Thứ tư, ngày 08 tháng hai năm 2012
MUÔN NẺO TRẦM LUÂN
Tháng chạp, trời mát dịu, Tuấn cuốc vài nhát cỏ mồ hôi đã thấm đẩm cả áo. Cái áo nâu vải thô Mỹ Chánh tặng, tuy đã giặt nhiều lần, mùi thơm vẫn còn phảng phát loại dầu xanh con Ó nàng xài.
Những ngôi mộ hoang nhiều năm không ai nhang khói, Tuấn đốt bó nhang đi cắm từng ngôi mộ phủ cỏ chung quanh. Đọc từng tên trên tấm bia như thói quen đến thăm viếng cuối năm mỗi khi tảo mộ ông bà. Đây là vùng đất hoang nằm sát chân núi Đại Lãnh. Dân cư trọng tuổi cố bám lấy sỏi đá mà sống. Đám trẻ bỏ làng bỏ xóm tha phương lập nghiệp. Chúng vào mãi tận vùng đất quanh năm ngập nước miền Tây
Mỹ Chánh trước khi vào Nam, cũng đã tâm sự nhiều về gia cảnh mình, nàng muốn Tuấn cùng đi; nhiều đêm năn nỉ trước mặt cha mẹ Tuấn, nhưng chàng vẫn khăng khăng từ chối. Gia đình hai bên cũng đã chấp nhận tình cảm giữa hai trẻ. Chúng chưa tiến đến hôn nhân vì chưa có sự nghiệp. Nhà Mỹ Chánh cũng chật vật không kém. Thôn xóm quanh năm không thiếu hụt thì cũng vừa đủ ăn giáp hạt. Trước ngày vào
Sáng sớm lên núi tìm củi, hôm sau gánh ra chợ. Mưa xuống là gieo mạ trên sào ruộng khô, chăm vài bầy gà để giỗ quảy; quần quật mãi mà vẫn không dư. Ông bà già được cái tuy ăn uống kham khổ, thân thể gầy đét, thế mà không hề bị trái gió trở trời. Do cuộc sống khó khăn mà chòm xóm ít ai lai vãng với nhau, vì thế cha mẹ Tuấn lủi thủi trong căn nhà tranh, sửa tấm liếp, may cái mền, vá chiếc quần rách gối. Thỉnh thoảng ông nhìn lên bàn thờ gia tiên như ôn lại quá khứ hay khấn nguyện gì đó. Tấm hình ông bà cố của Tuấn cũng bị hoen ố nên không còn nhìn rõ mặt. Tấm giấy hồng đào che vách phên trên bàn thờ ám đen, cũng mục rách nhiều chỗ. Thôn xóm yên bình sau ngày cuộc chiến chấm dứt, cũng sau ngày nầy mà đám trẻ bỏ làng bỏ xóm ra đi kiếm ăn nên thôn xóm càng vắng vẻ hơn. Những tháng cuối năm, gió se lạnh, thời tiết thay đổi nên không có những cơn mưa trút nước dai dẳng như xưa. Mấy tàu lá chuối không đủ sức phe phẩy trên thân gầy yếu thiếu dinh dưỡng. Mùa hè cây cối càng xác xơ hơn. Gió Lào vượt Trường sơn mang hơi lửa nung cháy cây cỏ. Mái tranh khô rúm như con vật đang nằm trên than lửa đỏ để che cái nóng cho người ở trong nhà. Dân làng mong khấm khá để xây dựng ngôi chùa tranh. Trên tỉnh quý thầy hứa nếu có chùa họ sẽ cúng dường Thánh tượng. Bao nhiêu thanh niên trai tráng đều vắng mặt, lấy đâu ra người lên non đón cây, cắt tranh về xây dựng. Các cụ cứ ước ao phục dựng lại trên nền cũ bị chiến tranh tàn phá. Thuở ấy, chùa sập, sư cụ vùi thây trong đống đổ nát đó, mấy mươi năm rồi vẫn không tái dựng lại được. Đình miếu cũng không có, người dân sống trơ trọi không còn điểm tựa cho niềm tin tâm linh, như cỏ cây trơ trọi giữa đồng mông hiu quạnh. Tuấn cũng từng được anh chị huynh trưởng Gia Đình Phật Tử ở Tỉnh cho đi sinh hoạt lúc còn ngành thiếu. Sau nầy, các anh chị đi xa, Gia Đình Phật tử không còn ai đến đưa đón, cho đến khi Tuấn trưởng thành, Phật giáo chỉ còn là một kỷ niệm lý tưởng.
Tiếng xe thồ ngưng đầu xóm, trẻ con hò reo đón người thân; cu Tĩnh từ Sài Gòn về, vai mang ba lô, hai tay xách giỏ trông nặng lắm. Chắc năm nay nhà ông bà Thông ăn tết lớn. Mấy đứa con đều tha phương lập nghiệp. Nghe tiếng chào, Tuấn ngẩng đầu cười, vẫy tay chào lại:
- Có tin cho anh đây – cu Tĩnh lém lỉnh nháy mắt cười.
Tuấn thầm nghĩ, bọn trẻ sống ở thành phố có khác, không còn bản chất ngây thơ hồn nhiên như xưa. Cu Tĩnh ngày xưa ốm yếu bao nhiêu, xa quê không bao lâu đã thành một thanh niên tràn trề sức sống. Tuấn nghĩ ngợi mông lung về Mỹ Chánh. Mặt trời khuất núi, cố le lói vài tia sáng để nhường lại hơi lạnh phủ trùm lên thôn làng. Tuấn rửa tay, dọn cơm mời cha mẹ, ăn vội, đi qua nhà ông bà Thông cách bốn hàng rào bông bụp. Cả nhà vui vẻ bên mâm cơm tối, ông bà Thông nhìn cu Tĩnh như tuồng mãn ý lắm. Bọn trẻ trong xóm bu quanh ngoài cửa trầm trồ nhìn cu Tĩnh như một người hùng về từ mặt trận. Đứng lên, cu Tĩnh móc trong ba lô phong thư của Mỹ Chánh, đưa cho Tuấn.
Nằm trên chiếc võng, đong đưa kẽo kịt, ánh sáng đèn dầu làm cho những con chữ nhảy múa hay nội dung trong thư làm cho Tuấn bất an!
- Con có tin gì về Mỹ Chánh không? Mẹ Tuấn đánh tiếng hỏi
- Dạ có, nó gửi bánh mứt tết, quà của công ty thưởng. Nó không về được, có lẽ sang năm mẹ à.
Nói để mà nói cho qua chuyện chứ lòng dạ Tuấn bồn chồn lắm, phố thị đâu bằng thôn quê, tuy nghèo khó mà an lạc. Thành phố vạn sự đều phải tiền, lương công nhân ba cọc ba đồng lấy đâu ra có dư, cũng chẳng có thì giờ để tìm thêm việc làm. Đâu cũng có cái khổ riêng. Thân gái dặm trường không thân nhân quyến thuộc như Mỹ Chánh, ắt phải khó khăn chật vật với cuộc sống nơi đô thị. Trong thư vỏn vẹn mấy hàng, báo cáo công ăn việc làm, hỏi thăm sức khỏe hai gia đình, nhưng nội dung thư có cái gì lấn cấn mà Mỹ Chánh không bộc lộ. Tuấn để ý đoạn cuối thư, Mỹ Chánh viết nguệch ngoạc tuồng như vội vã: “Anh đừng trông đợi em mà ảnh hưởng sức khỏe, hãy lo cho cha mẹ nhé”. Tuấn gọi cu Tĩnh ra sau vườn cật vấn. Tuy Mỹ Chánh làm công nhân, cu Tĩnh làm nghề tự do, những bạn đồng hương thường ở những khu nhà trọ gần nhau, nên họ biết nhau về cuộc sống.
- Chị Mỹ Chánh làm mất xe của bạn chung xưởng, phải trừ lương hàng tháng anh à. Cu Tĩnh nói thật khẽ như sợ ai nghe được. Tuấn hoang mang lo lắng. Cu Tĩnh nói tiếp : - ông ở công đoàn ứng tiền trả giúp chị ấy, chẳng biết có lấy lại tiền lương tháng của chị không, nhưng chị dặn em đừng cho anh biết. Cu Tĩnh nói tiếp –ông đó tốt lắm, giúp đỡ chị nhiều lắm. Hình như chị cũng không tốn tiền ăn thì phải, ông ta lo tất. Lúc nầy chị không đen như ở quê nữa. Tuy không sửa soạn nhiều nhưng trông chị không giống gái quê đâu.
Hình như Tuấn hiểu ra điều gì; Mỗi hoàn cảnh mỗi khổ khác nhau. Quê nghèo tiền nhưng tâm hồn an ổn. Phố thị phồn hoa là cạm bẫy mọi điều. Từ tăm tối chuyển sang cuộc sống đèn màu thì tâm hồn cũng phải muôn sắc.
* * *
Tiếng la khóc van xin của một phụ nữ bị bọn bắt cóc hãm hiếp trong góc tối. Nhiều người mất nhà mất đất tụ tập trước cơ quan công quyền. Trẻ con ốm đói áo quần rách rưới cầm cái ca sứt quai đứng co ro ngoài cửa tiệm ăn. Chập choạng hình bóng một phụ nữ son phấn lòe loẹt vừa trốn chồng, cầm tay một đàn ông sang trọng vội vã chui vào xe hơi bóng lộn. Kìa, Mỹ Chánh đang nằm trong vòng tay của gã đàn ông xa lạ, tay vẫn còn cầm xấp tiền. Chập chờn các bóng ma đói thèm thuồng nhìn phố chợ nhộn nhịp đầu Xuân. Tiếng gia súc kêu la cầu cứu khi bị mổ thịt. Có ai đó đứng sau lưng bóp cổ Tuấn, chàng cố vùng vẫy ú ớ…
- Tuấn à, tiếng bà mẹ nằm bên giường trong buồng gọi,
nhưng Tuấn vẫn không nghe, bà lay Tuấn dậy, mồ hôi ướt đẩm chiếc gối và áo thun. Giấc mơ thoáng chốc mà ngỡ như cả cuộc sống lâu dài. Hơi lạnh sương khuya làm chàng tỉnh giấc. Một cảm giác buồn xuyên suốt trong tim, chàng hiểu, cuộc sống là thế, luôn xẩy những điều không ai mong muốn. Những ngôi mộ trẻ, những bất an ngang trái của đời người luôn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những tâm hồn đam mê, tham luyến kiếp vô thường. Nhắc lại trong đầu Tuấn: Đời là bể khổ, là trầm luân.
Chàng ngồi dậy, nhìn vào bóng đêm phủ trùm cảnh vật, tự hỏi: Đâu là ý nghĩa cuộc sống làm thân người? Phải chăng trong bể khổ vẫn có chất an lạc?
Tuấn nhớ lại lời giáo huấn của thầy cố vấn giáo hạnh năm xưa: “khổ đau là chất liệu của an lạc”. Tuấn chưa bao giờ nếm được hạnh phúc, nguồn vui trọn vẹn, nhưng những đau thương dồn dập của con người diễn ra hằng ngày đã làm cho trái tim Tuấn tê dại. Những giây phút như thế, Tuấn không còn biết buồn, vui, thương ghét nữa. Đọc lại lá thư của Mỹ Chánh, những con chữ không còn nhảy múa như lúc đầu, giờ đây, chúng biến thành những hoa đốm giữa hư không. Màu nâu của chiếc áo nàng tặng cũng trở thành màu đất sét khô khốc trên các ngôi mộ. Một luồng gió Xuân thổi qua, đẩy những đom đóm lập lòe phiêu dạt giữa màn đêm.
MINH MẪN
01/1/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét