Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

VỚI NHỮNG TẤM LÒNG



Qua gần 10 hôm trên Thăng Long đất mẹ, đoàn Kiều bào trở về trong vòng tay thân yêu của dân tộc, đất trời cũng ưu đãi những tia nắng ấm cho bao người con tha hương được thong dong trên nẽo đường phương Bắc!

Nơi quê hương đất khách, con mẹ Âu Cơ cũng từng được ưu ái quan tâm của các Sứ Quán mình; có những buổi sinh hoạt, phổ biến cho nhau nghe về tình hình đất nước. Tinh thần một ngàn năm Thăng Long-Hà nội cũng được khuyến khích cộng đồng Kiều bào về tham gia; Không tham gia sao được khi mà những chính khách thế giới sẵn sàng đón nhận lời mời của đất nước chúng ta.Chúng ta không những hiếu khách mà bản thân những người con tha phương lập nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong tinh thần tưởng nhớ tiên tổ cội nguồn; Cho dù chúng ta ra đi với những lý do nào, kinh doanh thương mãi, lưu trú sau thời gian hợp tác lao động, tỵ nạn kinh tế, hoảng loạn trong buổi giao thời…như ngày tết đón ông bà hay ngày kỵ giổ cha ông, chúng ta phải trở về dưới mái nhà chung còn nhiều dị biệt, chung tay thể hiện tình máu mủ con mẹ Âu Cơ; chúng ta có quyền ngẩng mặt, hãnh diện nhìn đời với những hào hùng của giòng máu cha ông. Chúng ta có một ông cha minh triết Lý Thái Tổ, đã phục hồi tinh thần Đại Việt trước áp lực nặng nề từ phương Bắc; Một Thánh vương xác định tính tự chủ, độc lập của một đất nước bé nhỏ nằm cạnh một khối người đầy tham vọng. Chính từ đó, chúng ta có văn hóa, có chính trị, có tập tục và luật pháp biệt lập của một quốc gia độc lập!

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Tiền nhân, nhà nước tổ chức chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội một cách hoành tráng; Những Kiều bào háo hức tham gia, ngay cả buổi diễn tập diễu hành, đáng ra chỉ thích hợp cho lứa tuổi đôi mươi, thế mà các anh chị trên dưới bảy mươi cũng năng nỗ tập luyện. Họ hò hát trên chuyến xe đi tham quan các thắng cảnh, họ líu lo hoạt náo trên các nẽo đường xa, họ thân thiện cứ như ruột thịt lâu năm gặp lại mặc dù họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới; chẳng những thế, họ còn hẹn gặp nhau kỷ niệm 2.000 năm Thăng Long vào Thiên niên kỷ sau! Những ngày lưu trú trên đất Hà Thành, họ sống với tâm trạng trẻ thơ một cách dễ thương, họ không còn nhớ mình đang là ông bà của đám cháu chắt không nói được tiếng mẹ đẻ. Có những ông nói tiếng Việt một cách khó khăn, thế mà như em bé tập nói để kẻ chuyện vui cho đoàn khi xe lăn bánh.

Chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội là dịp cho Kiều bào khắp nơi gặp nhau để thể hiện tấm lòng yêu nước; chinh vì thế, khi nghe Đại lễ diễn ra giữa giông bão mà đồng bào ruột thịt miền Trung đã tổn thất nhiều sinh mạng, họ quyên góp tổng cộng bốn xe trên một trăm triệu mà vẫn cảm thấy chưa đủ; rồi đêm chiêu đãi của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một lần nữa, Kiều bào các quốc gia lại tự nguyện đóng góp thêm, mở đầu là đoàn Cọng Hòa Sec với 50 triệu đồng VN. Sau khi anh Miên Đức Thắng đọc thơ Bầu ơi thương lấy Bí cùng, thêm một Kiều bào ủng hộ năm ngàn USD, cứ thế mà thi nhau ủng hộ đồng bào miền Trung lụt bão. Đấy, tâm lòng của Kiều bào đối với đất nước quê hương đã là thế, thử hỏi đất nước trãi qua bao cuộc thăng tầm, sao khỏi đau xót mà cha ông chúng ta đã phải đương đầu gánh vác! Có xa quê sống với xã hội bất đồng ngôn ngữ, bất đồng tập quán, mới thấy quê hương là hồn sống của mỗi người. Tuy vật chất thừa mứa trên đất khách mà họ vẫn thèm cọng rau, thìa mắm của quê mình. Họ yêu quê hương không chỉ lặng thầm nỗi nhớ hằng đêm sau một ngày kiếm sống, họ nhớ đến ruột thịt mẹ cha, anh em còn vất vả trên quê hương; họ tích góp tiền mồ hôi, ăn nhín nhịn thèm, gửi về giúp đỡ quê nhà. Họ sẵn sàng đóng góp theo lời kêu gọi của Sứ quán thông qua ban Đại diện Kiều bào sở tại; họ làm tất cả để quê hương được phồn vinh. Và tinh thần yêu nước đó cũng nhen nhóm trong một số người thiếu cởi mở, một số người chỉ biết trách móc đỗ lỗi cho nhau mà không hành động cụ thể cho quê hương được thay da đổi thịt. Cho dù yêu nước dưới bất cứ thể trạng nào, tất cả Kiều bào đều mang giòng máu Âu Lạc; Ngay cả con cháu Lý Long Tường ( giòng tộc triều Lý) đã ra đi 7 thế kỷ trước, không nói được tiếng Việt, thế mà họ cũng phải quay về tìm lại tông tích tổ tiên. Tình dân tộc thiêng liêng trên từng ngọn cỏ. Có thể ai đó không vừa lòng trong cuộc sống của quê mình, nhưng khi ra đi, ai cũng xốn xang nhớ về nguồn cội.

Chỉ 10 ngày sống nơi lòng đất Thủ đô, gần 200 Kiều bào có nhiều ấn tượng. Từ cách tiếp đón đến cuộc gặp gỡ quan chức Trung Ương, từ việc phục vụ ăn uống, tham quan của các địa phương khi đoàn đến, cho đến tận mắt xem làng nghề thủ công, các thắng cảnh di tích, thành cổ Thăng Long…đều tạo một kỷ niệm trong từng cảm nghĩ của Kiều bào; Nhất là, khi Thăng Long Hà Nội hãnh diện một kinh thành văn minh của dân tộc ngàn năm trước, thì Hạ Long Quảng Ninh tự hào một di sản thế giới của vạn năm sau. Rồng Thăng hay Rồng Giáng đều là tinh thần dân tộc, tinh thần con Rồng cháu Tiên. Mỗi quốc gia mỗi dân tộc đều tạo cho mình một huyền thoại để giáo dục con cháu duy trì nòi giống, Việt Nam có quyền tự hào một Thánh Gióng, một Âu Cơ- Lạc Long trong truyền thuyết và một Lý Thái Tổ trong lịch sử hiện thực để yêu quê, bảo vệ đất nước toàn vẹn lãnh thổ như cha ông đã làm.

Lý Thái Tổ trên sách vở,tinh thần yêu nước trong tuyên truyền vẫn chỉ là gió thoảng trên tầng mây, nhưng có đến với cổ thành Thăng Long và hiện vật từ lòng đất, mới thấy nền văn minh của dân tộc và nét văn hiến của cha ông, một minh triết của ngàn năm trước còn vang bóng giá trị đến ngan năm sau.

Trong các chuyến tham quan, anh chị em Kiều bào thể hiện tinh thần tự giác khá cao. Các anh chị trong Ban Điều hành Việt kiều nước ngoài đã tỏ ra tháo vác trong việc sắp xếp chuyến đi như anh Hùng, anh Cường; năng động như chị Thủy Cọng Hòa Séc, dí dõm dễ thương như chị Ngọc xứ mặt trời ( Nippon) và còn nhiều người trên các chuyến xe khác đã làm sinh khí nhộn nhã, tưởng chừng họ đã qua đào tạo từ Gia Đình áo lam, Hướng Đạo hay Thành đoàn…Không dễ gặp nhau khi mọi người là một quốc tịch khác nhau. 1.000 năm Thăng Long là dịp hội tụ để họ thể hiện tấm lòng.Và họ tri ân nhà nước đã tạo điều kiện cho họ có những ngày hít thở sinh khí, sống trên quê hương mà những năm tháng qua, họ có cảm giác bị lưu đày trên đất khách. Nếu nhà nước và nhân dân, nếu Kiều bào và tổ quốc đều duy trì tinh thần tương thân hữu hảo như thế mãi mãi thì lo gì sự đoàn kết không là một khối, những áp lực từ mọi phía chỉ là cá lòng tong rỉa rói bợn nhơ trên thân tàu Đại Việt.
Sự quan tâm của nhà nước đối với những người con xa quê là một an ủi lớn, giúp cho Kiều bào luôn gắn bó với quê hương. Tuy 10 ngày bận rộn trên đất mẹ, Kiều bào vẫn cảm thấy thoải mái trước sự ưu ái của chính phủ và sự thân thiện của người dân khi đoàn đặt chân tham quan.

Như vùng Rồng Giáng ( Hạ Long) các núi đá nằm rãi rác che chắn giông bảo cho Vịnh,
Như vùng Rồng Thăng ( Thăng Long), Hà Nội, sông Hồng, sông Lô, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đuống, sông Đáy, sông Kim Ngưu…,những hồ như hồ ba mẫu, hồ bảy mẫu, hồ Hoàn Kiếm, Quan sơn, Thủ Lê, Thiền Quang, Hữu Hiệp, Trúc Bạch, Trúc Bạch, hồ Tây..bảo vệ sinh khí cho cư dân;
Cũng thế, Kiều bào rãi rác khắp nơi như những vệ tinh cung ứng hổ trợ cho đất nước những tài năng, kiến thức, kinh nghiệm để một dân tộc hòa nhâp, vững mạnh trên mãnh đất màu mỡ bốn ngàn năm! Tinh tự dân tộc luôn có sẳn trong những người con xa quê, hiệu quả chăng là do chính sách đúng để kết đoàn những người con ưu tú đó. Và dù xa quê, Kiều bào luôn hướng về đất nước bằng một tấm lòng rộng mở. Chính sách chỉ là kích hoạt, kết gắn keo sơn tinh thần yêu nước phải thông qua dung dịch Tôn giáo mà Đạo Phật là hồn sống làm nên triều đại Lý Trần. Cháu con ngày nay cho dù phủ phục hết lòng trước tiền nhân, cũng chưa xứng với công đức dựng nước, giữ nước của bậc Thánh vương triều Lý. Kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long và sự góp mặt của cháu con chỉ là mặt nổi của tấm lòng, phần sâu thẳm cần thiết là tình tự dân tộc của những thế hệ kế thừa làm rạng rỡ giống nòi Đại Việt. Điều này đang nằm trong khả năng của những Việt Kiều tiếp thu kiến thức khoa học của các quốc gia sở tại làm phong phú cho quê hương đang phát triển.

Sau đại lễ này, Kiều bào mỗi người một ngã, trở về đời sống thường nhật nơi xứ người, nhưng sẽ mang theo nhiều kỷ nệm và quyết tâm, để làm cái gì đó to lớn hơn là những đồng tiền máu xương đã đóng góp. Chắc chắn việc tri ân đất nước, tri ân Tổ tiên không thể thiếu trong mỗi chúng ta. Tổ tiên đã làm nên lịch sử, thế hệ cháu con tại sao là không thể như tinh thần một Đại Việt Thăng Long?

MINH MẪN
09/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét