Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

KHAI MẠC ĐẠI LỄ Vesak 2008


Gần 8 giờ ngày 14 tháng 5 năm 2008, tại Trung Tâm Hội nghị Quốc Gia, Mỹ Đình, Hà Nội đã long trọng diễn ra lễ khai mạc lễ Vesak 2008.

Theo đúng chương trình, với tinh thần phấn khởi của hàng triệu tín đồ Phật giáo chờ đón sự kiện lịch sử đã đến với dân tộc lần đầu tiên trên đất nước chúng ta.

Đại biểu trên 70 quốc gia, hàng chục ngàn tăng tín đồ trong và ngoài nước đã có mặt. Hàng ngàn tín đồ khắp nơi còn phải đứng bên ngoài sân Hội trường để theo dỏi diễn tiến cuộc lễ qua màn hình.

Bên ngoài, khí hậu buổi sáng còn mát dịu; bong bóng bồng bềnh trên không trung. Đoàn Lân gà, Kèn đồng và đội tiến lễ y mão nâu, vàng sắp hai hàng từ sân chạy dài vào cửa chinh. Năm nay, thiếu đoàn cồng chiên Tây nguyên thi lại có một số sắc tộc tây Bắc hiện diện, và đặc biệt nhất là hình ảnh Bố Đại Hoà Thượng đón chào chư tôn đức cùng quý quan khách. Rất tiếc, Tượng dức Bổn sư cao 26m đưa lên không trung đã bị gió đánh bạt quá mạnh, sợ bị đứt và gây bể nổ, nên BTC đành hạ xuống.

Những ai có thẻ đều phải bước quan cổng kiểm tra kim loại, vũ khí trước khi vào trong đại sảnh. Khuôn viên nội sảnh lớn đến độ hàng ngàn người có mặt mà cứ như đang đứng trong lòng của con Khủng Long! Không gian như trống trải mênh mông. Vài biểu ngữ cùng một nội dung treo hai bên sảnh đường không đủ trám lấp cái rộng lớn của không gian Hội nghị!

Đội kèn đồng trổi nhạc, trống ầm ỷ, khay lễ khói nhang, linh lọng đã nghinh thỉnh Đức Pháp chủ, Hoà Thượng chủ tịch HĐTS TW, chư tôn đức trong Giáo Hội, các chức sắc đại biểu Phật giáo các nước, và quý quan khách quang lâm hội trường.

Trên hội trường, cờ Phật giáo lần đầu tiên, hơn 30 năm được biểu hiện theo cách điệu, giáo kỳ thổi bằng sơn ánh hiện như hào quang Như Lai. bức tượng đức Bổn sư to, đẹp, được bài trí trang trọng.

Buổi chào quốc kỳ và giáo kỳ được thể hiện thật trang nghiêm
Nghi lễ Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông được thực hiện trước khi buổi lễ bắt đầu, Đặc biệt, cử tọa được cung thỉnh khởi thân mặc niệm cho nạn nhân cơn bảo Nargis tại Myanmar và trận động đất tại Trung Quốc vừa qua.biểu hiện lòng từ trước đau thương của đồng loại.

Nghi lễ Lục cúng dâng Đại hội

Buổi lễ có sự hiện diện của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ Túơng Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Trần Đức Lương. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn van An, MTTQ Phạm Thế Duyệt;..

Mở đầu cho buổi lễ, Giáo sư Tiến sử, chủ tịch IOC Lê Mạnh Thát tuyên bố lý do. Sau đó, phát biểu của HT chủ tịch HĐTS PGVN được HT T. Từ Nhơn tuyên đọc.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đọc diễn văn với nội dung thật sâu sắc mang tinh thần Phật giáo. Ông ca ngợi tinh thần Phật giáo đã đóng góp đối với đất nước, từng có các vị cao tăng có công với dân tộc như vị vua anh minh Trần Nhân Tông, Phật giáo hiện nay cũng đóng góp to lớn với cộng đồng xã hội trên phương diện từ thiện và giáo dục.
Tiếp theo, đại biểu các nước như, , Thủ Tướng Úc, Bangladesh, Tăng Thống Thái Lan … tuyên đọc Thông điệp chúc mừng chính phủ và PGVN. Đặc biệt là lời phát biểu của ông Diệp Tử Văn, cục trưởng cục tôn giáo của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, ca ngợi Việt Nam, còn có nhã ý mời tham dự diễn đàn Phật giáo sắp tới tại Giang Tô,Trung Quốc.

Tổng thư ký Hội Nghị Thượng đỉnh thế giới, tuyên đọc thông điệp ông chủ Tịch Hội Nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, kêu gọi mọi người con phật đoàn kết, Trí Tuệ đem lại cho thế giới nền hoà bình an lạc.
Nữ thông dịch viên bằng giọng Huế dễ nghe đã lôi cuốn sự chú tâm của khán thính giả.

Thượng Toạ Campuchea tuyên dọc Thông điệp của Đức Tăng Thống Campuchea
Pháp sư Học Thành thay mặt Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc tiếp theo phát biểu cảm tưởng qua chủ đề : Phật giáo đóng góp xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.
Tiếp là HT Tăng Thống Srilanka phát biểu

Sinh khí đầu tiên cho buổi lễ khai mạc đã mang sắc màu đa diện, không chỉ mang hồn dân tộc qua nhạc lễ mà còn có âm hưởng vui lạ của hội đoàn Thánh ca kính mừng Vesak bằng Anh ngữ, nhưng không có nhạc lời Việt nào song song.

Trên hàng ghế ưu tiên, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Đỗ Mười ngồi hai bên đức Pháp chủ HT T. Phổ Tuệ một cách trọng kính.

Hơn 10 giờ, Hội trường tạm nghĩ giải lao 30 phút.

Vào chiều, tiếp tục Thông điệp của các quốc gia Phật giáo, sau khoá lễ cầu nguyện của các đoàn Phật giáo.

HT TS.DHARMAKOSAJARN chủ tịch sáng lập Đại lễ Phật Đản Quốc Tế, mở đầu hội thảo với chủ đề: Phật giáo với vấn đề xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vào lúc 15h40, TS T. NHất Hạnh xuất hiện sau khi tăng đoàn an tọa giữa tiếng vổ tay của cử tọa trong hội trường. Mở đầu bằng lời tụng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng tiếng Anh. Chủ đề thuyết trình của ngài là: Vai trò Phật Giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh


Tuy Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam và IOC đã khó khăn nhiều mặt lần đầu tiên tổ chức đại lễ tôn giáo như thế, nhưng vẫn đạt được tầm vóc của yêu cầu. Đại biểu các nứơc cảm thấy thoải mái dễ chịu, Chủng tộc và quốc tịch khác nhau, nhưng ngày lễ Vesak đã đem con người lại gần nhau như con một cha; tình thân ái phủ trùm chung một năng lượng Từ Bi của đức Phật, đấng cha lành của muôn loài. Trong môi trường hiện tại, cảm thấy hoà bình hơn vì không có hiện diện của oán hận và khổ đau, mọi người như cảm thông và thương yêu nhau hơn. Lễ Vesak được Liên Hiệp Quốc chọn làm tiêu chuẩn của tôn giáo hoà bình, nhân hậu, chính tinh thần đó, các nước đăng cai đã thể hiện được cái hồn chứ không chỉ ở hình thức sinh động.

Đây là một hãnh diện cho Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam đứng ngang tầm thế giới khi đăng cai đại lễ của thế giới.

Hy vọng năng lượng của những người con Phật trong những quốc gia khác nhau sẽ là một nhân tố đoàn kết sớm mang lại hoà bình cho nhân loại đang quá khổ đau bởi vô minh vây bủa.

Trong sinh khí vui tươi tại Mỹ Đình, ngoài những Đại biểu, khách mời vào trong Hội nghị, số đông ở trong Đại sảnh vì không nhận được thẻ do khâu tổ chức tại chùa Quán sứ lề mề chưa chịu đáp ứng cho các đoàn mặc dù thẻ còn nhiều.Không đoàn nào nhận đủ số lượng thẻ đã đăng ký, tạo sự bất mãn không đáng có cho các đoàn từ xa xôi đến. Một số lớn, hàng ngàn người còn quanh quẩn bên ngoài sân, họ nán lại để theo dỏi diễn tiến Đại hội. Tuy là Trung Tâm Hội Nghị Quốc gia mà cứ như ở các cảnh chùa, tín đồ thoải mái đi đứng, ngồi nằm nơi bải cỏ, hoặc bất cứ nơi đâu, có thể; người ta có cảm tưởng không phải Hội nghị quốc tế mà là sinh hoạt thuần tuý tôn giáo nơi chốn thiền môn. Tất cả đều vui tươi hoan hỷ, tuy sau lưng họ, cuộc sống còn bao khó khăn, gia cảnh đang bận bịu,. Họ bỏ tất cả để đến với Đại hội, từ những nơi tận cùng của đất nước, Cà Mau, Bạc Liêu, Phú Quốc, Châu Đốc…
Với tinh thần hân hoan như thế của toàn thể người con Phật, một số nơi chính quyền vẫn cản trở việc đón mừng ngày Đản sanh của đấng cha lành họ, ngoài Tây Ninh, Kontum và một số nơi chưa được biết, giờ đây, tại thị xã cách Hà Nội trên 30km cũng nằm trong tình trạng khó khăn như thế: Chùa Kim Bản, thôn Tràng, xã cẩm Đông, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương bị chính quyền địa phương triệt hạ cờ biểu ngữ, lễ đài vi tổ chức không xin phép. Đến hôm nay mà tín đồ vẫn không được tự do thể hiện lòng tôn kính với đấng giáo chủ trong ngày trọng đại của họ là thế nào? Chả lẽ thể hiện sự tôn kính cần phải làm đơn xin phép như sự xin phép của một Lạt Ma muốn tái sanh vào đất nước Tàu Cọng???

Việt Nam có là đất nước hoà bình? Có là dân tộc hiếu hoà? Có là thành viên góp phần đem lại hoà bình cho thế giới? và có đủ yếu tố hoà hợp hoà giải những bất đồng trên quê hương sau đại lễ Vesak nầy?

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đủ hiểu biết về đạo đức dân tộc, am hiểu giáo lý nhà Phật, có truyền thống tôn kính tổ tiên có công với đất nước, vấn đề còn lại là biết phát huy và tạo một phong trào về nguồn nhớ cội để xây dựng một Việt Nam hoàn thiện, đẩy lùi tệ nạn xã hội và giải tỏa mọi bất hoà. Người con Phật cầu mong lãnh đạo nhà nước và nhân dân cùng bắt tay đem lại cho một Việt Nam sáng sủa, hưng thịnh, đoàn kết và hạnh phúc hơn.

Một buổi sáng với không khí trong mát, sinh khí hài hoà thân thiện tại Mỹ Đình, thiên nhiên đã giúp cho Hà Nội một niềm tin thành công trong công cuộc đưa đất nước lên ngang tầm các quốc gia phát triển không lâu nữa.


MINH MẪN
14/5/08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét