Nguyễn Thanh Xuân (CMĐ)
Này các bạn hoạt động từ thiện thân mến,
Có bao giờ các bạn nhìn sâu vào lòng mình để tìm hiểu động lực nào thúc đẩy các bạn hoạt động từ thiện hay không? Chúng ta đã từng xác tín, trong những buổi họp mặt đông người hay trong khi đang sống một mình, rằng “làm từ thiện chính là tu tập”; nhưng chúng ta có bao giờ tịnh tâm quán chiếu để thấy rõ con đường từ thiện chúng ta đang đi không?
Có thấy rõ những động lực, có nhìn ra con đường đi thì chúng ta mới hăng say không ngừng nghỉ trên con đường tu tập đó. Giống như một người trong bước đầu phát khởi tâm bồ đề. Sơ tâm dù vững mạnh, nhưng nếu không biết nuôi dưỡng thì tâm ấy ngày một rụi tàn dần mòn trên đường đời đầy cám dổ lọc lừa.
Hãy đến đây, này các bạn, hãy cùng tôi, chúng ta ngồi xuống đây, tỉnh lặng, theo dỏi hơi thở, điều hợp thân tâm để quán chiếu sâu sắc con đường đi của mình.
Từ là khả năng, ý muốn mang niềm vui đến cho người. Thiện là điều tốt lành. Chúng ta chắc chắn tận trong sâu thẳm của lòng, luôn âm ỉ ý niệm này. Nhưng làm sao phát huy khả năng mang niềm vui đến cho người đây?
Chúng ta đã từng kinh qua trong cuộc sống, chúng ta có khoẽ mạnh thì mới có ý chí giúp đở người khác. Do đó sự nuôi dưỡng thân tâm là điều thiết yếu để cũng cố tâm từ thiện.
Trong Phật pháp có nhắc đến 4 loại thức ăn. Loại thứ nhất là đoàn thực hay đoản thực, tức là những thức ăn thường ngày đi thẳng vào đường miệng, qua bộ phận tiêu hoá để nuôi dưỡng thân. Loại thứ hai là xúc thực, là những thức ăn đi qua sáu căn. Tiến trình này xãy ra khi mắt, tai, mũi, lưởi, thân, ý của chúng ta tiếp xúc với hình sắc, tiếng động, mùi hương, vị nếm, va chạm, và các dữ kiện bên ngoài. Loại thức ăn này nuôi dưỡng cả thân và tâm. Loại thứ ba là tư thực hay niệm thực. Chính là những ước mơ, hoài bảo thực hiện trong đời. Và loại thứ tư là thức thực, chính là những thức ăn dành cho tâm thức hay A lại da thức, luôn đồng hành cùng chúng ta trong kiếp trước, đời này và đời sau.
Có hiểu được như vậy thì chúng ta mới có khả năng chọn lựa những thức ăn cần thiết nuôi dưỡng thân tâm, và tránh đi những thức ăn độc hại tàn phá thân tâm. Phât pháp tức thế gian pháp, chỉ cần chúng ta tỉnh giác chánh niệm trong từng giây phút, nhìn chung quanh chúng ta sẽ thấy được những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm, ngăn ngừa bệnh tật, kiên cố tâm từ thiện ban đầu.
Chúng ta may mắn sống ở Hoa Kỳ, một xứ sở hội đủ các yếu tố cần thiết để phát huy hoạt động từ thiện; từ những nhóm nhỏ dăm ba người, hoạt động khiêm nhường, chi tiêu vài ba ngàn đô la một năm, cho đến những hội đoàn có tầm vóc lớn, tài chánh dồi dào lên đến hàng tỉ bạc. Hãy nhìn và nghe những nhà từ thiện này làm gì và nói gì. Đây chính là thức ăn nuôi dưỡng tâm từ thiện của chúng ta.
Theo tác phẩm “Giving”, dịch đơn giản là “Cho” hay “Bố thí”, của Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton, xuất bản năm 2007, hiện có hơn 100 triệu trẻ em trong các quốc gia nghèo đói không được đến trường. Và hơn phân nửa dân số trên thế giới sống với mức lợi tức dưới 2 đô la một ngày. Làm thế nào để mỗi chúng ta có thể góp phần thay đổi thực trạng thế giới này? Đó là mục tiêu của tác phẩm.
Trong sách, ông Clinton kể lại những việc làm của một số nhà từ thiện mà ông gọi là vỉ nhân để làm gương và kêu gọi chúng ta phấn đấu để gia nhập vào hàng ngũ này.
Điều chúng ta cần quan tâm ở đây, không phải là tầm vóc của hội từ thiện, mà chính là những động lực thúc đẩy những nhà từ thiện nổ lực không ngừng nghỉ trên con đường đã chọn.
Bill and Melinda Gates Foundation là một hội từ thiện với hơn 63 tỉ đô la. Mục đích của hội là làm giảm bớt sự bất bình đẳng trên thế giới trong lảnh vực y tế, giáo dục và phát triển. Trong đó có sự trợ giúp giáo dục ở Hoa Kỳ và trợ giúp y tế ở các nước nghèo, nghiên cứu các phương pháp mới chống bệnh AIDS và các bệnh tật khác. Bill Gates phát biểu trong diển văn khai mạc ở đại học Harvard ngày 2/6/2007, động lực thúc đẩy ông trong công tác từ thiện là vì ông tin rằng mỗi đời sống có một giá trị ngang nhau. Tuy nhiên thực trạng thế giới đã diển biến ngược lại. Có những nơi mạng sống được coi trọng, và có những nơi hàng triệu trẻ em bị bỏ chết vì đói khát và bệnh tật. Theo ông, những trẻ em này bị bỏ chết vì các nhà tư bản thị trường và các chính quyền địa phương không quan tâm đến. Ông nói, chúng ta có thể làm giảm bớt sự bất bình đẳng này nếu chúng ta tìm ra phương cách vừa thoả mãn nhu cầu cần yếu của người nghèo vừa mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh.
Ông Warren Buffett, môt tỉ phú đứng hàng thứ 2 tại Hoa Kỳ đã cống hiến số cổ phần trị giá 30 tỉ đô la cho Hội từ thiện Bill and Melinda Gates. Động lực nào khiến ông Buffett làm như vậy? Ông nói: “Tôi sở dĩ giàu có vì các nhà đầu tư gửi tiền cho tôi tin rằng tôi có khả năng kiếm tiền hơn họ. Tôi tặng hội từ thiện Gates số tiền lớn vì tôi tin Bill và Melinda có khả năng tiêu tiền tốt hơn tôi.” Ông nói thêm: “Tôi được sinh ra ở một xứ sở tốt đẹp, vào một thời điềm tốt đẹp, và công việc của tôi, nếu so sánh với các giáo chức và các chiến sĩ, thì không tương xứng. Chỉ cần 1% tài sãn hiện có của tôi thôi, tôi đã có thể sống đủ. Do đó tôi chỉ tặng lại phần thặng dư, đối với tôi không có lợi ích bao nhiêu, nhưng rất cần đối với người khác.Những người tôi thật sự thán phục là những nhà hảo tâm nghèo đã dám từ bỏ một xuất hát hay một bửa ăn để giúp đở các người cần thiết hơn họ.”
Trong chúng ta, ắt hẳn cũng có hơn một lần xem chương trình của bà Oprah Winfrey trên đài truyền hình. Hội từ thiện của bà, Oprah Winfrey’s Angel Network, đã tài trợ60 trường học trong 13 quốc gia ở Phi Châu, Châu Mỹ Latin, Trung quốc, và Haiti.
Ngoài ra bà cũng đã chi 40 triệu đô la, tiền của chính mình, để thành lập trường học cho các bé gái (OprahWinfrey Leadership Academy for Girls) tại Nam Phi.
Bà Oprah thuở nhỏ rất nghèo, chỉ mặc áo may bằng các bao bì. Tuy nhiên với tinh thần dũng mãnh bà đã vượt qua mọi trở ngại và thành công trong sự nghiệp. Bà tâm sự: “Tôi muốn cho lại những gì tôi đã nhận. Tôi muốn giúp những bé gái như tôi, nghèo khó về tài chánh nhưng không nghèo về tinh thần. Tôi rất vui để giúp người khác vì những gì họ làm cho tôi lớn hơn là tôi có thể tưởng tượng.”
Đó là tấm gương của những nhà từ thiện có cơ may, được sinh ra đúng nơi, đúng lúc, và trở nên giàu có. Những gì họ làm và những gì họ nói đáng cho chúng ta suy gẩm trong khi dấn thân trên con đường từ thiện.
Thế còn những người kém may mắn hơn họ thì sao? Cuộc sống những người này ra sao, và họ làm từ thiện như thế nào?
Hãy nghe chuyện kể về bà Oseola McCarty, da đen 87 tuổi, ở Hattiesburg, Mississippi đã trao tặng 150.000 đô la cho đại học Nam Mississippi để thành lập học bổng cho học sinh Mỹ gốc Phi châu. Ròng rả trong hơn 75 năm, bà McCarty giặt ủi quần áo để mưu sinh. Bà sống rất cần kiệm, không có ngay đến một chiếc xe để di chuyển. Ở tuổi 87 bà vẫn phải đi bộ trên một dặm đường đến tiệm thực phẩm để mua thức ăn. Lúc trẻ, bà không được đến trường học vì thời đó người ta kỳ thị màu da. Bà tâm sự: “Tôi muốn trợ cấp học bổng cho những trẻ em cần đến nó, cho những cha mẹ không có khả năng giúp đở con của họ. Tôi đã già để đi học, nhưng bọn trẻ thì có thể.”
Mới vừa rồi đây, ngày 29/4/2010 tạp chí Time đã công bố danh sách 100 nhân vật tiêu biểu trên thế giới trong năm 2010. Trong đó bà Trần Thụ Cúc (Chen Shu Chu), 61 tuổi, người Đài Loan, đứng vào hàng thứ tám trong nhóm được mệnh danh là anh hùng (heroes). Cựu tổng thống Bill Clinton là người đứng đầu trong nhóm này. Bà Cúc được tạp chí Time bình chọn vì tổng số tiền bà cống hiến cho từ thiện, gồm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và xây dựng thư viện, lên tới 10 triệu Đài tệ (320.000 mỹ kim), trong khi lợi tức bán rau mưu sinh của bà chỉ có 1 Đài tệ mỗi ngày (1 mỹ kim=30 Đài tệ). Bà kể lại, năm 13 tuổi, mẹ bà qua đời nên bà phải trông coi sạp rau của mẹ để lại để nuôi các em ăn học, đến nay được 48 năm. Động lực thúc đẩy bà phát tâm từ thiện là khi thấy các trẻ em bằng tuổi các em của bà sống khổ sở. Được hỏi cảm nghĩ khi được giải, bà Cúc trả lời mộc mạc: “Lảnh giải gì cũng không quan trọng, bán được nhiều rau, có tiền giúp đở người khác mới là quan trọng. Tiền phải dùng cho người cần mới là hữu ích.”
Các bạn hoạt động từ thiện thân mến, chắc hẳn các bạn đồng ý với tôi rằng chúng ta đã học rất nhiều từ những suy tư và việc làm của các nhà từ thiện trên. Dù ở tầm vóc nào, họ luôn biểu lộ một đức khiêm cung và một tâm từ không biên giới. Họ làm những gì cần phải làm, không kiêu ngạo, không đặt mình cao hơn người nhận, và không mệt mỏi trên con đường đã chọn.
Nếu mỗi ngày chúng ta nuôi dưỡng tâm mình bằng những thức ăn lợi dưỡng này thì chắc chắn chúng ta sẽ nghe thấy nhẹ nhàng thanh thản hơn trên bước đường từ thiện, thực tập hạnh bồ tát. Chúng ta sẽ không còn cắn đắn so đo bởi cái người-cái ta, cái được-cái mất, cái như ý-cái bất như ý; mà chỉ còn tràn đầy trong tâm một tấm lòng từ “hiểu và thương”.
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét