Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009
TỪ BẢO TÀNG ĐẾN TAM BẢO
Ngày thứ ba tại Bình Định, Thiền sư và đoàn thăm viếng Bảo tàng viện Quang Trung rồi về Thập Tháp.
Sáng 01/4/05, khí hậu trong lành của buổi sáng miền quê, sau khi Thiền sư và đoàn điểm tâm, 8giờ 30 đã có mặt tại Bảo tàng viện Qưang Trung, một khuôn viên vài mẫu, nằm không xa quốc lộ, tuy cây cao và mát, nhưng không phải loại cây của rừng nguyên sinh, do con người trồng về sau, trong những cây con vài năm tuổi, có lưu niệm tên của các lãnh đạo cao cấp trung ương đích thân xuống gốc, rất tiếc, chưa đầu tư đúng mức để nơi đây biến thành khu du lịch có tầm cở; đáng ra, những vùng đất trống bao quanh viện Bảo Tàng, phải được phủ xanh cỏ Chỉ, lại để trơ trọi lớp đất làm tung bụi mù khi chân bước qua, và còn rất nhiều những cái mà đáng ra phải mặc vào lớp áo nghệ thuật dân tộc để xứng với cái tên Viện Bảo Tàng.
Thiền sư dẫn đầu đoàn trên 500 người im lặng tiếp bước từ cổng vào, hai hàng rào danh dự do GĐPT và các cư sĩ chấp tay thành kính nghinh đón, rải rác một vài em thanh niên trang phục đội nón lá theo kiểu lính thú thời áo vải Tây Sơn; Khu nhà chính, thờ tượng vua Quang Trung, các công thần, liệt sĩ, các gian kế là hình ảnh, đao kiếm, bảo vật Tây Sơn, chính giữa sảnh đường trưng bày sa bàn toàn cảnh núi rừng vùng chiến đấu của quân Tây Sơn, trong đó có thượng nguồn TâySơn, các sắc tộc thiểu số đã cùng dân tộc chung vai khởi nghĩa, bên ngoài nhìn vào khu chính, phía tay mặt là cái giếng miệng xây gạch tổ ong, gia đình tộc họ nhà vua đã sử dụng lúc sanh tiền; Thiền sư kính cẩn nghiêng mình chiêm ngưỡng hình tượng và các bảo vật; Khuôn viên rộng thoáng, nhưng bổng chật lại khi hàng trăm người xen nhau du lãm.
Phía trước viện Bảo Tàng là nền sân gạch khá rộng, chiếc bàn dành riêng cho Thiền sư được ban tổ chức mời tham dự màn biểu diễn võ thuật Tây Sơn, Bình Định được bảo lưu đến hôm nay; đoàn người có mặt vây quanh sân, kẻ đứng người ngồi ngẩn ngơ thích thú nhìn các bộ trang phục, các nhạc cụ giản đơn, các vũ khí thô sơ, nhất là diễn viên nữ- Nguyễn thị Thuận, sử dụng một lúc 12 chiếc trống đủ cở một cách thiện nghệ.Tiếng trống Tây Sơn, thúc quân, tiến quân, thu quân; Thiền sư không dấu được sự kinh ngạc một cách hồn nhiên, chăm chú theo dỏi các thao tác diển xuất, tấm tắc khen ngợi! Những vũ điệu của bộ tộc Bana, Ede…..…được biểu diển khá xuất sắc, ngắn gọn, nhiều ý nghĩa; những đường kiếm, đao thương do các em thiếu nữ thao dợt điêu luyện. Các đường quyền võ thuật Bình Định sống lại theo ca dao: Ai về Bình Định mà coi, đàn bà con gái cầm roi đi quyền.Các Tăng thân và cư sĩ Au châu thích thú được chứng kiến một nét văn hoá chiến đấu đặc thù của VIỆT NAM trong công cuộc chống xâm lăng, giữ gìn bờ cỏi. Thiền sư chụp chung hình với các nghệ sĩ diễn viên, ban tổ chức, Ngài cũng trao quà lưu niềm bằng những đầu sách và đĩa giảng, có tấm thư pháp lộng kính: ĐỪNG PHỤ SUỐI ĐỒI; Ngài phát biểu khen ngợi ban tổ chức, nhất là các em diễn viên, Ngài nói: các em xuất sắc thể hiện tính nghệ thuật chiến đấu bảo vệ quê hương , nhưng cũng cần xây dựng quê hương không kém phần quan trọng, phải loại bỏ những tri kiến hẹp hòi để đoàn kết tình anh em…Ngài cũng giải thích bốn chữ thủ bút- phải biết quý trọng cây cối suối nguồn đất đai, sinh môi, vì đất nước ta rất đẹp.
Một buổi sáng trong lành thoải mái, một trình diển đặc biệt tặng cho sư ông và đoàn, gây ấn tượng cội nguồn của dân tộc ta, chắc chắn đây là một trong những kỷ niệm khó phai của một Lão tăng những ngày sống trên quê mẹ, thích hợp với những cưu mang dân tộc mà gần 80 năm chưa hề phai nhoà trong tâm tư của một bậc Thượng trí sống lưu vong!
Đòan lui chân gần 12 giờ, xe hướng về chùa Thập Tháp. Con đường vào chùa là hai hàng cây toả bóng, đặc biệt chung quanh chùa trồng nhiều cổ thụ me. Trước mặt chùa là hồ sen vuông vức, phủ kín mặt nước những lá sen, mầm sen, nụ sen, cảnh trí thật yên tĩnh của Thiền môn; Xa xưa, nơi đây là mười cây tháp của người Chàm, chùa được xây đựng, từ đó gọi là chùa Thập Tháp, bây giờ các tháp của lịch đại tổ sư mặc gấm rêu xanh im lặng đứng nhìn thời gian phủ bóng.
Thiền sư và đoàn chẩm rãi vào chánh điện lễ Phật, lễ tổ; bên trong bài trí theo cổ xưa, cột, kèo, đòn tay đen nhánh, kiến trúc như vẫn còn vững chắc với nắng mưa, đặc biệt hầu hết các chùa cổ, ánh sáng mờ ảo trong đại diện tạo vẻ linh thiêng của tín ngưỡng, nó không như các chùa tân thời thoáng đãng. Chùa Thập Tháp kiến trúc theo chữ khẩu, cái sân sau nhà tổ chưng bày ngọn giả sơn, vài loại hoa kiển, các dãy phòng hẹp, tăm tối, vây phủ chung quanh, tường trốc vôi loang lổ, sơn mốc sạm, nhiều phòng không có cửa hoặc cửa bị mất bản lề; một bộ ván gỗ kê trong phòng khách, bộ trường kỷ bạc thếch ngã màu; toàn cảnh lộ nét hiu quạnh, mất vẻ hào quang một thời lừng lẩy vang danh.
Thiền sư tự động lên lể bái, tự động xuống hậu tổ, đi vòng qua nhà khách, khung kính lộng thư pháp cũng lặng lẽ tự động để trên bộ ván ngựa; nhìn vẽ hoang vắng điêu tàn mà ngậm ngùi ray rứt; một thầy tháp tùng nói đùa: đi vào giờ nghĩ trưa nên không ai đón tiếp, giờ nghĩ quan trọng hơn một Thiền sư và năm trăm người! Thực ra đoàn được báo trước sẽ không ai tiếp, Thầy Viên Định trụ trì ở chùa Giác Hoa SG viện lý do đang bị quản thúc, đã viết cho Thiền sư lá thư lên mạng, tuy lời lẽ nhẹ nhàng nhưng nội dung xúc phạm, Thiền sư không quan tâm đến việc hơn thua, nhưng những người con Phật không khỏi ngán ngẩm trò đời nghĩa đạo, thế thái nhân tình đối với một bậc chân đức đáng kính, vì lợi ích chung, phải nhận nhiều oán trách từ những cố chấp hẹp hòi; Nếu không có công thì Thiền sư cũng chưa có tội đối với đạo và đời, huống nữa, với tầm vóc quốc tế của Ngài, đủ xác định một tư cách, một trí tuệ trong mọi ứng xử, thế mà…..!
Cái lạ, Thiền sư được thế nhân trọng thị ưu ái, ngược lại, pháp lữ đồng môn lại quay lưng, biểu thị ngôn thái thiếu dễ thương. Một người bình thường, khách đến nhà cũng phải ra tiếp, cho dù đó là kẻ thù, cũng phải lắng nghe họ muốn gì, nhưng đạo từ bi lại có những vị biểu lộ một lối hành xử đáng cho ngoại đạo tán thưởng vổ tay, giới trí thức thật ngỡ ngàng cho một hệ thống tự nhận truyền thừa trên 2000 năm văn hoá đạo Phật lại có lối hành xử cục bộ!
Từ Viện Bảo Tàng Quang Trung đến chùa Thập Tháp không xa nhau mấy, nhưng qua hai cung cách ưu ái và lạnh lùng đã chia cắt không gian Bình Định thành hai vùng khí hậu mát mẽ và oi bức lạ thường; Ngoài cái vô tư của Thiền sư, những ai tháp tùng hôm ấy không thể nghĩ rằng chùa Thập Tháp lại không có sư, cái hoang vắng của thành Đồ Bàng; cây cối ngoài vườn rũ bóng, tháp cổ soi nắng, sỏi đá lặng câm; một quang cảnh chết lặng, cho người sống cảm nhận một cái sống chỉ còn phân nửa của con người,
Chiều hôm đó, tiếp tục giòng người đổ về chùa, đến độ ban tổ chức phải khép cổng hạn chế để kiểm soát, thời giảng của Thiền sư tại chùa Long Khánh với chủ đề: Truyền thống Thiền tập của PGVN; sân không còn chỗ chứa, bên ngoài đường mọi người nhốn nháo nhìn vào trong, các lầu kế cận quan tâm theo dỏi; sư cô Chân Không hướng dẫn Phật tử bài hát triển khai từ kinh An Ban Thủ Ý, hướng dẫn những thao tác khi nghe chuông, biết lắng nghe, trước khi thời giảng bắt đầu, sinh hoạt của Thiền sư vẫn tiếp tục đối với quần chúng, - giọng nhỏ nhẹ, từ tốn, vang, ấm buộc cả ngàn người yên lặng lắng nghe!
M.M
01/4/05
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét