Thanh Nguyên là một
trong số Phật tử sống tại quận Tân Bình, Gò Vấp thường xuyên làm từ thiện tự
nguyện. Riêng gia đình của cô Thanh Nguyên, chị em, con cái đều đồng lòng phát
tâm tùy hỷ thường xuyên cho các công tác thiện nguyện.
Mỗi tháng 4 lần, thường
xuyên nấu cơm phân phát cho bệnh nhân, nhân viên tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Hàng tuần, thứ Bảy Chủ Nhật, nấu cơm cúng dường cho hàng trăm Tăng Ni sinh tại
Học viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm) Phú Nhuận. Như những lần trước đây, ngày
16/10/2014, nhóm Phật tử nầy đến ủy lạo bệnh viện Tâm thần – Thủ Đức với 1,300
phần quà gồm: áo quần và bánh kẹo.
Bệnh viện tâm thần do
nhà nước quản lý có 1,282 bệnh nhân, chia làm 7 khoa, riêng khoa E và D là bệnh
nặng nhất, lao, thiểu năng, thậm chí đời sống thực vật. Nhân viên làm việc tận
tụy, chịu khó; cơ sở vật chất tạm ổn. Nhà bếp làm việc trong tình trạng oi bức
giữa các bếp lò luôn hừng hực cháy. Theo bảng công khai thực đơn và chi phí,
hàng ngày đều thay đổi các món ăn, chi phí một ngày gần 52 triệu đồng. Một số bệnh
nhân nhẹ đều phải lao động.
Các mạnh thường quân và
nhà tài trợ thường xuyên thăm viếng nên đời sống nơi đây tương đối đầy đủ.
Theo cô Thanh Nguyên
cho biết, ba năm trước, cô theo các con làm từ thiện, giờ trở thành thói quen,
toàn bộ gia đình đều phát tâm đóng góp, không kêu gọi, ai biết thì hùn phước,
không góp của thì góp công. Trong nhóm đi hôm nay có cô Hà, kỹ thuật viên có
tay nghề cao về châm cứu từng làm phòng thuốc từ thiện của chùa. Nhóm từ thiện
cũng có chị Liên, ngôi nhà riêng ở Gò Vấp, biến chỗ ở thành phòng làm tranh tượng
đi cúng dường các nơi, vợ chồng đều phát tâm chế tác tranh tượng với sự tiếp
tay của lương y Phan văn Sang và các anh chị em chợ Gò Vấp. Tất cả đều trường
trai và nhiệt tình thâm tín Tam Bảo.
Miền Nam trước và
sau 1975, mãi đến hôm nay, rất nhiều cư sĩ phát tâm âm thầm làm từ thiện. Có
người bán cơm chay với giá bằng ly trà đá, có người xây cầu làm trường, dựng
nhà tình thương, có người chăm sóc người neo đơn trong các bệnh viện, có vị làm
tranh tượng, phục chế pháp khí để cúng dường. Tất cả tự phát mà không kêu gọi,
không tổ chức. Công hạnh vô tâm, vô tư của người con Phật lặng lẽ suốt năm
tháng len lỏi vào mọi ngõ ngách trong xã hội như một hạnh nguyện của Bồ Tát. Thật
đáng tán dương, tuy là phước hữu lậu, nhưng nói lên công hạnh phát xuất từ đáy
lòng những người con Phật không cần ai ban tặng khen thưởng hay vinh danh.
MINH
MẪN
17/10/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét