Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Luật và Lệnh


Khóa tu đầu tháng cho cư sĩ thuộc hệ phái Bát Nhã ( Làng Mai) nhằm ngày 05/10/08 tại Bảo Lộc, với sự tham dự 400 người tuổi trẻ. Đó là khóa tu thường lệ, đã kéo dài 3 năm, kể từ khi Làng Mai được nhà nước Việt Nam cho phép đoàn TS Nhất Hạnh về nước sinh hoạt!

Tại Việt Nam, trước đây độ năm năm, Pháp môn Tịnh độ đã phát triển, hiện nay chùa Hoằng Pháp thường xuyên có những khoá tu cho tuổi trẻ, cho người khuyết tật, ung bướu, các vị trung và cao niên; mà số người tham dự đã lên đến trên bốn ngàn người; không những tại ngoại vi TP Hồ Chí Minh mà còn phát triển ra miền Bắc, cùng một số tỉnh thành, giúp cho phần lớn quần chúng tìm được nơi nương tựa tâm linh một cách an ổn và hiệu quả! cải hoá một số thanh thiếu niên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ trước mọi cám dỗ của Sa đọa.
Thiền phái Tri Vọng của Hoà Thượng Thanh Từ, phần lớn chỉ giúp cho tu sĩ trong các già lam của ngài, không phổ cập được quần chúng xã hội, vì thế sinh hoạt của Trúc Lâm cũng không mấy phát triển, nhưng ngài đã phát triển được những cơ sở vật chất có bề thế để lại cho hậu lai những di tích danh lam như Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử, Miền Bắc và Trúc Lâm Bạch Mã, Huế
Trên 20 năm trước, thiền phái của ngài Duy Lực cũng được sinh hoạt phần lớn trong giới tu sĩ, tại gia khó phổ biến vì đòi hỏi hành giả có căn cơ cao hơn là đại chúng tu Tịnh Độ. Sau khi ngài Duy Lực qua Mỹ và viên tịch, môn phái của ngài đã phát triển tại Việt Nam có hệ thống hơn, nhưng vẫn còn hạn chế.
Mật pháp Tây Tạng cũng đã bén rễ tại miền Bắc và vài điểm ở miền Nam, cũng chưa phát triển nhiều, vì pháp hành đòi hỏi nhiêm ngặt về hành tướng…
Pháp Quán âm mà thời Trần đã triển khai, Thiền sư Ngô Thời Nhậm là tổ kế thừa, bị gián đoạn nhiều thế kỷ, giờ đây, cũng có mặt tại Việt Nam trên 20 năm, phát triển khá rộng, nhưng vô tướng vô tác, không chú trọng về tổ chức, ngoại tướng, lễ nghi, thờ phượng… nên phổ biến hạn chế bởi đòi hỏi rất nghiêm cẩn về giới luật và trai tịnh.
Ngoài ra, các tông như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Thiên Thai…hình như chỉ còn dư âm mà vắng hẳn hệ thống truyền thừa so với những hệ phái trên;
2005, thiền phái Làng Mai lại xuất hiện chính thức tại miền Nam lẫn phía Bắc nước Việt. Thiền phái nầy có tổ chức, có chương trình tu học, có phân biệt hai hình thái - xuất gia chuyên tu và tại gia tham dự vào các công tác xã hội từ thiện, quen gọi là Tiếp hiện. Về từ thiện xã hội, họ không phô trương, không xưng danh, nhưng đã giúp rất nhiều cho hạ tầng xã hội có mức thu nhập kém và cơ sở vật chất thiếu hụt, như nhà trẻ, đào giếng, xây dựng nhà ở, làm cầu đường , cấp học bổngv.v..
Ngoài những sinh hoạt xã hội, hệ phái Làng Mai chú trọng đến đời sống tâm lý xã hội, hoá giải những bất an trong gia đình và phục hồi an lạc tự thân mà bấy lâu bị cuộc sống xô bồ làm tha hoá, đánh mất tự chủ.

Ở Việt Nam, gia đình là nền tảng cơ bản của xã hội, không những bị đảo lộn so với truyền thống xa xưa, xã hội công nghiệp hoá kéo theo những tha hoá khác, đã làm xáo trộn tôn ti và hạnh phúc mà ông bà ta đã từng được thừa hưởng. Từ nền tảng đạo đức gia đình bị hụt hẩng, tuổi trẻ tiếp tay cho xã hội những mầm móng tiêu cực mà xã hội vốn đã mất nền tảng đạo đức hàng bao thập kỷ qua, vì thế, Việt Nam đang cần phục hồi đạo đức tôn giáo, đạo đức tín ngưỡng đẩy lùi những tệ nạn đang báo động.

Nhưng, trên ba mươi năm, Phật giáo vẫn chưa được ổn định và thanh tịnh hoá để góp phần phục hưng tố chất siêu xuất của mình, bởi lẽ phần lớn các sư cũng bị xã hội cuốn hút vào cơn mê hồn trận, biến hành giả thành học giả và hoạt giả. Các tông môn trên đây không đủ trám lấp những hụt hẩng đó, làng Mai được nhà nước mời về, có cơ hội tham gia xây dựng đất nước, nhưng, ngay từ buớc đầu, 40 năm xa quê, làng Mai không nắm bắt được tâm lý Phật giáo Việt Nam hiện nay và tập quán người Việt mà sau 1975 đã có nhiều sắc thái biến đổi. Đáng ra, làng Mai phải có những bậc đạo hạnh tại Việt Nam làm cố vấn cho mọi sinh hoạt, giao tế trong bước đầu khi trở lại quê hương, có lẽ, các ngài nghĩ mình là người Việt Nam, trở lại quê hương như người con xa nhà trở lại đoàn tụ, quên rằng mái ấm đó đã thay đổi từng ngày, tâm lý và tình cảm của người thân cũng bị xã hội nhuộm màu hoại sắc, chưa nói đến huynh đệ bị tác động khuynh hướng chính trị mà quay mặt với nhau.

Nhà văn Sơn Nam khi còn sống, nghe tin TS Nhất Hạnh về nước, ông ta phán: Nhất Hạnh ở nước ngoài là một vĩ nhân, nếu viên tịch trên xứ người, thì Nhất Hạnh là một kỳ nhân của Việt Nam và ân nhân của Phật giáo, nhưng nếu Nhất Hạnh về nước thì Nhất Hạnh tự đốt cháy mình, hào quang một thời sẽ bị nhuộm đen tại đất nước sản sinh ra nhân tài đó!
Sơn Nam đã mất, nhưng lời nhận xét của Sơn Nam vẫn còn hiệu quả, vì nghiệp vận của Phật giáo và dân tộc quá ư u trệ.

Tu sĩ thuộc GHTN quay mặt vì TS về Việt Nam để chứng minh Việt Nam có tự do tôn giáo, rửa mặt cho Việt Nam hầu cởi vòng Kim cô CPC và bước vào ngưỡng cửa WTO. Làm bất lợi cho cuộc đấu tranh của GHTN.
Đồng đạo trong Giáo Hội đương nhiệm, một số không muốn mình chìm trước hào quang quá sáng của TS Nhất Hạnh; Đời sống tăng đoàn làng Mai sẽ chiếm cảm tình quần chúng khi thấy sự khác biệt quá lớn về tư cách của tu sĩ trong nước và ngoài nước. Một số sư miền Bắc như T.Thanh Tứ lại có thành kiến sâu nặng với một người, dù là tu sĩ Việt kiều, hình thành hai chiến tuyến vô hình của đầu óc chính trị nặng hơn tu tập. Hoà Thượng Trí Tịnh bị câu thúc bởi óc kỳ thị ba miền; Ngoài ra một số sư, tuy không đố kỵ, nhưng óc thủ lợi đã bất mãn khi không lợi dụng được làng Mai. Một số chư tôn đức giữ thế chủ nhà, đợi làng Mai đến với họ chứ họ không hạ mình đến yết kiến làng Mai; Một ít sư bà và những Fan, đích thân đến viếng thì bị thị giả cản ngăn; cũng như ĐĐ Chân Tính ở chùa Hoằng pháp năm 2005 đắp y lên đãnh lễ đã bị thị giả ngăn cản không được gặp Thiền sư; còn biết bao chuyện linh tinh không thích hợp với tập quán của Phật giáo trong nước.Nhất là các vị tiền trạm chưa quen lễ nghi của các cổ đức, vô tình tạo ấn tượng bất kính từ ý nghĩ của chư tôn!
Tính tiêu cực của một số ít cán bộ Việt Nam, từ đầu làm thủ tục nhập cảnh đến suốt thời gian sinh hoạt trong nước, đã bị làng Mai không tiếp tay, đâm ra thành kiến, liên tục thành kiến trong suốt ba năm qua, chính vì thế mà cái khó khăn hiện nay Bát Nhã vấp phải, không chỉ đơn thuần do tính tham lợi và tự ái vặt của TT Đức Nghi, mà còn bị tác động từ những cán bộ tiêu cực đó. Chính sách minh bạch về tự do tôn giáo và tự do Tín ngưỡng chưa phai mực, nhà nước Việt Nam vẫn muốn làng Mai đóng góp thật nhiều cho đất nước về phương diện đạo đức tâm linh và uy tín quốc tế của mình; thế nhưng, sau khi làng Mai tham dự Vesak, Bát Nhã Lâm Đồng bắt đầu phát tiết các ung nhọt nội bộ mà sự trầm lắng của môn phái Làng Mai càng làm cho TT Đức Nghi và các đệ tử thêm cực đoan hung hăng như bọn Hồi giáo, hoặc tạm gọi là thành phần Phật giáo Hố Nai!
Làng Mai không muốn tin xấu lan truyền, nhưng càng che đây thì các sư cực đoan càng làm tới, sau khi mượn tay thanh niên vào chiếm thất của sư ông và những phòng dành cho các tập sự, bây giờ thầy Đức Nghi mượn tay công an xã vào giải tán tu sĩ , không gia hạn hộ chiếu cho các giáo thọ, quý thầy quốc tịch nước ngoài không được phép lưu trú ở Bát Nhã cũng như Lâm Đồng; bắt loa chỉa sang nhà thiền và nơi cư trú của tu sĩ hệ phái làng Mai để phá rối sự tĩnh tâm của họ; Rồi giờ đây, số tín đồ trẻ tham dự khoá tu đầu tháng cũng bị phòng nội vụ thị xã Bảo Lộc vào lập biên bản quy tội vi phạm pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng tức vi phạm pháp luật Việt Nam.Nếu làng Mai vi phạm luật pháp Việt Nam thì ngay từ đầu nhà nước phải cảnh cáo và ngăn cản, có đâu để ba năm sau mới kết tội vu vơ; Chả lẽ pháp lệnh tôn giáo chỉ dành cho người trong nước hành đạo, làng Mai không được phép phát triển? Và pháp lệnh tôn giáo nào quy định cấm đoán tăng tín đồ tu tập, ngăn trở việc đào tạo công dân tốt có nhân cách đạo đức? Tại sao không có những pháp lệnh xử lý cán bộ tham ô làm nghèo đất nước, tại sao không có pháp lệnh giải quyết tệ nạn xã hội để cuộc sống người dân mỗi ngày một bị đe doạ; và tại sao không có những loại pháp lệnh giải tán những tụ điểm mua dâm trá hình…Chả lẽ pháp lệnh chỉ áp dụng gây khó cho những nhà tu hành chân chính, lại để các sư thoái hoá tự do phạm tội???

Một đất nước muốn phát triển, không những quý trọng nhân tài mà còn biết tạo điều kiện cho đạo đức tôn giáo phát triển để giáo dục quần chúng. Một chính sách chấn hưng đất nước là chính sách chiêu hiền đãi sĩ chứ không phải làm thất nhân tâm, đánh mất niềm tin của những người có thiện chí đối với dân tộc! Tại sao Phật giáo không có quyền phát triển? Các sư gọi - dạ bảo – vâng chỉ biết tuân phục thì làm được gì cho đất nước nầy. Những tu sĩ chân chánh không được trọng dụng làm sao Phật giáo vững mạnh.Các sư truyền giảng lệch lạc kinh điển thì được tự do tung hoành, pháp tu chân chánh thì bị ngăn trở khó khăn; người lãnh đạo đất nước nầy nghĩ gì về những cán bộ chuyên trách tôn giáo như thế? Với lối quản lý tôn giáo, thao túng tôn giáo như thế thì không sớm, Phật giáo sẽ biến thành một thây ma nhơ uế cho xã hội, và Phật giáo chỉ còn là cái xác không hồn!
Quần chúng phật tử đang bức xúc nhờ Giáo Hội can thiệp, nhưng mấy tháng qua, hình như Giáo Hội bình chân như vại; Ngừơi dân biết tin và nhờ cậy vào ai. Trong lúc nầy không nên để Phật giáo giao động, mất niềm tin. Và có lẽ làng Mai chưa học được đức tuân phục, và chưa thuộc lòng thủ tục đầu tiên.

Luật là luật, lệnh là lệnh; người dân có bổn phận sống và làm việc theo pháp luật, nhưng người cán bộ có quyền ra lệnh theo ý mình, theo cảm tính riêng tư, và một số cán bộ biến chất, cái lệnh của họ không y cứ vào pháp luật mà đo lường bằng trọng lượng của một phong bì; Bởi vì quyền lợi cá nhân họ nặng hơn quyền lợi của một dân tộc.Có thể làng Mai không sai phạm pháp luật nhà nước Việt Nam, nhưng làng Mai đã sai lệch khỏi quỷ đạo tiêu cực, do vậy, làng Mai phải chấp nhận số phận long đong trên quê hương mình cho dù làng Mai là ánh Thái dương trên đất khách quê người. Đây là bài học chung cho dân tộc chứ không riêng cho làng Mai.

MINH MẪN
08/10/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét