Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

SÁNG KIẾN HAY TÀ KIẾN?

 


Các Tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, kể cả Tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, đều chủ trương không thiêng trọng hình tướng. Ngày xưa, khi Phật lên cung Trời Đao lợi giảng pháp, Đức Anan xin Phật cho tạo hình ảnh đức Phật để  người ở thế gian chiêm ngưỡng khi Phật vắng mặt, nhưng Đức Phật không đồng ý, bèn lấy cây Bồ Đề làm biểu tượng. Chính vì thế, kinh Kim Cang bảo: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, cũng có câu “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo,bất năng kiến Như Lai”.

                                                          ***

Thế nhưng, thời gian càng xa nguồn gốc, tâm vọng ngoại càng phát sanh lắm tà kiến; do chuộng tướng nên xa rời tánh, gọi là tu tướng, thật ra tướng tu chả thấy mà chỉ thấy ngày càng phát kiến xa rời Phật pháp.Hành giả không trụ tâm hướng nội, sớm thì muộn cũng lạc vào rừng tà kiến.

Nghi lễ rườm rà thuộc về những Tôn giáo đa Thần xa xưa, tiến đến nhất Thần giáo thì nghi lễ cũng được hạn chế. Phật giáo vốn dĩ không phải là Tôn giáo để chúng sanh cúng kiến bái lạy, cầu khẩn. Đức Phật xuất hiện cõi đời mục đích hướng chúng  sanh giác ngộ trở về bản thể trí tuệ, giải thoát khỏi mọi ô trọc dẫn dắt vào sáu nẽo luân hồi. Thế nhưng, khi Phật giáo truyền vào mãnh đất màu mỡ lễ nghi của Khổng Mạnh, bắt đầu biến tướng về hình thức, ảnh hưởng lễ nhạc cung đình, cân đai áo mão lai tạo đến pháp phục Tăng sĩ mà xa xưa, giáo đoàn Đức Phật đơn giản chỉ tam y nhất bát.

Tượng thờ duy nhất đức Bổn sư, dần dà với thời gian,phát sanh  hình ảnh chư Tổ, thập bát La Hán, một số Thần tượng bản địa; có nơi thờ cả Quan Thánh,Thần tài Thổ địa, Địa mẫu. Tề Thiên là nhân vật hư cấu, nay cũng trở thành bậc Thánh chiếm một góc trên bàn thờ. Vàng mã cũng len sâu vào cửa Thiền. Chùa Viên Giác đường Bùi Thị Xuân, Tân Bình năm xưa cũng tạo tượng Phật giấy để đốt như đốt vàng mã; cứ thế mỗi ngày mỗi sáng tạo đưa quần chúng vào sâu mê tín;

Tướng là phương tiện để đi vào tánh, nhưng tà tâm đã tùy tiện lấy phương tiện làm cứu cánh trục lợi, chạy theo nhu cầu hướng ngoại của quần chúng để sáng tạo thêm những cái mới lạ không ngoài mục đích lợi dưỡng một cách tùy tiện. Gần đây, nghệ nhân tượng đá Huỳnh Trung đã chế tác 12 tượng mẹ Quan Âm với 12 con giáp(Tý,sửu,dần,mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi), mỗi tượng cao 2m80 giá 75.000.000 do ĐĐ T. Minh Phước chủ trương, trụ trì Niệm Phật đường Liên Hoa, ấp Tân Hòa,xã Xuân Đông,huyện  Chợ gạo, Tiền Giang.

Dưới chân hoặc bên cạnh mỗi tượng là một con vật, thế thì quần chúng lễ lạy cả con vật? Lạy Phật lạy luôn cả gia súc, có nghĩa kéo Phật xuống ngang tầm gia súc???

Các quán bar treo ảnh tượng Phật còn bị phản đối, nay cho quần chúng lạy Phật ngang với cầm thú, phải chăng là sự hủy nhục Phật giáo?

                                                     ***

Biết rằng, theo lý thì:: “Nhất thiết pháp không”, lại nói: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”. Nhất thiết pháp không là hết thảy các pháp vốn không có tự tánh. Chỉ có Bồ Tát mới vượt qua Tứ tướng (Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả) trong bốn loại (thai, noãn,thấp , hóa).

Chúng ta còn nhiều hạt giống chấp ngã, không vì thế mà không dùng trí để phân biệt đâu đúng đâu sai, cứ chạy theo lợi dưỡng, thị hiếu chúng sanh và tâm tham dục cá nhân dẫn dắt quần chúng vào chốn lầm lạc.

Có lẽ Giáo hội Tiền Giang cần quan tâm những sai phạm của tu sĩ Tỉnh nhà hầu tránh  đưa quần chúng lún sâu vào tà kiến mà cứ tưởng là sáng kiến.

MINH MẪN                                                                                                              02/11/2-020

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét