Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 19/08/2011
HỎI & ĐÁP
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ai đấy vừa hỏi về nguyên nhân của khủng bố. Sự bạo động đối kháng có thể chinh phục những hành vi khủng bố hay không? Và vai trò của từ bi là gì trong thế giới khủng bố đã đưa đến một sự xung đột bạo động của những nền văn minh?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Chắc chắn. Tôi nghĩ gốc rễ của khủng bố là thù hận, thiển cận, và hẹp hòi. Tôi nghĩ biện pháp nên ở trên hai cấp độ. Một, phương pháp đối phó tức thời. Và thứ kia là cho về lâu về dài. Vì thế, tôi nghĩ tất cả mọi lãnh tụ và những người quan tâm nên thực hiện mọi nổ lực để tìm ra những phương pháp bất bạo động đế đối phó với hoàn cảnh. Đây là mong ước cuả tôi, lời cầu nguyện của tôi. Về mặt khác, tôi không có ý kiến về việc những thứ này có thể xử trí như thế nào bởi vì những thể trạng tinh thần, cảm xúc, sẽ vượt ngoài vòng kiểm soát. Về lâu về dài, tôi nghĩ toàn thể thế giới và xã hội phải trở nên từ bi hơn. Sau đó, khi chúng ta thấy sự bất đồng hay xung đột, chúng ta sẽ tìm kiếm những sự đáp ứng hòa bình và những giải pháp hòa bình qua đối thoại. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều ấy. Cuối cùng, chúng ta có thể sản sinh ra một xã hội từ bi hơn. Dĩ nhiên, điều này không dễ dàng, nhưng tôi nghĩ là có thể.
HỎI: Ai đấy nói, trong khái quát người phương Tây không tiến triển một cách nhanh chóng trên lộ trình Kim Cương Thừa như người Tây Tạng làm. Ngài có đồng ý không? Nếu vâng, thì tại sao?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong xã hội Tây Tạng cũng vậy, mặc dù nhiều người thực hành mật tông, có rất ít người thực chứng như được giải thích trong kinh luận mật thừa. Như tôi đã đề cập trước đây, một phần bởi vì thiếu một sự nghiêm túc trong việc thực hành hàng ngày. Quý vị trì tụng cầu nguyện và thực hành trong thái độ như thế nào đấy lập đi lập lại không có tiến bộ. Dĩ nhiên, đây là ấn tượng của tôi. Do vậy, tôi không nghĩ có nhiều sự khác biệt giữa người Tây phương và người Đông phương. Tất cả đều như nhau.
HỎI: Phương pháp và sự lựa chọn nó quan trọng như thế nào sẽ đưa chúng ta đến trình độ tâm linh cao hơn?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều này cực kỳ quan trọng. Bởi vì nếu quý vị có thể thực hành theo phương pháp và lựa chọn một lộ trình liên hệ và thích hợp với xu hướng tinh thần của quý vị, nó sẽ tác động nhiều hơn. Đối với câu hỏi trước trong việc thực hành mật tông, sự thực hành mật tông hay Kim Cương Thừa là một sự thực hành Đại Thừa và do thế, phải được tác động bởi sự phát triển tâm giác ngộ (bodhicitta) và tuệ trí nhận rõ tính không. Vắng bóng hai điều này - phát triển tâm giác ngộ và tuệ trí thực chứng tính không - thì không thể tiến hành việc thực hành mật tông. Một số người có ấn tượng rằng Tiểu Thừa, Đại Thừa, và Kim Cương Thừa là những Thừa hay cỗ xe khác nhau, và hoàn toàn độc lập với nhau. Điều đó hoàn toàn sai lầm.
Chúng ta phải nhận ra rằng nhằm để thực hành Bồ Tát Thừa, cũng gọi là Đại Thừa, nền tảng của sự thực tập căn cứ trên giáo huấn Bốn Chân Lý Cao Quý và Tám Thánh Đạo. Trên nền tảng ấy, sự thực hành Bồ Tát được xây dựng. Do vậy, trong sự thiếu vắng những sự thực tập nền tảng được dạy trong Tiểu Thừa hay Thượng Tọa bộ, thì không thể kiến thiết những sự thực hành Đại Thừa. Trong sự vắng bóng của những sự thực hành Đại Thừa Hiển Giáo, thì không thể tiến hành việc thực hành Đại Thừa Mật Giáo. Trình độ tâm linh cao hơn được xây dựng trên nền tảng của những sự thực hành trước.
HỎI: Ấn Giáo nói về Phạm Thiên, thượng đế phi cá nhân vượt khỏi mọi đức tính và diễn tả. Giác ngộ là để trở thành một với Phạm Thiên. Mặc dù Đạo Phật không thừa nhận một thượng đế, có phải Phật tính là một tư tưởng tương đồng của Phật Giáo với Phạm Thiên không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu quý vị cố gắng, quý vị có thể diễn dịch nó trong cách đó đến một phạm vi nào đấy. Trong truyền thống Ki Tô Giáo, Thiên Chúa Ba Ngôi đôi khi được nói là tương tự với khái niệm của Phật Giáo về Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo hay với ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Chúng ta có thể nhận ra những tương đồng nào đấy. Không hề gì.
HỎI: Nếu giải thoát cũng là một kết quả của nhân quả, điều xấu trở thành điều tốt như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Điều xấu có thể trở thành điều tốt bởi vì chúng ta có thể chấm dứt sự tương tục của điều xấu. Bây giờ, ở đây, tôi nghĩ con người, chúng sinh, có cảm giác hay năng lực nhận thức ở đấy theo Bồ tát thừa hay đặc biệt trong quan điểm của triết lý Trung Quán, đấy là không có sự bắt đầu (vô thỉ). Tâm thức, tâm vi tế, là không có bắt đầu. Trong Đại Luận Mật Tông Tiệm Tiến của Tông Khách Ba, ngài đã trích dẫn từ một mật điển giảng giải, gọi là Kim Cương Đỉnh, trong ấy nói rằng vòng luân hồi là sự tương tục của Mật tông và Niết Bàn là một tantra theo sau. Khi chúng ta nói về vòng luân hồi hay Niết Bàn, nó phải được giải thích trong sự liên kết với sự tương tục của tantra, đấy là, sự tương tục của tâm thức. Nhưng cho đến khi mà có một sự tương tục của tâm thức và những cảm xúc bất tịnh và phiền não vẫn còn thì đấy là sự luân hồi. Khi tất cả những cảm xúc tiêu cực và phiền não - qua những sự đối trị của chúng - được tiêu trừ, tâm thức ấy được nói là ở trong thể trạng Niết Bàn.
Trong trường hợp của chính Niết Bàn, nó không bị điều kiện hóa, không phụ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Theo quan điểm triết lý của Cụ Duyên Trung Quán tông, hệ thống của Long Thọ và Nguyệt Xứng, khi chúng ta nói về Niết Bàn, chúng ta liên hệ đến thể trạng tối hậu, thực tại tối hậu của tâm thức, khi tâm thức được hoàn toàn tịnh hóa khỏi những cảm xúc phiền não.
HỎI: Tôi rất phiền muộn để thấy láng giềng của tôi vui vẻ. Tôi biết như thế là sai, nhưng làm sao tôi vượt thắng điều này? Tôi muốn con cái của tôi là những người tốt nhất. Điều ấy có sai không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Quý vị có thích bè bạn hay không? Tôi nghĩ hầu hết mọi người yêu mến bè bạn. Nếu chúng ta có bạn bè, những người bạn chân thành, với họ chúng ta có thể trau đổi những nụ cười và những kinh nghiệm khác nhau với lòng tin, chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, tĩnh lặng hơn. Nếu chúng ta không tin tưởng mọi người, chúng ta cảm thấy cô đơn, và có một cảm giác không an toàn. Do vậy, tối thiểu có một cơ hội rằng láng giềng của quý vị trở thành bạn bè của quý vị. Có phải là tốt hơn nên có một người láng giềng là bạn của chúng ta thay vì một người láng giềng lả kẻ thù có phải không? Cho dù ai đấy trở thành bạn hay thù tùy thuộc trên thái độ tinh thần của chúng ta. Đầu tiên chúng ta phải mở rộng vòng tay và biểu lộ tình bạn. Rồi thì sẽ có một cơ hội rằng cuối cùng những thái độ sẽ thay đổi. Nếu quý vị vẫn duy trì thái độ tiêu cực đối với ai đấy, thì việc trở thành bằng hữu là không thể có.
Bạn bè, thân hữu chân thành, phải hành động nhiều nhiều với trái tim nồng ấm, không phải tiền bạc hay quyền lực. Khi chúng ta đạt được sự giàu sang, quyền thế chính trị, hay danh thơm, chúng ta có thể tìm thấy bạn bè của một loại khác - nhưng những người ấy không nhất thiết là những bằng hữu chân thành. Một người bạn chân thành xem chúng ta chỉ như một con người khác, như một người anh chị em, và biểu lộ tình cảm trên trình độ ấy, bất chấp chúng ta giàu hay nghèo, trong một vị thế cao hay thấp. Đấy là một người bạn chân thành.
HỎI: Đức Thánh Thiện nói về việc giúp đỡ người khác khi họ đau khổ. Trong phạm vi ấy, ngài nghĩ thế nào về phương pháp chết không đau đớn (trợ tử), hay gia tăng lượng thuốc giảm đau (morphine) khi ấy đang chết đi?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Trong phổ quát, tốt hơn là không nên thực hành việc trợ tử hay chết không đau đớn, nhưng có thể có những ngoại lệ.
HỎI: Thái độ của học nhân là như thế nào đối với đòi hỏi kiến thức?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi không biết. Quý vị cần có óc sáng kiến và thực hiện một nỗ lực nào đó.
Nói chung, khi chúng ta đòi hỏi tri thức, có ba trình độ của tiến trình: nghe (văn), nghĩ (tư), rồi thì thiền tập (tu). Do vậy, chỉ nghe và kiến thức có được chỉ từ nghe mà thôi thì rất hời hợt. Chúng ta phải nghĩ về chính mình và nếu có thể, thẩm nghiệm, thực hiện những khảo sát xa hơn, phân tích xa hơn. Trong cách ấy, chúng ta đạt được một sự tĩnh thức sâu hơn. Rồi thì tri thức của chúng ta sẽ hợp lý hơn, và cuối cùng có thể chuyển hóa vào trong hành động. Nếu câu hỏi ấy được hỏi bởi một Phật tử, đặc biệt bởi một Phật tử Tây Tạng, tôi sẽ thêm rằng quý vị nên trì tụng mật ngôn Văn Thù Sư Lợi, om ah ra pa dsa na dhi. Nếu quý vị trì tụng câu này, nó sẽ giúp cho sự thông tuệ của quý vị. Trong trường hợp của tôi, vì lúc ấu thời tôi đã từng trì tụng mật ngôn này - cho dù nó thật sự hỗ trợ hay không, tôi không biết. Nhưng chắc chắn nó sẽ không có hại gì.
HỎI: Có thể có một tôn giáo toàn cầu cho tất cả mọi người trên toàn thế giới không?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Không, không thể có được. Tôi nghĩ một "tôn giáo toàn cầu" có thể có nghĩa là trái tim con người nồng ấm, tình cảm, một ý thức chăm nom, và tâm vị tha. Đây có thể là một tôn giáo toàn cầu. Khác hơn thế, tôi nghĩ là những truyền thống khác nhau còn lại. Tất cả hữu ích cho một trạng thái đa dạng muôn màu rộng lớn của nhân loại. Chỉ một tôn giáo.... tôi không nghĩ có nhiều lợi lạc trong ấy.
HỎI: Nếu giá trị của nghiệp báo có giá trị? Có phải tất cả những gì xảy ra đã được định trước?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nghiệp báo không có nghĩa là "tiền định". Bằng việc tùy thuộc trên những trình độ khác nhau của các hành vi, chúng ta có thể thay đổi tiến trình trải nghiệm của mình trong đời sống. Tôi đang cho một thí dụ từ đời sống hằng ngay của chúng ta: vào buổi sáng, chúng ta dự định làm việc gì đấy, chúng ta muốn thực hiện một hành vi nào đấy, có thể, thực hiện những dự định được tính toán từ tuần trước, nhưng rồi những sự khẩn cấp nào đấy xảy ra, và mọi thứ thay đổi. Mặc dù kết quả của một hành vi nào đấy đã được lên chương trình, nếu một hành động nào đấy mạnh mẽ hơn đến, các kết quả sẽ thay đổi.
HỎI: Tại sao quá nhiều người trẻ bị rắc rối về vấn đề tim mạch?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi nghĩ bởi vì căng thẳng. Cũng vì, sức mạnh nội tại yếu kém và quá nhiều dự tính từ bên ngoài. Và thêm nữa quá nhiều hoài bão hay tham vọng. Có lẽ, rắc rối về những cách ăn ở, ma túy và rượu chè. Tốt hơn nên hỏi bác sĩ!
HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, nhiều người hình như quá khư khư giữ lấy ngài cho riêng họ. Ngài xử trí vấn đề này như thế nào?
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Quý vị cứ chiếm hữu, nhưng việc ấy không làm nên điều gì khác biệt đối với tôi. Tôi chỉ ngồi đây thôi.
HỎI: Nhưng thưa Đức Thánh Thiện, nó tạo nên rắc rối cho những người khác.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Nếu nó tạo nên rắc rối, họ nên chấm dứt việc chiếm hữu. Có một câu hỏi tương tự như thế một lần nọ ở Đức Quốc. Ở đấy tôi nói rằng tôi xem tôi như được làm nên bởi những yếu tố đất, nước, gió, lửa. Bất cứ cách nào mà người khác có thể lợi lạc từ tôi, cầu cho họ được toại ý!
Sir Shankerla Hall, Modern School, 2002
Nguyên tác: Self-Develpment through the Six Perfections trích từ quyển Many Ways to Nirvana
Ẩn Tâm Lộ ngày 25/09/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét