khó tính đến một lúc nào đó nhìn thấy được cách nói, ứng xử của họ không còn thích hợp. Do vậy, phải chuyển hoá theo hướng tích cực. Nếu không khéo, con người sẽ tạo ra rất nhiều mâu thuẫn với nhau, đặc biệt là người yêu quý, gần gũi nhất. Quan hệ tình thân, tình thương càng nhiều thì sự chấp mắc càng lớn. Người ta có thể lý luận, đây là chồng, vợ, con, em, người thân… của tôi nên họ không được làm những chuyện như thế vì đã quá hiểu tôi. Trên thực tế, mặc dù có những khổ đau diễn ra trong gia đình rất tình cờ, không hề được sắp xếp trước, hoặc do sự hiểu lầm nhưng khi gán tính tác giả của nỗi đau vào người thân thì cảm xúc chấp trước quan niệm họ là nạn nhân của bất hạnh. Gán tính tác giả việc xấu vào người nào đó sẽ làm cho quan hệ an vui, hạnh phúc của người đó bị tan nát thành từng mảnh vụn.
Do con người có thói quen chấp trước, cho rằng người thân luôn mang lại khổ đau cho mình, tất cả niềm an vui hạnh phúc đã bị người thân cướp mất, lúc đầu cơn giận dữ không đáng kể, nhưng lâu dài lại lớn không thể tưởng tượng. Làm vậy là vô tình khiến người thân không còn thế đứng. Giống như cây cầu gãy làm hai hoặc chiếc ly bể ra thành nhiều mảnh, hay chén cơm vừa ăn đã bị nôn ra. Không buông được cảm xúc khổ đau sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ và hạnh phúc.
Nếu cách ứng xử tình người không còn nữa thì hạnh phúc bị đổ vỡ, và khổ đau sẽ đồng hành với con người. Cho nên, giải pháp tương nhượng là cách nương tựa nhau để tạo hạnh phúc và thiết lập giá trị tốt đẹp trong đời!
Đừng cho mình là trung tâm của vũ trụ. Đừng lấy mình làm hệ quy chiếu để nhận định, đánh giá người khác. Hãy quan niệm mình và người có những vai trò khác nhau, mang tính mắt xích trong xã hội. Nếu các mắt xích nối kết với nhau theo nguyên lý tương thuộc thì sẽ vận hành theo hướng tốt đẹp cho cuộc đời. Ngược lại, nếu có điều gì đó được xem là nguyên nhân đầu tiên, quyết định tất cả các giá trị còn lại thì khó có thể tránh khỏi tình trạng độc đoán trong quan điểm và ứng xử.
Cho nên, sự tương nhượng là một nhu cầu cần thiết để có những hòa ước giữa người với người. Nhờ vậy, cơn giận dữ không có điều kiện khởi sinh và phát triển. Ứng xử theo nguyên tắc tương nhượng là cách nhìn nhận, đánh giá và chấp nhận sự khác biệt đa dạng chứ không phải trở ngại. Dĩ nhiên, sự khác biệt về cá tính có thể làm cho nhau phiền não. Nếu sự khác biệt của mình làm người khác không thích thì đừng bắt buộc người khác làm, hoặc tệ hơn nữa là biến mình thành trục đánh giá.
Tại sao người nữ gặp người nam lại thích và người nam bị thu hút khi gặp người nữ? Sự khác nhau thường có tính hấp lực trong thời gian đầu gặp gỡ. Chẳng hạn, người nói cười nhiều lại thích người im lặng. Lúc đầu, hấp lực nhau nhưng về sau lại là áp lực, và về lâu dài không thể dung chứa nhau được. Phải biết tìm cách nuôi dưỡng sự tích cực giữa hai cá thể với hai cá tính khác biệt, như để bổ sung cho nhau. Quan niệm đa dạng là lợi lạc, phong phú trong tương quan để cùng thăng hoa, hẳn sẽ làm thế giới đa nguyên nhưng lại hợp tác vì lợi ích!
Nhà Phật dạy phát triển cách nhìn lạc quan là nhìn sự khác biệt như sự bổ sung cho nhau. Nền văn hóa của nhiều sắc tộc được tôn vinh khắp thế giới, vì nó thể hiện và giữ được những sắc thái riêng. Mấy mươi năm trở lại đây, Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia cần phải duy trì bản sắc dân tộc, truyền thống, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng vì sự giữ gìn đó góp phần tạo thành tổng thể giá trị văn hoá của thế giới con người đa dạng và phong phú.
Nếu đánh mất các đặc trưng đó cũng như đánh mất các hệ giá trị tinh thần và tâm linh. Không có giá trị văn hoá, đời sống trở nên nghèo nàn, vô nghĩa. Cần giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của đất nước để đất nước trở thành cái nôi của hạnh phúc và hãnh diện. Khi tiếp nhận nền văn hoá theo cách thức vừa nêu thì những mặc cảm tự ti về dân tộc giữa con người sẽ bị rơi rụng. Nhờ đó, có thể góp phần đem lại những nét đẹp cho đời!
Nếu quan niệm sự khác biệt về cá tính giữa mình và người, cách tốt nhất là soi lại chính mình. Nếu hai người giống nhau 100% cùng sống với nhau sẽ tạo thành sự nhàm chán, hoặc cạnh tranh như cây trong rừng. Nhiều cây cùng chủng loại tạo thành rừng, nhưng có thể giành chỗ đứng của nhau. Hai dòng nước gặp nhau có thể tạo thành lũ lụt. Hai ngọn lửa gặp nhau tạo sự hủy diệt. Hai cây chạm nhau có thể có cây bị gãy…
Quan niệm Ngũ hành tương sinh và tương khắc của người Trung Hoa cho sự giống nhau chưa chắc đã tốt, vì giành thế đứng của nhau có thể dẫn đến sự loại trừ. Hai cây cùng tồn tại trên một mảnh đất sẽ có một cây hấp thụ những chất phì nhiêu của đất nhiều hơn. Quan sát khu rừng, thấy những cây rừng có đường kính, chiều cao và những chiếc lá giống nhau. Thực tế, chúng hoàn toàn khác nhau về chiều kích, hình dáng, màu sắc và ngay cả giá trị sử dụng, mặc dù được trồng cùng một giờ, một ngày.
Nhìn năm ngón của bàn tay, thấy ngón cái to, ngón trỏ ngắn, ngón giữa dài nhất, ngón áp út dài nhì, ngón út nhỏ và dài hơn ngón cái một chút. Bàn tay cũng có hình thù rất khác biệt, có bàn tay hình búp măng, hình đốt xương sần sùi, có bàn tay dài, bàn tay ngắn. Không có bàn tay nào giống bàn tay nào.
Hoa văn ở trên bàn tay, những đường tâm đạo, trí đạo, mệnh đạo và các gò trong lòng bàn tay cũng hoàn toàn khác nhau giữa mọi người. Sự khác biệt đó chính là cách thức tạo sự cá biệt của một bàn tay. Hãy thử tưởng tượng, nếu năm ngón tay của một bàn tay đều bằng nhau thì trông dị hợm vô cùng. Tương tự, đầu, mắt, mũi, tai, miệng, bàn chân, dáng đi… không có người nào giống người nào. Chính nhờ sự khác biệt đó, mỗi cơ quan trong cơ thể đóng một vai trò, chức năng khác nhau và làm cho bộ máy sự sống được vận hành thích hợp, tạo ra sức khoẻ và tuổi thọ của con người.
Khi quan niệm, sự khác nhau chính là nhu cầu bổ sung và làm đẹp cho nhau, sẽ phát huy được tính rộng lượng và kho- an dung. Tất cả sự khác biệt không mang lại sự phiền não, căng thẳng, loại trừ. Nhờ quan niệm vậy, không còn xem đối phương là cây gai để khỏi phải bị giận dữ thiêu đốt không khí hòa nhã. Nhờ đó, con người có thể sống một cách hòa bình, mặc dù cá tính một trời một vực. Phải biết chấp nhận cá tính của người khác. Thấy được rằng, mỗi người đều có cá tính và sự vận hành riêng, bắt nguồn từ sự nhận thức, dẫn đến cách ứng xử qua lời nói, việc làm có thể biểu đạt thói quen của mắt, tai, miệng, mũi, thân xúc chạm và ý tưởng.
Hai người sinh ra cùng một giờ như những cặp song sinh nhưng cá tánh khác nhau, đây là điều kiểm chứng được. Cho nên, đừng sống với thái độ quá lý tưởng và mong muốn người sống chung phải hoàn toàn phù hợp tính tình của mình. Nên tôn trọng người khác để có không gian và sắc thái riêng bổ sung cho cái riêng của ta. Nên tạo cơ hội để người khác hoàn thiện nhân cách của họ.
Có thể tạo dựng không khí tươi mát như những đoá hoa trong một khu vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ. Trong đó, mỗi đoá hoa là sự đóng góp cho người đời chiêm ngưỡng và để mỗi người cảm nhận riêng về từng loại hương sắc. Đừng nói rằng, tôi phải là hoa hồng còn người kia phải là hoa mười giờ. Tất cả các loại hoa dù hoa hồng hay hoa dại cũng góp phần hỗ trợ cho vườn hoa được nhiều sắc thái. Nếu không có những vùng tối trên một bức tranh thì sự biểu đạt của vầng sáng hoàn toàn vô nghĩa. Sự tương phản trong hài hoà làm cho bức tranh trở nên ấn tượng và có giá trị nghệ thuật!
Người am hiểu nghệ thuật sẽ không nỗ lực tạo ra nhiều chi tiết cho bức tranh những nét đẹp. Nếu mọi thứ đều nổi bật thì không có gì trở thành nổi bật trong bức tranh. Phải phối hợp tối sáng, lồi lõm, cao thấp, trong ngoài… nhằm tạo ra tính tương phản bổ sung và làm đẹp cho nhau. Nếu mọi chi tiết đều được làm đẹp thì tổng thể của cái đẹp đó không còn nổi bật nữa. Đẹp chính là sự hài hoà. Phải có cái không đẹp để tạo cho cái đẹp được đẹp hơn. Tối sẽ làm phương tiện cho ánh sáng nổi bật. Ánh sáng làm cho bóng tối tăng giá trị. Giá trị của mọi đối lập và khác biệt chỉ mang tính tương đối, biết cách sử dụng thì mọi thứ đều có giá trị!
KHÔNG LIÊN MINH VỚI GIẬN DỮ
Theo phương pháp không liên minh, người ứng xử không nên đứng về phe nào để tạo tình huống cô lập cho người có vấn đề. Như trong quan hệ gia đình, khi người vợ hận chồng vì tính không chung thuỷ hoặc bỏ bê vợ con. Với tư cách là người mẹ muốn con đứng về phía mình để tấn công chồng, bằng cách nói những điều xấu của cha cho con cái nghe. Ngược lại, có những lúc người cha muốn đứa con đứng về phía mình cũng nói xấu về người mẹ, đẩy người mẹ vào thế phiền não khổ đau. Sự thiết lập liên minh trong tình huống này là một nỗi đau của nhiều gia đình.
Nếu bạn là người con bất hạnh trong gia đình đó thì đừng nên liên minh về phía cha hoặc mẹ. Làm vậy, bạn sẽ phá vỡ đạo lý hiếu thảo với hai đấng sinh thành, góp phần đổ dầu vào lửa, thiêu đốt hạnh phúc gia đình.
Không liên minh với người khác trong cơn giận là cách làm phiền não đã phát sinh không có cơ hội phát triển. Nếu hai người bất hòa với nhau mà có người khác đứng về phía một trong hai thì người được liên minh sẽ hãnh diện, tự hào và cho rằng mình có lý, người kia sai. Do vậy, sự căng thẳng trong quan hệ đó sẽ có mặt. Phản ứng cực đoan trong tình trạng thiết lập liên minh là đẩy người không có liên minh vào chân tường. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình huống đó xuất hiện? Dù không đoán trước được tất cả hậu quả xấu nhưng vẫn có thể thừa hiểu sẽ chẳng dẫn đến tình trạng tốt đẹp cho cả ba bên, tức hai đương sự và người liên minh.
Trở lại tình huống bất hạnh khi người vợ bị người chồng không chung thủy bạc đãi. Do chịu quá nhiều khổ đau và mặc cảm, người vợ với tư cách là mẹ, yêu cầu con đứng về phía mình và đối lập với cha. Nếu con thương và đứng về phía mẹ thì đứa con đó trở thành bất hiếu với cha. Đứng về phía mẹ thì mất lòng cha. Được bên này trong tư thế liên minh sẽ mất bên kia và ngược lại. Dù tình trạng giữa vợ chồng ra sao đi nữa thì người vợ cũng không nên buộc con liên minh với mình, để kháng cự cha. Cũng không nên ngăn cản các con hiếu thảo hoặc thăm viếng cha (mẹ) của nó.
Hậu quả khác của cách thiết lập liên minh vừa nêu còn tạo ra tâm lý nạn nhân ở những đứa con, đặc biệt là con gái. Khi liên minh với mẹ, chỉ trích sai lầm của cha; lớn lên,
người con gái không còn tin tưởng sự chung thủy của bất cứ người đàn ông nào nữa, vì người cha cô thần tượng đã bị sụp đổ qua ứng xử quá tồi tệ với mẹ. Nói cách khác, thiết lập liên minh để tạo đối lập và trả thù chỉ là cách làm cho nỗi đau và cơn giận dữ được nuôi lớn, vô tình tạo nên sự đổ vỡ. Những người con trong tình huống đó chỉ nên đóng vai trò khách quan, để thấy được gốc rễ của sự bất hòa giữa cha và mẹ là lý do gì. Từ đó, tìm cách tháo gỡ sự bất hoà đó.
Hãy đóng vai trò là người chữa lành các vết thương khổ đau! Hãy là dòng nước tưới mát sự khô cằn ở cha và mẹ, để tình thương yêu của song thân tái tạo lại sức sống! Nếu làm người hoà giải không thành thì cũng đừng làm cho mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng. Người không liên minh nên làm công việc của người hòa giải hơn là công việc của người trọng tài. Do đó, đừng tạo ra thế đối lập giữa mình với hai đối tác đang gặp trục trặc. Vì làm thế, phức tạp càng gia tăng nhiều hơn nữa.
Đừng bao giờ liên minh với khổ đau, nỗi bất hòa vì đó không phải là giải pháp. Liên minh với một đối tác nào đó trong quan hệ bất hoà là đẩy người còn lại vào chân tường. Nghĩa là, người bị cô lập trong tình huống này sẽ không còn đường hướng về tình thương, hạnh phúc, đoàn kết và hóa giải.
Cần phải phản quan lại bản thân xem tất cả sự đổ vỡ trong quá khứ có bắt nguồn từ sân hận nào, nguồn gốc của những bất hoà và đỗ vỡ do đâu, có phải do chính ta tạo ra, nó có tạo ra theo cách buộc người khác phải liên minh? Giữ vai trò khách quan để giải quyết mối bất hòa mà lại có thiện cảm đối tượng này và ác cảm đối tượng kia là đã quên đi vai trò trung gian, vô tình đẩy mối quan hệ đổ vỡ xuống vực thẳm. Nếu xác định trong quá khứ từng có những cách ứng xử sai lầm thì hiện tại cần phải quyết tâm khắc phục, chuyển hóa hoàn toàn tốt đẹp ở hiện tại và trong tương lai.
Cho nên, không liên minh với cơn giận là cách trị liệu làm cơn sân hận không thể xảy ra. Nếu có diễn ra cũng không ảnh hưởng đến người liên hệ. Đứng phía người chồng, vợ, cha, mẹ hay bất kỳ phía nào cũng đều biến người còn lại thành kẻ thù. Trong khi đó, người cha, mẹ, vợ, chồng cũng đều là những người thân, không thể làm cho họ đau khổ.
Người đang sống trong trạng thái sân hận không thể nói “tôi cóc cần” hay “tôi không sợ gì cả”. Cũng đừng nói những câu mang tính thách đố như, “Nếu ông (bà) muốn ra tòa thì ra, muốn ly dị thì ly dị, muốn tới đâu thì tới đó...” Những thách đố như thế dù không phát xuất từ lòng cay độc, mà chỉ do vì tự ái, sĩ diện nhưng trở thành “Giận quá mất khôn”. Càng ứng xử theo thái độ “bất cần” càng tạo ra liên minh khổ đau và phiền não. Do vậy, cần phải sáng suốt để vô hiệu hoá các liên minh trong cơn đau, nỗi buồn. Chỉ có hoá giải, không phải liên minh phe này hay phe nọ mới có thể mang lại hạnh phúc cho người đang khổ đau, hoà hợp những người bị chia rẽ, kết nối tình thân thương cho những người vốn thù nhau.
Đây là phương pháp được đức Phật dạy trong kinh Bốn Mươi Hai Chương. Đức Phật là người đầu tiên quan niệm khổ đau do phiền não gây ra, như món quà “bất đắc dĩ” người khác cố tình “tặng” cho bất kỳ ai đó. Dĩ nhiên, quà này chỉ là một trái bom được cài đặt vào những gì con người không thích bị mất mát, tàn phá. Nếu tôn thờ, nó sẽ làm cho thân phận con người nổ tung thành từng mảnh.
Có những mối quan hệ bị đối phương đẩy mình vào chân tường khiến không còn chỗ đứng. Những tiếp xúc làm cho người ta chìm sâu vào mặc cảm tự ti. Người ta có thể trút cơn giận qua lời nói, hành động, việc làm, khiến người khác không còn thấy giá trị tích cực của cuộc đời, họ chán ngán phải thốt lên, “Nhân tình thế thái!” Một trong những tình huống liên hệ đến sự chán nản nhân tình và không muốn sống kiếp người nữa, Hoàng Trung Thông đã thốt lên hai câu thơ hoàn toàn bế tắc:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Có thể, quan hệ giữa nhà thơ và người thân đã bị khổ đau tàn phá quá nhiều, ý thức sự sống không còn giá trị, đến độ không muốn sống làm người nữa. Nỗi đau hiện tại nhiều quá làm con người muốn chối từ kiếp sau, kiếp mà nếu tiếp tục làm người có lẽ sẽ khổ đau nhiều hơn. Cái nhìn định mệnh tiêu cực này đã tạo ra nhiều oan trái cho cuộc đời. Thân phận con người là quý giá nhất! Ấy thế, do vì bế tắc trong quan hệ, có người chỉ muốn làm cây thông đứng reo trước gió. Biết đâu như vậy còn tạo cơ hội giúp hoạ sĩ vẽ nên một bức tranh, tạo cảnh cho thi sĩ làm một bài thơ tình tứ còn hơn là làm người.
Bất mãn cuộc sống do niềm đau gây ra, con người trở nên ngông cuồng và bất chấp tất cả. Hậu quả để lại lớn nhất của quan niệm này là giết chết bản lĩnh, niềm tin về giá trị cuộc sống ở hiện tại và tương lai. Thà làm cây thông có chức năng lộng gió còn hơn làm con người vô dụng trên đời. Chịu đựng trong uất ức và oán hận làm con người biến dạng tâm lý, không thiết tưởng đến bất kỳ điều gì đang diễn ra. Đó là thái độ rất tiêu cực.
Sự lận đận giữa ta và người khác giống như một mắt mía bị sâu ăn, hay một lỗ trống của căn nhà, cái hang chuột, ổ gà... Đừng vì sợ ổ gà mà cho cuộc đời này toàn là vực sâu. Đừng vì một viên đá lõm mà cho thế giới toàn là núi đá phiền não. Trong khổ đau, quan niệm cường điệu hóa tạo cho vấn đề trở nên phức tạp, lẽ ra không nên quan trọng hoá. Phải bình thường hoá mọi thứ để không có cái gì có thể làm nản lòng nhà hành trì tâm linh.
Trong cuộc đời có biết bao niềm vui, nỗi buồn chất chồng lên nhau như ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, lòng bàn tay và mu bàn tay. Xuất hiện rồi biến mất, biến mất để được xuất hiện. Không biết cách chuyển hoá thì việc nhỏ hoá to. Biết cách chuyển hoá thì việc nghiêm trọng trở nên bình thường. Chỉ cần đừng đánh mất niềm tin trong cuộc sống!
XEM NGHỊCH CẢNH NHƯ MÓN QUÀ
Khi đức Phật còn tại thế, uy đức của Ngài rất lớn, đến độ người ta nói Ngài là người của nhân từ, tình thương bao la, rộng lượng và tha thứ. Có người khi nghe đến oai đức của Ngài, cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ họ là số một nhưng lại không nhận được sự tôn kính ở người khác như đức Phật. Khi lòng ganh tị xuất hiện, con người có thể làm việc xấu để thoả mãn cơn giận dữ.
Có ông Bà-la-môn ganh tị trước những thành tựu của đức Phật, ông vô cùng bực tức, nên đến mắng nhiếc và nhục mạ Ngài. Thấy đức Phật thản nhiên, không phiền não, ông liền kê miệng sát vào tai Ngài hét lớn nhưng đức Phật vẫn ngồi yên, không phản ứng. Ông nói cay cú để chọc tức: “Tôi biết rồi, Ông là người điếc nên không nghe tôi chửi rủa Ông chứ gì”. Ông ta nói bằng nhiều cách, khiêu khích. Đức Phật vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thái độ im lặng của đức Phật làm ông ta mất hứng.
Cũng vậy, khi ai đó tạo phiền não, sân hận với mình thì sự trả đũa sẽ làm cơn sân hận đang cháy như ngọn lửa được đổ thêm dầu, phiền não càng cháy nhiều hơn. Do đó, phải tìm cách để đối phương không có dịp đổ thêm dầu vào lửa. Thái độ thản nhiên của người bị khiêu khích sẽ chuyển hóa người sân hận gây chuyện. Khi nắm tay lại và đấm vào không gian, cú đấm đó vô nghĩa vì không có đối tượng. Nếu đấm vào bao cát, trái banh, thậm chí vào tường… mỗi cú đấm đều có một lực phản. Còn khi đấm vào không gian, lực phản không có mặt thì người đấm không còn hứng thú để tiếp tục đấm nữa.
Mục đích của phương pháp không nhận món quà phiền não hành động sân hận của người gây hấn bị mất hứng vì không có phản lực đối lập lại. Cú đấm ở đây có thể hiểu là lời nói tục tĩu, thị phi, chọc tức người làm những việc nhân từ, những việc tốt phục vụ cộng đồng và xã hội... Tương tự cú đấm vào không gian không có sự phản hồi, các hành động nhục mạ của kẻ sân nếu không gặp lực phản hồi sẽ nguội lạnh. Cảm xúc mất hứng của người sân không gặp phản lực sẽ cảm thấy bản ngã được thoả mãn nên không tạo thêm nghiệp sân nữa.
Khi ông Bà-la-môn mất hứng, đức Phật mới hỏi: “Khi gia đình ông tổ chức sinh nhật, bạn bè ông mang quà đến tặng. Nếu không có nhu cầu thì ông sẽ ứng xử trước những phần quà đó như thế nào?” Người Bà-la-môn nói: “Nếu tôi không tha thiết nhận quà thì người tặng quà không còn cách nào khác hơn là mang về”. Đức Phật đáp: “Tương tự, ông đã mang rất nhiều quà tặng cho Như Lai, là quà sân hận, bực tức, giận dữ, phiền não. Như Lai không có chỗ để chứa những phần quà này. Nhà của Như Lai đã có tất cả đầy đủ vật dụng của đạo đức và lòng từ bi. Xin cảm phiền ông hãy mang các món quà đó về”.
Lời nói của đức Phật đã làm cho Bà-la-môn thức tỉnh. Có người nhận định, đức Phật đã trả đũa một cách thâm thúy. Nếu trả lời bằng những lời bực tức, người kia sẽ không đau nên Ngài nói bằng lời nhân từ có móc câu sẽ làm ông Bà-la- môn đau đớn nhiều hơn. Hiểu vậy là lý giải sai. Vì giá trị lời nói ngoài biểu đạt của cách dùng từ còn chịu ảnh hưởng ngữ điệu và cách phát âm.
Cũng một lời nói mà ngữ điệu có âm sắc của lòng nhân từ, độ lượng, tha thứ, hỷ xả và vô chấp thì không thể xem là cái móc câu. Như Lai không bao giờ phát ngôn để trả đũa. Ngài từng tuyên bố: “Ta không tranh chấp với đời, chỉ đời tranh chấp với Ta”. Nhờ lời nói vô chấp và nhân từ mà hành động sân hận của người nhục mạ đã được chuyển hoá. Nếu lời nói có ngữ điệu của sự sân hận và trả đũa thì chắc chắn không thể đóng vai trò chuyển hoá được. Trường hợp dụng ngữ và thái độ sắc âm của đức Phật mang chất liệu của lòng từ bi nên có tác dụng thay đổi tâm kẻ xấu.
Cùng một câu hỏi nhưng nếu ba người có cá tính khác nhau thì sự biểu đạt nội dung ẩn ý bên trong cũng khác biệt. Thí dụ, trong văn hoá giao tiếp người Anh, khi gặp người quen thường dùng câu hỏi: “How are you?” (có nghĩa là ông/ bà/ anh/ chị… khỏe không?). Trong văn hoá giao tiếp, người hỏi câu này không có dụng ý muốn lắng nghe người được quan tâm kể lể về sức khoẻ kiểu, “ngày hôm qua tôi bị xe đụng” hay “hôm nay tôi bị nhức đầu”… Mà câu hỏi chỉ đơn thuần là một câu xã giao, biểu đạt mối quan hệ tình người, không hẳn mang thông điệp của sự quan tâm đối với người được hỏi. Đây là đặc trưng giao tiếp của phương Tây.
Cũng câu hỏi “Ông khỏe không?” Nếu người hỏi nhấn mạnh ngữ điệu bằng cách vểnh môi thì là lời trêu chọc rằng, ông bệnh là đáng đời lắm chứ không phải lời thăm hỏi. Nếu câu hỏi được phát ra với ngữ điệu biểu đạt nhẹ nhàng thì là sự quan tâm thật sự. Trường hợp này ẩn chứa quan niệm nỗi đau của người được hỏi như nỗi đau của người hỏi vì người hỏi thấy cần có sự an ủi và chia sẻ.
Tình huống xã giao thì câu hỏi chỉ được dùng để hỏi và người hỏi không hề chờ đợi bất kỳ sự giải thích nào về tình trạng sức khoẻ. Gặp nhau thì hỏi vậy thôi. Đôi khi, câu hỏi chưa dứt lời, người hỏi đã đi mất. Nói cách khác, câu hỏi trong ngôn ngữ giao tế chỉ có chức năng ngoại giao, không đặt tình cảm đồng tình hay phản đối, thân hay sơ, quan tâm hay mặc kệ, chia sẻ hay nói móc…
Như vậy, cũng câu nói nhưng nếu biểu đạt bằng ba ngữ điệu khác nhau thì có thông điệp giá trị, dụng ý khác nhau. Đức Phật khi dùng khái niệm, “Tôi không nhận quà của anh, tôi không nhận quà của sân hận, phiền não, bực dọc” tức là Ngài muốn nói tại sao lại tặng những phần quà khổ đau và buộc người khác phải nhận. Có thể bất đồng với quan điểm này hoặc quan điểm kia nhưng tôn trọng nhau về cá tính, những cái mà người có, mình không có. Không hợp nhau cũng nên hoà hợp. Nói theo Tổ Huệ Năng, nếu không hợp thì hãy chắp tay chào nhau trong hoan hỷ. Tại sao phải tạo những cây gai để không thể đến gần nhau? Cần gì phải khoác vào thân những chiếc áo giáp mà lẽ ra chỉ cần thân thiện, dang tay ôm lấy người khác. Tại sao phải cần đến vũ khí thay vì có thể bắt tay, chào nhau trong thân thiện, hòa bình và hạnh phúc!?
Trở lại câu chuyện đức Phật. Lời nói của Ngài mang chất liệu của tình thương, tỉnh thức làm cho Bà-la-môn suy nghĩ lại. Tại sao mình phải nói những lời cộc cằn với bậc nhân từ, người mang tình thương đến với nhiều người. Lẽ ra phải tán dương và kính ngưỡng bậc nhân từ ấy, phải tuỳ hỷ với những thành công của Bậc Đại Giác, người xiển dương các giá trị đạo đức. Cho nên, sau câu nói của đức Phật, vị Bà-la-môn chẳng những không giận dữ mà còn phát nguyện trở thành đệ tử của Ngài.
Nên quan niệm, phiền não sân hận như những phần quà không cần mà đến. Nhờ đó, sự bực tức không cơ hội phát triển. Hãy quan niệm, tất cả những điều xấu xảy ra trong cuộc đời này chỉ đơn thuần là những phần quà mà mình không cần đến. Vì không có chỗ chứa thì nỗi đau không có mặt. Trong nhận thức và lý tưởng phục vụ, người dấn than không nên mang vác các loại quà sân si của người xấu, ác trên lưng, lại càng không nên vác theo trong trí não và cũng không nên để nó ám ảnh. Thói quen nghĩ mình là nạn nhân sẽ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng. Bỏ thói quen quan trọng hoá vấn đề thì mọi việc sẽ chẳng hề hấn. Nhờ quan niệm, tất cả những chướng ngại và phiền não như phần quà, hành giả có thể vứt những khổ đau ra ngoài tâm thức, hoặc quăng chúng vào sọt rác. Không nên dung chứa những thứ không cần thiết vào cuộc đời.
Khi quan niệm lời xấu, ác là quà tặng, người ứng xử thông minh sẽ có cảm giác thương người sân si. Bởi vì, khi người sân ấy chịu mang quà đến là họ đã có tấm lòng với mình rồi. Không phiền não đối với người xấu, không quan tâm về những gì khó chịu. Nhờ ứng xử vậy, các phiền não giữa mình với người được chặn đứng, ít nhất là về phương diện hành trì. Nếu sáng suốt, nên rộng lượng, bao dung, hỷ xả về những gì người xấu mang lại cho mình. Làm thế, có thể đối phương cảm thấy tức tối và phiền não nhiều hơn vì lầm nghĩ mình thâm hiểm hay khinh thường họ. Đừng ngại điều đó, mọi việc sẽ được phơi bày trước ánh sáng chân lý! Nếu tâm trong sáng thì không có gì phải bận lòng.
Trong mọi tình huống, người hành trì sẽ không nối kết phiền não với bất kỳ ai. Nếu nội kết hay phiền não được thiết lập thì nó chỉ được thiết lập một chiều ở người cố gây chuyện, người tạo phiền não, giận dữ chứ không thể tồn tại trong tâm, nhận thức, thái độ ứng xử của hành giả. Đến một lúc nào đó, nội kết một chiều sẽ bị mất dạng.
Hoạt động của phiền não thường diễn ra giống cái mâu và thuẫn. Nếu đóng vai trò cái mâu thì đối phương trở thành cái thuẫn và ngược lại. Đó là chưa nói đến tình trạng liên minh. Hễ có một cái mâu thì sẽ có mặt nhiều cái mâu khác, đã có một cái thuẫn thì sẽ có nhiều cái thuẫn khác. Một tiếng vỗ tay sẽ kéo theo nhiều tiếng vỗ tay khác. Một tiếng cổ vũ sẽ tạo thêm nhiều tiếng hòa đồng. Cơn sóng sau sẽ đẩy những cơn sóng trước. Cắt đứt phản ứng sân hận bằng sự chuyển hoá thì sự sân hận sẽ kết thúc!
Nếu biết ứng dụng thích hợp các phương pháp trị liệu lòng sân vừa nêu, thì giá trị an vui có mặt. Áp dụng một, hai, ba phương pháp cùng lúc chúng có thể hỗ tương cho nhau. Phải hoá giải cơn sân để tháo gỡ mối bất hòa. Có thể thiết lập lại sự truyền thông và tình thân, hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ, dựng lại những gì đã ngã xuống, lật ngửa những gì bị nằm úp, mang ánh sáng vào trong bóng tối… Từ đó, thiết lập niềm an vui, hạnh phúc cho chính bản thân và người khác. Giá trị của hạnh phúc chính là biết sống giữa cuộc đời chứ không phải những chấp trước, bám víu vào những phiền muộn do chính mình hoặc người gây ra.
BUÔNG XẢ CHO LÒNG THANH THẢN
Câu chuyện có thật về người vợ thương yêu chồng. Hai người rất chung thủy. Mỗi ngày, hai người cùng dắt tay nhau đi trên từng con đường dù gia cảnh rất nghèo khó. Hạnh phúc đó làm nhiều người phải thèm khát. Ngày chồng chết, vợ khóc rất nhiều và làm đám tang theo tinh thần Phật giáo. Cúng dường tuần thứ nhất, thứ hai và chuẩn bị đến lần thứ bảy thì chuyện bất hạnh diễn ra. Bà phát hiện được quyển nhật ký ghi lại những cuộc tình, đại từ xưng hô để trống. Bà rất sung sướng, hạnh phúc và thầm nghĩ: “Trời ơi! Hồi nào giờ ông thương mình cỡ này mà không chịu nói, mình vẫn cảm nhận được nhưng không nói ra. Có lẽ, nếu ông nói ra thì mình thương gấp hai, gấp ba lần vậy nữa!” Nhưng đến trang cuối cùng, bà ta hoàn toàn bất mãn và thất vọng vì nội dung ghi: “Em ơi! Hôm nay anh không đến được vì bà mụ vợ già của anh cản quá nên anh không thể đến với em được!”
Sụp đổ thần tượng, khổ đau xuất hiện, ngày hôm sau là đúng 49 ngày của chồng nhưng bà đã đập tan nát bàn thờ, hình của ông bị bỏ vào lò lửa. Kết quả của cơn sân hận đẩy bà lâm vào cơn bệnh suy tim trầm trọng. Như vậy, kiến thức về một thực tại bất mãn có thể làm cho con người khổ đau cùng cực! Sự khổ đau có thể được phóng thích bằng bạo động và tạo ra cường lực đổ nát rất lớn.
Trong những tình huống như vậy, phải bình tâm suy xét thì mới dễ dàng tha thứ được. Rất khó, nhưng theo tinh thần của đức Phật dạy, phải tri túc, tức là biết đủ. Nếu đem phân tích trên bình diện hạnh phúc về đời sống hôn nhân như trong trường hợp của bà thì hạnh phúc bà có được với chồng tối thiểu là 80%, 20% cho cô gái khác thì đâu bao nhiêu. Mỗi lần ông đi phải lén lút, phải giấu giếm nhưng về nhà ông vẫn lo tròn trách nhiệm. Dĩ nhiên, điều đó sai với đạo đức, trái với tinh thần chung thủy nhưng nếu so sánh thì bà vẫn được phần hơn. Vì vậy, khi phát hiện ra điều không đẹp, có thể tạm quên đi, đừng đẩy chồng về phía người kia. Vì rất có thể người kia sẽ cướp đoạt luôn. Cũng rất may, người chồng của bà đã chết, nếu không khi bùng nổ ra thì bà sẽ mất chồng. Chắc gì cuộc đời có nhiều cặp vợ chồng được hạnh phúc như bà.
Câu chuyện trên cho thấy, tất cả những người nam cần phải ý thức về điều đó, đừng cho vợ nổi cơn tam bành, lục tặc trở thành “sư tử Hà Đông” thì rất nguy hiểm! Nguyễn Du từng nói, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Đó là một hiện tượng tâm lý. Nếu cường lực bất mãn quá mạnh sẽ làm đổ nát hết cả hạnh phúc đã có trong quá khứ. Chuyện không chung thủy của ông chồng chỉ diễn ra trong những năm cuối đời. Còn mấy chục năm trước, ông chung thủy, tại sao bà ta không nhớ, không cảm nhận bầu trời hạnh phúc đó mà chỉ thấy gai góc của những năm cuối, để rồi đánh đổ hết tất cả hoa hồng của quá khứ, đó là thái độ ứng xử không nên có.
Phật giáo dạy, hãy biết tha thứ! Nếu phát hiện người tình không chân chính thì tha thứ để họ có cơ hội quay về. Thái độ khôn ngoan của người bị nạn sẽ làm người kia hối hận và dễ dàng trở về con đường chân chính, bằng không, họ có thể tìm cơ hội đi luôn và vĩnh viễn người ở lại bị thiệt thòi.
Câu chuyện của Bill Clinton với Monica và vợ là bài học cần ghi nhớ. Vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton là người đàn bà rất rộng lượng, biết chịu đựng trước bao nhiêu mũi dùi của thông tin báo chí, thông tin điện ảnh nhắm vào chồng mình. Nếu như Nicolas Kidman khi nói về Tom Cruise là bà ta đưa đơn ly dị ngay. Nhưng, vợ của Tổng thống Bill Clin- ton khôn ngoan hơn, bà không đứng về phía báo chí, những người hại Bill Clinton mà đứng về phía chồng vì chắc chắn rằng ông Bill Clinton sẽ hối hận nhiều hơn, sẽ thừa nhận sai lầm trước báo chí, đài, trước cả thế giới. Sự tha thứ của vợ trong trường hợp này sẽ làm ông hạnh phúc nhiều hơn. Ông ta sẽ tin tưởng vợ hơn bất cứ ai trên đời. Cho nên, bất mãn là vũ khí nguy hiểm, đồng thời cũng là liều thuốc trị liệu. Thái độ ứng xử trong bất mãn sẽ tạo ra hoặc là sự xây dựng hoặc là đổ nát. Dĩ nhiên, người con Phật sẽ chọn xây dựng chứ không bao giờ đặt sự đổ nát lên trên, bởi vì, mình và người ta sẽ trở thành nạn nhân của nhau vĩnh viễn!
Đức Phật đề cập đến tình huống “người dễ nói” theo chiều hướng họ đã chuyển hóa được lòng sân ở mức độ nhất định nào đó nên rất dễ thương, dễ mến, gần gũi, kính, tiếp xúc và dễ học hỏi. Trong tình huống một vị xuất gia có đầy đủ nhu yếu phẩm do đàn na tín thí cúng như y áo, thực phẩm, phương tiện sinh hoạt, dược phẩm trị liệu nên thấy vị tu sĩ đó không cau có. Nhưng đừng dựa vào những yếu tố biểu hiện bên ngoài mà xác định người đó đã có được những tiến triển về tâm linh trong tu tập.
Theo đức Phật, một hành giả dù là xuất gia hay tại gia không đầy đủ bốn nhu cầu vật dụng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng trong tình huống khó chịu, bức bách ấy mà họ vẫn không khởi lên lòng sân từ trong chiều sâu của tâm thức thì mới có chiều sâu tâm linh. Nhiều người sẵn sàng tha thứ người khác khi họ thành công tuyệt đỉnh nhưng lại không thể bỏ qua một lỗi lầm nhỏ khi họ rơi vào tình thế khổ đau. “Bần cùng đa oán” là trạng thái tâm lý thông thường. Nghèo khó, thiếu thốn tạo ra căng thẳng tâm lý nên dễ oán trách cuộc đời. Khoảng 20 năm về trước, Việt Nam còn nghèo, phần lớn phương tiện di chuyển bằng xe đạp, nhiều người đi bộ. Mỗi khi có thầy nào chạy chiếc xe đạp mới, vượt qua chiếc xe xích lô nào đó đã bị nghe những lời chửi bới khiếm nhã như “thầy chùa mà cũng bày đặt chưng diện”.
Người nghèo khó có nhiều nỗi niềm bức xúc, chỉ cần một duyên xúc tác nhỏ với người chưa hết lòng sân là họ thổ lộ sự cau có ra bên ngoài. Khi tâm bị ức chế hay quá căng thẳng rất dễ nổi cáu mà với người bình thường thì chẳng đáng vào đâu. Thấy được điều này, có thể khắc chế lòng sân thành công. Biết người khác đang rơi vào tình trạng “bần cùng đa oán”, đừng tạo cơ hội cho họ oán trách cuộc đời thêm nữa. Bởi vì, thói quen oán trách đó có thể làm họ mất tâm tùy hỷ với sự thành công của người khác, từ đó, nỗi khổ niềm đau sẽ gia tăng.
Theo đức Phật, người được gọi là “người dễ nói” là người ứng xử trước sau như một. Trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, tâm họ không chao đảo trước những lời nhục mạ, thị phi, phê bình do người khác cố ý tạo ra.
Đức Phật dạy năm tiêu chí khắc phục lòng sân như sau:
Thứ nhất, chọn thời điểm thích hợp. Nếu phát biểu quan điểm để tháo gỡ sự hiểu lầm trong giao tế nên phát ngôn đúng thời thì mới có kết quả. Nói đúng thời điểm là người nghe cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng đón nhận. Lúc thời cơ tốt, chia sẻ vấn đề có nghệ thuật thì lời góp ý sẽ được tiếp nhận.
Thứ hai, sự chân thật và lòng chân thành. Người phát ngôn cần nói bằng ngôn ngữ của con tim với nội dung và lời lẽ chân thật, không thêm thắt sự kiện. Sự kiện diễn ra như thế nào thì mô tả như vậy, đừng để dòng cảm xúc biến thiên lên xuống theo sự kiện. Sự chân thành làm sự thật phơi bày mà không chạm đến lòng tự ái của người nghe.
Thứ ba, sử dụng lời nói nhu nhuyễn. Khái niệm nhu nhuyễn được đức Phật lấy từ hình ảnh vải lụa Kali ở vùng Vanarasi, địa danh nổi tiếng nhất về lụa tại Ấn Độ thời cổ đại. Bề mặt của vải lụa rất mịn màng làm cho người mặc có cảm giác thoải mái, dễ chịu trong mọi mùa. Mặt khác, vải lụa còn có giá trị làm trang sức, tăng thêm sự sang trọng cho người mặc (người đẹp vì lụa). Phải dùng ngôn ngữ nhu nhuyễn giống như lụa, ngữ điệu hòa nhã, dễ chịu, êm ái. Tuy nhiên, đừng lạm dụng trong những tình huống không cần thiết.
Thứ tư, nội dung và sự kiện có ích. Trình bày quá nhiều sự kiện sẽ làm người nghe chán ngán. Đề cập quá nhiều điều cùng một lúc làm người nghe thoái thất tâm Bồ đề, nản lòng thối chí, bối rối, chán chường, yếm thế và rút lui. Người khôn ngoan muốn đặt giá trị lợi ích lên trên các mối quan hệ giao tế thì sự hiểu biết, cảm thông, xây dựng là những yêu cầu không thể thiếu. Trong đối thoại, chỉ đề cập đến những gì thật sự có lợi ích nhằm giúp cho người nghe có những thay đổi tích cực.
Thứ năm, nói với tâm từ bi. Đây là tiêu chí nền tảng và quan trọng nhất so với bốn tiêu chí vừa nêu. Khi có lòng từ
bi, sẽ nói đúng thời điểm cần thiết, lời nói chân thật, không tô hồng bôi đen, ngôn ngữ diễn đạt mang tính nhu nhuyễn và nội dung trao đổi luôn có nhiều giá trị lợi ích, hoàn toàn không gây tác hại cho người nghe.
Ứng dụng năm tiêu chí trên vào các mối quan hệ thì làm giảm bớt sự căng thẳng của lòng sân, nỗi khổ niềm đau và chắc chắn sẽ thành công trong cuộc sống. Hành giả hãy tâm niệm và học tập cách giữ tâm, không để tâm bị biến nhiễm từ trạng thái an vui hạnh phúc trở nên sân hận khổ đau, đừng nói những lời nói khó nghe, gây chia rẽ, hận thù, đổ nát… Mà phải nói và sống với tâm từ bi.
Để thực tập chuyển hóa lòng sân hận, có thể chọn đối tượng được xem là người khó thương, khó ưa nhất đối với bản thân hay người đã gây cho mình nỗi khổ niềm đau nhiều nhất. Nếu thực tập thành công thì không có chuyện khó nào trong cuộc đời mà không làm được. Thực tập trải rộng tâm từ bi lên đối tượng khó ưa nhất. Sau đó, thực tập mở rộng tâm từ bi đến muôn loài và mọi vật.
Thực tập lòng từ bi theo mô hình ngược là thực tập sống chung với đối tượng dễ ghét trước, sau đó mới tới người dễ thương là nhằm nhắm vào bản chất cái gút của lòng sân. Khi cái gút của lòng sân được giải quyết thì mọi thứ sẽ được chuyển hoá. Cách thực tập này giúp ý thức và biết tôn trọng dòng cảm xúc, thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. Phải thấy mấu chốt của tất cả mâu thuẫn và đổ vỡ trong cuộc đời phải được chuyển hóa ngay chính đối tượng tạo ra sự mâu thuẫn đó, chứ không phải đối tượng khác. Mượn đối tượng khác để thay thế là cách đào tẩu, bế tắc, không phải giải pháp tốt. Sự đào tẩu chỉ có giá trị tạm thời. Muốn tháo gỡ lòng sân lâu dài và dứt điểm thì gút mắc xuất hiện lòng sân với ai, phải tháo gỡ với người đó.
NĂM ẢNH DỤ CHUYỂN HÓA SÂN HẬN
Trong kinh Pali, đức Phật nêu ra các ảnh dụ nhằm giúp hành giả quán niệm và tu tập chuyển hóa lòng sân hận. Trong các tình huống phải đối diện hay chứng kiến cảnh thương tâm, đau lòng thì hành giả không nên để cho sự sân hận chiếm ngự dòng cảm xúc.
Ảnh dụ cầm vũ khí phá hoại mặt đất. Ví như có người ác ý cầm cây xẻng hay lưỡi liềm nói, sẽ làm cho đại địa này không còn là đất nữa. Nói xong, anh ta đào bới và dùng chất nổ phá tung, làm cho mặt đất không còn bằng phẳng, chỗ lồi chỗ lõm. Tàn phá mặt đất xong, anh ta phỉ nhổ nước miếng, tiểu tiện lên mặt đất. Lúc ấy, anh ta ngây ngô nghĩ làm vậy thì mặt đất không còn là mặt đất nữa. Trên thực tế, tình huống và cách thức ứng xử này chỉ làm người sân hận mệt nhoài và có thể bị bệnh tâm thần chứ không giải quyết được gì. Giải quyết theo thói quen đạp đổ, tàn phá chỉ làm vấn đề trở nên rối rắm. Đối tượng thương tổn không ai khác hơn chính bản thân họ. Đất là đất, dù bị tàn phá đất cũng không thể nào biến thành phi đất. Liên tưởng đối tượng ta ghét như là đất. Ta muốn trả đũa đối tượng đó như cách tàn phá sự màu mỡ của đất nhưng đối tượng đó chưa chắc đã bị tàn phá. Ngược lại, lòng hận thù đã tàn phá mảnh đất tâm của mình rồi. Nói theo Phật, trả đũa đối tượng gắn với lòng sân chỉ là cách biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Ảnh dụ người thợ sơn hư không. Giống như một người thợ sơn dùng các loại sơn màu và cây cọ đắt tiền sơn phết lên hư không. Người thợ sơn cố hình dung và tưởng tượng với cây cọ, anh ta có thể tô màu sắc vào không gian và không khí. Người thợ sơn chỉ có thể thành công trong tưởng tượng chứ không thể xảy ra trong thực tế. Trong hận thù, nhiều người muốn làm cho gương mặt đẹp của người bị ghét biến dạng trước quần chúng. Thay vào đó là gương mặt màu đen, màu tím thật ảm đạm bằng sự liên tưởng và tìm cách phỉ nhổ, tô màu, bịa chuyện, chỉ trích người bị ghét. Người sân hận có ảo tưởng đã thành công. Trên thực tế, khi ôm ấp cơn sân hận là tự hành hạ chính mình từng giây từng phút. Hoàn toàn vô ích khi nỗ lực sơn lên không gian vì nước sơn không thể bám vào hư không. Càng nỗ lực sơn thì đối tượng bị dính sơn lại là mặt đất do tình trạng nhỏ giọt của sơn.
Tương tự, kẻ sân hận muốn sơn phết các sắc màu đau khổ lên người y thù ghét, nhưng càng sơn thì sắc màu đau khổ càng bám lên bản thân y mà thôi. Kẻ sơn vào không trung sẽ bị sơn dính nhễu nhão trên thân thể, tay chân y trước nhất. Kẻ bị dính dơ chính là người thợ sơn chứ không phải hư không. Nếu có thể quán niệm kẻ khó ưa hay người mang lại khổ đau là hư không thì không dại gì phết sơn vào hư không. Vì hư không không có thực thể mà nó vốn được hình thành bởi khoảng cách vật lý giữa các vật thể. Xem người khác là không gian, sẽ thấy các hành động xấu của họ là khoảng trống rỗng chỉ tồn tại nhất thời, không ở mãi với cuộc đời nên không cần tô sơn, phết màu nỗi khổ niềm đau lên người họ.
Ảnh dụ lửa cỏ đun sôi sông Hằng. Giống như người đốt bó cỏ khô với ảo giác nghĩ có thể đun sôi nước sông Hằng. Sông Hằng là con sông dài và linh thiêng đối với Ấn Độ giáo. Nước sông Hằng không cùng tận. Một bó cỏ khô chưa chắc đun nóng được ly nước dung lượng 100ml, ấy thế, người ảo tưởng lại mơ có thể làm nóng con sông lớn. Khi lòng sân khống chế, con người có khuynh hướng sống trên ảo giác, cường điệu hoá trên ảo giác. Do đó, chuyện nhỏ có thể xé thành to. Phần lớn các tình huống trả đũa không mang lại lợi ích gì cho người nóng giận ngoài việc bị tổn thất, hoặc nặng hơn có thể bị điên cuồng do sân si quá độ làm biến dạng cảm xúc.
Ảnh dụ cái da mèo. Giống như cái da mèo đã được luộc chín, nhu nhuyễn như bông không còn tiếng xì xọp. Nhưng người ảo tưởng lại nghĩ có thể làm cho âm thanh phát ra từ da mèo luộc. Nhiều tình huống, tác giả tạo ra khổ đau đã chuyển hóa được lòng tham, lòng sân của họ bằng sự ăn năn hối lỗi nhưng không tìm được nạn nhân để xin lỗi. Cái gút khổ đau đã được chính tác giả tháo mở nhưng nạn nhân thì không buông xả, vẫn còn ôm giữ trong tâm kể từ khi nỗi đau xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại. Nỗi oan khiên, oán trái đó nếu nạn nhân không tình nguyện giải phóng hay chuyển hoá thì sự khổ đau sẽ phủ lên người bám giữ. Da mèo đã bị luộc chín không thể tạo ra sự xì xọp nhưng giận quá mất khôn, nạn nhân nghĩ tưởng có thể làm nó kêu được. Giả sử làm được điều đó thì có giá trị gì? Dấy khởi lại âm thanh của nỗi khổ niềm đau trong quá khứ là tạo ra sự tái sinh của khổ đau đã lịm tắt. Hâm nóng lại nỗi đau là biến mình thành nạn nhân lần thứ hai!
Trong các cuộc chiến tranh trên nền tảng ý thức hệ và quyền lợi kinh tế, hai phía luôn khích lệ và nuôi dưỡng sức sống của khổ đau bằng chủ nghĩa yêu nước. Bên nào cũng khích lệ và sách động thế hệ trẻ phải trả thù những người đã tạo ra cái chết và khổ đau cho ông bà, tổ tiên. Những người sống trong hiện tại có thể cách quá khứ khổ đau đến 30, 100 hay 1000 năm lại phải trả thù những người mà họ không hề có mối quan hệ hận thù trực tiếp với nỗi khổ niềm đau trong quá khứ. Hâm nóng lại những nỗi khổ niềm đau đã chết trong quá khứ là không khôn ngoan. Nhớ lại kinh nghiệm khổ đau quá khứ không mang lại giá trị hạnh phúc ở hiện tại.
Đức Phật dạy, nên buông xả khổ đau. Hãy nghĩ những gì đã xảy ra trong quá khứ, đã lặng yên như nắm mồ là tro bụi dĩ vãng, cần quên lãng. Người đời thường lý luận, không biết lịch sử và quá khứ thì không thể có hiện tại. Bao nhiêu thế hệ cha ông đổ máu xuống để có được cuộc sống hôm nay. Trả thù kẻ đã tạo ra chiến tranh tang tóc cho quê hương và người thân là đền ơn tổ quốc và những người đi trước. Lý luận đó chỉ đúng về phương diện chính trị. Ở phương diện cảm xúc, từ bỏ thái độ trả thù thì hạnh phúc nhiều hơn. Giải pháp cao thượng và tích cực vốn có giá trị hơn nhiều.
Trong ảnh dụ cái da mèo, đức Phật dạy không nên nỗ lực vô bổ tạo ra âm thanh trên da đã luộc chín, vì nó vốn không còn khả năng tạo ra âm thanh nữa thì đừng mất thời gian, công sức để bội thực lòng sân vốn đã lịm tắt trong quá khứ.
Nội kết là kẻ thù chung của nhân loại. Nó có thể tồn tại như một mâu thuẫn hay xung đột. Xung đột về bản ngã, quyền lợi. Nếu càng để lâu chừng nào thì khổ đau giữa mình và người càng tăng trưởng nhiều chừng đó. Do vậy, là người con của bậc giác ngộ, đừng bao giờ chấp nhận, nuôi dưỡng những nội kết, mà cần tìm giải pháp để tháo gỡ. Có những giải pháp rất an toàn là buông xả, hỷ xả, bao dung độ lượng và đừng đẩy người khác vào những tình huống khó xử. Cần tạo cho họ đứng bằng đôi chân vững vàng, giúp họ có không gian để thở, thực phẩm ngon để ăn và thở bằng oxy thay vì cacbonic. Cần trồng nhiều cây xanh trong quan hệ trực và gián tiếp trong cuộc đời. Nên gợi ý cho họ có quyết định về vấn đề có lợi cho cả hai. Nếu không, nội kết sẽ có những biến dạng rất nguy hiểm. Do vậy, cần tháo gỡ tất cả những nội kết để được an vui, hạnh phúc trong cuộc đời!
Lời đức Phật dạy, con người không phải là kẻ thù của nhau. Con người cần chuyển hóa những khổ đau bắt nguồn từ tình cảm, khác biệt từ những xung đột quyền lợi cá nhân và chuyển hoá từ xấu trở thành tốt, bóng tối thành ánh sáng, thù thành bạn, đối lập thành hợp tác. Được như vậy thì cuộc sống sẽ an vui, hạnh phúc!
- Thích Nhật Từ
Trong kinh điển, đức Phật đề cập rất nhiều giải pháp ứng dụng để chuyển hóa và chiến thắng cơn giận dữ. Có thể vận dụng năm, bảy phương pháp cùng một lúc hoặc chọn phương pháp trọng tâm và phương pháp còn lại trở thành hỗ trợ, miễn sao vận dụng để có chất liệu an lạc, bình tĩnh và sáng suốt. Từ đó vượt qua sự khủng hoảng, nỗi khổ, niềm đau trong cuộc đời.
Đây còn gọi là phương pháp ngăn chặn. Khái niệm này vay mượn từ trong quân sự để dễ dàng hình dung và hiểu.
Đôi khi, có cuộc chiến không mang lại giá trị hạnh phúc cho cả hai dù chính nghĩa hay phi nghĩa. Nếu kéo dài cuộc chiến sẽ biến người dân thành những nạn nhân khổ đau. Do đó, người “cầm cân nẩy mực” không cho phép tự ái, vì bản ngã cá nhân làm cho hai bên chiến tuyến đối lập phải tiêu diệt lẫn nhau, khiến người thân của họ phải đau khổ vì mất mát. Phải tìm mọi cách hoãn binh để cuộc chiến không diễn ra. Nhưng hoãn binh chỉ là một trong những cách thức tạm thời.
Chúng ta cần chặn đứng hoạt động của dòng chảy cảm xúc đó, có thể dùng lực cản lớn hơn để trấn áp những gì khiến lòng bực tức, không vui. Dùng âm thanh lớn để trấn áp tiếng ồn khiến bực dọc. Thí dụ: Người làm cha, mẹ trong gia đình có thể quát tháo, ra lệnh những đứa con im lặng. Phương pháp đó làm cho trạng thái im lặng được diễn ra, đồng thời cũng gây phản ứng ức chế trong lòng đứa trẻ, dù không đủ sức chống trả những điều bị cha mẹ áp đặt, chúng không cảm thấy thoải mái trước cưỡng lực bắt buộc. Việc dùng động lực lớn đế trấn áp động lực nhỏ là phương pháp tạm thời chứ không thể lâu dài.
Cơn giận dữ đối với người không thích, không ưa, không thương… sẽ trở thành nguồn nội kết trong mối quan hệ. Do đó, sự hiềm khích được nuôi nấng, hâm nóng một cách tình cờ hay cố ý, trở thành thách đố của hạnh phúc trong đời sống con người.
Mối quan hệ giữa con người, đôi lúc có những ổ gà, ổ voi, nhiều sỏi đá, mảnh chai và thậm chí dây xích ngăn cách. Nếu không nỗ lực san lấp cho bằng phẳng thì sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Đôi lúc, sự mâu thuẫn có nguồn gốc từ sự hiểu lầm hoặc do bản ngã, ích kỷ, phản ứng tự vệ trấn áp đối phương khiến họ phải khiếp sợ không dám gây hấn nữa. Bất kỳ cuộc xung đột nào, hai bên đều tìm những lý do để được quyền tấn công khi nghĩ đối phương là kẻ thù. Có thể tấn công người khác bằng lời thị phi độc ác, thái độ hằn học hoặc bằng cách cô lập… Nếu cuộc chiến không mang lại giá trị xây dựng thì sự hoà hợp an vui sẽ không được thiết lập.
Đức Phật dạy: phải thấy được lợi ích của sự hoãn binh, có thể giúp hai bên mâu thuẫn ngừng trận đánh, nghĩa là ngừng những cơn sân hận phiền não. Bởi vì, càng đẩy cơn sân hận bằng phản ứng đánh nhau giữa hai bên, cộng đồng, liên minh hay quốc gia… thì càng làm tăng trưởng khổ đau chồng chất, tạo thành núi và kéo dài kiếp này sang kiếp khác. Chẳng hạn, cuộc chiến giữa Irael và Pal- estine đã qua nhiều thế kỷ mà bây giờ vẫn tiếp tục đánh nhau, trở thành kẻ thù khó có thể chấp nhận nhau.
Nỗi bất hòa xung đột và hiểu lầm làm con người mất ăn, mất ngủ, tốn hao nhiều sức lực lẽ ra sức khoẻ ấy được dùng làm những việc có hiệu quả hơn trong hiện tại và tương lai. Có nhiều cách để hoãn cơn giận, vì con người chưa đủ sức chấm dứt cơn giận dữ ngay lập tức nên tạm thời hoãn binh để ngăn chặn phản ứng do lòng giận dữ và không làm tổn thương người thân. Không làm cho người khác cảm thấy nghẹt thở vì cơn giận, ngột ngạt vì lời nói căng thẳng, bực tức vì hành động khiêu khích là điều hay. Từ thói quen tự vệ đã dẫn đến tình trạng thanh toán lẫn nhau, phần lớn sự khởi thuỷ của vấn đề chẳng đáng gì cả, hoặc chỉ xuất phát từ miệng lưỡi.
Đừng lấy quyền để buộc người khác phải theo mình. Đừng bắt người khác chấp nhận những cái mình muốn và cũng đừng hăm dọa, nạt nộ, nguyền rủa, chỉ trích người khác dù mình đúng. Thái độ và cách ứng xử đó không làm cho cuộc chiến của sân hận kết thúc tốt đẹp.
Nếu giận dữ bắt nguồn từ hiểu lầm thì chưa vội biện bạch trong lúc đối phương biểu hiện cơn giận, vì có thể gây sự hiểu lầm sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Trường hợp đó, có thể im lặng để phản ứng nhẹ đi. Chúng ta hít thở điều hòa với sự vận hành chuyển hóa các luồng khí để tâm được lắng dịu. Khi hít thở, hãy hít thật sâu. Động tác hít thở sâu và nhẹ nhàng, sẽ có sự an lạc và hỷ xả đang vận hành trong tim, não trạng, cử chỉ, lời nói, việc làm. Nói chung, sự an lạc đang lưu chuyển toàn thân.
Hành giả là người không cho phép mình có các ứng xử làm não hại, không cho phép mình tống khí cac-bon-nic vào mũi người khác, trong khi tranh giành luồng ôxy cho buồng phổi và quả tim của mình. Suy nghĩ mang tính tương tác nhượng bộ sẽ giúp cuộc chiến sân hận ngưng, tâm của người quán chiếu cũng được thư giãn. Nếu có cơ hội, hãy ngồi lại với nhau dùng tuệ giác, hiểu biết, cảm thông, tình thương, tha thứ của người con Phật, cùng nỗ lực tháo gỡ nội kết một cách nhẹ nhàng.
Cách thức chặn đứng cơn giận dữ như vừa nêu là giải pháp làm ức chế giận dữ không diễn ra theo cách thức mình và người trở thành nạn nhân của nhau. Giải pháp này chỉ hỗ trợ tạm thời vì chưa đủ sức chuyển hóa cơn giận, nhưng vẫn ngăn chặn được cơn giận để không biến nỗi đau nhỏ thành nỗi đau lớn, không làm cho mụn nhọt giận dữ lở loét nhiều hơn, không làm ta và người mắc bệnh ung thư của cơn giận. Do đó, nếu người có tính nóng giận quá thô mà ứng dụng phương pháp hoãn binh này là điều rất cần thiết.
Tâm chúng ta là đài truyền hình với tần số phát sóng khác nhau. Mỗi người có một “gu” để thưởng thức nghệ thuật. Thế giới truyền hình ngày nay đa dạng và phong phú, mỗi đài truyền hình có sở trường phục vụ, giáo dục đều có giá trị riêng. Nếu người yêu thích môi trường thiên nhiên, các loài động vật và hướng tâm rộng ra muôn loài, muông thú thì bật kênh Thế Giới Đó Đây(Discovery hoặc Animal Planet) để thưởng thức. Tương tự, những người thích năng động có thể xem các đài thể thao và giải trí (Star Sport hoặc Super Action). Nhờ biết chọn kênh thích hợp, người thưởng thức cảm thấy bổ ích sau những giờ lao động mệt nhọc. Chương trình nào đi ngoài quỹ đạo, sở thích và mục đích thưởng thức thì chuyển sang kênh khác, không nên để tâm trí mỏi mệt vì phải xem những chương trình không mang lại thoải mái và giá trị thưởng thức.
Trong các mối quan hệ nếu có sự hiểu nhầm làm cho mình và người bị nghẹt thở thì nên thay đổi chủ đề để hạn chế sự bất hòa và cơn giận dữ có thể xảy ra. Chẳng hạn, thảo luận vấn đề bình đẳng, hầu như phụ nữ phương Tây không chấp nhận cuộc sống lẩn quẩn trong bếp vì theo nền văn hoá của họ, giới hạn người nữ trong bếp là sự bất công.
Khi người vợ đòi hỏi chồng chấp nhận quyền để tham gia vào các hoạt động xã hội và cộng đồng, góp phần tạo dựng đời sống kinh tế cho gia đình nhiều người chồng theo truyền thống sẽ không tán đồng ủng hộ. Chồng phản đối vì nghĩ, nếu chấp nhận cho vợ đi làm, tham gia sinh hoạt cộng đồng thì hạnh phúc gia đình có thể bị đổ vỡ. Sự nương tựa vào chồng chỉ còn mấy mươi phần trăm chứ không trọn vẹn như trước, dẫn đến tình trạng tranh luận, hạnh phúc rạn nứt. Như vậy, sự đổ vỡ có thể bắt nguồn từ cuộc thảo luận về quyền bình đẳng nam nữ.
Nếu thấy cuộc đối thoại không mang lại giá trị hạnh phúc, an lạc, mà lại gây nên những sân hận thì một trong hai người nên dùng phương pháp chuyển đề tài đang thảo luận sang đề tài khác. Có thể quan tâm lẫn nhau về sức khỏe, việc làm hoặc những việc mà đối phương đang lo lắng, đang gặp khủng hoảng hoặc trở ngại trong cuộc sống.
Thay đổi đề tài làm cho bầu không khí nóng bức giữa mình và người dịu xuống. Phương pháp đổi đài giống như máy điều hòa không khí, có chức năng làm lạnh không gian nóng bức, làm ấm không gian lạnh giá. Nhờ đó, sự căng thẳng qua thái độ, lời nói, sự bất đồng ý tưởng và nội dung không làm trở ngại mối quan hệ. Có tình huống do hiểu lầm nên nhiều người gặp nhau không nhìn, làm cho bầu không khí trở nên nặng nề, ngột ngạt, khó thở. Lúc đó, mối quan hệ đang rơi vào tình trạng băng giá. Một trong hai người nên giải bày, mở gút để không khí được ấm cúng. Nhờ đó, tình người được thắp sáng, ấm áp và hạnh phúc hơn!
Đổi đài là cách thức thay đổi đề tài đang thảo luận hay thay đổi không khí căng thẳng trở nên bình thường. Muốn dễ dàng đổi đài thì người đối thoại phải ngừng sự tranh luận hơn thua, ngay cả sự biện hộ, đổ thừa, đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho người khác. Bởi vì những cách đổ thừa, đổ lỗi chỉ làm cho đề tài đang thảo luận càng nóng bức và tăng sự bực dọc. Cho nên, nhanh chóng đổi đài nếu vấn đề đang tranh luận trở nên bất bình thường thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn!
TRÁNH VỎ DƯA ... GẶP VỎ DỪA
Phương pháp tránh duyên có thể áp dụng khi bị bức xúc quá nhiều mà không đủ sức đối đầu và khắc phục những khổ đau thực tại đang diễn ra. Trong tình huống đó, cho phép lánh mặt hay tránh duyên để quan hệ đang căng thẳng được lắng dịu từ từ. Người chưa có khả năng chuyển hoá sân hận mà có mặt tại địa điểm sự cố đang diễn ra sẽ làm gia tăng sự không vui, rất có thể xúc phạm lẫn nhau do hành vi thiếu sáng suốt. Cơn giận xảy ra xung đột, kết quả có thể làm đổ vỡ hạnh phúc, tình người. Trong tình huống không thể vượt qua cơn giận nên tìm cách lánh nạn, lánh mặt người đã làm mình khó chịu, mất hạnh phúc. Nhờ lánh mặt trong ý thức sáng suốt, người kia không có cơ hội thiêu đốt chính mình và thoát khỏi cơn giận. Theo cách nhìn tương đối nào đó, tránh duyên chính là cơ hội quý có thể giúp vượt qua khổ đau trước mắt, vì sự lánh mặt làm nguôi cơn giận. Tất nhiên, có những trường hợp tránh duyên lại trở thành tiêu cực.
Thí dụ: Trong gia đình, cha và mẹ đang bất hòa, làm khổ đau cho nhau qua cách ứng xử thiếu khôn ngoan. Khi đó, con cái họ đang ở tuổi trưởng thành chúng phải chứng kiến những khổ đau do cha mẹ tạo ra hằng ngày thì chắc chắn chúng sẽ tìm cách chạy trốn khỏi nhà, hoặc sẽ buồn tủi, khóc nức nở, vào phòng đóng kín cửa, bật nhạc nghe để quên đi. Lánh nạn như vậy tạo ra phản ứng tiêu cực, để lại vết hằn, mặc cảm trong tâm của trẻ con, khiến chúng không thấy được mặt tích cực của đời sống vợ chồng. Qua hình ảnh bất hoà của cha mẹ, chúng sẽ mặc cảm và sợ không tìm thấy được hạnh phúc trong đời sống vợ chồng trên con đường mà chúng chuẩn bị bước vào. Những đứa bé chứng kiến hình ảnh cha mẹ bất hoà, khi lớn lên thường bị bệnh trầm cảm và có thái độ dè dặt khi tiếp xúc người khác.
Phụ huynh đừng để con mình phải thấy tình cảnh bất hòa, từ cơn giận dữ của cha mẹ. Nên chấm dứt ngay những cơn giận dữ để không tạo sự lây lan tâm lý tiêu cực đến con cái, người thân. Có thể chấm dứt khổ đau bằng cách im lặng, đi ra sân vườn hít thở không khí trong lành, hoặc ra bờ sông nhìn sự tĩnh lặng của sông nước.
Hãy nhìn thật sâu để có thể thấy bản chất của nước có sự phẳng lặng, yên tĩnh và đẹp đẽ. Khi soi mặt mình dưới dòng nước, có thể thấy bản chất thật của chính mình như thể đang soi mặt trong gương. Nếu con sông đang có những cơn sóng lượn lên, lượn xuống nối tiếp hết cơn sóng này đến cơn sóng khác thì người soi bóng không còn thấy được gương mặt của mình một cách đầy đặn vì gợn sóng làm hình ảnh bị biến dạng. Tương tự, cơn sóng của khổ đau đã làm cho gương mặt người bị méo, không còn tươi tắn nữa. Người bị giận dữ chinh phục thì thái độ sẽ thay đổi, nhận thức không còn sáng suốt và hành động chỉ để lại hối hận về sau. Do vậy, để gương mặt được thanh quang, phong cách rạng rỡ, đừng bao giờ nuôi dưỡng cơn giận dữ. Nhìn chung, sự tránh duyên, đổi đài hay lánh mặt trước những hoàn cảnh, con người, sự kiện, vấn đề không vui vẫn có khả năng ngăn chặn cơn giận ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, nếu dừng ở phương pháp tránh duyên hay lánh mặt, chạy trốn thì không phải là giải pháp lâu dài, vì nội kết sân hận trong tâm vẫn tồn tại. Nếu không biết cách ngăn chặn thì đến một lúc thích hợp, cơn giận dữ tiềm ẩn sẽ bộc phát với cường độ giận dữ lớn hơn, sẽ tàn phá mối quan hệ lớn hơn gấp nhiều lần.
Chính vì thế, giải pháp hoãn binh hay đổi đài chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính hỗ trợ. Bởi vì, có những người sống trong quán tính, thói quen sân si hoặc cách ứng xử đối đầu. Chẳng hạn, khi bị người khác đánh một cái thì bằng mọi giá phải đánh lại cho người đó đau hơn, hoặc bị người khác tát một cái, phải tát lại họ hai cái, bị chửi một câu thì phải mắng lại hai câu. Tức là xử sự theo cách thế để người kia không còn dám dụng đến mình. Cho nên, cách hoãn binh hay đổi đài chỉ là cách ẩn náu các phiền não, hay làm lắng dịu các phiền não chứ chưa phải chuyển hoá phiền não một cách trọn vẹn.
Trong kho tàng văn học truyện cổ dân gian Trung Hoa có câu chuyện nói về con chim khách và chim cú. Chim khách là loài chim có tiếng hót hay, được mọi người yêu thích vì họ quan niệm như biểu tượng của hạnh phúc, khiến người nghe âm thanh có thể sảng khoái tinh thần. Ngược lại, tiếng hót loài chim cú bị người đời chán ghét, vì dân gian quan niệm tiếng kêu của loài chim này báo trước điềm bất hạnh, trong làng hay trong nhà sẽ có người thân qua đời. Cho nên, mỗi khi nghe tiếng kêu của cú, người ta thường dùng ná, cung tên hay súng để bắn hoặc tìm mọi cách giết nó, hay tối thiểu cũng xua đuổi đi nơi khác. Khi chim cú bị đẩy vào tình thế không còn lối thoát thì chúng phải tìm cách lánh khỏi ngôi làng có văn hoá mê tín, áp đặt cho nó một cái danh xấu. Do đó, mạng sống của chim cú lệ thuộc vào quan niệm mê tín của con người.
Một hôm, chim cú tìm đến nhà chim khách, nói: “Tình cảm giữa hai chúng ta không có gì thay đổi, nhưng tôi phải chia tay chị, vì không còn cách nào ở lại đây được nữa”. Nghe xong, chim khách liền hỏi rõ nguyên nhân. Chim cú trả lời: “Bởi vì người ta ghét tôi, không thích tôi, thù hận tôi. Thậm chí, có người muốn giết tôi khi nghe tôi cất tiếng hót, khi thấy tôi có mặt trong làng. Do đó, bầu trời tuy lớn, mảnh đất tuy rộng nhưng tôi lại không có nơi để an thân. Tôi không thể ở lại nơi này được nữa!” Chim khách nói: “Mấu chốt vấn đề không nằm ở chỗ chị sống nơi này hay nơi khác. Thay vì di cư, chị nên thay đổi tiếng hót để con người không còn cho chị là con vật báo hiệu cái chết hoặc đem lại nỗi buồn, bất hạnh cho họ là được”.
Quả đúng vậy, nếu không biết thay đổi tình thế, mà cứ chạy đến chỗ này hay chỗ kia thì sẽ giống tình trạng như người Việt Nam thường nói, “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Đôi khi, “vỏ dừa” mà người tỵ nạn gặp phải sau khi thất bại trong sự đối đầu còn nguy hại hơn “vỏ dưa”. Do vậy, sự chạy trốn hay tỵ nạn chỉ là giải pháp tạm thời.
Nên nhận thức bản chất của giận dữ và tìm cách chặn đứng cơn giận dữ như chặn đứng dòng thác chảy, lũ lụt, hạn hán, lửa cháy… Những hình ảnh này giúp hình dung đến sự hủy diệt, cảnh mất mát, khổ đau, không mang lại giá trị hạnh phúc cho đời sống con người. Khi nhận ra được lợi và hại của việc chuyển hoá lòng sân hận tạm thời và dứt điểm thì nên chuyển hóa, không nên chạy trốn và cần có bản lĩnh giải quyết dứt điểm. Sớm hay muộn gì cũng phải đối diện với nó. Bằng không, nó cũng biến dạng theo cách thức khác còn nguy hiểm hơn.
HÀNH ĐỘNG TƯƠNG NHƯỢNG
Giải pháp khác có thể hóa giải sân hận là thái độ tương nhượng. Giải pháp này yêu cầu người nỗ lực hoá giải sân hận phải có thái độ nhường nhịn để tạo không gian bớt căng thẳng, dễ thở cho cả hai, tìm không gian mới để cả hai cùng thiết lập lại mối quan hệ không khổ đau. Cần tạo ra hiệp ước, dĩ nhiên là hiệp ước xã hội giữa hai người, hai đoàn thể, hai cộng đồng hay hai quốc gia. Hiệp ước đó phải đặt trên trục xoay giá trị và lợi ích song phương, hai bên đều được lợi lạc. Khi đã thiết lập được hiệp ước giá trị với ranh giới của sự tương nhượng thì không nên hủy bỏ hiệp ước đó vì bất cứ lý do nào.
Có rất nhiều cách tương nhượng. Ví dụ về cá tính của con người, khi mới gặp đối phương có cá tính mạnh thì sự khác nhau về tính tình trở thành áp lực, nếu làm ăn lâu dài sẽ là phản lực. Mâu thuẫn giằng xé trong xúc cảm, đôi lúc không chấp nhận nhau. Người Việt Nam có câu, nói về tiêu chí của mối quan hệ trên góc độ của sự tương nhượng rất hay: “tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Ở đây, voi hiểu như đại từ chỉ chung cho tất cả đối tác khó khăn, gây rối, dễ giận dỗi, phiền hà, thích ức hiếp, lấn lướt đối tác…
Tránh người như vậy là một sự tương nhượng để có giá trị hòa bình hay ít nhất không bị đổ vỡ. Do đó, không nên nghĩ thái độ ứng xử đó là sự hổ thẹn. Làm thế nào để người ứng xử thấy được điều đó? Và quan niệm giống vậy? Có lúc đối phương rất bực dọc, sân hận khi thấy ta biểu đạt, lý luận, chứng minh, sống, làm việc và giải quyết vấn đề hoàn toàn khác họ. Lúc đó, phiền não có thể xuất hiện một chiều. Tuy nhiên, theo nguyên tắc của sự tương nhượng, người ứng xử không cho phép bất mãn, nổi nóng vì điều đó dễ biến hai người thành chiều đối lập và phiền não gia tăng.
Khi nội kết trong đối tác xuất hiện, cố gắng nỗ lực tháo gỡ để giới hạn trong phạm vi một chiều, rồi dần dần thuyết phục họ tháo gỡ sự bế tắc. Không giữ nội kết trong tâm sẽ giúp đối phương khó tính đến một lúc nào đó nhìn thấy được cách nói, ứng xử của họ không còn thích hợp. Do vậy, phải chuyển hoá theo hướng tích cực. Nếu không khéo, con người sẽ tạo ra rất nhiều mâu thuẫn với nhau, đặc biệt là người yêu quý, gần gũi nhất. Quan hệ tình thân, tình thương càng nhiều thì sự chấp mắc càng lớn. Người ta có thể lý luận, đây là chồng, vợ, con, em, người thân… của tôi nên họ không được làm những chuyện như thế vì đã quá hiểu tôi. Trên thực tế, mặc dù có những khổ đau diễn ra trong gia đình rất tình cờ, không hề được sắp xếp trước, hoặc do sự hiểu lầm nhưng khi gán tính tác giả của nỗi đau vào người thân thì cảm xúc chấp trước quan niệm họ là nạn nhân của bất hạnh. Gán tính tác giả việc xấu vào người nào đó sẽ làm cho quan hệ an vui, hạnh phúc của người đó bị tan nát thành từng mảnh vụn.
Do con người có thói quen chấp trước, cho rằng người thân luôn mang lại khổ đau cho mình, tất cả niềm an vui hạnh phúc đã bị người thân cướp mất, lúc đầu cơn giận dữ không đáng kể, nhưng lâu dài lại lớn không thể tưởng tượng. Làm vậy là vô tình khiến người thân không còn thế đứng. Giống như cây cầu gãy làm hai hoặc chiếc ly bể ra thành nhiều mảnh, hay chén cơm vừa ăn đã bị nôn ra. Không buông được cảm xúc khổ đau sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ và hạnh phúc.
Nếu cách ứng xử tình người không còn nữa thì hạnh phúc bị đổ vỡ, và khổ đau sẽ đồng hành với con người. Cho nên, giải pháp tương nhượng là cách nương tựa nhau để tạo hạnh phúc và thiết lập giá trị tốt đẹp trong đời!
Đừng cho mình là trung tâm của vũ trụ. Đừng lấy mình làm hệ quy chiếu để nhận định, đánh giá người khác. Hãy quan niệm mình và người có những vai trò khác nhau, mang tính mắt xích trong xã hội. Nếu các mắt xích nối kết với nhau theo nguyên lý tương thuộc thì sẽ vận hành theo hướng tốt đẹp cho cuộc đời. Ngược lại, nếu có điều gì đó được xem là nguyên nhân đầu tiên, quyết định tất cả các giá trị còn lại thì khó có thể tránh khỏi tình trạng độc đoán trong quan điểm và ứng xử.
Cho nên, sự tương nhượng là một nhu cầu cần thiết để có những hòa ước giữa người với người. Nhờ vậy, cơn giận dữ không có điều kiện khởi sinh và phát triển. Ứng xử theo nguyên tắc tương nhượng là cách nhìn nhận, đánh giá và chấp nhận sự khác biệt đa dạng chứ không phải trở ngại. Dĩ nhiên, sự khác biệt về cá tính có thể làm cho nhau phiền não. Nếu sự khác biệt của mình làm người khác không thích thì đừng bắt buộc người khác làm, hoặc tệ hơn nữa là biến mình thành trục đánh giá.
Tại sao người nữ gặp người nam lại thích và người nam bị thu hút khi gặp người nữ? Sự khác nhau thường có tính hấp lực trong thời gian đầu gặp gỡ. Chẳng hạn, người nói cười nhiều lại thích người im lặng. Lúc đầu, hấp lực nhau nhưng về sau lại là áp lực, và về lâu dài không thể dung chứa nhau được. Phải biết tìm cách nuôi dưỡng sự tích cực giữa hai cá thể với hai cá tính khác biệt, như để bổ sung cho nhau. Quan niệm đa dạng là lợi lạc, phong phú trong tương quan để cùng thăng hoa, hẳn sẽ làm thế giới đa nguyên nhưng lại hợp tác vì lợi ích!
Nhà Phật dạy phát triển cách nhìn lạc quan là nhìn sự khác biệt như sự bổ sung cho nhau. Nền văn hóa của nhiều sắc tộc được tôn vinh khắp thế giới, vì nó thể hiện và giữ được những sắc thái riêng. Mấy mươi năm trở lại đây, Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia cần phải duy trì bản sắc dân tộc, truyền thống, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng vì sự giữ gìn đó góp phần tạo thành tổng thể giá trị văn hoá của thế giới con người đa dạng và phong phú.
Nếu đánh mất các đặc trưng đó cũng như đánh mất các hệ giá trị tinh thần và tâm linh. Không có giá trị văn hoá, đời sống trở nên nghèo nàn, vô nghĩa. Cần giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của đất nước để đất nước trở thành cái nôi của hạnh phúc và hãnh diện. Khi tiếp nhận nền văn hoá theo cách thức vừa nêu thì những mặc cảm tự ti về dân tộc giữa con người sẽ bị rơi rụng. Nhờ đó, có thể góp phần đem lại những nét đẹp cho đời!
Nếu quan niệm sự khác biệt về cá tính giữa mình và người, cách tốt nhất là soi lại chính mình. Nếu hai người giống nhau 100% cùng sống với nhau sẽ tạo thành sự nhàm chán, hoặc cạnh tranh như cây trong rừng. Nhiều cây cùng chủng loại tạo thành rừng, nhưng có thể giành chỗ đứng của nhau. Hai dòng nước gặp nhau có thể tạo thành lũ lụt. Hai ngọn lửa gặp nhau tạo sự hủy diệt. Hai cây chạm nhau có thể có cây bị gãy…
Quan niệm Ngũ hành tương sinh và tương khắc của người Trung Hoa cho sự giống nhau chưa chắc đã tốt, vì giành thế đứng của nhau có thể dẫn đến sự loại trừ. Hai cây cùng tồn tại trên một mảnh đất sẽ có một cây hấp thụ những chất phì nhiêu của đất nhiều hơn. Quan sát khu rừng, thấy những cây rừng có đường kính, chiều cao và những chiếc lá giống nhau. Thực tế, chúng hoàn toàn khác nhau về chiều kích, hình dáng, màu sắc và ngay cả giá trị sử dụng, mặc dù được trồng cùng một giờ, một ngày.
Nhìn năm ngón của bàn tay, thấy ngón cái to, ngón trỏ ngắn, ngón giữa dài nhất, ngón áp út dài nhì, ngón út nhỏ và dài hơn ngón cái một chút. Bàn tay cũng có hình thù rất khác biệt, có bàn tay hình búp măng, hình đốt xương sần sùi, có bàn tay dài, bàn tay ngắn. Không có bàn tay nào giống bàn tay nào.
Hoa văn ở trên bàn tay, những đường tâm đạo, trí đạo, mệnh đạo và các gò trong lòng bàn tay cũng hoàn toàn khác nhau giữa mọi người. Sự khác biệt đó chính là cách thức tạo sự cá biệt của một bàn tay. Hãy thử tưởng tượng, nếu năm ngón tay của một bàn tay đều bằng nhau thì trông dị hợm vô cùng. Tương tự, đầu, mắt, mũi, tai, miệng, bàn chân, dáng đi… không có người nào giống người nào. Chính nhờ sự khác biệt đó, mỗi cơ quan trong cơ thể đóng một vai trò, chức năng khác nhau và làm cho bộ máy sự sống được vận hành thích hợp, tạo ra sức khoẻ và tuổi thọ của con người.
Khi quan niệm, sự khác nhau chính là nhu cầu bổ sung và làm đẹp cho nhau, sẽ phát huy được tính rộng lượng và kho- an dung. Tất cả sự khác biệt không mang lại sự phiền não, căng thẳng, loại trừ. Nhờ quan niệm vậy, không còn xem đối phương là cây gai để khỏi phải bị giận dữ thiêu đốt không khí hòa nhã. Nhờ đó, con người có thể sống một cách hòa bình, mặc dù cá tính một trời một vực. Phải biết chấp nhận cá tính của người khác. Thấy được rằng, mỗi người đều có cá tính và sự vận hành riêng, bắt nguồn từ sự nhận thức, dẫn đến cách ứng xử qua lời nói, việc làm có thể biểu đạt thói quen của mắt, tai, miệng, mũi, thân xúc chạm và ý tưởng.
Hai người sinh ra cùng một giờ như những cặp song sinh nhưng cá tánh khác nhau, đây là điều kiểm chứng được. Cho nên, đừng sống với thái độ quá lý tưởng và mong muốn người sống chung phải hoàn toàn phù hợp tính tình của mình. Nên tôn trọng người khác để có không gian và sắc thái riêng bổ sung cho cái riêng của ta. Nên tạo cơ hội để người khác hoàn thiện nhân cách của họ.
Có thể tạo dựng không khí tươi mát như những đoá hoa trong một khu vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ. Trong đó, mỗi đoá hoa là sự đóng góp cho người đời chiêm ngưỡng và để mỗi người cảm nhận riêng về từng loại hương sắc. Đừng nói rằng, tôi phải là hoa hồng còn người kia phải là hoa mười giờ. Tất cả các loại hoa dù hoa hồng hay hoa dại cũng góp phần hỗ trợ cho vườn hoa được nhiều sắc thái. Nếu không có những vùng tối trên một bức tranh thì sự biểu đạt của vầng sáng hoàn toàn vô nghĩa. Sự tương phản trong hài hoà làm cho bức tranh trở nên ấn tượng và có giá trị nghệ thuật!
Người am hiểu nghệ thuật sẽ không nỗ lực tạo ra nhiều chi tiết cho bức tranh những nét đẹp. Nếu mọi thứ đều nổi bật thì không có gì trở thành nổi bật trong bức tranh. Phải phối hợp tối sáng, lồi lõm, cao thấp, trong ngoài… nhằm tạo ra tính tương phản bổ sung và làm đẹp cho nhau. Nếu mọi chi tiết đều được làm đẹp thì tổng thể của cái đẹp đó không còn nổi bật nữa. Đẹp chính là sự hài hoà. Phải có cái không đẹp để tạo cho cái đẹp được đẹp hơn. Tối sẽ làm phương tiện cho ánh sáng nổi bật. Ánh sáng làm cho bóng tối tăng giá trị. Giá trị của mọi đối lập và khác biệt chỉ mang tính tương đối, biết cách sử dụng thì mọi thứ đều có giá trị!
KHÔNG LIÊN MINH VỚI GIẬN DỮ
Theo phương pháp không liên minh, người ứng xử không nên đứng về phe nào để tạo tình huống cô lập cho người có vấn đề. Như trong quan hệ gia đình, khi người vợ hận chồng vì tính không chung thuỷ hoặc bỏ bê vợ con. Với tư cách là người mẹ muốn con đứng về phía mình để tấn công chồng, bằng cách nói những điều xấu của cha cho con cái nghe. Ngược lại, có những lúc người cha muốn đứa con đứng về phía mình cũng nói xấu về người mẹ, đẩy người mẹ vào thế phiền não khổ đau. Sự thiết lập liên minh trong tình huống này là một nỗi đau của nhiều gia đình.
Nếu bạn là người con bất hạnh trong gia đình đó thì đừng nên liên minh về phía cha hoặc mẹ. Làm vậy, bạn sẽ phá vỡ đạo lý hiếu thảo với hai đấng sinh thành, góp phần đổ dầu vào lửa, thiêu đốt hạnh phúc gia đình.
Không liên minh với người khác trong cơn giận là cách làm phiền não đã phát sinh không có cơ hội phát triển. Nếu hai người bất hòa với nhau mà có người khác đứng về phía một trong hai thì người được liên minh sẽ hãnh diện, tự hào và cho rằng mình có lý, người kia sai. Do vậy, sự căng thẳng trong quan hệ đó sẽ có mặt. Phản ứng cực đoan trong tình trạng thiết lập liên minh là đẩy người không có liên minh vào chân tường. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình huống đó xuất hiện? Dù không đoán trước được tất cả hậu quả xấu nhưng vẫn có thể thừa hiểu sẽ chẳng dẫn đến tình trạng tốt đẹp cho cả ba bên, tức hai đương sự và người liên minh.
Trở lại tình huống bất hạnh khi người vợ bị người chồng không chung thủy bạc đãi. Do chịu quá nhiều khổ đau và mặc cảm, người vợ với tư cách là mẹ, yêu cầu con đứng về phía mình và đối lập với cha. Nếu con thương và đứng về phía mẹ thì đứa con đó trở thành bất hiếu với cha. Đứng về phía mẹ thì mất lòng cha. Được bên này trong tư thế liên minh sẽ mất bên kia và ngược lại. Dù tình trạng giữa vợ chồng ra sao đi nữa thì người vợ cũng không nên buộc con liên minh với mình, để kháng cự cha. Cũng không nên ngăn cản các con hiếu thảo hoặc thăm viếng cha (mẹ) của nó.
Hậu quả khác của cách thiết lập liên minh vừa nêu còn tạo ra tâm lý nạn nhân ở những đứa con, đặc biệt là con gái. Khi liên minh với mẹ, chỉ trích sai lầm của cha; lớn lên,
người con gái không còn tin tưởng sự chung thủy của bất cứ người đàn ông nào nữa, vì người cha cô thần tượng đã bị sụp đổ qua ứng xử quá tồi tệ với mẹ. Nói cách khác, thiết lập liên minh để tạo đối lập và trả thù chỉ là cách làm cho nỗi đau và cơn giận dữ được nuôi lớn, vô tình tạo nên sự đổ vỡ. Những người con trong tình huống đó chỉ nên đóng vai trò khách quan, để thấy được gốc rễ của sự bất hòa giữa cha và mẹ là lý do gì. Từ đó, tìm cách tháo gỡ sự bất hoà đó.
Hãy đóng vai trò là người chữa lành các vết thương khổ đau! Hãy là dòng nước tưới mát sự khô cằn ở cha và mẹ, để tình thương yêu của song thân tái tạo lại sức sống! Nếu làm người hoà giải không thành thì cũng đừng làm cho mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng. Người không liên minh nên làm công việc của người hòa giải hơn là công việc của người trọng tài. Do đó, đừng tạo ra thế đối lập giữa mình với hai đối tác đang gặp trục trặc. Vì làm thế, phức tạp càng gia tăng nhiều hơn nữa.
Đừng bao giờ liên minh với khổ đau, nỗi bất hòa vì đó không phải là giải pháp. Liên minh với một đối tác nào đó trong quan hệ bất hoà là đẩy người còn lại vào chân tường. Nghĩa là, người bị cô lập trong tình huống này sẽ không còn đường hướng về tình thương, hạnh phúc, đoàn kết và hóa giải.
Cần phải phản quan lại bản thân xem tất cả sự đổ vỡ trong quá khứ có bắt nguồn từ sân hận nào, nguồn gốc của những bất hoà và đỗ vỡ do đâu, có phải do chính ta tạo ra, nó có tạo ra theo cách buộc người khác phải liên minh? Giữ vai trò khách quan để giải quyết mối bất hòa mà lại có thiện cảm đối tượng này và ác cảm đối tượng kia là đã quên đi vai trò trung gian, vô tình đẩy mối quan hệ đổ vỡ xuống vực thẳm. Nếu xác định trong quá khứ từng có những cách ứng xử sai lầm thì hiện tại cần phải quyết tâm khắc phục, chuyển hóa hoàn toàn tốt đẹp ở hiện tại và trong tương lai.
Cho nên, không liên minh với cơn giận là cách trị liệu làm cơn sân hận không thể xảy ra. Nếu có diễn ra cũng không ảnh hưởng đến người liên hệ. Đứng phía người chồng, vợ, cha, mẹ hay bất kỳ phía nào cũng đều biến người còn lại thành kẻ thù. Trong khi đó, người cha, mẹ, vợ, chồng cũng đều là những người thân, không thể làm cho họ đau khổ.
Người đang sống trong trạng thái sân hận không thể nói “tôi cóc cần” hay “tôi không sợ gì cả”. Cũng đừng nói những câu mang tính thách đố như, “Nếu ông (bà) muốn ra tòa thì ra, muốn ly dị thì ly dị, muốn tới đâu thì tới đó...” Những thách đố như thế dù không phát xuất từ lòng cay độc, mà chỉ do vì tự ái, sĩ diện nhưng trở thành “Giận quá mất khôn”. Càng ứng xử theo thái độ “bất cần” càng tạo ra liên minh khổ đau và phiền não. Do vậy, cần phải sáng suốt để vô hiệu hoá các liên minh trong cơn đau, nỗi buồn. Chỉ có hoá giải, không phải liên minh phe này hay phe nọ mới có thể mang lại hạnh phúc cho người đang khổ đau, hoà hợp những người bị chia rẽ, kết nối tình thân thương cho những người vốn thù nhau.
Đây là phương pháp được đức Phật dạy trong kinh Bốn Mươi Hai Chương. Đức Phật là người đầu tiên quan niệm khổ đau do phiền não gây ra, như món quà “bất đắc dĩ” người khác cố tình “tặng” cho bất kỳ ai đó. Dĩ nhiên, quà này chỉ là một trái bom được cài đặt vào những gì con người không thích bị mất mát, tàn phá. Nếu tôn thờ, nó sẽ làm cho thân phận con người nổ tung thành từng mảnh.
Có những mối quan hệ bị đối phương đẩy mình vào chân tường khiến không còn chỗ đứng. Những tiếp xúc làm cho người ta chìm sâu vào mặc cảm tự ti. Người ta có thể trút cơn giận qua lời nói, hành động, việc làm, khiến người khác không còn thấy giá trị tích cực của cuộc đời, họ chán ngán phải thốt lên, “Nhân tình thế thái!” Một trong những tình huống liên hệ đến sự chán nản nhân tình và không muốn sống kiếp người nữa, Hoàng Trung Thông đã thốt lên hai câu thơ hoàn toàn bế tắc:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Có thể, quan hệ giữa nhà thơ và người thân đã bị khổ đau tàn phá quá nhiều, ý thức sự sống không còn giá trị, đến độ không muốn sống làm người nữa. Nỗi đau hiện tại nhiều quá làm con người muốn chối từ kiếp sau, kiếp mà nếu tiếp tục làm người có lẽ sẽ khổ đau nhiều hơn. Cái nhìn định mệnh tiêu cực này đã tạo ra nhiều oan trái cho cuộc đời. Thân phận con người là quý giá nhất! Ấy thế, do vì bế tắc trong quan hệ, có người chỉ muốn làm cây thông đứng reo trước gió. Biết đâu như vậy còn tạo cơ hội giúp hoạ sĩ vẽ nên một bức tranh, tạo cảnh cho thi sĩ làm một bài thơ tình tứ còn hơn là làm người.
Bất mãn cuộc sống do niềm đau gây ra, con người trở nên ngông cuồng và bất chấp tất cả. Hậu quả để lại lớn nhất của quan niệm này là giết chết bản lĩnh, niềm tin về giá trị cuộc sống ở hiện tại và tương lai. Thà làm cây thông có chức năng lộng gió còn hơn làm con người vô dụng trên đời. Chịu đựng trong uất ức và oán hận làm con người biến dạng tâm lý, không thiết tưởng đến bất kỳ điều gì đang diễn ra. Đó là thái độ rất tiêu cực.
Sự lận đận giữa ta và người khác giống như một mắt mía bị sâu ăn, hay một lỗ trống của căn nhà, cái hang chuột, ổ gà... Đừng vì sợ ổ gà mà cho cuộc đời này toàn là vực sâu. Đừng vì một viên đá lõm mà cho thế giới toàn là núi đá phiền não. Trong khổ đau, quan niệm cường điệu hóa tạo cho vấn đề trở nên phức tạp, lẽ ra không nên quan trọng hoá. Phải bình thường hoá mọi thứ để không có cái gì có thể làm nản lòng nhà hành trì tâm linh.
Trong cuộc đời có biết bao niềm vui, nỗi buồn chất chồng lên nhau như ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, lòng bàn tay và mu bàn tay. Xuất hiện rồi biến mất, biến mất để được xuất hiện. Không biết cách chuyển hoá thì việc nhỏ hoá to. Biết cách chuyển hoá thì việc nghiêm trọng trở nên bình thường. Chỉ cần đừng đánh mất niềm tin trong cuộc sống!
XEM NGHỊCH CẢNH NHƯ MÓN QUÀ
Khi đức Phật còn tại thế, uy đức của Ngài rất lớn, đến độ người ta nói Ngài là người của nhân từ, tình thương bao la, rộng lượng và tha thứ. Có người khi nghe đến oai đức của Ngài, cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ họ là số một nhưng lại không nhận được sự tôn kính ở người khác như đức Phật. Khi lòng ganh tị xuất hiện, con người có thể làm việc xấu để thoả mãn cơn giận dữ.
Có ông Bà-la-môn ganh tị trước những thành tựu của đức Phật, ông vô cùng bực tức, nên đến mắng nhiếc và nhục mạ Ngài. Thấy đức Phật thản nhiên, không phiền não, ông liền kê miệng sát vào tai Ngài hét lớn nhưng đức Phật vẫn ngồi yên, không phản ứng. Ông nói cay cú để chọc tức: “Tôi biết rồi, Ông là người điếc nên không nghe tôi chửi rủa Ông chứ gì”. Ông ta nói bằng nhiều cách, khiêu khích. Đức Phật vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thái độ im lặng của đức Phật làm ông ta mất hứng.
Cũng vậy, khi ai đó tạo phiền não, sân hận với mình thì sự trả đũa sẽ làm cơn sân hận đang cháy như ngọn lửa được đổ thêm dầu, phiền não càng cháy nhiều hơn. Do đó, phải tìm cách để đối phương không có dịp đổ thêm dầu vào lửa. Thái độ thản nhiên của người bị khiêu khích sẽ chuyển hóa người sân hận gây chuyện. Khi nắm tay lại và đấm vào không gian, cú đấm đó vô nghĩa vì không có đối tượng. Nếu đấm vào bao cát, trái banh, thậm chí vào tường… mỗi cú đấm đều có một lực phản. Còn khi đấm vào không gian, lực phản không có mặt thì người đấm không còn hứng thú để tiếp tục đấm nữa.
Mục đích của phương pháp không nhận món quà phiền não hành động sân hận của người gây hấn bị mất hứng vì không có phản lực đối lập lại. Cú đấm ở đây có thể hiểu là lời nói tục tĩu, thị phi, chọc tức người làm những việc nhân từ, những việc tốt phục vụ cộng đồng và xã hội... Tương tự cú đấm vào không gian không có sự phản hồi, các hành động nhục mạ của kẻ sân nếu không gặp lực phản hồi sẽ nguội lạnh. Cảm xúc mất hứng của người sân không gặp phản lực sẽ cảm thấy bản ngã được thoả mãn nên không tạo thêm nghiệp sân nữa.
Khi ông Bà-la-môn mất hứng, đức Phật mới hỏi: “Khi gia đình ông tổ chức sinh nhật, bạn bè ông mang quà đến tặng. Nếu không có nhu cầu thì ông sẽ ứng xử trước những phần quà đó như thế nào?” Người Bà-la-môn nói: “Nếu tôi không tha thiết nhận quà thì người tặng quà không còn cách nào khác hơn là mang về”. Đức Phật đáp: “Tương tự, ông đã mang rất nhiều quà tặng cho Như Lai, là quà sân hận, bực tức, giận dữ, phiền não. Như Lai không có chỗ để chứa những phần quà này. Nhà của Như Lai đã có tất cả đầy đủ vật dụng của đạo đức và lòng từ bi. Xin cảm phiền ông hãy mang các món quà đó về”.
Lời nói của đức Phật đã làm cho Bà-la-môn thức tỉnh. Có người nhận định, đức Phật đã trả đũa một cách thâm thúy. Nếu trả lời bằng những lời bực tức, người kia sẽ không đau nên Ngài nói bằng lời nhân từ có móc câu sẽ làm ông Bà-la- môn đau đớn nhiều hơn. Hiểu vậy là lý giải sai. Vì giá trị lời nói ngoài biểu đạt của cách dùng từ còn chịu ảnh hưởng ngữ điệu và cách phát âm.
Cũng một lời nói mà ngữ điệu có âm sắc của lòng nhân từ, độ lượng, tha thứ, hỷ xả và vô chấp thì không thể xem là cái móc câu. Như Lai không bao giờ phát ngôn để trả đũa. Ngài từng tuyên bố: “Ta không tranh chấp với đời, chỉ đời tranh chấp với Ta”. Nhờ lời nói vô chấp và nhân từ mà hành động sân hận của người nhục mạ đã được chuyển hoá. Nếu lời nói có ngữ điệu của sự sân hận và trả đũa thì chắc chắn không thể đóng vai trò chuyển hoá được. Trường hợp dụng ngữ và thái độ sắc âm của đức Phật mang chất liệu của lòng từ bi nên có tác dụng thay đổi tâm kẻ xấu.
Cùng một câu hỏi nhưng nếu ba người có cá tính khác nhau thì sự biểu đạt nội dung ẩn ý bên trong cũng khác biệt. Thí dụ, trong văn hoá giao tiếp người Anh, khi gặp người quen thường dùng câu hỏi: “How are you?” (có nghĩa là ông/ bà/ anh/ chị… khỏe không?). Trong văn hoá giao tiếp, người hỏi câu này không có dụng ý muốn lắng nghe người được quan tâm kể lể về sức khoẻ kiểu, “ngày hôm qua tôi bị xe đụng” hay “hôm nay tôi bị nhức đầu”… Mà câu hỏi chỉ đơn thuần là một câu xã giao, biểu đạt mối quan hệ tình người, không hẳn mang thông điệp của sự quan tâm đối với người được hỏi. Đây là đặc trưng giao tiếp của phương Tây.
Cũng câu hỏi “Ông khỏe không?” Nếu người hỏi nhấn mạnh ngữ điệu bằng cách vểnh môi thì là lời trêu chọc rằng, ông bệnh là đáng đời lắm chứ không phải lời thăm hỏi. Nếu câu hỏi được phát ra với ngữ điệu biểu đạt nhẹ nhàng thì là sự quan tâm thật sự. Trường hợp này ẩn chứa quan niệm nỗi đau của người được hỏi như nỗi đau của người hỏi vì người hỏi thấy cần có sự an ủi và chia sẻ.
Tình huống xã giao thì câu hỏi chỉ được dùng để hỏi và người hỏi không hề chờ đợi bất kỳ sự giải thích nào về tình trạng sức khoẻ. Gặp nhau thì hỏi vậy thôi. Đôi khi, câu hỏi chưa dứt lời, người hỏi đã đi mất. Nói cách khác, câu hỏi trong ngôn ngữ giao tế chỉ có chức năng ngoại giao, không đặt tình cảm đồng tình hay phản đối, thân hay sơ, quan tâm hay mặc kệ, chia sẻ hay nói móc…
Như vậy, cũng câu nói nhưng nếu biểu đạt bằng ba ngữ điệu khác nhau thì có thông điệp giá trị, dụng ý khác nhau. Đức Phật khi dùng khái niệm, “Tôi không nhận quà của anh, tôi không nhận quà của sân hận, phiền não, bực dọc” tức là Ngài muốn nói tại sao lại tặng những phần quà khổ đau và buộc người khác phải nhận. Có thể bất đồng với quan điểm này hoặc quan điểm kia nhưng tôn trọng nhau về cá tính, những cái mà người có, mình không có. Không hợp nhau cũng nên hoà hợp. Nói theo Tổ Huệ Năng, nếu không hợp thì hãy chắp tay chào nhau trong hoan hỷ. Tại sao phải tạo những cây gai để không thể đến gần nhau? Cần gì phải khoác vào thân những chiếc áo giáp mà lẽ ra chỉ cần thân thiện, dang tay ôm lấy người khác. Tại sao phải cần đến vũ khí thay vì có thể bắt tay, chào nhau trong thân thiện, hòa bình và hạnh phúc!?
Trở lại câu chuyện đức Phật. Lời nói của Ngài mang chất liệu của tình thương, tỉnh thức làm cho Bà-la-môn suy nghĩ lại. Tại sao mình phải nói những lời cộc cằn với bậc nhân từ, người mang tình thương đến với nhiều người. Lẽ ra phải tán dương và kính ngưỡng bậc nhân từ ấy, phải tuỳ hỷ với những thành công của Bậc Đại Giác, người xiển dương các giá trị đạo đức. Cho nên, sau câu nói của đức Phật, vị Bà-la-môn chẳng những không giận dữ mà còn phát nguyện trở thành đệ tử của Ngài.
Nên quan niệm, phiền não sân hận như những phần quà không cần mà đến. Nhờ đó, sự bực tức không cơ hội phát triển. Hãy quan niệm, tất cả những điều xấu xảy ra trong cuộc đời này chỉ đơn thuần là những phần quà mà mình không cần đến. Vì không có chỗ chứa thì nỗi đau không có mặt. Trong nhận thức và lý tưởng phục vụ, người dấn than không nên mang vác các loại quà sân si của người xấu, ác trên lưng, lại càng không nên vác theo trong trí não và cũng không nên để nó ám ảnh. Thói quen nghĩ mình là nạn nhân sẽ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng. Bỏ thói quen quan trọng hoá vấn đề thì mọi việc sẽ chẳng hề hấn. Nhờ quan niệm, tất cả những chướng ngại và phiền não như phần quà, hành giả có thể vứt những khổ đau ra ngoài tâm thức, hoặc quăng chúng vào sọt rác. Không nên dung chứa những thứ không cần thiết vào cuộc đời.
Khi quan niệm lời xấu, ác là quà tặng, người ứng xử thông minh sẽ có cảm giác thương người sân si. Bởi vì, khi người sân ấy chịu mang quà đến là họ đã có tấm lòng với mình rồi. Không phiền não đối với người xấu, không quan tâm về những gì khó chịu. Nhờ ứng xử vậy, các phiền não giữa mình với người được chặn đứng, ít nhất là về phương diện hành trì. Nếu sáng suốt, nên rộng lượng, bao dung, hỷ xả về những gì người xấu mang lại cho mình. Làm thế, có thể đối phương cảm thấy tức tối và phiền não nhiều hơn vì lầm nghĩ mình thâm hiểm hay khinh thường họ. Đừng ngại điều đó, mọi việc sẽ được phơi bày trước ánh sáng chân lý! Nếu tâm trong sáng thì không có gì phải bận lòng.
Trong mọi tình huống, người hành trì sẽ không nối kết phiền não với bất kỳ ai. Nếu nội kết hay phiền não được thiết lập thì nó chỉ được thiết lập một chiều ở người cố gây chuyện, người tạo phiền não, giận dữ chứ không thể tồn tại trong tâm, nhận thức, thái độ ứng xử của hành giả. Đến một lúc nào đó, nội kết một chiều sẽ bị mất dạng.
Hoạt động của phiền não thường diễn ra giống cái mâu và thuẫn. Nếu đóng vai trò cái mâu thì đối phương trở thành cái thuẫn và ngược lại. Đó là chưa nói đến tình trạng liên minh. Hễ có một cái mâu thì sẽ có mặt nhiều cái mâu khác, đã có một cái thuẫn thì sẽ có nhiều cái thuẫn khác. Một tiếng vỗ tay sẽ kéo theo nhiều tiếng vỗ tay khác. Một tiếng cổ vũ sẽ tạo thêm nhiều tiếng hòa đồng. Cơn sóng sau sẽ đẩy những cơn sóng trước. Cắt đứt phản ứng sân hận bằng sự chuyển hoá thì sự sân hận sẽ kết thúc!
Nếu biết ứng dụng thích hợp các phương pháp trị liệu lòng sân vừa nêu, thì giá trị an vui có mặt. Áp dụng một, hai, ba phương pháp cùng lúc chúng có thể hỗ tương cho nhau. Phải hoá giải cơn sân để tháo gỡ mối bất hòa. Có thể thiết lập lại sự truyền thông và tình thân, hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ, dựng lại những gì đã ngã xuống, lật ngửa những gì bị nằm úp, mang ánh sáng vào trong bóng tối… Từ đó, thiết lập niềm an vui, hạnh phúc cho chính bản thân và người khác. Giá trị của hạnh phúc chính là biết sống giữa cuộc đời chứ không phải những chấp trước, bám víu vào những phiền muộn do chính mình hoặc người gây ra.
BUÔNG XẢ CHO LÒNG THANH THẢN
Câu chuyện có thật về người vợ thương yêu chồng. Hai người rất chung thủy. Mỗi ngày, hai người cùng dắt tay nhau đi trên từng con đường dù gia cảnh rất nghèo khó. Hạnh phúc đó làm nhiều người phải thèm khát. Ngày chồng chết, vợ khóc rất nhiều và làm đám tang theo tinh thần Phật giáo. Cúng dường tuần thứ nhất, thứ hai và chuẩn bị đến lần thứ bảy thì chuyện bất hạnh diễn ra. Bà phát hiện được quyển nhật ký ghi lại những cuộc tình, đại từ xưng hô để trống. Bà rất sung sướng, hạnh phúc và thầm nghĩ: “Trời ơi! Hồi nào giờ ông thương mình cỡ này mà không chịu nói, mình vẫn cảm nhận được nhưng không nói ra. Có lẽ, nếu ông nói ra thì mình thương gấp hai, gấp ba lần vậy nữa!” Nhưng đến trang cuối cùng, bà ta hoàn toàn bất mãn và thất vọng vì nội dung ghi: “Em ơi! Hôm nay anh không đến được vì bà mụ vợ già của anh cản quá nên anh không thể đến với em được!”
Sụp đổ thần tượng, khổ đau xuất hiện, ngày hôm sau là đúng 49 ngày của chồng nhưng bà đã đập tan nát bàn thờ, hình của ông bị bỏ vào lò lửa. Kết quả của cơn sân hận đẩy bà lâm vào cơn bệnh suy tim trầm trọng. Như vậy, kiến thức về một thực tại bất mãn có thể làm cho con người khổ đau cùng cực! Sự khổ đau có thể được phóng thích bằng bạo động và tạo ra cường lực đổ nát rất lớn.
Trong những tình huống như vậy, phải bình tâm suy xét thì mới dễ dàng tha thứ được. Rất khó, nhưng theo tinh thần của đức Phật dạy, phải tri túc, tức là biết đủ. Nếu đem phân tích trên bình diện hạnh phúc về đời sống hôn nhân như trong trường hợp của bà thì hạnh phúc bà có được với chồng tối thiểu là 80%, 20% cho cô gái khác thì đâu bao nhiêu. Mỗi lần ông đi phải lén lút, phải giấu giếm nhưng về nhà ông vẫn lo tròn trách nhiệm. Dĩ nhiên, điều đó sai với đạo đức, trái với tinh thần chung thủy nhưng nếu so sánh thì bà vẫn được phần hơn. Vì vậy, khi phát hiện ra điều không đẹp, có thể tạm quên đi, đừng đẩy chồng về phía người kia. Vì rất có thể người kia sẽ cướp đoạt luôn. Cũng rất may, người chồng của bà đã chết, nếu không khi bùng nổ ra thì bà sẽ mất chồng. Chắc gì cuộc đời có nhiều cặp vợ chồng được hạnh phúc như bà.
Câu chuyện trên cho thấy, tất cả những người nam cần phải ý thức về điều đó, đừng cho vợ nổi cơn tam bành, lục tặc trở thành “sư tử Hà Đông” thì rất nguy hiểm! Nguyễn Du từng nói, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Đó là một hiện tượng tâm lý. Nếu cường lực bất mãn quá mạnh sẽ làm đổ nát hết cả hạnh phúc đã có trong quá khứ. Chuyện không chung thủy của ông chồng chỉ diễn ra trong những năm cuối đời. Còn mấy chục năm trước, ông chung thủy, tại sao bà ta không nhớ, không cảm nhận bầu trời hạnh phúc đó mà chỉ thấy gai góc của những năm cuối, để rồi đánh đổ hết tất cả hoa hồng của quá khứ, đó là thái độ ứng xử không nên có.
Phật giáo dạy, hãy biết tha thứ! Nếu phát hiện người tình không chân chính thì tha thứ để họ có cơ hội quay về. Thái độ khôn ngoan của người bị nạn sẽ làm người kia hối hận và dễ dàng trở về con đường chân chính, bằng không, họ có thể tìm cơ hội đi luôn và vĩnh viễn người ở lại bị thiệt thòi.
Câu chuyện của Bill Clinton với Monica và vợ là bài học cần ghi nhớ. Vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton là người đàn bà rất rộng lượng, biết chịu đựng trước bao nhiêu mũi dùi của thông tin báo chí, thông tin điện ảnh nhắm vào chồng mình. Nếu như Nicolas Kidman khi nói về Tom Cruise là bà ta đưa đơn ly dị ngay. Nhưng, vợ của Tổng thống Bill Clin- ton khôn ngoan hơn, bà không đứng về phía báo chí, những người hại Bill Clinton mà đứng về phía chồng vì chắc chắn rằng ông Bill Clinton sẽ hối hận nhiều hơn, sẽ thừa nhận sai lầm trước báo chí, đài, trước cả thế giới. Sự tha thứ của vợ trong trường hợp này sẽ làm ông hạnh phúc nhiều hơn. Ông ta sẽ tin tưởng vợ hơn bất cứ ai trên đời. Cho nên, bất mãn là vũ khí nguy hiểm, đồng thời cũng là liều thuốc trị liệu. Thái độ ứng xử trong bất mãn sẽ tạo ra hoặc là sự xây dựng hoặc là đổ nát. Dĩ nhiên, người con Phật sẽ chọn xây dựng chứ không bao giờ đặt sự đổ nát lên trên, bởi vì, mình và người ta sẽ trở thành nạn nhân của nhau vĩnh viễn!
Đức Phật đề cập đến tình huống “người dễ nói” theo chiều hướng họ đã chuyển hóa được lòng sân ở mức độ nhất định nào đó nên rất dễ thương, dễ mến, gần gũi, kính, tiếp xúc và dễ học hỏi. Trong tình huống một vị xuất gia có đầy đủ nhu yếu phẩm do đàn na tín thí cúng như y áo, thực phẩm, phương tiện sinh hoạt, dược phẩm trị liệu nên thấy vị tu sĩ đó không cau có. Nhưng đừng dựa vào những yếu tố biểu hiện bên ngoài mà xác định người đó đã có được những tiến triển về tâm linh trong tu tập.
Theo đức Phật, một hành giả dù là xuất gia hay tại gia không đầy đủ bốn nhu cầu vật dụng, lâm vào hoàn cảnh khó khăn nhưng trong tình huống khó chịu, bức bách ấy mà họ vẫn không khởi lên lòng sân từ trong chiều sâu của tâm thức thì mới có chiều sâu tâm linh. Nhiều người sẵn sàng tha thứ người khác khi họ thành công tuyệt đỉnh nhưng lại không thể bỏ qua một lỗi lầm nhỏ khi họ rơi vào tình thế khổ đau. “Bần cùng đa oán” là trạng thái tâm lý thông thường. Nghèo khó, thiếu thốn tạo ra căng thẳng tâm lý nên dễ oán trách cuộc đời. Khoảng 20 năm về trước, Việt Nam còn nghèo, phần lớn phương tiện di chuyển bằng xe đạp, nhiều người đi bộ. Mỗi khi có thầy nào chạy chiếc xe đạp mới, vượt qua chiếc xe xích lô nào đó đã bị nghe những lời chửi bới khiếm nhã như “thầy chùa mà cũng bày đặt chưng diện”.
Người nghèo khó có nhiều nỗi niềm bức xúc, chỉ cần một duyên xúc tác nhỏ với người chưa hết lòng sân là họ thổ lộ sự cau có ra bên ngoài. Khi tâm bị ức chế hay quá căng thẳng rất dễ nổi cáu mà với người bình thường thì chẳng đáng vào đâu. Thấy được điều này, có thể khắc chế lòng sân thành công. Biết người khác đang rơi vào tình trạng “bần cùng đa oán”, đừng tạo cơ hội cho họ oán trách cuộc đời thêm nữa. Bởi vì, thói quen oán trách đó có thể làm họ mất tâm tùy hỷ với sự thành công của người khác, từ đó, nỗi khổ niềm đau sẽ gia tăng.
Theo đức Phật, người được gọi là “người dễ nói” là người ứng xử trước sau như một. Trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, tâm họ không chao đảo trước những lời nhục mạ, thị phi, phê bình do người khác cố ý tạo ra.
Đức Phật dạy năm tiêu chí khắc phục lòng sân như sau:
Thứ nhất, chọn thời điểm thích hợp. Nếu phát biểu quan điểm để tháo gỡ sự hiểu lầm trong giao tế nên phát ngôn đúng thời thì mới có kết quả. Nói đúng thời điểm là người nghe cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng đón nhận. Lúc thời cơ tốt, chia sẻ vấn đề có nghệ thuật thì lời góp ý sẽ được tiếp nhận.
Thứ hai, sự chân thật và lòng chân thành. Người phát ngôn cần nói bằng ngôn ngữ của con tim với nội dung và lời lẽ chân thật, không thêm thắt sự kiện. Sự kiện diễn ra như thế nào thì mô tả như vậy, đừng để dòng cảm xúc biến thiên lên xuống theo sự kiện. Sự chân thành làm sự thật phơi bày mà không chạm đến lòng tự ái của người nghe.
Thứ ba, sử dụng lời nói nhu nhuyễn. Khái niệm nhu nhuyễn được đức Phật lấy từ hình ảnh vải lụa Kali ở vùng Vanarasi, địa danh nổi tiếng nhất về lụa tại Ấn Độ thời cổ đại. Bề mặt của vải lụa rất mịn màng làm cho người mặc có cảm giác thoải mái, dễ chịu trong mọi mùa. Mặt khác, vải lụa còn có giá trị làm trang sức, tăng thêm sự sang trọng cho người mặc (người đẹp vì lụa). Phải dùng ngôn ngữ nhu nhuyễn giống như lụa, ngữ điệu hòa nhã, dễ chịu, êm ái. Tuy nhiên, đừng lạm dụng trong những tình huống không cần thiết.
Thứ tư, nội dung và sự kiện có ích. Trình bày quá nhiều sự kiện sẽ làm người nghe chán ngán. Đề cập quá nhiều điều cùng một lúc làm người nghe thoái thất tâm Bồ đề, nản lòng thối chí, bối rối, chán chường, yếm thế và rút lui. Người khôn ngoan muốn đặt giá trị lợi ích lên trên các mối quan hệ giao tế thì sự hiểu biết, cảm thông, xây dựng là những yêu cầu không thể thiếu. Trong đối thoại, chỉ đề cập đến những gì thật sự có lợi ích nhằm giúp cho người nghe có những thay đổi tích cực.
Thứ năm, nói với tâm từ bi. Đây là tiêu chí nền tảng và quan trọng nhất so với bốn tiêu chí vừa nêu. Khi có lòng từ
bi, sẽ nói đúng thời điểm cần thiết, lời nói chân thật, không tô hồng bôi đen, ngôn ngữ diễn đạt mang tính nhu nhuyễn và nội dung trao đổi luôn có nhiều giá trị lợi ích, hoàn toàn không gây tác hại cho người nghe.
Ứng dụng năm tiêu chí trên vào các mối quan hệ thì làm giảm bớt sự căng thẳng của lòng sân, nỗi khổ niềm đau và chắc chắn sẽ thành công trong cuộc sống. Hành giả hãy tâm niệm và học tập cách giữ tâm, không để tâm bị biến nhiễm từ trạng thái an vui hạnh phúc trở nên sân hận khổ đau, đừng nói những lời nói khó nghe, gây chia rẽ, hận thù, đổ nát… Mà phải nói và sống với tâm từ bi.
Để thực tập chuyển hóa lòng sân hận, có thể chọn đối tượng được xem là người khó thương, khó ưa nhất đối với bản thân hay người đã gây cho mình nỗi khổ niềm đau nhiều nhất. Nếu thực tập thành công thì không có chuyện khó nào trong cuộc đời mà không làm được. Thực tập trải rộng tâm từ bi lên đối tượng khó ưa nhất. Sau đó, thực tập mở rộng tâm từ bi đến muôn loài và mọi vật.
Thực tập lòng từ bi theo mô hình ngược là thực tập sống chung với đối tượng dễ ghét trước, sau đó mới tới người dễ thương là nhằm nhắm vào bản chất cái gút của lòng sân. Khi cái gút của lòng sân được giải quyết thì mọi thứ sẽ được chuyển hoá. Cách thực tập này giúp ý thức và biết tôn trọng dòng cảm xúc, thoát khỏi nỗi khổ niềm đau. Phải thấy mấu chốt của tất cả mâu thuẫn và đổ vỡ trong cuộc đời phải được chuyển hóa ngay chính đối tượng tạo ra sự mâu thuẫn đó, chứ không phải đối tượng khác. Mượn đối tượng khác để thay thế là cách đào tẩu, bế tắc, không phải giải pháp tốt. Sự đào tẩu chỉ có giá trị tạm thời. Muốn tháo gỡ lòng sân lâu dài và dứt điểm thì gút mắc xuất hiện lòng sân với ai, phải tháo gỡ với người đó.
NĂM ẢNH DỤ CHUYỂN HÓA SÂN HẬN
Trong kinh Pali, đức Phật nêu ra các ảnh dụ nhằm giúp hành giả quán niệm và tu tập chuyển hóa lòng sân hận. Trong các tình huống phải đối diện hay chứng kiến cảnh thương tâm, đau lòng thì hành giả không nên để cho sự sân hận chiếm ngự dòng cảm xúc.
Ảnh dụ cầm vũ khí phá hoại mặt đất. Ví như có người ác ý cầm cây xẻng hay lưỡi liềm nói, sẽ làm cho đại địa này không còn là đất nữa. Nói xong, anh ta đào bới và dùng chất nổ phá tung, làm cho mặt đất không còn bằng phẳng, chỗ lồi chỗ lõm. Tàn phá mặt đất xong, anh ta phỉ nhổ nước miếng, tiểu tiện lên mặt đất. Lúc ấy, anh ta ngây ngô nghĩ làm vậy thì mặt đất không còn là mặt đất nữa. Trên thực tế, tình huống và cách thức ứng xử này chỉ làm người sân hận mệt nhoài và có thể bị bệnh tâm thần chứ không giải quyết được gì. Giải quyết theo thói quen đạp đổ, tàn phá chỉ làm vấn đề trở nên rối rắm. Đối tượng thương tổn không ai khác hơn chính bản thân họ. Đất là đất, dù bị tàn phá đất cũng không thể nào biến thành phi đất. Liên tưởng đối tượng ta ghét như là đất. Ta muốn trả đũa đối tượng đó như cách tàn phá sự màu mỡ của đất nhưng đối tượng đó chưa chắc đã bị tàn phá. Ngược lại, lòng hận thù đã tàn phá mảnh đất tâm của mình rồi. Nói theo Phật, trả đũa đối tượng gắn với lòng sân chỉ là cách biến mình thành nạn nhân của khổ đau.
Ảnh dụ người thợ sơn hư không. Giống như một người thợ sơn dùng các loại sơn màu và cây cọ đắt tiền sơn phết lên hư không. Người thợ sơn cố hình dung và tưởng tượng với cây cọ, anh ta có thể tô màu sắc vào không gian và không khí. Người thợ sơn chỉ có thể thành công trong tưởng tượng chứ không thể xảy ra trong thực tế. Trong hận thù, nhiều người muốn làm cho gương mặt đẹp của người bị ghét biến dạng trước quần chúng. Thay vào đó là gương mặt màu đen, màu tím thật ảm đạm bằng sự liên tưởng và tìm cách phỉ nhổ, tô màu, bịa chuyện, chỉ trích người bị ghét. Người sân hận có ảo tưởng đã thành công. Trên thực tế, khi ôm ấp cơn sân hận là tự hành hạ chính mình từng giây từng phút. Hoàn toàn vô ích khi nỗ lực sơn lên không gian vì nước sơn không thể bám vào hư không. Càng nỗ lực sơn thì đối tượng bị dính sơn lại là mặt đất do tình trạng nhỏ giọt của sơn.
Tương tự, kẻ sân hận muốn sơn phết các sắc màu đau khổ lên người y thù ghét, nhưng càng sơn thì sắc màu đau khổ càng bám lên bản thân y mà thôi. Kẻ sơn vào không trung sẽ bị sơn dính nhễu nhão trên thân thể, tay chân y trước nhất. Kẻ bị dính dơ chính là người thợ sơn chứ không phải hư không. Nếu có thể quán niệm kẻ khó ưa hay người mang lại khổ đau là hư không thì không dại gì phết sơn vào hư không. Vì hư không không có thực thể mà nó vốn được hình thành bởi khoảng cách vật lý giữa các vật thể. Xem người khác là không gian, sẽ thấy các hành động xấu của họ là khoảng trống rỗng chỉ tồn tại nhất thời, không ở mãi với cuộc đời nên không cần tô sơn, phết màu nỗi khổ niềm đau lên người họ.
Ảnh dụ lửa cỏ đun sôi sông Hằng. Giống như người đốt bó cỏ khô với ảo giác nghĩ có thể đun sôi nước sông Hằng. Sông Hằng là con sông dài và linh thiêng đối với Ấn Độ giáo. Nước sông Hằng không cùng tận. Một bó cỏ khô chưa chắc đun nóng được ly nước dung lượng 100ml, ấy thế, người ảo tưởng lại mơ có thể làm nóng con sông lớn. Khi lòng sân khống chế, con người có khuynh hướng sống trên ảo giác, cường điệu hoá trên ảo giác. Do đó, chuyện nhỏ có thể xé thành to. Phần lớn các tình huống trả đũa không mang lại lợi ích gì cho người nóng giận ngoài việc bị tổn thất, hoặc nặng hơn có thể bị điên cuồng do sân si quá độ làm biến dạng cảm xúc.
Ảnh dụ cái da mèo. Giống như cái da mèo đã được luộc chín, nhu nhuyễn như bông không còn tiếng xì xọp. Nhưng người ảo tưởng lại nghĩ có thể làm cho âm thanh phát ra từ da mèo luộc. Nhiều tình huống, tác giả tạo ra khổ đau đã chuyển hóa được lòng tham, lòng sân của họ bằng sự ăn năn hối lỗi nhưng không tìm được nạn nhân để xin lỗi. Cái gút khổ đau đã được chính tác giả tháo mở nhưng nạn nhân thì không buông xả, vẫn còn ôm giữ trong tâm kể từ khi nỗi đau xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại. Nỗi oan khiên, oán trái đó nếu nạn nhân không tình nguyện giải phóng hay chuyển hoá thì sự khổ đau sẽ phủ lên người bám giữ. Da mèo đã bị luộc chín không thể tạo ra sự xì xọp nhưng giận quá mất khôn, nạn nhân nghĩ tưởng có thể làm nó kêu được. Giả sử làm được điều đó thì có giá trị gì? Dấy khởi lại âm thanh của nỗi khổ niềm đau trong quá khứ là tạo ra sự tái sinh của khổ đau đã lịm tắt. Hâm nóng lại nỗi đau là biến mình thành nạn nhân lần thứ hai!
Trong các cuộc chiến tranh trên nền tảng ý thức hệ và quyền lợi kinh tế, hai phía luôn khích lệ và nuôi dưỡng sức sống của khổ đau bằng chủ nghĩa yêu nước. Bên nào cũng khích lệ và sách động thế hệ trẻ phải trả thù những người đã tạo ra cái chết và khổ đau cho ông bà, tổ tiên. Những người sống trong hiện tại có thể cách quá khứ khổ đau đến 30, 100 hay 1000 năm lại phải trả thù những người mà họ không hề có mối quan hệ hận thù trực tiếp với nỗi khổ niềm đau trong quá khứ. Hâm nóng lại những nỗi khổ niềm đau đã chết trong quá khứ là không khôn ngoan. Nhớ lại kinh nghiệm khổ đau quá khứ không mang lại giá trị hạnh phúc ở hiện tại.
Đức Phật dạy, nên buông xả khổ đau. Hãy nghĩ những gì đã xảy ra trong quá khứ, đã lặng yên như nắm mồ là tro bụi dĩ vãng, cần quên lãng. Người đời thường lý luận, không biết lịch sử và quá khứ thì không thể có hiện tại. Bao nhiêu thế hệ cha ông đổ máu xuống để có được cuộc sống hôm nay. Trả thù kẻ đã tạo ra chiến tranh tang tóc cho quê hương và người thân là đền ơn tổ quốc và những người đi trước. Lý luận đó chỉ đúng về phương diện chính trị. Ở phương diện cảm xúc, từ bỏ thái độ trả thù thì hạnh phúc nhiều hơn. Giải pháp cao thượng và tích cực vốn có giá trị hơn nhiều.
Trong ảnh dụ cái da mèo, đức Phật dạy không nên nỗ lực vô bổ tạo ra âm thanh trên da đã luộc chín, vì nó vốn không còn khả năng tạo ra âm thanh nữa thì đừng mất thời gian, công sức để bội thực lòng sân vốn đã lịm tắt trong quá khứ.
Nội kết là kẻ thù chung của nhân loại. Nó có thể tồn tại như một mâu thuẫn hay xung đột. Xung đột về bản ngã, quyền lợi. Nếu càng để lâu chừng nào thì khổ đau giữa mình và người càng tăng trưởng nhiều chừng đó. Do vậy, là người con của bậc giác ngộ, đừng bao giờ chấp nhận, nuôi dưỡng những nội kết, mà cần tìm giải pháp để tháo gỡ. Có những giải pháp rất an toàn là buông xả, hỷ xả, bao dung độ lượng và đừng đẩy người khác vào những tình huống khó xử. Cần tạo cho họ đứng bằng đôi chân vững vàng, giúp họ có không gian để thở, thực phẩm ngon để ăn và thở bằng oxy thay vì cacbonic. Cần trồng nhiều cây xanh trong quan hệ trực và gián tiếp trong cuộc đời. Nên gợi ý cho họ có quyết định về vấn đề có lợi cho cả hai. Nếu không, nội kết sẽ có những biến dạng rất nguy hiểm. Do vậy, cần tháo gỡ tất cả những nội kết để được an vui, hạnh phúc trong cuộc đời!
Lời đức Phật dạy, con người không phải là kẻ thù của nhau. Con người cần chuyển hóa những khổ đau bắt nguồn từ tình cảm, khác biệt từ những xung đột quyền lợi cá nhân và chuyển hoá từ xấu trở thành tốt, bóng tối thành ánh sáng, thù thành bạn, đối lập thành hợp tác. Được như vậy thì cuộc sống sẽ an vui, hạnh phúc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét