Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

KẾT THÚC CHUYẾN ĐI





Ngày 09/5/07 đã kết thúc chuyến đi của TS TNH và Tăng đoàn Làng Mai ở VN; tại phi trường Nội Bài. Đoàn sang Hongkong rồi đến Thailand dự lễ Phật Đản, sẽ về lại Pháp vào ngày 31/5/07
Thế là hơn hai tháng tại quê nhà, bước chân hoằng hoá nhiều tranh cải trên diễn đàn quốc tế liên tục xẩy ra, trước ngày đến VN, đang ở VN, cũng như sau khi rời khỏi VN.
Mục đích chính là lập Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế ba miền, những mục còn lại là khoá tu, pháp thoại và thăm viếng.
Vấn đề Đàn Chẩn, theo từ tin làng Mai, cũng có nhiều bàn cải và tương nhượng giữa Làng Mai, nhà nước VN và GHPGVN qua một vài thuật ngữ, như bỏ chữ Giải Oan, bỏ bài Phổ Cáo quốc dân; một vài địa điểm như Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, nghĩa trang Liệt Sĩ Thủ Đức…không thực hiện được; và một ít cách thức làm việc, tuy nhiên, cho dù trong nội bộ một tổ chức, một cơ chế hay một GH cũng luôn xẩy ra những bất đồng, những hiểu lầm bởi phong thái, ngôn ngữ và nhận xét về nhau.
Về mặt tổng quát, mục đích Đàn Chẩn có mức thành công nhất định, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế ngoài ý muốn;và sự hiện diện của sư ông trong chuyến về năm 2007 nầy, trước đó nửa năm cũng đã có những xôn xao dị nghị, có những chống báng rất bài bản trong nước và xuyên tạc châm biếm từ ngoài nước.
sự chống đối:
a/ khuynh hướng chính trị, những thành phần nặng bảo thủ, chống chế độ, họ đều nghĩ rằng nhà nước VN dùng sư ông như một con cờ giải oan cho chế độ về tai tiếng tự do tôn giáo, tín ngưỡng và nhân quyền. Mặt khác, cũng từ những dư luận đó, Thiền sư là con bài chiến lược, là Trí vận, là biệt kích văn hoá…khi thành công vận động cho chiến tranh chấm dứt, Mỹ rút khỏi miền Nam VN, bây giờ tiếp sứ mạng hóa giải hận thù mà 32 năm qua vẫn còn kéo dài ra ngoài biên giới đất nước, và đoàn kết dân tộc mà một số còn chống đối, không đồng tình, tuy nhiên đoàn Làng Mai cũng không thuận lợi hoàn toàn theo yêu cầu, chứng tỏ sư ông không phải là tay sai như họ nghĩ.
b/ sự chống đối từ nội bộ PG, ai cũng biết rằng TS TNH từng có cảm tình với HT Huyền Quang, HT QĐ, từng bênh vực cho các ngài trước quốc tế, từng ca ngợi HT Quảng Độ là Bồ Tát Vô Úy, thế nhưng khi Ngài về VN, những tình cảm sâu đậm kia bổng chợt xoay chìêu 180 độ. GHTN nghĩ rằng, sự xuất hiện của Tăng thân làng Mai và sư ông NH là xác định tự do tôn giáo của chế độ và tệ hơn là triệt tiêu uy tín GHTN, thế là các Ngài không tiếp về chuyến đầu và ngấm ngầm chống đối, bêu rếu từ Võ Văn Ái đến người trong nước mạo danh Quách Thị Tam Thê viết nhiều bài thua xa Quách thị Song Phu về nghệ thuật xuyên tạc lẫn kỷ thuật viết lách., trong chuyến thứ hai 2007. T.Không Tánh chuyển tải các tư liệu bôi bác TS. Một số chức sắc trong nước e ngại uy tín của sư ông làm mất ảnh hưởng của họ đang có từ quần chúng.
c/ Theo nguồn tin trong nước, Quách Thị Song Phu tức Nguyễn Thanh Giản, viết về Hiện Tượng Nhất Hạnh là một đột xuất bởi cá nhân chứ không có tổ chức, đố kỵ pháp môn mà Huế là cái nôi tu Tịnh Độ, nhưng tại sao phân bố, phát tán từ Già Lam? Có dư luận nghĩ rằng phát xuất từ Già Lam, nhưng một vị chưa sắc GHTN trước đây tại Già Lam tuyên bố: Không ai ngu làm chuyện đó! Cá nhân Giản làm tại sao tập thể hưởng ứng? đây là việc làm không thể một người đảm trách, tùy mọi người thẩm định.
d/ GHPGVN thỏa thuận hợp tác Đại Đàn Chẩn Tế ba miền, nhưng thái độ hợp tác, theo làng Mai là chưa tận tình. Tại TP HCM, nhờ TT Lệ Trang chu tất từ A đến Z nên về hình thức và nghi lễ đã đạt trên mức chuẩn, đầy ấn tượng. Về quần chúng, là TP lớn nhất nước, nên quần chúng tham dự đông đúc là chuyện đương nhiên. Riêng tại Huế, hầu hết thiết trí lễ Đàn là người của Từ Hiếu và Bát Nhã đảm trách mà Diệu Đế hay GH Thừa Thiên không chính thức chủ động. Tại Huế, số chống đối TS chỉ có nhóm GHTN, không đáng kể, một số học Tăng học Ni do ảnh hưởng sự xuyên tạc và bất mãn lối giải quyết nội bộ chùa Từ Hiếu và chùa Diệu Nghiêm trước đây, nên có thành kiến và chống đối làng Mai bằng những động thái và ngôn cách nặng nề; còn lại, đa số Tăng ni thầm lặng hơn chuyến về 2005. Phần lớn không chống cũng chẳng theo. Tại sao?
Nghi Chẩn tại Huế đúng bài bản, Ban kinh sư tận tình với nghiệp vụ; quần chúng, tuy chưa nhận đầy đủ thông tin về lễ Bạt Độ, nhưng tham dự suốt ba ngày tương đối nhộn nhịp. Với cái nôi của PGVN như Huế, tổng lực PG được huy động và đoàn kết, chắc chắn lễ Đại Chẩn, tầm vóc sẽ gấp trăm lần hơn chứ không chỉ có vậy. Tại sao?
Cuộc chẩn tại Hà Nội cũng thế, GH tham gia như dè chừng, không ai chống như Huế, nhưng chẳng ai tha thiết tham dự, ngoại trừ một số đại biểu trượng trưng. GH trung ương không cho mượn Học viện PG Sóc Sơn tổ chức lễ hay phòng ốc lưu trú cho Tăng đoàn, kể cả một phòng cho TS tạm nghĩ, Đàn chẩn phải thiết trí tại chùa Non cách học viện 700m, trên dốc cao, buộc lòng TS phải về khách sạn ngoài thị trấn Sóc Sơn cách đó 3km. Cuộc Đại Chẩn như thế được xem là của làng Mai chứ không phải của PGVN hợp tác. Tại sao?
Pháp hành An Ban Thủ Ý không liên hệ gì đến các triết gia tây Phương mà có người đã nghĩ. Chưa thâm nhập vào pháp môn thì chưa vội thẩm định theo cảm nhận riêng của mình.PGVN lúc nầy cần sự đoàn kết hơn là đố kỵ. Theo nhân quả, mình chống đối thì sẽ gặp sự chống đối. Bảo rằng pháp hành của TS không thích hợp với VN hay bảo là tà giáo, Thì Bồ Đề Đạt Ma vào Trung quốc, Lương Võ Đế cũng xem ngài là ngoại đạo và các pháp thiền do chư tổ Trung quốc sáng tạo cũng bị xem là không đúng tinh thần Pg lúc bấy giờ, nhưng qua thời gian thử thách, giá trị của chúng đã được xác định trên con đường thực hiện cho những căn cơ thích hợp. Và tám muôn bốn ngàn pháp môn, không pháp nào là tà và chánh mà có thích hợp căn cơ của mình hay không thôi.
Ba ngày về Nha Trang thăm viếng theo lời thỉnh cầu của địa phương, tinh thần GH và tăng ni cư sĩ khá hồ hởi, tiếp đón nồng ấm thầy trò, nhưng chả hiểu lý do nào âm thanh suốt hai ngày vẫn trục trặc, dù giàn âm thanh mướn chứ không phải của chùa, kết quả cuộc nói chuyện của thiền sư không được như ý.

Sự ủng hộ: Phần lớn quần chúng Phật tử đều ái mộ Thiền sư; tuy họ chưa hiểu nhiều, chưa tiếp xúc nhiều với làng Mai, nhưng qua đạo hạnh tăng đoàn, phong thái và sự trong sáng trên gương mặt của các tăng thân mà hàng ngày họ không thấy có được trong nếp sống của các tu sĩ bìngh thường trong nước. Chư Tăng, một số đồng song cũng có cảm tình và kiêng nể, một số Tăng trẻ ham thích pháp hành vừa đơn giản, vừa lạ lẫm, tuy đã có trong kinh tạng PG, nhưng thế hệ cha anh họ đã mất căn bản, đã lạc phương hướng nhiều trăm năm, chỉ duy trì Phật pháp qua nghi lễ và hình tướng, không đủ năng lực chuyển đổi nội tâm, biến tu sĩ thành một nghiệp vụ hơn là hành giả, giờ đây, họ cảm nhận luồng sinh khí đã được Thiền sư làm mới đạo Phật, đó là những Tăng sĩ có óc cầu tiến, theo đoàn suốt hai tháng đi xuyên Việt. Các quan chức nhà nước có thời gian theo dỏi nội dung diễn giảng của Thiền sư mục đích xây dựng xã hội và con người, thiết lập nền tảng đạo đức cho đất nước, vì thế họ đã ủng hộ cho Thiền sư thiết lập Đại Đàn Chẩn tế.

Thành công và thất bại:

Thế hệ trước 1975 đã từng nghe danh và đọc sách T.Nhất Hạnh, bầu nhiệt huyết và tính lý tưởng của tuổi trẻ biến tác giả thành thần tượng của giới trí thức miền Nam trong thời chiến.
Sự nhạy bén, trình độ Phật học và thế học uyên bác, cộng thêm trí thông minh, nắm bắt trước thời đại, TS Nhất Hạnh đã thành công trên môi trường thực dụng của phương Tây qua sự cải biên pháp hành từ kinh tạng Nykaya và phương tiện của PG Phát Triển, hiệu dụng cấp thời. Thiền sư cũng diễn đạt PG bằng ngôn từ giản dị của thời đại. Vừa là nhà thơ, vừa là Thiền sư, vừa là sử học, xã hội học, chính trị học…Ngài đã có chỗ đứng nhất định trong giai tầng xã hội trong và ngoài nước.
Trong nước, trước ngày về 2005, TS Nhất Hạnh là ánh sáng lung linh trên bầu trời PGVN, là thần tượng của nhiều tu sĩ lẫn cư sĩ ái mộ qua sách vở, cho dù trong quá khứ đã sai phạm lớn trong việc thành lập trường Thanh niên Phụng Sự Xã Hội; hy sinh nhiều xương máu của tuổi trẻ mang bầu nhiệt huyết với quê hương giữa hai lằn súng đạn, một việc làm mạo hiểm chưa cần thiết lại tạo ngờ vực cho đôi bên mà lý tưởng tuổi trẻ bấy giờ không đủ minh chứng cho lẽ phải đối với dân tộc bởi thù hận còn ngút ngàn. Ngoài lý do chính trị, nội bộ PG cũng không muốn Ngài hiện diện trong cơn chuyển mình phục hưng tầm vóc, nhất là Viện đại học PG Vạn Hạnh đầu tiên được hình thành. Ngài lưu vong trên đất khách với sứ mạng vận động hoà bình cho VN qua hình thức phản chiến, cũng từ đó, ngài thành công Phật sự tại phương Tây.
Ngoài nước, An Ban Thủ Ý là bộ kinh căn bản của hệ Nykaya, Người thực hiện bằng pháp hành thục dụng, hiệu quả, đem đến an lạc cho xã hội công nghiệp mà người dân bản xứ phải chạy theo tiếng tích tắc của đồng hồ cơ học, tinh thần xã hội căng trương theo quy trình công nghiệp và cơ giới, Ngài đã giúp họ ngăn chận stress và tìm lại thế cân bằng tâm linh giữa đời sống phồn thịnh vật chất, từ lâu người dân bị hụt hẩng bởi tôn giáo bản địa không đủ khả năng đáp ứng.
Thật ra trước Ngài khá lâu, giới trí thức phương Tây cũng đã biết PG qua bộ Thiền Luận của D.T Suzuki, một số sách báo viết về PG Tây Tạng, Ấn Độ, Á Châu của các học giả người Anh, người Pháp, người Đức, người Nga; biết đến kinh điển PG Phát Triển bởi E.Conze…và những pháp tu của Tây Tạng do đức Đạt Lai Lạt Ma truyền bá, một số đại sư của Trung Hoa, Hồng kông, Đài Loan có mặt tại Mỹ.
Thế kỷ XX bổng dưng những hệ phái tâm linh rộ nở nơi trời phương ngoại, ngoài PG còn có Trường Sinh Học của Dasira Narada được Lương Minh Đáng triển khai. Một năng lượng âm lưu của thánh sư Bare Maharaji do môn đồ phát triển dưới dạng thức Quán Âm. Thủy Hoả ký tế được Lương Sĩ Hằng thực hiện dưới dạng Vô Vi pháp… nhưng bề mặt nổi vẫn là TS Nhất Hạnh, người đứng sau Đạt Lai Lạt Ma về uy tín, nhưng tài năng có phần vượt trội, vì thế người phương Tây đã đến với PG qua con đường làng Mai khá dễ dàng, và, nhà thờ cổ kính, nhà thờ chánh tòa Saint Paul ở Old Town Edingburgh tại Scotland cũng sắp biến thành Thiền đường , vì PG đang lan tỏa nhanh trên xứ sở Kito giáo. Phải chăng phương Tây là mãnh đất màu mỡ để TS Nhất Hạnh phát triển tài năng và uy tín, (Khác với quê hương, kính nhi viễn chi) Với những uy tín đó, càng bồi đắp thêm cho niềm tin và thiện cảm của những ai vốn xem TS là thần tượng!
Năm 2004, khi phong thanh tin đồn TS Nhất Hạnh sẽ về VN, những Phật tử ai nấy đều phấn khởi, nhà thơ Đức Trung cả quyết: Nếu cho tự do đón tiếp, dòng người sẽ đứng dài từ Tân Sơn Nhất đến Vĩnh Nghiêm là chắc. Nhưng rồi, đoàn đến thẳng Hà Nội, sau đó mới vào TP HCM thì sự hưng phấn của quần chúng cũng bị xẹp một phần và một phần do GHPGVN cũng ngần ngại nghinh đón trước uy tín ngút ngàn đó.
Lần đầu về VN trong một thể chế mới, chưa ai hiểu ai, mọi người còn giữ kẽ kiêng dè nhau, nhưng qua ba tháng hành hoạt, VN đã thấy thiện chí của Người đối với dân tộc, và vì tính chủ quan trong tình đồng đạo cũng như không nắm rõ tâm lý đối kháng của GHTN, bước đầu làng Mai đã gặp phải sự lạnh nhạt từ giới lãnh đạo của GHTN, Thanh Minh Thiền Viện, Già Lam, Nguyên Thiều và Thập Tháp. Cơ hội đoàn kết tinh thần đồng đạo đã vụôt khỏi tầm tay mà phiá GHTN cứ ngỡ là một thái độ phản ứng oanh liệt cho mọi người thấy ý chí cương quyết của lập trường bất khoan dung; nếu thái độ đó làm bẽ mặt TS Nhất Hạnh thì chính GHTN cũng đã tự mình suy giảm uy tín dưới cái nhìn chiến lược của giới chính trị khách quan và đánh mất cảm tình của một bộ phận quần chúng Phật tử trí thức. Theo nhận xét của kẻ có tầm nhìn chiến lược, nếu GHTN hoan hỷ đón tiếp làng Mai thì uy tín và tầm vóc PGVN đã đổi khác và chính bản thân GHTN chứng tỏ một bản lãnh thượng thừa kẻ cả và cao kiến; cũng như năm 1966, nếu Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang bị chia đôi vì chính trị, nhưng nội bộ lấy đó làm kế hoạch hỗ trợ tác chiến thì làm sao PGVN bị suy vi! Thế mới biết PG không thể làm chính trị và không bao giờ có khả năng hoạt động chính trị, cũng như đủ trình độ ý thức về chính trị, nếu va vấp vào đó là một sai lầm lớn, lấy sở đoản làm sở trường để bị ngoại lực lạm dụng chi phối! để rồi PG dẫm chân tại chỗ không thể phát triển hơn, so với tôn giáo bạn. Một Palestine đối mặt với kẻ thù Israel. giờ nội bộ quay lại chống nhau quyết liệt, phải chăng làm trò cười dè bỉu cho thiên hạ!
Trong niềm phấn khởi chung của quần chúng Phật tử nhân ngày về lần đầu của TS, ngoài sự quay mặt của GHTN, làng Mai đã vấp phải một số sai lầm ngoài dự tính. “Bộ kế hoạch hoằng hoá” chỉ nghĩ đến đại thể, bỏ quên tâm lý tình cảm của cá thể mà là cá thể không thể quên. HT Từ Mãn và một số bậc tôn túc than trách: Thầy Nhất Hạnh về VN, lên Bảo Lộc được mà không lên thăm HT Thanh Từ , không lên Đà Lạt thăm ân nhân ở Linh Sơn, không về Nha Trang thăm mồ mã thân thuộc….việc trách cứ không sai, nhưng cũng chưa đúng khi chương trình đã không có những nơi ấy, ngược lại HT QĐ viện cớ không tiếp vì không có trong chương trình của làng Mai viếng thăm. Chỉ có nội bộ làng Mai và đoàn tiền trạm mới hiểu sự thật.
Thời gian đoàn lưu trú và sinh hoạt tại Hoằng Pháp Hốc Môn, TS quy y cho một số Phật tử, vốn họ đã quy y với vị thầy mình rồi, do ban tổ chức vô ý đã gây hiểu lầm tranh dành đệ tử giữa TT trụ trì Hoằng Pháp và sư ông làng Mai, tiếng đồn lan toả nhanh trong cộng đồng PG.
Ngày về Huế (2005), TS được cảm tình của GH và tu sĩ Thừa Thiên kể cả Tăng đoàn của GHTN, nên thành công trong việc Bố tát chung tại Linh Quang, cuộc Bố Tát lịch sử chưa từng có 30 năm qua, thế nhưng phong cách kẻ cả ( như một số vị nhận định ) của sư ông đã tạo bất mãn ngấm ngầm và thất vọng trong giới tu sĩ, chẳng những thế, khi quyết định chọn Từ Hiếu làm Tu viện theo đường lối làng Mai với những điều kiện khắc khe mà tu sĩ VN phần lớn quen lối hưởng thụ, khó thể chấp nhận, buộc phải ra đi, thế là thêm một lý do bất mãn. Thầy Thái Hoà sốt sắng đón tiếp sư ông ngày đầu như thế nào, sau nầy tỏ ra lạnh nhạt như thế ấy.( thầy Thái Hoà buồn vì sư ông không đoái hoài gì đến sự nhiệt tình của thầy, nếu qua thầy, thì sự gặp gỡ với cấp lãnh đạo GHTN sẽ không thất bại, thầy tin như thế )
Trước uy thế của TS Nhất Hạnh lần đầu trở về Huế, và chúng Tăng trong Tăng Đoàn của GHTN phải ra khỏi Từ Hiếu, thầy Thiện Hạnh thổi phồng sư ông về Huế phá vở hạ tầng cơ sở GHTN, vì thế tại Nguyên Thiều, HT Huyền Quang đã phẩn nộ và từ chối gặp TS Nhất Hạnh mà trước đó không lâu, Người đồng ý tiếp TS.
Tại sao Tăng đoàn Huế hợp tác ngày đầu và đồng ý Bố tát chung? Thật ra chư Tăng không ai chống Thiền sư, vì quá khứ, Ngài từng gửi tiền về cấp dưỡng đời sống tu sĩ tại Từ Hiếu cũng như giúp đở các trường học miền xa và những gia đình khốn khó, do công tác từ thiện đó mà Tăng chúng trẻ Thừa Thiên đã kính trọng Ngài, như đàn anh họ đã kính trọng một nhân tài của PGVN. Khi TS thấy tình trạng xuống cấp của tu sĩ VN, Ngài quyết định dùng Từ Hiếu làm Tu viện cho những ai chấp nhận đời sống kham khổ chuyên tu.. Trong cung cách giải quyết nội bộ thế nào mà đưa đến sự bất mãn như hiện nay, chẳng những thế, chùa Diệu Nghiêm cách Từ Hiếu vài trăm bước chân, sư bà toạ chủ cũng bị đồ chúng phản kháng khi hiến cúng Tam Bảo cho làng Mai. Đệ tử hỏi:
Sau nầy thầy mất, chúng con thờ thầy ở đâu? – Các con khỏi lo, có Từ Hiếu lo.
hỏi tiếp :Mấy chị em con đi học xa, sau nầy về ở đâu?
– Đáp; Thầy đã xin cho các con 2 phòng ở chùa Diệu Đức…

Cách trả lời như thế, tuy thật tâm, nhưng xúc phạm tình cảm của đệ tử đối với thầy.Sư Bà là thần tượng, là người thầy là mẹ tâm linh của họ đang tôn thờ, giải quyết nội bộ một cách vô tình như thế đương nhiên gặp sự phản ứng mạnh, và điều gì xẩy ra suốt hai năm liền tại Diệu Nghiêm, ai cũng rõ, dĩ nhiên các học ni không thể thắng thầy và chống lại làng Mai, họ chấp nhận thua cuộc, ra đi trong đau buồn tủi nhục, nói lên những oán hận mà họ kết tội sư ông về cướp chùa của họ. Diệu Nghiêm là Tổ đình, là Từ Đường của họ, sư bà là thầy tổ của họ, khi bị mất trắng, tâm trạng bơ vơ của chim mất tổ, con mất mẹ, họ có quyền đau khổ và phản ứng. Họ có cái lý của họ, vì chưa hiểu họ nên chưa thương họ.
Diệu Nghiêm là tài sản của Từ Hiếu, giờ giao lại Từ Hiếu cũng là chuyện bình thường, nhất là sư bà tự nguyện, không ai có lỗi trong vấn đề nầy, nhưng lỗi do chưa quán thông nhau và chưa có phương án truyền thông cho nhau, đó là lý do giận cá chém thớt mà sư ông phải chịu tai tiếng. Nếu sư bà Diệu Trí hay sư ông làng Mai, hoặc HT Chí Mậu cho họ một mãnh đất để cất thảo am riêng, chị em đùm bọc nhau, nếu họ không chấp nhận đời sống tu hành kham khổ theo làng Mai, thì sự thể không đến nổi đem con bỏ chợ, gây cho đám đệ tử lòng non dạ kém đó có cảm tưởng bị chia đàn xẻ nghé như thế! Nội bộ Tăng đoàn Từ Hiếu và nội bộ Diệu Nghiêm khác nhau, vì thế không thể giải quyết giống nhau. Chính những sơ suất đó mà tai tiếng lan toả nhanh, tạo thêm một thành phần bất mãn chống đối làng Mai tại Huế.

VN ta ảnh hưởng tập quán phong kiến lâu đời của Trung Hoa, người nữ luôn là chiếc bóng của nam giới, cho dù đó là nhân tài, thà rằng đơn thân độc mã đứng ra tạo dựng cơ đồ, nhưng không thể dưới trướng một anh quân mà vẫy vùng trước thiên hạ; chính quan niệm đó mà cộng đồng PGVN, một số đã chống sư cô Chân Không, khi Người xuất hiện nổi bật trước quần chúng; họ rêu rao rằng sư cô khống chế sư ông, không cho sư ông tiếp khách, không để sư ông giữ tiền, không muốn sư ông xử dụng điện thoại di động…mọi sinh hoạt làng Mai đều do sư cô Chân Không hoạch định, bao biện! Vì một tu sĩ VN hiện nay phần lớn đều tự mình làm chủ những cơ ngơi và tài sản đó, tận dụng những tiện nghi vật chất đó, nên thấy đời sống của sư ông đảo ngược lại, họ có cảm tưởng như bị khống chế. Giả thử sư ông bị khống chế như thế, chả lẽ dưới tay sư ông hàng trăm vị tiến sĩ, bác sĩ, trí thức trong Tăng đoàn không thấy việc đó và cúi đầu cam chịu vô lý?
Đông cũng như Tây, sau lưng một người thành đạt luôn là người phụ nữ tài ba. Đối với phương Tây, một người năng nổ tháo vác như sư cô Chân Không đã giúp TS Nhất Hạnh thành đạt mọi Phật sự quốc tế là chuyện đương nhiên, và dưới tay sư cô là những vị năng nổ, trí thức, phẩm hạnh như thầy Pháp Ấn, Pháp Khâm, Pháp Liệu…đã hổ trợ nhau trong chương trình hoằng hoá quanh năm trên thế giới. Khách quan mà nói, làng Mai đã có một ban bệ hoạt động nhịp nhàng trôi chảy và chuyên nghiệp. Âm thanh, ánh sáng, quay phim đều do quý thầy quý cô trẻ thực hiện. Một ni trẻ trên dưới 20,chạy điện, nối dây, bắt loa không thua một nam giới bình thường. Họ làm trong tư thái từ tốn, an lạc, không vội vả cau có. Hầu hết gương mặt họ sáng rực niềm tin. Nhưng người đa tài không tránh khỏi đa tật, vì thế mà sư cô Chân Không bị mang tiếng độc tài, nhưng khôn ngoan tế nhị; sự xuất hiện của sư cô trong chuyến về năm 2005 cộng thêm một số rao báng từ Phòng TTPGQT méo mó qua cuộc phỏng vấn của đài nước ngoài, và những va chạm trong chuyện từ thiện mà làng Mai làm theo nguyên tắc, các chùa VN làm theo cảm tính, đưa đến chuyện bất hoà, ác cảm.
Các vị tiền trạm, tuy là người Việt, nhưng sống lâu trên xứ người, phong cách làm việc theo phương Tây, áp dụng vào VN cũng đã gây ngộ nhận và tổn thương không ít. Ví dụ thầy Pháp Khâm, đối diện với bậc tôn túc để trao đổi vấn đề, đó là chuyện bình thường và lịch sự của người phương Tây, nhưng Á đông, nhất là trong PG còn mang nặng óc bảo thủ phong kiến, xem việc đó là phạm thượng, nhỏ không nên đứng trước mặt các ôn, phải đứng hầu một bên! thế là sư ông bị mang tiếng không biết dạy học trò. Sau khi đoàn tiền trạm bàn bạc thống nhất với các cấp GH liên hệ, bắt tay vào việc, theo phương án đó mà làm, làng Mai phổ biến những yêu cầu đã thoả thuận để các cấp thực hiện, nhưng PG nhà ta không có thói quen tác hướng công nghiệp, muốn thi hành là làng Mai một lần nữa trực tiếp đến khề khà trà đạo, tâm sự dẫn trình, đàm luận hội ý nhau lần nữa mới vào cuộc: nhà nước và nhân dân cùng làm. Thói quen như thế vừa mất thời giờ vừa dẫm chân nhau. Do vậy các thầy nhà ta có cảm giác làng Mai làm việc bằng chỉ thị!

Qua chuyến về 2007, phần lớn quý thầy VN cảm thấy làng Mai và PGVN có một khoản cách như Việt kiều và người trong nước. Một đàng như đoàn của các lãnh tụ quốc gia đến thăm một quốc gia khác, lực lượng phô trương rầm rộ, một đàng cảm nhận sự thua kém của kẻ ngồi xó bếp, thiếu kiến thức và thiếu tầm vóc. Sư ông đến viếng xã giao với một vài chức sắc GH rồi lui về phòng riêng, sinh hoạt riêng với làng Mai và các khoá pháp thoại với đệ tử, .Tâm lý của các Tăng sĩ VN, khách đến nhà thăm, cá nhân đàm luận với cá nhân nó nồng thắm hơn là một lượng người kéo đến một gia đình, chẳng khác đoàn từ thiện đến thăm viếng một số phận kém may mắn, làm sao tự nhiên bộc bạch tâm sự, cũng như chưyến về 2005, HT Trí Quang muốn tâm tình với đồng đạo sau mấy mươi năm viễn xứ, nhưng sự xuất hiện của TT Giác Toàn một cách không bình thường đã làm mất hứng cuộc chuyện trò giữa hai vị! Cũng thế, ngoài cuộc thăm viếng xã giao kia,sự có mặt của sư ông tại VN là cái gì xa lạ đối với chư tôn túc quê nhà, thay vì, sư ông có buổi mạn đàm bên chung trà mà sư ông đích thân mời quý ngài đến chốn riêng tư. Chính cái khoản cách để lại sau 2005 đã đóng băng tình cảm đồng đạo chứ phần lớn không ai chống Ngài. Vì vậy, thay vì TS mời chư tôn túc sang làng Mai giải bày nguyện vọng Chẩn tề, mong được hợp tác, TS chỉ cho tiền trạm và qua văn bản cung thỉnh tham dự như từng cung thỉnh sư Huyền Tôn theo kiểu hành chánh, sư Huyền Tôn không giữ được lễ độ như các thầy VN, cũng qua văn bản! Vì vậy, tại Huế cũng như Sóc Sơn, chức sắc GHPGVN cứ nghĩ đây là công việc và nguyện vọng của làng Mai, họ hỗ trợ bằng cách chỉ cho mượn mặt bằng mà không cho mượn người. Cách làm việc của làng Mai đã tạo ấn tượng bất mãn cho tu sĩ VN. Thật tâm sư ông, ngài muốn làm cái gì đó cho đất nước, cho dân tộc bằng thiện ý của mình, nhưng chưa tạo được cảm thông với đồng đạo.
Một vị tu sĩ từ phương xa, muốn biết phản ứng của TS, hỏi tôi:

Đi gần TNH mấy tuần nay, anh có dịp nào tiếp cận thật gần để nhin thấy cho thật rõ trái tim và bàn tay, tư thái và tâm hồn, phong cách và tầm nhìn, tình cảm và lý trí, vv..vv.. của TNH???? có tù ái, có khiêm nhường, có dung hòa, có rộng mở, có khoan thứ, có bao la, có tàm quý, có háo danh, có bị Chơn Không khống chế.... như thiên hạ xầm xì, đồn đại, phần nào không???
Cái chuyện độ lượng khoan dung hay không, tôi không gần, không tiếp xúc, không rõ. Cô Chân Không khống chế chắc chắn là không rồi. Tôi luôn giữ một khoản cách nhất định với làng Mai để duy trì vị thế vô tư khi cầm bút, có lần, tại đồi Từ Hiếu, tôi cảm nhận cái nhìn trách cứ khó chịu của sư ông đối với một người nhiếp ảnh luôn đi trước để chụp ảnh, mà đáng ra không phải lưu tâm tỉ mỉ như thế; Và trong một buổi pháp thoại nào đó, tiếng chuông sư ông đánh nghe như ậm ực khó chịu tức tưởi, thể hiện một tâm thái không hài lòng. Ai cũng nghĩ tôi bỏ gia đình theo đoàn hơn hai tháng là chịu sự thọ ân của làng Mai, nhưng thật tình tôi không có mối liên hệ hữu hảo nào, và tránh mặt gặp gỡ các quan chức làng Mai, tuy vẫn tôn quý họ. Chi Hạnh Mãn hỏi: Anh có gặp sư ông không? Tôi đáp: Gặp để làm gì, việc mình , mình làm, việc sư ông thì sư ông làm. Chị nhờ tôi chụp cho chị tầm ảnh kế sư ông tại khu văn Miếu, tôi cự tuyệt: Tại sao cứ phải chụp với sư ông mới được, vừa nói xong, mấy ông lại đến cũng nhờ tôi việc đó. Thà các vị đứng ngay trụ đèn tôi chụp.Chị Hạnh Mãn cười xởi lởi quay qua những ông nọ nói: Tánh anh nầy kỳ lắm, các quan chức nhà nước muốn gặp, ảnh cũng không chịu, ai đến với ảnh thì đến chứ ảnh chẳng đến với ai.
Vị thầy đặt câu hỏi trên đây thật sâu sắc tâm lý, vì thầy chưa xác quyết phong thái cao thượng của một Thiền sư hay sau phong thái đó còn ẩn tàng những bản năng vi tế của tam độc, bởi lẽ, còn thân người vẫn còn lợn cợn phiền não như lời đồn đại.

Tăng thân làng Mai, ngoài thầy Pháp Ấn, một vài giáo thọ trẻ làm việc theo nguyên tắc và theo cảm tính mà thiếu tình cảm đối với đồng đạo trong nước. Ví dụ thầy Minh Thủ, sư Minh Mẫn ở Bà Rịa Vũng Tàu và một sư khách khác đã bị thầy Trung Hải từ chối cho tháp tùng với lý do không phải người của làng Mai,Bát Nhã hay Từ Hiếu, sợ phong cách không đủ, làm mất thể diện uy tín làng Mai, khi đến chùa Đình Quán cũng không sắp xếp chỗ lưu trú, hai sư kia đành tìm chỗ khác, quý ngài viện cớ: Công an không cho người lạ theo đoàn, lên xe, để bảo đảm an ninh. Nhưng tôi được công an trả lời: Đó là chuyện nội bộ làng Mai, công an xen vào làm gì. Nhà nước chỉ giữ an ninh vòng ngoài thôi.
Phần lớn đã tạo cảm giác cho mọi người là những gì của làng Mai đều số một. Các vị trẻ có niềm tự hào mình là người làng Mai, chính những tiểu tiết đó đã tạo hố ngăn cách cho tu sĩ VN và làng Mai .( phài thành thật công nhận các Tăng trong làng Mai ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, phong cách điềm đạm thong dong, dễ gây ấn tượng cho người gặp gỡ, nhưng cung cách làm việc với người trong nước còn thiếu kinh nghiệm ) Tăng Từ Hiếu và Tăng Bát Nhã cùng anh em Tiếp Hiện làm cật lực để Đàn Chẩn thành công, thì quý thầy trẻ làng Mai vô tư như chuyện của thiên hạ, ngồi nhìn những Phật tử lớn tuổi lao động vất vả tại Sóc Sơn, đây là điều kém tế nhị!
Những khó khăn trở ngại từ Huế đến Hà Nội cảm thấy mình bị cô lập, lạc lõng; người trong đoàn than rằng: nhà nước VN không hỗ trợ hết mình. Về phía nhà nước nghĩ rằng mình có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi, chứ không có bổn phận phải hỗ trợ, nhưng cuối cùng, vì niềm tin của quần chúng, lòng mộ đạo của Phật tử, đã tạo sinh khí hồ hởi để TS phấn chấn qua những buổi pháp thoại đầy thú vị. Trở ngại và thuận lợi, lạnh nhạt và nồng ấm, ít nhiều cũng tác động lên tâm tư của một TS, dù là vi tế, điều đó thể hiện qua những buổi pháp thoại, hiu quạnh tại Từ Hiếu, nhộn nhã tại Đà Nẳng và Hà Nội, nhất là những ngày sau cùng của chuyến đi đã được đáp bù bằng lòng nhiệt thành của quần chúng và giới trí thức tại miền Bắc.
Ưu điểm của Thiền sư qua văn bút và hành trì tạo cảm tình người đọc và nhìn thấy. Việc làm của TS có tầm vóc chiến lược và công ích. Chuyến 2005 và 2007. sau khi sinh hoạt trong nước, TS đạo đạt nhiều nguyện vọng, góp ý khá táo bạo, như chỉnh tu bảo Tháp Bồ Tát Thích Quảng Đức, đòi bỏ Ban Tôn giáo, lấy PG ra khỏi Mặt trận, giải trừ Ban Tôn giáo, lập Đàn Cầu siêu cho cả lính hai miền, dựng tượng đài người vượt biên trong mười điều…Dĩ nhiên nhà nước còn phải điều nghiên, nhưng sư ông không lý giải sâu sắc cho nhà nước hiểu cái lợi về lâu về dài, mà trước mắt có thể tạo ngờ vực cho nhà nước VN: Liệu một chiến lược như thế có phải do áp lực hay chiêu bài đế quốc? Những đề nghị của TS thật sự góp phần cải thiện đất nước rất lớn, nhưng dưới cái nhìn chính trị, họ phải đặt nhiều nghi vấn. VN sẳn sàng tiếp thu mọi thiện ý, đồng thời cũng cảnh giác việc lập lờ. Chiếc nón lá cầm tay của các sư ngoại quốc làng Mai, mãnh áo da và chiếc khăn mỏ quạ của ni chúng đều biểu hiện tinh thần văn hoá dân tộc. Hàng trăm đầu sách và vô số việc làm lợi ích cho cuộc sống đã nói lên thiên chức của một công dân Âu Lạc, chắc chắn những gợi ý của TS cũng không ngoài quyền lợi về lâu về dài của đất nước. Chính vì thế, chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy Đà Nẳng, ông Nguyễn Bá Thanh, hay các viên chức khác đểu ngỏ lời mong mỏi TS liên tiếp trở lại xây dựng quê hương về mặt đạo đức cũng như văn hoá. Đó không hẳn là lời xã giao. Quần chúng cũng mong mỏi nhận được phương pháp hoá giải mắc mứu nội tâm, gia đình và cộng đồng. Tăng phong đạo cách của làng Mai cũng tạo một ấn tượng đáng kính so với cộng đồng tu sĩ VN hiện nay. Ba tháng chưa đủ thời gian tạo cảm thông, kết nối các bộ phận PG mà lần đầu về, mọi người hy vọng Ngài là sợi giây xâu kết những cánh hoa rời rạc.

khiếm khuyết, vâng, ngài không phải là một vị Thánh, ngay cả đức Phật cũng không thể làm được mọi thứ, do vậy, cơ hội vàng đầu tiên đã tuột khỏi tầm tay TS. Lý thuyết và góp ý, ngài đã đứng bên trên như một quốc sư can đảm, nhưng hành xử nội bộ tu sĩ PGVN, ngài đã đứng ngang hàng với họ, cũng có những bất như ý, cũng có những toan tính hơn thua trước thái độ nghịch thượng của một số chư Tăng Huế. Ngày Bố Tát tại Linh Quang, làng Mai không có mặt, vì sư ông nghe tin sẽ có sự chống phá. Lễ tác pháp Yết Ma mà có lời phản chống thì lễ bất thành, vì thiếu sự đồng thuận; có lẽ vì thế mà sư ông không tham dự. Nhưng làng Mai bảo rằng vì Tăng thân làng Mai không thọ Bồ Tát giới nên không đến! Thế nhưng, nếu sau lễ Bố Tát, TS xuất hiện tại phòng khách, đàm đạo hỏi thăm huynh đệ, có lẽ tình thế có khác hơn, vì không thuộc nghi lễ tôn giáo nữa mà tình đồng đạo; Cũng như ngày Kị Tổ Từ Hiếu, nếu sư ông đích thân mời thỉnh chư tôn túc Thừa Thiên, trụ trì các tổ đình lớn về tham dự thì chắc chắn các ngài dẹp bỏ tự ái,hờn mát mà đến với nhau. Một bậc cao đức tâm sự: Ngài là Việt kiều, về nước với hàng trăm đệ tử, tiếng tăm vang lừng, chả lẽ chúng tôi tự động đến cầu cạnh ngài, thấy sang bắt quàng làm họ? Nếu ngài ngỏ ý mới chúng tôi đến chơi, chả lẽ chúng tôi chối từ!
Trong thời Pháp thoại đầu tiên, trước ngày kỵ tổ, sư ông có nói đến vấn đề hoá giải mắc mứu trong gia đình, trong thầy trò, đồng đạo…làm thầy, làm huynh, làm lớn phải chủ động hạ mình giải toả những kiến giải sai lầm với nhau, thế nhưng , rất tiếc, những vị lớn đến thắp nhang rồi về mà không được một lời lưu thỉnh từ phía sư ông cũng như tổ đình Từ Hiếu. Làng mai nghĩ rằng việc đó là trách nhiệm thầy Chí Mậu trụ trì tổ đình, nhưng người ta đến là vì sư ông chứ đâu phải thầy Chí Mậu. Hai năm nay thầy Chí Mậu hy sinh tình đồng đạo giữa chốn Thần Kinh rất nhiều khi chấp nhận biến Từ Hiếu thành tu viện của làng Mai, gặp phải chống đối và khó khăn từ mọi phía.Thầy Đức Nghi có công phát triển cơ sở cho làng Mai thì thầy Chí Mậu có công xây dựng và bảo tồn cơ sở phải chịu áp lực trong giới tu sĩ Huế, . Tuy là huynh đệ, nhưng thầy Chí Mậu tôn kính sư ông như một bậc thầy, đã hết lòng vì sư ông, vì thế đã có một ít sứt mẻ tình cảm với đồng đạo tại Huế.
Lần đầu về Huế, HT Chơn Thiện líu lo ríu rít với sư ông, thì chuyến về nầy đã quay lưng 180 độ. Tại sao? Chư ni Huế ngấm ngàm phản đối. Tại sao? Trong buổi giảng, sư ông không đồng tình chư Tăng tham gia Quốc Hội hay các cấp Mặt Trận. Luật dạy chư Tăng bất kiến quân vương. TS đã mạnh dạn phanh phui tình trạng Tăng ni xuống cấp đến độ hàng năm có bao vụ phá thai! Chính những điều nói thẳng nóí thật đó đã làm cho những ai phạm lỗi đều tự ái và tự ái cả những đồng môn liên đới.

Tại Đà Nẳng, tuy nổi trội nhờ Lễ hội Quan Âm tại Ngũ Hành Sơn, sự nồng nhiệt do lần đầu tiên sư ông đến đó, được chính quyền địa phương và Ban Trị sự hết lòng nghinh tiếp, khoá tu cư sĩ trên 4 ngàn người, bề mặt nổi khá thành công so với Huế, nhưng trong thời gian lưu trú tại Đànẳng, đoàn không tránh khỏi những bất mãn, hiểu lầm nhau từ nội bộ: Thầy Huệ Vinh trụ trì chùa Quan Âm thất vọng khi khoá tu dự tính khoá sinh sẽ trú tại hai điểm,- Hương Sơn và Quan Âm, nhưng cuối cùng bao nhiêu phương tiện để chuẩn bị đã bỏ trống, vì đoàn kéo về trú tại chùa ni Hương Sơn cách đó 300m. Và quan trọng hơn, thầy Huệ Vinh ngoại giao để một công ty tài trợ đêm thơ du thuyền trên sông Hàn, nhưng cuối cùng hủy bỏ mà không thông báo, khi thầy Huệ Vinh hỏi thì làng Mai bảo:- công an xét du thuyền không đủ tiêu chuẩn an toàn, đêm đó, làng Mai dự tiệc chiêu đải của BTS Đànẳng để cảm tạ đoàn và thầy Huệ Vinh cũng phải điều động người nhà cho đủ số lượng của cụộc du thuyền. Về phía làng Mai giải thích: họ không kham nổi phải chịu phân nửa chi phí tại lễ hội Quán âm do thầy Huệ Vinh yêu cầu, nên rút lui. Và ngày cuối chuẩn bị đi Hà Nội, làng Mai cho mấy vị Tăng đến cám ơn thầy Huệ Vinh mà không có vị nào lớn đủ uy tín đại diện cho làng Mai như thầy Pháp Ấn, Pháp Khâm chẳng hạn. Thầy Huệ Vinh nói: đối xử như thế làm sao có lần thứ hai. mặc dù , theo thầy cho biết, thầy đích thân qua làng Mai thỉnh sư ông về Đànẳng tham dự lễ hội Quan Âm!
.
Tất cả chư Tăng lãnh đạo GH hay không lãnh đạo, nằm trong hay ngoài GH, đều có một ấn tượng và sự mỹ cảm khi nhắc đến tên TS, khi mà TS còn lưu vong trên đất khách, như nhân dân Tây Tạng quy ngưỡng đức Đạt Lai Lạc Ma. Nhưng khi TS về VN là lúc những tốt đẹp bị xói mòn đối với đồng môn, với quần chúng thì không suy giảm, có phần gia tăng khi họ chứng kiến oai nghi tế hạnh của Tăng đoàn làng Mai và tham dự các khoá tu. Duy chỉ có tại Huế là quần chúng tham dự có hạn chế, mặc dù tín hữu ái mộ Ngài, nhưng thầy họ không đến với sư ông thì họ cũng không thể tự ý tham dự. Có nhiều nguồn tin tung ra hăm doạ phá hoại, ngành an ninh đã bảo vệ tốt suốt hơn 2 tháng sinh hoạt của Tăng đoàn. Khi đoàn Khất thực cổ Phật tại Đàn Nam Giao. kẻ xấu tung tin có truyền đơn hăm dọa đặt chất nổ để hạn chế người tham dự, duy nhất thời gian sinh hoạt tại cố đô, chỉ có buổi pháp thoại tại địa điểm Festival, Liễu Quán là đông nhất.
Tóm lại, xét về mục đích chuyến hoằng hoá tại VN là ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế đã có kết quả tốt, thành công trên 80%, tuy có phiền muộn và vất vả. Về nghi lễ, đạt kết quả tốt trên 2/3, phía Nam và miền Trung. Về lượng người tham gia thì Miền Bắc hàng đầu, thứ đến miền Nam. Về tâm đạo và đức tin thì người miền Bắc rõ nét nhất, có lẽ họ khao khát từ lâu, nhưng còn nặng màu nê tín.
Về các khóa tu, tu viện Bát Nhã thoáng rộng, nên số người tham dự tu tập nổi bậc hơn 2005, riêng Huế thì khoá tu không mấy kết quả vì chư Tăng địa phương không nhiều, nếu không có Từ Hiếu, Bát Nhã và một số chư Tăng thập phương thì người ta chỉ thấy người nước ngoài chiếm toàn bộ tại Tổ đình Từ Hiếu. Ngược lại tại Hà Nội, quần chúng tham dự khóa tu đông hơn chư Tăng.
Gần ba tháng cũng chưa phải thời gian đủ để chuyển hoá những tập khí của con người, nhưng cũng đã tạo ấn tượng tốt cho quần chúng Phật tử. Mục đích cuộc chẩn tế để xoá bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc hình như chưa được như ý, vì ngay nội tình PG, sư ông chưa xoá được lằn ranh ngăn cách đệ huynh, chẳng những thế, một bộ phận quần chúng Phật tử ở Huế đã nói: Chúng tôi đang có 2 GH, sư ông về không những chẳng đoàn kết được mà còn tạo thêm một GH thứ ba của Làng Mai.
Làng Mai chú trọng tầm vóc lớn mà không lưu ý đến những chi tiếc của tình người, cách làm việc và tập quán địa phương, nhất là người VN, không giống Tây Âu
Quần chúng thuần tuý đã đến với làng Mai bằng tâm chân thành ngưỡng mộ, vì khát vọng tâm linh. Một số tu sĩ tham dự các khoá tu bằng sự ngưỡng vọng một pháp hành mà cha anh của họ đã mất phương hướng, hàng trăm năm duy trì một hình thái PG như một nghiệp vụ sinh nhai bằng cúng kiến lo cho người chết, bỏ quên sự lợi ích cho kẻ đang sống và tách lìa PG ra khỏi xã hội bởi cuộc sống thiếu lợi ích cụ thể.sư ông đã khôi phục lại sự lợi ìch của đạo Phật đối với xã hội.
Sư ông chưa tạo được sự liên kết cho cộng đồng tu sĩ trong nước mà phần lớn đã có cảm tình với sư ông từ lâu.
Sư ông đã dạy:Trong gia đình, cộng đồng, người đã đánh mất khả năng truyền thông với nhau. Vợ không nói chuyện được với chồng, cha không nói chuyện được với con. Vì vậy có sự bế tắc rất lớn… nhưng khi đã tiếp xúc với pháp môn trong đạo Phật, giúp họ chuyển hoá những bế tắc, thiết lập được truyền thông giữa mình với người khác, nếu chúng ta chưa thiết lập được truyền thông có nghĩa là chúng ta tu chưa giỏi.

Như vậy giữa làng Mai và chư Tăng trong nước vẫn còn nhiều bế tắc, có nghĩa chưa thiết lập được truyền thông với nhau, mấu chốt vấn đề ở đâu? Sư ông hay sư Tăng trong nước, ai là người đủ năng lượng giải toả những bế tắc đó. Phật tử VN tin rằng sư ông thành công trên xứ người bằng lối truyền giảng thì cũng phải thành công tại quê nhà bằng lối thực hành, một thực hành bằng hoà hợp và khiêm tốn chân thành, để làng Mai đi rồi, vẫn còn lưu lại một luyến tiếc trên quê hương hơn là biến thành khối băng tình cảm phủ nhoà dấu chân hoằng hoá, như thế vẫn chưa gọi là thành công của chuyến đi.


MINH MẪN
22/5/07 22/5/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét