Ba đi tết quý thầy quý
cô, về đến nhà mang lủng củng rau cải từ chợ đầu mối bán không hết, họ bỏ, những
người cùng xóm với nhóm khiếm thị đem về chia nhau ăn.
7 giờ tối 29, tháng thiếu
cứ xem là ngày 30 cuối năm, thay đồ xong, ba phải xuống nhà sau để nhặt nhạnh
những phần hư, còn lại bắt lên nấu; nếu không làm thì mẹ con sẽ vứt hết. Nhiều
lần đồ ăn đem về không làm, để vài hôm là bỏ giỏ rác, vì rau trồng bằng phân
hóa chất, mau hư thối. Mẹ con thích thì làm, không thì đem vứt tất. Có lần ba
mua một ký rong biển khô, để mốc rồi vứt bỏ vì mẹ chẳng chịu nấu. Biết tánh mẹ
con, nên mỗi lần có đồ ăn, ba phải đích thân xuống bếp, có lúc làm đến 10 giờ
đêm dù phải đi ngoài đường suốt ngày mệt mỏi.
Chiều cuối năm, đường vắng
hơn mọi ngày, lưa thưa vài mươi chiếc xe hai bánh, thỉnh thoảng xe du lịch,
không có xe tải hoặc xe container, nên thoáng và ít khói bụi hơn. Các chợ bán
thực phẩm đều dọn về sớm. Những khu chợ hoa họ cố nán lại kiếm đủ chi phí thuế
má mà mỗi ô không đến 3m vuông dọc vỉa hè phải thuê của địa phương. Năm nay, hầu
hết chợ hoa đều than lỗ, cho dù nhà nào cũng phải mua hoa quả về chưng bàn thờ.
Rất ít những nhà có của ăn của để tổ chức nhậu nhẹt tất niên. Mấy hôm trước đường
phố rộn rịp vì công nhân về quê, ít ai mua sắm, lương không đủ quà cáp cho thân
nhân, thậm chí có những công ty nợ lương công nhân nhiều tháng, đến tết vẫn
không thanh toán. Kinh tế sa sút là tình hình chung con à. Vì tập tục cổ truyền
nên tết cần có hoa quả bánh trái nhang đèn cho ấm cúng gia đình, nhìn vào bàn
thờ, hầu hết ông bà cửu huyền các gia đình đều thông cảm cho con cháu không
sung túc như những năm trước.
Đường tuy vắng người, vẫn
có những trẻ tuổi độ 5, 6 cầm xấp vé số phe phẩy mời khách qua đường giữa cái nắng gay gắt; các cụ ông cụ bà và có
cả thanh niên móc từng thùng rác; Một chị ngoài 30, tay bế bé chưa tròn một tuổi,
dắt bé gái lên hai, vai đeo giỏ lát mà ba tin là trong đó ngoài vài bộ áo quần
rách, không có gì đáng giá, ba mẹ con đang đi mà không biết sẽ đi về đâu trong
đêm giao thừa. Ba đổi vài trăm ngàn tiền lẻ, đi đường để tặng những người không
hề biết Tết.Tết năm ngoái cũng vậy, nhìn người thanh niên đen đúa, áo quần bẩn
thỉu nằm vô tư dưới gốc cây bên vệ đường, ba biếu tiền mà ngỡ chừng họ không
tin là mình cho họ thật. Con còn nhớ anh chàng cao lêu nghêu xóm phía sau mà
mình thường biếu quà, sáng ra đã thấy anh chàng đứng ngay cửa chờ ba lì xì, có
lẽ anh ta đi làm mướn ngoài chợ về!
Năm
nay đi chùa không có con. Từ lúc tuổi lên ba cho đến ngày con đi du học, suốt
17 năm cha con như hình với bóng mỗi độ Xuân về. Ba biết con nhớ quê nhà lắm,
nhất là nghe Tết rộn rã khắp quê hương. Quý thầy cô đều hỏi thăm con, động viên
con khi nghe con gặp nhiều khó khăn trên đất khách. Ba có kể cho họ nghe 3
tháng đầu ở chùa H.N con bị nghi ngờ và bị cài bẩy như thế nào để cuối cùng những
người gọi là Phật tử không đủ lòng từ
giúp một đứa trẻ lưu lạc như con, ra khỏi chùa, con sống lây lất suốt 6 tháng
chỉ ăn bắp và khoai Tây chiên. Thật ra những chướng ngại đó không
lớn lắm đâu so với cuộc đời ba đã phải chống chọi để tồn tại mà không được ai
giúp như con.
Đi Mỹ là một việc rất khó. Đi du học lại càng khó hơn. Biết bao
người ước ao mà không được, kể cả người có tiền, thế mà con đã được đi
trong khi gia đình chạy cơm hằng bữa, có bạn bè ba lo giúp phần nào, như vậy việc
còn lại con phải cố gắng vượt qua.
Cũng có anh chị X và vài người tốt bụng, nhưng
vì tính tự trọng, con không muốn làm phiền họ, Nghe con kể đứa bạn thấy con ăn
kham khổ quá, đề nghị con ăn mặn nó sẽ bao cho con, nhưng con can đảm chấp nhận
để giữ chay tịnh cho trọn vẹn. Ba không nghĩ là con qua Mỹ gặp nhiều khó khăn
như thế, vì nhiều người hứa hẹn con qua, họ sẽ giúp con, vì thế ba chỉ nhờ quý
thầy và các thân hữu giúp con về học phí. Đến khi con không có khả năng tự lo chỗ
ở, cái ăn, con đành phải xin về ở với cô tại Cali. Vừa hơn một tháng mà đã nghe
cô dượng muốn chuyển bang khác để sinh sống, thế là số con lại tiếp tục linh
chinh!!!
Nhìn những đứa trẻ thất
học và lao động trước tuổi trên quê hương, ba thấy con vẫn có phước hơn họ nhiều.
Sự thành đạt nào mà không phải trả giá phải không con; dẫu sao con vẫn còn có
tương lai sáng lạn. Con còn có ba lo cho con học hành. Lúc nhỏ, ba không được sống
trong vòng tay thân thương của ông bà nội con, ba phải xa nhà lúc 8 tuổi. Ba
không có tuổi thơ. Khi vào chùa quê phải vất vả lao động, về chùa Thành phố
trong thời chiến , không ai hỗ trợ cho ba ăn học, chưa nói phải bị hiếp đáp từ
mọi phía vì mình mồ côi. Sau năm 1975 đi tù 10 năm (mà chẳng có tội) cũng chẳng có ai thăm nuôi,
về đời không nơi nương tựa, phải lập gia đình với mẹ con. Mẹ con là gái út của
một gia đình sung túc, nên không biết làm bất cứ việc gì. Khi ông bà ngoại qua
đời, mẹ con làm công nhân đủ nuôi bản thân mình. Nhiều năm ba ngồi vỉa hè bơm
quẹt gas, khi chưa có phương tiện đi lại, mỗi ngày phải cuốc bộ từ nhà xuống
Trung Chánh hơn 5km, mang theo lon cơm muối để ăn trưa; khi có chiếc Honda, ba chạy
xe ôm, chở hàng mướn và làm bất cứ việc gì nếu có người cần nhờ. Gần 20 năm lao
động vất vả, lớn tuổi phải nghỉ việc nặng nhọc,
ba làm công quả cho các chùa bằng ngòi bút để quý thầy cô giúp cái sống
qua ngày; cũng nhờ vậy mà nhiều người trong và ngoài nước biết ba, giúp con một
phần khi con qua Mỹ.
Ba hãnh diện vì con
thông minh, học giỏi và có đạo đức, biết tu tập. Những thanh niên như con ở
trong nước cũng như trên đất Mỹ, phần lớn ăn chơi sa đọa. Do ưu điểm đó của con
mà ba phải cật lực lo cho con ăn học để bù lại một quá khứ thiếu hụt về tình
thương và thất học về trường lớp của ba.
Con hãy can đảm và bản
lãnh vượt mọi chướng duyên trên đất khách vì một tương lai của con. Con hãy xem
mọi khó khăn đang có là một chất liệu hỗ trợ cho sự thành đạt và nung ý
chí của đời trai. Cổ nhân đã nói:”nếu đường
đời bằng phẳng cả thì anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Trên đất Mỹ từng có những
người Việt thành đạt một cách vinh hiển mà khi họ đặt chân lên xứ lạ với hai
bàn tay trắng. Những tấm gương đó, con cần noi theo, và con sẽ là họ, thì sau nầy
sẽ là rường cột cho đất nước và nhân tài cho Phật giáo con à!
Những tháng ngày cuối
năm, vừa lo cái ăn ba ngày Xuân cho mẹ con nằm ở nhà, vừa quà tết những ân nhân
giúp con, lo giao dịch thân hữu để giúp con những ngày tới, và lắng nghe những
khó khăn của Tăng Ni để tìm cách giải tỏa…vì thế suốt ngày ba chạy rong ngoài
đường có khi tối mịt mới về đến nhà; Lắm khi về không có cái ăn, ba phải vào bếp,
xong cơm cũng đã gần khuya.
Mọi khi, ba ngủ sớm để
12 giờ khuya dậy công phu, nhưng nay đi về muộn, làm bếp và ăn xong đã 9 giờ.
Ba nghĩ đến con, biết chắc con rất buồn khi nhớ Xuân trên quê hương; Nhưng ở
Cali có đông người Việt, nên hương vị Xuân còn chút phưởng phất. Các bang
khác, người Việt tha phương buồn hơn con
à.
Các chùa đang kết hoa
treo cờ để chuẩn bị giao thừa, chùa Hoằng Pháp gần nhà mình năm nào cũng tấp nập
người đến đón lộc đầu năm; chùa cũng trang trí đẹp lắm; giờ nầy đã có xe cộ ồn
ào bên ngoài để đi lễ chùa. Quý thầy quý cô vất vả không thua các gia đình mỗi khi Xuân đến. Có lẽ gia đình
mình là nhàn nhất, mẹ xem phim suốt, ba rong ruổi như kẻ vô sự. Đám bồ câu đi
kiếm ăn quanh xóm, ba mua cho chúng vài ký gạo; chó mèo cũng có quà Xuân mà
ngày thường chúng thiếu thốn. Nhờ Phật Pháp mà mình an lạc giữa cuộc sống hiện
nay.
Chúc con dõng mãnh tinh
tấn và thành đạt, luôn giữ tâm đạo bền vững và lòng từ phát triển theo tuổi đời.
Con yên tâm học hành, sau lưng con, dẫu gì vẫn còn có ba lo.
Ba của con –
MINH MẪN
09/02/13 (29-nhâm Thìn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét