Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Mùa Phật Đản 2631 - 2551


Thêm một mùa Phật Đản lại về trên quê hương, một truyền thống đã được xác lập cho các chùa và quần chúng Phật tử trên toàn quốc.Nhiều chùa thắc mắc- đã qua mồng 8 tháng 4 Â.L rồi mà vẫn chưa thấy GH chỉ thị làm xe hoa.
Tuy nhiên một số chùa trong TP, miền Nam cũng tự động treo cờ, giăng hoa đèn lồng. Đặc biệt là cao nguyên và miền Trung vẫn giữ phong cách trang trọng cho mùa lễ. Chùa Liên Trì trên Buôn Mê Thuộc, trên 40 năm đã xuống cấp, một phần mái ngói bị sập, hàng ngày hàng chục phật tử lớn tuổi vẫn đến làm lễ trong mưa, tuy chùa không thầy, tám trăm tín đồ tự chăm sóc, quản lý và xây dựng. Nhiều lần làm đơn xin phép tái thiết, nhưng vẫn chưa được chấp nhận, cách đó không xa, một ngôi giáo đường ngạo nghễ mọc lên trên ba tỷ đồng để phục vụ cho ba trăm hộ tín hữu một cách dễ dàng; người Phật tử luôn chịu đựng, chờ đợi những quyền lực vô lý như thế, nhiều lần tôi phản ánh lên trung ương mà vẫn không có sự phản hồi. Phật đản năm nay, Phật tử đã làm những giàn giá sắt ống chuẩn bị cho lễ đài, chương trình văn nghệ vẫn tập dợt, tuy phập phồng lo sợ chưa biết có được phép tổ chức chăng! Có chứng kiến quần chúng nơi vùng cao, cuộc sống vất vả, kinh tế không dư dả, mới thây tinh thần tín ngưỡng của họ thật tuyệt vời. Trong chuyến cứu trợ của ban Từ Thiện Vạn Hạnh tại buôn Ear Huar, bản Đôn, tôi tháp tùng để tận mắt thấy sinh hoạt của PG tại đó. Daklak có nhiều nhóm sinh hoạt. một nhóm của Tỉnh Hội, nhóm của Phật Quang, nhóm của GĐPT ly khai Phân Ban lẫn Truyền Thống, mạnh ai nấy sinh hoạt, nhưng đều thể hiện thiện chí và tâm đạo của họ. Mưa chiều Cao nguyên lất phất nhưng ướt thấm, tôi đến thăm chùa Liên Trì đang thời kinh do các bác đảm trách, những đống gạch, cát, cement ngổn ngang phơi mưa chờ lệnh Quan lớn duyệt xét trên ba năm nay, sắt đã hoen rỉ; nhìn thấy tài sản của dân bị hư hỏng hoang phí vì chờ đợi một chữ ký của kẻ có thẩm quyền, thật tội nghiệp cho thân phận của người dân tùy thuộc những kẻ lạm dụng quyền lực vô lý như thế. Điều lạ là những người sắc tộc đã quy y, sinh hoạt theo PG, họ đã chấp hành luật pháp rất tốt, thế mà Ban Tôn giáo tỉnh vẫn gây lắm trở ngại cho PG, trong khi Dega từng tạo khó khăn cho tỉnh nhà mà vẫn suông sẻ mọi việc, có lẽ PG không có khả năng lót đường hay không muốn tiếp tay cho tham nhũng, mà trung ương đang bài trừ tệ nạn đó, nên đầu không xuôi, đuôi không lọt!
Như năm ngoái, Phật Đản trên Cao nguyên bị địa phương gây khó dễ, năm nay cũng thế, một số tư gia làm bàn thờ và treo cờ đèn trong sân cũng bị ra lịnh tháo bỏ, hơn 20 điểm làm cổng chào và treo cờ, đèn trong khu vực PG cũng bị lập biên bản, như tại quán cà phê của cô Hoài Thương, trong khi đó, Noel tại TP lớn như TP HCM, Đà Nẳng, Nha Trang…Kito giáo làm hang đá, treo cờ xuyên qua cả khu vực người lương, người PG mà không bị trở ngại. Tuy đây là hành động cá nhân của cán bộ địa phương, nhưng không thể bảo là không ảnh hưởng uy tín của nhà nước, tạo thêm những bất mãn vô lý cho quần chúng đối với chế độ mà kẻ xấu luôn chờ cơ hội xuyên tạc, có nghĩa chính những cán bộ địa phương đó đã tiếp tay bôi bẩn chế độ mà vẫn được được tại vị.
Bài Phật Đản 3 năm vừa rồi, tôi ước vọng VN sẽ đăng cai tổ chức Phật Đản như Thái Lan đã làm, ước vọng đó đã thành sự thật khi nhà nước VN được Unesco chuyển giao quyền tổ chức cho Hà Nội, vào năm 2008; nhà nước VN không tổ chức với ý nghĩa một lễ nghi tôn giáo mà là vinh danh một vĩ nhân văn hoá thế giới như Unesco, được sự cộng tác của PGVN trong một bộ phận nghi lễ tôn giáo, một trong nhiều bộ phận của cuộc lễ.
Một tầm vóc cuộc lễ quốc tế như thế, nhà nước VN phải chịu chi phí toàn bộ chứ không phải GHPGVN gánh vác. Chứng tỏ nhà nước đã thấy tính nhân văn trong PG, giá trị phục vụ hoà bình cho cuộc sống của đạo Phật, tại sao PGVN vẫn còn gặp những khó khăn từ các địa phương mà trên hai ngàn năm đã chứng minh hiệu quả của sự đóng góp của PG cho dân tộc?
Chính sách chung của nhà nước cho những ngày lễ của PG như Phật Đản, Vu Lan thì sao? Kitô giáo đã có ngày nghĩ cho cán bộ công nhân vào dịp Noel. Giỗ tổ vua Hùng vào ngày mùng 10 tháng ba đã được chấp thuận như một quốc lễ, nhà nước nên xét lại.
Trung ương vẫn chưa mạnh tay đối với những cán bộ địa phương làm lệch chủ trương nhà nước, nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Một nhà hàng ăn uống, một cửa hiệu nhậu nhẹt, một karaoke trá hình cho mại dâm… đều được cấp phép không quá một tháng, một cơ sở tôn giáo giáo dục đạo đức cho nhân dân luôn gặp lắm trớ trêu. Một ngôi chùa xin tái thiết đã ba năm chưa được.
Một ngôi chùa hiện diện sẽ bớt đi bao nhiêu tội phạm trong xã hội, một tụ điểm ăn chơi phát sanh bao chuyện đau lòng; Tội phạm phát sinh phần lớn thiếu giáo dục đạo đức, tại sao chúng ta không thấy điều đó mà cứ gây khó khăn cho nhau!
Tại Đồng Tháp, BTS PG tỉnh không hợp tác với những thành phần bất hảo do Ban tôn giáo đưa vào, nhà nước tỉnh tự động chế tạo con dấu GH, làm lễ trao lại cho văn phòng 2 TW, để VP 2 thành lập ban tổ chức Đại Hội PG tỉnh mà không cần sự hiện diện của BTS PG Đồng Tháp, quả là chuyện lạ thế kỷ, con dấu là linh hồn của TG thế mà chính quyền tỉnh ĐT đã sản sanh cả linh hồn và điều động cả BTS TWPG, làm theo ý mình, thảo nào PGVN chả ra thể thống gì, người dân biết tin vào ai, công lý ở đâu!
Một GHTN đối lập, ồn ào, chả làm được gì cho PGVN trên 30 năm nay, một GHPGVN khom lưng cũng không vực dậy được một PGVN cho kịp với tiến hoá của đất nước, người Phật tử biết nương vào đâu khi mà cơ hội hoà nhập để không bị hoà tan vào cuộc sống hổn tạp hiện nay trên thế giới???
Phật Đản năm nay, tuy GH không phổ biến làm xe hoa, nhưng trong lòng mọi người con Phật vẫn nở hoa tưởng niệm, PG cả nước đều trang trí cờ đèn
Phật Đản sang năm, tuy nhà nước VN đăng cai tổ chức, liệu các địa phương còn gặp phải cản trở khi con Phật trưng bày tưởng niệm?
Đến bao giờ ngày Phật Đản được xem là quốc lễ bởi tình văn hoá của nhân loại?
Chả lẽ quyền lực trung ương VN bất lực trước nạn tự tung tự tác của các cấp cán bộ thoái hoá tại một số địa phương, không tạo cho PG góp mặt xây dựng văn hoá, đạo đức cho xã hội, thì cuộc đăng cai tổ chức lễ Phật Đản năm tới có ý nghĩa gì. Phải chăng một cuộc lễ tôn vinh văn hoá để che đậy hành động không có văn hoá của các cấp địa phương?


MINH MẪN

25/5/07
08/4/Â.L

1 nhận xét:

  1. Ở nơi tôi sống đó là Thị xã Long Khánh, nơi đây chính quyền địa phương rất quan tâm và luôn giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo rất nhiệt tình, cả về vật chất lẫn tình thần. Ở chế độ xã hội nào cũng có những kẻ cường quyền, ác bá, những con sâu luôn đục khoét làm hoen ố hình ảnh của cá nhân, tổ chức mà họ ngày đêm ra sức xây dựng. Hy vọng cư sỹ sẽ tìm được cách để hỗ trợ bà con Phật tử nơi đây, theo tôi thì tiền có thể giải quyết được tất cả và kể cả bài trừ những kẻ cường quyền này. Hy vọng Cư sỹ sẽ hiểu ra được những điều tôi muốn chia sẻ.

    Trả lờiXóa