Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009
Ngày Thành Đạo
Tháng chạp âm lịch, sương khuya phủ dầy cảnh vật; cách 5m không thấy nhau, đoàn người lầm lủi đi trong màn đêm.
Từ Việt Nam Phật Quốc tự về Bồ Đề Đạo tràng chỉ hơn cây số; 4giờ sáng trời vẫn âm u tĩnh mịch; ánh sáng le lói ngọn đèn Pin không đủ xé sương mù để những bước chân dò theo con lộ; Các ngôi chùa Miến, Tây Tạng, Tàu, Việt Nam chìm khuất trong ánh sáng trắng, nhận dạng được nhờ tiếng kinh cầu, tíếng chuông nhịp canh. Hàng cây hai bên đường như những chàng khổng lồ khoác tấm áo voan màu đục. giòng người trò chuyện bị cái lạnh buốt xương làm tan loảng âm điệu. Từ xa, các chùm ánh sáng mờ nhạt trong sương khuya, lơ lửng trên cao, báo hiệu khu vực Bồ Đề Đạo Tràng sắp đến; Hai dãy phố, chùa quanh khu vực nhộn nhịp hẳn; Nơi đây, hình như suốt đêm không ngủ. Người Ấn bày hoa, nến, tiền xu, băng đĩa... dọc lộ vào Đạo Tràng; hàng bánh, nước cũng tấp nập kẻ tới người lui. Người ăn xin và các sư Tân Đầu lô hoạt động náo nhiệt. Tuy sương ướt đẫm nền gạch, khách hành hương cũng gửi dép giày phòng phía ngoài; Lòng hồ hởi làm cho mọi người quên bàn chân trần đang ngấm lạnh; Hàng ngàn người đủ mọi chủng tộc, mọi quốc tịch, họ đến từ ngày hôm trước, lễ bái, kinh hành suốt đêm. Các sư và tín đồ Tây Tạng hoặc người nước ngoài theo môn phái Tây Tạng, thành kính ba bước một lạy nằm dài dưới nền gạch ướt lạnh, không bận tâm kẻ ngược người xuôi quanh mình. Đoàn người Việt Nam tán tụng nghi Việt. Đoàn Phật giáo Tàu trầm bổng nhạc Hoa.Một số vị tìm chổ dọc bờ tường lặng lẽ lâm râm khấn nguyện.
Ngôi bảo tháp to cao như hình dáng đấng cha lành chứng minh và che chở con cháu đến chia xẻ niềm vui. Cây Bồ Đề, nơi mà gần ba nghìn năm trước, Đức Bổn sư sau khi xuống tắm nơi giòng sông Ni Liên Thuyền, ngồi và đắc quả tại đây, sau nhiều cuộc dâu bể thăng trầm, giờ đây gốc cổ thụ chẻ làm năm thân, ngã về bốn hướng như che chở khu Bảo tháp; Người ta phải làm giá đỡ các thân nhánh già cổi. Thân cây được xây tường bảo vệ khỏi những bàn tay cuồng tín bẻ hái.
Những hệ phái Phật giáo Đại thừa, từ những quốc gia Âu mỹ xa xôi, cũng đến chiêm bái một cách thành kính nhân mùa Thành Đạo. Mọi người cảm thấy hạnh phúc được tắm mình trong trường lực nơi cội Bồ Đề đầy ý nghĩa. Những ai thiếu niềm tin, hoà vào giòng người quá sùng tín, cũng tự động chấp tay cúi đầu trôi quanh bảo tháp. Nơi đây, không ai nói với ai lời nào mà chỉ dồn tâm niệm để nói với chư Phật, nói với chính mình về kiêp sống bọt bèo. Ba ngàn năm đối với đời người quá dài, nhưng vũ trụ bao la thì thời gian ấy chỉ là ánh chớp. Một Đức Thích Ca của ba ngàn năm trước ngồi tại đây, và con cháu của ba ngàn năm sau sự kiện lịch sử đó, cách nhau một ánh chớp mà hình ảnh đấng Từ phụ đã nhạt nhoà, hương hạnh đức vẫn còn lan toả đâu đây. Năng lượng đấng giác ngộ vẫn còn tác động trong tim của hàng vạn người con Phật diện kiến Thánh địa nầy. Có đến vào những giờ phút thiêng liêng mới cảm nhận hết những giá trị tâm linh mà ngôn ngữ không đủ diễn đạt. Giòng người tiếp tục đổ về Thánh địa, không ai muốn lui gót. Sương khuya và khí lạnh không làm chùng bước các sư Tây Tạng phủ trên người tấm y mỏng, vẫn tụng niệm, vẫn nằm lạy, vẫn nhiệt tình lắc vòng pháp luân, vẫn xoa đều các pháp khí khi niệm OM MA NI PAD ME HUM.
Phía ngoài phạm vi bảo tháp, hàng quán như khu chợ trời náo nhiệt. Các sư Tây Tạng ăn uống một cách tự nhiên như trong chùa. Thật ra các sư ăn uống rất kham khổ. Mỗi bữa ăn chỉ một chiếc bánh bột mì nướng và cốc sữa. Người Ấn không chế biến các món ăn cầu kỳ như Việt Nam hoặc một số nước trong khu vực. Bánh bao là cục bột mà nhưng bên trong là hành xào nhạt nhẽo. bầy chó hoang đứng nhìn miệng, có lẽ ít ai cho ăn, vì cái bánh không đủ lót dạ, các sư không có tiền nhiều; du khách không thích hợp khẩu vị những lọai thực phẩm như thế. Đồ lưu niệm bày nhiều mà bán chẳng bao nhiêu. Xa xa, thỉnh thoảng vọng lại những giọng tụng niệm của giáo phái Hindu nghe ồm oàm đơn điệu, làm tăng vẻ huyền bí giữa cảnh tiên người tục.
Một ngày mới bắt đầu bằng đi lễ thánh địa Đạo tràng, mỗi người một tâm trạng phấn chấn mung lung. Chiếc xe Lam đưa khách chạy thục mạng, sương còn dầy đặc, tài xế người Ấn không buồn lau kiếng xe, sương mù, kiếng đục, thế mà hàng chục sinh mạng đành phó thác cho bác tài trẻ tuổi. Một ai đó đi phía trước hay con vật chạy ngang, chắc chắn không tránh khỏi tai nạn; Về đến nơi mới biết mình chưa phải là kẻ tử đạo.
Đất nước Ấn độ luôn là điều kỳ diệu và kỳ dị. Đưa du khách từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, từ tín ngưỡng, tôn giáo đến xã hội dân sự, từ tập quán đến cuộc sống thiếu vệ sinh, từ con người đến chim thú, từ khoa học tân tiến, tiềm năng kinh tế đến kiếp nghèo khó và thiếu kiến thức; Tất cả như con trốt vần vũ trong tâm tưởng du khách, trong khi đó, ngừoi dân bản xứ vẫn thản nhiên nằm lê lếch bên đống rác, chiếc sari cáu bẩn phủ trên người đắp choàng cho con chó nằm cạnh. Đống củi cháy tàn không đủ sưởi ấm màn đêm.
Tiếng Đại Hồng Chung ngân nga từ ngôi chùa Việt Nam, tràn qua đám ruộng khô khốc, lẫn trong sương lạnh lan toả khắp nơi. Bảy giờ sáng mà mặt trời vẫn trốn lạnh để mù sương nhận chìm cảnh vật. Bầy cò trắng đói sớm nên lượn lờ chào bình minh dể tìm cái ăn. Chim hót chào ngày Thành Đạo. Một ngày mới cho những tâm hồn vừa mới nguyện cầu từ cội Bồ Đề. Mọi người con Phật thanh thản, tươi tắn như vừa uống cam lồ trên đất Phật. Ngày Thành Đạo của ba ngàn năm trước và bây giờ có khác nhau khi mà đấng cha lành nhân loại một thân ngồi giữa rừng hoang lạnh giá đầy thú dữ, giờ đây, con cháu đắm chìm giữa rừng người súng kính với cảnh trí huy hoàng.
Bồ Đề Đạo Tràng vẫn là tiếng gọi thiêng liêng đối với người con Phật khắp năm châu. Ai một lần viếng một trong tứ Thánh địa đã là một diễm phúc; đó là tiếng gọi tâm linh xin nhường cho những ai hữu duyền kỳ ngộ.
MINH MẪN
03/01/09
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét