Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Nhân ngày từ phụ (Father's Day):


- Con ơi, trước khi nhắm mắt 
Cha con dặn con suốt đời 
Phải làm một người chân thật.
 

Lời mẹ dặn
Phùng Quán

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi 
Mẹ tôi thương con không lấy chồng 
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải 
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn. 
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ 
Ngày ấy tôi mới lên năm 
Có lần tôi nói dối mẹ 
Hôm sau tưởng phải ăn đòn. 
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn 
Ôm tôi hôn lên mái tóc 
- Con ơi, trước khi nhắm mắt 
Cha con dặn con suốt đời 
Phải làm một người chân thật. 
- Mẹ ơi, chân thật là gì? 
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt 
Con ơi một người chân thật 
Thấy vui muốn cười cứ cười 
Thấy buồn muốn khóc là khóc. 
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét. 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu 
Từ đấy người lớn hỏi tôi: 
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất? 
Nhớ lời mẹ tôi trả lời: 
- Bé yêu những người chân thật. 
Người lớn nhìn tôi không tin 
Cho tôi là con vẹt nhỏ 
Nhưng không! những lời dặn đó 
In vào trí óc của tôi 
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi 
Đứa bé mồ côi thành nhà văn 
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm 
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ. 
Người làm xiếc đi dây rất khó 
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn 
Đi trọn đời trên con đường chân thật. 
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêụ 
Tôi muốn làm nhà văn chân thật 
chân thật trọn đời 
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 
Bút giấy tôi ai cướp giật đi 
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 
Phùng Quán
1957
“Lời mẹ dặn” là bài thơ tự sự rất dễ hiểu dễ thuộc không có gì mới lạ về cấu trúc ngôn ngữ thơ nhưng lại chứa đựng một tư tưởng nhân văn cực kỳ lớn lao thể hiện bản lĩnh cao cường của tác giả trước cuộc đời. Vì thế nó đã trở thành một kiệt tác thơ Việt thế kỷ XX. Mở đầu bài thơ nhà thơ kể chuyện tỉ tê rất văn xuôi như không có gì đáng chú ý: “Tôi mồ côi cha năm hai tuổi/ Mẹ tôi thương tôi không lấy chồng…/ Ngày ấy tôi mới lên năm/ Có lần tôi nói dối mẹ/ Hôm sau tưởng phải ăn đòn / Nhưng không mẹ tôi chỉ buồn/ Ôm tôi hôn lên mái tóc…”

Con ơi… trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật

Đến đây thì tư tưởng bài thơ bắt đầu xuất hiện. “Mẹ ơi chân thật là gì?” - Đúng là câu hỏi rất ngây thơ của một đứa trẻ lên năm nhưng lại là một câu hỏi lớn rất khó trả lời đối với không ít người lớn giữa trường đời. “Chân thật” bản tính hồn nhiên của con người đang bị méo mó mai một biến dạng dần đi do mọi người phải tìm cách bon chen nịnh hót nói dối để tồn tại hoặc để được vinh thân. Thậm chí có người đã không chân thật rồi lại còn ghét những người chân thật. Tục ngữ ta có câu “Nói thật mất lòng”. Đó là thực tế vô cùng trớ trêu của con người. Nhớ lời mẹ dặn từ nhỏ người lớn hỏi Phùng Quán: "Bé ơi bé yêu ai nhất?/ Bé yêu những người chân thật." Từ chỗ phải làm người chân thật đến thái độ “yêu những người chân thật” là đi từ mình đến xã hội.

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc

Câu giải thích bước đầu của người mẹ cho con vô cũng dễ hiểu. Thấy vui muốn cười là cười - thấy buồn muốn khóc là khóc. Vì con người từ khi lọt lòng mẹ là thế đó là bản tính tự nhiên không thể khác được. Nhưng chân lý giản đơn ấy làm nhiều người ngạc nhiên tán thưởng bởi vì đã từ lâu con người luôn sống ngược lại với ý nghĩ của mình không dám nói thật ý nghĩ của mình. Có khi vui mà dối lòng không cười được. Khi buồn lại nén lòng mà cười để vui lòng người khác. Sống dối lòng như thế con người dần dà bị biến thành một kẻ dối trá!

Sau cười khóc hồn nhiên là đến chuyện yêu ghét một cấp độ cao hơn của thái độ và nhận thức ứng xử của con người trong xã hội:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

Nhắc đến nhà thơ Phùng Quán là người ta nhớ ngay đến “Yêu ai cứ bảo là yêu - Ghét ai cứ bảo là ghét…”. Yêu ghét rạch ròi là thái độ sống của người quân tử của kẻ sĩ ở đời. Thái độ dứt khoát thể hiện ở động từ “cứ bảo”. Cứ bảo là nói ngay nói không cần đắn đo suy tính.

Nhưng sự đời không phải bao giờ cũng “Yêu ai cứ bảo là yêu - Ghét ai cứ bảo là ghét” được mà có rất nhiều sức ép buộc con người phải nói khác ý mình đi dối trá biến mình thành tôi tớ “nói theo nói leo” làm lợi cho những người có thế lực. Vấn đề là anh có đủ dũng khí để yêu là nói yêu ghét là nói ghét hay không! Đoạn thơ sau đây là một cung bậc cao hơn có thể gọi là thái độ bất khuất không chịu luồn cúi của tác giả trước những thế lực cường quyền:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ đã thành chân lý vĩnh hằng trong lòng người yêu thơ Việt Nam từ 50 năm qua đọc lên nghe như kinh nguyện. Nói yêu thành ghét - nói ghét thành yêu chính là bản chất của những kẻ cơ hội tâm địa xấu xa hèn yếu. Chỉ cần kẻ xấu “ngon ngọt nuông chiều” hứa hẹn tiền tài địa vị hoặc “cầm dao doạ giết” là ngoan ngoan nói và làm theo chúng. Lịch sử Việt Nam đã có nhiều danh liệt nêu tấm gương trung nghĩa không khuất phục trước cường quyền như Bà Trưng Bà Triệu Trần Quốc Toản Cao Bá Quát Lê Lợi Trương Định Vua Hàm Nghi v.v… cùng hàng ngàn chiến sĩ kiên trung trong các nhà tù hay trên các pháp trường của thực dân đế quốc trong hai cuộc kháng chiến. Chỉ mấy câu thơ của Lý Thường Kiệt trước quân nhà Tống phương Bắc cách đây gần 1000 năm thôi cũng đủ nói lên ý chí chí đó của người quân tử nước Nam: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Ngược lại nhiều việc nói theo người cầm quyền làm theo ý đồ ngoại bang đã gây ra những thảm hoạ đau thương cho nhân dân đất nước. Từ chỗ sợ sệt người ta trở nên hèn nhát. Một thời xứ ta sinh ra không ít “trí thức hèn” “nhà văn hèn”. Những “Đại nhân hèn” ấy không dám mở miệng nói chính kiến của mình dù biết cấp trên sai vẫn ngoan ngoãn vâng lời đã đào tạo ra nhiều thế hệ “người hèn” “gọi: dạ bảo: vâng” không có tính độc lập suy nghĩ

Từ chuyện “chân thật” “khóc cười” “yêu ghét” nhà thơ đã đưa người đọc đến bản lĩnh người cầm bút. Đây là mục tiêu cuối cùng mà bài thơ muốn đạt tới:

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ
Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật

Đoạn thơ này chứng tỏ Phùng Quán nhận thức rất rõ một điều: Vì làm nhà văn chân thật là rất khó nên đã có không ít nhà văn không đi trọn đời trên con đường chân thật. Trước sức ép của cường quyền nhiều nhà văn đã cam tâm “bẻ cong ngòi bút” phục vụ cho những mục đích xấu xa. Ca ngợi cái xấu đả kích cái tốt. Tập thơ Chân dung của Xuân Sách vẽ rất rõ chân dung méo mó khốn khổ của hàng trăm nhà văn Việt Nam một thời vì lý do này lý do khác đã không đi trọn đời trên con đường chân thật!

Còn Phùng Quán thì tuyên chiến với thói nịnh bợ giả dối:

Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Bài thơ lớp lang đẩy triết lý “sống thật yêu thật nói thật viết thật” đến tận cùng. Đoạn kết bài thơ là một tuyên ngôn sống tuyên ngôn thơ. Mới 25 tuổi đời mà viết như thế là bản lĩnh tiết tháo lắm lắm. Điều đáng khâm phục hơn là Phùng Quán suốt cuộc đời mình cho đến khi “nằm dài dưới đáy huyệt” đã sống như thế viết như thế. Năm 1984 gần 30 năm khi về thăm quê nội Huế Phùng Quán tâm sự: Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục / Nhưng cuối cùng/ Quê hương đã nhận ra/ Trái–tim–thơ–trong-sạch / Và gương-mặt-Thơ-bi-thiết của tôi… (Thơ Phùng Quán NXB Văn học 2003). Trong tiểu thuyết tình 13 chương bằng thơ Trăng Hoàng Cung viết ở Huế Phùng Quán một lần nữa nhắc lại tuyên ngôn này trong bài thơ “Tôi thích viết trên giấy có kẻ dòng”: 
Ngô Minh

__,_._,___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét