Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

                      


                                NGỌN GIÓ TRONG LÀNH
Tôn giáo là một hiện tượng sau hiện tượng tâm linh mà nhu cầu tinh thần nhân loại cần phải có từ lúc biết ý thức. Bởi vì giá trị nhân loại khác mọi sinh vật từ trạng thái ý thức; ngoài ý thức, vật thực dưỡng thân đều là nhu cầu của bản năng như nhau.
Cũng từ "ý thức" đó, con người bắt đầu phát sanh nhiều vấn đề phức tạp khác, kể cả tôn giáo, nếu là một tôn giáo thoát thai từ một ý hệ vong nô vọng tưởng, thì ý hệ gắn liền với cái nhãn hiệu tôn giáo để phục vụ cho nhu cầu bản năng tham vọng danh lợi cho tổ chức của mình; cũng từ do tính bảo thủ cố chấp của một tổ chức mang danh tôn giáo hay đảng phái mà sanh lòng đố kỵ, đối lập, bất dung hóa với những gì ngoài tôn giáo của mình, ngoài tổ chức đảng phái, hội hè của mình. Chính vì thế, nhân loại từng xẩy ra trên 10 cuộc Thánh chiến giữa Ki Tô giáo La Mã và Hồi giáo. Giữa Tin Lành và La Mã cũng thường xẩy ra xung đột. Thế kỷ thứ X, Hồi giáo cũng đã tiêu diệt Phật giáo Ấn Độ, mà đến nay Phật giáo Ấn cũng chưa phục hồi được, nếu không có các quốc gia Phật giáo khác đến tái lập. Hiện nay, tuy thời đại văn minh, một số tôn giáo vẫn chưa thoát khỏi chiếc vỏ nặng nề cố chấp gây bao tan thương cho nhân loại. Tuy nhiên, trong hàng ngàn tôn giáo hiện nay, vẫn may mắn còn có một tôn giáo không bị sự mù quáng chi phối, khống chế nhân loại theo quan điểm riêng của mình, một tôn giáo mà Albert Einseint - nhà bác học Vật Lý từng bảo:
“Tôi là một người không tôn giáo. Nhưng nếu có Tôn giáo thì Tôi phải là một Phật tử. Vì những gì Tôi hiểu biết bây giờ thì mấy ngàn năm qua Kinh Phật đã nói hết rồi”
“Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo toàn cầu”
Vượt lên mọi thần linh giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm trọng thể gồm mọi phương diện trên. Trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có Đạo Phật đáp ứng đủ điều kiện đó.
“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”
“Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học”
“Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.
Việt Nam chúng ta rất may, Phật giáo du nhập trên hai ngàn năm, máu huyết dân tộc Rồng Tiên đã thấm đẫm tinh thần hài hòa, từ bi và phóng khoáng; Từng tạo một xã hội hài hòa dung hóa cả Khổng Lão, đưa đất nước một thời lên đẳng cấp tiến bộ trong thời phong kiến. Thật vậy, ngay thời Lý, vua Lý Thái Tông đã soạn và áp dụng "Hình Luật": luật hôn nhân, luật hình sự, luật tố tụng, luật dân sự... và điều hành đất nước theo pháp luật mà hầu hết các thể chế lúc bấy giờ cai trị theo cá tính. Vua Lý Thái Tông là một trong ba đời vua nhà Lý ảnh hưởng sâu đậm tinh thần nhà Phật, cũng thời đại nhà Lý, đưa đất nước vào chốn thạnh trị nhất, kéo dài 216 năm qua 9 triều đại.
Ta đọc qua một đoạn về nhân cách và lòng độ lượng của một vị vua Phật tử để biết Phật giáo đã ảnh hưởng như thế nào đối với một vị chăn dân trên ngôi cửu ngũ:
Ngay sau khi lên ngôi, vua Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt. Lý Thánh Tông là một vị vua có lòng thương dân. Nhân một năm trời rét đậm, Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng:
"Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm".
Hoặc - "Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng:
"Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi."
Vua cũng đã có công mở rộng biên cương - phá Tống bình Chiêm, có tiếng giỏi binh pháp, nhà Tống cũng phải học hỏi phiên chế quân đội Đại Việt lúc bấy giờ. Vua từng làm nhà Tống thất điên bát đảo, bắt được tướng nhà Tống là Dương Bảo Tài. Nhiều lần phản công bị thất bại, Tống phải sai sứ cầu hòa, nhưng vua cương quyết không trao tù binh Dương Bảo Tài. Phía Nam, Chiêm thành làm loạn, vua thân chinh đi đánh, bắt được Chế Củ. Chế Củ xin dâng đất ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Thánh Tông lấy 3 châu ấy và cho Chế Củ về nước. Những châu ấy nay ở địa hạt các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị (Wikipedia).
Tại sao một đất nước quá nhỏ hẹp mà tạo được thế đứng vững hàng ngàn năm trong khi bị các quốc gia to lớn luôn lăm le thôn tính như Việt Nam? Tại sao Việt Nam sản sanh ra lắm anh hùng hào kiệt, hiên ngang mà vẫn độ lượng? Phải chăng đó là tinh thần Bi-Trí-Dũng của nhà Phật!!!
Trên 400 năm Lê -Lý -Trần đã đem lại cho xã hội một cuộc sống hưng thạnh, và an lành, dân cư no ấm, văn hóa phát triển. Ngay cả khi bộ hình luật ra đời vào triều Lý thì các nước trong khu vực cũng như một số đất nước trên hành tinh vẫn còn chìm sâu vào sự cai trị tăm tối của các hôn quân bạo chúa.

Từ Bi - Trí Tuệ - Dũng khí
Do thường nghe ba từ trên mà chúng ta quên mất giá trị và năng lực tinh thần của Từ Bi - Trí Tuệ xuất phát từ đạo lực giác ngộ của Đức Phật.
Từ Bi mang tính phổ quát hơn Bác ái. Từ Bi là ban vui cứu khổ không hạn chế trong bất cứ chủng loại nào. Bác ái là tình thương trong đồng loại. Chính vì Từ Bi mà một Phật tử chân chính không sát hại bất cứ sinh loại nào một cách vô lý, có nghĩa là không giết hại vì thú vui, vì tham dục, vì sân hận hay vì quyền lợi cá nhân. Sát có cố sát, vô tình sát, bổn phận sát, hoan hỷ sát. Nếu Từ bi không kèm Trí tuệ thì biến con người thành ủy mỵ, nhu nhược, hèn nhát, không phân biệt đúng sai, lúc nào cần hành động hay không. Chính nhờ có Trí tuệ mà người Phật tử can đảm cởi bỏ cà sa, khoác chiến bảo lúc đất nước bị xâm lăng. Nhờ tinh thần Bi-Trí-Dũng đó mà Lý Công Uẩn dám ôm xác Long Việt khóc trước mặt bạo chúa Long Đỉnh vừa giết em mình để soán ngôi.
Với tinh thần Bi-Trí-Dũng mà người Phật tử can đảm trước mọi tình huống làm lợi cho tha nhân, cho đất nước, và cũng vì thế mà có 8 ngọn đuốc thắp lên trong chế độ nhà Ngô, tiêu biểu là Bồ Tát Quảng Đức đã đi vào lịch sử hiện đại.
Giới luật
Song song với tinh thần sống cho tha nhân, bản thân người Phật tử còn phải tự mình giữ gìn những giới luật mà mình đã nguyện thọ khi quy y Tam Bảo. Tuy bảo rằng giới luật giữ cho bản thân, đồng thời cũng là vì cộng đồng xã hội.
Không sát sanh, bản thân không tạo nghiệp sát mà còn là tôn trọng sự sống muôn loài.
Không trộm cắp, tránh gieo nhân tham, đồng thời bảo vệ tài sản cho người khác.
Giới Tà dâm, không chỉ giữ sự chung thủy cho gia đình mình mà còn bảo vệ hạnh phúc cho gia đình kẻ khác.
Không nói dối, không những khỏi làm mất uy tín cá nhân mình mà còn tạo niềm tin cho người khác.
Không uống rượu, để bảo vệ nhân cách cá nhân và không ảnh hưởng trí tuệ về sau mà còn không tạo bất an cho xã hội lúc say sưa.
Giới luật chỉ là hàng rào mà ý thức về nhân cách của một Phật tử trong cuộc sống rất quan trọng. So với các tập thể trong xã hội thì các đạo tràng, các tu viện chân tu của Phật giáo có một sắc thái thánh thiện rõ ràng.
Nếu áp dụng đúng tinh thần nhà Phật vào cuộc sống, và biết khuếch trương, hỗ trợ cho tinh thần Phật giáo vào mọi tầng lớp như các triều đại xa xưa thì pháp luật nhẹ gánh răn đe, xử phạt. Hiện nay, một số nhà giam trên thế giới mời các Tăng sĩ, cư sĩ vào giáo hóa, Ban giám thị đã bớt lo những xáo trộn do các tội phạm gây ra, và cá phạm nhân được chuyển hóa thấy rõ.
Xã hội ta hiện nay, do cuộc sống kinh tế chủ đạo, do một thời gian chiến tranh mà tinh thần Phật giáo không đáp ứng kịp thời cho hậu chiến, các tầng lớp trẻ hiện nay ảnh hưởng sâu đậm văn hóa hưởng thụ, bạo lực và sa đọa, nên đạo đức xã hội đã có một khoảng trống nhất định. Chỉ có Phật giáo mới đủ khả năng thay mặt luật pháp xây dựng cơ bản ý thức nhân cách cho con người thì xã hội mới mong ổn định; ý thức tự thân có khả năng chuyển hóa chứ không phải luật pháp mới tạo được sự lành mạnh cho xã hội.
"Trải qua các triều đại, nhiều sự kiện trong lịch sử cho chúng ta thấy, sự thăng trầm của Phật giáo và đất nước có liên quan với nhau. Khi Phật giáo hưng thịnh thì đất nước giàu mạnh. Khi Phật giáo suy thì đất nước cũng đi xuống. Như thế chẳng phải là nhờ vào cái tinh thần của một tôn giáo sao. Qua thời đại Phật giáo Lý -Trần và sự hưng thịnh của đất nước là chứng minh hùng hồn; nhờ đạo Phật mà thời đó rất hưng thịnh".
 Một tôn giáo lành mạnh với tinh thần giải thoát mọi ô trược tự thân mới đủ khả năng đáp ứng và xây dựng một xã hội lành mạnh, đó là điều tất yếu; không những là trách nhiệm của các tu sĩ, của giáo hội Phật giáo mà còn của cơ quan chức năng cần kết hợp một cách tinh tế mới mong xã hội ngày nay lấy lại ổn định mà đất nước ta từng có hàng ngàn năm qua:

ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO VỀ MỘT LỐI SỐNG LÀNH MẠNH.


                                                             MINH MẪN
                                                               08/12/2013



2 nhận xét:

  1. Nhận định thật tuyệt vời! Ngày xưa các vị vua yêu dân như con, thật đáng noi gương cho hậu thế. Phật pháp đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng đất nước cũng như đã un đúc ra các vua, quan có tâm hạnh nhân từ. Thời gian sau này, cư sĩ có nhiều bài viết thật hay!

    Trả lờiXóa
  2. Cư sĩ có bài viết hay quá! Đúng là lời xây dựng cho sự ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO VỀ MỘT LỐI SỐNG LÀNH MẠNH.

    Trả lờiXóa