Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009
DÒNG TIẾP HIỆN
Cuộc truyền giới tại Đại Giới Đàn Phương Bối vừa qua ở Tu Viện Bát Nhã, B’lao, Lâm Đồng, Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa là giới luật cho những vị xuất gia, riêng giới Tiếp Hiện, là loại giới phổ thông cho cả xuất gia lẫn tại gia, giống như Bồ Tát giới. Lễ truyền giới Tiếp Hiện cũng quan trọng như giới Xuất gia, vẫn nghi thức khai Đàn, vẫn Tác Pháp Yết Ma, vẫn Giới sư thuyết giới; Đặc biệt giới Tiếp Hiện mang tính nhập thế của Bồ Tát hạnh. Giúp cho giới tử nhập cuộc với đời bằng công hạnh Tuệ giác và tình thương. Để chúng ta hiểu rõ thực chất của giới Tiếp Hiện mà buổi tường thuật Phương Bối Đại Giới Đàn không thể đi vào chi tiết, nay xin được trình bày:
Giới Tiếp Hiện ra đời tại VN vào năm 1966, căn cứ vào Giới - Định - Tuệ và giới luật cơ bản của nhà Phật, áp dụng vào cuộc sống khổ đau trong thời chiến VN, người tu Phật phải đem đạo Phật vào đời, giúp giải tỏa mọi khổ đau mà người dân đang đối diện.Lúc bấy giờ phổ biến trong cộng đồng tác viên của trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội. Sau đó, Thiền Sư truyền nhập vào xã hội Tây phương và hiện nay có mặt trong nhiều quốc gia được sư ông hoằng hoá.
Mười bốn giới Tiếp Hiện còn được gọi là 14 phép thực tập Chánh Niệm:
1- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ nhất: Ý thức được khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết PG, những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.
2- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ hai: Ý thức được khổ đau do kiến chấp và vọng tưởng gây ra, con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể cởi mở và đón nhận tuệ giác và kinh nghiệm của người khác. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ ,con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch, và tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chấp kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực xử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
3- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ ba: Ý thức được khổ đau do sự cưỡng bức kẻ khác vâng theo ý kiến của mình, con nguyện không ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan điểm của con, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải dùng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
4- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ tư: Ý thức rằng tiếp xúc và quán chiếu về bản chất của khổ đau có thể giúp con phát khởi tâm từ bi và thấy được con đường thoát khổ, con nguyện không trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống.Con nguyện tìm tới với những kẻ khổ đau để hiểu biết được tình trạng của họ và để giúp đỡ họ.Bằng những phương tiện tiếp xúc, tường thuật, hình ảnh, âm thanh, con nguyện thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người chung quanh về sự có mặt của những khổ đau hiện thực khắp nơi trên thế giới.. Con biết rằng sự thật thứ tư là Đạo Đế chỉ hiển lộ khi nào con quán chiếu và thấy được tự tánh của sự thật thứ nhất là Khổ Đế, và con sẽ luôn luôn nhớ rằng mục đích của sự tu tập là chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.
5- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ năm : Ý thức rằng hạnh phúc chân thực không thể đạt tới được bằng tiền tài và danh vọng mà chỉ thật sự có mặt khi nào các yếu tố an ổn, vững chãi, thảnh thơi và từ bi có mặt, con nguyện không tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn, không đặt danh vọng, quyền hành và sự hưởng thụ dục lạc làm mục tiêu của đời mình. Con nguyện học tập sống giản dị và học chia sẻ thì giờ, khả năng và tài vật của mình với những kẻ thiếu thốn.
6- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ sáu : Ý thức được rằng sân hận và oán thù có tác dụng cắt đứt truyền thông giữa người với người và tạo ra nhiều đau khổ cho cả hai phía, con nguyện học hỏi phương pháp chăm sóc và dôi xử với năng lượng sân hận và oán thù khi chúng phát khởi trên ý thức con va phương pháp quán chiếu để nhân diện và chuyển hoá hạt giống của sân hận và oán thù trong chiều sâu tâm thúc con. Con nguyện tập luyện để mỗi khi con giận hoặc sự bực tức phát khởi, con sẽ không nói gì và làm gì cả mà chỉ thực tập hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành ngoài trời để chăm sóc tâm niệm sân hận và oán thù của con bằng năng lượng chánh niệm và để nhìn sâu vào bản chất của tâm niệm sân hận và oán thù ấy. Con cũng nguyện sẽ học hỏi nhìn sâu vào tự tánh của người mà con nghĩ đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của con và để có thể nhìn được người ấy bằng con mắt từ bi.
7- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ bảy: Ý thức được rằng sự sống chỉ có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, và ta chỉ có thể sống an lạc ngay trong giây phút ấy, con nguyện tập luyện để có thể sống sâu sắc trong từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của con. Con nguyện không để cho những hối tiêc về quá khứ, những lo lắng về tương lai, và những tham dục, giận hờn và ganh tỵ đối với những gì đang xẩy ra trong hiện tại lôi kéo con và làm cho con đánh mất sự sống mầu nhiệm. Con nguyện thực tập giao lý hiện pháp lạc trú, sử dụng hơi thở và nụ cười chánh niệm để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm, tươi mát và lành mạnh trong con và chung quang con, để liên tục gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống an lành, hiểu biết và thương yêu trong con, làm động lực chuyển hoá chiều sâu tâm thức và đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.
8- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ tám: Ý thức được rằng những khó khăn trong viêc truyền thông giữa người với người luôn luôn đưa tới ngăn cách và khổ đau, con nguyện thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Con nguyện học hạnh lắng nghe chăm chú mà không phán xét và chỉ trích và không nói ra bất cứ một lời nào có thể tạo nên sự bất hoà trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Con nguyện tu tập để tái lập lại sự truyền thông giữa con và mọi người khác, và để giúp giải quyết mọi vụ bất hòa dù lớn dù nhỏ.
9- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ chín: Ý thức được rằng lời nói có thể tạo ra khổ đau hay hạnh phúc, con xin nguyện luyện tập để chỉ nói những lời nói chân thật có tác dụng hòa giải, gây niềm tin tưởng và hy vọng. Con nguyện không nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù, không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết rõ. Con nguyện can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động nầy có thể mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.
10- Giới Thực Tập Chánh niệm thứ mười: Ý thức rằng mục đích và bản chất của một đoàn thể tu học là sự thực hiện tuệ giác va từ bi, con nguyện không bao giờ lợi dụng đạo Bụt và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu quyền bính, không biến các giáo đoàn thành những tổ chức hoạt động chính trị.Tuy niên, con nhận thức rằng các đoàn thể tu học phải có ý thức và thái độ rõ rệt về những tình trạng áp bức và bất công xã hội và có thể xử dụng ảnh hưởng mình để chuyển đổi các tình trạng ấy mà không cần và không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái.
11- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ mười một: Ý thức rằng thiên nhiên và xã hội con người đã bị tàn phá trầm trọng vì bạo động và bất công. Con nguyện thực tập chánh mạng, quyết tâm không sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên, không đầu tư vào những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đọat môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác. Con nguyện chọn một nghề có thể giúp con thực hiện được lý tưởng từ bi và cứu khổ của đạo Bụt.
12- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ mười hai: Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, hiểu biết và thương yêu. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hoà bình và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cọng đồng, quốc gia và quốc tế.Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết, và thường xuyên quán chiếu với Tăng thân con để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chận chiến tranh và xây dựng hòa bình.
13- Gíơi Thực Tập Chánh Niệm thứ mười ba: Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thời giờ, năng lực và tài vật của con với nhưng kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con nguời và của muôn loài.
14- Giới Thực Tập Chánh Niệm thứ mười bốn: ( Tiếp Hiện tại gia ) Ý thức được rằng sự tìm tòi và phối hợp giữa hai cơ thể do sự thúc đẩy của dục tình không những đã không thể giải tỏa được nỗi cô đơn của con người mà còn tạo thêm nhiều khổ đau, chua cay và xa cách, con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con.. Con ý thức được rằng hành động tà dâm sẽ gây ra khổ đau cho kẻ khác và cho chính con trong hiện tại và trong tương lai. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những điều mà mình và kẻ khác đã cam kết.Con nguyện sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.Con ý thức được trọn vẹn trách nhiệm của con về sự cho ra đời những sinh mạng mới và thường xuyên quán chiếu về môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng nầy.
( Tiếp Hiện Xuất Gia ) Ý thức được rằng lý tưởng xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, con nguyện tự mình thật tinh khiết, tự bảo vệ nếp sống phạm hạnh của con và hết lòng bảo vệ tiết hạnh của kẻ khác.Con biết cô đơn và đau khổ không thể nào giải tỏa được bằng dục tình mà chỉ có thể đựợc chuyển hoá bằng sự thực tập hiểu biết và thương yêu đích thực. Con biết hành động dâm dục sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con, làm hại đến cuộc đời của kẻ khác và không cho con thực hiện đượclý tưởng cứu độ chúng sinh của mình.Con nguyện không ép uổng thân thể con, không đối xử với thân thể con một cách bạo động và khinh xuất, không xem thân thể chỉ như là một dụng cụ. Con nguyện bảo trọng thân thể con, xem thân thể mình là đền thờ của tâm linh, là chiếc thuyền vượt biển, và thường xuyên học hỏi, bảo tồn tinh, khí, thần để có đủ năng lực hành đạo.
Qua 14 giới Tiếp Hiện, hàm ẩn một trí tuệ của đức Văn Thù Bồ Tát, tránh được cố chấp sai lầm của nhận thức; biết lắng nghe mọi nhu cầu thống thiết của chúng sanh bằng đức tính từ bi của đức Quán thế Âm; và một công hạnh rộng lớn để hy sinh và đến với mọi loài của đức Phổ Hiền, cũng như một tâm nguyện vô lượng của đức Địa Tạng
Thiền sư cô đọng giới nghi của Bồ Tát giới để hình thành giới Tiếp Hiện cho người con Phật nhập cuộc với đời, chuyển hoá khổ đau cho đời bằng những chiếc phao trang bị an toàn cho mình và cho người bởi trí tuệ và tình thương.
Một điều lạ, những giới tử ít ai thấy tính giá trị của Tiếp Hiện bằng một ký giả Pankaj Mishra của báo Time khi tôn vinh Thiền sư Nhất Hạnh là một trong 60 vị anh hùng chấu Á, đã có công đem lại hoà bình cho VN bằng cách ép Hoa Kỳ rút quân khỏi VN qua phong trào phản chiến, chẳng những thế, giúp cho mọi người, kể cả thành viên của Tiếp Hiện không vướng vào bất cứ chủ thuyết nào, dù là của PG. Ta hãy nghe Pankaj Mishra nói : …trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, họ tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ nầy thành một thế kỷ đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền Sư Nhất Hạnh.
MINH MẪN
14/3/2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét