Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

CÙ LAO THÚ VỊ


Ngày 7 và 8 tháng 11 năm Giáp Thìn, cũng trùng ngày dương lịch tháng 12 năm 2024, chùa Liên Trì thuộc ấp Đông Thạnh,xã An Thái Đông,huyện Cái Bè,tỉnh Tiền Giang tổ chức húy kỵ Tổ khai sơn cùng chư tiền hiền liệt tổ truyền thừa duy trì và phát triển ngôi Tam bảo đến hôm nay.

Chùa  hiện tại do thầy Tịnh Huệ trụ trì, thầy Tâm Thông thừa nhiệm quản lý, chăm sóc mọi sinh hoạt trong tự viện. Tuy nằm trên vùng đất bốn bề bao quanh sông nước, dù bị cô lập về địa lý, nhưng sinh hoạt của người dân nơi đây được kết nối  đất liền bằng ghe đò, xuồng máy.

Chính do bị cô lập trên vùng đất được xem là hòn đảo lớn, chùa nhìn ra sông, hướng mặt trời lặn, yên ả lạ thường.Tuy không phải là cổ kính, cũng chả mang dáng dấp kiến trúc tân thời nặng nề như các ngôi Tam bảo nơi phố thị rộn ràng.Những chú tiểu quê vẫn ngày cắp sách đến trường, ngoài giờ, được cô Mỹ Hiền hướng dẫn thêm Anh ngữ .Tăng phong đạo cách nơi đây được quần chúng ngưỡng mộ tôn kính.

Trang trí ngoại điện đơn giản, hoa đèn, quả vị,thực phẩm khá sung túc mang hương vị miền quê. Quần chúng địa phương quy tụ chật cả khuôn viên mà ngày thường, vườn cảnh hoa viên vẫn không phủ lấp sự trống trải sân chùa.

Bến sông trước mặt chùa, khi trời lặn, bên kia sông xóm nhà là một khối sương mờ được viền sáng bởi bóng chiều tà, phản chiếu dưới bóng nước tạo thành thế giới đảo ngược hư hư thực thực, tương thích với thế giới ảo ảnh trên không gian tâm thức.

Âm thanh đại Hồng chung sáng chiều lướt mặt sóng vươn xa, nhẹ nhàng len vào từng thôn xóm, báo hiệu sinh hoạt một ngày bắt đầu hoặc chấm dứt một ngày lao động; chim chóc cũng rời tổ tìm mồi hoặc bay về ủ ấm bầy con chờ hơi ấm.

Liên Trì mang dáng dấp chùa quê thời bình, xóa nhòa vết loan thời chinh chiến mà tiền hiền liệt Tổ ra công dựng xây.Những lễ hội đánh thức năm tháng đã chìm lắng cho người dân trên vùng đất cù lao còn nhớ những tháng ngày bon chen với cuộc đời vẫn còn có một góc tâm linh mang hồn dân tộc trên quê hương.

Trong thời kinh tế thị trường báo hiệu nhiều khó khăn, người dân khắp nơi, kể cả xa xôi như Bà Rịa Vũng Tàu, TP Ho chi Minh, các tỉnh lân cận  vượt khó, có mặt góp vui cho lễ hội.Cuộc sống cho dù thế nào, đức tin cũng không hề suy giảm.Dân địa phương, một số anh em chạy vòng ngoài, đưa đón khách Tăng rất nhiệt tình.

Ngoài số phẩm vật tín đồ các nơi dâng cúng, đặc biệt, gia đình bác Tư Tây ( còn gọi là bác Tư Liên),ở xã Mỹ Lương hai người con gái, con dâu cũng nhiệt tình phục vụ.

Một cuộc lễ trang nghiêm, không kèn trống ồn ào, thật đáng nhớ.

                                                      ***

Một đêm trú lại chùa quê, sân sau nhộn nhịp lửa hồng,bóng người làm bếp như  ong vỡ tổ. Trên căn gác hẹp, chư Tăng đàm đạo những tháng ngày chưa được mở lòng; từng nhóm nhỏ chia nhau tâm sự.

HT Hoằng Nghi, tuổi ngoài 80,đệ tử của cố HT Trí Tịnh, có tầm nhìn khá thoáng, ngài quan niệm: “chùa có chi sống nấy, không vận động xin xỏ, không nhận của bá tánh quá nhiều, tiền có thể nhận chút ít cho dân vui, không quá  mười ngàn đồng, không tích lũy. Xưa kia chư tổ tự túc cuộc sống mà vẫn tu chứng đắc; HT Phổ Tuệ, pháp chủ mà vẫn ra đồng cày cuốc, uy đức rạng rỡ, ,tuệ trí hơn người. Cổ đức thường khuyên – thâm tín chư Phật giai sung mãn, chỉ sợ mình không lo tu chứ đừng lo đói. Người thật tu, không giàu có nhưng chẳng đói bao giờ. Chính lo làm giàu, lo tích lũy, BON CHEN DANH LỢI TÌNH nên nội lực suy giảm, đánh mất chơn tâm, hiện tướng phàm tục mới bị quần chúng chê trách.”

Một xã hội, một tập thể bị nhuộm đen thì ai cũng như ai, không có một điểm sáng.Trong tăm tối ấy bổng xuất hiện một hiện tượng khác thường, không bị ô nhiễm, tức nhiên do bảo thủ bản ngã, óc đố kỵ phát khởi, cảm thấy bị xúc phạm không đồng bản chất, liền chống đối không chấp nhận, cho dù hiện tượng đó có tốt cách mấy.Trong rừng hoang, một con khỉ lạ xuất hiện, bầy khi rừng sẽ tấn công đối tượng lạ, đó là chuyện thường!

Nói như thế không phải hầu hết, cũng có những tâm hồn thoáng đạt, biết nhìn và chấp nhận cái hay, cái tốt của một hiện tượng mà chính mình không làm được, nhưng quá ít những vị cầu tiến.

Thành hội Thành phố, Giáo hội thường có  khóa tu 10 ngày tại Việt Nam Quốc Tự cho chư Tăng ni, bồi dưỡng trụ trì hầu chỉnh đốn Tăng phong đạo cách, lấy lại uy tín cho tu sỹ. Liệu đạt bao nhiêu phần trăm nếu tu sỹ không tự mình hướng nội phản quang??? Xưa kia, chưa có các trường Phật học, chưa có Tiến sỹ, cử nhân..lớp gia giáo trong chùa, thầy dạy cho đệ tử, ngoài kinh điển còn oai nghi Tăng cách, khi ra trụ trì quý thầy xứng đáng là bậc Thiên nhân sư, nhờ vậy mà trải qua bao thời cuộc thăng trầm, mạng mạch Phật giáo vẫn tồn lưu.

 Ngày nay, một vị Tiến sỹ sau khi du học về, thường phát ngôn lệch lạc, thiên về thế học, nặng về duy lý tục đế, lạc dẫn giáo lý, kinh điển, suy diễn theo hiện tượng;  cơn đau của đức Phật sau khi ăn tô cháo nấm chân heo của Thuần Đà, một tiến sỹ bảo là đức Phật bị ung thư bao tử, Tiến sỹ khác tốt nghiệp từ Đài Loan bảo La  Hán vẫn còn mộng tinh, Tiến sỹ khác xuất thân từ đại học Nalanda bảo La Hầu La con của thái tử Tất Đạt Đa lấy tên từ sao La Hầu…còn nhiều vị do thu nạp kiến thức một chiều, nặng về  thế trí nên suy diễn quá xa kinh điển.

Khoa bản, học vị trở thành danh ảo thời đại. Đức Phật, chư tổ không có một bằng cấp, thậm chí không biết chữ như lục tổ Huệ Năng đều là nhân tố trường lưu Phật pháp gần ba ngàn năm qua.Nếu ta viết: TS Huệ Năng, TS Thich Ca, TS Ananda, TS Ca Diếp…nghe vướng tai thì ngày nay hai chữ Tiến sỹ đứng đầu họ Thích đã trở thành hãnh diện, cho dù bằng TS mua, TS thuê viết, TS danh dự…

Một vị từ nước ngoài về quê thăm thầy, hãnh diện giới thiệu: “con đã tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Tôn giáo học. Thầy nghe xong , hỏi lại – thầy tốt nghiệp TS vậy đức Phật tốt nghiệp bằng gì?

Xã hội phát triển, con người phát triển, đương nhiên tôn giáo cũng phải phát triển tương thích với kiến thức thời đại. Phật giáo không thể theo nếp gia giáo xa xưa. Việc cập nhật kiến thức để triển khai giáo lý chứ không phải đi ngược lại kinh điển. Muốn không bị thế học và thế trí lạc dẫn, tu sỹ cần hướng nội hành trì để duy trì giềng mối đạo đức và trí tuệ. Thuần về kiến thức thế gian sẽ đi vào vết xe DANH-LỢI-TÌNH mà vô số người đã sa ngã, tức Phật pháp suy đồi như hiện nay.

                                          ***

Một HT cao niên miền Tỉnh trải qua nhiều thờii kỳ, un đúc nhiều kinh nghiệm giúp cho Tăng trẻ có một định hướng, nhưng liệu những kinh nghiệm đó đủ lay động thế hệ Tăng ni ngày nay, không những bị cuốn hút vào đời sống thực dụng, còn bị ràng buộc trong một tổ chức nặng về pháp lý và hành chánh, thời gian đâu để phản tỉnh quy chân?

Giữa đêm trường, lời tâm sự của bậc chân tu cao niên, giữa rộn ràng lễ hội, giữa không gian miền quê bao la, như những hạt mưa trong mùa khô hạn lọt thỏm trên giòng sông vây quanh, vẫn là đêm trên một cù lao thú vị, đáng nhớ!

 

MINH MẪN

12/12/2024