Ngày nay chủ đề Thiền không còn xa
lạ đối với những ai muốn tìm hiểu và muốn định nghĩa một cách minh bạch, nhưng
mấy ai hiểu và cảm nhận một cách chính xác và minh bạch về những hoạt dụng của
Thiền. Tùy mỗi trường phái, mỗi góc độ để nhìn và hiểu về Thiền khác nhau, từ
đó, việc hành hoạt cũng khác biệt.
Theo Tổ sư thiền, thoại đầu hay công án là phương tiện
diệu dụng nhưng khó nuốt, đòi hỏi căn cơ bén nhạy, nhưng Như Lai thiền lại dễ
hành trì, không đòi hỏi trực giác để kiến tánh như Tổ sư thiền, y cứ vào giáo
pháp Như Lai mà tuần tự hành trì.
Các phương pháp hành thiền này đều dựa
vào kinh, luật và luận như thiền Quán niệm hơi thở, thiền Tứ niệm xứ, Thiền Sổ tức v.v… Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền. Còn Tổ Sư
Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh. Tổ
sư thiền đòi hỏi dụng công miên mật, không an trú vào đề mục như Như Lai thiền,
luôn đặt tâm thức vào tình trạng căng thẳng của nghi tình, trong trạng thái
hưng phấn; nghi đây không phải nghi ngờ mà là nghi vấn (thắc mắc), một nghi vấn
không tìm lời giải đáp. Điều này hơi khó hiểu đối với một số vị chưa quen với
pháp hành.
Ngày nay, trường phái thiền
Vipassana đang hưng thịnh. Vipassana không phải trường phái thiền mới được sáng
tạo như Tổ sư thiền trước kia, nó có từ thời đức Phật. Vipassana là một trong những phương
pháp thiền định cổ xưa nhất của Ấn Độ. Nó được Đức phật khôi phục lại cách đây trên 2500 năm, đó là phương pháp cốt lõi mà Đức phật đã tu tập và
giảng dạy. Được truyền thừa đến ngày nay, nhiều Thiền đường nổi tiếng phát xuất
từ Miến Điện Và Thái Lan; từ đó phát triển khắp nơi, đồng thời quay trở lại nơi
“chôn nhau cắt rốn” tại Ấn để gieo hạt phục hoạt.
Pháp Quán Niệm Hơi Thở
Theo Bài Kinh Tứ Niệm Xứ xuất
phát từ bộ kinh An Ban Thủ Ý do ngài An Thế Cao dịch. Trong nội dung lời chú
giải có mười sáu đề mục quán niệm hơi thở.
Khác với những đề
mục quán tưởng khác, quán niệm hơi thở bao gồm cả
hai phương pháp Chỉ và Quán hay Minh sát Vipassana).
Quán Niệm Hơi Thở có mười sáu giai đoạn, chia ra làm bốn
phần, mỗi phần có bốn cách tập. Chủ yếu là tạo ý thức tỉnh giác,
căn bản của tuệ giác, và bốn giai đoạn quán niệm là bốn lãnh vực
tỉnh thức về thân, thọ, tâm, pháp. Nó cũng không giống với các phương pháp
thiền định khác do chính Phật truyền dạy như 10 đề mục quán bất tịnh, bất tịnh
nơi thân thể v.v…
Về sau, khi Phật giáo lưu truyền sang các quốc
gia hướng Bắc, để thích nghi với căn cơ và thổ nhưỡng đương thời, chư Tổ đã
phương tiện chế tác ra pháp hành theo chủ trương của đức Bồ Đề Đạt Ma “Giáo
ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Khán thoại đầu hay thiền công án, nếu sở đắc, cũng chỉ hạn chế đối với một
đương cơ nhất định, khác với trường phái thiền Nguyên thủy như Vipassana, mang
tính phổ biến cơ bản, một lớp thiền 10 ngày đầu, những thiền sinh tham gia, ít
nhiều cảm nhận được sự huyền nhiệm của tâm thức, có một thay đổi nhất định
trong tâm thức và đời sống thường nhật, làm căn bản cho những khóa thiền với
thời gian dài hơn, tiếp theo. Đã có những thiền sinh sở đắc phần nào tuệ giác
theo cách quán sát 16 giai đoạn trên “thân thọ tâm pháp”. Tuy nhiên, năm chướng
ngại căn bản của tâm thức, không những cản trở bước tiến, đôi khi lạc dẫn thiền
sinh vào ảo giác khi mà hành giả không phân biệt được thế nào là ảo giác, thế
nào là tuệ giác khởi hiện.
Đức Phật giảng dạy tóm tắt việc chế ngự năm triền cái ấy như sau:
“… Vị Tỳ-khưu lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như
rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau
khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói
trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm
thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm
không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết
sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với
tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm
thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng,
gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi
ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp…”
Ở đây, năm chướng ngại ấy trong tiến trình tu tập hành thiền của
hành giả là:
1.
THAM DỤC
2.
SÂN HẬN
3. HÔN TRẦM
4.
TRẠO CỬ
5.
HOÀI NGHI
***
Qua những trải nghiệm của các hành giả khi thực thụ bước vào lãnh
vực “chánh định”, giữa cận định và chánh định, thường xuất hiện những hiện
tượng như là ảo giác, ảo ảnh, xuất hiện
ánh sáng rực rỡ, tâm thái an lạc, hoan hỷ, tình thương tràn đầy, hay âm thanh
vi diệu…
Đó
là những chủng tử có sẵn trong a lại ya thức, tâm nhiễm ô thì chúng lặn, tâm
thanh tịnh chúng xuất hiện. Khi chúng xuất hiện ở ngưỡng cửa chánh định mà khởi
tâm đắm trước, trở thành một chướng ngại lớn cho việc tiến tu, việc hành trì sẽ
bị dẫm chân tại chỗ.
Căn
cơ chúng sanh không đồng thì cũng không thể áp dụng duy nhất một pháp hành,
cũng như nhiều căn bệnh, hay một loại bệnh có nhiều nguyên nhân, đòi hỏi liệu
trình chữa trị phải khác nhau. Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho điều đó:
“Đệ tử trẻ của Tôn giả
Xá lợi phất: "Hãy thay bến nước khác" (Bổn sanh Tittha, Jàt. 182).
Chuyện kể rằng theo lời
dạy của Tôn giả, một người đệ tử trẻ đã thực hành quán tưởng bất tịnh trong bốn
tháng nhưng vẫn không có tiến bộ trong việc phát triển Thiền quán. Tôn giả quán
biết người đệ tử có duyên được Phật độ, đã đưa người đệ tử đến yết kiến Thế Tôn
và trình lên Thế Tôn sự việc.
Thế Tôn biết tâm hướng
của người đệ tử trẻ ấy thích hợp với đối tượng quán tịnh hơn, do vì nhiều kiếp
trước sinh vào gia đình thợ vàng chuyên thấy vành thanh tịnh. Thế Tôn bèn cho
người đệ tử trẻ ấy, mặc y phục trong và ngoài tốt đẹp, dẫn đi khất thực các
thức ăn thượng vị, cho nghỉ trưa ở hương phòng, rồi cho đi ngắm một hồ sen tuyệt
đẹp (hồ sen do thần lực của Thế Tôn thị hiện), ở đó có đóa hoa tuyệt thắm, đẹp
mắt. Thế Tôn bảo người đệ tử trẻ ngắm sen và chờ Thế Tôn về hương phòng một lát
sẽ trở lại.
Ðang lúc mải ngắm đóa sen tuyệt thắm, đóa sen
bổng dưng héo và rụng. Người đệ tử hốt nhiên bừng sáng lý vô thường, tâm hoàn
toàn ly tham, trực đắc A la hán quả.”
Ðây là một trường hợp điển hình về đối tượng quán tưởng tương ưng
với tâm lý của hành giả.
Khi Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, do căn cơ Phật pháp hạn chế, quen
với truyền thống hành trì cầu phúc, nghe Tổ phủ nhận phúc báu xây chùa tạo
tượng, Lương Vũ đế bèn cho Tổ là ngoại đạo vì chưa hiểu được tinh thần thượng
thừa của nhà Phật. Suốt thời gian dài 9 năm quay mặt vào vách, được một truyền
nhân duy nhất là Huệ Khả, cứ thế thầy truyền cho trò đến Tổ thứ sáu là Huệ
Năng. Qua 6 đời, mỗi đời chỉ đào tạo duy nhất được một người kế thừa. Do pháp
kén chọn căn cơ nên lượng số thiền sinh đạt chuẩn quá hạn chế, trong khi pháp
hành Vipassana hoặc những phép quán tương tợ, thiền sinh dễ hành trì và tuần tự
tuệ giác phát sanh. Mục đích đức Phật trao truyền mang tính đại chúng chứ không
chỉ có thế một thầy một trò tương ứng với nhau.
Từ Bồ Đề Đạt Ma cho đến chư Tổ về sau, vẫn bị truyền thống lễ nghi
tôn giáo trong nhà Phật lúc bấy giờ xem là tà giáo ngoại đạo, trải qua thời
gian dài thử thách, những gì là chân lý luôn tồn tại và phát triển, lúc bấy
giờ, một bộ phận Tăng sĩ cấp tiến và giới trí thức kiểm chứng pháp hành của Tổ
sư thiền, xác nhận vẫn hàm tàng “tam pháp ấn” và đích đến vẫn là giải thoát
khỏi tam giới. Câu nói “Ai thấy Phật là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật”,
bởi vậy – “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ Đề, cáp
như cầu thố giác”. Lá rơi, suối reo, gió động, vô thường… đều là pháp trợ duyên
cho hành giả quán nhân duyên mà đắc pháp. Vô lượng pháp môn tu là thế.
Càng lâu dài, càng phát sanh nhiều pháp môn mang nhãn mark Phật
giáo, nhưng đôi khi đưa hành giả lạc vào ma trận đồ; người khai sáng ra pháp
mới lạ, tuệ giác chưa đủ công năng bạt trừ nghiệp chướng tự thân, làm sao giúp
đệ tử khỏi bị lạc dẫn vào mê lộ tà thuật, ngã mạng cống cao. Kinh Lăng Nghiêm
giúp cho hành giả bất cứ pháp hành nào nắm vững ngũ ấm ma nội tâm, sẽ tự điều
chỉnh từng công đoạn lộ trình tiến tu đạo nghiệp.
***
QUAN ĐIỂM DỊ BIỆT
Tùy
mỗi pháp, có một lý giải khác nhau, lý sự tương đồng pháp hành mới vững chải. Tuy
nhiên đứng một góc độ toàn triệt, Krishnamurti hiểu về tham thiền có khác:
Giải thoát khỏi mọi hành vi vị ngã mà không có cố gắng
(Krishnamurti)
(Krishnamurti)
“Câu hỏi được đặt ra là: có thể nào giải thoát khỏi mọi hành vi
vị ngã mà không có cố gắng, không nỗ lực giải trừ nó, để rồi tạo nên vấn đề
không? Tôi hy vọng đã đặt câu hỏi rõ ràng, bằng không thì những điều được trình
bày kế tiếp sau đây sẽ thiếu minh bạch hoàn toàn. Danh từ "tham
thiền", đại khái, có nghĩa là suy xét một điều gì, khám phá nó, dừng lại
với nó; hoặc cũng có thể danh từ ấy chỉ một tâm thái chiêm ngưỡng trong đó
không có tư tưởng. Danh từ ấy rất ít có ý nghĩa đối với phần đất này của thế
giới, nhưng nó mang một nghĩa lý phi thường ở Đông phương. Người ta đã viết
nhiều về đề tài này, có nhiều trường phái giảng dạy những phương pháp và những
hệ thống khác biệt về tham thiền. Theo tôi, tất cả những cái đó đều không phải
là tham thiền. Tham thiền là tự "làm trống rỗng" tâm thức mình, chứ
ta không thể tự cưỡng bách làm trống rỗng tâm thức mình bằng cách thực hành một
phương pháp, theo một trường phái hay hệ thống.”
Với tuệ giác toàn triệt của Krishnamurti, điều này đúng, nhưng
một thiền sinh bước đầu thâm nhập vào lãnh vực tâm linh, “tự mình làm rỗng
tâm thức” hay “cưỡng bách làm rỗng tâm thức” đều là một, khác chăng chỉ là
dụng công cố gắng. Cho dù “tự mình làm rỗng tâm thức” cũng lạc vào “ngoan
không” khi mà hành giả chưa thực thụ đứng hẳn vào khu vực tuệ giác như Krishnamurti.
|
“Thực
hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm giác và nhận thức, đó là toan
tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay "cùng tột", và khi ta đã thấu
hiểu bản chất của tất cả mọi kinh nghiệm rồi, thì ta dẹp hết mọi phương pháp,
ta gác chúng qua một bên, ta xa rời chúng vĩnh viễn, bởi vì ta không còn là đệ
tử của ai cả, ta không còn tìm cách sống những kinh nghiệm nữa, ta không còn
muốn có những thấy – biết nữa. Tất cả mọi tìm kiếm để thấy biết, tất cả mọi sự
căng thẳng giả tạo về cảm giác – bằng những chất ma túy, bằng những giới luật,
bằng những nghi thức lễ bái, sùng thượng, bằng cầu nguyện – đều toàn là hành vi
vị ngã.”
Nếu bảo thực hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm
giác và nhận thức, đó là toan tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay “cùng tột”…
thế thì mọi pháp hành do đức Phật để lại đều vô nghĩa??? Buông bỏ tất cả, vô tu
vô chứng, mọi sự đều không không, không thầy không đệ tử, không giới luật…???
“Cái gì đã là tràn đầy
ánh sáng, tất không đòi hỏi thêm ánh sáng – tự nó là ánh sáng rồi, và tất cả
mọi ảnh hưởng nhiễm độc, mọi kinh nghiệm xâm nhập vào vùng ánh sáng ấy liền
được thiêu hủy từng phút từng giây, để tâm thức luôn luôn sáng tỏ, vô nhiễm mới
có thể thấy được chỗ siêu xuất khỏi giới hạn đo lường của thời gian.”
Điều này Krishnamurti nói đúng, đã tràn đầy
ánh sáng thì không cần đòi hỏi thêm ánh
sáng. Mọi ảnh hưởng nhiễm độc không bị giải trừ thì “ánh sáng tuệ giác” làm
sao hiển lộ? Muốn giải trừ mọi nhiễm độc mà không dụng công là điều không
tưởng. Ánh sáng tuệ gác tự nó hiển lộ thì mọi nhiễm độc tự nó cũng hiển lộ vậy
thôi.
“Khi tâm thức tự hiến
và quên mình trong một sự đồng nhất trọn vẹn, tâm thức có thể hoàn toàn tịch
lặng, nhưng nó rơi vào một trạng thái loạn thần. Ước vọng đồng nhất vào một mục
đích, một ý niệm, một biểu tượng, một xứ sở, một chủng tộc, tức là mắc chứng
loạn thần, như trường hợp tất cả những người gọi là tu hành mộ đạo. Họ tự đồng
nhất vào Đấng Cứu thế, vào đức thầy, vào cái này cái nọ, điều đó tạo cho họ một
niềm an ủi lớn lao và một cái nhìn hạnh phúc về đời sống. Thái độ này hoàn toàn
là loạn thần.”
Nói như Krishnamurti, nhập vào Thượng đế, Atman nhập vào Brahman
(Tiểu ngã hòa nhập vào Đại ngã), Phật tánh là năng lượng tuệ giác và từ bi,
hành giả chứng đắc là đồng nhất với tuệ giác và từ bi… đều là loạn thần??? Theo
Krishnamurti chỉ có một loại tịch lặng đồng nhất do tâm thức tự hiến và quên
mình, ngoài ra nếu có sự tịch lặng nào khác, đó là trạng thái tịch lặng loạn
thần!
Cũng thế, theo Krishnamurti, cái gọi là đạo đức theo mô hình xã
hội hay tôn giáo chưa phải là đạo đức thực sự, đó là loại đạo đức rập khuôn,
không có tự do. Nhưng một khi còn bị ràng buộc vào những định chế xã hội, tôn
giáo, một khi tự thân chưa đủ năng lực tự mình “làm rỗng tâm thức”, làm sao
thoát vượt được cái đạo đức rập khuôn đó nếu không từ bàn đạp tôn giáo để bước
vào lãnh vực phi tôn giáo như ngài Krishnamurti?
***
Tóm lại: Nơi đây ta không bàn đến trạng thái “nhập thần” và ngôn
ngữ xuất thần như ngài Krishnamurti, chỉ tạm tìm hiểu các trạng thái “tịch mặc”
của những hành giả bước qua ngưỡng cửa chánh định. Một câu hỏi sẽ xuất hiện –
lấy gì làm căn cứ để xác định hành giả đó đang ở trong lãnh vực đắc pháp? Chúng
ta đừng lầm lẫn giữa đắc pháp và đắc đạo, đắc pháp là tiến trình đưa đến ngộ
đạo. Hành giả nắm được mấu chốt pháp hành, thường tinh tấn một cách miên mật,
trong quá trình hành trì đó, trạng thái tâm sinh lý có nhiều chuyển biến tích
cực; mọi tính hư tật xấu tự nó rơi rụng mà không cần dụng công loại trừ. Tâm
thái an lạc, trầm tĩnh, từ tốn; trong tâm thức không tồn tại mọi thắc mắc ngờ
vực, hay ham muốn mong cầu; lòng từ bi phủ trùm trong mọi ý nghĩ, hành động và
lời nói; trí tuệ phát triển và có nhiều khả năng đặc biệt…
Tất cả mọi ưu điểm đó không do học hỏi trong đời này, chúng là
những hạt giống chìm lặng trong tiềm thức khi mà bị những cơn sóng loạn động u
trược phủ lấp. Hành giả thủ đắc trạng thái tịch mặc, những cơn sóng loạn động u
trược đó biến thành mặt hồ tĩnh lặng, những hạt giống siêu xuất tự chúng hiển
lộ. Đối trước mọi biến cố, mọi vấn nạn, hành giả thong dong như kẻ vô sự, đó là
những hoạt dụng của Thiền định.
Như vậy, bất cứ pháp
hành nào xuất phát từ Phật giáo hay ngoài Phật giáo, mang tính giải thoát, ẩn
tàng tam pháp ấn, đem lại hiệu quả nhất định, đều là con đường đưa đến chân lý.
Cũng có không ít những bậc duyên giác, không tu theo Phật, không học với ngoại
giáo, chủng tử hướng thượng sẵn có, đối diện với nhiều khổ
đau bất trắc, bổng chốc trực diện trước những cái bất ngờ ngoài trí tưởng tượng
hiểu biết, một cảm xúc một trạng thái bất chợt “đứng hình”, khác nào trạng thái
hành giả đứng trước sự bế tắt một công án Đấy là một trong những hình thức đưa đến sự
tịch lặng. Nếu đương cơ tiếp tục duy trì trạng thái đó lâu dài sẽ bước vào đại
định, ánh sáng tuệ giác sẽ hiển lộ.
Hoạt dụng của Thiền định thiên hình vạn trạng,
tùy thuộc vào căn cơ của hành giả, khó mà lột tả.
MINH MẪN
01/10/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét