Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009
Phật Giáo Trong Mọi Thời Đại
.
Sự có mặt của Phật giáo trên 2552 năm không phải lâu dài so với các tôn giáo cổ đại tại Ấn và một số nơi trên thế giới, nhưng cũng không phải quá non trẻ như một số tôn giáo xuất hiện trên dưới 2.000 năm nay, một điều mà Phật Giáo tồn tại và phát triển tuy chậm trên thế giới, hoà nhập bất cứ xã hội nào, đó là tính thích nghi, không những trên mặt giáo thuyết, ngay cả cung cách ứng xử!
-Giá trị tự chủ:
Trước đây, dưới mắt một số người quen tính thực dụng và xốc vác, đánh giá hình thức sinh hoạt tu sĩ Phật Giáo như một thái độ cầu an yếm thế, giáo lý của đức Bổn sư bi quan bạc nhược, Phật giáo thích nghi nơi chốn thâm sơn cùng cốc…vì vậy, sau đệ nhị thế chiến, PG Nam Hàn bị đẩy lên núi rừng khi Tin Lành thống lãnh xã hội,nhưng, những gì mà PGVN và các quốc gia Phật Giáo có mặt ngầm trả lời cho những quan niệm phiến diện đó. Nhất là tình thế bắt buộc để giải quyết sự tồn vong cho một dân tộc hay cho chính tự thân Phật giáo, ngoài ra, những khía cạnh văn học nghệ thuật, khoa học, tâm lý học, y học, triết học…Phật giáo cũng có mặt bàng bạc một cách khiêm cung nhưng vững chải và sâu lắng!
Khi Thái tử Tất Đạt Đa chứng kiến bốn cảnh thường hằng của đời người: Sanh –Già- bệnh - Chết, không ai thoát khỏi, ngài cảm thấy cuộc sống vô vị cứ mãi trôi lăn trong khổ đau, Ngài cương quyết xả bỏ tất cả để tìm phương cách giải thoát cho loài người, đó không phải là chí khí của đại trượng phu? ngược lại bị xem là yếm thế bi quan! Suốt 6 năm chịu đựng bao gian khổ, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ rừng hoang, ăn uống thất thường, một thân một bóng giữa rừng già, mạng sống như chỉ mành treo chuông, thỉnh thoảng cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, cung phi mỹ nữ và thân phụ vùi mình trong chốn hưởng lạc hiện về trong tâm tưởng, ngài phải phấn đấu từng giờ trước những cám dỗ trong ký ức như thế, phải chăng người thiếu nghị lực mà có thể vượt qua để đi đến thành công một cách vẻ vang? Điều đó nói lên chí khí của đấng trượng phu quân tử, tâm hồn cao thượng, lòng dũng cảm vì Đại Nghĩa đối với nhân loại. Kinh nghiệm tự thân, Đức Thế Tôn đã khuyến giáo các Tỳ kheo phải phấn đấu với chính tự thân qua các pháp hành tâm lý và sinh lý:
Tiểu Bộ kinh:Luật học cơ bản, Kinh Phật thuyết như vậy, chương một, phẩm một, một pháp: Điều nầy đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la Hán nói đến và tôi đã được nghe: Nầy các Tỷ kheo hãy từ bỏ một pháp, ta bảo đảm cho các thầy không tái sanh.Thế nào là một pháp: THAM, nầy các Tỳ kheo là một pháp..Tham là tham đắm, chúng sanh đi ác thú..từ bỏ tham ái đó..Hai, điều nầy được Thế Tôn nói đến, các bậc A la Hán nói đến…giới Sân…từ bỏ sân hận ấy, ta bảo đảm các thầy không trở lại tái sanh.Giới Si Thế tôn đã nói lên ý nghĩa nấy, tôi đã được nghe. Bốn…Nầy các Tỳ Kheo..giới phẩn nộ, phẩn uất..từ bỏ phẩn nộ…từ bỏ không bao giờ trở lại đời nầy.Năm, nầy các Tỳ kheo.. nầy là một pháp: Dèm pha,.. dèm người, từ bỏ dèm pha ấy từ bỏ sẽ không trở lại tại đời nầy…Sáu, …nầy các Tỳ kheo, hãy từ bỏ một pháp: giới kiêu mạng kiêu sanh, từ bỏ kiêu mạng nầy, ta bảo đảm các thầy sẽ không tái sanh.. ý nghĩa nầy đã được thế tôn nói đến đã được A La Hán nói đến…
Giới Hoà Hợp... Bố thí..không phóng dật…nói láo…
Các nghiệp sự đưa đến sanh y, không bằng một phần mười sáu của từ tâm giải thoát…chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng mới bừng sáng, rực sáng …Thế tôn đã nói lên ý nghĩa nầy, ai tu tập…từ tâm không phóng dật chánh niệm.., công đức thật vô lượng..
Hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống…
Làm điều ác, không thực hiện việc lành sẽ sa vào khổ đau
Làm điều thiện, không làm điều ác tương xứng được sanh lên thiên giới…
Đây là những trãi nghiệm trong quá trình phấn đấu với tự thân để đạt thành chánh giác,làm chủ tâm thân, không thể gọi là bi quan yếm thế! Vì thế Phật dạy: Thắng một vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công hiển hách nhất!
Con đường phấn đấu với tập khí và nghiệp lực, một tu sĩ hay một cư sĩ có lý tưởng thánh hoá đời mình, bắt buộc phải tự nguyện hành trì, đòi hỏi nghị lực. Kẻ có nghị lực và lý tưởng, không thể là bi quan, yếm thế!
Một khi đạt được thánh tính tự thân, tình thương sẽ bàng bạc trong cuộc sống, có như thế mới đem lại an lạc cho mọi người, giúp mọi người từ bỏ xấu ác, tăng trưởng thánh thiện, đức Phật đã thực hiện và thể hiện, nhân loại đã công nhận thành quả đó, bằng chứng hàng ngàn năm qua, đệ tử đã tiếp nối một cách hoà bình và kiên trì, dù trước bạo lực và bạo động, lòng từ bi và bất bạo động đó, không những ngay khi Phật còn tại thế, thế kỷ 13 sau Tây lịch tại Ấn, thế kỷ 20-21 tại Tibet,Myanmar,Việt Nam…
Bởi Phật dạy: Lấy ân báo oán, oán tiêu tan, lấy ấn báo oán, oán chập chùng
Đó là tinh thần Bất Bạo Động, biểu lộ sức mạnh nội tâm chứ không phải vì bất lực trước bạo lực. Trong sự bất ổn hiện nay bằng bạo động tại một số vùng trên thế giới, nhân loại càng thấy giá trị của tính chất Hoà Bình và Bất Bạo động của Đạo Phật, vì thế Liên Hiệp quốc đã chọn Đạo Phật là một tôn giáo mang tính Văn Hoá và Hoà Bình.
- Góp mặt với đời:
Tự thân an tịnh và hoà bình chưa đủ nói lên tính chất tích cực đóng góp cho cuộc sống, vì chúng chỉ là sức mạnh tiềm ẩn nội tâm; lúc sanh tiền, Đức Thích Ca Mâu ni từng hoá giải nhiều cuộc xung đột của các quốc gia lân bang khi vua Tỳ Lưu Ly muốn đánh chiếm Vaisaly, nhà vua lên Linh Thứu sơn vấn ý đức Phật; Phật quay lại hỏi đức Anan:
- Xứ ấy dân chúng có hiếu thảo với cha mẹ?
- Anan đáp: Dạ, bạch thế tôn, dân xứ ấy rất thảo kính cha mẹ!
- Dân xứ ấy vợ có thương chồng, chồng có thương vợ không? Phật hỏi
- Bạch Thế tôn, Vợ chồng biết thương nhau ạ !
-Xứ ấy vua và dân có tôn trọng , đoàn kết nhau chăng?
- Bạch Thế Tôn, nhân dân nước đó biết tôn kính vua, vua biết thương dân và họ đoàn kết nhau lắm ạ!
- Thế thì nước đó có sức mạnh lắm, không nên đụng đến. Đức Phật đáp .
Vua Tỳ Lưu Ly đành vâng ý bỏ mưu định đánh chiếm và gây đổ máu cho dân chúng Vesaly.
Những góp phần cụ thể:
Trong cuộc chiến 30 năm của Việt Nam, một tăng sĩ đơn thân độc ảnh vào ngay chính quốc gia khai chiến và Liên Hiệp Quốc để kêu gọi hoà bình cho Việt Nam, ngày nay được biết dưới tên Thiền sư T, Nhất Hạnh
Hiện tại, Nepal và Maoist lâm chiến suốt nhiều chục năm, đưa đến chết chóc và bế tắt, một tu sĩ Việt Nam, noi gương đức Phật, thầy trò tìm cách góp ý, sau nhiều cam go, hai bên đồng ý giải giới,đã thống nhất ngưng chiến và sẽ có bầu cử trong năm 2008 nầy.
Trong lịch sử Việt Nam, Thiền sư Khuông Việt, TS Pháp Thuận, Ts Vạn Hạnh…đã đóng góp chính trị không ít giúp Việt Nam ổn định sơn hà, tuyệt nhiên các ngài không tham gia chính quyền sau khi hoàn thành công việc, cũng không hề vì công trạng mà khống chế vương cung, Không những các ngài trong quá khứ, ngay cả hiện tại, có những bậc thầy không hề khom mình trước quyền lực, sẳn sàng góp ý xây dựng quê hương nếu cần tham vấn. TS Nhất Hạnh những chuyến về quê hương, cũng thẳng thắn nêu ra 10 điểm góp ý xây dựng một đất nước vững mạnh, tuy rằng lời góp ý có khó khăn và đầy nghi ngại cho đối tác.
Trong các thời đại Đinh Lê Lý Trần Lê, Phật giáo gíup đất nước thạnh trị suốt bốn thế kỷ; Tu sĩ phần nhiều thuộc giới trí thức, y nho, lý số cầm chắc trong tay mà Đồ Nho còn phải bái phục, vì thế, vua Đại Hành đã nhờ Khuông Việt làm người chèo đò và Pháp Thuận là người tiếp đón Lý Giác của Tàu. Khi Lý Giác làm hai cầu thơ tức cảnh sanh tình nhắm vào đôi thiên nga: Nga Nga lưỡng nga nga- ngưỡng diện hướng thiên nha, Pháp Thuận liền tiếp hai câu: Bạch mao phô lục thuỷ, Hồng trạo bãi thanh ba, làm cho Lý Giác khâm phục người Việt Nam, sau đó, khi trở về Tàu, Lý Giác đã làm thơ khen ngợi vua dân nước Nam.
Liên tục các triều đại đã sản sinh ra nhiều thánh tăng cao đức để phò trì đất nước, nhưng đến thời bạo chúa Lê Long Đỉnh ăn chơi trác tác, bại hoại quốc gia, buộc lòng Vạn Hạnh phải đưa Lý Công Uẩn lên thế vị. Đây là thời đại mà Phật giáo chủ đạo trong ngành văn hoá của đất nước.
Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam và Trung Hoa, để thích nghi với xã hội mới, PG cải tiến trang phục và cách sống, thay hạnh khất thực bằng tự thân lao động, các sư biến lao động sản xuất thành những nông thiền mà tổ Bách Trượng là một Thiền sư gương mẫu về lao tác.
Trước kia, thời Bắc thuộc, Phật Giáo hoà nhập vào xã hội bắng Nho-y-lý-số thì sau khi Pháp xâm lược, Phật giáo cũng đã hoà nhập vào xã hội bằng những động thái Từ Thiện, giáo dục, chính trị, môi sinh…Một số kỷ xảo thủ công, hội họa, mỹ nghệ cũng được một bộ phận tu sĩ và cư sĩ góp mặt.
Hầu như các nước có mặt Phật giáo sinh hoạt trong cộng đồng lâu đời, đều được lưu tồn những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hội hoạ, điêu khắc, đặc biệt tại Afghanistan, trong các hang động đã có những bức tranh sơn dầu cổ xưa nhất hiện nay, nhất là hang động nổi tiếng Bamian, chứng tỏ Phật giáo nơi đây tồn tại khá lâu trước khi bị Hồi giáo xâm chiếm.
Tại Indonesia cũng thế, dấu tích văn hoá Phật Giáo cũng lưu dấu chứng tích thời cực thịnh của Phật giáo tại xứ sở nầy
Sau 1975, cũng không phát triển khá hơn về cuộc đóng góp cho xã hội ngoài những thành tựu đơn lẻ như thế.
Trong quá khứ, ít nhiều Phật giáo đã năng động đem lại hoà bình cho quê hương, giờ đây, trách nhiệm nặng nề của Phật giáo là xây dựng đạo đức cho những thế hệ kế thừa đã bị trống chân, ngoài công tác từ thiện phổ cập.
Một ít Tu sĩ Việt Nam cũng đang chung tay chăm sóc một số nạn nhân cai nghiện và bị nhiễm Aid/Hiv, căn bệnh xã hội hiện nay. Một số chùa nuôi dạy trẻ khuyết tật và làm nhà dưỡng lão.
Sai gòn đã quy tụ khá nhiều tổ chức từ thiện cứu tế, trong đó, Ban từ thiện của Thiền Viện Vạn Hạnh đã chi trên 10 tỷ hơn 15 năm hoạt động, mỗi tháng đều đến các nơi khốn khó xa thành phố.
Phật Giáo hiện nay, cũng đã có mặt trong các trại giam để cảm hoá tội phạm và an ủi, khích lệ về tính thiện lành trong mỗi người sẳn có do vài giảng sư trẻ có khả năng.
Sau 1990, Phật giáo trong nước cũng như PGVN hải ngoại nở rộ phong trào cứu trợ vùng bảo lụt thiên tai hoặc cứu đói thường kỳ vùng sâu vùng xa và cao nguyên, chia cơm xẻ áo cùng đồng bào. Còn nhiều nhóm bác sĩ Phật tử khám chữa bệnh từ thiện thường xuyên như tại Đà Nẵng. Một số tín đồ Phật Quang cũng phát tâm bố thí hành thiện một cách nhiệt thành, nhiều chùa cũng âm thầm làm từ thiện như thế.
Đặc biệt, Phật giáo tại Bà Rịa Vũng Tàu và Cư sĩ PG miền Tây còn gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã thành lập bếp cơm từ thiện một số nơi, phát hàng ngàn xuất cơm chay mỗi ngày cho các bệnh viện, kể cả y bác sĩ và nhân viên bệnh viện, người thăm nuôi bệnh tại TP HCM, ngoại ô và tỉnh lẻ.
Gần đây, một bộ phận nhỏ tu sĩ và cư sĩ phát triển Thư pháp, điêu khắc, hội hoạ, thi ca, kịch nghệ mang sắc màu Phật giáo thông thoáng.Một ít tu sĩ trẻ biết làm kinh tế tự túc, nhưng vẫn còn hạn chế và đơn độc.
Trong những thời kỳ quê hương bị thống thuộc, phân hoá, cộng đồng tu sĩ Phật Giáo Việt Nam cũng sát cánh cùng đồng bào để bảo tồn văn hoá bản địa, đối kháng kẻ thù, hành xử theo khả năng và khuynh hướng nhận thức của riêng mình, tuy cũng có một số chư vị cao niên ẩn dật nơi sơn lâm để làm biểu tượng đạo đức duy trì giềng mối tâm linh cho quần chúng. Có những nhận xét sai lầm khi bảo những bậc chân tu đó là trốn lánh trần tục tìm nguồn vui cho riêng mình, về phương diện tâm linh, ngoại tướng tuy vô tác như thế, thật ra họ đóng góp rất nhiều cho xã hội bằng tâm lực gia trì, đó là lối hành xử vô vi.
Trong bất cứ thời đại nào, luôn có những bậc chân tu phát triển tâm linh đều ẩn tu, gia lực cho đất nước, đây là một đóng góp to lớn hơn cả những hoạt động mà mình thấy qua hành trạng!
Tại Hàn Quốc, Phật Giáo tuy bị đàn áp vào thế kỷ thứ 14, nhưng đến cuối thế kỷ 16, tu sĩ Phật giáo vẫn khoát chiến bào do một thiền sư lãnh đạo để cứu nguy đất nước trước cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Chính Thiền sư Từ Minh Đường thay mặt chính phủ qua Nhật ký hoà ước giữa Nhật và Triều Tiên. Phật giáo Triều Tiên có công trong việc giáo dục phổ cập. luôn sát cánh cùng quần chúng, sau đệ nhị thế chiến, Tin Lành phát triển bằng phương tiện vật chất và tổ chức linh hoạt, nên Phật giáo phần lớn nhường sân chơi cho bạn, tuy nhiên, ngày nay PG Triều Tiên bắt đầu phục hoạt. Vào đầu kỷ nguyên XX, Phác Trọng Bân, người Hàn Quốc sáng lập Phật Giáo Viên, mở rộng giáo dục, giáo hoá, từ thiện, sản nghiệp, văn hoá, nông nghiệp, thương nghiệp, tiền tệ, báo chí, y dược…phát triển khá thành công. Một tổ chức cố vượt thoát tính thụ động của PG với xã hội. Với tiêu đề: Phật Pháp là đời sống, đời sống là Phật Pháp, vì thế tổ chức nầy chuyển tải Phật pháp vào đời sống thường nhật - vật chất và tâm linh song hành, rất uyển chuyển linh động; hiện nay phát triển ra cả nước ngoài. Gồm có 108 cơ sở , Tín đồ trên dưới 2 triệu và trên 10 ngàn nhân viên giới chức phục vụ trong hệ thống của Phật Giáo Viên. Tuy chưa tròn 100 tuổi và hết 30 năm dưới ách thống trị của Nhật Bản, thế mà hội Phật Giáo nầy phát triển bền vững và uy thế nhất hiện nay tại Hàn Quốc. Tổ chức nầy đã giáo dục và nâng cao mức sống quần chúng, đóng góp khá nhiều cho xã hội Triều Tiên .
Tuy chưa có một tổ chức vũng mạnh như Nam Triều Tiên, vì đất nước bấy giờ đang lâm chiến, PG VN bị động giữa 2 thế chế đệ nhất và đệ nhị Cọng hoà.
Cùng thời ảnh hưởng cuộc chiến thế giới thứ 2, Phật giáo Việt Nam tuy không rút sâu vào rừng núi như Nam Triều Tiên, nhưng việc hoà nhập không theo kịp Kitô giáo. Phật Giáo vẫn bàng bạc trong xã hội, hòa hợp với quần chúng trong khía cạnh tế tụng phần lớn
Tuy nhiên, lúc quần chúng còn là nạn nhân khốn khổ của chiến cuộc, một tu sĩ Phật giáo can đảm thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để giúp dân xây dựng nhà cửa đổ nát vì chiến cuộc, giúp quần chúng có kiên thức vệ sinh và điều hướng tâm linh để họ có được an ổn trong niềm tin, nhưng , không thành, vì bạo lực không tha cho bất cứ ai!
Riêng Phật Giáo Hồng kông, tuy không có tổ chức quy mô như Nam Triều Tiên, nhưng PG cũng có nhà dưỡng lão, trường học, bệnh viện để góp tay cùng xã hội.
PG Thái tuy là quốc giáo, phần đóng góp xã hội khiêm tốn ở giáo dục khi bộ giáo dục đã lãnh phần đảm trách. Gần đây, HT Chamroon, chùa Thamkrabok, tỉnh Saraburi đã bào chế dược phẩm chửa trị cho chứng nghiện ma tuý. Tuy nhiên, nhà chùa là tụ điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hội họp. lễ lộc…
Tại Marylan, Phật tử Đài Bắc chung góp mua một Thánh đường Good Shepherd ở Reston làm cơ sở từ thiện. Đây là một tổ chức Phật Giáo có tầm hoạt động rất mạnh trên nhiều lãnh vực do một Ni sư tên Dhama Master Cheng Yen sáng lập, gọi là hội Từ Tế (Tzu Chi ) Đài Loan. Tầm hoạt động không thua Phật Giáo Viên của Hàn Quốc; Hầu như hội Tzu Chi có mặt khắp các lãnh vực trong xã hội. Giúp cho xã hội rất nhiều, và quần chúng cũng nhờ hội mà cuộc sống an cư lạc nghiệp.
Dhamapala không những có công chấn hưng Phật giáo Tích Lan, còn góp phần phục hưng cho Srilanka, giúp chính quyền trên nhiều phương diện xã hội.
Thiền sư Nhật làm giám đốc công ty phần mềm của Computer coporation, góp phần không nhỏ trong kỷ nghệ tin học thế giới.
Một số Phật tử trên các nước tiên tiến tham dự nhiều khóa tu thiền, đã đổi mới phong cách phục vụ cho nhiệm sở một cách hiệu quả.
Từ ngày Phật giáo có mặt và phát triển tại Âu tây, góp phần cân bằng tâm lý xã hội mà nhiều thế kỷ xã hội đã bị hụt hẩng, mất cân bằng giữa tâm linh và vật chất.
Những quốc gia mà Phật giáo chớm bén rễ, Đạo phong và văn hoá Phật giáo giúp nơi đó nẩy sanh niềm tin.
Một quốc gia cưu mang Phật giáo lâu đời, sinh khí Phật Giáo sẽ trở thành hơi thở của dân tộc đó xuyên qua chính trị, văn hoá, học thuật, nghệ thuật, nhân bản, và cá tánh đặc thù cho một dân tộc, biến thành tố chất của một dân tộc như các quốc gia tồn tại Phật giáo lâu đời hiện nay.
Như những quốc gia mà Phật Giáo đã đồng hành lúc thái cũng như lúc bĩ, Phật Giáo Việt Nam từng là điểm son để đất nước được độc lập an bình. Thời Bắc thuộc Phật giáo từng giúp vua đối đầu phương Bắc, thời Pháp đô hộ, ngoài tu sĩ tham gia cứu quốc, cư sĩ Phật giáo miền Tây cũng thành lập lực lượng chống Pháp. Từ Nam chí Bắc Tăng tín đồ đã lấy xương máu để tẩm tưới cho cây tổ quốc được sum suê.
- Những nhu cầu thời đại:
Qúa khứ như thế, hiện tại đứng trước những nhu cầu mà một quốc gia không thể là một vu đảo, Phật giáo phải làm gì và đóng góp thế nào? Đó là vấn đề đặt ra không chỉ cho PGVN mà Phật Giáo thế giới nói chung.
Cái quan tâm hiện nay của nhân loại về kinh tế liên đới tới dầu hoả, môi sinh, khí hậu, nhiệt độ gia tăng bởi hiệu ứng nhà kính, nước sạch, bạo động, vũ khí hạt nhân, băng cực tan chảy…
Phật giáo cũng đã có những cuộc hội thảo khoa học về môi sinh, hiệu ứng nhà kính, đó cũng chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc.
Điều mà một số nước đang phát triển bị quốc tế lên án vế Nhân Quyền- Tự do – Dân chủ, Phật giáo vẫn chưa trả lời dứt khoát về những vấn đề nóng bỏng đó từng tiềm ẩn mà giáo lý Phật giáo đã cung ứng trên gần ba ngàn năm nay.
Do một quan niệm định chế tính xã hội, ý niệm về Nhân Quyền- Tự Do- Dân chủ cũng bị hạn chế từ đó, dẫn đến mỗi quốc gia có cái hiểu khác nhau về cùng một vấn đề, đưa đến hành xử cũng khác nhau, gây khó cho nhau.
Từ thời Đức Phật sinh tiền, khi nhận một đệ tử xuất gia hay giải quyết vấn đề liên quan đến Tăng đoàn, Phật thường hội chúng thỉnh ý, tôn trọng quyết định của đại chúng, tập quán đó vẫn còn duy trì trong các Thiền môn ,tu viện nghiêm túc chuẩn mực khi xét xử một sai phạm nào đó của một tu sĩ. Như vậy tinh thần Dân chủ đã sớm xuất hiện từ Giáo đoàn của Đức Phật. Tuy luật của Tỳ kheo tăng 250 giới, ni nhiều hơn một tí, 5 giới cho cư sĩ, thập giới cho Sa Di…đều là tiêu chuẩn tịnh hoá tự thân, tự nguyện thọ lãnh theo khả năng và phát lồ theo tự giác trong buổi Bố Tát, phải chăng đó là bản chất của Nhân Quyền đã có trong cộng đồng tu sĩ Phật giáo xưa nay? Thế nào là Tự Do? Một định nghĩa khó dứt khoát và rõ ràng; dẫu biết rằng Tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm, luật pháp xác định tự do trong khuôn khổ, đó cũng chỉ là một ước lệ, vì khuôn khổ tuỳ thuộc vào quy định của mỗi quốc gia, mỗi tập quán và mỗi thời đại. Anh có thể tự do đặt tên cho con mà không được phạm húy vương tộc. Anh có thể tự do biểu tình phản đối mà không xâm phạm an ninh quốc gia. Một quốc gia khác thì bảo anh chỉ được biểu tình khi có giấy phép…Tự do muôn hình vạn trạng như thế, nên không ai đồng thuận ai, luôn có sự chống báng nhau, bất hoà nhau.
Đối với Phật Giáo, Tự do được quan niệm thông thoáng và sâu sắc hơn: Tự do là mình không bị dục vọng khống chế. Tự do là mình làm chủ chính mình.Tự do là mình thoát khỏi màn vô minh. Tự do chỉ đúng nghĩa khi tuệ tri trong mọi hành xử…và đúng theo tinh thần giải thoát như Krishnamurti từng viết trong “Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng”cái tự do tuyệt đối khi hành giả chứng đắt và giải thoát. nghĩa là mình còn bị tác động, bị chi phối bởi tâm và cảnh thường tình đưa đến tham sân si phiền não…là chưa có tự do!
Tự do- Nhân quyền – Dân chủ như thế đều là tiêu chuẩn và tính chất chung của mỗi con người, làm gì có sự mâu thuẩn giữa các quốc gia, giữa những thế hệ và giữa những thời đại!
Muốn giải quyết rốt ráo vấn đề cơ bản nầy, Phật giáo phải có nhiệm vụ phổ cập vào đời sống quần chúng và xã hội học đường. Một khi nền tảng nhân cách được giải quyết thì vấn đề môi sinh- khí hậu – vũ khí -bạo động và những cơn khủng hoảng khác tự nó được hoá giải.
Bởi vì, do thiếu tinh thần trách nhiệm và lương tâm mà xí nghiệp phế thải chất độc hại.Do tham đắm lợi nhuận mà phá hủy môi trường. Do quyền lợi vật chất mà xâm chiếm gây chiến lẫn nhau.
Dầu hỏa không giải quyết rốt ráo vấn đề kinh tế.Vũ khí sinh học, hoá học, hạt nhân… không đe doạ được cực đoan bạo động. Chế tài, bao vây kinh tế không đem đến cho nhóm lãnh đạo cực đoan chùn bước; Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không đem lại an ninh toàn cầu, vì thế mỗi ngày thế giới càng đi đến căng thẳng nóng bỏng do cơ bản những quan điểm chưa đồng thuận.
Liên Hiệp quốc từng chú trọng đến các nước chậm phát triển, thế nhưng lục địa đen vẫn chiếm phần lớn thân phận kẻ nghèo đói, suy dinh dưỡng. Ấn Độ từng làm cách mạng xanh, nổi tiếng về kỷ thuật phần mềm và một số lãnh vực khác, thế nhưng tiện dân vẫn còn quá nhiều cơ cực. Như thế, làm kinh tế không có nghĩa giải quyết được những vấn đề xã hội, nếu kinh tế không đặt trên nền tản đạo đức tình người, phân phối lương thực thiếu hợp lý, chưa nói đến nền kinh tế phồn thịnh của một số quốc gia tân tiến vẫn tồn tại những bất ổn thuộc tâm lý và đạo đức trong xã hội!
- Những tiêu chuẩn cơ bản của Đạo Phật:
Tinh thần Lợi Hoà đồng quân trong lục hoà của Phật giáo, hay Bố thí trong tứ nhiếp pháp của Đạo Phật là nền tản quân bình lợi nhuận của xã hội, là đạo đức cơ bản trong mọi phúc lợi của một đất nước.
Ngày nay, đối diện trước những vấn đề mang tính toan cầu, Phật giáo không thể thụ động co mình trên phương diện hoằng pháp: Ai có duyên thì đến với đạo, đến cầu đạo, đạo không phải món hàng cần đi chào mờ!i
Chính quan niệm đó mà Phật giáo trì trệ trước bước chân chủ động của những tôn giáo khác.
Ngày nay phát sanh quá nhiều vấn đề mà nửa thập kỷ trước không hề có, Phật giáo không thể thụ động : Bệnh đâu chữa đó, hữu cầu tắc ứng, hữu cảm tắc thông, công đâu đi làm chuyện thiên hạ! mà cần có phướng án ngăn chận trước khi những tiêu cực phát tác
Hoằng pháp lợi sanh của những thời đại kinh tế còn thoải mái, dân số chưa báo động, ngày nay cuộc sống đảo lộn mọi thứ, quan niệm đạo đức cũng xét lại trên bình diện lớn hơn thì phải Lợi sanh trước khi hoằng pháp, Đài Loan và Nam Triều Tiên đã làm, một bộ phận Phật giáo trong nước đang làm. Tịnh Độ cư sĩ đóng góp thiết thực trong cuộc sống song hành với việc tu tập, do đức Tông sư Minh Trí khai sáng năm 1934, sống và hoà mình giữa bệnh khổ của chúng sanh mà lập công bồi đức.
Trong lúc đất nước bị nô lệ, nhân dân điêu linh thống khổ, Phật Thầy Tây An xuất hiện năm 1849 trị bênh cứu dân, khuyến dạy nông nghiệp, chủ trương tự túc kinh tế để mà tu và giúp người khốn khó chứ không hưởng của bá tánh, vì thế có câu: Có thực mới vực được đạo.
Hiện nay, một số tín đồ Phật giáo tu tập theo tinh thần Di Lạc, cũng tự túc cuộc sống, áp dụng tinh thần Lục hòa, đem lại an vui cho huynh đệ và người chung quanh, ẩn tàng giáo lý vừa thực tế, vừa sâu nhiệm, gọi là Hỷ Tông.
không chủ trương phải nghèo khổ.An bần lạc đạo không có nghĩa phải sống cảnh nghèo, người Phật tử có quyền làm giàu để giúp đỡ kẻ khó,góp phần chấn hưng xã hội, riêng bản thân sống thì đơn giản, tri túc, luôn vui tươi!
Tại một số nước như Dài Loan, Đại Hàn, Phật giáo không còn quan niệm Cúng dường Tam Bảo, ngược lại, để PG đi vào quần chúng, phải là Tam Bảo cúng dường trước sự đói khổ của người dân, tu sĩ Phật giáo không thể bảo họ niệm Phật mà no.
Đó là phong thái nhập cuộc giúp đời của Phật Giáo ngày nay mà Tin Lành, Thiên Chúa Giáo họ đã thực hiện hàng thập kỷ vể trước.
Trước những vấn nạn toàn cầu, Phật giáo không thể chỉ thấy cộng nghiệp chi phối mà không có phương án chuyển hoá, vì giáo lý các tôn giáo Thần học không quán xưyến nổi vấn đề Tâm và Pháp như đạo Phật.
Một Phật giáo không chỉ giải thoát luân hồi cá nhân mà giải quyết luôn những bất cập trong hiện thực của cộng đồng sống. Một giáo lý xưyên suốt Tam giới chả lẽ bế tắt trước những vấn đề do con người tạo ra? Đó là những vấn nạn toàn cầu hiện nay, Phật giáo phải góp phần giải quyết. Sự đóng góp riêng lẻ cho từng quốc gia trong quá khứ mà Phật giáo có mặt, ngày nay đối diện với ngôi nhà chung của nhân loại, Phật giáo phải có tầm nhìn và phương án toàn cầu. Đó là trách nhiệm mà nhân loại ngày nay đang cần tới Đạo Phật.
Trong lục đạo, Phật giáo luôn có mặt;
trong tam giới, Đạo Phật vẫn song hành để giúp chúng sanh;
mỗi cảnh giới đều có vấn đề riêng của cảnh giới đó,
mỗi thời đại đều có nhu cầu của thời đại đó,
vì thế sự hiện diện của đạo Phật ắt phải đủ khả tính cho những vấn đề xã hội toàn cầu ngoài giải quyết tâm linh cá thể.
Phật giáo trong mọi thời đại phải đối diện nhiều thách thức để áp dụng giáo lý khả thi vào cuộc sống. Bởi lẽ, không phải sự có mặt của Phật giáo để đem nhân loại đến với Đạo mà Phật Giáo phải đem Đạo đến với nhân loại, có như thế mọi vấn nạn mới có cơ may hoá giải!
MINH MẪN
01/3/08
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét