3 of 755
HTTuyên Hóa (宣化上人)
Hỏi: Tuần lễ thứ ba của tháng sau là sinh nhật của Sư phụ, chúng con có thể tổ chức lễ mừng sinh nhật cho Sư Phụ chăng?
Đáp: Tôi không ăn mừng sinh nhật! Về sau, tôi đều không có sinh nhật. Ngày nào mà quý vị làm sinh nhật cho tôi, thì tôi sẽ chết. Nếu quý vị muốn cho tôi chết, thì cứ làm; còn nếu không muốn cho tôi chết, thì đừng làm! Nói tóm lại, tổ chức lễ mừng sinh nhật là điều không nên. Vì sao lại không nên?
Bởi vì “sinh nhật” là ngày chúng ta được sinh ra đời, song, đồng thời cũng là ngày “thập tử nhất sanh” của mẹ chúng ta! Đó là “nạn nhật,” một ngày mà người mẹ lâm nạn, nguy hiểm đến tánh mạng.
“Nạn nhật” của mẹ thì chúng ta phải niệm Phật nhiều hơn, làm công đức nhiều hơn, làm điều tốt nhiều hơn.
Nếu chúng ta tụ tập ăn uống linh đình, ồn ào náo nhiệt, lại còn thâu nhận đồ cúng dường, quà cáp của người khác, thì đây là một việc rất không đúng! Có điều, tôi không muốn nói ra, vì nếu tôi nói ra thì sẽ làm cho rất nhiều người trong quý vị không được vui, lại còn phàn nàn: “Chúng con ai nấy đều có làm sinh nhật cả; Sư phụ nói như vậy khiến cho chúng con không biết nên làm thế nào cho phải?”
Tôi lại hỏi quý vị: Quý vị có biết tổ chức ăn mừng sinh nhật, bất luận là người xuất gia hay tại gia, ai nấy cũng đều có tham cái gì không?
Tham náo nhiệt—đó là điều thứ nhất.
Còn điều thứ hai là gì? Ấy là tham quà tặng, tham lễ vật.
Mừng sinh nhật mà—người thì đem tặng món quà này, kẻ thì biếu cho món quà nọ. Cha mẹ cũng tặng quà sinh nhật cho con cái. Sinh nhật của đứa trẻ con, ít nhất cũng phải tặng cho nó vài món đồ chơi, khiến cho nó mừng rỡ, thích thú.
Thật ra, đây là việc không cần thiết. “Sinh nhật” là ngày mình sinh ra đời—vì sao cần phải ăn mừng? Chúng ta vừa đến cõi đời này là bật khóc ngay, thế thì có gì đáng để ăn mừng nữa chứ? Quý vị cũng thấy đó—trẻ con vừa mở mắt chào đời là khóc thét lên: “Khổ a! Khổ a!”! Lúc đó đứa bé vì chưa biết nói, cho nên chỉ biết dùng tiếng khóc để bày tỏ nỗi niềm: “Khổ a! Khổ a! Đây là khổ a!”
Vì vậy, tôi muốn sửa đổi tập tục này. Quý vị đừng nên cố chấp; chúng ta cần phải phá bỏ mọi chấp trước mới được. Quý vị nghĩ xem, tôi dạy quý vị đừng tham lam, đừng tranh giành, đừng truy cầu, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối; thế mà nếu chính tôi lại mượn cớ làm sinh nhật để nhận “phong bì đỏ” (đựng tiền cúng dường) của mọi người, thì quả thật là chẳng có giá trị gì cả!
Có một đệ tử quy y của tôi nói rằng: “Sư phụ không ăn mừng sinh nhật, khiến con không có cơ hội để bày tỏ lòng thành của mình được. Vậy thì con phải làm sao đây?”
Tôi mách cho quý vị một biện pháp: Quý vị hãy niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát cho thật nhiều! Mỗi ngày, quý vị hãy thay tôi mà niệm danh hiệu các Ngài mười vạn tiếng, như thế chính là chúc mừng sinh nhật cho tôi vậy.
Quý vị có làm được không? Đó mới là thật sự làm sinh nhật cho tôi; người tính không bằng trời tính vậy!!!
Địa Tạng Vương Bồ Tát đời đời kiếp kiếp đều rất hiếu thảo với cha mẹ, do đó bộ Kinh Địa Tạng này chính là một bộ kinh về đạo hiếu (hiếu kinh) của Phật Giáo. Hiếu là nền tảng của con người. Làm con mà chẳng hiếu thuận với cha mẹ tức là trọn một đời chưa chu toàn trách nhiệm làm người; vì sao ư? Cha mẹ sinh ra ta, nuôi nấng ta, nếu ta được lớn khôn mà chẳng biết báo đáp công ơn, thì chính là chưa tròn nghĩa vụ làm người vậy.
“Hiếu” được chia làm bốn loại: Tiểu hiếu, Đại hiếu, Viễn hiếu và Cận hiếu. Thế nào gọi là “tiểu hiếu”? Tiểu hiếu là hiếu đạo trong phạm vi gia đình, tức là chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột của mình, chứ không hiếu thảo với tất cả mọi người, chưa có được lòng hiếu thảo bao la, quảng đại.
“Hiếu quảng đại” là gì? Đó chính là “đại hiếu”—hiếu thuận với khắp thiên hạ, xem tất cả các bậc cha mẹ trên đời như là cha mẹ của mình. Đây gọi là hiếu thuận với tất cả mọi người. Thế nhưng, đại hiếu vẫn chưa phải là hiếu thuận chân chánh.
Thế nào là “hiếu thuận chân chánh”? Chỉ khi nào quý vị thành Phật mới gọi là có lòng hiếu thảo chân chánh, mới là “chân hiếu.” Đây là một loại hiếu thảo đích thực, rốt ráo, vượt hẳn bốn loại hiếu kia.
Thế nào gọi là “cận hiếu”? Noi gương những người con chí hiếu thời cận đại, học cách hiếu thuận cha mẹ của họ—đó gọi là “cận hiếu.”
“Viễn hiếu” là gương hiếu thảo được muôn thế hệ truyền tụng và noi theo; còn cận hiếu là sự hiếu thuận đương thời. Cận hiếu cũng có thể gọi là tiểu hiếu, mặc dù vẫn có vài điểm bất đồng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét