Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

* THỰC CHẤT CỦA VIỆC TỪ THIỆN


“Từ thiện” là mỹ từ chỉ cho những trạng huống như bố thí, cứu trợ, ủy lạo, biếu tặng, kể cả hình thức cúng dường… nghĩa là mọi việc đem lại lợi ích cho người khác ở mỗi trường hợp, mỗi vị thế trong cuộc sống khác nhau.
Từ thiện phát xuất từ tấm lòng vị tha thật sự, không kể trường hợp đánh bóng tên tuổi hay vì mục đích quảng cáo cho tập đoàn nào đó, cũng có thể dùng hình thức “từ thiện” để cảm thấy nhẹ nhàng khi tạo ra đồng tiền thiếu trong sạch.
Gọi là “từ thiện” để phân biệt với những tấm lòng vị kỷ chỉ biết sống cho riêng mình, thật ra, “từ thiện cũng chả phải là từ thiện. Tại sao?
Khi sanh ra đời, chúng ta chỉ có đôi tay trắng, của cải vật chất đến với ta, hoặc do cha mẹ để lại, hoặc tự thân nỗ lực tạo lập, vật chất của cải đó là của luân lưu trên thế gian, nay vào tay người này, mai đến tay người nọ, nếu có phước thì cầm giữ lâu dài, nếu thiếu phước thì một thời gian trắng tay.
Của cải có được, nhiều hay ít là do phước báu nhất định từ quá khứ gieo trồng, nếu biết tạo thêm phước dưới hình thức vị tha như  cây tiếp tục  trổ quả cho ta hưởng. Cây không vun phân tưới nước dĩ nhiên sẽ tàn úa.
Một giòng nước hay ao hồ, từ cao chảy xuống thấp, thì giòng nước tiếp tục trong sạch. Nước không luân lưu sẽ trở thành nước ao tù dơ bẩn không xài được. Cũng thế, vật chất của cải ta sử dụng đúng mục đích lợi mình lợi người thì giá trị vật chất ta nắm giữ sẽ không bao giờ cạn. Nước giếng xài thường cũng không hết mà không xài cũng không đầy. Vật chất tích lũy mãi không buông xả, chưa chắc tồn tại mãi, không bị trộm cướp, bệnh hoạn hao tài, con cái phá sản, tai nạn hỏa hoạn, nước trôi hay bất cứ hình thức nào đó nó cũng sẽ ra đi mà ra đi một cách vô nghĩa; tạo tâm trạng tiếc của phiền muộn. Của cải nhiều ít có được là do phước báu cố định, muốn nhiều hơn cũng không được muốn cho đi cũng không nghèo. Tỷ phú Bill Gates hiến phần lớn tài sản cho công ích mà ông ta vẫn không nghèo, ngược lại đó là cách tẩm tưới phước báu cho con cháu tiếp tục hưởng.
Theo kinh Kim Cang: “Bố thí không phải là bố thí mới gọi là bố thí”. Bởi vì của cải vật chất chúng ta không đem theo khi ra đời, và khi chết cũng để lại cho thế gian. Việc gọi là từ thiện chỉ là công cuộc chuyển giao vật chất từ tay mình đến tay người khác, đó là của thế gian ta chuyển lại cho thế gian, ta chỉ có bổn phận gìn giữ để có dịp chuyển giao mà ta gọi là làm “từ Thiện. Người làm từ thiện do tình thương đồng loại, vì thế mình không thể gọi là làm “từ thiện”, đó mới đúng nghĩa “Bố thí không phải là bố thí mới là bố thí”, hiểu như thế, chúng ta chỉ là sứ giả của tình thương chứ chúng ta chả có gì để gọi là bố thí. Thế thì làm gì có người bố thí, vật bố thí và kẻ nhận sự bố thí?
Với tinh thần Kinh Kim Cang như thế, sẽ triệt tiêu bản tính ngã mạn, tự hào khi chúng ta chia sẻ của cải vật chất vô thường cho nhau, từ đó tình thương và tình người phát triển một cách hài hòa. Hai từ “cám ơn” khi trao quà từ thiện, không những làm ấm lòng người nhận mà còn thể hiện tình thương và trách nhiệm khi chia sẻ cho nhau, và lòng mình nhẹ tênh. Tinh thần người con Phật là như thế.
Dưới cái nhìn khác – Từ thiện là trò chơi vừa lợi người, vừa lợi mình, vừa tích lũy phước báu. Có như thế, người tham gia từ thiện mới cảm thấy vui vẻ hào hứng mỗi khi có dịp.

MINH MẪN
16/5/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét