Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

* LỄ BÁO ÂN

Mùa Thu, tháng bảy, thường gọi là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu của những người con Phật thuộc Phật giáo Bắc truyền.
Từ ngày lễ cài hoa được du nhập vào Việt Nam, tuy được tiếp biến nét văn hóa nước ngoài, truyền thống báo hiếu của người Việt đã có thêm nét đẹp nghệ thuật trong lễ cài hoa. Nghi thức cài hoa hồng tại Việt Nam khởi xuất từ cuốn sách "Bông Hồng cài áo" của thầy Thích Nhất Hạnh vào tháng 8 năm 1962, được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc rất nổi tiếng và rất truyền cảm. Suốt nhiều thập kỷ nhạc phẩm được sử dụng trong dịp báo hiếu vào mùa Vu Lan trong Tháng Bảy mưa Ngâu. Đã có nhiều ca ca sĩ từng hát nhạc bản "Bông Hồng cài áo" như: Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Miên Đức Thắng, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh...
Nguyên nhân, vào một dịp Thiền sư Thích Nhất Hạnh chứng kiến ngày lễ của mẹ về một tập tục đẹp mà thầy gặp ở Nhật Bản, thầy viết:
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...

Thay vì dùng hoa Cẩm Chướng như ở Nhật, thầy dùng hoa hồng để thích hợp với sở thích của người Việt. Từ đó, hoa hồng hai màu trắng đỏ, màu trắng biểu tượng mất mẹ mất cha và màu đỏ còn cha còn mẹ. Biểu tượng đó gợi nhớ ân sanh thành dưỡng dục của hai đấng cao sơn.

Lễ cài hoa chỉ là một phần của lễ báo hiếu. Báo hiếu xuất phát từ nguồn gốc của Phật giáo Bắc truyền với bản kinh ngắn -"Phật thuyết kinh Vu Lan Bồn" do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ sanscrit sang Hán vào đời Tây Tấn (750-801 sau công nguyên). Chữ Vu Lan phiên âm từ chữ Ullambana, nghĩa chữ Hán là giải đảo huyền, có nghĩa "cứu nạn treo ngược". Theo sự tích Thánh Tăng Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, qua sự hướng dẫn và giải thích của đức Thế Tôn. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) .
 
Kinh Thi có câu: “Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu, Sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hiếu thiên vãn cực”. (Cha sinh ra ta. Mẹ nuôi nấng ta. Thương Cha Mẹ lắm, vì sinh ta nhọc nhằn. Đến khi muốn báo đáp ân sâu, thì than ôi, trời cao không cùng!).
Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, có hai hạng người, ta nói là không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như vậy suốt một trăm năm, cho đến khi Cha Mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ Kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ Kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn Mẹ và Cha...” (Kinh Tăng Chi I-75)
Phật dạy trong Kinh Nhẫn Nhục: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì hơn bất  hiếu”.

Phật dạy: “Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ Kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.

Phạm Thiên, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ Kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ Kheo, là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời” (Phật thuyết như vậy, Cat, 7 - 503)

Hiếu và báo hiếu rất quan trọng với người con Phật cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Trước khi có tập quán báo ân nhân mùa Vu Lan, người dân vẫn biết cung phụng hầu hạ cha mẹ lúc về già. Con cái có dịp phụng dưỡng để báo hiếu mẹ cha trong xã hội ta. Các nước tiên tiến, cha mẹ già phải sống cô độc, cô đơn trong viện dưỡng lão. Con có hiếu lắm, cũng chỉ đáo lai thăm viếng vào cuối tuần, nhưng đa phần bỏ mặc mẹ cha hẩm hiu với bốn vách tường giữa những lão ông lão bà đồng cảnh ngộ.
Thời gian qua, hình thức tri ân báo hiếu của người Phật tử chỉ thể hiện trong mùa Vu Lan, với sự chứng minh của chư Tăng-Ni, đọc bài ý nghĩa và ghi nhớ công lao cha mẹ, tặng món quà tượng trưng và quỳ trước mẹ cha, ôm hôn, rồi cài hoa. Tuy chỉ có thế, nhưng đủ tạo cảm động cho những ai có mặt. Năm nào cũng tái diễn như thế trở thành lối mòn nhàm chán, đưa đến biểu diễn hình thức hơn là tạo ý nghĩa thâm sâu thật sự của việc báo hiếu. Năm nay, với góp ý của một Phật tử, gia đình chị Nguyệt tại Nghệ An đã thực hiện một nghi cách báo hiếu thật sâu sắc và đậm nét thực tế tại gia. Người Phật tử khởi xướng có tên là Pháp Minh, đã thực hiện mỗi ngày khi phục dịch thân mẫu ngoài trăm tuổi, vệ sinh chăm sóc hàng ngày một cách nhiệt tình và thật lòng, không tỏ ra gớm ghiết ghê bẩn như hầu hết những ai chăm sóc người già; chẳng những thế, sau khi cụ bà được sạch sẽ, anh còn ôm hôn bà cụ, làm bà cảm động và nói: -"Con cực với mẹ quá, mẹ bẩn thỉu mà con phục vụ không ngại ngùng..." - có gì đâu mẹ, anh đáp- mẹ đâu có hôi dơ gì, cũng đâu cực bằng mẹ đã vì con chăm sóc con suốt thời kỳ thơ ấu. Con lo cho mẹ như thế chả thấm vào đâu". Bà cụ rơm rớm nước mắt, cười sung sướng càng làm nhăn nheo thêm những luống cày trên má.
Chị Nguyệt cùng chồng cũng tổ chức báo hiếu có sự tham dự của anh em bà con trong ngày 24/8 vừa qua. Cụ ông sau khi được vợ chồng chị Nguyệt chăm sóc tận tình, nói lời yêu thương và đọc lên những suy nghĩ về công ơn cha mẹ, vòng hoa quàng vào cổ. Ông cụ cũng cảm động và những ai chứng kiến đều phấn khởi, tình nguyện năm sau họ xin được đứng ra thực hiện. Một giỏ trái cây được gửi từ cao nguyên chúc mừng thân sinh của chị Nguyệt, ông cụ đã tiếp chuyện với Pháp Minh bằng tâm thái vui vẻ sung sướng và cảm động.
Theo anh Pháp Minh, ta phải thể hiện báo hiếu bằng hành động cụ thể chứ không phải trình diễn như những thủ tục bao năm qua mỗi lần Vu Lan về. Tại sao hàng ngày ta không thể hiện hiếu thảo mà phải đợi đến mùa Vu Lan? Ông cụ thân sinh của Pháp Minh cũng ngoài trăm tuổi vừa qua đời năm ngoái. Khi ông cụ còn tại tiền, tuy rất bận rộn việc nương rẫy, anh ta vẫn chăm sóc song thân một cách chu tất, nay còn mỗi cụ bà, anh còn tận tụy hơn để thể hiện đúng chức năng của người con Phật. Theo Pháp Minh, mỗi mùa Vu Lan, ta nên tổ chức tri ân, báo hiếu tại nhà với sự tham gia của con cháu, để cháu con noi gương. Đây là sáng kiến báo ân qua hình thức tổ chức tại gia, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng để tăng thêm sự phong phú mùa báo hiếu của Phật giáo.

MINH MẪN

25/8/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét