Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

* TỪ THIỆN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ (4)


* PHÓNG SINH - BỐ THÍ - IN KINH…
Cũng như những công tác từ thiện khác, Phóng sinh là một trong những động thái từ thiện khởi phát bởi "tâm từ". Tại Việt Nam, trước 1975, việc phóng sinh vẫn có nhưng chưa trở thành phong trào phổ biến, những năm về sau, khi cuộc sống tương đối thoải mái, việc sinh hoạt tín ngưỡng trở thành lối thoát bức bách của nhu cầu tâm linh, nhiều hình thái sinh hoạt tín ngưỡng và từ thiện bắt đầu rộ nở đa dạng, trong đó phóng sinh được nhiều người thực hiện một cách máy móc.
Không những trong Nam mà ngoài Bắc cũng thường xuyên tổ chức phóng sanh, từ cá nhân cho đến tập thể. Một phụ nữ sáng sớm đi chợ mang về một túi ốc len, đem xuống con kinh trước chùa thuộc vùng Bắc Giang, thả xuống một cách thuần thục như đã từng làm thường xuyên mỗi tháng. Hội Bông Sen có mặt từ Đà Nẵng trở vào thường xuyên phóng sinh vào mồng một và rằm.
 Được biết, hoạt động phóng sinh đã đi vào thường lệ trong sinh hoạt của nhóm An Tựu ở ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Như thường lệ, cứ đến ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, nhóm sẽ cử người xuất quỹ mua các con vật dễ thích nghi với môi trường nhất như cá, ốc, lươn,… Hoạt động này được duy trì suốt hơn 4 năm qua (kể từ đầu năm 2011) với số lượng người tham gia lên đến 150 người. Con số này có thể tăng gấp nhiều lần vào những ngày lễ lớn như lễ Phật Đản.

Phước báu phóng sinh như kinh đã dạy: Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật

Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.
Kinh Chánh pháp niệm có dạy: “Tạo một ngôi chùa chẳng bằng cứu một sinh mạng.” Công đức phóng sinh to lớn đến như thế!
Trong kinh Phạm võng, Bồ Tát Giới sám văn có dạy: “Phật tử không được tự mình giết hại, dạy người giết hại, dùng phương tiện giết hại, tán thành việc giết hại, hoặc thấy người khác giết hại mà vui mừng tán thành. Tất cả các loài có sự sống, có sinh mạng, đều không được giết hại. Bồ Tát phải luôn phát khởi, gìn giữ tâm từ bi, hiếu thuận, dùng phương tiện mà cứu mạng, bảo vệ cho tất cả chúng sinh. Người thích sát sinh thì làm ngược với bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy là phạm vào tội ba-la-di của hàng Bồ Tát.”

Trong kinh Phật có dạy rằng, nếu không giết hại, làm việc phóng sinh thì được quả báo tuổi thọ dài lâu; giữ giới không giết hại thì giải trừ được mọi oán thù, nuôi dưỡng được tâm từ bi, làm nảy nở hạt giống Bồ-đề.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: "Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết."
Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng: "Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn." Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
Trong kinh Phật diệt độ hậu quan liệm táng tống có dạy rằng: “Nên giữ theo tâm từ, ban trải ân huệ đến muôn loài, xem thân mạng muôn loài chúng sinh như thân mạng của chính mình. Mở rộng lòng từ bi, dùng thân mình mà giúp an ổn cho muôn loài, tức là mở con đường hạnh phúc cho chúng sinh. Bảo hộ thân mạng muôn loài, thấm nhuần đến cả cỏ cây, khiến cho muôn loài đều không phải dứt tuyệt.”


Quả báu phúc đức phóng sanh đem lại 10 điều mà chư Tổ đã đúc kết:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát. 
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.
3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn. 
4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng. 
5.  Chỗ        mong cầu    được  toại    nguyện. 
6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thạnh, gặp nhiều thuận lợi. 
7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ. 
8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não. 
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn. 
10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh độ thì được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Chư Tổ cũng từng dạy:
 Muôn loài chúng sinh cùng với ta trong luân hồi từ vô thủy đến nay đều đã từng là anh em, thân quyến. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sinh cũng giống như cứu vớt người thân của mình. 
 Muôn loài chúng sinh cùng với ta trong luân hồi quá khứ đều đã từng là oan gia cừu địch. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sinh là cơ hội có thể hóa giải oán thù, chấm dứt sự oan oan tương báo.
Như thế, phóng sinh là một trong nhiều phước báu quan trọng của Phật tử tại gia lẫn xuất gia. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa phóng sinh là tha mạng sống của một sinh vật, đối với người tu, việc phóng sinh còn mang một ý nguyện độ tận. Bồ Tát Địa Tạng từng bảo: chừng nào chúng sanh trong địa ngục không còn, Ngài mới thành Phật; đó là chúng sanh tánh, phóng chúng sanh tánh là từ bỏ cái tôi vọng niệm ô trược của nghiệp thức để trở lại chơn như tánh, Phật tánh, một khi hành giả buông thả chủng tánh chúng sanh ô trược là Pháp thân hiển lộ, đó là công đức phóng sanh của các hành giả.

Trở lại hành trạng phóng sanh hiện nay, từ chỗ tâm thiện biến thành việc làm bất thiện mà nhiều ý kiến kết án việc phóng sanh. Thật vậy, chim thú đã trở thành đối tượng và là nạn nhân cho những kẻ sống trên mạng sống. Cầu nhiều thì cung nhiều. Những cuộc phóng sanh có định kỳ, có tổ chức tất phải có nơi cung cấp cố định, cái vòng lẫn quẩn làm phước rước vào cái tạo tội hiện nay, tại Thành phố lớn đều có hiện tượng giam cầm bắt nhốt một cách tàn tệ để có tiền mà cứ nghĩ cung cấp cho việc làm từ thiện. Đành rằng xưa kia không có phóng sanh ồ ạt thì việc bắt nhốt giam cầm cũng không tránh khỏi, nhưng việc giam cầm bắt nhốt được bảo dưỡng no đủ để bán thịt. Số lượng giam cầm bắt nhốt cũng không nhiều, ngày nay cần số lượng thật nhiều vào những ngày sóc vọng thì việc đói no đau khổ của sinh vật không cần quan tâm, việc phóng sanh làm phước trở thành hành hạ chim lồng cá chậu một cách bình thường. Kỹ thuật săn bắt ngày nay cũng tinh vi hơn, một cái máy phát tầng số siêu âm tương thích mỗi loài, tự động chim muông bay đến đậu ngay trên cây có gắn nhựa, cứ thế mà người bắt chim thoải mái bóc gỡ bỏ vào lồng. Kẻ mua đi bán lại thì có thủ thuật khác, cắt cánh, bỏ đói, cho uống nước đường nước thuốc để chim không bay xa được. Chim chết trong lồng hay ra khỏi lồng rồi chết là chuyện người bán lẫn người mua không cần quan tâm. Không những chim mà ngay cá cũng thế, người thả cứ thả, kẻ giăng lưới chích điện thì cứ chích điện giăng lưới. Từ thiện trở thành cái vòng lẫn quẩn, thiện và ác cách nhau kẽ tóc đường tơ. Có người bảo, thả là việc của mình, bắt lại là việc của họ, thiện và ác luôn là cặp đôi trong cõi đời. Có người lại khuyên không nên phóng sanh tiếp tay cho kẻ ác sinh sống thoải mái. Cũng có kẻ nói - thà ác với thú mà tạo cuộc sống cho con người vẫn hơn...

Tất cả là ý kiến không toàn vẹn, nếu bảo thả là việc của mình, bắt là việc của họ nghĩa là mặc cho họ làm ác, gián tiếp tạo ác nghiệp cho họ? Nhưng chả lẽ vì cái ác của họ mà mình từ bỏ hành thiện? Nếu nói thà ác với thú mà tạo cuộc sống cho con người chẳng khác nào xúi dục họ sát sanh thì còn ý nghĩa gì việc phóng sanh làm phước? Dĩ nhiên không vì việc làm ác của kẻ khác mà mình khước từ công hạnh hành thiện. Chỉ dừng lại hai trạng thái phóng sanh và giam nhốt chúng sanh để trở thành chiếc vòng lẩn quẩn bế tắt, lúng túng cho những tấm lòng từ thiện và khách quan bất mãn trước hiện tượng mâu thuẫn đó. Ngoài người thả và kẻ bắt nhốt, còn có những yếu tố khác tác động hoặc cởi mở hoặc cột trói sự bế tắt trên.
Thứ nhất là ý thức đạo đức, nếu kẻ bắt nhốt có lương tri, hiểu nổi đau khổ của con vật thì việc bắt nhốt cũng sẽ có cách giải quyết nhân đạo hơn. Ví dụ không nhốt quá nhiều, không bỏ đói, không cắt cánh, không cho uống nước đường, điều nầy khó mà đòi hỏi tính tự giác của người bán... Người thả không đặt hàng trước, gặp đâu thả đó, không nhất thiết phải đủ số lượng theo chỉ tiêu, làm việc thiện mà có chỉ tiêu trở thành bị ràng buộc mất ý nghĩa, đưa đến mất phước, không nhất thiết phải nhờ chùa chú nguyện và không cần dùng hành động phóng sinh để trao đổi phước báu mong cầu. Không mua chim trong lồng nhốt quá nhiều, không mua chim ốm đói, giao kèo với người bán khi thả chim không bay và mất sức sẽ không trả tiền... Có những điều kiện ràng buộc nghiêm khắc thì người bán chim sẽ không vì lợi nhuận mà tạo sự đau khổ cho chim hoặc cá…

Đó là những giải pháp tạm thời chứ không thể vì sự khổ đau chết chóc của cầm thú mà không phóng sinh. Không thể bắt nhà chùa đuổi những người bán ra khỏi cổng chùa. Ngoài phạm vi chùa thì tình trạng buôn bán như thế cũng vẫn xẩy ra, không giúp gì được sự đau khổ cho loài cầm thú đang bị nhốt được tốt hơn. Nếu có thể, nhà chùa nên giải thích và khuyên kẻ bán không nhốt quá nhiều, không dùng những thủ đoạn làm đau khổ sinh thú. Ngoài ra mình không có quyền cấm đoán người bán hoặc khuyên không được phóng sinh.

Nhờ thế mà các chủ thầu chim chóc sẽ không thu gom để cung ứng với số lượng đòi hỏi. Một yếu tố khách quan khác là do trình độ nhận thức của xã hội, giáo dục đạo đức mà các nước tiến bộ họ không bao giờ hành hạ súc vật. Tây Ban Nha, thị trấn Trigueros del Valle (tỉnh Castilla y León)  là quốc gia có truyền thống đấu bò, thế mà đã có đạo luật dành cho cư dân cầm thú, phải chăng đây là ý thức nhân đạo đối với gia súc? Một xã hội có nền giáo dục tốt, đạo đức xã hội cao thì ý thức của người dân cũng được nâng cấp. Chuyện lạm dụng lòng tốt của kẻ khác để mưu lợi không phải là chuyện lạ hiện nay trong xã hội ta. Đây là chuyện nhức nhối khiến công việc từ thiện khó xử. Tuy khó xử nhưng không vì thế mà lòng từ thiện bị chối bỏ.

Cũng có trường hợp hàng tháng góp tiền phóng sinh định kỳ, nhưng hàng ngày lại vào nhà hàng chỉ định những con thú đang nhốt để nhà hàng làm tiệc nhậu với bè bạn, đây có là sự công bằng giữa phước và tội???




BỐ THÍ cũng thế, bố thí là trạng thái chia sẻ cho nhau, nhưng kẻ thiếu lương tâm, lợi dụng sự bố thí để mưu lợi. Một gia cảnh đói nghèo, thỉnh thoảng được đoàn từ thiện đến cứu trợ, sau đó đem hàng cứu trợ bán để lấy tiền cờ bạc. Người bố thí qua lời giới thiệu mà không xác minh việc nghèo đói thật sự do đâu; bố thí thể hiện lòng từ nhưng thiếu trí tuệ thường bị lạm dụng. Người tàn tật được nhà hảo tâm tặng chiếc xe lăn, vài hôm sau lại thấy họ vẫn lê lếch dưới đất đi bán vé số, chiếc xe được bán lại với giá rẻ mạt mà nhà hảo tâm đã tần tiện chi tiêu trong gia đình để mua tặng kẻ tật nguyền. Một học sinh nghèo học giỏi, được mạnh thường quân trợ cấp học bổng, bị mẹ lấy tiền cờ bạc để con đi lượm bọc nilong... Tóm lại, hạnh từ bi của người con Phật thể hiện qua nhiều công hạnh luôn bị lạm dụng.






 Bố thí có ba hình thức: Tài thí-pháp thí-vô úy thí. Dùng tiền của vật chất để bố thí chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời nếu không kèm theo lời khuyên răn giải thích về nhân quả nghiệp báo để bản thân họ cải thiện ý tưởng và hành vi tốt hơn. Ngoài nhu cầu vật chất, hiện nay rất nhiều nơi sang băng dĩa kinh sách ấn tống đến từng gia đình hoặc pháp thí miễn phí nơi các bàn ăn trong quán, tiệm cơm chay. Đây là kế hoạch tốt, nhưng chưa chuẩn, vì có nhiều băng giảng không mang nội dung giáo lý nhà Phật, thậm chí đi ngược lại Phật giáo mà Ban văn Hóa và Ban Hoằng Pháp không thể nào kiểm duyệt hết. Cũng không thiếu băng dĩa mang tính mê tín hù dọa đức tin. Quần chúng chưa hiểu sâu giáo lý nên bị những lối giảng ru ngủ tâm lý cho đó là hay, ùn ùn xin theo quy y. Một số kinh như "bạch y thần chú" phổ biến tràn lan mấy ai xem, chi phí tốn kém mà không đạt kết quả giáo dục đạo đức. Bỏ thì sợ tội, để thì không biết làm gì... Hiện nay phong trào in và ấn tống kinh "đại thừa" những bộ lớn rất đắc tiền, từng có nhiều vị mặc đồ tu sĩ xin các nhà Phật tử hảo tâm nhiều bộ kinh như thế để chuyển về vùng sâu vùng xa như miền Trung miền Bắc. Thật ra những địa chỉ họ xin gửi về, không có hoặc có mà không ai đứng ra nhận. Kẻ giả danh đứng xin, đem bán lại các nhà phát hành kinh sách với giá rẻ, không bán được thì họ cân ký bán giấy vụn... Pháp thí có quá nhiều dạng, dù dạng nào cũng cần có trí huệ phân biệt đúng sai, đừng tiếp tay cho kẻ lạm dụng. Vô úy thí không chỉ an ủi, trấn an người đang đau khổ mà còn dùng pháp ngữ phân tích khổ đau, lo sợ đang gặp phải. Người có tâm chia sẻ, có hạnh lắng nghe cần hiểu giáo lý để giúp người đang khủng hoảng tinh thần hiểu đúng Phật lý. Đành rằng tất cả tùy thuộc vào nhân quả, nhưng không thể giải thích nhân quả một cách máy móc, ví dụ người A bị B phụ bạc do kiếp trước A phụ bạc B, thế thì kiếp trước do B phụ bạc A, cứ giải thích lòng vòng như thế thì nguyên nhân đầu tiên ở đâu? nó còn nhiều yếu tố của nhân và duyên nữa.

Tóm lại, làm từ thiện từ việc bố thí, phóng sanh, ấn tống... đều đòi hỏi người thực hiện từ thiện cần có sự hiểu biết sáng suốt để không tạo cơ hội cho kẻ khác lạm dụng, không tạo cơ hội cho kẻ khác phạm tội hoặc kẻ được mình giúp sẽ bị đau khổ thêm. Sự cân nhắc, không làm theo quán tính, tập tục sẽ tránh nhiều rủi ro cho mình và cho người. Sự hiểu biết, nhận xét, thái độ đem đến để giúp kẻ khác và ngôn từ khi giúp kẻ khác cũng góp phần quan trọng không ít. Kẻ nhận được sự giúp hoặc sinh vật được giúp mà lòng cay đắng đau buồn nhục nhã thì việc từ thiện như thế đồng nghĩa với tạo tội. Theo tinh thần nhà Phật: KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH - KHÔNG LÀM KHỔ NGƯỜI - KHÔNG LÀM KHỔ CHÚNG SANH ĐÓ LÀ HẠNH TỐI THƯỢNG.

 

MINH MẪN

04/8/2015

(tạm kết thúc )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét