Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

* THỐNG NHẤT VÀ ĐOÀN KẾT



Tu sĩ cũng như một số trí thức trong và ngoài nước, đều ước ao có một Phật giáo Việt Nam “thống nhất và đoàn kết”.
Phật giáo trong nước, về mặt hiện tượng, đang có một tổ chức thống nhất, được gọi là GHPGVN, ít ra 90%, dĩ nhiên còn vài đơn vị cá biệt không tham gia, vẫn sinh hoạt tôn giáo mà không chịu sự điều hành của tổ chức Giáo hội hiện tại. Cái thống nhất như thế chỉ mang tính cơ cấu hành chánh hơn là thống nhất lòng người, vì thế, tinh thần đoàn kết toàn bộ Phật giáo không có thực chất.
Ở hải ngoại, trước khi có những giáo chỉ làm phân hóa nhân sự trong tổ chức GHPGVNTN, lúc bấy giờ, thật sự là một tổ chức khá mạnh và tinh thần đoàn kết vẫn tồn tại; thế nhưng, cũng có vài chùa dưới danh nghĩa Giáo hội này, sơn môn nọ vẫn đứng ngoài, nhưng có lẽ không làm suy giảm GHPGVNTN hải ngoại lúc đó.
Hiện nay, Phật giáo tại Hoa Kỳ cũng như các các châu lục chưa có một tổ chức thống nhất thật sự. Mỗi hoàn cảnh có một mắc mứu nhất định, vì thế khó mà có một Giáo hội thống nhất như tôn giáo bạn hay ít ra một tổ chức Phật giáo tương đối như Tibet hay Bhutan.
Từ một tổ chức thiếu nhất quan và đoàn kết như Phật giáo trong nước hiện nay, các hiện tượng tha hóa, phát sinh nhiều phong thái không còn mang tính chất thuần túy của phật giáo, vì thế, việc phá giới phạm luật không thể tránh khỏi.
Thời gian thập niên gần đây, trên trang mạng truyền thông đưa lên hình ảnh, các sư trẻ, hát xướng, nhảy múa như nhập đồng, hoặc tế lễ theo kiểu Thần giáo của Bà La Môn thuở Phật còn sanh tiền.
Có vị đem khoe của cải trị giá cao những vật dụng mà đáng ra phải được xem là phương tiện, ngược lại họ coi là đích đến, tự hào đã sở hữu những của cải vật chất thay vì sở hữu một tâm linh sung túc, tương phản với cuộc sống bần hàn của dân đen trong xã hội.
Trong chùa, ngoài những tôn tượng Phật giáo, còn có cả ảnh tượng xa lạ của ngoại đạo, thậm chí thờ cả nhân vật huyền thoại như “Tề Thiên” mà người dân gọi là chùa ông Tề ở gần cầu Tham Lương quận 12, TP HCM.Có chùa thực hiện nghi lễ mà Phật giáo hoàn toàn không có. Từ một mục đích giải thoát tâm thức của Phật đề ra, qua thời gian biến thành một tôn giáo với lễ nghi ngày càng phức tạp, lễ phục màu mè diêm dúa như chốn cung đình, nhìn lại hình ảnh giản dị của đức Phật và chư Tăng thuở xưa, cách xa một trời một vực;
Đời sống tu sĩ thiếu kiểm soát, tự thân luôn hướng ngoại thì mọi tệ nạn ắt phải phát sinh – “Cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”, đó là quy luật tất yếu mà Phật giáo trải qua gần 3000 năm đã thấy rõ. Chính vì thế, những hình thái tôn giáo gần đây mang tính chất và giáo lý nhà Phật mọc lên như nấm, bị cho là tà giáo, thật ra chả có gì xa lạ; từ thời xa xưa cũng đã có, thời đại nào cũng có, vì thế, nhân sinh bị lạc dẫn xa dần với chân lý giải thoát ban đầu. Những giáo phái nào đi đúng chân lý thì tồn tại, ngược lại sẽ bị đào thải bởi thời gian, khó ai có quyền cấm đoán, một khi họ được công nhận bởi luật pháp.
Vì sao một tổ chức được mệnh danh là Giáo hội như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, hơn 40 năm mà vẫn không thể quản lý chặt chẽ những tệ nạn mà trước 1975 không hề có?
1/ Giới lãnh đạo thiếu khả năng, mang tính thụ động, thậm chí nhiều khiếu kiện của các cấp tỉnh thành, quận huyện đưa về HĐTS, BTS Trung ương cũng không giải quyết dứt khoát, nếu giải quyết cũng không tạo niềm tin và tâm phục cho họ.
2/ Nhân cách của một vài vị lãnh đạo Giáo hội  không đủ trong sáng, thân giới thiếu nghiêm túc (cho dù được che đậy bởi giáo phẩm, chức sắc cao cấp) vẫn không che đậy được tầm nhìn của quần chúng và Tăng Ni thuộc cấp.
3/ Dưới danh nghĩa cúng dường mà hiện tượng ngoài xã hội gọi là bỏ phong bì, đã tác động và cản trở không nhỏ trong việc giải quyết khách quan một số Phật sự cho các địa phương.
4/ Các chức sắc của Phật giáo, không đảng viên thì cũng là gia đình liệt sĩ, có công cách mạng hoặc những quan hệ cá nhân với người có quyền chức… không cần là bậc chân tu hay có trình độ nhất định; không quan trọng đến đời sống cá nhân trong sạch và uy tín.
5/ Trong Giáo hội, chức sắc và quyền lực lấn sân cả lễ tục tôn giáo, trai tăng, đạo tràng tu tập… bàn chứng minh và vị trí tôn kính, thay vì dành cho bậc có hạ lạp cao, giáo phẩm lớn thì những ai có chức sắc, đị vị cao ngồi bàn chứng minh, những bậc niên cao lạp trưởng phải tuân nhiếp hạ vị, những ai biết giáo luật, đều tỏ ra bất mãn.
6/ Ban nghi lễ, Ban Tăng sự tỏ ra vô can khi thuộc cấp hành hoạt quá sai với tinh thần nhà Phật. Đã từng có vị làm hình Phật để đốt như đốt vàng mã cúng cô hồn, Giáo hội không hề khiển trách, ngược lại còn được bổ cử vào ban ngành có chức quyền trong Giáo hội; thế thì nói gì đến những thành phần tự do, mang hình thức tu sĩ, sống ngoài luật giới nhà Phật.
7/ Hiện nay, phong trào xây dựng chùa, am thất rộ nở, lễ lộc trai tăng, đàn tràng chẩn tế… gọi là Phật sự, đã cuốn hút tu sĩ hướng ngoại, các chức sắc Giáo hội mất nhiều thời gian cho việc chứng minh và chứng trai, còn thời gian nào cho việc tu tập.
8/ Công việc sinh hoạt về hình thức quá nhiều, đáng ra Giáo hội cần có khóa chuyên tu ngắn hạn cho tu sĩ mỗi nửa năm, nói chung và nhân sự trong tổ chức Giáo hội nói riêng để nhắc nhở việc tu tập hướng nội quan trọng hơn những lăng xăng bên ngoài. Việc an cư kiết hạ thật sự quan trọng cho Tăng đoàn, nhưng ngày nay, trong nước, duy trì giáo luật đó, đa phần các nơi chú trọng về hình thức, thay vì trong ba tháng cần có thời khóa tu tập miên mật để tăng trưởng nội lực. Chưa nói một vài nơi đăng ký tổ chức trường hạ với mục đích lợi nhuận.
 Tóm lại, hầu hết những sinh hoạt ngày nay, về hình thức vẫn duy trì  theo  giáo luật nhưng đã bỏ quên giới luật, ví dụ Giới đàn tại Vĩnh Long, do một vị đầu tròn áo vuông bao thầu toàn bộ mọi chi phí, chỉ cần vị đó được mời lên giáo giới cho giới tử, trong khi ai cũng biết nhân thân vị đó chưa đủ thanh tịnh từ thân giới lẫn tâm giới, tai tiếng trong và ngoài nước ai cũng rõ. Ngày nay, tệ nạn mọi mặt trong giới tu sĩ khá nhiều, nhưng  Giáo hội vẫn không đủ khả năng xử lý và ngăn chận, bởi lẽ, hiện nay, chưa có một vị đủ uy đức để nhiếp chúng mà trước 1975, trong thời tao loạn, giới tu sĩ ít xuất hiện những tệ nạn như thế; bốn đời Tăng Thống đã trở thành một thần tượng bất khả luận lúc bấy giờ.
Thống nhất không chỉ trên mặt hình thức mà cần thống nhất tâm cảm khi đủ tiêu chuẩn đạo lực để nhiếp phục đại chúng, có như thế tinh thần đoan kết mới thật sự xuất hiện.

MINH MẪN
04/6/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét