Chưa lúc nào mà PGVN chịu nhiều tai tiếng như “bão nổi lên rồi”. Sư giả khá nhiều, nhưng biết đâu trong đám sư giả mượn áo nhà Phật kiếm cơm, cũng có người đứng đắn, vì không qua trường lớp, đành chịu mang tiếng sư giả, nếu có, cũng rất hiếm hoi. Và trong số các sư thật, thật đây là được Giáo hội xác chứng qua giấy tờ, điệp đàn thụ giới, BTS PG địa phương chứng thực, có xuất xứ hẳn hoi, nhưng không được đào tạo nghiêm túc từ thầy tổ, tông môn và trường lớp Phật học, trong số đó TƯỚNG THẬT nhưng TÁNH GIẢ, vì tánh thật của một nhà tu đứng đắn không có.
***
Từ năm 1990, xã hội Việt Nam bắt đầu thông thoáng kinh tế; kẻ có quyền thế nắm trong tay nhiều cơ may kinh doanh khấm khá; tạo phe lập nhóm đầu cơ phát triển địa ốc; mua bán bất động sản; buôn lậu, lừa đảo, cướp giựt kẻ cô thế, đưa người dân đến đường cùng khi bảo vệ tài sản xây dựng bằng mồ hôi nước mắt của họ. Mặt khác, cũng không thiếu ngành nghề mà trước kia cho là đạo đức, đã bị đồng tiền thay chỗ cho lương tâm. Ngay cả ngành lương thực, thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người dân cũng không còn tin vào thực phẩm gọi là sạch, do ý đồ không sạch của kẻ mua bán. Người người bon chen kiếm tiền, nhà nhà tranh đua làm giàu, xã hội nô nức phát triển theo dạng bong bóng no hơi.
Cuộc sống tất cả đều đáng ngờ, ngờ cả người thân trong giòng họ, ngờ thầy cô giáo trao truyền kiến thức, ngờ chính sách giáo dục trồng người, ngờ ngân hàng khi ký gửi tài sản, ngờ xóm giềng, ngờ lời ăn tiếng nói, ngờ sự hứa hẹn, ngờ quảng cáo, đôi khi xét lại ngờ lấy bản chất lương thiện chính mình… tất cả chữ NGỜ lấn sân chữTÍN.
Kẻ đi bán vé số góp tháng cho thân chủ cũng bị trắng tay, người tật nguyền bị cướp mất đồng tiền còm đội nắng dầm sương lây lất trên vỉa hè. Tài xế lên cơn ma men, ngáo đá cướp sinh mạng dân lành như chơi canh bạc. Đoạt mạng người vì lý do rất tầm thường. Trẻ con ú ớ đánh vần tín hiệu lạ không cần mặt chữ, cha mẹ trở thành người từ cảnh giới xa xăm trước mặt con mình…
Con người còn tin vào đâu? Tin vào thế giới vô hình, có lẽ thế giới vô hình đáng tin hơn thế giới hiện thực; nhưng đôi khi lực lượng vô hình thông qua con người bị xem là thần kinh có vấn đề, hoặc ít nữa là con người đa nhân cách. Thế nào là con người có hệ thần kinh đa nhân cách? Đa nhân cách là có nhiều tánh khí khác nhau trong một con người. “Bệnh rối loạn đa nhân cách ngoài ra còn được gọi là bệnh tâm lý đa nhân cách hay hội chứng đa nhân cách. Đây là một dạng bệnh lý tâm thần mà biểu hiện là sự mất nhận thức về bản thân, vì thế người mắc bệnh thường đồng nhất hóa mình với người khác.”( Bác sĩ Bênh viện Tâm Thần HCM - Viện Tâm Thần Bạch Mai - Đại Học Y Dược.)
Rối loạn nhân cách (tiếng Anh: Personality disorders) là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng. (Wikipedia).
Nhưng ở một dạng mà đa nhân cách không có quyền áp đặt, một dạng chỉ ứng khởi khi có điều kiện thuận lợi như cầu khấn, áp vong, triệu linh, giáng cơ, nhập đồng… những dạng thức này có mặt rất xa xưa mà thời trung cổ gọi là phù thủy. Khi phần vô hình xuất khỏi, xác không hề hay biết mình đã làm, nói những gì, họ trở lại tỉnh táo bình thường. Hiện tượng đó ngày nay vẫn tồn tại. (Ai không tin, vào ngày 24/6 âm lịch, đến dự các buổi vía Quan Công, xác Ông xuyên lình từ má này xuyên qua má kia, đâm kim xuyên qua lưỡi, sau khi xuất vía, trở lại bình thường, trên cơ thể không hề lưu vết thương vừa đâm qua)… Ai chưa chứng kiến khi hồn nhập, họ không thể tin mà chỉ cho đó là hiện tượng đa nhân cách. Có những người duy ý chí thì cho là những dạng đó thuộc thành phần đa nhân cách, cũng có người lý luận theo phân tâm học cho là bộ não có 2 lãnh vực, một là ý thức và một là tiềm thức, tiềm thức chất chứa đủ mọi hạt giống trong con người, khi ý thức vắng mặt thì tiềm thức trỗi dậy tuyên xưng những sự kiện lúc có ý thức không hề biết. Điều này sẽ giải thích phần sau.
Vậy thế giới vô hình có hay không?
Luật đối đãi của nhị nguyên, có hữu hình tất phải có vô hình, hữu hình đa dạng thì vô hình cũng vô số. Trong lục đạo của nhà Phật, ngoài thế giới loài người và súc sanh có thân vật chất, còn lại toàn là vô hình. Từ cõi Trời đến Atula, địa ngục, ngạ quỷ đều là cảnh giới vô hình. Ngay 33 tầng Trời thì hết 6 cõi thuộc lục dục Thiên, nghĩa là 6 cõi Trời có tính liên đới với dục giới, con người cũng nằm trong dục giới nên chúng có khả năng ảnh hưởng, tác động lẫn nhau.
A tu La cũng thế, có 4 giống loại: thai sanh, noãn sanh, hóa sanh và thấp sanh.
“1. Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chính giác, được thần thông vào hư không thì giống Atula này từ trứng sinh ra thuộc về loài quỷ.
2. Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đoạ chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng thì giống Atula đó từ thai sinh ra thuộc về loài người.
3. Có chúa Atula nắm giữ thế giới sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai có thể tranh quyền với phạm vương, đế thích và tứ thiên vương giống Atula này nhân biến hoá mà có thuộc về loài trời.
4. Riêng có một số Atula thấp kém sinh trong biển lớn, lặn trong thuỷ huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước giống Atula này nhân thấp khí sinh ra thuộc về loài súc sinh.
Loài chúng sinh này có khi được liệt vào trong ba đường lành tức là trời, người, A tu la; có khi liệt vào bốn đường ác đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la.
Kinh Phật thường nói tới Bát bộ quỷ thần (phi thiên), tức là thiên thần, long thần (thần loài rồng), thần Dạ Xoa (gọi là phi không quỷ – quỷ bay trên không), Càn thát bà (thần nhạc trời), A tu la (hung thần) Ca Lâu La (chim cánh vàng), Khẩn na la (chim có giọng hót hay), Ma Hầu La Già (con trăn thần). Loại quỷ thần đó thuộc loại vô hình, kinh Phật đã liệt kê.
“Trong 6 tầng trời dục giới thì 4 cõi thường được các kinh điển Phật nói tới là Tha hoá tự tại thiên (cõi dục giới cao nhất, chỗ ở của thiên ma), cõi Đao Lợi (tầng thứ 2 chỗ ở của Vua đế Thích) và cõi Tứ thiên vương (cõi trời thấp nhất – chỗ ở của các vị thiên vương). Cõi phi thiên (chỗ ở của các vị thần).
Vì sao thiên ma (còn gọi là ma ba tuần) gây ảnh hưởng nhiều đến cõi giới con người?
Thiên ma là vị vua cai quản cõi dục giới bao gồm: 6 cõi trời dục giới và các cõi dục bên dưới. Bất cứ chúng sinh nào muốt thoát khỏi sự cai quản của y đều bị thiên ma quấy nhiễu.
Đối tượng của thiên ma là các vị tu hành thoát khỏi các cõi dục giới. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn nói: “Ông sẽ bị quấy nhiễu bởi một loại ma từ ngũ ấm của ông, hoặc là ma từ cõi trờì, hoặc mắc quỷ, thần, hoặc gặp ly, mỵ. Nếu tâm không sáng suốt, ông sẽ nhận lầm kẻ giặc là con.”
(HT Tuyên Hóa).
Lục đạo luân hồi, 4 cõi chiếm hết vô hình, trong 4 cõi gồm hàng chục loại từ cõi lục dục Thiên xuống đến A tu La thiện thần và ác thần. Một khi tâm thức con người đủ bản chất kiết sử và có khuynh hướng siêu nhiên thì sóng thức sẽ tiếp nhận sự tác động các cảnh giới vô hình tương ứng. Điều này đúng với lý thuyết cho rằng tiềm thức của mọi người đều có hạt giống siêu linh.
Một dạng thức khác khi bỏ xác, chưa hội đủ yếu tố đầu thai vì nhiều lý do, hoặc ái chấp cuộc sống, chưa chấp nhận là mình đã chết, hoặc chưa thỏa mãn ước nguyện lúc còn sống… dạng thức sống vất vưỡng như thế gọi là hồn mà bóng quế, các nhà ngoại cảm có khả năng giao tiếp. Nếu không chấp nhận dạng thức này thì chư Tổ thiết lập Đàn tràng chẩn tế làm gì? Và trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan – 2007 Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng đăng đàn chứng minh chẩn tế bạt độ ba miền làm gì nếu thế giới vô hình không có? Nếu có thế giới vô hình, thì chắc chắc những nhu cầu của các dạng thức đó, sẽ tác động đến người còn sống thông qua cảm ứng vào những người có tâm thức thiếu tự chủ, hay gọi là yếu bóng vía. Vong nhập vào một người xa lạ nói đúng nội tình gia cảnh, tên tuổi từng người, những ước nguyện lúc sống… trong gia đình người xa lạ kia, tiềm thức làm gì có những yếu tố cá biệt của gia đình người xa lạ đó?
Trước và sau chiến tranh, VN tích chứa nhiều cái chết của hai miền, chắc chắn oan hồn uổng tử kia chưa đầu thai thì họ phải ở cảnh giới vô hình sau thời gian trung ấm thân đã mãn. Những tai nạn xảy ra hàng ngày một cách vô lý, phải chăng là những xui bẩy của các dạng thức oan khiên bất mãn? Từ đó mới có những cuộc rước vong, cúng vong…
***
Trở lại vấn đề hiện thực cuộc sống, do quản lý yếu kém mà nhiều nhân bất thiện trỗi dậy làm rối loạn xã hội. Do một số sơ hở bất cập mà thành phần bất hảo lợi dụng đạp đổ vươn lên. Trong tôn giáo cũng thế, một tôn giáo quản lý chặt chẽ thì những bất toàn được dấu kín che đậy lẫn nhau, những tôn giáo như đạo Phật thiếu sự quản lý nghiêm minh, một vài thành phần đi lên nhờ ai đó bị đạp ngã. Đáng ra, theo tinh thần lục hòa của Phật dạy: “Thân hòa đồng trụ - khẩu hòa vô tranh – ý hòa đồng duyệt – kiến hòa đồng giải - giới hòa đồng tu – lợi hòa đồng quân.” Đây là tinh thần bảo vệ, hòa hợp và đoàn kết lẫn nhau. Như thảo phủ địa, cỏ che mát mặt đất, con trùng sanh sôi nảy nở, làm phân bón nuôi cỏ cây xanh tươi. Ông bà từng nói – đoàn kết là sống. Một tập thể chỉ biết vạch lá tìm sâu lẫn nhau, đó là cách vạch lưng cho người xem sẹo. Mình đứng vị trí này cho là đúng, xét kẻ khác là sai, ngược lại, kẻ khác cũng có cái nhìn như thế. Tất cả việc đúng sai chỉ là tương đối; số 9 của người này lại là số 6 của kẻ khác, không nên lấy kiến giải cá nhân của mình phán xét việc làm kẻ khác. Tinh thần bao dung chỉ bảo chia sẻ cho nhau, đó là tinh thần của đấng trượng phu. Kẻ trên ngựa không đạp kẻ dưới ngựa gọi là tinh thần mã thượng. Trong cuộc sống, ai là người không hề bị lỗi? Trong nhà che đậy chỉ bảo cho nhau, đó là một gia đình gương mẫu. Gia đình xào xáo, hạch tội anh em khi bị kẻ khác khích động, có dịp thể hiện bản ngã và kiến thức trên địa vị cá biệt của mình là dịp cho bàng quan thiên hạ chê cười.
Xã hội Việt Nam ngày nay đang đạp nhau bằng mọi giá để vươn lên, đầu độc mọi người để mình sống, thật ra chúng ta đều đầu độc lẫn nhau để cùng chết. Phật giáo khác gì trong xã hội ô tạp hiện nay? Càng phát triển, càng lạm phát, càng phô trương như tấm thân béo phì, chắc chắc những bệnh nan y tất phải phát sinh.
Đạo đức của một tôn giáo Từ Bi không thể là đạo đức kiểu DẬU ĐỔ BÌM LEO!
MINH MẪN
09/4/2019
|
Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019
* GIẬU ĐỔ BÌM LEO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét