Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

VIỆT NAM – TƯƠNG LAI MỘT ĐẠO PHẬT ?


VIỆT NAM – TƯƠNG LAI MỘT ĐẠO PHẬT ?

Lạt Ma SONAM LUNDRUP, một tu sĩ người Tiệp, thuộc giòng truyền thừa Gelug Tây Tạng. Dòng nầy đã hiện diện sau khi sơ tổ Tsongkhapa qua đời vào thế kỷ XIV. Gelug có nghĩa là Hạnh Đức, biểu tượng mũ vàng gọi là Hoàng mão. Do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lãnh đạo. Theo giáo sử tông môn, Linie Gelug khởi đầu từ Đức Thích Ca Mâu Ni truyền cho Đức Đại Thế Chí và Bồ Tát Di Lạc, cùng nhiều vị Bồ Tát khác, trong đó có Ngài Atisha. Bồ Tát Atisha truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ X. Từ đó, Tây Tạng xuất hiện nhiều bậc Bồ Tát nổi tiếng như Tsongkhapa vào thế kỷ 14-15.

Ngài Sonam là đệ tử của một hóa thân Rinpoche hiện ngụ tại Cộng Hòa Sec. Đồng thời Ngài là sáng lập viên chùa Rabten Choedarling, tại Kubelikova 86, 460 07 Liberec IX, Janov Dui.

Trước đây, thầy của Ngài trong lúc thiền định, một linh ảnh xuất hiện cho biết tại Việt Nam đang có nhục thân của một vị Phật; tương lai Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu Phật giáo thế giới. Hai vị sư được cử sang Việt Nam trước đây, vừa tìm nhục thân của Phật, vừa tìm người kế thừa dòng tộc Gelug để phát triển tại Việt Nam, nhưng các vị tiền trạm đã không thành công.

Trong chuyến công du với sứ mạng như trên, ngài qua Việt Nam cùng một gia đình Phật tử Việt kiều đang sinh sống tại Tiệp. Vợ chồng anh Hoàng chị Nguyệt là một Việt kiều Phật tử, đang sinh sống tại Cộng hòa Séc, có người anh cũng là một Tăng sĩ trụ trì một tự viện Bà Rịa- Vũng Tàu. Do duyên lành đưa đẩy, sư Giác Lộc, anh của vợ chồng chị Hoàng, cùng với anh Cường tại TP Hồ Chí Minh, đưa sư Sonam Lundrup về gặp một số danh Tăng và trao đổi nhiều vấn đề Phật sự. Đoàn cũng đã gặp thầy Nhật Từ, thầy Trí Chơn cùng một vài vị Tăng khác.

Sáng nay, 20/01/2012, đoàn đến viếng TT T. Chân Tính tại chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn. Lạt Ma Sonam cũng trình bày mục đích qua Việt Nam; Ngài luôn hỏi thăm các bậc Thiện tri thức, học giả, cao Tăng về nhục thân của Phật tại Việt Nam. Ai cũng xác nhận là không có vấn đề đó, ngoại trừ Ngọc Xá Lợi. Nhưng tôi chợt nhớ đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn lưu lại bảo tháp trên Yên Tử. Mọi người đồng thuận, có lẽ vì thế, ba tuần còn lại đoàn sẽ ra Hà Nội.

Ngài ca ngợi về công đức hoằng dương Phật Pháp của TT Chân Tính, ngài cũng chuyển ngữ những băng đĩa của chùa cho Phật tử Tiệp hiểu được sinh hoạt của chùa cũng như của Phật giáo Việt Nam hiện nay. TT Chân Tính trao tặng băng đĩa sinh hoạt của chùa, và đáp lễ, Ngài Sonam cũng tặng TT trụ trì bức ảnh của bồ tát Avalokitesvara. Cũng theo tập quán Tây tạng, Ngài Sonam choàng chiếc khăn lụa màu xanh vào cổ TT Chân Tính, tế nhị hơn – ngài giải thích, đáng ra là tấm khăn màu trắng, nhưng ngài sợ rằng người Việt Nam kỵ màu trắng tang tóc cuối năm.

Hơn nửa giờ giao tiếp, trước khi đoàn xin phép TT ra về, hình kỷ niệm được chụp chung tại nhà khách. TT Chân Tính không quên mời đoàn sẽ đến lần nữa trước khi lên máy bay trở về cố hương.

Nước da trắng, gương mặt trong sáng như ẩn hiện ánh hào quang của bậc chân tu sau cặp kính trắng, Ngài vui vẻ hồn nhiên- Lạt Ma Sonam để lại một ấn tượng khó phai cho người gặp gỡ. Theo tiết lộ của anh Hoàng, Ngài Sonam có những hành tung cứu giúp nạn nhân rất vi diệu, không những tại Tiệp mà ngay cả vừa đặt chân đến Việt Nam.

Những năm gần đây, các Lạt Ma thường xuyên đến Việt Nam, đó là một dấu hiệu an lành cho một dân tộc. Mong rằng, qua tháng năm đau thương của một dân tộc như Việt Nam và Tây Tạng, Phật pháp sẽ đem lại nguồn an lành hạnh phúc cho một dân tộc luôn hướng thiện tu tập.

Đoàn mời tháp tùng đi viếng một số nơi, nhưng những ngày cuối năm khó rỗi, đành chia tay, hẹn ngày tao ngộ.

MINH MẪN

20/01/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét