Văn hóa tâm linh
Hiện thực hay phi thực?
Theo Đạo học, từ cõi hỗn mang của Vô cực, tụ khí sanh Thái cực, tiến đến lưỡng nghi, Tam tài, tứ tượng, bát quái…
Với Phật học, từ tính thể uyên nguyên móng khởi vọng niệm, mới có nhị nguyên đối đãi, sanh chấp trước ngã-pháp, trùng trùng duyên sanh pháp tướng. ( nhất thiết duy tâm tạo)
Theo một số nhà vũ trụ học hiểu rằng, Big Bang không phải nguồn gốc khởi nguyên vũ trụ mà chỉ là hiện tượng vũ trụ dãn nở, nghĩa là vũ trụ vốn sẵn có, Lúc cô đặc, nhiệt độ cực đỉnh mà không phát sinh được bất cứ nguyên tử nào, vì thế proton, electron chưa kết tinh thành nguyên tử, đến khi vũ trụ dãn nở dần, nhiệt độ hạ thấp cho phép các nguyên tử hình thành, sự sống xuất hiện. Vì vậy, theo trường phái nầy, phủ nhận Big Bang là khởi nguyên của vũ trụ, phủ nhận luôn đó là hiện tượng “nổ lớn”, để đi đến kết luận, chúng là hiện tượng dãn nở của vũ trụ. Vậy nguyên thỉ vũ trụ cô đặc, chưa có sự sống, chưa có nguyên tử hay bất cứ bản chất vật lý – hóa học nào dưới một nhiệt độ cực đại như vậy, thể trạng đó gọi là gì? Trong sự âm ỷ của cõi hỗn mang, hiện tượng giới chưa thể hình thành, bởi lẽ, hình thành vật thể phải có yếu tố vật lý, thế thì từ đâu có vũ trụ cô đặc để rồi dãn nở???
Theo học thuyết nhà Phật: - “không có cái gì từ không mà trở thành có, cũng chẳng có cái gì từ có mà trở thành không”, vì thế mà có từ: “ Chân không-diệu hữu”. Trong giấc mộng, mọi sự đều hiện hữu, sau giấc mộng mọi hiện hữu trở thành không; như vậy không thể nói không hay nói có, tùy hoàn cảnh và nhân duyên hiện hữu hay không hiện hữu, và sự hiện hữu cũng không do một đơn tố cá biệt tạo thành mà gồm nhiều nguyên tố kết hợp; Đã là nhiều nguyên tố thì không thể bảo proton, electron, nguyên tử, phân tử, hạ nguyên tử…quyết định một hữu thể, từ đó suy ra, tất cả đều giả hợp, giả tướng, giả định, bất định, nghĩa là vô thường. Một sáng kiến phát minh của các nhà khoa học theo trường phái String Theory từ Brian Greene tạo ra hình ảnh nổi, sống động như thật từ thế giới 2 chiều gọi là holograms, tạo được cảm giác như thật, các khoa học gia này đặt vấn đề “chuyện gì sẽ xẩy ra nếu ta là ảo ảnh?”. “Nhất thiết hữu vi pháp – như mộng huyễn bào ảnh – như lộ diệc như điển – ưng tác như thị quán” đó là công án cho mọi hành giả để nhập môn Tâm linh.
Phủ nhận một hiện hữu?
Từ xa xưa, cũng từng có những trường phái chấp nhận thực hữu ( thế gian thường còn) thì cũng có những tư tưởng chủ trương phi hữu (thế gian không có thật). Ngay trong giáo điển nhà Phật, có tông chủ trương “pháp hữu – nhân vô”, có tông chấp “pháp vô – nhân hữu”, cũng không thiếu vị quan niệm”pháp không-ngã không”. Cái chấp của ngoại giáo là loại chấp chặt (kiến chấp). Nhưng hành giả tâm linh Phật giáo dùng phương tiện chấp để vượt chấp. Cái giá của chấp đó chỉ có giá trị nhất thời tùy đối cơ mà ban pháp, cũng như sau 49 năm thuyết pháp, Phật bảo ta chưa hề nói lời nào, tức cho thính chúng không vướng vào những gì Thế tôn đã dạy. Phật từng im lặng trước những vấn nạn – vũ trụ nầy có hay không có, thường còn hay không thường còn, nếu có thì có từ bao giờ? Đó là những vấn nạn dễ đưa con người đến chỗ chấp trước. Vướng vào chấp rồi thì khó mà giải thoát. Vướng vào một hiện tượng giả hợp cho là thật thì vấn đề giải thoát khó đưa đến tuệ giác. Vì vậy, Phật giáo không phủ nhận sự hiện hữu mà cũng không chấp nhận sự hiện hữu là thật :” các pháp do duyên sanh- các pháp do duyên diệt”. Từng có những hành giả do quán nhân duyên mà chứng đắc. Vì thế Phật giáo là đạo trí tuệ, là con đường của tuệ giác.
Quán nhân duyên hay quán bất tịnh, quán bất cứ đề mục nào, công án nào đều là hội tụ năng lượng sinh thức kích hoạt tế bào thần kinh, tế bào võ não. Người chuyên sâu vào tâm linh, hướng thượng thường phát triển bán cầu não và mang màu sắc khác thường, từ đó, tuyến Tùng cũng phát triển tùy năng lực tu tập hành trì của hành giả. Một hành giả chứng đắc là một bậc giác ngộ hoặc đại giác ngộ, giác ngộ từng phần hoặc giác ngộ toàn phần, lúc bấy giờ tuyến tùng phát triển như một con mắt thứ ba, nhìn thấy được thực thẻ vũ trụ. Từ con người đến mọi vật thể đều là những dạng sóng kết tinh.
Khuynh hướng chung, cái xấu cái ác…nằm bên dưới, hướng thiện là đi từ dưới lên, từ thấp lên cao, từ cái xấu ác tiến lên cái đẹp cái thiện; vì vậy, tiến bộ có nghĩa tiến tới, tiến lên chứ không thể đi xuống mà gọi là tiến bộ. Cái ô trọc nằm dưới, cái thanh nhẹ bốc lên cao; trược khí u trệ làm chìm nhân cách trí tuệ. Thần thức thoát khỏi thể xác cũng rút nguồn sinh lực từ dưới chân lên đỉnh đầu. Hành giả luyện đơn cũng dùng năng lượng nung tinh hóa khí bốc lên tuyến tùng khai mở huệ nhãn. Yoga gọi nguồn sinh lực tiềm ẩn ở luân xa 1 là hỏa xà hay còn gọi là Kundalini; Năng lượng sinh học được năng lượng sinh thức nung nấu tỏa nhiệt lượng phía dưới đan điền giúp các hành giả chống cái rét tại vùng Hy Mã. Giữa tuyết lạnh bao phủ cảnh vật, cơ thể của các đạo sĩ yoga hay các sư Tây Tạng dùng nhiệt lượng nội thân để làm khô y áo và tan chảy tuyết bám trên thân. Cái nhiệt lượng đó được kiểm soát bởi năng lượng sinh thức, nó biến thành lửa tam muội khi hành giả làm chủ được sanh tử. Các thiền sư lưu xác không hư thối do lửa Tam muội thiêu hủy các vi khuẩn và làm khô chất nước trong cơ thể, vì vậy một số xác của các thiền sư vẫn tồn tại vài thế kỷ mà không hề mục rữa. Lửa Tam muội làm cô đặc tinh tủy thành dạng những viên kim cương bất hoại giữa các khớp xương gọi là xá lợi. Trong tiến trình chuyển hóa tâm thức, cơ năng sinh học của hành giả cũng được thanh tẩy để tương thích và đồng bộ tiến hóa tâm linh. Cho dù Thiền phái nhà Phật hay một số Thiền pháp khác không chú hướng đến nội thể, như các pháp Tiên giáo và Yoga, nhưng việc chuyển hóa sinh lý nội thể vẫn phải diễn ra; cho dù không nói đến các luân xa, không đề cập đến luồng hỏa xà, thì sự hiện hữu của chúng vẫn tồn tại và vận hành theo chiều hướng tương thích với tâm thức con người. Tuy hạ giới ( từ luân xa 3 trở xuống) là thành phần ô trược theo nghĩa thông tục, nhưng là nguyên tố cốt lõi để nuôi dưỡng toàn bộ phần thượng giới. Tinh khí được bảo tồn hoàn hảo thì trí tuệ được khai triển tốt. Tinh khí thần sung mãn thì sinh lực dồi dào, thân thể khỏe mạnh vô bịnh, chính vì thế, luân xa một có nhiệm vụ sinh Tinh, một người trác táng quá độ thì sinh mệnh bạc nhược, tinh thần u nhược. Như thế để hiếu rằng, cái xấu nhất, cái tệ nhất vẫn là điều kiện để có cái tốt nhất, cái ưu nhất. (rác phân bẩn nhất để có hoa quả tươi tốt nhất).Tinh khí ô trược nhưng là nguyên tố để dưỡng khí hóa thần đưa đến kim thân bất hoại của Tiên giáo, đưa đến tuệ giác của Phật giáo; đạt đến đỉnh cao của các trường phái tâm linh. Đó là những điều kiện tất yếu của các trường phái tâm linh.
Lưỡng nghi – luật đối lập
Luật đối đãi, dưới quan điểm triết học Mac-Lê :” trong một hợp thể luôn luôn có hai mặt mâu thuẩn đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẩn nầy thì mâu thuẩn khác phát sanh”
Đạo gia và Nho giáo cũng chấp nhận mọi vật mang lưỡng tính “âm-dương”, âm thạnh thì dương suy, dương thạnh thì âm phải suy; khó mà có sự cân bằng tuyệt đối.
Theo thường tục, hoặc là đúng hoặc là sai, hoặc có hoặc không chứ không thể hai cái có cùng lúc. Chính biên kiến như thế mà nhân sinh luôn nằm trong thế cực đoan đối lập, đưa đến khổ đau tự thân và làm khổ kẻ khác. Trong thề tương tranh, hoặc anh là bạn hoặc anh là thù.
Những quan điểm như thế đời sống luôn có đấu tranh, từ đó, học thuyết duy vật chủ trương đấu tranh giai cấp. Đã là đấu tranh thì không có giới hạn thời gian, quan niệm lúc nào cũng phải đấu tranh để có tiến bộ, để có tiến hóa. Đấu tranh giai đoạn và đấu tranh tổng thể. Đấu tranh là sự vận hành, kết nạp, loại trừ, sanh biến và đào thải theo quy luật tự nhiên để thích ứng với thời- không gian, nhưng con người nắm quy luật đó để chủ động sự vận hành theo chủ đích vạch ra. Từ đây, hai chữ đấu tranh đã bị lạm dụng lệch lạc đẩy cuộc sống vào thế tương tranh giành giựt sát phạt. “sống là tranh đấu” hay “thương trường là chiến trường”…đều là cách nhìn phiến diện và khiếm diện. Sự vận hành theo luật tự nhiên, mọi hợp thể tự chuyển biến, chuyển hóa để tương thích với thời gian và không gian nhất định. Một hành sự biết dung nhiếp với lòng từ bi thì cách giải quyết vấn đề trong một tập thể, trong một công ty sẽ êm đẹp nhẹ nhàng, hợp lý. Đây là luật đấu tranh theo nghĩa cân bằng, nhân đạo cùng có lợi mà không phải để thủ lợi cá biệt.
Phật giáo sở dĩ bảo tồn được tinh thần nhân ái vô biên là vì không mang một quan điểm thường tục như thế, người tu Phật không có kẻ thù, cho dù kẻ đó làm mình khổ đau, kẻ đó sát hại mình.. Một Lạt ma già, đào thoát khỏi Trung Quốc, trả lời câu hỏi của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Trong 20 năm tù, cái gì làm thầy sợ nhất? Ngài đáp: Con chỉ sợ mình thiếu lòng từ bi đối với kẻ hành hạ đánh đập mình, lúc tận cùng đau khổ chỉ sợ lòng sân con nổi lên đối với cai tù. Đó là cánh hoa đẹp và ngát hương trong rừng giáo lý của đạo Phật!
Hành giả đạo Phật hành xử với thế giới quanh mình cũng như đối diện với tập khí ô nhiễm của tự thân không có thái độ đối kháng, tiêu diệt hoặc trốn chạy; luôn sẵn sàng đối diện để đối thoại và chuyển hóa. Giải quyết một vấn đề không đặt ra đối lập mà là dung nhiếp. Không thấy có mình và có kẻ thù. Tinh thần chuyển hóa là tinh thần dung nhiếp độ lượng. Không có A mà cũng chẳng có B, vì hai trạng thái đó chỉ là một thực thể. Bàn tay có trái và phải, cuộc sống luôn có xấu và tốt, đúng và sai, không thể chọn cái nầy loại cái kia. Tất cả đồng thời tồn tại và có mặt với nhau cùng một lúc. Nói theo Kito giáo:- Chúa tạo ra Thiên thần thì Chúa cũng tạo ra Satan, Chúa tạo ra Adam Eva thì Chúa cũng tạo ra con rắn.
Như thế, đặt vấn đề hoặc là có anh thì không có tôi, hoặc có tốt thì không có xấu. Hoặc anh là bạn hoặc là thù…là cách đặt vấn đề không hợp lý giữa cuộc sống đầy phi lý. Chính cách đặt vấn đề như thế mà bao cuộc chiến đã xẩy ra, bao đau khổ đến với nhau và cùng đưa đến bế tắt cho nhau. Con đường thứ ba là con đường không bên nầy cũng chẳng phải bên kia, một con đường không bị trói cột bởi một bên mà phải đứng ngoài và trên tất cả mọi bên. Tinh thần “trung đạo” của Phật giáo không phải là con đường dĩ hòa vi quý, không phải là con đường ba phải hay con đường “hòa giải” mà là “hóa giải”.
Vì Mac-Lê chỉ thấy giải quyết xã hội hay mọi việc bằng phương cách đấu tranh, loại trừ dù biết rằng:”giải quyết mâu thuẩn nầy thì mâu thuẩn khác phát sanh” vẫn phải đấu tranh không ngừng mà không có con đường nào khác để thăng hoa không đổ máu. Cuộc sống từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn vậy, các tôn giáo lớn cũng không đưa ra được phương cách giải quyết ổn thỏa cho những mâu thuẩn trong cuộc sống; hầu hết đều chối bỏ, tìm phương cách cầu an trốn chạy hoặc đổ lỗi giữa những thực thể đang tồn tại: “Cọng lông sợi tóc rơi xuống không ngoài ý muốn của Thượng Đế”, chẳng lẽ Thượng đế đem lại đau khổ cho con người khi mà con người là con cái của Thượng Đế?. Quan niệm số phận cũng là cách trốn chạy trách nhiệm. Một tai nạn đau thương, một cái chết oan uổng được giải thích là do Chúa muốn giúp một linh hồn sớm về với Chúa, cũng là lối giải thích an ủi.
Mọi thực thể tồn tại không do một đơn tố cá biệt. “cái nầy có thì cái kia có – cái nầy sanh thì cái kia sanh- cái nầy diệt thì cái kia diệt” với tinh thần của nhà Phật như thế, thì “ Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian nầy cũng không”.Với sự tương quan sanh diệt, triết học huyền môn Hoa Nghiêm đã nói lên pháp giới Hoa tạng biểu thị sự tồn tại của vũ trụ nhân sinh gồm nhiều đặc tính:
1. Đồng Thời Cụ Túc Tương Ưng
2. Nhân Đà La Võng cảnh Giới
3. Bí Mật Ẩn Hiển Câu Thành
.4- Vi Tế Tương Dung An Lập
5. Thập Thế Cách Pháp Dị Thành
6.
7. Nhất Đa Tương Dung Bất Đồng
8.
9. Duy Tâm Hồi Chuyển Thiện Thành
10. Thác Sự Hiến Pháp Sanh Giải.
Với cái nhìn dung nhiếp như thế, Phật giáo giúp hành giả không cực đoan, không cố chấp, không thiên lệch, Tinh thần tương tức tương nhập, làm kẻ khác đau khổ chính mình cũng phải đau khổ. Theo Khoa học, tác động vào một hạt nhân ở điểm A thì hạt nhân điểm B ở cách xa vẫn nhận được hiệu ứng tác động tương tự. Vì thế, một câu nói mang tính triết lý:” một con bướm vỗ cánh ở Tử Cấm Thành thì bên kia đại dương vẫn bị chấn động”. Một người con ở xa lâm nạn thì người mẹ cảm nhận được sự bồn chồn bất an. Trường năng lượng bao phủ vũ trụ mà các nhà chiêm tinh biết được mệnh số một người tác động bởi một vì sao nào đó trong tử vi. Sự tương tức tương nhập theo tinh thần Hoa Nghiêm là loại chập sóng dưới ánh sáng khoa học. “nhất đa tương dung” là tinh thần hòa nhập; vạn vật vũ trụ trên đầu sợi lông, có nghĩa trên đầu sợi lông có thể chứa vũ trụ vạn vật; ba trong một hay hai trong một chỉ là một khái niệm hạn chế của tinh thần một là tất cả, tất cả là một của nhà Phật. Ngày nay, khoa học chỉ cần lấy một tế bào trong thân cây, có thể nhân giống ra nhiều cây. Con người cũng được thí nghiệm sau vụ chú cừu Dolly ra đời bằng nhân bản vô tính. Hiện nay nhiều quốc gia xử dụng gen để nhân bản vô tính các loài động vật, thực vật, kể cả loài voi mamut tuyệt chủng cách đây 10.000 năm. Như thế, một té bào có chứa đủ thể chất, hình dạng, sự sống của một sinh vật, đó là nhất đa tương dung của nhà Phật. Khi nhà khoa học nhìn sự vật dưới dạng sóng hay hạt thì cũng chỉ là cái tiến bộ nhỏ bé so với năng lượng siêu thức của bậc vĩ nhân toàn giác. Với quan điểm của Hubble, vũ trụ co đặc với nhiệt năng toàn bộ thì nguyên tố lý hoá chưa có mặt, vậy đâu là sóng và hạt lúc bấy giờ? Cũng thế, khi tâm thức chưa khởi vọng niệm thì tập khí ở đâu? Trời đất âm dương chưa phân định trong cõi hổn mang thì làm gì có nhất bản tán vạn thù! Tánh tương cận tập tương viễn không chỉ nói đến nhân tánh mà còn hàm nghĩa sự vận hành của vũ trụ.
Lý sự viên dung
Hiểu được nguyên lý vận hành, nguyên lý đối đãi, nguyên lý tương tác, tương nhập, nguyên lý “vạn vật đồng nhất thể” thì “thế gian vốn vô sự”, không cần phải bon chen chật vật vất vả để tìm cái lợi cái danh, cái tốt cái đẹp nhất cho riêng mình. Không tạo yếu tố hoàn hảo thì không thể mong cầu sự hoàn hảo. Chuyện vui kể rằng, một bác cyclo ngủ trưa, nhìn thấy ông Thần Tài đến quở: “sao cậu cứ vứt tôi xuống mương? Bác cyclo đáp – ngày nào tôi cũng cúng cho ông cà phê thuốc lá mà ông không cho tôi trúng số! – vậy cậu hãy đi theo tôi, thế là ông Thần Tài đưa bác cyclo vào một ngân hàng to lớn, nói: - cậu đến tìm trong đống tiền vàng kia, cái nào có tên cậu thì lấy về. bác cyclo tìm mãi không thấy; ông Thần Tài cười bảo – không có tên cậu thì lấy đâu tôi cho cậu, mỗi người lúc sinh thời phải tạo tài khoản cho mình mới có hưởng chứ. – bác cyclo tỉnh mộng, nhặt ông Thần Tài lên lau chùi để vào khánh thờ tiếp”
Thế thì trong ta, có yếu tố di truyền của cha mẹ ông bà giòng họ nhiều đời của ta. Ta thiếu nhân cách là đưa giòng họ ta đến chỗ thiếu nhân cách. Trong ta cũng có yếu tố tình cảm, khổ đau, thất tình lục dục như bao nhiêu con người khác, vì cá nhân mưu cầu hạnh phúc để làm khổ kẻ khác là chính ta tạo nhân khổ đau cho ta, hạt giống đó sẽ trổ quả trong hiện tại hoặc trong tương lai. Luật nhân quả giải thích mọi hiện tượng sai biệt trong cuộc sống, không thể đổ thừa cho một đấng thiêng liêng nào. Ta gieo nhân trí tuệ thì con cháu giòng tộc ta thừa hưởng hạt giống trì tuệ đó. Cộng nghiệp là nguyên lý cộng hưởng của một tập thể, một cộng đồng. Cộng nghiệp hàm tàng nhiều biệt nghiệp; giải quyết được biệt nghiệp có thể tác hưởng đến cộng nghiệp
Tinh thần hóa giải: tính tương tác giao hưởng của một cộng đồng đòi hỏi giải quyết một sự kiện không thể chọn một bỏ một. Trong một khía cạnh nào đó giá trị đất đá không kém hơn giá trị vàng bạc tiền của. Giải quyết tệ nạn xã hội không thể triệt tiêu tệ nạn bằng quyền lực, bạo hành cực đoan. Quả bóng càng ném mạnh, lực phản hồi càng gia tăng, vì thế, hóa giải nguyên nhân tác sanh tệ nạn, hóa giải điều kiện tăng trưởng tệ nạn bằng sự cảm thông và lòng từ thật sự thì tệ nạn tự nó lụn tàn. Vì vậy, trấn áp bằng bạo lực, tệ nạn càng gia tăng dưới nhiều hình thức. Một cộng đồng tín ngưỡng hòa ái ổn định hơn một cộng đồng xã hội tuy xã hội có nhiều ràng buộc hơn bởi luật lệ định chế pháp lý và nhà giam. Tôn giáo không có vũ lực, không có quyền lực, không có quyền lợi vật chất, thế nhưng mọi thành viên trong cộng đồng đó tự nguyện tuân thủ mọi nề nếp của một tập thể, bởi lẽ, nhân cách và lòng từ ái của các vị lãnh đạo tinh thần đã tranh thủ được mọi tôn kính của họ. Cũng thế, giải quyết những tập khí , tạp niệm trong tâm thức của một hành giả trong quá trình tu tập, khó mà chối bỏ sự hiện hữu của chúng; không thể lấy đá đè cỏ, khó mà dùng một pháp nào đó để đối trị chúng nếu không trực diện để hóa giải. Một trẻ em hư hỏng được ôm ấp vỗ về dễ cải hóa hơn dùng bạo lực áp chế. Một hành giả cố tình chối bỏ, trốn chạy sự ồn ào của tâm thức, chúng càng hiện rõ hơn. Như luật đối đãi của cuộc sống, chúng đồng thời tồn tại, tâm thức cũng thế, tốt xấu, ồn ào, thanh tịnh cũng tồn tại cùng một chiến tuyến. Năng lực nội tâm đủ mạnh thì năng lượng sinh thức hỗ trợ cho tâm thức thoát khỏi tính đối đãi trong nội tâm, chúng sẽ chuyển hướng và đắc lực cho một hành trình tâm linh trở về nguyên bản.
Bản lai vô nhất vật: kinh nghiệm tâm linh của các Thánh nhân đều xác nhận như thế. Quang năng tự tánh là thể, vũ trụ vạn hữu là tướng, vọng niệm sanh khởi là tánh, hướng nội hóa giải là dụng. Mọi hiện tướng là sóng của đại dương tâm thức. Gió vô minh khởi động là tâm thức biến thành sóng nổi ba đào. Pháp tướng tông từng bảo: “nhất thiết duy tâm tạo”. Vũ trụ giãn nở và co thắt không có khởi đầu và kết thúc thì vạn thù khởi hiện từ biển tâm thức đâu là khởi điểm và chung cuộc? “Tam thế duy tâm-vạn pháp duy thức” thi đâu là đấng sáng tạo ra muôn loài?. Hình ảnh trong giấc mộng không có khởi đầu không có kết thúc, không có nguyên nhân cho đến khi tỉnh mộng mới biết đó là không thật. Với năng lượng siêu thức của bậc đại giác sau khi thoát khỏi đại mộng trần thế cũng vậy, nhìn lại bao kiếp đau thương đi qua và những kinh hãi của chúng sanh đang chìm đắm – như là ảo ảnh loáng thoáng trên sa mạc giữa nắng hè. Những đói khát ở cỏi âm, những nhu cầu vật chất tiện nghi trên cỏi trần đều được người quá cố nơi âm cảnh khát khao sở hữu, những ám ảnh lúc cận tử nghiệp mang theo đều luôn dày vò người quá cố… đó là một trạng thái tâm lý chưa được giải bỏ. Một linh thức được khai thị thì những sân hận, thèm muốn đều được hóa giải, thần thức sẽ siêu sanh trong sát na. Như vậy, dịa ngục, tiên cảnh, khổ đau, niết bàn chỉ là trạng thái tâm thức chứ không phải là cảnh giới. Holograms đã biểu thị được trạng huống tâm thức chúng sanh ở dạng ảo ảnh.
Từ đó, những giao động tâm thức, những hiện tướng trần tục chỉ là chiếc bóng mờ, ảo ảnh động niệm. Vô số pháp môn giúp hành giả giải trừ vọng niệm. Có những pháp đối cơ trực giải, có những pháp làm êm dịu vọng tâm, cũng có pháp nhìn thẳng vào hiện trạng tâm lý để hóa giải. Phần lớn các pháp quán của nhà Phật để thấy nhân và duyên là những yếu tố phi thực do tâm chấp chặt mà có – gọi là “tri vọng ”; cũng có pháp đồng hành cùng vọng niệm một cách êm ái nhẹ nhàng để chuyển hóa vọng niệm thành chánh niệm. Hầu hết đều là cách gỡ rối tơ vò do tâm chúng sanh vò như tơ rối. Do vậy mới có câu – tu ba a tăng kỳ kiếp mới đạt thành chánh quả. Nhưng chư tổ không chấp nhận gia hạn công nợ vô thời hạn như thế. Các ngài bảo – tu nhất kiếp ngộ nhất thời. Đốn ngộ! Cho dù vạn loại đa dạng, nhưng chỉ cần gỡ một manh mối thì tất cả sẽ hoàn không. Đó là cách hóa giải của bậc thượng căn thượng trí – đốn ngộ!
Chìa khóa vạn năng: Trên màn ảnh, vạn vật hoạt động như thật. Phim truyện diễn ra nhiều tình tiết rối rắm không thua xã hội thực tế. Holograms là phiên bản của tâm thức; Tất cả là một hoạt cảnh khổng lồ của kiếp nhân sinh vạn loại; thế nhưng, chỉ một cái ngắt điện, một cú cúp máy, mọi sự sẽ hoàn không! Cũng thế, tâm thức như giòng nước chảy, “Năng Biến Thức” bao hàm “nhân năng biến và quả năng biến”; Tam thập tụng viết: “Do giả thuyết Ngã-Pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến, thử năng biến duy tam” xác định như thế không do tâm mà có là gì? Tuy thức thứ tám là kho tàng, nhưng nó chỉ là vô tội vạ, cái gì nó cũng chứa, chỉ có thức thứ bảy mới đánh giá đúng sai chấp chặt.: “Thị vô phú-vô ký, xúc đẳng diệc như thị, hằng chuyển như bộc lưu, Alahan vị xả”. Nó theo chúng ta trôi lăn qua sáu nẻo luân hồi như giòng nước chảy xiết, khi đến quả vị A La Hán mới chấm dứt tạp danh của hàm tàng thức. Tâm thức biến động không lường nên duy thức viết: “Thị chư thức chuyển biến, phân biệt, sở phân biệt, do thử bỉ giai vô, cố nhất thiết duy thức” , “Do nhất thiết chủng thức, như thị như thị biến, dĩ triển chuyển lực cố, bỉ bỉ phân biệt sanh”, “Do bỉ bỉ biến kế, biến kế chủng chủng vật, thử biến kế sở chấp, tự tánh vô sở hữu”… Pháp tướng tông giúp cho hành giả thấy được mọi sự vật chỉ đều ảo ảnh của tâm thức, nương từ cái nầy nẩy sanh cái nọ; Như một họa sĩ tự đam mê bức họa khỏa thân do chính mình vẽ ra. Tự mình chấp ngã-pháp như chỉêm bao tưởng thật nên đam mê, sợ hãi, khổ đau.
Trong rạp hát hoặc trên màn hình, khán giả khóc cười theo diễn xuất của diễn viên, người xem đặt mình trong bối cảnh đó để sanh hỷ-nộ-ái ố, khi tàn cuộc, thở phào nhẹ nhõm trở lại với cuộc sống thực. Cũng thế, hành giả thoát khỏi sự thống trị của huyển thức, làm chủ được năng lượng siêu thức, như thoát khỏi đại mộng trần gian. Vì thương chúng sanh, chư Phật, chư Bồ Tát, chư tổ, chư Thánh hiền minh triết chân sư đã giả lập những đồ án như “Hóa Thành dụ” trong kinh Pháp Hoa để dẫn dắt chúng sanh ra khỏi đại mộng. Tùy căn cơ đối tượng mà có một pháp hành cá biệt. Có những pháp tuồng như mâu thuẩn nhau, nhưng tất cả chỉ là phương tiện trong một giai đoạn. Thế mà không it những vị bám chấp vào pháp hành, biến pháp môn thành chiếc tròng đeo trên cổ, thế là dẫm chân tại chỗ, không tiến được, đâm ra nãn chí hoặc biến tấu pháp hành sang một hình thức khác khi không nắm vững nguyên lý pháp môn. Không pháp môn nào là chân lý tuyệt đối, chân lý tuyệt đối khi hành giả vượt thoát khỏi các pháp môn để chính mình là Quang năng tự tánh, là Vô lượng Thọ- Vô lượng Quang, là ánh sáng của trí huệ đại giác.
Suốt đời hành giả lăn lộn khốn khổ cho một pháp hành, hành giả tham thoại đầu đánh đổi cả mạng sống cho một công áng; hành giả Tịnh độ miên mật cho câu niệm Phật; hành giả Mật thừa đi đứng nằm ngồi luôn ẩn hiện Thánh tự mật ngôn; hành giả Tiên Đạo luôn nung nấu kết Thánh thai, luyện Tam bửu, quy túc, đại châu thiên, tiểu châu thiên…Khí công luôn tập chú nguồn sinh khí nội thân…Trên đạo lộ miên viễn đó, không thiếu hành giả bỏ mạng sa trường gác kiếm quy tiên.
Những hành giả từng trồng nhiều phước báu và dày công tu tập nhiều kiếp, một giọt nước cuối cùng cũng làm tràn ly nước, một viên sỏi tạt vào gốc cây đủ làm cho hành giả hoát nhiên đại ngộ; chiếc lá rơi, cành hoa dại ven đường lay động trước gió Xuân…có thể giúp cho hành giả chứng đắc . Vì thế chư tổ từng nói: - thế gian pháp tức Phật Pháp. Ranh giới giữa mê và ngộ chỉ là đường tơ kẽ tóc. Quang năng tự tánh thường hằng quanh ta, năng lượng siêu thức vốn trong tầm tay, có thể đến với hành giả bất cứ lúc nào Nếu….
Phật giáo vốn nêu cao tự lực, thế nhưng không thể phủ bác tính tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát, Bát Bộ Long Thiên. Đương thời tại thế, Đức Phật có một năng lực siêu nhiên đủ hóa giải vô minh cho thính chúng đương đại, vì thế các đại đệ tử đều chứng đắc tại thời. Một số chân sư cũng vậy, giúp đồ chúng tiến hóa rất nhanh trên con đường tâm linh. Sợ tín chúng ỷ lại vào tha lực mà giải đãi việc tu, nên đức Thế tôn phải nói: “các con phải tự thắp đuốc mà đi, con là hòn đảo tự thân, hãy lấy giới luật làm thầy mà không nương tựa bất cứ ai” Một hành giả tinh tấn tu tập, luôn bắt được nhịp sóng minh sư, tức là năng lượng vũ trụ, năng lượng ngoại biên hỗ trợ. Như được kết nối nguồn điện – hành giả - pháp môn - và quang năng tự tánh luôn tồn tại với hành giả, sự tiến hóa trên con đường tâm linh được hiển lộ qua lòng từ rộng mở - sức khỏe dồi dào – trí tuệ phát sanh và tâm an lạc hoan hỷ.
Mê và ngộ là một, ánh sáng và bóng tối là một. Trong một hang động tăm tối ngàn năm, chỉ cần ngọn đuốc, bóng đêm tự dưng tan biến. Trong căn nhà tối tăm, bật công tắc điện, ánh sáng hiện diện. Không thiếu những căn cơ thượng thừa, chỉ cần một câu nói thật giản dị của một minh sư hoặc hữu hình hoặc vô hình, tức khắc chuyển mê thành ngộ. Bởi vì, quang năng tự tánh vốn là nguồn sáng luôn tồn tại trong lớp vô minh chưa được lột bỏ. Năng lượng siêu thức là đây, vì thế, sau khi chứng ngộ dưới gốc Bồ Đề, Đức Thích Ca ngạc nhiên phán: “lạ thay, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ như nhau!”
MINH MẪN
24/5/2012
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét