Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Phấn Khởi Vesak 2008


Ba miền đất nước đã hồ hởi đón mừng Vesak 2008.

Thủ đô Hà Nội tổ chức Vesak mang tính hành chánh và nghi lễ nhiều hơn sắc thái tôn giáo.Diễn tiến Đại lễ tại Mỹ Đình thật hoàn chỉnh, nhìn trên mô thức tổ chức; Các đường phố đều treo bích chương, ít thấy bandroll và chả có một lá cờ ngũ sắc. Ngay cả chùa Quán Sứ là Trung ương Giáo Hội, cũng không có một lá cờ, tiêu biểu cho bộ mặt một tôn giáo. Một số chùa có trang trí nhưng chỉ trong phạm vi của chùa. Đã từ lâu. người dân miền Bắc chưa quen với lá cờ ngũ sắc của Phật giáo thế giới, nhưng khi chúng ta hội nhập với Phật giáo Liên hữu và các tổ chức Phật giáo toàn cầu, họ đều xử dụng chung một lá cờ, thì chúng ta cũng phải chấp nhận khi hòa nhập. Đại Hội kỳ 6 GHPGVN đã chấp nhận lá cờ đó trong Hiến Chương, không lý gì mà ngại xử dụng. Sân bay Nội Bài cũng phất phới giáo kỳ, sân Mỹ Đình cũng giương cao ngọn cờ Phật giáo, tại sao nội thị không hề xuất hiện tấm vải năm màu biểu hiện linh hồn của đạo Phật? Chả lẽ lá cờ đó chỉ để cho khách nước ngoài chứng kiến thôi sao!

Các tỉnh thành và quận huyện cũng thiết trí xe hoa trình diễn, tuy đơn điệu về màu sắc, nghèo nàn về mỹ thuật, cũng đã nói lên tấm lòng chung vui ngày ra đời của đấng cha lành. Các cụ, các thanh thiếu niên trong các đạo tràng và quần chúng tự phát cũng tham gia ngày hội tại Mỹ Đình ước chừng trên vài chục ngàn lượt người tham dự, nếu không bị hạn chế bởi thủ tục hành chánh,( vì Hội nghị Quốc tế chứ không phải lễ cộng đồng cho riêng Phật giáo ) có lẽ khuôn viên Mỹ Đình không còn chỗ trống.

Ra khỏi Mỹ Đình, không còn ai biết tại Hà Nội có một sự kiện lớn. Người dân vẫn tất bật kiếm sống; kẻ ăn chơi vẫn say mềm bên bàn tiệc. Cà phê phòng trà luôn chật ních tuổi trẻ; các shop buôn đủ màu sặc sỡ áo quần; công viên bờ hồ ngược xuôi khách bộ hành…

Qua một đêm xuyên các tỉnh xuôi Nam, trời rạng sáng đã thấy cờ đèn, biểu ngữ, bích chương chạy dọc hai bên đường cách Huế 50km. Càng gần Huế, sinh khí Phật Đản càng sôi động.
Xe chạy dọc sông Hương, dưới dòng nước trong xanh nổi bồng bềnh bảy hoa sen thật lớn màu hồng nhạt, giữa hai bờ. Cầu Tràng Tiền, Gia Hội đều phất phới cờ hoa. Các tư gia trưng bày vườn Lâm Tỷ ni, đèn, cờ chen nhau như người người chen đua dự lễ. Các táng cây từ Diệu Đế sang Đông Ba, xuất hiện nhiều hoa sen vải màu hồng bám trên nền xanh của cây lá. Một số ngả đường, khung sắt treo hoa sen, cao 4m, rộng 8m, bề dầy khoảng 3m làm thành cổng chào rất sáng tạo.
Từ Đàm, Diệu Đế, Thiền Tôn đều thiết trí lễ đài. Đêm 14 rạng rằm, thành phố Huế đã tắt nghẽn mọi ngả đường. Người tham dự ở đâu đứng đó, không nhích chân được nửa bước. 56 xe hoa dạo qua khắp phố, 25 thuyền rồng ngợp bóng sông Hương. Bong bóng bềnh bồng trên bầu trời đục mờ trăng trung tuần.Gíó từ lòng sông phả từng hồi xua bớt hơi nóng giữa rừng người có mặt. Những điểm chính cho Đại lễ, các chùa cũng rầm rộ kẻ đến người lui. Khách nước ngoài chứng kiến xứ Huế vào những ngày này, họ sẽ nghĩ Huế là kinh đô của Đạo Phật. Một thời, Huế được mệnh danh là trung tâm văn hoá của Phật giáo không ngoa lắm.Các công sở cũng cờ đèn lộng lẫy.

Qua khỏi đường hầm đèo Hải Vân, cảnh trí ngược hẳn Thừa Thiên. Phố phường im lìm, thoáng đãng. Cầu quay TP Đà Nẳng vẫn bất động trên giòng nước sông Hàn. Không một lá cờ để cho thấy ngày Phật Đản có mặt trên TP xứ Quảng. Một số bích chương cũng ngủ gật trên các trụ đèn. TP Đà Nẳng không thiêu tinh thần Phật giáo. Quần chúng Phật tử từng phấn chấn trước các phong trào, chẳng hiểu BTS Phật giáo Đà Nẳng phổ biến thế nào mà cả thành phố thiếu khởi sắc màu cờ. một vài nhà gần tỉnh hội trưng bày cờ hoa một cách ngại ngùng. Lễ đài nằm trên khu đất trống của công viên nước, cách xa TP vài cây số, đường về Ngũ Hành Sơn, thật đơn điệu. Từ đường vào lễ đài có cờ hoa, biểu ngữ, nhưng không che lấp được biển quảng cáo: Hàng Việt Nam chất lượng cao nằm chình ình ngay đầu cổng!

Phố cổ Hội An cũng ngủ quên trong ngày Đại lễ, chỉ trừ vài chùa tuy chưa ngủ quên nhưng chưa đủ thức để tạo cảm hứng cho quần chúng tham dự ngày vui.

Quảng Ngãi cũng lưa thưa vài căn phố giăng cờ. Một vài điểm có chút sinh khí ngày lễ. Hầu như lễ đài chính là phô bày sắc màu.

Khánh Hoà, lễ đài thiết lập tại chùa Phật Trắng, quần chúng tham dự tuy đông, nhưng so với dân số của tỉnh, chỉ là những lá cành rơi rụng. Nhiều đoàn Phật tử trang phục sắc màu xanh đỏ; ngoài đoàn thể GĐPT, còn có các đạo tràng của các am tự viện tham dự. Không hiểu tại sao BTS Khánh Hoà không xin được một vị trí rộng rãi hơn để quần chúng được thoải mái. Trên 20 xe hoa đến tham dự và đêm đó, sẽ diễu hành cho quần chúng xem vui! Dọc biển, có một cổng vòm hơi màu đỏ. Các bích chương cũng không khác các nơi, không kèm theo lá cờ trên các bích chương đó. Tuy nhiên, tinh thần quần chúng tham dự tại lễ đài Tỉnh hội cũng phấn chấn khác thường.
Qua Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai, một vài nhà dân nằm lẻ loi trên khu đất cát trơ trọi, cũng lất phất cờ đèn tự chế biểu lộ tâm hồn mộ đạo giữa cái nghèo khổ khô khốc ven đường!

TP Hồ Chí Minh dĩ nhiên đèn màu phố phường đã chìm lấp những bích chương miễn cưỡng treo mình trên thân cây. Lễ đài chính tại sân bóng đá quân khu 7 dấu mình trong bốn vách rào, được thiết kế bởi nhà thầu, chuần bị sẳn, khi mặt bằng bàn giao, đã cấp tốc dựng lên một cách đơn giản; tầm vóc lễ đài TP cũng không hơn lễ đài huyện Hốc Môn, khoá lễ vừa xong, mọi người ra về là cánh cửa sân bóng đá đóng sập vội vã; tuy nhiên rất nhiều chùa cố gắng thể hiện ngày vui bằng cờ đèn, bandroll và lễ đài. Đặc biệt các bích chương do Việt Nam Airlines đã in thêm cờ Phật giáo, và một số đơn vị in cờ Phật giáo thành một bích chương kính mừng Phật Đản. Đây là một sáng tạo. Nếu tất cả hàng vạn bích chương từ Bắc vào Nam đều in thêm màu cờ Phật giáo thì việc quảng bá sẽ nổi trội hơn.

Các vùng Cao Tây nguyên, tuy Phật tử vất vả trong cuộc sống, nhưng không thiếu đèn hoa để đón mừng mùa Vesak.
Miền Tây Nam Bộ, các BTS cũng cố gắng chứng tỏ không còn thụ động ngủ quên như những năm trước đó,Châu Đốc nhộn nhàng bao nhiêu thì Long Xuyên trầm lắng bấy nhiêu.

Một số ít chùa không hưởng ứng ngày đại lễ nên không treo cờ, trang trí. Năm nay, nhìn chung , Phật Đản vẫn khởi sắc hơn 30 năm trước, nhưng vẫn chưa tương xứng tầm vóc của một đất nước đăng cai. Một số địa phương vẫn gây khó cho các chùa và tư gia thiết trí, việc nầy không chỉ lỗi ở địa phương, mà phần lớn ở BTS, BĐD Phật giáo thiếu năng động xuống các hạ tầng để làm việc với các cấp cán bộ cơ sở, một phần khác thuộc BTG không giúp cho các nơi đó nắm vững tinh thần công văn của Thủ Tướng chính phủ về Đại lễ Vesak. Bảo rằng đó là quyền lợi và nhiệm vụ của cán bộ Giáo Hội Phật giáo cũng chưa đúng, BTG có nhiệm vụ giúp đỡ Phật giáo thực hiện đúng chủ trương, chính sách nhà nước, thì tổ chức Đại lễ cũng không ngoài chủ trương, chính sách đó. Tuy không trọn vẹn 100%, cũng nói lên sự phấn khởi của quần chúng trong cuộc lễ nầy, và Việt Nam đã cho thế giới thấy được sự cởi mở của nhà nước đối với tôn giáo, không chỉ lúc nầy mà còn tiếp tục dài lâu.
Có lẽ họ quen sinh hoạt tôn giáo, nên cờ đèn chỉ có mặt trong bốn vách chùa, nhưng quên rằng đây là Vesak quốc tế, văn hoá nhân loại chứ không riêng của Phật giáo, phố phường cần phải hưởng ứng chung vui!
Đây là lần đầu tiên, nên các khâu tổ chức chưa ăn khớp, Ban Tôn giáo cần phối hợp với các cấp Giáo Hội nhịp nhàng hơn trong những dịp tới.
Lúc đói thì cơm hẩm vẫn ngon hơn, có lẽ!!!

MINH MẪN
19/5/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét