Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

* THOÁNG MÁT HƯƠNG XUÂN (2)


Sử sách không xác định được Phật giáo du nhập vào Việt Nam lần đầu tiên tại đâu (ước định từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 2 trước Tây lịch). Chỉ biết rằng khi Phật giáo phát triển cực thịnh thì trung tâm Luy Lâu đã có mặt tại Bắc Ninh (trước Bành Thành và Lạc Dương của Trung quốc). Lấy cột mốc vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên khi Chữ Đồng Tử thọ pháp với nhà sư Phật Quang trong truyện "Nhất Dạ Trạch", tập Lĩnh Nam trích quái.
Khi nhà vua Asoka trở thành người Phật tử, ông ta lập các đoàn truyền giáo, trong đó có cả Thái tử con của nhà vua, truyền đạo sang hai hướng Nam và Bắc. Hướng Bắc ngoài Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật, còn có cả Việt Nam bằng đường thủy theo thương buôn. Khi Phật giáo phủ sóng toàn bộ phía Bắc Việt Nam, đến đời Thiền phái Trần Nhân Tông thống nhất các hệ phái, thành lập một giáo hội duy nhất, bước chân hoằng hóa của ngài cũng từng có mặt tại Quảng Bình. Nhưng lúc bấy giờ, Quảng Bình là vùng đất phía Nam xa xôi, phong thủy cách trở, địa dư khô khốc nghèo nàn nên Phật giáo không phát triển bằng các vùng phía Bắc. Trong lúc đó, cuối thế kỷ thứ 15 sau Tây lịch, Kito giáo đặt chân lên vùng đất Ninh Cường, Nam Định do các Linh mục thừa sai Bồ Đào Nha tích cực hoạt động.

Năm 1534, Giáo hoàng Phaolô III ban Sắc chỉ "Aequum Reputamus" thiết lập Giáo phận Goa khởi từ mũi Hảo Vọng (Nam Phi) đến Nhật Bản, bao gồm quốc gia Đại Việt.
Năm 1557, Giáo hoàng Phaolô IV ký Sắc chỉ "Pro Exellenti Praeminentia" thiết lập Giáo phận Malacca, bao gồm lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Xiêm, Cam Bốt, Chàm, Đại Việt, Trung Hoa và Nhật Bản.
Năm 1576, Giáo hoàng Grêgôriô XIII ban Sắc chỉ "Super Specula Militantis Ecclesiae", thành lập Giáo phận Macao, tách ra từ Giáo phận Malacca, gồm lãnh thổ Trung Hoa, Đại Việt và Nhật Bản.
(Wikipedia)

Khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến, Phật giáo đã co cụm về phía Bắc thì Kito giáo lại âm thầm phát triển bởi các Linh mục thừa sai. Một lần nữa, Phật giáo Quảng Bình bị bỏ ngỏ. Thời Pháp thuộc, Kito giáo được chính quyền bảo hộ nâng đỡ phát triển, Phật giáo và Nho giáo đã thu mình tìm sự tồn tại.

Sau khi đất nước thống nhất, Pháp và Nhật đã ra đi, phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới thì tại Việt Nam cũng đã được chư tôn đức cổ súy trước thập niên 1930.

Năm 1951, cố HT T. Tố Liên tham dự hội Phật giáo thế giới tại Srilanka, đem sắc cờ năm màu về làm lá cờ chính thức cho PGVN, Phật giáo ba miền có phần khởi sắc. 

Đến năm 1945, một lần nữa, đất nước chia đôi, Phật giáo phía Bắc nói chung và Phật giáo Quảng Bình nói riêng, lúc bấy giờ chỉ còn vài ngôi chùa biểu tượng tôn giáo. Kito giáo vẫn duy trì sinh hoạt tín ngưỡng trong các giáo phận, giáo xứ, dưới sự lãnh đạo nhất quán của các chức sắc thuộc hệ thống La Mã. Từ đây, Phật giáo Quảng Bình cũng như một số các Tỉnh đã mất nhiều cơ sở thờ tự, tu sĩ trẻ trở thành bộ đội cụ Hồ. Một vài ngôi chùa còn lại do các già chăm sóc nhang khói, dần dần, giới trẻ cảm thấy xa lạ với Phật giáo, đó là lý do tại Quảng Bình - "cô gọi bằng chị, thầy gọi bằng anh".

Sau khi thống nhất hai miền, năm 1981 thành lập GHPGVN, từng bước thành lập các BTS Tỉnh, khắp nơi Phật giáo phát triển trên hình thức, được nhà nước yểm trợ, cũng là lúc các chức sắc thiên hướng về sắc tướng, nghi lễ, kiến thiết cơ sở vật chất... bỏ trống việc hành trì nội lực. Một lần nữa, Phật giáo trở thành loại bonsai trang trí trong xã hội đa tôn giáo.

Trong khi đó, Kito giáo không ngừng đào tạo các Linh mục có thực chất có kiến thức lẫn đức tin. Hiện nay, Kito giáo có 101.000 tín đồ, chiếm 12% dân số toàn tỉnh, phân bố trên 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, 69 xã, phường, với 89 cơ sở thờ tự. Toàn tỉnh có 2 hạt, 32 xứ, 94 họ, 34 chức sắc Công giáo (33 linh mục và 1 bề trên Cộng đoàn), 682 chức việc.

Phật giáo ở Quảng Bình có trên 3.100 tín đồ, sống rải rác trên địa bàn 29 xã của 7 huyện, thị xã, thành phố, sinh hoạt trong 8 cơ sở thờ tự, với 21 chức sắc (trong đó có 1 nhà tu hành), 40 chức việc. (Tạp chí tổ chức nhà nước ngày 08/8/2016), theo BTG chính phủ hiện nay - giáo dân lên đến 102.316. Có 72 chức sắc, 92 nhà thờ, trong khi đó, Phật giáo chỉ có 9 ngôi.
                       * * * * *
                                                                              
Cảnh giác những tôn giáo mà nhà nước bị ám ảnh là những tổ chức bị "các thế lực thù địch lợi dụng xách động", không những một số vùng Tây Bắc, Tây nguyên, ngay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, vài địa phương, băng đĩa kinh sách của Phật giáo cũng bị cấm đoán khi người dân từ nơi khác đem về. Thế thì những vùng mà Phật giáo vắng mặt nhiều thập kỷ, giờ đây tái nhập vào cuộc sống địa phương, đi vào lòng nhân dân, chính quyền địa phương rất e ngại là những "tôn giáo bị các thế lực phản động cài cắm", bị ngăn trở khó khăn nhiều mặt. Cán bộ các ngành, nhất là về Tôn giáo và an ninh, hình như chưa được học tập nhất quán về Phật giáo, vì vậy họ vẫn còn e ngại và tạo không ít khó khăn cho buổi ban đầu khi thành lập BTS PG Tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, Quảng Bình đã vượt khó nhờ một Hòa Thượng "Lương Sơn Bạc", từng tạo một e ngại trong cộng đồng Phật giáo Thừa Thiên - Huế. Sau 9 năm lưu vong tại Lào, giờ trở lại nhận nhiệm sở nơi địa đầu giới tuyến Bắc Trung bộ, một nơi mà ít có tu sĩ nào dám đảm nhận với một tài sản "trắng", cơ sở và nhân sự "trắng", sự hiểu biết về Phật giáo "trắng". Hàng năm nhận ngọn gió Lào cháy bỏng khô khốc tràn về, mùa Đông bão lũ rét mướt luôn rập rình. Đất đai cằn cỗi luôn ươm mầm cho những thiên tài xuất hiện. Giờ đây, hố ngăn cách và e ngại đó, cũng như thành kiến đối với bản chất bốc đồng liều lĩnh của một tu sĩ đứng đầu BTS PG, đã được san bằng như sự san bằng cái hố 8.000m2 làm nên một đại hùng Bửu điện uy nghi tráng lệ hiện nay.
                        
                        * * * * *
          
Mãi đến năm 2009, nghĩa là gần 30 sau ngày thành lập GHPGVN (1981), Quảng Bình mới có BTS PG, chồi non Phật giáo đang mọc lên từ kẽ nứt khô cằn của cộng đồng tôn giáo và chính trị tại đây. Quảng Bình là một địa phương nằm giữa lòng đất nước, trong khi 2 đầu tổ quốc là mảnh đất màu mỡ để Phật giáo phát triển thì Quảng Bình mới chập chững đặt bước chân đầu tiên trên những gai góc không tránh khỏi. Chỉ còn lại một vài vùng Tây Bắc chưa được bàn tay chai sạm của những sứ giả Như Lai can đảm xông pha khai sơn phá thạch xây dựng cơ đồ cho Phật giáo Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Hà Giang cũng như vài vùng núi non hiểm trở vẫn còn những dấu vết một thời, xác định sự có mặt của Phật giáo trong quá khứ (có lẽ từ thời nhà Trần), giờ vẫn còn lặng lẽ ngủ quên trên vùng rừng bạt ngàn gió núi.
                         
                          * * * * *       

Tuy muộn vẫn còn hơn không, dù người tiên phong phục hồi nền móng Phật giáo tại Quảng Bình là thế nào, cho dù thế nào mà làm nên Phật sự để xác định sự hiện hữu Phật giáo trong lòng dân, cũng là điều cần tán dương. Giờ đây, với tinh thần chiêu sinh, tôn trọng chất xám, và thiện ý của những tu sĩ khắp nơi, BTS PG Quảng Bình đã có một phó thường trực từ Đơn Dương Lâm Đồng, TT. T. Phương Đạt, về tiếp sức, TT. T. Thường Chiếu, trụ trì Tổ đình Ba La Mật Huế làm phó BTS. Một số Tăng sĩ trẻ như thầy Thiền Bình, thầy Tâm... đang làm mới Phật giáo nơi đây. Và đã xây dựng ra mắt được 04 BTS cấp huyện: Bố Trạch - Lệ Thủy - Quảng Ninh - Tuyên Hóa. Với sức trỗi dậy trong 8 năm qua, chắc chắc tương lai Phật giáo Quảng Bình đi sau mà vượt trội phát triển cấp số nhân hiện nay.

Sinh khí tươi mát mùa Xuân còn phưởng phất trên quê hương nghèo khó địa đầu giới tuyến Bắc Trung bộ, thổi làn gió mới trong Phật giáo, sẽ nâng Phật giáo Quảng Bình ngang tầm sinh hoạt Phật giáo các nơi trong cả nước. Niềm hy vọng với tính khí can cường của một lãnh đạo đầu ngành Phật giáo Quảng Bình, sẽ cải tiến những bất cập mà một số nơi Phật giáo đang tồn đọng, sẽ nâng đỡ những tu sĩ hoạt động trong khu vực, xóa bỏ óc thủ cựu, óc địa phương và lợi ích nhóm mà Phật giáo một số nơi vấp phải.

Địa linh sanh nhân kiệt thì cho dù vùng đất khô cằn nghèo khó và thiên tai thường xuyên cũng sẽ xuất hiện những bông hoa tôn giáo - văn hóa làm đẹp quê hương.

MINH MẪN
14/3/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét