Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

LẠI CHUYỆN CẢI ĐẠO


Gần đây, trên các mạng truyền thông của Kito giáo loan tin “nữ chân tu Phật Giáo trụ trì chùa Quán Âm, Bình Hưng, Bình Chánh” đã cải đạo từ giường bệnh.

Sau tin đó, hàng loạt bài từ Phật giáo phản hồi và tìm hiểu sự thật. Qua một số bài, trong đó có bài của thầy Thanh Thắng xác minh: cô Phụng không phải là ni cô, am Quan Âm không phải là chùa mà chỉ là tư gia thờ phượng như cái am, cái thất cá nhân thôi.
Việc cải đạo từ bên nầy qua bên kia là ”chuyện thường ngày ở huyện”, không riêng ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, nhất là Âu châu hiện nay, rất rất nhiều tín hữu Kito giáo chuyển sang đạo Phật và nhà Chúa biến thành nhà Chùa, chẳng có gì phải ầm ỉ. Cái ầm ỉ là việc cải đạo không do tự nguyện và xẩy ra trong lúc đương sự thiếu tỉnh táo. Qua sự kiện nầy, nguời đưa tin lập lờ đánh lận con đen, biến một tín đồ thành ni cô, biến am thất thành chùa để thăm dò phản ứng Phật giáo và khích lệ những linh hồn còn lừng khừng chạy theo mốt thời thượng về tín ngưỡng, để hãnh diện trên cổ tòn ten cây Thập ác, xem như là trào lưu tiến bộ.

Các soeur có mặt thường xuyên trong các bệnh viện để giúp các bệnh nhân thiếu sự quan tâm của thân quyến, trước 1975, miền Nam cũng đã có như thế; khi cảm hóa được một linh hồn bệnh hoạn hoặc tranh thủ áp đặt tín ngưỡng trong lúc hôn mê, các soeur liền thông báo cho vị Linh mục đến rửa tội. Các tội phạm trong lao khám, trước khi tử tù bị hành quyết, Linh mục tuyên úy khuyên nhủ tử tù nên chấp nhận Thượng Đế để được rửa tội đưa về ở cùng nước Chúa.
Tóm lại, mọi tình huống`trong cuộc sống đều luôn có mặt các soeur, các cha, và giờ đây, các mục sư bên cạnh chúng ta.Đó là tinh thần tiếp thị của kinh tế thị trường một cách bài bản của Phương Tây.
Các tôn giáo Đông phương ngược lại, mang tính thụ động trong việc truyền tải giáo lý, ai có “duyên” thì đến, không chủ động đem đạo đến với ai. Thà các sư bị đẩy lên núi như Hàn quốc hiện nay; thà bị chính phủ làm nhục Tăng Thống Phật giáo Hàn quốc, thà để họ chặt đầu tượng Phật…;Vì quan niệm: Phật tại tâm, Phật luôn bàng bạt khắp mọi chúng sanh, Phật không bao giờ mất, hết suy đến thịnh, hết thịnh đến suy…Đạo chân chính không cần quảng bá, thà ít mà chuyên chính hơn là số đông mà phức tạp…vì thế Phật giáo an phận thụ động và co cụm trên các quốc gia mà Phật giáo từng chiếm đa số.
Không những tại Hàn quốc bị Tin lành trấn áp, tại Việt Nam, tín đồ Kito giáo chỉ 7% mà Phật giáo và tín đồ Phật giáo đôi khi còn bị chèn ép. Ví dụ chùa Hiển Quang ở Giáo xứ Vinh Sơn, Tân Bình bị đốt năm 2005 chỉ vì lý do xin dựng bảng chùa nằm bên dưới bảng nhà thờ. Một giáo xứ ở Bảo Lộc bắt cóc con của một cuộc trưởng Nông Tín cuộc năm 1967 sau khi đập phá, ném đá, khủng bố vì sống và làm việc tại giáo xứ mà không theo Đạo. Còn rất nhiều sự quấy nhiễu mà Phật giáo phải chịu đựng suốt đệ Nhất và đệ nhị Cọng Hòa miền Nam Việt Nam trước đây.
Ta không muốn đặt vấn đề cuồng tín tôn giáo ra đây, chúng ta chỉ nói đến tính quá khích và nghệ thuật cải đạo của Thần giáo. Tại sao các tôn giáo Thần quyền thường cao ngạo? Giáo Hoàng Gregory IX đã tuyên bố rằng Giáo Hoàng là Chúa tể của vũ trụ, có quyền hạn không những trên tất cả người dân mà còn trên tất cả những hiện vật của thế gian. Vì thế mà từng có những cuộc trừng phạt dị giáo hoặc những ai không tuân theo luật thánh.Innocent IV cũng là người đã cho phép dùng cực hình, dùng mọi hình thức tra tấn để lấy khẩu cung và cưỡng bách những kẻ ngoại đạo cải đạo sang đạo Ca Tô La Mã. Chiến dịch khủng khiếp này, dược mệnh danh là Toà Án Xử Dị Giáo (Inquisition), đã kéo dài gần 300 năm tại Âu Châu.Dưới thời đệ nhất Cọng Hòa, miền Nam Việt Nam đã có vô số phuơng cách cải đạo cho ngoại giáo bằng nhiều hình thức, khuyến dụ, mua chuộc, đe dọa, tra tấn, thủ tiêu…Giáo Hoàng tự nhận là người thay mặt Chúa cai trị nước Chúa tại trần gian.Chúa là người duy nhất có quyền năng cứu rỗi loài người.
Chính tín lý cực đoan, chuyên chế mà tín đồ và các chức sắc Thần học tự xem mình và tôn giáo mình có quyền cải đạo kẻ khác, bởi làm đẹp lòng Thượng đế, chỉ có một Thượng đế duy nhất mà thôi. Trong khi tín đồ được rao giảng: Chúa lòng lành vô cùng…thế mà Chúa không rộng lượng chấp nhận tín ngưỡng của kẻ khác! Hãy nghe Đức Đạt Lai Lạt ma thứ XIV tuyên bố về việc cải đạo của Kito giáo khi nhà báo phỏng vấn:
Le Point : Ngài cũng chống cả việc cải đạo ?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: Nhất định là chống ! Quý vị là những người Thiên chúa giáo, quý vị đang làm một việc hoàn toàn lỗi thời và quá xa xưa, đấy là việc nhiệt tình lôi kéo người khác theo tôn giáo của mình (prosélytisme – proseletysm). Tại Mông cổ chẳng hạn, các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo cải đạo cho hàng nghìn người trước kia theo Phật giáo Tây tạng. Đồng thời người Trung quốc tại Tây tạng khuyến khích các vị cố đạo của quý vị cải đạo những người đồng hương của chúng tôi. Tại các vùng miền đông Ấn độ các nhà truyền giáo người Mỹ sử dụng các phương tiện tài chính để cải đạo các bộ tộc miền núi nghèo đói, cô lập họ với cội nguồn, văn hóa và lối sống lâu đời của tổ tiên họ để lại. Như thế thật không hợp lý : thế giới phải ngày càng cởi mở hơn. Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của đức Chúa Trời (Christ) !
Không những Ngài chống việc cải Đạo của Kito giáo đối với Phật giáo, ngay cả người Kito theo Phật giáo như một phong trào, vội vã bỏ đạo gốc, Ngài cũng không chấp nhận:

Le Point : Thưa Ngài, Ngài có biết là một triệu người Pháp đến gần với Phật giáo hay chăng ?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: Thế à ? Người ta bảo với tôi là con số này lên đến 5 triệu kia mà [Ngài cười] ! Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng hai cách khác nhau : trên khía cạnh tích cực người Pháp rất thích tìm hiểu và học hỏi – thật vậy tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Pháp vào khoảng năm 1973 thì phải, tôi vô cùng ngạc nhiên vì các ký giả đã đặt các câu hỏi rất cao siêu gần với lãnh vực triết học ; trái lại ngày nay tôi nhận thấy Phật giáo Tây tạng trên đất Pháp tương tợ như là một phong trào và người Pháp có vẻ dễ thay đổi quan điểm – đấy là gì mà tôi không tán thành – điều đó chứng tỏ nền móng tín ngưỡng lâu đời không hề ăn sâu vào văn hóa của quý vị, sự bành trướng dễ dàng của Phật giáo đã chứng minh điều ấy.
Le Point : Vậy có thể xem đấy là một phong trào Phật giáo ?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: Có vẻ như thế ! Và tôi không tán thành một “phong trào” Phật giáo. Hơn nữa tôi nghĩ rằng người Pháp theo Thiên chúa giáo đã lâu đời vì thế cứ giữ lấy tín ngưỡng của mình. Tốt nhất cứ bảo tồn giá trị truyền thống của mình. Chỉ khi nào đã suy nghĩ thật cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng và thấy Phật giáo có thể mang lại một cái gì đó nhiều hơn so với Thiên chúa giáo thì khi đó mới nên theo Phật giáo.
Đức Đạt Lai Lạt Ma không đồng ý cải Đạo theo phong trào khi mà chưa hiểu tường tận Đạo mình muốn theo. Một trẻ em chưa đủ ý thức phân biệt, một cuộc hôn nhân nặng vì tình, một người lâm vào tình cảnh khó khăn kinh tế, một nạn nhân đang cần cứu giúp, một cán bộ nhân viên đang muốn tiến thân đành phải chấp nhận cải Đạo còn không thể xem cuộc cải Đạo đó là chính nghĩa thì một bệnh nhân hấp hối không làm chủ được ý thức, việc cải Đạo như thế sao gọi là chính nghĩa?
Nhân cách liêm sĩ của một tôn giáo không thể khuyến dụ, áp đặt, bức hại kẻ khác để kiếm thêm tín đồ, thế mà đủ can đảm đến làm lễ cầu hồn cho một vong linh đang được Tăng sĩ Phật giáo thực hiện mai táng theo nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của “nạn nhân” và tại “nơi trú xứ của nạn nhân”. “Nạn nhân tôn giáo” đã từ chối bánh lễ khi vị linh mục cho vào miệng bằng cách phun ra, thế mà quý tu sĩ Kito giáo vẫn kiên quyết giành giựt một linh hồn đem dâng cho Chúa. Có lẽ Chúa không hài lòng với những việc làm của những tín đồ như thế, như Đức Đạt Lai lạt Ma bảo:
Quý vị thi hành việc cải đạo, đấy là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với dân tộc và văn hóa của quý vị. Như thế không đúng với thông điệp của đức Chúa Trời (Christ) !
Quả thật, giành giật là một thái độ gây hấn, cho dù giành giật một miếng ăn hay giành giật một linh hồn; chính vì thế mà giữa Vatican và Hồi giáo giết nhau suốt nhiều thế kỷ. Ngay cả anh em cùng cha khác mẹ như Tin Lành cũng khó mà thuận thảo với Vatican. Tại sao? vì vậy một giáo Hoàng như J.Paul II từng nói : bọn Tin Lành là lũ chó sói đói mồi. Một tín lý tự xem mình là chân lý duy nhất thường đưa đến cực đoan, cuồng tín. Một giáo phái tâm linh xuất hiện vào thập niên 1980, có mặt bất hợp pháp tại Việt Nam gần 20 năm, tuy sanh sau đẻ muộn so với các tôn giáo ở Việt Nam, lượng số tín đồ không đáng để so sánh với các tôn giáo khác, thế mà mầm mống cực đoan cũng thấm sâu vào máu thịt của những kẻ tân tòng. Họ cực đoan đến độ không dám bế bồng con cháu vì sợ lây nghiệp chướng. Không giao du với kẻ ăn mặn dù là vợ chồng, cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Con cái từ bỏ bố mẹ, bỏ đói anh em cũng vì những người đó không đi chung đường với họ. Họ không cho những người không tu đụng đến vật dụng của họ vì sợ nhiễm từ trường xấu. Họ khắc khe với mọi người, nhưng lại lạm dụng đức tin của đồng tu làm chuyện trái đạo lý và lòng từ bi mà họ thường rao giảng về tinh thương. Nhiều gia đình tan nát đổ vỡ hạnh phúc cũng do sự giáo dục đó, không chỉ tại Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào có mặt của họ đang sinh hoạt.
Những tôn giáo và tín ngưỡng như thế mà phát triển thì xã hội sẽ như thế nào? Chả lạ cuộc nổi loạn đòi lập quốc gia tự trị Dega của Tin Lành trên cao nguyên; Nhóm Tin lành sinh hoạt công khai tại Mỹ Đình đòi dâng đất nước, dân tộc nầy cho Thượng đế và xem tập quán, truyền thuyết, tín ngưỡng của một dân tộc trước đây đều là ma quỷ! Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, tổ quốc nầy cũng từng được Giáo Hội Kito Việt Nam xin dâng cho đức mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Lạ thật, làm như dân tộc nầy không có chủ quyền, ai muốn dâng hiến cho ai cũng được!
Tại sao họ chọn Việt Nam cũng như các nước Châu Á làm điểm hội tụ đức tin cho Thần giáo? Bởi vì cái nôi của Kito giáo trên các quốc gia Tây âu đã từ chối họ, quây lưng với họ. Ta lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
Le Point : Có đúng là Đức Giáo hoàng đang cố gắng tìm cách ngăn chận sự suy tàn của Thiên chúa giáo hay không ?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: Đúng, hành động như thế rất tốt ; hơn nữa tôi còn nhận thấy Giáo hoàng thật tuyệt vời, là một vị thầy tâm linh thành thực quan tâm đến các vấn đề đang chi phối thế giới ngày nay. Ngược lại, hơn một lần, tôi không đồng ý với cách Ngài gọi “Á châu là mảnh đất truyền bá Phúc âm trong niên kỷ thứ III” : Sự kiện ngày nay tại Tây phương không mấy khi có người đến nhà thờ và thiên hướng giảm sút không phải là một lý do để tìm cách cải đạo những người nghèo khổ ở Đông phương và để đào tạo các tu sĩ, các bà xơ (soeur) ở Ấn độ [rất nhiều nhà truyền giáo và các bà xơ Thiên chúa giáo hoạt động tại Phi châu chẳng hạn, là người Ấn gốc Kérala hay Tamil Nadu]*. Tốt hơn hết là Giáo hoàng nên chăm lo sự an lạc tâm linh cho những người Thiên chúa giáo ngay trên quê hương của quý vị : hiện nay sự khủng hoảng tâm linh đang thật sự xảy ra tại Tây phương, sự khủng hoảng đó đòi hỏi những phương thuốc hữu hiệu.
Le Point : Thế nhưng Thiên chúa giáo và Phật giáo cùng chia sẻ một số giá trị nào đó, có đúng thế không ?
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma: Hoàn toàn đúng như thế : cùng nêu cao tình yêu thương đồng loại, chủ trương lòng từ bi, sự tha thứ và giúp con người vượt lên các thói hư tật xấu… Tất cả các tôn giáo lớn đều mang mục đích giống nhau. Tuy nhiên phải nói Phật giáo có đôi chút khác biệt với Thiên chúa giáo : chúng tôi tin có vô lượng kiếp – và quý vị chỉ tin có một kiếp. Quý vị tin có một Vị Sáng Tạo – và chúng tôi thì không. Quý vị tin có sự tự do ý chí (libre arbitre – free will) – và chúng tôi thì nhất quyết đấy là do nơi nghiệp


Tại sao những quốc gia văn minh tiến bộ đó lại quay lưng với một tôn giáo hàng ngàn năm thấm sâu trong máu huyết họ? Bà Anne Rice [Nữ văn sĩ Mỹ] đã không thể chấp nhận một tôn giáo chống lại ngừa thai, đồng tính…mà đó là một thực tại trong cuộc sống. Một số khác trong giới trí thức không thỏa mãn lý thuyết của Kito giáo về cuộc sống và tâm linh có liên quan tới khoa học. Một số khác cảm thấy bế tắt tâm linh trước giáo luật, giáo lý và giáo hội cùng trạng huống của các Linh mục. Quần chúng không thỏa mãn tâm lý khi Thần học không đáp ứng và tương thích với khoa học hiện đại về mọi mặt, ngược lại còn có khuynh hướng phủ nhận khoa học. Rất nhiều và rất nhiều lý do để họ bỏ đạo mà tâm lý chung cảm thấy một tín ngưỡng quá lỗi thời so với dân trí đương thời. Một thực tại như thế, thay vì Vatican tìm phương cách hóa giải, bổ sung và làm mới giáo hội, tín lý để tồn tại nơi quê hương mình, ngược lại trốn chạy sang các quốc gia nghèo đói chậm tiến để tìm thêm tín đồ bù đắp lại số lượng tín hữu đã mất tại Phương Tây. Thay vì mình xét lại những khiếm khuyết tự thân, lại đi khai thác những yếu điểm của kẻ khác mà bành trướng. và còn cao ngạo tuyên bố: “Á châu là mảnh đất truyền bá Phúc âm trong niên kỷ thứ III”.
Do chủ trương lấn đất giành dân như thế, nên các tu sĩ hạ tầng bằng mọi cách phải tiếp thị vào đời sống hạ tầng trong xã hội. Chúng ta không trách các tu sĩ làm nhiệm vụ đó, chỉ trách một giáo sách của thượng tầng giáo hội luôn lấn lướt kẻ khác. Những hy sinh của các soeur, các linh mục vì lý tưởng phụng sự tôn giáo mình mà chịu khó có mặt khắp nơi, kể cả trại phong, các bệnh viện, các trại cai nghiện., các trường học, các công sở, xí nghiệp là việc đáng hoan nghinh…
Các tu sĩ Phật giáo tại sao không chịu khó như họ mà lại ngồi đó oán trách? Trong cuộc sống và xã hội, ai chậm tay là kẻ thua thiệt. Tín đồ gặp cơn hoạn nạn cho dù lúc khỏe, họ là một tín đồ nhiệt tình cúng dường, không một chùa nào đến thăm viếng ủi an. Nỗi cô đơn tuyệt cùng đó đã có hình bóng soeur mẹ hiền xuất hiện đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm và vật chất, cải đạo như thế là lương thiện hay không lương thiện? Đất hoang bỏ trống thì cỏ phải mọc! Hầu hết tu sĩ Phật giáo quá thụ động và chỉ biết hưởng thụ mà không hy sinh, có những tu sĩ trẻ nhiệt tình năng động thì lại bị những kẻ có chức sắc cản trở, trù dập. Tự chúng ta trói tay và co cụm trước làn sóng bành trướng của ngoại đạo; đừng trách họ mà phải nhìm lại thành quả sinh hoạt của chúng ta từ ngày có giáo hội đến nay đã làm được gì cho quần chúng, cho tín đồ, chưa nói cho tổ quốc. Mỗi khi phát hiện cung cách bành trướng cải đạo của họ, chúng ta chỉ biết kêu la mà không có một phương sách hành động cụ thể, ít nhất phải biết lắng nghe tín đồ mình yêu cầu những gì nơi một tu sĩ. Tại sao cứ phải xây chùa thật lớn, thật nhiều khi mà tín đồ mỗi ngày một vơi dần? Có những ngôi chùa bạc tỷ, trên khu đất hàng ngàn met vuông mà số tu sĩ thường trú không đủ lau chùa quét sân vì không có tín đồ lai vãng. Hiện nay Phật giáo Việt Nam có khuynh hướng phô trương cơ sở vật chất và làm từ thiện hình thức mà không đi sâu vào chuyên tu, không có kế hoạch hoằng pháp hữu hiệu trong xã hội; sân chơi hiện nay bỏ ngỏ quá nhiều ở vùng cao, vùng sâu, vì thế Tin Lành đã đáp ứng kịp thời để nhân dân có nơi nương tựa niềm tin. Nặng về nghi lễ cúng kiến, chẳng ăn nhập gì đến khát vọng tâm linh của tín đồ. Lễ Phật Đản cũng thế, chuyên phô trương hình thức mà không quan tâm đến đói lòng đức tin nơi quần chúng, trong khi đó,mùa Noel 2010, ngay phường 11 quận ba, TP HCM, hẽm trường Nhân Đạo đối diện công viên Lê Thị Riêng, Kito giáo huy động hàng ngàn tín hữu khắp nơi đổ về nghe LM giảng và làm lễ nơi công cộng như thế. Khắp nơi đều có khuynh hướng ít phô trương hình thức như hang đá hay rước kiệu mà thuần túy đọc kinh, nghe giảng.
Bệnh hình thức và bệnh quan liêu tự mãn, đố kỵ của tu sĩ Phật giáo đã làm trở ngại hạnh Bồ Tát vốn dĩ Đạo Phật thường đề cao, ngược lại Tin Lành và Vatican không hề khoe khoang ồn ào, không hề lên mạng công bố đã giúp bao nhiêu ca mổ mắt từ thiện, bao nhiêu lần cứu trợ, xây bao nhiêu nhà tình nghĩa, cầu cống v.v…họ âm thầm làm việc một cách có hiệu quả.
Việc Bồ Tát Thích Quảng đức tự thiêu, để lại di ngôn cho Phật giáo còn chứng tích, thế mà vẫn bị đám Kito cực đoan xuyên tạc bóp méo sự thật, cho là bị thiêu sống, thử hỏi rồi đây, khi đất nước nầy nằm trong tay của họ, Phật giáo sẽ đi về đâu?
Một ngày nào đó, sau một đêm, mở mắt ra chúng ta sẽ thấy Thánh giá mọc khắp nơi, biết rằng lúc đó các sư chung số phận với Phật giáo Nam Triều Tiên, đôi khi còn tệ hơn thế nữa, vì không còn đất để dung thân; Chùa cao Phật lớn đó xây sẵn để thay chữ Vạn bằng cây Thập ác và bên trong Chúa ngự thay cho đức Phật bổn sư. Phật giáo đang dọn đường từ vật chất đến tình cảm tâm linh cho Chúa ngự trong thời gian không xa lắm. Hãy ngồi đó mà la toáng khi nhìn tín đồ mình đang bị cải đạo khắp nơi. Việc cải Đạo như thế không thể bảo lương thiện hay không lương thiện khi mà các sư không tự bảo vệ tín đồ mình một cách công chính và lương thiện hơn.

MINH MẪN
22/2/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét