Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Nỗi Lo Đại Hội


Theo dự kiến, tháng 11 sẽ tổ chức Đại Hội Đại Biểu PG. Như vậy còn 5 tháng nữa; thời gian không nhiều lắm, nhưng còn nhiều nổi lo không ngắn lắm so với tầm vóc một tôn giáo chính của một quốc gia như PG.
Phật tử trong và ngoài nước ai cũng mong có một cải tổ trong Giáo Hội PG hiện nay, khi mà thời gian qua, suốt 30 năm GH chưa có một chuyển biến tương hợp với sự chuyển biến của đất nước; bởi vì, tiềm lực PG đóng góp cho dân tộc có khả năng vượt trội không chỉ có thế. Sự trì trệ nguyên nhân do cơ chế trói buộc thông qua Hiến chương lỗi thời, mang tính phong kiến, nhân sự thiếu can đảm sáng tạo, năng lực và tuổi tác, chức năng và kiêm nhiệm…Chẳng những thế, một tổ chức GH mang tính thuần tuý Tăng già, và chỉ có chư tăng làm việc với nhau, chư ni và tín đồ không có trách nhiệm cộng đồng, nguyên nhân đó đã dẫn đến GH tự cô lập và cô lập luôn những Phật sự đối với xã hội, và xã hội xa lạ với sự hiện diện của PG.

Không chỉ quần chúng Phật tử mới ưu tư cho một cải đổi, ngay cả nhà nước cũng mong mọi tôn giáo hợp pháp hiện nay có một tầm vóc tương xứng so với các quốc gia mang sắc màu tôn giáo, nhưng phải là tôn giáo gắn liền với quyền lợi của đất nước và thích hợp với luật pháp VN; vì thế, PG vốn là một tôn giáo không quen khép mình vào một tổ chức hành chánh, tu sĩ mang tính thụ động, an phận; nội lực suy vi do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ của xã hội tác động, đưa đến một GHPGVN hiện nay như một cơ thể bệnh hoạn biếng nhác. Trì trệ triền miên.

Những nguyên nhân đó là mối lo và nổi buồn cho những ai ưu tư đối với đạo Phật. Chẳng những thế, những nguyên nhân nội tại tác hưởng mà còn do những tác nhân bên ngoài, phụ thuộc, tác động lẫn nhau, ví dụ một vài địa phương, một số tu sĩ trong Ban Trị sự mất phẩm chất, cấu kết với vài cán bộ trong Ban tôn giáo, mặt trận, công an địa phương biến chất để tương trợ vị thế và quyền lợi lẫn nhau, dẫn đến một vài nơi, PG trở thành hình bóng của một chế độ; Tỉnh Đồng Tháp, BTS PG hiện nay lâm vào khủng hoảng trầm trọng cũng từ những nguyên nhân đó; Người đứng đầu Ban tôn giáo địa phương hình như chưa qua một trường lớp chuyên nghiệp, do vi phạm nào đó từ các ngành, được chuyển về như một cách giáng chức, vì nghĩ rắng Ban tôn giáo không quan trọng, chính vì thế mà không hiểu gì về PG, đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc trong cung cách xen vào nội tình PG mà Ban tôn giáo trung ương không chủ trương. ( theo vụ trưởng PG trong Ban Tôn giáo chính phủ, chức năng của BTG theo dỏi, hướng dẫn Tôn giáo đi đúng luật pháp VN, theo dỏi tu sĩ hành động trong khuôn khổ pháp luật, và điều hướng GH hành hoạt góp phần xây dựng đất nước ). Khi nội bộ BTS Đồng Tháp không thể hàn gắn, thay vì Ban tôn giáo tỉnh tìm hiểu và hổ trợ khách quan để loại trừ thành phần bê tha, lại tiếp tục cấu kết, đề bạt với văn phòng GH trung ương 2 bằng những phương thức phi nguyên tắc để cơ cấu những người phe ta hầu loại trừ BTS đương nhiệm đầy uy tín. Như vậy BTG tỉnh Đồng Tháp đã lệch hướng của BTG chính phủ và sai phạm luật pháp VN.

Chưa có một chính quyền địa phương nào tự động làm con dấu để trao lại cho văn phòng 2 TW cho dù con dấu để tổ chức Đại Hội, trong khi con dấu do BTS Đồng Tháp vẫn còn giá trị trong nhiệm kỳ. Lễ đài Phật Đản và điểm kiết hạ an cư do BTS Đồng Tháp ấn định, Mặt trận Đồng Tháp lại có quyền thay đổi vị trí theo ý kiến của nhóm tăng tha hoá để đưa tới nội bộ PG ĐT xáo trộn và thiếu đoàn kết hiện nay.

Về phương diện văn phòng 2 TW PG cũng thế, khi BTS còn trong nhiệm kỳ, GHTW buộc họ phải trao con dấu cho GH, tự động đưa 6 vị về tổ chức Đại Hội và tuyên bố BTS cũ tham gia hay không, không thành vấn đề; nghĩa là nếu thành phần BTS mới toàn thành phần bê tha, vẫn là một BTS giá trị, không cần những bậc chân tu uy tín của địa phương, vậy GH đó đại diện cho ai? Khi mà BTS không giao con dấu, thì V/P2 TW lại ngữa tay nhận con dấu từ chính quyền Đồng Tháp, một việc làm hết sức phi lý, Hiến chương PG không có mà luật pháp VN cũng chưa quy định. Cả Đồng Tháp lẫn văn phòng 2 TW xem mọi người là trẻ con.

Tại sao GHTW không tìm một phương án hữu hiệu để giải quyết tình trạng phân hoá hiện nay của BTS Đồng Tháp một cách khách quan, mà lại đứng về một phía theo yêu cầu của chính quyền địa phương và những thành phần bất hảo của PG ĐT? Hành động như thế đã tạo nhiều nghi vấn mờ ám, thiếu khách quan. Và một điều ai cũng biết, một số chức sắc trong PG, từ miền Trung vào tới miền Nam, kể cà v/p2 TW và Thành Hội TP HCM, không tránh khỏi tệ nạn tham ô tiêu cực của thế tục. GHTW muốn giải quyết sự bế tắt của nội bộ PGĐT, phải cử người đủ đức độ và uy tín, nhất là thân giới trong sạch, mới tạo được niềm tin cho tăng ni Đồng Tháp.

Có phải nhất thiết tổ chức cho bằng được Đại hội PG tỉnh Đồng Tháp trước ĐH TW chăng khi mà nội tình vẫn bất ổn? Và BTS đương nhiệm chưa tuyên bố mãn nhiệm, vẫn còn treo dấu thì Đại Hội như thế để làm gì? phải chăng đó là động thái lạm quyền, đảo chánh vì lý do nào khác!

Tôi trực tiếp gặp HT Hiển Pháp tìm hiểu tình hình PG Đồng Tháp, và phương án giải quyềt, ngài cho biết- mọi sự do thầy Huệ Trí hành xử và hành xử theo chủ quan của nhóm v/p 2. ông đổ qua bà đổ lại.

Tôi đã ra Hà Nội, trực tiếp gặp Ban Tôn Giáo chính phủ để đề bạt một số bất cập của PG các tỉnh thành, tình trạng PG Daklak găp khó khăn xin tu bổ chùa Liên Trì, nạn ngăn cản treo cờ Phật Đản tại Quảng Phú, trong đó có cả PG ĐT; Khi gặp vụ trưởng vụ PG, ông ta tỏ ra hoà giải khách quan, muốn quý thầy phải thông cảm lẫn nhau, tha thứ cho nhau, vì ai cũng có lầm lỗi, xã hội luôn có 2 mặt xấu tốt, phải trái…ông ta nói: Chúng ta không thương nhau thì bảo sao Mỹ không đem bom dội vào đầu chúng ta.

Vâng, ông vụ trưởng nói có lý, nhưng phải hỏi tại sao họ không thể dung thứ cho nhau khi mà bản chất xấu không còn chổ để cái tốt tồn tại, hoà hợp với thành phần không thể cải sửa để biến BTS thành một tổ hợp phạm pháp? Thay vì nói rằng: Vâng, chúng tôi tiếp nhận sự phản ánh, sẽ điều tra và có hướng giải quyết tốt nhất.

Sau khi tôi trình bày tình trạng khó khăn của PG một số nơi, ông vụ trưởng, tính cách người nhà, ông ta nói: Thời gian qua, rất nhiều người than phiền về cách viết lách của anh.Nếu là người khác ngồi ở vị trí tôi, có lẽ P41 đã sờ gáy anh và ông Nhật Từ rồi. Tôi lắng nghe phản biện và cám ơn anh đã nêu những vấn đề bất cập đó để nhà nước thấy được . Do tôi quen biết bên ngành an ninh, nhưng khả năng của tôi có hạn, không thể tiếp tục bao che cho anh mãi…
Đây không phải lần đầu nghe ông vụ trưởng than phiền về tôi và thầy Nhật Từ, nhưng cũng không hẳn là lần cuối nghe những lời đe như thế. Trong buổi gặp mặt, có cả ông tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, phòng nghiên cứu PG thuộc viện Nghiên Cứu Tôn Giáo. Tôi đáp: Thưa anh, tôi bỏ gia đình để làm việc không công như thế, tức là tôi đã chấp nhận mọi hậu quả. Tôi đã từng đi tù 10 năm vì PG, giờ đây, cá nhân tôi được lợi gì khi lăn xã cho PG và dân tộc nầy, tôi từng bị an ninh TP HCM làm việc, đe dọa nhiều lần, tôi còn gì để mà mất sau 23 năm tù về vẫn còn là phó thường dân, không có mãnh giấy lận lưng. Một là tiếp tục ngồi tù, hai là nhận một tai nạn giao thông, chết là cùng. Quyền lực,danh lợi, đe doạ không bao giờ khống chế được tôi…tôi chỉ trọng tình cảm và lẽ phải.

Có lẽ thấy được tính khí cương trực của tôi, ông vụ trưởng bèn xuống nước: Anh viết thế nào để người ta có thể chấp nhận chứ không phải để người ta nổi xùng…
Cũng lạ, từ đầu ông vụ trưởng xác nhận cuộc sống luôn có 2 mặt thì tại sao buộc tôi phải viết theo một chiều? hoặc cách viết vừa lòng những người khoái dể chịu! sau đó ông ta muốn những bài tôi viết, ông ta đuợc xem qua và cùng đứng tên chung để các báo trong nước mới dám đăng: Tiền nhuận bút anh cứ nhận cả! ông muốn những cái mà tôi không muốn.
Ông vụ trưởng nói: Không phải cái gì cũng phơi bày ra tất, ông bà bảo, xấu che, tốt khoe, có những cái anh viết phơi bày cho thiên hạ thấy cái xấu mà kẻ phản động lợi dụng xuyên tạc nhà nước.
Đã bao năm nay, những khuyết tật trong nội bộ PG, không ai nêu ra, nhưng có ai tự động cải sửa đâu, cứ che đậy mãi đồng lỏa việc dung túng tội phạm. Nếu kẻ xấu lợi dụng thì ngay cả báo chí nhà nước cũng không thiếu cái để họ lợi dụng xuyên tạc. Tại sao cứ lo sợ họ lợi dụng xuyên tạc mà không lo nội tình càng ngày càng xấu nếu không ai can đảm đánh tiếng? Và nếu vì sự đánh tiếng bộc trực đồng nghĩa với phản động thì nhà nước VN nói gì với thế giới về tự do phát biểu với tinh thần xây dựng? Sau năm 1995, thế giới cảm nhận được tinh thần cởi mở của nhà nước VN trước những bài viết trung ngôn nghịch nhỉ như thế, và nhà nước cũng lắng nghe những lời phản biện mang tính xây dựng.

Tôi thật thất vọng lối đe doạ và cách vuốt ve của một quan chức tôn giáo trung ương như thế. Có lẽ ông ta nghĩ tôi cần đến những đồng tiền nhuận bút khi mà cuộc sống gia đình đang khó khăn. Nếu vì tiền, tôi chả làm chuyện không ai cần đến tôi như thế. Và hàng chục website đăng bài tôi, tôi có nhận đồng nhuận bút nào đâu, tôi làm không phải vì tiền, tôi viết không phải chống nhà nước hay làm vừa lòng nhà nước; tôi chỉ làm bằng một nhiệt tâm đối với PG và dân tộc nầy mà thôi. Chúng ta phải can đảm đối diện với cái xấu chứ không nên che đậy cái xấu đã trở thành một tập quán khó che đậy với thời đại thông tin xa lộ hiện đại. Chả lẽ vì sự than phiền của một vài vị bị chạm nọc mà không lắng nghe những tâm nguyện của khối quần chúng thầm lặng không có dịp phơi bày tâm nguyện?

Trở lại chuyện chuẩn bị Đại Hội PG TW, tôi hỏi: Theo anh, Đại Hội tới có thay đổi gì không? Ông vụ trưởng đáp: có thay đổi, bổ sung một số nhân sự, nhưng bản chất vẫn không đổi mấy, hiến chương có vài chỉnh sửa. Tôi hỏi tiếp: HT Trí Tịnh vẫn được lưu nhiệm? ông đáp: cái đó thuộc nội bộ GH.
Một nguồn tin bên ngoài nói rằng: “ ai đó đến chỉ thị cho HT Trí Tịnh tiếp tục tại vị một nhiệm kỳ nữa, bởi lẽ, tình hình hiện nay vẫn yên ổn, sợ thay đổi, người mới gây xáo trộn thì phiền phức!” và nghe đâu ngài Trí Tịnh than rằng: “ tôi đã 91 tuổi rồi mà vẫn không được ngơi nghĩ “ tuy nhiên cũng có người xác định rằng HT Trí Tịnh không muốn thay đổi Hiến Chương vì Ngài nói tình hình PG như thế cũng được rồi.
Nếu quả tình như thế, PGVN phải một thế kỷ nữa mới lột xác, nghĩa là khi các ngài thấy được nhu cầu thay đổi cũng là lúc PGVN đứng trên bờ vực thẳm như vực thẳm của đất nước Thái Lan hiện nay khi PG là quốc giáo, ngũ quên trên lợi thế đó để Hồi giáo lấn sân, đe doạ nền an ninh đất nước, bây giờ các sư mới biểu tình đòi công nhận là quốc giáo. Vua Thái mời vị tướng Hồi giáo nắm quyền quân đội, để họ làm cuộc đảo chánh Thaksin, gây xáo trộn cho vương quốc PG hiện nay. Tinh thần hoà hợp của vua Thai cũng đã từng mời Giáo Hoàng sang thăm Thái và khích lệ GH Kito giáo Thái phát triển. Đáng ra các sư Thái phải cộng tác nhà nước Thái giáo dục quần chúng về tinh thần ái quốc, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và ý thức bản chất của mỗi tôn giáo nếu muốn mở cửa. Mỗi ngày người dân Thái phải đối đầu những đe doạ an ninh và mạng sống không đáng có.
Bài học Thái Lan và Nam Triều Tiên chẳng đáng để các ngài lãnh đạo PGVN cảnh giác? Và chả lẽ mọi an nguy của đất nước nầy khoán trắng cho nhà nước đảm đang?
PG xem như một tôn giáo chính của VN thì sự thịnh suy của PG gắn liền với vận mạng suy thịnh của dân tộc. Sự cố gắng của nhà nước đưa VN lên tầm quốc tế ở một lãnh vực nhất định. Vấn đề văn hoá, đạo đức, tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc, hàng ngàn năm qua PG đã đi liền với tổ quốc.
VN đã vào WTO, đang hội nhập toàn cầu, không vì thế mà mọi sự đã ổn định, ngược lại đó là khởi đầu cho một vận hội mới để xác định thế đứng của dân tộc, xác định một sắc thái đặc thù của tổ tiên trước trào lưu hoà nhập và hoà tan. Ai bảo tồn văn hoá dân tộc, người ấy có chính nghĩa; ai bảo vệ tinh thần Việt tộc, kẻ ấy có chỗ đứng trong nhân dân. Nếu PG vẫn trì trệ và phó thác như thời bao cấp, chắc chắn PG phải nhường chỗ cho Kito giáo đang cố gắng xác định vị thế của mình đối với nhân dân.
Hiện nay, Tin Lành đã đến các công viên chiêu dụ giúp đỡ những người thất nghiệp nằm lê ngồi lếch. đến các phòng trọ trợ lương cho công nhân xa nhà, và rất nhiều cách thức tiếp cận người dân để đưa vào đạo, tung tin Đức mẹ thay nhau khóc khắp nơi, giờ lại đổ hào quang tại Tapao, Phan Thiết để hâm nóng đức tin cho kẻ nhẹ dạ;đó là hình thức truyền đạo sái với tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, có thể bị truy tố, nhưng VN ta vẫn còn có cái tự do để hoạt động.

Một số thầy than phiền áp lực bành trướng của Kito giáo các nơi, nhưng quý thầy không thấy được trách nhiệm của mình, và không chịu hoằng hóa theo khả năng hiện có, quý thầy chờ GH, GH chờ phép lạ, và phép lạ chờ một số thầy bỏ bớt rượu bia, chấp nhận nếp sống đơn giản của đức Phật, lăn xả cho đất nước, cho tha nhân. Chưa bao giờ nghe quý thầy nói đến cải thiện hoàng lương những thành phần bất hảo trong xã hội, mà từng nghe có thầy khoe mẽ chỉ quen dùng bia Heineken, trong phòng luôn chứa để uống thay nước.
Hiện nay, nhiều BTS tỉnh thành đã Đại Hội và hầu hết lưu nhiệm, bổ sung vài chức vị không quan trọng. Hạ tầng cơ sở đã như thế, liệu TW, Đại Hội có tín hiệu mới nào để đổi thay? Nếu vẫn lưu nhiệm thì đừng Đại Hội cho tốn kém, nếu không có đổi thay thì ngưng tổ chức đại hội. PGVN hiện nay không có các hội đoàn như Tiểu Thương, Sinh viên học sinh,công chức, công nhân…nên không nghe được những nguyện vọng phản hồi của tập thể, tuy nhiên, không vì thế mà họ không lưu tâm đến PG. Cái lo của họ là PG không chịu sửa đổi, vì sợ vị thế đương quyền bị đe doạ, chứ không lo là PG không có người để đảm đang.

Qua năm lần Đại Hội, Hiến chương được tu chính ba lần, nhưng không lần nào xác định vai trò của Ni bộ Bắc Tông và sự đóng góp của hàng bạch y cư sĩ, vì thế hoạt động kém hiệu quả và khép kín, mang tính tượng trưng hơn là thực lực. Hiến chương phải được tu chính rộng rãi, phải có mặt của Cư sĩ và Ni bộ để ngôi nhà 4 cột được vững vàng, không thể là chùa Một Cột như trước. Tuy lo lắng cho tiền đồ Phật Giáo trước áp lực to lớn của trào lưu hội nhập hiện nay, lo cho PG cũng có nghĩa lo cho vận mạng của dân tộc; nhưng một hy vọng le lói vẫn có để tin rằng PG không bị như Tin Lành đẩy PG Nam Triều Tiên lên núi, sau thời đệ nhị thế chiến. Niềm hy vọng và nổi lo còn tuỳ thuộc ý thức trách nhiệm của giới lãnh đạo PGVN hiện tại.


MINH MẪN
17/6/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét