Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

NHÂN CÁCH VÀ TRÌNH ĐỘ CỦA MỘT CÁN BỘ TÔN GIÁO CẤP TỈNH


Sáng 26/6/2013, thầy Bửu Khánh, tọa chủ Di Đà tu viện, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước, đến văn phòng xã để họp theo thông báo của Tỉnh, xử lý việc khánh thành Di Đà tu viện và một số yêu cầu do địa phương áp đặt, nhưng khi đến xã, cũng như BTS PG huyện, không ai biết thông tin nầy, vì trong lịch công tác thường nhật, xã không có thông tin làm việc với thầy Bửu Khánh. Sau cuộc điện thoại lên Tỉnh do ông Nguyễn Hữu Tư chỉ đạo, BTS Tỉnh, huyện và xã đều có mặt. Nghĩa là cuộc họp không có thông tư chính thức bằng văn bản.

Trong phòng họp, ngoài cán bộ các ban ngành phía nhà nước, bên Phật giáo có thầy phó BTS PG Tỉnh, kiêm trưởng BTS PG huyện, thầy chánh thư ký PG Tỉnh, thầy Bửu Khánh, thầy Ngộ Chánh, thầy Tâm Bình và một Phật tử tham dự. Sau phần giới thiệu của thầy Bửu Khánh về sự có mặt của những người tháp tùng, ông Nguyễn Hữu Tư ra lịnh những người tháp tùng phải ra khỏi phòng họp. Đặc biệt, ông Tư đưa ánh mắt cay cú về phía thầy Ngộ Chánh ra lịnh gay gắt –Anh nầy ra khỏi phòng ngay. Thầy Ngộ Chánh đáp: “Thầy tôi chân đang bị bó bột, chúng tôi phải có mặt để giúp thầy”; Thế là Nguyễn Hữu Tư đứng lên, tiến về phía thầy Ngộ Chánh, xốc nách đẩy thầy Ngộ Chánh ra khỏi phòng. Cả ba người xuống lầu, ra xe mà ngao ngán phong cách của một cán bộ đầu ngành tôn giáo Tỉnh Bình Phước.

Trên nguyên tắc hành chánh, đây là buổi làm việc không  chính thức, vì cơ quan ban ngành cấp huyện và xã không được thông báo bằng văn bản mà chỉ triệu tập bằng điện thoại.

Theo thầy Bửu Khánh, Di Đà tu viện đã thành lập từ năm 1990, nhưng 2008  BTS PG  Bình Phước ra quyết định 150/QĐ-BTS dưới danh xưng là chùa Di Đà. Việc danh xưng là thuộc nội tình Phật giáo, trong buổi họp sáng 26/6/2013, ông Nguyễn Hữu Tư bắt lỗi danh xưng không đúng khi làm đơn xin tổ chức lễ lạc thành Di Đà tu viện. Việc thầy Bửu Khánh xưng là Thượng Tọa, ông Tư bắt lỗi: “Nhà nước tấn phong cho ông Thượng Tọa lúc nào?”. Ai cũng biết, với tuổi hạ thì thầy Bửu Khánh thuộc loại Thượng Tọa “già chát”, nhưng nhà nước và Giáo Hội không chấp thuận thì thầy Bửu Khánh vẫn là Đại Đức như Biên Bản cuộc họp đã ghi. Như vậy chức sắc trong Phật giáo phải do nhà nước đề bạt, trong khi đó, ông Bùi Hữu Dược vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn Giáo chính phủ xác định chức sắc Phật giáo do Giáo hội quyết định?

Trong đơn xin tổ chức lễ lạc thành không được Sở Nội vụ chấp nhận với lý do chưa đủ thời gian cứu xét, đồng thời thầy Bửu Khánh không đủ tư cách pháp nhân tại chùa Di Đà (trong khi Di Đà tu viện thuộc chi nhánh của tông Phong mình chứ không thuộc cơ sở của Giáo hội).

Thêm một hành động lạm quyền khi Di Đà tu viện được chư Tăng và Phật tử các nơi về tham dự, bị Ban Tôn giáo cấm đoán, xem đó là việc vi phạm khi có người ngoài xã, ngoài tỉnh đến tham gia mà gọi là trái với “pháp lệnh tín ngưỡng”. (nhắc đến đây gợi nhớ lại thời bao cấp đem lon gạo ra khỏi địa phương bị khép tội buôn lậu. Nếu  tôn giáo cấm tín đồ, tu sĩ khác xã, khác huyện, khác Tỉnh đến tham dự, có nghĩa là tôn giáo bị cô lập, an trí tại chỗ, có hợp với tinh thần hội nhập hiện nay?)

Ông Nguyễn Hữu Tư cũng kết luận: “Việc đăng ký tổ chức lễ lạc thành chùa Di Đà là chức năng của Ban Hộ tự, không phải là chức năng của ĐĐ Bửu Khánh, do đó ĐĐ ký đơn là sai thẩm quyền”, chuyện nầy nghe rất mới – trụ trì dưới quyền của Ban Hộ tự??? Có lẽ ông ta không hiểu nhiệm vụ của Ban Hộ tự. Ban hộ tự theo ông ta là người nắm quyền sai khiến thầy trụ trì vì ai có tiền là có quyền?

Biên bản buổi họp chỉ phản ánh phát biểu của cấp chính quyền mà không ghi lời giải trình của thầy Bửu Khánh, vì thế Biên bản không có giá trị như thầy Bửu Khánh đã viết khi ký tên.

Qua nội dung cuộc họp, ông Trưởng BTG làm việc không thông qua UBND Tỉnh, vì thế không có văn thư chỉ đạo xuống cấp dưới mà chỉ ra lịnh bằng điện thoại. Thái độ hống hách của một cán bộ đầu ngành cấp Tỉnh đối với các vị tháp tùng theo thầy Bửu Khánh trong buổi sáng nay, thể hiện việc xem thường dân, quan liêu cửa quyền. Cuộc họp mang tính áp đặt, không riêng thầy Bửu Khánh mà nhiều tu sĩ trong Tỉnh luôn bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần bởi BTS PG Bình Phước và BTG Tỉnh. Có trực tiếp mới thông cảm các tu sĩ trong Tỉnh khi mà họ không am hiểu về luật pháp, Hiến chương, nội quy Tăng sự và quyền lợi của một công dân tu sĩ.

Hy vọng luật pháp công minh để tôn giáo có một khoảng không gian an lành, tĩnh tâm tu tập hầu góp phần xây dựng đạo đức cho xã hội. Dẫu sao, tu sĩ vẫn tốt hơn tệ nạn xã hội đang phát triển. Tôn giáo vẫn là tổ chức tốt hơn những tổ chức xã hội đen. Hãy dành thời gian giải quyết tệ nạn hiện nay hơn là gây khó cho tu sĩ.

                                                                        MINH MẪN
                                                                          26/6/2013


3 nhận xét:

  1. Thật không ngờ 1 cán bộ tôn giáo cấp tỉnh lại có lời lẽ, hành động thô lổ đối với các tu sĩ như thế. Thử hỏi, ông ta có xứng đáng giữ chức vụ hiện nay hay không? Ông đã làm được gì lợi ích cho dân, cho tôn giáo trong thời gian nhậm chức???

    Trả lờiXóa
  2. Ồ, cách làm việc, hội họp lạ nhỉ, không được thông báo!!!??? Và xấu hổ thay cho một cán bộ đã thể hiện phong cách..... Ông ta là cán bộ đầu ngành tôn giáo gì chứ, có được qua trường lớp huấn luyện không? - Chẳng biết cách xưng hô với quý thầy - Không giải quyết vụ việc để kéo dài khá lâu - Viện ra những lý do..... trật lất.

    Đọc bài viết xong nghe sao mà ngao ngán! Một người mang chức sắc như ông Nguyễn Hữu Tư, đại diện cho ai!!!???

    Trả lờiXóa
  3. Thật bất ngờ khi đọc bài viết về nhân cách của một người gọi là cán bộ đầu ngành tôn giáo. Việc làm sai trái trước kia của ông đã gây phẫn nộ nơi dân chúng, nay ông vẫn tiếp tục thói hống hách, không xem ai ra gì.

    Thưa Cư Sĩ, với người như thế thì làm sao làm việc được, vì ông ta muốn gây khó cho quý thầy, không muốn nhắc lại việc đập phá. Có ai chịu trách nhiệm giải quyết đây?

    Trả lờiXóa