Từ tờ mờ, gà gáy canh ba, con đường làng phủ rạp
bóng tối tán tre mọc hai bên đường, đã có lưa thưa bóng người gồng gánh ra đầu
làng nhóm họp chợ phiên.
Ngoại đánh thức bé Na, dặn: - Chừng nào chuông chùa
công phu, con bắt nồi cơm, độ một lon gạo lúa mùa, 2 lon sắn, để cúng rằm. Phải
ngồi canh chừng kẻo sống hoặc khê nghe con.
Chiếc bóng của bé Na cũng nhấp nhô trên vách mỗi khi
ngọn lửa bập bùng. Bó rơm đẩy vào ông táo “kiềng ba chân”, chung quanh trống
hoác, sức nóng tỏa ra chung quanh nên nồi cơm lâu sôi. Vách đất sét nhồi rơm đã
được ngoại che chắn bằng tấm tole tránh cho lửa bắt mồi. Cuối năm, trời se lạnh,
bé Na quấn quanh người bằng tấm chăn mỏng, ngồi chồm hổm, cứ phải chùi từng bó
rơm vào bếp. Na thèm chui mình cuộn tròn vào ổ rơm của con “mực” kế bên, nhưng
sợ không đủ lửa cơm sẽ sống. Bên ngoài căn nhà lá, tiếng gió rít từng hồi, mưa
phùn theo cơn gió, thỉnh thoảng tạt vào vách, lay đọt tre tạo âm thanh lao xao
lạnh lẽo.
Loáng thoáng từng ngọn đèn bão trên khoảnh sân rộng
giữa màn đêm, cứ như chợ ma trong truyện cổ tích. Rau củ quả, gà vịt, măng tre,
đậu hạt… đủ loại thổ sản bày la liệt trên mặt đất. Một góc chợ, chiếc nồi bốc
khói, vài người ngồi co ro nhâm nhi từng bát nước chè xanh thoang thoảng mùi gừng;
bên cạnh, mấy lão nông cột trâu nơi gốc cây miếu hoang, bắn từng viên thuốc lào
nghe sùng sục, ngẩng đầu nhả khói trông có vẻ sảng khoái.
Che mưa tránh lạnh bằng áo tời chằm lá, chiếc nón
truyền thống rộng vành,chợ phiên trông như những nụ nấm di động, hơi khói tỏa từ
dưới chiếc lá phủ kín từng khuôn mặt, giữa khí lạnh mỗi khi họ trao đổi hỏi
han, cứ như ai cũng hút thuốc.
Mới rằm tháng chạp, dân làng chuẩn bị lương thực, thực
phẩm; có cả đồ hàng mã để cúng thân nhân
quá cố, và đón ông bà về chung Tết với con cháu. Đến lúc chợ tan cũng vừa rạng
sáng, ai ra về cũng bê xách gánh gồng những thổ sản, hàng hóa chuẩn bị cho năm
mới.
- Con sắp đồ để riêng từng món, phần này cúng ông
Táo, ông Địa, phần này cúng Phật, còn lại để vài hôm ra cúng mã và chư vị. Cuộn
lá dong con để dưới đất cho tươi, nấu bánh tét cúng giao thừa… Ngoại dặn tỉ mỉ
chắc gì bé Na nhớ hết.
-
Mấy bộ đồ giấy để cúng gia tiên, bé Na
thắc mắc – ông bà mất lâu rồi mà còn cúng quần áo giấy, con có gì không ngoại?
-
Mấy bộ đồ Tết năm trước còn mới, nay mặc
cũng được, ngoại hết tiền rồi.
-
Chật hết rồi ngoại – Na nũng nịu
-
Ừ, nay con 16 tuổi rồi mà ngoại quên,
ráng Tết sang năm ngoại bán bầy heo mua cho áo mới.
Đây
là Tết thứ năm Na về ở với ngoại, ba mất sớm, mạ bôn ba kiếm sống lâu rồi chẳng
thấy về; hai bà cháu hủ hỉ sớm hôm. Lúc về với ngoại thì cây cau trước ngõ chỉ
cao bằng vai Bé Na, nay nhổ gốc cao lớn bộn, nhiều lần cho ra quả để ngoại hái
cúng ông Táo, cúng ông bà. Hàng ngày Na chỉ biết việc đồng áng nhà nông, vườn
tược sau sân. Vui nhất là những lúc cúng đình làng, mấy gánh hát bội cuốn hút
dân làng, lũ trẻ trang lứa rũ nhau, chưa kịp ăn chiều, chúng đã có mặt, chồm hổm
ngồi gần sân khấu xem nghệ sĩ trang điểm thay xiêm y thật vui mắt, nhờ vậy Na
quen mấy bạn cuối làng, hẹn nhau đi học cứ gọi nhau ơi ới. Na nghe mấy bạn lên
trên phố, khen nhà cửa đẹp, xe đạp bấm chuông cón keng vui tai, xe cyclo, xe thổ
mộ… trông cái gì cũng lạ. Nhất là đường tráng nhựa sạch sẽ không lầy lội như dưới
quê mỗi khi mưa ngập. Mấy O buôn thúng bán bưng cũng thong dong trong chiếc áo
dài cũ mèm; Trên phố chả ai mang tời che mưa tránh rét như dưới quê mình, họ có
áo nhựa mỏng, gọn, nhẹ lắm. Những mẫu chuyện nghe bạn kể, Na thích thú, ước ao
được một lần lên Tỉnh.
-
Mầy có áo mới chưa Na, ba mạ tao đem từ
phố về nhiều đồ đẹp lắm, có cả búp bê nữa
-
Ngoại tao không có tiền, tao cũng không
có ba mạ. – Na đáp
-
Để tao về xin ba mạ cho mày.
-
Thôi, ngoại tao rầy chết, tao không nhận
đâu. – Na trả lời
***
Đầu
ngày, trời mang màu trắng đục, cuối Đông, việc đồng áng đã mãn, đường làng vắng
lặng. Mưa phùn bay nghiêng nghiêng, ngôi làng im ỉm như còn ngủ ráng. Ngoại lục
đục từ rất sớm, bé Na vẫn cuộn mình trong tấm bao bố đựng gạo.
-
Bà ơi, bà Tám có ở nhà không? Tiếng kêu
khe khẻ bên ngoài tấm phên.
-
Ai đó, có gì không cháu, à, thằng Tuấn
con bà Khang, đi đâu sớm vậy con?
-
Dạ thưa bà, Tuấn miệng lấp bấp, - Do trời
lạnh hay do ngại việc gì, nói không thành tiếng. – Cháu có ít quà xin biếu bé
Na ăn Tết.
Chiếc
quần cháo lòng được phủ bởi áo dài in bông đồng tiền màu xanh tím, đầu thiếu
khăn đóng của già làng, chân đi đôi guốc dính nặng đất sét; Tuấn hai tay đưa về
phía trước khúm núm dâng quà. Mắt liếc quanh nhà.
-
Thưa bà, bé Na đâu rồi? Tuấn thắc mắc.
Ngoại
chỉ xuống đống rơm trong kẹt bếp – nó còn ngủ kìa, sao nay bày đặt quà cáp biếu
xén chi rứa.
-
Na, chú Tuấn biếu đồ cho con nè – ngoại
vừa đun bó rơm vào lò, vừa ngoái đầu gọi bé Na.
Dụi
mắt nhìn Tuấn, bé Na vội cúi gầm xuống, nét mặt thoáng bối rối thiếu tự nhiên.
Tuấn đặt gói quà xuống chỗ nằm của Na, vội xin ngoại ra về.
-
Sao nhận quà người ta mà con không biết
cám ơn? – Ngoại trách mắng Na.
Lẵng
lặng, bé Na để gói quà trên bàn, rút tấm giấy ra khỏi gói quà, lẩm nhẩm đọc: -
“Em Na, còn nhớ mình gặp nhau trong đám cúng đình không, tuy chưa dám trò chuyện
nhưng tôi vẫn luôn để ý và nhớ Na. Một chút quà mọn gieo duyên mong Na vui lòng
nhận, đừng giận, Tuấn buồn lắm…”. Nét chữ nguệch ngoạc đang nhảy múa dưới mắt
Na. – Từ nhà bếp, ngoại lên tiếng – Cái gì vậy con, sao không xuống phụ với ngoại
để kịp cúng ông bà. Thái độ lúng túng của Na, ngoại thấy lạ, hỏi: - Cái gì mà
con dấu ngoại?
Na
chìa tấm giấy cho ngoại, vội chạy xuống bếp tránh sự ngượng ngập khó hiểu, trống
ngực phập phồng làm nhấp nhô chiếc áo lạnh. Nhìn ra cây cau, thầm nghĩ – Tết
này cây cau cũng 17 tuổi như mình vậy sao!!!
MINH
MẪN
12/8/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét