Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

CÔNG HẠNH CỦA NGƯỜI CON PHẬT




Huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một địa bàn nằm ở phía tây nam tỉnh Đồng Nai. Huyện được thành lập năm 1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Long Thành cũ, phía bắc giáp huyện Long Thành cùng tỉnh, phía tây bắc, tây và nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía đông nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Một đoạn sông Đồng Nai- Nhà Bè là ranh giới giữa thành phố Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch. Một đoạn sông Thị Vải là ranh giới giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch. 

Dân số gần 500 ngàn người trong Huyện Nhơn Trạch; Huyện gồm có 12 xã: Đại Phước, Hiệp Phước, Long Tân, Long Thọ, Phú Đông, Phú Hội (huyện lị), Phú Hữu, Phú Đông, Phước An, Phước Khánh, Phước Thiền, Vĩnh Thanh. Riêng xã Phú Hữu, dân số gần 10.000 người, đa số sống bằng nông nghiệp, tuy nhiên đất phèn nhiễm mặn, vì thế vụ mùa có phần hạn chế.

Đặc điểm - tuy dân cư thưa và mức sống còn hạn chế, nhưng nơi đây, hơn 11 năm về trước, tại ấp 7, một ấp hẻo lánh, xa cư dân, đã có một hiện tượng khác thường từ một vợ chồng trẻ thuần tín Tam bảo: - anh Thiện và chị Hồng; lúc bấy giờ hai vợ chồng còn son trẻ, tuổi trên dưới 30 mà đã phát tâm cứu giúp các cụ già neo đơn. Đầu tiên là một người, sau đó lên 5 người bệnh hoạn không có thân nhân nương tựa.Khi tuổi của hai vợ chồng tròm trèm 40 thì chị Hồng khuyên chồng nên gia tăng số lượng giúp các cụ bất hạnh bị xã hội và gia đình quên lãng.Là một Phật tử thuần thành giàu tâm đạo, anh Thiện, người chồng góp ý: - mình nuôi trẻ nhỏ thì trẻ nhỏ sẽ sợ mình, tội cho chúng, mình giúp người già tật bệnh thì mình lại sợ các cụ tủi thân khi mình có lời nói và hành động sơ suất; Thế nhưng, hai vợ chồng vẫn ưu tư chung tay góp phần  giảm bớt nỗi đau khổ cho người bất hạnh.Thế là, từ tâm hạnh hiếm hoi đó,các cụ già được gia đình không thể cưu mang, đem đến gửi gấm, một số cụ lang thang và trẻ em cơ nhỡ cũng được  nhiều người giới thiệu, bổng nhiên, nơi đây trở thành trại dưỡng lão:

- Thưa chị, địa phương có hỗ trợ được gì cho anh chị ?
- Họ để cho mình giúp các cụ là may rồi, vì mình làm thiếu nguyên tắc, không biết và cũng không qua thủ tục; quê mùa dốt nát, mình làm bằng cái tâm, đồng đạo hỗ trợ nhau, không hề quảng bá kêu gọi ai. 

Sáng ngày 09/6/2017, gia đình cô Diệp, Tuyến, Trọng, cùng sự góp tay chút đỉnh từ vài mạnh thường quân, chuyến xe từ Thành phố về thẳng Cát Lái, qua phà, độ hơn 1km, quẹo vào đường Phan Văn Đáng, 6km nữa là địa phận xã Phú Hữu.

Chung quanh lá dừa nước che phủ kênh rạch để cách biệt với dãi ruộng bao la phủ quanh ngoại ô, từ xa, cờ đuôi nheo nhiều màu và chiếc cổng nền nâu chữ vàng hiện rõ trên khung trời quang đãng -"kinh mừng đại lễ 78 năm khai đạo của Đức Thầy".

Đoàn khệ nệ bê gạo, thực phẩm, dầu ăn, sô chậu, vớ tất...qua con cầu hẹp. Bên trong đoàn khám thuốc từ thiện từ Cần Thơ cũng đã có mặt rất sớm để khám chữa bệnh cho các cụ. Quán cơm chay từ thiện cũng lác đác xuất hiện cư dân địa phương đến ăn sáng và công quả giúp các cụ bệnh tật.
                                          ***
Chị Hồng hướng dẫn đoàn thăm viếng từng phòng, có những phòng dành riêng cho những người bại liệt, không còn ý thức tự chăm sóc, vì vậy luôn có người túc trực làm vệ sinh và chăm bón từng bữa ăn. Ngoài ba bữa ăn chính, các cụ còn được uống sữa hoặc thức ăn nhẹ.Ba giờ sáng  đã thức để tắm rửa cho các cụ, sau đó cho các cụ ăn sáng. Những người không cần đến sự chăm sóc thì  sẽ được ăn sáng muộn hơn. Thực phẩm thay đổi thường xuyên. Khi các cụ ăn uống đổ tháo hoặc dư thừa, chị Hồng và những người công quả tự nhặt lấy ăn lại - chị nói, thực phẩm của mạnh thường quân và của đất trời, không nên lãng phí!

Hiện tại là 70 vị, bại liệt trên 30 vị, có lúc hơn, nhưng các cụ đã quá vãng, nơi đây thường xuyên chuẩn bị cho việc mai táng, hỏa thiêu và thờ cốt một cách chu đáo. Chi phí từ 3 đến 5 triệu tiền mặt và 40kg gạo mỗi ngày. Tả thay cho các cụ mỗi tháng trên 20 triệu.Điện nước hàng tháng 4 triệu. Chi hội từ Thiện Bảo Hòa quận nhất mỗi tháng giúp 500kg gạo. Ngoài ruộng nương tài sản cá nhân của hai vợ chồng bỏ ra, một số đồng đạo chung tay góp sức, những cư dân địa phương sau những giờ lao động hoặc ngoài vụ mùa, thường đến công quả, vì thế, số tiền thuê người chăm sóc cũng phần nào nhẹ gánh.

Những cụ còn đi lại tỉnh táo, sáng và chiều theo thời khóa tu tập, chính vì thế mà các cụ cảm thấy an lạc với sự an lạc từ cái tâm của vợ chồng đại thí chủ và những người công quả tràn đầy hoan hỷ.
                                                 ***
Qua cuộc viếng thăm ủy lạo đầu tiên, cô Diệp có ý định sẽ mời các thầy thuốc đông y, diện chẩn thi thoảng đến giúp sức khỏe cho các cụ, dĩ nhiên các mạnh thường quân biết được, họ sẽ chung tay làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho những mãnh đời bất hạnh, và chia xẻ với đôi vợ chồng trẻ một tấm lòng vì cuộc sống tình người để họ không cảm thấy lẻ loi.

- Các anh chị đến đưa các cụ về SG sống, chịu không? chị Hồng hỏi các cụ. Những Tâm hồn thanh thảng thể hiện qua gương mặt tràn đầy hạnh phúc của các cụ, một bà lắc đầu nói - chúng tôi không đi đâu hết, ở đây thanh tịnh, cuộc sống đầy đủ và vợ chồng cô Hồng thương tụi tôi như ruột thịt.Điều đặt biệt, với số lượng đông như thế, làm bằng cái tâm tùy hỷ, chỗ ở các cụ thật sạch và thoáng mát, không hề có mùi hôi của người bệnh hoạn.

Có lẽ vì thế mà đôi vợ chồng có tâm Bồ tát đã không dám làm đau lòng các cụ, dù một sơ suất nhỏ. Phải chăng công hạnh của người con Phật là thế sao?

MINH MẪN
10/6/2017





































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét