Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

SÓC SƠN


Sáng 17/4, anh em cư sĩ Tiếp hiện cùng một số chư Tăng di chuyển lên Sóc Sơn để hỗ trợ cho việc thiết lập Chẩn Đàn, vì mọi việc đều bắt đầu bằng số không, ngoại trừ mặt bằng độ 500m2.

Sau khi làm vệ sinh khu vực, các hàng quán bán quanh chùa Sóc được dẹp, ban thiết trí nổ lực làm việc, hai ngày sau, địa điểm hành lễ tương đối màu mè, vàng, đỏ, xanh, trắng vải phủ bốn bề đàn tràng. Tràng phang bảo cái lòng thòng trông đẹp mắt. Tiền mướn thợ từ Hà Nội lên cắm hoa cũng đã bảy triệu đồng.Hoa cắm trông đẹp nhưng chưa thể hiện tinh thần thiền của đạo Phật, còn lắm rườm rà! Mỗi lần cần mua đồ cho việc trần thiết, nếu không vượt 50km về Hà nội thì cũng phải năm, mười cây số để mua đinh, kẽm hay những vặt vãnh khác.

Sáng nay, buổi pháp thoại vẫn theo đúng quy định; ngoài Tăng thân làng Mai, Từ Hiếu, Bát Nhã, có một số rất ít của Hà Nội hoặc các tỉnh tham dự; ngồi vừa đủ nội vi chánh điện độ năm chục mét vuông.Phật tử Hà Nội chưa tới mười người. Trước đó nửa giờ, đoàn Phật tử Nam Định đến tham quan, cũng vội xuống núi để kịp đi nơi khác. Các tỉnh phía Bắc, Nam Định là vùng PG phát triển nhất. Đặc biệt, giới trẻ đi chùa nhiều, những đoàn thể sinh hoạt đều do cư sĩ tự quản lý điều hành. Trong tỉnh có trên 500 ngôi chùa. Ban văn hoá PG Nam Định phát triển về mặt nghi lễ rất vượt trội. Sau 1990, các cư sĩ và một ít thầy vào Nam tham gia học hỏi các trai đàn và những nghi lễ cổ truyền của các sư Bắc sống trong Nam, để bổ sung cho lễ nghi Nam Định suốt thời dài bị mai một. Ban thiết trí lễ đàn của Nam Định chỉ có 15 cư sĩ, do Ban Nghi Lễ trung ương mời, họ làm việc năng nổ; việc ăn uống của họ cũng thất thường, vì không có bếp núc củi lửa; từ hôm quý ni của đoàn lên che trại nấu ăn cho quý thầy, họ mới có bữa cơm đàng hoàng, thường thì mì ăn liền, đó là những người làm công không bao giờ có lương!

Mỗi ngày, làng Mai phải cung ứng một trăm can nước 20L tại chỗ. Lương thực, thực phẩm cũng phải mang từ Hà Nội lên, vì thế, mọi sự không đầy đủ như các chùa đoàn trú ngụ.Tôi phải lấy cơm và thức ăn vào cái ca múc nước, chợt nhớ lại sự thiếu thốn nơi trại học tập cải tạo những ngày đầu. Cái chái che bạt nilon làm chỗ nấu ăn sát với căn nhà sàn chư Tăng trú ngụ, một ngôi nhà gỗ của một cán bộ bỏ trống, họ cho mượn tạm, cách địa điểm đàn tràng 600m đồi dốc, vị trí nhìn sang các dãy nhà lầu Học Viện PG sang trọng, màu gạch nung, giữa núi xanh bạt ngàn. Các Tăng ni vô tư dạo quanh chiêm ngưỡng Học Viện như những trẻ thơ nhìn gia sản của cha mẹ khi chia tay mà không hề nghĩ đến lý do hay có một một ước vọng. Giờ cơm trưa, chư ni chùa Bồ Đề và chư Tăng chùa Sùng Phúc phải trở lại Hà Nội, vì nơi đây chưa đủ phương tiện cung cấp đầy đủ cho số đông. Ở đây, Tăng ni đều tự lo, không có phật tử phụ giúp như các nơi khác. Trông mấy thầy mấy cô vất vả thật tội nghiệp. Họ làm cho ai, vì ai? Họ ở làng Mai, ở Từ Hiếu, Pháp Vân, Bát Nhã chỉ biết tu, nếu phải lao tác, cũng đầy đủ phương tiện và có cư sĩ phụ giúp. Mỗi lần di chuyển, Tăng đoàn hành trang ba lô, tư trang như chiến sĩ ra trận. Sư ông đi hoằng hoá các nơi trên thế giới, Tăng thân tháp tùng cũng di chuyển theo, nhưng tại VN, kéo theo một số Phật tử, vì vậy quý thầy trong ban điều hành vất vả tính toán nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, từ tổng quát đến tiểu tiết trong điều kiện khó khăn mà khó khăn nhất là ở Sóc Sơn!

Một sư cô trong đoàn Mai ngoại, thường trú tại Hà Nội, đi vào nhà dân để tìm nhà mướn cho Tăng ni và Tiếp hiện tạm trú; gọi là nhà dân chứ đó là những tửu quán, nhà nghỉ cho khách du lịch Hà Nội cuối tuần đưa em út ra hưởng gió núi gà rừng! nhà dân phải xa trên ba km. Một cô chủ trên dưới 50 nhiệt tình giúp đoàn cư trú mà không phải tốn đồng nào; nơi đây, xa hơn nhà sàn quý thầy và nhà bếp hơn nửa km, đến địa điểm hành lễ trên một cây số; anh em Tiếp hiện nghỉ tạm; với chiếc xe minilam, cô chạy lên chạy xuống chở các anh em và hành lý về nhà tạm. Tôi đi đầu tiên, cô từ chối:Bác còn trẻ lắm, để các cụ đi trước ạ! một vị trong đoàn nói đùa:trông trẻ thế chứ là cụ đấy cô ạ! Nhưng rồi tất cả mười mấy ngừời cũng được cô đèo qua dốc “ngoạn mục”. Tôi quen lối dời trại trên 20 năm về trước nên thích ứng ngay với môi trường vất vả và hiu quạnh giữa núi đồi. Cũng lạ, nhà tu với nhau lại chối từ giúp nhau để làm việc chung, dù thừa thải chỗ ở, nhưng người dân chưa hề hiểu PG là gì thế mà có thừa tấm lòng để dung chứa bao nhiêu con người xa lạ!

Tất cả đặt hành lý trên căn nhà sàn bằng gỗ, mái lá, trải chiếu nằm ngổn ngang như đạo quân bại trận; tôi liên tưởng một gánh hát lưu động do ông bầu thất thời lưu diễn nơi làng mạc xa xôi, kẻ từ nước ngoài về, người trong Nam ra, Huế, Đà Nẵng và các vùng phía Bắc, bỏ nhà cửa, vợ con, lại tụ nhau nơi chốn hẻo lánh như đi trốn nợ. Lấy lại sức, anh em lại râm rang tếu ngạo bên chung trà.

Trời ngã bóng lưng núi, hồ nước nhân tạo nằm giữa chân núi vây quanh lấp loáng mây trời, gió se se lạnh, chúng tôi kéo về láng lấy cơm, mỗi người theo đoàn, tay nâng bình bát, mặc áo Tiếp hiện, làm nổi cộm giữa đám Thiên Nga một người đầu đuôi vừa chẳn 1m50, bộ bà ba màu gỗ bạc, lếch thếch lạc loài, nâng chiếc ca múc nước, cũng vái vái trước khi lấy thức ăn, làm đúng động tác của người trong đoàn nhưng không dấu được cái khác biệt của người “ khách không mời” nơi tôi. Khi xong bữa, về đến chỗ ở, chả biết mình đã ăn chưa, năng lượng rơi rớt trên đoạn đường mòn hiu quạnh!

Về đêm, trời trở lạnh, bốn bề trống gió, không ai ngủ được. Tôi thức dậy để làm việc; ánh sáng tù mù từ chiếc bóng điện tròn không đủ rõ từng con chữ trên Laptop, đánh chữ nầy lộn chữ nọ, đến sáng xem lại, biến thành một thổ ngữ mới mà loài người chưa từng có. Ba giờ sáng, cơn mệt quên đi cái lạnh, tôi cố nhắm mắt, nhưng lại hiện lên trong đầu cái lạnh khác hơn, đó là cái lạnh “như tiền”, một loại lạnh vô hồn vô cảm của kim loại hiện lên khuôn mặt thâm tái của HT Thanh Tứ khi tiếp chuyện với Thiền sư.

Sáng 17, TS Nhất Hạnh và Tăng thân làng Mai đến Quán sứ. Bên ngoài cổng, các bà bày các nia, các mâm trưng bày xâu chuổi, vàng mã, ảnh tượng ngồi bệch dưới đất mời khách; sư ông và Tăng đoàn đứng ngắm toàn cảnh, không thấy ai đón tiếp, đoàn dợm chân bước vào, có hai thầy trong BTS mặc hậu vàng bước ra; đoàn chen lẫn những tín đồ đang xúng xính cầm nhang tìm chỗ cắm, trong chánh điện cũng lúc nhúc người lễ lạy, khung cảnh sinh hoạt thường ngày của Quán Sứ là thế, không có một biểu hiện đón thiền sư và đoàn như chương trình đã định, có lẽ vì phật sự đa đoan mà TW GH quên bẳng sự có mặt của làng Mai tại Hà Nội. Trong phòng khách, từ ngoài nhìn vào, đối diện HT Thanh Tứ phía tay mặt là sư ông, các ghế còn lại, không nhiều lắm, dành cho các vị cao lạp trong đoàn, phần lớn còn lại đều đứng. Không quá mười câu xã giao, nhưng HT trưởng thượng T. Thanh Tứ không hề nhìn mặt sư ông, sư ông làng Mai điềm nhiên ngõ lời tri ân của hàng hậu duệ đối với tiền hiền liệt tổ khi trở về quê mẹ. Tất cả chìm lặng trong không khí chết, thầy Pháp Ấn giới thiệu từng vị sư ngoại quốc, và sau đó bắt nhịp cho một bài Bát Nhã tâm kinh bằng tiếng Anh trước khi cáo lui. Nếu sư ông làng Mai biết trước tình hình căng thẳng như thế, có lẽ Ngài cũng không đến như từng không đến với Linh Quang trong mùa Bố Tát tháng vừa qua tại Huế. Cũng sáng hôm đó, làng Mai đến viếng Ban Tôn giáo chính phủ và vụ PG, không khí dễ chịu hơn, bớt cô đặc hơn!

Thời gia tiền trạm hơn nửa năm trước, HT Thanh Tứ từng nói:Làng Mai về đây thiếu gì người ủng hộ, cần gì GHTW…Ngài không đồng ý cho GH hợp tác, nhưng với tư cách thành viên GH TW, thầy Thanh Quyết và HT Hiển Pháp ký giấy, thế là báo Giác Ngộ đăng tin, Tuổi Trẻ, Thanh niên cũng dựa vào đó mà phổ biến. Nhưng qua những tình cảnh và suốt thời quá khứ của ngài, cho thấy tiền hung hậu kiết vào phút chót, luôn có quới nhơn hộ trì.

Sáng 19/4. tại chùa Non, Sóc Sơn, 8g30, sư ông pháp thoại cho hơn 200 Tăng ni sinh Hà Nội và độ 50 Phật tử các nơi về dự, có cả sư Bửu Chánh, giáo thọ Học Viện, từ SG ra. Âm thanh chỉ hạn chế trong khuôn viên chùa; sinh khí có vẽ chộn rộn hơn, báo hiệu ngày khai đàn không đến nổi bi quan. Một số các cán bộ về hưu cũng kéo nhau viếng đền Thánh Gióng, tạt vào nghe pháp thoại. Mấy hôm nay, cơ quan truyền thông Hà Nội cũng phổ biến chương trình Đại Đàn Chẩn Tế. dân chúng lác đác đến chùa Non ghi danh cầu siêu cho tộc họ và cầu an cho thân quyến hiện tiền.

Khu vực quanh đây là quần thể đền chùa, quá chùa Sóc độ 700m là đền Trình, đền Mẫu và xa hơn tí nữa là đền Thánh Gióng. Bên trong đền Thánh Gióng, chính tượng là ngài Phù Đổng, tay mặt ngài là đứcVu Điền quốc vương; Natra Thiên tử và lực sĩ tả Xuyên Xuyên, tay cầm chùy.Tay trái Phù Đổng Thiên Vương là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Nữ Oa ổ Thiên, và Hữu Vạn Vạn Tinh Binh tay cầm chùy.


Tất cả đình đền chùa miếu đều nằm giữa lòng chảo núi non bạt ngàn. Hàng ngàn năm trước, đường sá chưa thông, phương tiện đi lại không thuận tiện, rừng rú bao la, cha ông ta làm sao vào chốn mịt mù như thế để chọn địa linh mà sanh nhân kiệt! Ngày nay hậu thế biết trân quý cổ tích và văn hoá cha ông, tái tạo xây dựng, tuy không bề thế nhưng giữ được đường nét Việt tộc. Các Thánh tượng có thần khí. Để chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhà nước sẽ hoàn tất tượng Thánh Gióng phóng ngựa về trời, cao 50m trên đỉnh Sóc Sơn, vào năm 2009, một biểu trưng tinh thàn chống ngoại xâm từ phương Bắc của dân tộc ta.
Thế hệ chúng ta cũng đang nổ lực thể hiện tinh thần đoàn kết bảo vệ tổ quốc qua nhiều mặt, trong đó có tôn giáo, nhưng một số sư lãnh đạo PGVN đã xem cái ngã của mình lớn hơn vận mệnh dân tộc, ngăn trở cái lợi chung mà sư ông làng Mai vất vả từ phương xa trở về đóng góp; trong nước, các ngài an phận, vừa lòng với hiện tại bằng chức phận hư danh, vận mệnh PG chả đáng cái vái lạy của những tín đồ vây quanh quý ngài, đem lại cho quý ngài cuộc sống tiện nghi vật chất và quyền lực vô hình.

Lời khấn nguyện cho đàn chẩn tế tại Hà Nội lọt thỏm giữa núi đồi như âm binh vô vọng giữa chốn vô cùng. Có thể Âm Dương đồng cảm giữa lòng khí thiêng sông núi, nhưng thế giới có đồng cảm với VN khi họ đang theo dỏi việc làm của làng Mai bị trôi giạt nơi chón vắng người. Dù sao, thể diện một quốc gia, chúng ta đều có trách nhiệm như nhau.


MINH MẪN
19/4/07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét