Tiêu đề Vesak 2025 là nói đến Tuệ giác của Phật giáo
vì Hòa bình Thế giới và phát triển bền vững.
TUỆ GIÁC là gì?
Tuệ giác là trí tuệ của
bậc giác ngộ, nơi đây hàm nghĩa đem trí tuệ
trong Phật giáo áp dụng vào đời sống; Sự
nghiệp của hành giả, mục đích đạt đến trí tuệ của bậc giác ngộ gọi là : “Duy tuệ
thị nghiệp”.
“Tuệ giác vì hòa bình
Thế giới và phát triển bền vững” là trí tuệ giác ngộ chỉ vì mục đích cho hòa
bình Thế giới và sự phát triển bền vững trên thế giới???
***
Dĩ nhiên trong một lễ hội mang tầm quốc tế do
Phật giáo đăng cai phải cần có một tiêu chí của Phật giáo để áp dụng cho sự vận
hành chung trên thế giới.Do tính chất nhiễu loạn, phân hóa ngày nay hầu hết
trong các quốc gia thế tục, trách nhiệm của Phật giáo không thể đứng ngoài, bình
chân như vại.”Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề,
cáp như cầu thố giác” câu này cho thấy thế gian pháp tức Phật pháp.
Bình thường đức cảm hóa
của nhà Phật chỉ khoanh vùng trong xã hội quanh ta, khi được quốc tế hóa từ năm
1999, ngày 15/12 tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Đại hội
đồng đã chính thức biểu quyết thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là lễ Tam hợp ( ba sự kiện
quan trọng là sơ sanh, xuất gia và nhập Niết Bàn), tổ chức tại trung ương trung
tâm LHQ ở Newyork Hoa kỳ và các trung tâm tại mỗi quốc gia có Phật giáo kể từ
năm 2000.
Đại lễ Vesak lần đầu tại
Thái vào năm 2004, sau đó năm 2008 VN đăng cai, những năm tiếp là 2014, 2019,
2025. Mười sáu lần tổ chức còn lại do Thái Lan thực hiện. Năm sau 2026 Trung quốc
cũng muốn có mặt trên diễn đàn Vesak quốc tế.Mỗi kỳ tổ chức đều nêu khẩu hiệu
làm mục tiêu.
Trở lại mục tiêu năm
2025, Vesak mang một sứ mạng xem như quá to lớn. với tiêu đề này,Tuệ giác Phật
giáo không chỉ mục đich của hành giả thoát ly Tam giới, mà còn hồi đầu độ thế để
có câu “Tuệ giác Phật giáo vì ‘Hòa bình Thế giới và phát triển bền vững”.
Tiêu đề cho thấy một lý
tưởng nhập thế của tâm Bồ tát đem Tuệ giác để phục vụ. Nhưng tâm Bồ tát chỉ là
hạnh nguyện,còn khác quá xa quả Bồ tát.Một hạnh nguyện khó mà chuyển hoá nghiệp
quả nhân loại, bởi hạnh nguyện do khởi tâm của tập thể, một tập thể còn nhiều lợn
cợn chủng tử bất thiện, còn trôi lăn trong sanh tử, mà muốn cứu vớt nhân loại tử
sanh?
Hòa bình tự thân thiếu
trú dạ lục thời đã là khó đạt, Hòa bình tập thể nhân loại phải chăng là cõi
Tinh độ của Đức Phật Di Đà, hay các cảnh giới do đại nguyện của chư Phật thiết
lập? Tiêu chuẩn về cảnh giới Tịnh độ cần có “Tín, Hạnh, Nguyện”, Làm sao nhân
loại thuần túy đủ đức tin về Phật giáo để hành trì Tín hạnh nguyện đem đến hòa
bình cho thế giới?
Tự thân Phật giáo khó
mà áp dụng tuệ giác từng cá nhân để đem đến hòa bình chung. Trong tâm tưởng cá
thể có đủ tính chất của sáu cõi; lúc thánh thiện là cõi Trời, khi nhân hậu bình
ổn là chất người, nỗi tam bành lục tặc, sân hận, hung hăng, muốn chiếm đoạt cái
không phải của mình là A tu la, tâm hồn tăm tối vô minh độc ác đau khổ là tính
chất của địa ngục.Thể hiện sự thèm khác tham lam không bao giờ biết đủ là ngạ
quỷ, sống bằng sinh mạng khác loài, thiếu sự khôn ngoan, sinh hoạt bằng bản
năng là súc sinh. Nói chung là Tam độc (tham sân si), hạt giống đó ăn sâu vào
máu huyết của mọi sinh loại, tùy cơ duyên mà bộc phát. Những hành giả tu miên mật
chuyển hóa những hạt giống đó mới thăng tiến tâm linh, lúc bấy giờ Tâm bình mới
có thế giới bình.
Như thế Tuệ giác Phật
giáo vì hòa bình là do “hạnh hay quả”, gieo nhân mới thành quả, hạnh nguyện
chưa đủ năng lực thành quả mà chỉ là lý tưởng cho một ước nguyện.
Tuệ giác Phật giáo vì
hòa bình thế giới mang tính lý tưởng hơn là thực tế.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phát triển mặt nào?,
phát thế nào?
Xã hội nhân loại mỗi
ngày một phát triển, khoa học kỷ thuật, y học, kiến trúc, giáo dục, cầu cống,
tiện nghi, giao thương, kinh tế, chính trị…Phát triển đem lại hạnh phúc cho
nhân loại hay phát triển do tham dục đem lai khổ đau. Hãy xác định mức phát triển,
tính chất phát triển và mục đích phát triển. Cùng một vấn đề đều có hai mặt
tương phản, biết chọn mặt tích cực thì giá trị mức phát triển được đề cao.
Y học ngày nay có thể
thay đổi cắt ghép nội tạng là mức phát triển so với những thế kỷ trước, nhưng
dùng phát triển tiến bộ cướp mổ nội tạng để cắt nối cho nhu cầu khác là tiêu cực
khó chấp nhận.
Khí tài quân sự phát
triển quá nhanh, dùng để trấn áp cướp đoạt nước nhỏ, gây chiến tranh thì sự
phát triển thiếu đạo đức.
Phát triển kinh tế,
không để nước khác qua mặt, tìm mọi cách dìm đối phương đó là lối phất triển
thiếu lành mạnh.
Phát triển bền vững không
cần có phẩm chất đạo đức thì “tuệ giác
Phật giáo vì phát triển” không thể gọi là bền vững. Người làm kinh tế vô đạo đức
có thể phất nhanh nhưng không thể bền vững; tiến mạnh thiến nhanh như người
chưa đi đã chạy thì khó bền sức.
Một hành giả chuyên tu
Huệ mà không cần tu phúc, nếu đắc quả thì gọi là “càn huệ địa” .Ngày xưa có một
tỳ kheo đi khất, chẳng ai cúng, Phật giải thích do chuyên tu huệ mà xem thường tu
phúc. Phúc huệ song tu là vậy.
Phất triển bền vững phải
phát triển trên nền tảng đạo đức. Tuệ giác thiếu lòng từ khác nào như vị tỳ
kheo vừa nói.
***
Làm thế nào để thực hiện
tiêu chí: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người– Tuệ giác Phật giáo vì
hòa bình thế giới và phát triển bền vững”?
Con người là nền tảng của
xã hội, muốn giải quyết mọi ách tắc , bất bình đẳng trong xã hội phải giải quyết
từ con người.
Ngoài những tín giả
trong Tôn giáo tự nguyện chuyển hóa nội hàm thì một tổ chức muốn xây dựng xã hội
theo chiều hướng đạo đức và đạo lý Tôn giáo, phải thường xuyên có lớp đào tạo,
tập huấn phục vụ cho mục tiêu dài lâu. Tiêu chí không phải quảng cáo hô hào
theo phong trào nhất thời, Phật giáo có sứ mạng đóng góp cho nhân loại, không
thể ngồi chờ nhân loại đến để mình chuyển hóa.Tuy Phật giáo có mặt rất sớm so với
các Tôn giáo hiện nay, nhưng do tính thụ động mà tín đồ Phật giáo không nhiều. Có
những Tôn giáo đi gõ cửa từng nhà ở Mỹ để truyền bá hay phân phát sách cầm tay.
Cũng từng có Tôn giáo một thời cưỡng bức hôn nhân để phát triển tín đồ, tuy ngày
nay không còn, nhưng luôn vận dụng những kẽ hở để cạnh tranh Tôn giáo.
Nếu đoàn kết và bao dung
tự thân vẫn còn bỉ thử, đó chỉ là đoàn kết bao dung bề mặt, bằng mặt mà không bằng
lòng, chắc chắn khó bền lâu. Và bao dung vì nhân phẩm con người mà đoàn kết thì
mục đích có điều kiện.Tinh phần phục vụ của Phật giáo trong kinh Kim Cang, “không
thấy mình bố thí, người được bố thí, vật bố thí mới được gọi là bố thí trọn vẹn
và đúng nghĩa của bố thí.
***
ĐOÀN KẾT VÀ BAO DUNG VÌ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI
TUỆ GIÁC PHẬT GIÁO VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN
VỮNG
Ngôn từ là phương tiện
diễn đạt, tuy tiêu chí cho một Đại lễ vẫn chưa thoát khỏi tính khách thể qua chữ
VÌ, và Phát triển bền vững chưa đủ yếu
tố đạo đức thoát khỏi tính tiêu cực, nhưng dù sao vẫn thể hiện trách nhiệm Phật
giáo đối với xã hội hiện nay.
VESAK không chỉ là lễ hội
Phật giáo, mà còn hướng tiêu chí đến phục vụ nhân loại,quan trọng là thực hiện
thế nào đi đến kết quả để thời gian khỏi chìm lặng như tiếng Hạt kêu sương, như
rêu phong trên miếu cổ!
MINH MẪN
13/5/25