Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009
MÙA XUÂN CỦA ÉN
Từ ngày 18/02/05 đến 22/02/05, ngoài chương trình thăm viếng, đảnh lễ chư Tôn Đức các Tổ Đình, Pháp Thoại tại Từ Đàm với chủ đề: Tương lai và sự phát triển PG tại Tây phương; chia sẻ vói Tăng Ni sinh tại trường Trung Cấp Phật Học Báo Quốc, một sự kiện khá nổi bậc trong thời gian nầy mang đủ ba yếu tố: Thiên Thời – Địa lợi – Nhân Hòa, đó là thể hiện Tình Đoàn Kết và Niềm Tin Chánh Pháp.
Trước ngày đoàn Tăng Thân Làng Mai đến Huế, khí hậu nóng 34 độ, cái nóng ngột ngạt khó chịu của mùa Hè miền Trung lại xẩy ra bất thường vào mùa Xuân, nhưng khi đoàn về đến Từ Đàm, trời chuyển hướng, khí hậu dịu xuống và mưa nhẹ hạt, thậm chí có ngày nắng nhẹ, bóng mát cứ như tàng lọng che chở, và những ngày sau vẫn tiếp tục khí hậu của mùa Xuân trên đất Thần Kinh, những hạt mưa phùn lất phất tô điểm nét thơ mộng của đoàn thể tu sĩ, thơ mộng cả lý tưởng lẫn hoạt hành! Cái trang trọng của cuộc đón tiếp ngày đầu vào chùa Từ Hiếu do Tổ Đình và BTS Tỉnh kết hợp tổ chức, từ cổng chào vào đến Tam quan độ 700m, những cái kiệu biểu tượng cho sự tôn kính, được nâng trên đầu, nâng ngang trán, nâng trên vai, tuy Thiền sư không bao giờ xử dụng, nhưng đã được thể hiện sự trang trọng của Tăng tín đồ và sự khiêm tốn của một Thiền sư; Tổ đình Từ Hiếu dâng kính Ngài bức hoành thêu gấm: VÔ TẬN ĐĂNG, sư ông cũng lưu tặng một Pháp Bối biểu tượng Giới- Định- Tuệ, hai dãy Hoa Đăng dẫn thẳng vào chùa; Thiền sư và đoàn hoan hỷ trước những tấm lòng kính ngưỡng đó sau những năm tháng dài xa quê, và quần chúng mãn nguyện qua những thời gian "văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình"! Có lẽ thầy trò hàn huyên với gió núi mây ngàn, với cảnh quang thiên nhiên mà hơn nửa thế kỷ trước, chiến tranh không đủ sức tàn phá, một ấn tượng thời làm Điệu biết đâu chả hiện về trong trí nhớ của một Thiền sư !
Vâng, cái đẹp của thành phố cổ kính, cái đẹp của Núi Ngự sông Hương, nay được điểm tô thêm một nét đẹp văn hóa của PG, đó là Thiền hành, một cuộc đi bộ từ chùa Từ Đàm về Báo Quốc, không xa hơn một cây số, Thiền sư dẫn đầu đoàn người chiếm hết bốn thước bề ngang của đường phố, số người hiện diện trên dưới bốn ngàn hôm ấy không thể dứt đuôi khi Thiền sư đã vào Báo Quốc, cứ thế mà số tồn đọng trên quảng đường giữa hai chùa chưa từng có sau 1975; an ninh và trật tự thật tốt đẹp, không hề có một đáng tiếc nào xẩy ra cho một cuộc tuần hành đông đảo như vậy, bởi lẽ lòng tôn kính luôn có ý thức tự giác và nhân viên công lực giúp phần lớn cho một sự thành công; Những bước chân thanh thản tiếp xúc, hôn lên đất mẹ, năng lượng của đoàn thể chân tu tỏa sáng tạo cho mảnh đất vốn hiền hòa, thêm phần u linh mầu nhiệm. Một hiện tượng phấn khởi lòng người Cố đô, tuy không kêu gọi, không tổ chức đại trà, chứng tỏ uy tín và đức hạnh của một bậc chân tu vẫn khác xa một lãnh tụ thế gian được kẻ đón người đưa cũng chỉ là nhân viên nhà nước độ vài trăm người, tại sao còn có người manh tâm xuyên tạc! Hầu hết dân hai bên phố đều chấp tay thành kính khi Thiền sư và đoàn đi qua, xe cộ tự động dừng lại, ngả nón chào, các học sinh cung kính nép bên đường tỏ vẻ ngưỡng mộ, các ông bà cụ hân hoan nhận diện một người thân; khí hậu, cỏ cây, sông núi ngưng thở để trang trọng tiếp nhận người con tha phương hàng thập kỷ nay Bái Tổ Vinh Quy; Festival Huế chỉ tạo sự nhộn nhịp mua vui, nhưng đây là lúc Huế sống dậy tinh thần PG ngủ quên từ lâu, nói cách khác, cái tinh thần đó bàng bạc trong huyết quản người dân xứ kinh kỳ, nay luồng gió lành thổi qua làm rộ nở sắc màu tín ngưỡng, tôn vinh.Nghe cũng lạ, Tinh thần tín đồ PG cứ như ngọn sóng, khi hội tụ cao ngút, lúc bình lặng tảng lờ! Nó không như bất cứ tôn giáo nào lực lượng luôn nằm trong sự chỉ đạo chặt chẽ cố định.
Huế được mệnh danh là chiếc nôi của PGVN, trung tâm văn hóa PG, không sai, đức tin và sự tôn kính luôn thể hiện trong mọi động tác, luôn từ tốn ngấm ngầm như giòng sông lững thững xuôi bạt; núi không cao lắm, tiếp nhịp của dãy Trường sơn như âm thầm tích lũy một bí ẩn khôn lường, sông không sâu vì lòng người không hiểm độc, nhưng tế nhị bặt thiệp; khí hậu rõ nét bốn mùa vì thế tính tình phân minh công tội, cho dù thế nào cũng có sự dịu dàng dễ mến, hiếu khách, phải chăng những yếu tố Thiên Thời Địa lợi đó mà Nhân hòa khởi sinh! Thật vậy, những vị trong miền Nam với lý do Pháp luật và mặc cảm chính trị không tiếp xúc Thiền sư, tuy Đạo nghĩa vẫn tròn đầy, thì ngược lại, tại Huế, cái Đạo nghĩa kia đã vượt rào cản thành kiến, HT Thiện Hạnh đến với Thiền sư một cách tự nguyện và tràn đầy hỷ lạc, chẳng những cá nhân HT Thiện Hạnh, mà cả Tăng đoàn Bảo Vệ Chính Pháp thuộc GHPGVNTN cũng có mặt trong lễ Bố Tát lúc 8 giờ sáng ngày 22/02/05 (14/1âl), đây là việc chưa từng có suốt 30 năm qua, anh em không nhìn mặt nhau cũng vì quan điểm chính kiến, rất may, PG hiếu hòa, sự cố chấp không mang đến đổ máu như Tin Lành và Vatican hay các giáo phái đạo Hồi, nhưng cho dù thái độ nhẹ nhàng tỏ bất đồng quan điểm đó, không nên xẩy ra trong một tín đồ của đạo Từ Bi Vô Ngã. Cũng trong khung cảnh và thời gian quản chế như nhau, chúng ta mở cửa đón tiếp một Lãnh sự Mỹ mà chưa từng cùng một tộc hệ hay đạo nghĩa, ngược lại chối từ một tình thâm nặng hơn máu mủ chỉ vì một vài lý do yếu ớt. Ai không rơi lệ đứng nhìn một Thiền sư quốc tế kiên nhẫn gõ cửa một người em, một người học trò ngoài hành lang thật lâu, -"Tuệ Sĩ, anh đây, xuống cùng lạy Phật cho vui," một im lặng tàn nhẫn làm ngẩn ngơ bao đệ tử Au Châu không hiểu mô tê At Giáp tại sao thầy mình lại không có ai ra tiếp, không mời ngồi hay không có một cốc nước gọi là...Nhưng, Huế, quê hương Thiền sư đã đáp gọi xứng đáng với tấm lòng của Ngài, mọi sự tốt đẹp dồn dập với đoàn Tăng Thân trong những ngày đẹp và ấm, Ngài về Thành Trung, nơi chôn nhau cắt rốn để thăm hỏi từng người, nhìn những căn nhà chưa đủ khang trang, nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt người dân chất phác để tìm thấy đâu đây một quá khứ nhọc nhằn mà song thân ngài vốn chịu đựng, Ngài thẩm thấu được những rung động rớm máu từ mãnh đất khô cằn sản sanh ra một BồTát VN. Ôi bao quá khứ tuổi thơ tái hiện trong Người; Người dân đất Thần Kinh vẫn đẹp, vẫn dịu dàng, vẫn thủy chung muôn thuở, tình cảm nơi đây sớm làm lành vết xước mà vì đạo nghĩa bao la, ngài đã va vấp nhiều thương tích trong đời. Một niềm vui lớn lao bù đáp xứng đáng khi nhìn những đồng Đạo của mình, nhiều thế hệ khác nhau, cùng chung khẩu âm, cùng hướng ánh mắt về đấng Từ Phụ đọc tụng Giới Bổn, xóa bỏ mọi bất đồng hơn phần tư thế kỷ, dưới mái chùa nầy, bao Thánh Tăng ra đời, cũng từ mái chùa nầy làm nên một kỳ tích hàn gắn mà không ai dám tiên liệu. Những ai có ý nghĩ méo mó, sự hiện diện của Ngài gây thêm khó khăn cho PGVN, làm quà đầu năm cho CSVN, hay nhiều góc độ xuyên tạc của ngoại giáo, không thể phủ nhận một đức dộ sáng ngời cảm hóa mọi dị biệt. Rõ ràng, qua du hóa ba miền đất nước, một nhiệm vụ duy nhất của Người không ngoài khôi phục đạo lực PG mà từ lâu chúng ta chỉ còn cái xác khô khốc, một hình thức đạo Phật nhiều méo mó, khôi phục truyền thông trong tương quan gia đình và xã hội làm nền tảng văn hóa dân tộc, và chỉ có thế mới hóa giải mọi sự. Trong thời gian rất ngắn, ngài chuyển hóa được rất nhiều bằng phong thái của một Thiền sư, chắc chắn nhà nước cũng mãn nguyện một đóng góp văn hóa quan trọng như vậy, nó cũng quan trọng như sự hiện diện của Ngài trong thời điểm nhạy cảm chính trị hiện nay.
Đạo lực của ngài và Tăng đoàn, thiện tâm và đức tin của Tăng tín đồ PGVN, sự cởi mở của chình sách đổi mới từ nhà nước, biến thành một tố chất dung hợp đầy hoan hỷ. Mỗi người có quyền yêu quê hương một cách, có quyền bảo vệ lý tưởng một cách, nhưng chỉ một cách duy nhất không thể làm thiệt hại quyền lợi của cả một dân tộc cho riêng quyền lợi cá nhân hay tập thể mình và cũng không áp đặt cá tánh để cản trở bước tiến của tập thể PG; Phải chăng đây là Mùa Xuân của một dân tộc đang chuyển mình hay Mùa Xuân từ những cánh En bay về tổ! Hòa hợp Tăng mỉm cười với chính mình.
MINH MẪN
23.03/05 rằm tháng giêng Ất Dậu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét