Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

* GIAO TẾ ĐẦU NĂM




Tập quán châu Á nói chung, Việt Nam ta nói riêng, đều chọn âm lịch (vốn là nông lịch, do nông nghiệp làm cuộc sống chính lúc bấy giờ) để làm ngày Tết Nguyên Đán, tức khởi đầu một năm mới. “Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thừa") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.” (Lịch sử văn hóa lúa nước)


Tết Nguyên Đán là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông chúng ta. Đón mừng những ngày đầu năm cũng là đầu Xuân để vui chơi giải trí sau một năm vất vả lao động mưu sinh. Ngày nay, nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện do các chùa huy động hỗ trợ bà con nghèo vùng sâu để chung vui hương vị Tết cổ truyền. Có vùng phía Bắc, quà Tết đến mà chính quyền địa phương không cho người dân nhận, đoàn phải đem phát nơi khác.


Chuẩn bị trước Tết là cúng đưa đón ông Táo, nhà chùa cung tống chư Thiên – lễ tạ công đức Tam Bảo, Hộ Pháp Long Thiên, Già Lam thánh chúng đã gia hộ cho mọi công việc Phật sự trong suốt một năm qua. Con cháu tảo mộ tùy từng quy định của mỗi gia tộc, nhưng bắt đầu từ tháng 11 đến tháng chạp, người thân phải đi tảo mộ; làm cỏ, quét vôi, sơn phết sạch sẽ.


Giao thừa là giờ phút giao thoa khí tiết chuyển sang lập Xuân, bắt đầu một năm mới; truyền thống dân tộc ta xem giờ phút giao thừa rất thiêng liêng. Theo truyền thống, một thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Tập tục xa xưa, họ còn lắng nghe con vật nào lên tiếng trước trong đêm giao thừa để đoán vận hạn trong năm mới.


Các vùng quê xa xưa, các cụ mặc áo dài khăn đóng trịnh trọng đốt nhang trước bàn thờ gia tiên, với mâm ngũ quả, có nơi bày đầu heo, con gà. Con cháu phủ phục lễ bái.


Trước giao thừa là đêm 30 còn gọi là đêm trừ tịch. Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ qua đi. Ai làm ăn xa cũng cố gắng về kịp đón ông bà. Giây phút đoàn tụ hiếm hoi suốt 365 ngày tha phương cầu thực. Người về từ nơi xa thường mang theo những món quà cho ông bà, cha mẹ, hoặc con cháu để mừng Xuân. Những lời nói, cách hành xử tốt đẹp đều dành cho nhau. Ngày nay, giờ phút giao thừa phần lớn họ đến chùa lễ Phật, sau đó trở về nhà đoàn tụ chung vui.


Vào ngày mồng một, đón rước gia tiên, sau đó cháu con đến chúc thọ ông bà cha mẹ để nhận được những bao lì xì đỏ thẩm. Ngày đầu năm, một vài nơi kiêng kỵ không đến nhà ai để chúc Tết, ngại vía xấu. Họ cần người tốt vía “đạp đất” để suốt năm làm ăn suôn sẻ. Trong gia đình- “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, sau đó mới đến chúc Tết bà con, bạn bè.


Trong quan hệ xã hội, các cơ quan đoàn thể, xí nghiệp cũng đến với nhau bằng những lời cầu chúc ưu mẫn. Trong Tôn giáo, Mặt trận Tổ Quốc, Ban Tôn giáo, an ninh nội địa... cũng đến chúc Tết các chức sắc Tôn giáo và ngược lại Tôn giáo cũng thủ lễ đến đáp tạ. Chính quyền địa phương cũng cử người đến những cơ sở của Giáo hội trao thiệp tặng quà.
Tết ngày nay không còn giới hạn trong tộc họ, thôn xóm với việc vui chơi cờ bạc, những ngày Xuân là dịp để hành hương, du lịch cho những ai có điều kiện. Trong sâu thẳm, một số người tự phản tỉnh hướng nội xét nét những sai phạm trong năm qua, tự làm mới con người qua những thái cách hướng thiện. Cha mẹ cũng răn dạy con cháu sửa đổi tánh nết, lời ăn tiếng nói đẹp lòng nhau để có một năm an vui thịnh vượng.


Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn tồn tại một số vấn đề cho dù năm cũ qua đi, năm mới tiếp đến, công việc làm ăn hoặc nhiệm vụ cưu mang vẫn chưa được hoàn thiện do thói quen, tập tính hay mắc mứu vấn đề cảm tính mà sự kiện vẫn chưa được đổi mới như lời chúc cầu đầu năm.


Trong phạm vi hẹp của Phật giáo, một vài địa phương, có nơi chùa vẫn còn gặp trắc trở việc treo cờ như chùa Kim Liên quận 8 SG. Ngay ven đô còn như thế thì khó mà không có vấn đề khúc mắc vài địa phưng xa xôi. Tết là mùa hoan hỷ của Phật Di Lạc, những lợn cợn không đáng có, đã trở thành vấn đề làm buồn lòng nhau.


Tại Quảng Bình cũng thế, một địa linh sinh nhiều nhân kiệt, Phật giáo đang là thiểu số sau hàng chục năm cải cách ruộng đất đến nay vẫn chưa đủ lực phục hồi. Một vài chùa thuộc di tích cũng chưa được trao lại cho Phật giáo điều hành sinh hoạt. Ngoài chùa Đại Giác là cơ sở của Giáo hội Tỉnh,còn có chùa Hồng Phúc được ông Trần Bắc Hà tái thiết, được xem là khá chỉnh chu; đáng ra trực thuộc sự quản lý của Phật giáo Quảng Bình, nhưng...
Dịp Tết,chính quyền Tỉnh có ông Hoàng Đăng Quang, bí thư Tỉnh ủy, cũng đến viếng chùa Hồng Phúc.
Mong rằng giữa chính quyền Tỉnh và BTS Tỉnh cần xét lại động thái để thật sự có sự quan tâm hỗ trợ nhau như những lời chúc tụng tốt đẹp đầu năm, dẫu sao, Tết cổ truyền vẫn là mùa đẹp của nền văn hóa dân tộc, cái đẹp đó là sự đổi mới những gì không còn mới.


MINH MẪN
15/02/2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét